Gs. Trần Anh Tuấn: Về bộ Lịch Sử Việt Nam 15 tập của Viện Sử Học Hà Nội

26 Tháng Sáu 20187:01 CH(Xem: 8619)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ TƯ 27 JUNE 2018


LTS: Nhân một sự kiện lớn trong giới sử gia, sử học Việt Nam là Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, qua đời ở Hà Nội hôm 23/6/2018, Văn Hóa đăng lại các bài viết của Giáo sư Trần Anh Tuấn, một học giả tại Hoa Kỳ, liên quan đến sử học tại Việt Nam. Trân trọng mời quý bạn dọc theo dõi. (VH)


* Vài hàng tiểu sử Gs Trần Anh Tuấn cuối bài.


Gs. Trần Anh Tuấn: Chúng ta thấy gì, qua những lần Việt Nam Sử Lược được tái bản trong nước?


20 Tháng Ba 201811:11 CH(Xem: 494)


VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ  TƯ  21 MAR 2018


Chúng ta thấy gì, qua những lần Việt Nam  Sử Lược được tái bản trong nước?


image013


TRẦN ANH TUẤN


Sau lần xuất bản đầu tiên năm 1920, Việt Nam Sử Lược được tái bản nhiều lần cho chúng ta thấy ảnh hưởng mạnh mẽ và xuyên suốt của một sử phẩm trong thế kỷ XX và XXI qua tất cả những chế độ khác nhau kể cả đối kháng nhau.


Thời Pháp thuộc, sách được xuất bản năm 1920 và tái bản một lần trong những năm 1926 (Quyển Thượng) và 1928 (Quyển Hạ). Thời quốc gia Việt Nam với Bảo Đại làm quốc trưởng, sách được tái bản 3 lần trong những năm 1949, 1951, và 1954.


image014

VNSL tái bản lần thứ nhất, Quyển Hạ, 1928 (Kho sách TAT)


Trên đây là bốn lần Việt Nam Sử Lược tái bản khi Trần Trọng Kim còn sinh tiền và sách đều được "Sửa-chữa cẩn-thận" như chính tác giả ghi trên bìa. Thời Việt Nam Cộng Hoà, khi Trần Trọng Kim không còn nữa (tác giả mất ngày 2.12.1953) thì sách được tái bản ba lần trong những năm 1958, 1964, và 1971.


Ngoài ra, sau năm 1975, một số nhà xuất bản tư nhân tại hải ngoại đã lợi dụng sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà mà tự do in lại bộ sách nên chúng tôi không thể kiểm chứng hết số lần tái bản.


Đặc biệt, thời Đảng Cộng Sản nắm chính quyền thì số phận của Việt Nam Sử Lược được đối xử rất mâu thuẫn, tỏ lộ tính không nhất quán thường thấy trong ngành sử học mác-xít, vốn có xu hướng thay đổi quan điểm theo từng giai đoạn khác nhau.


Trước hết là giai đoạn kết án


Trong gần nửa thế kỷ, từ thập niên 1950 đến thập niên 1990, giới cán bộ Sử Học miền Bắc liên tục kết án tác phẩm và phỉ báng tác giả.


Trần Huy Liệu, viên viện trưởng đầu tiên của Viện Sử Học đồng thời là Bộ Trưởng Bộ Tuyên Truyền trong chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, ngay năm 1955 khi từ chiến khu về thủ đô Hà Nội đã kết án nặng nề tác phẩm và tác giả qua bài viết tựa đề "Bóc trần quan điểm thực dân và phong kiến trong quyển Việt-nam sử lược của Trần-trọng-Kim." (Nghiên Cứu Văn Sử Địa, số 6, tháng 3-4.1955).


image015

VNSL tái bản lần thứ ba 1951 (Kho sách TAT)


Đến thập niên 1960, trên Nghiên Cứu Lịch Sử -cơ quan ngôn luận chính thức của Viện Sử Học thay thế cho tập san Nghiên Cứu Văn Sử Địa- lại có bài "Tăng cường đấu tranh tư tưởng trong lĩnh vực sử học. Đánh bại những quan điểm phản động và luận điệu xuyên tạc lịch sử dân tộc Việt Nam" của Bùi Đình Thanh (NCLS số 60, 3.1964, tt. 11-18&25). Bài viết nói đến "bọn phản động ở miền Nam đội lốt sử học" điển  hình là Nghiêm Xuân Hồng qua tác phẩm Lịch Trình Diễn Biến Phong Trào Quốc Gia Việt Nam đã "phục vụ trực tiếp cho sự xâm nhập của đế quốc Mỹ vào miền Nam (?)" (trang 17).


Sau đó năm 1964, Nghiên Cứu Lịch Sử xét "Vài nét về tình hình sử học miền Nam hiện nay" trong số 61 (4.1964, tt. 6-12) để "tác chiến chống những sử gia phản động ở miền Nam." Tác giả bài viết,  một người tên Đinh Việt Nam nào đó, mệnh danh "giới sử học thời Việt Nam Cộng Hoà là bè lũ tay sai đế quốc Mỹ, bè lũ Mỹ-Diệm" (trang 6). Về cá nhân thì Nguyễn Phương có "một thứ luận điệu vô sỉ, giọng lưỡi bịp bợm lập lại nhận định của Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược" (trang 7), và Ưng Trình đã "tô son trát phấn cho mụ Từ Dụ" (trang 9),  còn Phan Xuân Hoà thì "có luận điệu vu cáo xảo trá, uốn lưỡi cú diều biện chính cho việc đế quốc Mỹ xâm nhập miền Nam"  (trang 10).


Đến thập niên 1980 thì Văn Tạo, một viện trưởng khác của Viện Sử Học lên gân năm 1981: "...những người làm công tác sử học Việt Nam đã bóc trần các quan điểm sử học thực dân phong kiến trong một số sách lịch sử do bọn bồi bút thực dân biên soạn, mà tiêu biểu là cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim." Xin xem Văn Tạo, "Khoa Học Lịch Sử Việt Nam Trong Mấy Chục Năm Qua" trong Sử Học Việt Nam Trên Đường Phát Triển, Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1981, tr. 22-23. 


Cuối thập niên 1980 thì một lần nữa, Văn Tạo nhắc lại "quan điểm sử học phản động của Trần Trọng Kim" trong bài "30 năm tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử và sự cống hiến của nhà sử học Trần Huy Liệu" trên NCLS số 3+4 (246-247),  1989, tr. 3.


Vậy đó, cả một quá trình thông tin tuyên truyền để phỉ báng sử gia Trần Trọng Kim nói riêng và giới sử học Việt Nam Cộng Hoà nói chung kéo dài suốt nửa thế kỷ.


 

Giai đoạn thoát khỏi chính sách thông tin tuyên truyền

 


Bắt đầu từ thập niên 1990, độc giả không còn thấy ai trong giới sử học Hà Nội công kích hay kết án Việt Nam Sử Lược nữa. Đến năm 1994 thì Hội Khoa Học Lịch Sử cho xuất bản một chuyên san. Đó là Xưa&Nay.


Là hai cơ quan ngôn luận của hai thực thể khác nhau, Xưa&Nay khác với Nghiên Cứu Lịch Sử về nội dung lẫn đối tượng.


Nội dung của nguyệt san Nghiên Cứu Lịch Sử (Viện Sử Học) là tiếng nói chuyên nghiệp với những bài viết có tính cách hàn lâm, đủ cả cước chú thư mục và dài hàng 5-7 trang hay hơn nữa. Tính cách khô khan của nội dung Nghiên Cứu Lịch Sử chính là những lý thuyết, nhận định, và hướng dẫn cho giới nghiên cứu và giảng dạy sử học Hà Nội phục vụ chính trị, ở đây phải nói rõ là sử học mác-xít tức thông tin tuyên truyền.


Xưa&Nay (Hội Khoa Học Lịch Sử) trái lại, là bán nguyệt san mà đối tượng là đại chúng có nhu cầu học sử và ham thích đọc sử. Bài trong Xưa&Nay rất ngắn, khoảng 2-3 trang mà thường là ngắn hơn nữa. Bên cạnh một số bài có tính cách nghiên cứu là những mẩu hồi ký, những phát hiện mới kể cả những lượm lặt một hai chi tiết về biến cố hay nhân vật mà có người tình cờ chứng kiến hay tham dự ghi lại. Nội dung trong Xưa&Nay vì thế nhẹ nhàng, ngắn gọn, và dễ đọc, nhất là vì bài thường có hình ảnh lịch sử kèm theo.


Về phương diện chính trị, Nghiên Cứu Lịch Sử chuyên chở bài vở của các tác giả thuộc Viện Sử Học. Tác giả ngoại quốc đa số không ai khác hơn là người Liên Xô với những bài chủ yếu dạy cách viết sử mác-xít, thường ký tên ép lép hay cốp rốp, như Bi-ri-u-cô-vích, Cốt-xơ-min-ski. Giu-cốp, Gu-Lư-Ga, Kôvachenkô, Lê-vi-ski, Phêđôxêép, Ô-de-rốp, Pi-gu-lép-scai-a, Pô-chê-khin, Taratuta,Tikhvinski, Xin-kô-li-kin, Y-a-xun-sky...


Còn Xưa&Nay là sân chơi của Hội Khoa Học Lịch Sử khi ra biển lớn thời Đổi Mới, là nơi không còn phải kiêng cử vì chủ trương và những định kiến ta-địch suốt từ thập niên 1950 đến cuối thập niên 1980, và là nơi mở ra cho tiếng nói của người trong và ngoài nước được hội tụ. Do đó, nội dung của Xưa&Nay gồm nhiều bài của nhiều tác giả phương Tây và người gốc Việt tại hải ngoại.


Pháp, như Raymond Aubrac, Claude Blanchemaison, Georges Boudarel, Pierre Brocheux, Michel Cartier, Michel Cassagnes, Francoise Chandernagor, Philippe Chaplain, Jean Chesneaux, George Codominas, Jean Cusso, Jacques Dalloz, René de Clère, J.C. Demariaux, Georges Duby, Philippe le Failler, Charles Fourniau, Philippe Franchini, Jean-Michet Gaillard, Gilles de Gantès, Paulette Girard, Christopher E. Goscha, Mathieu Guérin, Andrew Hardy, Daniel Hémery, Génin Hugo, Alfred Kroeber, Philippe Langlet, Charles Macdonal, France Mangin, André Menras, Xavier Monthéard, Patrice Morlat, Jean Lacouture, Philippe Papin, Jacques Paviot, Pascal Picq, Lean-Claude Pomonti, Ignacio Ramonet, Alain Ruscio, Gérard Sasges, Oliver Tessier, Vincent Thierry, Pierre Thomas, Léon Vandermeersch... Mỹ, như Lady Borton, Peter DeCaro, William J. Duiker, Jason Gibbs, David Halberstam, Stanley Karnow, Jean Kean, David Marr, O'Harrow, A. Patti, J.R. Starobin, Keith Taylor, Bradley Thomson (sic!)... Đức, như Heinz Schutte.  Hà Lan, như John Kleinen.  Ý, như Blamcamaria Fontana. Liên Xô, như I.B. Bukharkin, D.V. Deopik, Vadim Kozinop, B.N. Saplin, A.A. Sokolov... Iran, như Yousef Madjizadeh. Úc, như John Caldwell, Andrew Higgins, Alex Leonard, Carthlyle Thayer. Tân Tây Lan, như Allison I. Diem. Nhật, như Kawaguchi Kenichi, Nishimura Masanari, Takamasa Saito, Eto Shinkichi, Izumi Takahashi, Yoshiharu Tsuboi. Mông Cổ, như Li Tana. Đại Hàn, như Jae Hyun, Lee Keum Yeop, Choi Ki Young... Indonesia, như Asvi Warman Adam. Singapore, như Philip Taylor.


 Và đặc biệt nhất là các tác giả gốc Việt. Ở Pháp, có Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Bá Lăng, Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Đinh Trọng Hiếu, Phan Thị Minh Lễ, Trịnh Văn Thảo... Ở Hoa Kỳ, có Kiều Quang Chẩn, Nguyễn Duy Chính, Nguyễn Tà Cúc, Bùi Minh Đức (?), Lê Xuân Khoa, Đàm Trung Pháp, Hồ Huệ Tâm, Hồ Bạch Thảo, Tạ Chí Đại Trường, Đỗ Đình Tuân (?), Trần Anh Tuấn... Ở Canada, có Vĩnh Sính. Ở Úc, có Nguyễn Hưng Quốc.


Từ năm 2004, Xưa&Nay đã có bài ca tụng lương tâm và phẩm cách của một kẻ sĩ-học giả tức Trần Trọng Kim trong bài "Trần Trọng Kim trong góc khuất của lịch sử" của Hà Vinh (XN số 212, tháng 5.2004, tr. 11-13).


Tác giả đã công phu tìm hiểu cặn kẽ thân thế Trần Trọng Kim và ca tụng công cuộc chấn hưng nền quốc học của sử gia họ Trần qua những bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Luân Lý Giáo Khoa Thư, tác phẩm Nho Giáo, Phật Giáo, Lão Giáo... cũng như công trình vun đắp văn hoá dân tộc của Cụ qua các tác phẩm Đường Thi, Việt Thi, Truyện Thúy Kiều...


Về Việt Nam Sử Lược, tác giả Hà Vinh trang trọng giới thiệu như một sử phẩm có giá trị  được nhiều thế hệ ưa thích vì nó vừa cô đọng vừa cụ thể, hấp dẫn và có tính phê phán. Điều rất đặc biệt là trong bài viết này, Hà Vinh đã tiết lộ rằng lãnh tụ Hồ Chí Minh của họ đã đọc Việt Nam Sử Lược để học sử.


"Bác Hồ" đã thế, thử hỏi giới cán bộ chuyên về sử lớp đầu tiên như Nguyễn Văn Huyên, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giáp, Nguyễn Khánh Toàn, Đào Duy Anh... đọc gì để học thông sử của dân Việt? Rồi lớp sau như Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng nữa?


Thực tế trong những thập niên 1940-1950 thì sách Việt Nam Sử Lược dễ đọc, dễ hiểu, và nhất là dễ tìm. Ngoài Việt Nam Sử Lược ra thì chỉ còn những bộ sách chữ Hán, chữ Pháp khó đọc, khó hiểu, và nhất là khó tìm trong hoàn cảnh làng quê hay núi rừng là những chiến khu của Đảng Cộng Sản Việt Nam!


Trong Xưa&Nay số 346 (12.2009), một tác giả là Mai Khắc Ứng đã nhận định Trần Trọng Kim là "một người viết sử rạch ròi, phân minh... một học giả có nhân cách..." Mai Khắc Ứng còn cho biết chính thầy học của ông, Trần Quốc Vượng, đã rỉ tai khuyên ông tìm đọc Việt Nam Sử Lược.


Trần Quốc Vượng là một trong "Tứ Trụ Triều Đình," gồm các giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, và Trần Quốc Vượng. Hai người Đinh Xuân Lâm (1925-2017) và Trần Quốc Vượng (1934-2005) đã mất, giáo sư Hà Văn Tấn hiện yếu mệt, tay run viết rất khó khăn. Chỉ còn lại giáo sư Phan Huy Lê, người can đảm viết rõ chuyện viên viện trưởng Viện Sử Học Trần Huy Liệu bịa đặt ra nhân vật lịch sử Lê Văn Tám để thông tin tuyên truyền. Xin xem: "Về câu chuyện Lê Văn Tám" trong Xưa&Nay số 340 (9.2009), tr. 8-11. Bài viết đó của giáo sư Phan Huy Lê cho thấy, bên cạnh vai trò cán bộ đảng viên nặng nề trong bài viết, độc giả vẫn nhận ra thấp thoáng hình ảnh của một sử gia! 


Liệu giáo sư Lê có tiếp tục can đảm -theo truyền thống của gia tộc Phan Huy- nói rõ "số phận" của sử phẩm Việt Nam Sử Lược dưới chế độ Cộng Sản, sau khi đã tuyên bố, nguyên văn trong bài Lê Văn Tám vừa dẫn, trang 11: "Đối với sử học, tôn trọng sự thật, tìm ra sự thật, xác minh sự thật là một nguyên tắc cao cả thuộc về phẩm chất và chức năng của nhà sử học"?


Trước Phan Huy Lê hai năm, năm 2007, Tạ Ngọc Liễn trong Viện Sử Học đã có bài
"Sử học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX và những đặc điểm của nó" trong Nghiên Cứu Lịch Sử số 8 (2007, tr. 11-20). Trong bài này, tác giả xác định Phan Bội Châu  là người mở đầu cho nền sử học mới ở Việt Nam, vì cụ viết Việt Nam Vong Quốc Sử in năm 1905, và Việt Nam Quốc Sử Khảo in năm 1909.


Nhận định này theo cùng nếp suy nghĩ của một tác giả người Pháp là Georges Boudarel trước đó 40 năm, năm 1969 trong tạp chí France-Asie (Bài "Phan Boi Chau et la société Vietnamienne de son temps," France-Asie số 4).


Nhưng bản chất của hai quyển sách này không phải là nghiên cứu sử học, mà là tài liệu thông tin có mục đích chống Pháp, khích động niềm tự hào dân tộc đồng thời phơi ra ánh sáng nỗi nhục của người dân mất nước để thúc đẩy đồng bào, nhất là thanh niên, đứng lên đánh đuổi bọn thực dân cướp nước. Huống chi hai tập Việt Nam Vong Quốc SửViệt Nam Quốc Sử Khảo đều là sách viết bằng chữ Tàu và xuất bản bên Tàu (quyển trước) bên Nhật (quyển sau). Chưa kể Việt Nam Vong Quốc Sử còn có sự tham dự nặng nề của ngòi bút Lương Khải Siêu.


Điều đáng ngạc nhiên, là càng về sau cho đến tận kết luận của bài viết, Tạ Ngọc Liễn càng ca tụng Việt Nam Sử Lược.


Nào là "uyên bác và vững chắc trong học thuật... khiến chúng ta không thể không kính phục." Nào là "Nếu thống kê các tác phẩm thuộc về sử học được viết trong nửa đầu thế kỷ XX... sách thông sử chỉ có một bộ là Việt Nam Sử Lược." Nào là "Trong nhiều năm qua, những người yêu thích sử vẫn tìm đọc Việt Nam Sử Lược, khen ngợi tác phẩm này, với lý do đơn giản, đây là một bộ sử có nhiều sử liệu, nhiều sự kiện lịch sử, ít những lời bình tán mang tính chủ quan..." Nào là "Việt Nam Sử Lược không chỉ là bộ thông sử đầu tiên mà còn là bộ thông sử viết bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên ở nước ta." Nào là "... ngoài thái độ cẩn mật, nghiêm túc ra, tác giả (tức Trần Trọng Kim) còn nêu cao tinh thần khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử được ghi chép ở sử cũ."


Kết luận của Tạ Ngọc Liễn là ngòi bút viết sử Trần Trọng Kim đã hoàn tất "việc tìm kiếm tư liệu, giám định, hiệu chỉnh sử liệu, khôi phục sự kiện, tạo dựng lại bức tranh lịch sử một cách khách quan, không tô vẽ lịch sử theo chủ quan của mình."


Thật là những nhận định -đúng ra là những sự ca tụng- rất cụ thể và hết sức chi tiết. 


Cái khéo của ngòi bút họ Tạ ở Hà Nội là ông không dành những phẩm chất cao quí của người viết sử cho riêng Trần Trọng Kim, vì bên cạnh sử gia họ Trần ông kèm tên tuổi của nhiều người theo Đảng Cộng Sản Việt Nam, là Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Tố, Đào Duy Anh, và Hoàng Xuân Hãn. Và bên cạnh Việt Nam Sử LượcLe Bouddhisme en Annam des Origines au XIIIè Siècle (Trần Văn Giáp, 1932), Les Chants Alternés des Garcons et des Filles en Annam (Nguyễn Văn Huyên, 1933), Sử Ta So Với Sử Tầu (Nguyễn Văn Tố, trong tạp chí  Tri Tân, 1941-44), Việt Nam Văn Hoá Sử Cương (Đào Duy Anh, 1938), Lý Thường Kiệt (Hoàng Xuân Hãn, 1949), vân vân.


Năm 2012, trên tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử, Phan Trọng Báu viết bài "Vài nét về bộ sách giáo khoa bậc sơ học của Trần Trọng Kim" nhằm đóng góp ý kiến cho giới soạn sách giáo khoa hiện thời (NCLS, số  7, 2012, tr. 60-67).


Nhưng đó chính là dịp cho tác giả Phan Trọng Báu trong Viện Sử Học ca tụng họ Trần là "... người sâu sắc cựu học vững vàng tân học... văn phong thống nhất, trong sáng và dễ hiểu... Sách giáo khoa do Trần Trọng Kim chủ biên đã có tính dân tộc rất cao... nhằm nêu gương sáng về đạo đức cần kiệm liêm chính tu thân tề gia trị quốc... Nhóm biên soạn đứng đầu là Trần Trọng Kim xứng đáng được đánh giá cao là những nhà sư phạm sáng giá, những nhà biên soạn sách giáo khoa mẫu mực..."


Thật khác với thái độ hung hăng bóc trần bồi bút thực dân phong kiến Trần Trọng Kim của Trần Huy Liệu, viện trưởng Viện Sử Học trong thập niên 1950, và Văn Tạo, viện trưởng Viện Sử Học trong thập niên 1980.


Năm 2014, Xưa&Nay đăng lại bài "Lịch sử sự thật và sử học" của Hà Văn Tấn. Đây thực ra là bài viết đã được phổ biến từ năm 1988 và Xưa&Nay đã đăng lại năm 1994, đến nay đăng lại lần thứ ba (XN số 445, tháng 3.2014, trang 5-7) như một bản tự phê về cách viết sử một chiều của chế độ mà xã hội nay đã đến giai đoạn phải "nhìn thẳng vào sự thật và viết đúng sự thật."


Đây chính là phản ứng của một trí thức về -ngôn từ của chính tác giả- "nỗi đau nội tâm, bị tê tái bị dằn vặt lâu năm" trong một xã hội mà "mọi sự thật bị che đậy hay bị xuyên tạc." Và toà soạn tạp chí Xưa&Nay đăng lại thêm một lần nữa như tuyên ngôn, hơn thế nữa, như tôn chỉ của giới sử học Việt Nam bây giờ, cũng có nghĩa là chứng tỏ tính chuyên nghiệp của họ khi ra biển lớn để gặp giới sử học quốc tế. 


Tiếp theo tiếng nói của giáo sư Hà Văn Tấn, giáo sư Vũ Dương Ninh lên tiếng trong bài "Vị trí của môn Lịch Sử trong nền giáo dục phổ thông. Hiện trạng và giải pháp" phổ biến trong Xưa&Nay số 465, tháng 11.2015, trang 8-10. Nhà giáo Vũ Dương Ninh than trách chuyện trong và̉i chục năm qua, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Hà Nội đã đối xử, nguyên văn, "không đúng đắn, thiểu công bằng, có phần tùy tiện..." Ba tính cách này được tác giả liệt kê chi tiết, gồm sự việc môn sử không là môn thi chính thức trong chương trình thi tốt nghiệp phổ thông, môn sử và địa bị quy định luân phiên, năm nay thi môn sử thì năm sau thi môn địa, rồi môn sử là môn thay thế và tự chọn, nghĩa là học sinh có thể chọn thi môn ngoại ngữ hay môn sử, hoàn toàn không bắt buộc phải học. Cuối cùng, theo chương trình mới của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Hà Nội thì ngày nay môn sử mất cả chính cái tên riêng vì nó phải nằm trong một cái tên lạ lùng đậm chất tuyên truyền áp đặt, là "Công dân với tổ quốc."


Và sau khi Vũ Dương Ninh ghi lại những sai trái của nước Tầu gồm tư tưởng bá quyền, ngụy tạo đường lưỡi bò trên Biển Đông, dạy cho Việt Nam một bài học năm 1979... thì tác giả kết luận, nguyên văn: "Nhưng Việt Nam đã giữ một thái độ im lặng đến khó hiểu về những sự kiện trên."


Đây là tiếng nói trái chiều đối với đảng cầm quyền và nhà nước Việt Nam hiện nay. Nhưng ở một phương diện khác, đó là tiếng nói đồng cảm với giới trí thức gốc Việt trong Thế Giới Tự Do, vốn biết tính chất của chủ nghĩa Cộng Sản và chính thể Cộng Sản từ lâu, trừ vài người xuất thân từ đại học Pháp như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, và Hoàng Xuân Hãn!


Đến số Xuân Bính Thìn 2016 thì Xưa&Nay đi rất xa trong công cuộc tôn trọng những giá trị tinh thần không những của Trần Trọng Kim mà còn của cả những sinh hoạt văn hoá thời Việt Nam Cộng Hoà, cụ thể là của Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hoá. Đó là bài của tác giả Nguyễn Duy Long ca tụng việc tìm kiếm và gìn giữ các thư tịch cổ qua việc Phủ này cuối năm 1971 đã thương lượng để thu hồi bộ Đại Nam Thực Lục Chính Biên Đệ Thất Kỷ viết về thời Khải Định (1916-1925) lưu lạc sang Singapore. Bài có tựa đề "Dấu vết một bộ sử ký," trang 72-73. Một chi tiết trong bài cần nói lại cho chính xác, là tên vị Giám Đốc Viện Khảo Cổ VNCH lúc ấy là kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, chứ không phải Bá Lang.


Còn bộ Việt Nam Sử Lược được giới thiệu trang trọng trong bài "Việt Nam Sử Lược bộ tín sử đầu tiên soạn bằng tiếng Việt" của Trần Văn Chánh nơi trang 80-82.


Chỉ đọc tựa đề của bài viết cũng đã thấy nội dung bài viết tôn kính Trần Trọng Kim đến mức nào. Chi tiết "đầu tiên" và chi tiết "soạn bằng tiếng Việt" là những chi tiết về sự kiện. Và chi tiết "bộ tín sử" là sự khẳng định chân giá trị của tác phẩm và tác giả.


Kết luận của Trần Văn Chánh về Việt Nam Sử Lược là "... một bộ tín sử có phong cách trình bày ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu dễ nhớ, sinh động và hấp dẫn nhất từ trước đến nay" (trang 80). Còn Trần Trọng Kim là "tiếng nói của lương tri nhà sử học" (trang 81).


Hai nhận định này hẳn đã đủ phủ định mấy chục năm chính quyền Hà Nội kết án "sách phản động, cấm lưu hành" với ngôn từ trấn áp của bạo quyền. 


Bài viết của Trần Văn Chánh ngắn gọn nhưng đầy đủ với thái độ điềm tĩnh và chững chạc của một tác giả luống tuổi miền Nam. Tuy Trần Văn Chánh mới xuất hiện trên Xưa&Nay, nhưng đã có bài trên tạp chí Nghiên Cứu và Phát Triển từ năm 2013 cũng về Trần Trọng Kim.


X


XX


Bắt đầu từ thập niên 2000, Việt Nam Sử Lược hầu như được các nhà xuất bản trong nước tái bản hàng năm. Riêng trong khoảng thời gian 1999-2017 cũng đã có ít nhất 14 lần sách được tái bản. Đó là những năm 1999, 2000, 2003, 2005, 2006 (hai lần), 2008, 2010, 2011, 2012, 2013, 2015, 2016, 2017.


Đáng chú ý là những lần tái bản bộ sách của nhà xuất bản Kim Đồng. Đầu tiên là lần tái bản tháng 7.2016, khổ nhỏ 14cm x 22.5cm và in thành hai tập, bìa mỏng.


Cơ sở này đã quí trọng sách Việt Nam Sử Lược đến độ cho nhân viên sang Pháp gặp gia đình Trần Trọng Kim để xin phép tái bản. Dĩ nhiên cung cách hành xử này chỉ tỏ bầy sự tôn kính tác giả họ Trần vì bản quyền sách đã không còn hiệu lực, và thân nhân duy nhất còn lại của cụ Trần là bà Trần Thị Diệu Chương suốt đời sống bên Pháp nên không hiểu rõ việc làm của thân phụ cũng như chỉ có kiến thức giới hạn về lịch sử dân Việt. Bằng chứng là bộ sử cùa thân phụ bà chỉ tái bản có bốn (4) lần, bị bà viết sai thành năm (5) lần. Cái sai của bà Trần Thị Diệu Chương dẫn xuất từ cái bìa sách in năm 1954 ghi "In lần thứ năm," mà bà không biết rằng, hoặc chính thân phụ bà hoặc nhà xuất bản, đã tính tổng cộng một (1) lần in đầu tiên và bốn (4) lần tái bản. Thêm một bằng chứng nữa, là trong "Mấy Lời Nói Đầu cho cuốn Việt Nam Sử Lược do Trần Thị Diệu Chương viết, bà đã nhầm Quốc Sử Quán triều Nguyễn thành "Quốc Sử Giám!" Lỗi này đã được sửa lại trong ấn bản của nhà xuất bản Kim Đồng sau đó nửa năm.


Thật vậy, tháng 2.2017, Kim Đồng lại tái bản bộ sách một cách rất trang trọng, khổ lớn 16cm x 24cm, bìa cứng, mệnh danh là "Bản Đặc Biệt." Bản đặc biệt này có thêm bài "Trần Trọng Kim, nhà giáo dục tâm huyết, chính trị gia bất đắc dĩ" của ba tác giả Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Như Mai, Nguyễn Huy Thắng và một "Bảng Chỉ Mục." Danh xưng mới này không gì khác hơn là Sách Dẫn, được chế tác thay cho từ ngữ "Sách Dẫn" của "Mỹ Ngụy" chăng? 


image016

VNSL bản đặc biệt, nxb Kim Đồng, 2017 (Kho sách TAT)


Mặt khác, tôi rất tiếc là hai lần Việt Nam Sử Lược được Kim Đồng tái bản nêu trên đều bị sai lạc nguyên tác đến độ không còn là nguyên tác nữa!


Trong "Lời Nhà Xuất Bản" của Kim Đồng trong hai năm 2016 và 2017, họ khẳng định họ in theo nguyên tác bản in năm 1954 là bản in đầy đủ, chính xác nhất, đã được tác giả chỉnh sửa trước khi mất. Nhưng ngay sau đó, họ tuyên bố, nguyên văn: "... những cách viết, cách trình bầy theo kiểu cũ đều được chữa cho phù hợp với cách viết của tiếng Việt hiện tại... Những chỉnh sửa này đã được gia đình tác giả cho phép."


Thứ nhất, văn thể của nguyên tác trong thế kỷ XX đã bị "chỉnh sửa" thành văn thể đầu thế kỷ XXI có thể nói là một "tội ác" với tác giả và với độc giả.


Với tác giả, Trần Trọng Kim đâu có lối viết và sử dụng ngôn ngữ của người Hà Nội hôm nay như trong sách tái bản?!


Nhà Lý trong nguyên tác của ngòi bút Trần Trọng Kim đã bị "chỉnh sửa" thành nhà Lí. Rồi Hồ Quí Ly thành Hồ Quý Li, nghĩa là Y trong nguyên tác bị "chỉnh sửa" thành I, mà ngược lại, I trong nguyên tác bị "chỉnh sửa" thành Y! 


Văn cổ trong nguyên tác là "nước bể khôn rửa sạch mùi" trong Bình Ngô Đại Cáo đã bị "chỉnh sửa" thành "nước bể không rửa sạch mùi" khiến hơi văn trở thành non nớt quê mùa!


Với độc giả, sự hào hứng, bất ngờ, và mới mẻ khi đọc một bản văn trước thời đại cả 100 năm đâu còn nữa?!


Thứ đến, chuyện "được sự cho phép của gia đình về chuyện sửa đổi" chỉ là... chuyện vui, làm cho đẹp mọi bề, mà không có giá trị chuyên nghiệp!


Một bản in lại khác, cũng chính là bản công phu nhất là bản in của nhà xuất bản Văn Học liên kết xuất bản và phát hành với công ty Nhã Nam đầu năm 2017 (Hưng Yên, 2017, 530 tr.).


image017

VNSL bản in của Văn Học&Nhã Nam, 2017 (Kho sách TAT)


Trước hết, bản in này có bài "Trần Trọng Kim và Việt Nam Sử Lược" của Trần Văn Chánh (tr. 5-20) là phần giới thiệu tác giả và tác phẩm. Rất đầy đủ và công phu. Thống kê về những lần bộ Việt Nam Sử Lược được tái bản mà tôi ghi trên chính đã căn cứ phần lớn vào bài của tác giả Trần Văn Chánh.


Thứ đến, bản in này có cả "Thể lệ biên tập," là động tác chuyên nghiệp của một cơ sở xuất bản. Đáng tiếc là phần này lại vướng vào mâu thuẫn nội tại khi đặt ra Lệ số 2: "quy cách viết hoa được điều chỉnh... xóa bỏ các dấu nối..." mà tiếp ngay sau lại ghi, nguyên văn, "không có bất kỳ một sự can thiệp nào làm thay đổi nội dung cũng như câu chữ của tác giả!"


Thứ ba, bản in này có hình bìa của lần in đầu tiên năm 1920, bìa bản in Tập Thứ Nhất lần thứ hai năm 1926, và bìa bản in lần thứ ba năm 1949.


Thứ tư, bản in này được nhóm biên tập bốn người Nguyễn Anh Vũ, La Kim Liên, Nguyễn Thu Hà, và Trần Văn Chánh lập thêm Bảng Từ Vựng để giúp các thế hệ trẻ bây gìờ thông suốt những từ ngữ Hán Việt khó hiểu trong Việt Nam Sử Lược.


Và cuối cùng,  nhóm biên tập thêm phần Sách Dẫn rất công phu dài tới 38 trang. Chỉ một chi tiết nhỏ, là tại sao danh xưng ngắn, chính xác, lại quen thuộc là "Sách Dẫn" được ghi nơi đầu sách lại bị thay bằng cái định nghĩa của Sách Dẫn, là "Bảng tra tên người-tên đất-tên sách" nơi cuối sách?


X


XX


Nội dung của Việt Nam Sử Lược chỉ được soạn cho đến năm 1902. Từ đó đã hơn một thế kỷ, người Việt vẫn chưa có một bộ thông sử nào xứng đáng tiếp nối, dù nhiều tác giả gốc Việt tại hải ngoại đã có những cố gắng dài hơi, như Trần Gia Phụng ở Canada, Hoàng Cơ Thụy ở Pháp, và Lê Mạnh Hùng ở Hoa Kỳ.


Còn trong nước, Viện Sử Học phát hành bộ thông sử 15 quyển năm ngoái. Và Hội Khoa Học Lịch Sử đang hợp soạn một bộ thông sử khác 30 quyển.


Bộ trước do 30 người soạn, bộ sau có hơn  250 người!


 


Phải chăng nghiên cứu sử cũng nằm trong trào lưu "lập kỷ lục" trong xã hội Việt Nam ngày nay, khởi đầu với những tổng tập, như Hoàng Xuân Hãn (1998, 1,415 trang), Nguyễn Khánh Toàn (1999, 1,483 trang), Phạm Văn Đồng (2002-2006, 1,708 trang), Trần Văn Giàu (2006, 1,881 trang), Nguyễn Phan Quang (2006, 1407 trang)...?


Nhưng dù có lập được kỷ lục về lượng với số người soạn và số trang in, thì giá trị về chất của sản phẩm mà Hội Khoa Học Lịch Sử Hà Nội đang hợp soạn sẽ ra sao, vì ai có thể bảo đảm rằng tập thể hơn 250 soạn giả đều là những người có thực học thực tài?!


TRẦN ANH TUẤN


18.3.2018


Về bộ Lịch Sử Việt Nam 15 tập của Viện Sử Học Hà Nội

24 Tháng Chín 20177:46 CH(Xem: 2596)


Về bộ Lịch Sử Việt Nam 15 tập của Viện Sử Học Hà Nội


image013


TRẦN ANH TUẤN


Lịch Sử Việt Nam (tái bản lần thứ nhất) là tựa đề của một bộ sử dài 15 tập do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Việt Nam tại Hà Nội phát hành tháng 8 năm 2017. Bản in lần thứ nhất vào năm 2013-2014.


Bộ sách nguyên là dự án lớn do Viện Sử Học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội trong nước chủ trì từ năm 2002 với một tập thể tác giả 30 người.


Tất cả 30 người này là cán bộ của Viện Sử Học, cũng có nghĩa là các công chức mà nhiệm vụ là viết sử theo sự chỉ đạo của Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam. Do đó, họ không viết trong tư cách của những sử gia. Nên biết rằng Viện Sử Học nói riêng, hay Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội nói chung, là những cơ quan lý thuyết của Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam.


Về hình thức, bộ sách rất đồ sộ. Sách không bán lẻ, nằm trong 5 hộp, mỗi hộp có 3 quyển, được bao nylon bên ngoài. Năm hộp đó lại đặt vào hai hộp carton sẵn sàng đến tay người mua do Công Ty Vina Book JSC phát hành. Toàn bộ 15 quyển nặng 24kg, dày 9,084 trang, bán 4,800,000 đồng. Tổng số phát hành là 1,000 bộ. Cước phí chuyển phát nhanh từ Sài Gòn qua California theo đường hàng không mất 5 ngày là US$280.00.


Tôi nghi,̃ với lương tháng của cán bộ trung cấp (như chủ sự hay trưởng phòng) hiện nay trong nước vào khoảng 10,000,000 đồng thì chắc chắn rất hiếm độc giả có tiền mua sách.


Nhưng việc bán sách, và bán được hay không,  không phải là điều bận tâm của ai. Vì dự án này là đề tài cấp nhà nước có nghĩa là Viện Sử Học và các thành viên của Viện đã được cấp phát ngân khoản để hoàn tất công tác kéo dài hàng thập niên hay lâu hơn nữa.


Hình thức in ấn bộ sách trang trọng, hình bìa rồng cuộn là một tác phẩm mỹ thuật. Bìa cứng, gáy đóng chỉ nên bền vững. Mỗi quyển có một tập thể tác giả, gọi là "Nhóm Biên Soạn." Nhóm biên soạn từ tập 1 đến tập 7 gồm 4 người, riêng tập 3 và tập 5 có 5 người. Nhưng từ tập 8 đến tập 15 nhóm biên soạn rút xuống còn 3 người. Tập thể tác giả đó gồm 24 tiến sĩ, 3 thạc sĩ, và 3 nghiên cứu viên.


Để tránh những suy đoán và ngộ nhận có thể xảy ra trong cộng đồng gốc Việt tại hải ngoại, tôi ghi ra đây danh sách đầy đủ 30 tác giả trong Ban Biên Soạn: Nguyễn Thị Phương Chi, Đinh Thị Thu Cúc (Chủ Biên Tập 10), Võ Kim Cương (Chủ Biên Tập 6), Trần Đức Cường (Tổng Chủ Biên và Chủ Biên Tập 12 và 14), Nguyễn Lan Dung, Lê Trung Dũng, Nguyễn Mạnh Dũng, Nguyễn Hữu Đạo, Đinh Quang Hải, Lê Thị Thu Hằng, Ngô Văn Hòa, Đỗ Đức Hùng, Hà Mạnh Khoa, Tạ Ngọc Liễn (Chủ Biên Tập 3), Nguyễn Ngọc Mão (Chủ Biên Tập 15), Vũ Duy Mền (Chủ Biên Tập 1), Nguyễn Văn Nhật (Chủ Biên Tập 11 và 13), Nguyễn Đức Nhuệ, Vũ Huy Phúc, Phạm Ái Phương, Đỗ Thị Nguyệt Quang, Nguyễn Hữu Tâm, Phạm Như Thơm, Tạ Thị Thúy (Chủ Biên Tập 7, 8, và 9), Nguyễn Minh Tường, Đỗ Xuân Trường, Lưu Thị Tuyết Vân, Nguyễn Thị Hồng Vân, Trần Thị Vinh (Chủ Biên Tập 2 và 4), và Trương Thị Yến (Chủ Biên Tập 5).


Trong số 30 người này có rất nhiều người tôi mới biết đế́n tên lần đầu tiên. Chỉ có vài người là "quen thuộc" qua những nghiên cứu của họ trong các chuyên san Nghiên Cứu Lịch Sử, Xưa & Nay, Khảo Cổ Học... và qua các ấn phẩm đã được phổ biến, như Võ Kim Cương, Trần Đức Cường, Tạ Ngọc Liễn, Nguyễn Văn Nhật, Vũ Huy Phúc, và nhất là Tạ Thị Thúy, xuất thân tiến sĩ Sử tốt nghiệp tại Pháp chuyên về đề tài khai thác thuộc điạ của thực dân Pháp tại Đông Dương.


Hầu hết -nếu không muốn nói là tất cả- tên tuổi của giới nghiên cứu sử cũng đồng thời là giới giáo sư đại học ngành Sử trong nước, những người từ nhiều năm nay đã chuyển hướng nghiên cứu từ thông tin tuyên truyền sang trình bầy sự kiện quá khứ, đều vắng bóng. Đây thật là một chỉ dấu quan trọng đầy ý nghĩa khi độc giả muốn lượng định giá trị của bộ Lịch Sử Việt Nam mới tái bản và được giới thiệu rầm rộ qua các cơ quan truyền thông đại chúng trong tháng trước.


image018

Bộ Lịch Sử Việt Nam đầy đủ 15 tập chiếm hơn một ngăn trong tủ sách TAT, tặng phẩm của anh chị Nguyễn Hoàng Hải & Phương Nga  (San Jose, California).

 Với một bộ sách chiếm đến 9,084 trang giấy in, bài viết này chưa đi vào chi tiết, mà chỉ bàn tổng quát về nội dung bộ sách, trước hết là về quan niệm và phương pháp biên soạn.


Đây chính là bộ sử chính thức thứ hai của nhà nước Cộng Sản tại Việt Nam, do Viện Sử Học biên soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam nay đã được đổi thành cái tên hoành tráng là Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam. Bộ chính sử thứ nhất gồm Tập I xuất bản năm 1971 (tái bản năm 1976) và Tập II xuất bản năm 1985 (tái bản năm 2004). Bộ sử thứ nhất này chỉ có 801 trang.


Quan niệm viết sử của Viện Sử Học Hà Nội là nhằm phục vụ chính trị, khác với quan niệm viết sử của Thế Giới Tự Do Dân Chủ là trình bầy lại quá khứ y như nó đã xảy ra. Sử của Viện Sử Học Hà Nội, vì thế, có thể là những sự kiện quá khứ, mà cũng có thể là những câu chuyện dựng lên tùy nhu cầu chính trị. Hay sự kiện lịch sử có thể biên soạn dài ngắn khác nhau là tùy chủ đích chính trị.


Như Tập I của bộ chính sử thứ nhất tái bản năm 1976 chỉ có 437 trang trình bầy mấy ngàn năm lịch sử -từ nước Văn Lang đến triều Nguyễn- nhưng chỉ riêng cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thời Trần đã chiếm 23 trang (trang 194-216), hay cuộc kháng chiến chống quân Thanh thời Nguyễn Tây Sơn chiếm 10 trang (trang 347-356).


Độ dài bất thường của những cuộc kháng chiến trong một bộ thông sử ngắn là do nhu cầu chính trị của thời điểm biên soạn sách: thập niên 1970 khi sách phát hành là thời điểm Bộ Chinh Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đẩy mạnh công cuộc đánh chiếm miền Nam nên cần có tài liệu để thúc đẩy thanh niên miền Bắc tòng quân ra trận, sẵn sàng hy sinh mạng sống theo chủ nghĩa anh hùng cách mạng! Bằng chứng có thể đọc thấy nơi trang 342-43 và 349-351 trong Tập 13. Đó là quán triệt nghị quyết của hội nghị lần thứ 20 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng tháng 5.1971 và chủ trương của các hội nghị Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương tháng 6.1971, ngày 11.3.1972 Thường Vụ Quân Ủy Trung Ương ra nghị quyết mở cuộc tấn công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam. Đến ngày 23.3.1972 thì Bộ Chính Trị thông qua kế hoạch này.


image019

Chi tiết bià của một trong 15 tập sách.


Phương pháp viết sử của Viện Sử Học Hà Nội là biên soạn sao cho đúng với lý thuyết Cộng Sản quốc tế.


Điển hình của phương pháp này là tác giả Vũ Duy Mền khi trình bầy về thời đại Hùng Vương. Nguyên văn thế này, nơi trang 117 trong Tập 1: Họ (tầng lớp quý tộc gồm Hùng Vương, Lạc hầu, Lạc tướng.... TAT chú) lợi dụng chức vụ và chức năng của mình đổ chiếm đoạt sản phẩm thặng dư của công làm tài sản riêng. Dần dần họ tập trung trong tay nhiều của cải và quyền lực... Trên thực tế, họ đã bóc lột nô tỳ và được quyền "ăn ruộng" của dân Lạc, nghĩa là tự thu cho mình một phần sản phẩm thặng dư của công xã dưới hình thức lao dịch hay cống nạp sản phẩm."


Đây là sự tưởng tượng của người Cộng Sản thế kỷ XXI khi viết về quá khứ của ngàn năm trước, đã lập lại ý niệm "thặng dư giá trị" mà không hề dẫn một sự kiện nào làm chứng cứ.


Đã không có gì chứng minh cho việc các vua Hùng đã "chiếm đoạt sản phẩm thặng dư," trong trang 117, mà trang 116 ngay trước đó, tác giả này đã có những chi tiết khác hẳn, nguyên văn thế này: "Vua cùng làm cùng ăn với dân. Vua Hùng dạy dân cấy lúa, cùng làm cho đến khi mặt trời đứng bóng mới nghỉ tay. Có câu chuyện kề về việc: vua Hùng dạy dân đi săn, khi săn được chim thú cùng chia cho mọi người, vua chỉ để dành cho mình bộ lòng."


Tại sao một tác giả lại có lập luận mâu thuẫn đến vậy? Phải chăng đó là cách hành xử của một người viết sử Cộng Sản trung thành khi được Đảng giao công tác viết sử cho Đảng?


Phương pháp viết sử cũng còn là biên soạn sao cho nội dung phù hợp với những cái khuôn và những kết luận đã được Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ đạo.


Điển hình của phương pháp này là nội dung của Tập 13 dài 587 trang.


Chiến tranh trong các năm 1965-1975 bị ép vào cái khuôn là chuỗi chiến thắng theo thời gian.


Vì thế mới có chiến thắng chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (Chương I, trang 23-133: 1965-1968). Rồi chiến thắng chiến tranh cục bộ (Chương II, trang 134-213: 1965-1968). Tiếp đến là chiến thắng chiến tranh phá hoại lần thứ hai (Chương III, trang 214-275: 1969-1973). Sau đó là chiến thắng "Việt nam hoá chiến tranh" (Chương IV, trang 276-372: 1969-73). Cuối cùng là giải phóng miền Nam để chấm dứt tập sách (Chương VI, trang 449-553: 1973-75).


Trong cái khuôn đó, các chiến thắng liên tiếp tất nhiên sẽ khiến địch quân ngày càng suy yếu rồi đầu hàng. Thật tự nhiên và hợp lý!


Nhưng trong thực tế lịch sử, cuộc chiến giới hạn trong lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà là cuộc chiến tự vệ của quân dân miền Nam chống lại sự xâm lăng của các binh đoàn Cộng Sản miền Bắc và bộ đội địa phương. Suốt những năm tháng ấy, VNCH không hề để mất một tỉnh nào vào tay Cộng quân nên thực tế không có gì có thể gọi là "những chiến thắng 1965-68, 1969-73..." Ngay tên gọi cuộc chiến là "Cuộc chiến chống Mỹ cứu nước" cũng chỉ là sản phẩm tuyên truyền của Bộ Chính Trị xướng suất mà toàn thể xã hội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà phải tin theo.


Trong suốt những năm tháng ấy, có những trận chiến thắng và thua của cả hai bên giữa quân lực VNCH và bộ đội miền Băc cùng bộ đội địa phương, thế thôi. Còn thả bom miền Bắc bằng oanh tạc cơ, rồi quân đội Mỹ và quân đội Đồng Minh (Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Đại Hàn, Thái Lan...,) tham dự chiến tranh, và Việt Nam hoá chiến tranh không gì khác hơn là những sự thay đổi chiến lược của VNCH và Đồng Minh trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam Tự Do trên chính phần lãnh thổ của VNCH. VNCH nhanh chóng bị suy yếu từ sau Hiệp Định Paris ngày 27.1.1973 rồi sụp đổ ngày 30.4.1975 có nguyên nhân nội tại và nhất là ngoại lai đặc thù của nó, là chuyện khác.  


Bây giờ, trong bộ chính sử của Đảng Cộng Sản Việt Nam, biến chiến lược của địch thủ thành những chiến thắng của phe ta là sự dụng công khéo léo của các cán bộ thông tin tuyên truyền.


Nhưng xét về phương diện chuyên môn của ngành Sử Học, đây là sự bóp méo các sự kiện lịch sử cho hợp với khuôn mẫu đã định trước.


Phương pháp viết thông sử của thế giới văn minh là tiêu hóa những ý kiến hay những giả thuyết và nhận định về những sự kiện lịch sử của các tác giả trước đó rồi tổng hợp thành sử.


Những trang sử tổng hợp rất súc tích ấy không có khoảng trống cho sự trích dẫn từ những trang chuyên sử của người khác, lại càng không có phần cho ý kiến người này hay giả thuyết của người kia hay nhận định của người nọ. Nếu cần, những chi tiết kể trên chỉ đưa vào phần chú thích hay cước chú, mà không dông dài trong phần chính văn.


Tiếc thay, đó lại chính là cách viết của nhiều tập thể tác giả bộ chính sử của Nhà Nước này. Dở hai tập Tập 2 Tập 4, độc giả phải đọc những đoạn dài trích dẫn sách xưa.


Ngoại lệ là một số tác giả có lòng say mê nghề nghiệp thực sự. Họ đã bỏ thời gian và công sức để biên soạn một cách nghiêm chỉnh, điển hình là Nguyễn Hữu Tâm.


Nguyễn Hữu Tâm là một trong bốn người biên soạn Tập 1. Ông phụ trách Chương III và Chương IX. Đó không phải là những trang sách trích dẫn tài liệu của người trước, mà là tổng hợp các tài liệu ấy về đề tài tác giả có trách nhiệm biên soạn. Ngoài ra, bốn phụ lục về Danh sách quan lại thời An Nam Đô Hộ Phủ, Phả hệ hoàng gia Phù Nam, Phả hệ hoàng gia Chân Lạp, và Thư tịch các tác phẩm Trung Quốc về Phù Nam, Xích Thổ, và Chân Lạp của tác giả Nguyễn Hữu Tâm là những bảng tổng hợp, một công tác chiếm nhiều thời giờ và công khó của một người nghiên cứu có trách nhiệm. Những phụ lục này hữu ích với độc giả nói chung, và nhất là với giới nghiên cứu tương lai nói riêng.


Chính việc làm này của tác giả Nguyễn Hữu Tâm đã làm lộ rõ tính cách "vô tâm" của tập thể nhóm biên soạn: Toàn thể bộ sách Lịch Sử Việt Nam 15 quyển không hề có ai chịu khó làm Sách Dẫn!


Sách Dẫn là gì? Trong tiêu chuẩn biên soạn của giới nghiên cứu trên toàn thế giới kể cả thời VNCH và nay ở hải ngoại, bất cứ tác giả nhà nghề nào cũng phải làm Sách Dẫn -ngôn ngữ quốc tế gọi là Index- trong phần cuối của tác phẩm.


Đó là danh sách tên người, tên đất, sự kiện, biến cố... kèm số trang để độc giả muốn tìm biết vấn đề gì hay chi tiết nào trong sách thì vào phần Sách Dẫn để tìm những trang liên hệ đến vấn đề ấy một cách dễ dàng và nhanh chóng. Một bộ sách dầy 9,084 trang là cả một rừng chữ không có chỉ dấu hướng dẫn như thế thì thật thiếu sót.


Sự thiếu sót phần Sách Dẫn lại dẫn đến sự thiếu sót phần Hình Ảnh và Bản Đồ trong phần Mục Lục. Trong tất cả 15 quyển sách, chỉ có Tập 4 là có phần Hình Ảnh và Bản Đồ trong Mục Lục.


Riêng Tập 7Tập 15 là có phần "Thư Mục Sách Dẫn," phần "Danh Mục Bảng, Biểu," và phần "Hình Ảnh." Nhưng chữ "Sách Dẫn" trong Tập 7 chỉ là danh từ suông, vì thật ra phần được mệnh danh là "Thư Mục Sách Dẫn" không gì khác hơn là danh sách tài liệu tham khảo mà thôi.


Phần Danh Mục Bảng trong Tập 7 chỉ dẫn 32 bảng thống kê và 93 bảng biểu trong Tập   15 là những phần quen thuộc trong khuôn khổ sách nghiên cứu nghiêm chỉnh.


Về phần tham khảo. Sách báo tạp chí ấn loát phẩm tham khảo có nhiều nguồn và trong nhiều ngôn ngữ khác nhau là ưu điểm của công trình biên khảo. Một số tác phẩm tham khảo bằng tiếng Nga, tiếng Tàu, tiếng Nhật là những tác phẩm mà người nghiên cứu miền Nam trước nay hầu như không biết được.


Nhiều sử phẩm của các tác giả thời VNCH và sau này của người gốc Việt tại hải ngoại cũng được tham khảo là một khía cạnh đổi mới đáng kể của các thành viên Viện Sử Học Hà Nội. Đó là những nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Anh, Lê Đình Cai. Phan Du, Phạm Cao Dương, Nguyễn Sĩ Giác, Vũ Văn Hiền, Phan Phát Huồn, Bửu Kế, Huỳnh Kim Khánh, Nguyễn Lang (tức Thích Nhất Hạnh), Nguyễn Hiến Lê, Vũ Văn Mẫu, Lê Kim Ngân, Phan Khoang, Phạm Văn Sơn, Nghiêm Thẩm, Đoàn Thêm, Vũ Quốc Thúc, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Văn Trung... các tạp chí Sử Địa, Bách Khoa..., kể cả các ấn phẩm của Bộ Ngoại Giao, Bộ Nội Vụ, Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi... thời VNCH, cùng những nhà nghiên cứu gốc Việt tại Hoa Kỳ như Nguyễn Duy Chính, Cao Thế Dung, Chính Đạo, Lê Mạnh Hùng, Nguyễn Tiến Hưng, Hoàng Linh Đỗ Mậu, Tạ Chí Đại Trường...


Tuy nhiên, trình độ sinh ngữ nói chung của tập thể tác giả bộ Lịch Sử Việt Nam này khiến độc giả phải thắc mắc. Những tác phẩm bằng tiếng Nga tiếng Tàu tiếng Anh tiếng Pháp... hầu hết là được tham khảo qua bản dịch Việt ngữ. Có tập, như Tập 2, thì sách tham khảo hoàn toàn là sách tiếng Việt và sách Anh Pháp đã dịch sang tiếng Việt.


Riêng Anh văn và Pháp văn thì trình độ học sinh Tú Tài thời VNCH trước năm 1975 cũng không có những lỗi ấu trĩ như trong bộ sách 9,084 trang này. Ở đây tôi chỉ nêu lên vài trường hợp điển hình về khả năng Anh và Pháp của một số tác giả.


Như tiểu bang California viết thành "Kalifornia" trong Tập 1, trang 664. Hay the Nineteeth Century viết thành "th Nineteeth Centyry", Histoire militaire thành "Histoire miliraiv", Migration thành "Magration", military revolution và military Innovation thành "military revolusion" và "military Innovasion" nơi trang 595, 598,  599, và 604 trong Tập 4. Lạ là chữ "Revolution" tiếng Anh và "Révolution" tiếng Pháp đều bị sửa thành "Revolusion" nơi trang 604 và "Révolusion" nơi trang 608.


Đặc biệt, có trường hợp sửa chữ Pháp bày ra hoạt cảnh "hay chữ lỏng" như sau. Nguyên C. B. Maybon là người Pháp, tác giả cùa một sử phẩm nổi tiếng tựa đề Histoire moderne du Pays d'Annam (1592-1820) xuất bản tại Paris năm 1919. Trong phần Tài Liệu Tham Khảo của Tập 4, không biết ai trong nhóm biên soạn bốn người đã sửa tựa đề thành Histoire moderne des Pays d'Annam (1592-1820). Có lẽ người này tưởng "Pays" là danh từ số nhiều vì có chữ "s" đằng sau nên đã tự động sửa "du Pays" của người Pháp thành "des Pays" của Việt Nam ngày nay (trang 598, sđd) cho oách?!


Cách phiên âm ngoại ngữ ra Việt ngữ đã thu hẹp phạm vi văn hoá của dân Việt dù nhân loại đã qua thế kỷ XXI rồi. Đó là thứ văn hoá quẩn quanh trong cái vòng tác giả và độc giả trong nước Việt Nam với nhau.


Hãy lấy một thí dụ. Nguyên văn tựa đề một quyển sách của tác giả ngoại quốc, là "G.Potơ, Việt Nam - lịch sử qua các tư liệu, Niu Amêrican Librêri, Luân Đôn" nơi trang 156 trong Tập 12 thì có gì liên hệ với thế giới ngoài Việt Nam hay không? Rồi Pitô A. Puli, Mai Cơn Máclia, Rátpho, Phoxtơ Đalet, Étuốt Lênđên... trang 157, 164, 165, 170, cùng Pitơ A. Puơ, Leđơ, Râugiơ, Mơrơ, Giôdép A. Amtơ, Gabrien Côncô... trang 25, 318, 454, 456 trong Tập 13 thì viết sử mà như đánh đố độc giả.


Cũng cần nói thêm là tài liệu tham khảo đại đa số là sách báo ấn loát phẩm của chính các tác giả trong nước, có nghĩa là "chúng khẩu đồng từ." Cứ viết và viết mãi, hay cứ viết và lập lại, cuối cùng người đọc sẽ tin theo. Đó là kỹ thuật tuyên truyền mà Đức Quốc Xã đã áp dụng thành công thời Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945).


Kỹ thuật viết sử của một tác giả bộ Lịch Sử Việt Nam làm tôi ngạc nhiên, phải nói là sửng sốt, vì đến thế kỷ XXI rồi mà vẫn còn viết sử biên niên.


Chuyện biên niên xảy ra trong Tập 4, đầu dòng hai trang 40 và 41 bắt đầu bằng một chuỗi các năm: "Năm 1600... Năm 1602... Năm 1604... Năm 1611... Năm 1613... Năm 1614..."


Và đầu dòng hai trang 60 và 61 bắt đầu bằng một chuỗi những tháng: "Tháng Chín... Tháng Mười... Tháng Một... Tháng Chạp..."


Hoá ra người biên soạn đã sao chép nguyên văn sách cổ đã được dịch ra Việt ngữ nên mới có cách viết sử của quá khứ xa xưa như thế!


Hãy lấy thêm vài thí dụ để chứng minh cho nhận xét này. 


Trang 31 trong Tập 4 chép lại ba trang 41, 42, và 43 của sách Phủ Biên Tạp Lục cộng với hai trang 238 và 239 của sách Toàn Thư.


Đến trang 41 thì tác giả chép lại bốn trang 36, 37, 38, và 39 của sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên.


Trang 83 thì chép lại bốn trang 36, 37, 38, và 39 của sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí cộng với hai trang 417 và 418 của sách Cương Mục.


Và trang 119 thì chép lại ba trang 148, 150, và 151 của sách Phủ Biên Tạp Lúc.


Cứ chép như thế suốt ba Chương I, II, và III từ trang 23 đến trang 165 trong Tập 4!


Thật không có dáng vẻ gì của một công trình tổng hợp lịch sử, mà chỉ là sự sao chép lười biếng các sách sử cổ xưa!


Ngoài cách viết sử biên niên nói trên, là cách viết sử không bằng sự kiện quá khứ mà viết bằng xung động tình cảm giữa ta và địch.


Đó là cách viết "tuyển cử bịp bợm... quốc hội bù nhìn... hiến pháp phản dân tộc, phản dân chủ..." nơi trang 177 Tập 12 mà không có một câu một chữ hay một sự kiện nào minh chứng cho sự bịp bợm, bù nhìn, phản dân tộc, phản dân chủ của Hiến Pháp nước Việt Nam Cộng Hòa ban hành ngày 26.10.1956.


Sự phân bố các tập sách không hợp lý. Tập thể ban biên soạn bộ Lịch Sử Việt Nam này, vì đặt trọng tâm bộ sách vào một đảng chính trị thay vì lịch sử của một dân tộc, nên đã bó rọ các thời Thượng Cổ và Bắc Thuộc làm một (Tập 1, 671 trang) để dành khung cảnh bao la cho lịch sử Đảng, 5 năm cũng thành một tập như Tập 10: Từ Năm 1945 Đến Năm 1950 (627 trang) và Tập 11: Từ Năm 1951 Đến Năm 1954 (499 trang).


Trong bộ chính sử của chế độ Cộng Sản phát hành năm 2017 này, danh hiệu Ngụy Quân Ngụy Quyền đã được thay thế bằng danh xưng Quân Đội Sài Gòn. và Chính Quyền Ngô Đình Diệm,  hay Chính Quyền Sài Gòn, hay Miền Nam Việt Nam.


Đó chỉ là chi tiết về chữ, còn nghĩa vẫn giữ nguyên. Đó là "thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ" nơi trang 166, sđd. Đó là "ngụy quân ngụy quyền... đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân Việt Nam" nơi trang 167, sđd. Đó là "Mỹ thay thế Pháp trong vai trò ông chủ ở miền Nam Việt Nam" nơi trang 168.


Tức là danh xưng mới nhưng nghĩa vẫn là nghĩa xưa như Lê Duẩn đã thêm một lần xác định lại vào năm 1971, nguyên văn nơi trang 168: "(Miền Nam Việt Nam là) một chính quyền tay sai đại biểu quyền lợi cho giai cấp địa chủ phong kiến và tư sản mại bản khoác áo "dân tộc dân chủ" giả hiệu."


Chỉ nơi trang 177 và 406 trong Tập 12, nhóm biên soạn mới đề cập đến "âm mưu của Mỹ là tạo ra hai Việt Nam là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ở miền Bắc và Việt Nam Cộng Hoà ở miền Nam" "... căn cứ hải quân của Việt Nam Cộng Hoà" là những lần bốn chữ Việt Nam Cộng Hoà được chính thức viết ra.


Ngoài ra, toàn bộ 15 tập sách chỉ đề cập đến danh xưng VNCH hai lần. Mà lần nào cũng trong ngoặc kép, biểu thị sự khinh thường và nhạo báng. Lần thứ nhất nơi trang 177 trong Tập 12 và lần thứ hai nơi trang 19 trong Lời Nói Đầu Tập 13 của Chủ Biên Nguyễn Văn Nhật.


Danh xưng Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà cũng vậy. Chỉ có một lần được viết ra nơi trang 191 trong Tập 12 và cũng trong ngoặc kép khi người viết là Trần Đức Cường đề cập đến "lực lượng quân sự mạnh" của Ngô Đình Diệm. Nhân đọc trang này, tôi mới thấy tác giả đã chuyển Trung Tâm Huấn Luyện Fort Benning tọa lạc tại tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ sang... Philippin (sic!)


Làm gì có chuyện nhóm biên soạn bộ Lịch Sử Việt Nam chính thức sử dụng danh xưng Việt Nam Cộng Hoà trong sách như dư luận rầm rộ bên ngoài?!


Qua những nhận định trên, bộ Lịch Sử Việt Nam 15 quyển mới phát hành này không có dáng vẻ của một công trình tổng hợp lịch sử, từ cách biên soạn mất quân bình đến việc xóa nhoà ranh giới giữa thời sự và lịch sử.


Không những thế, bộ sách Lịch Sử Việt Nam thứ hai tái bản năm 2017 này không phải là một bộ thông sử xuyên suốt từ đầu đến cuối. Nó chia làm hai phần rõ rệt.


Chín (9) quyển đầu với 5,904 trang là phần thông sử ghi chép quá khứ dân Việt trong mấy ngàn năm.


Sáu (6) quyển sau với 3,180 trang là lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam từ năm 1945 đến năm 2000.


Tập II của bộ Lịch Sử Việt Nam thứ nhất phát hành năm 1985 đã dừng lại tại thời điểm 1945. Nhóm biên soạn bộ này, như vậy đã thận trọng ngưng việc biên soạn quá khứ trước họ 40 năm. Do đó, trên lý thuyết, họ đã có thế lùi cần thiết để các sự kiện lịch sử trong quá khứ làm họ phai lạt nhiệt tình và xa cách ảnh hưởng của các tác nhân và chứng nhân lịch sử. Họ là những nhà viết sử chuyên nghiệp, dù là viết theo duy vật sử quan.


̣ Lịch Sử Việt Nam thứ hai này, trái lại,  kéo dài đến thời điểm 2000, tức sự kiện chỉ mới xảy ra trước dự án 2 năm. Đem thời sự vào sử sách như thế là tập thể nhóm biên soạn có chủ đích kéo dài thành tích để tôn vinh một đảng chính trị đang cầm quyền.


Nhưng tôn vinh như thế nào? Xin trả lời ngay: Họ tôn vinh bằng một nửa sự thật!


Kết quả các trận chiến bao giờ cũng chỉ có thiệt hại bên phe địch, phe ta không hề gì. Sau đây là vài bằng chứng tôi trích trong sách.


Năm 1961, loại khỏi vòng chiến đấu 28,956 binh lính quân đội Sài Gòn trong đó có 41 cố vấn Mỹ, bắt sống 3,529 người, thu 6,000 súng đủ lọai (trang 475, Tập 12). Không hề ghi thiệt hại của bên bộ đội.


Năm 1962, loại khỏi vòng chiến đấu 35,000  binh lính quân đội Sài Gòn, làm rã ngũ 32,000 người, lật đổ 18 đoàn tàu hỏa xa, đánh sập 312 cầu cống, bắn hỏng 12 tàu xuồng (trang 484, sđd). Cũng không hề ghi thiệt hại của bên bộ đội.


Năm 1963, loại khỏi vòng chiến đấu 78,000 binh lính quân đội Sài Gòn trong số đó có 600 lính Mỹ, bắn và phá hủy 689 máy bay, phá hủy  800 xe cơ giới và  326 tàu xuồng, bức hàng 800 đồn bót, phá hoàn toàn 2,895 ấp chiến lược, phá từng phần 5,950 ấp khác, lật đổ 34 đoàn xe lửa, đánh chìm 236 tàu xuồng, thu trên 10,000 súng các loại (trang 496, sđd). Cũng không hề ghi thiệt hại của bên bộ đội.


Năm 1964, tiêu diệt 119,000 binh lính quân đội Sài Gòn (trang 512, sđd). Cũng không hề ghi thiệt hại của bên bộ đội.


Ngày 10-11.5.1965, diệt 1,398 binh lính quân đội Sài Gòn, bắn rơi 14 máy bay, thu 700 súng các loại (trang 521, sđd). Cũng không hề ghi thiệt hại của bên bộ đội


Ngày 26.5.1965, tiêu diệt 139 sĩ quan và binh lính Mỹ (như trên). Cũng không hề ghi thiệt hại của bên bộ đội.


Ngày 29-31.5.1965, giết và làm bị thương 915 binh lính quân đội Sài Gòn, bắt sống 270 tên, thu 307 súng, bắn rơi 2 máy bay, phá hủy hai pháo 105 ly và 14 xe vận tải (như trên). Cũng không hề ghi thiệt hại của bên bộ đội.


Ngày 9-12.6.1965, tiêu diệt 1,500 binh lính quân đội Sài Gòn có 50 sĩ quan và lính Mỹ, bắn rơi 16 phi cơ, phá hủy 2 đại bác 204 ly và 6 xe bọc thép (hư trên). Cũng không hề ghi thiệt hại của bên bộ đội.


Trong 4 tháng mùa khô 1965-1966, loại khỏi vòng chiến đấu 104,000 tên trong đó có 42,500 lính Mỹ, 3,500 quân các nước thân Mỹ,  bắn rơi và phá hủy 1,430 máy bay, phá hủy 600 xe tăng và xe bọc thép,  1,310 ô tô, 80 khẩu pháo và 27 tàu xuồng (trang 182, Tập 13). Cũng không hề ghi thiệt hại của bên bộ đội.


Trong 6 tháng mùa khô 1966-1967, loại khỏi vòng chiến 175,000 tên địch trong đó có hàng trăm lính Mỹ và lính đánh thuê, bắn rơi và phá hủy 1,800 máy bay, phá hỏng 1,783 xe quân sự và 340  khẩu đại bác, bắn chìm và bắn cháy 100 xuồng, và đánh sập và đánh hỏng 270 cầu (trang 187, sđd). Cũng không hề ghi thiệt hại của bên bộ đội.


Chưa đầy một tháng của cuộc Tổng Tiến Công Tết Mậu Thân, loại khỏi vòng chiến đấu 150,000  địch trong đó có 45,000 lính Mỹ, bắn rơi 2,370 máy bay các loại, bắn chìm 233 tàu xuồng, bắn cháy 3,500 xe quân sự trong đó có 1,750 xe bọc thép (trang 207, sđd). Cũng không hề ghi thiệt hại của bên bộ đội.


Thế là, theo bộ chính sử của nhà cầm quyền Cộng Sản, nội trong 4 tháng mùa khô năm 1965-1966 và 1 tháng Tết Mậu Thân năm 1968, lính và sĩ quan Mỹ đã chết mất (42,500 + 45,000) 87,500 người.


Chỉ trong 5 tháng mà số lính Mỹ bị giết đã nhiều hơn tổng số tử sĩ Mỹ (57,939 người) trên bức tường tưởng niệm tại Washington D.C. đến 30,000 người, thử hỏi thời gian lâm chiến hơn 8 năm của quân đội Mỹ (bắt đầu với hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến đổ bộ lên Đà Nẵng ngày 8.3.1965 đến ngày 27.1.1973 khi Hiệp Định Paris được ký kết) số thiệt mạng phải lên đến bao nhiêu cho vừa với thành tích vinh quang của bộ đội Cộng Sản từ Bắc Việt và bộ đội địa phương tại miền Nam?


Đó là chưa những số liệu khác, thí dụ như số ấp chiến lược tại VNCH bị triệt hạ. Bộ Lịch Sử Việt Nam này nêu thành tích là đã phá hoàn toàn và phá từng phần tổng cộng (2,895 + 5,950) 8,845 ấp riêng năm 1963 mà thôi! Cho đến năm 1963 thì toàn cõi VNCH theo thống kê có 9,095 ấp. Vậy là chỉ trong một năm, ấp chiến lược bị Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam triệt phá gần hết như đi vào chỗ không người?! Sự thật về ấp chiến lược là thế này. Sau khi ra lệnh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu sáng ngày 2.11.1963, tướng Dương Văn Minh lên làm Chủ Tịch nước VNCH và với danh nghĩa đó, ông ký Sắc Lệnh số 103/SL/CT ngày 9.3.1964 giải tán chương trình Ấp Chiến Lược!


Mặt khác, nhiều vấn đề quan trọng chỉ được biên soạn một cách sơ sài có tính cách lấp liếm, hoặc bỏ ngỏ hay không  hề nhắc đến.


Đề tài quan trọng nhất trong thời Cổ Đại là nguồn gốc dân tộc chỉ được biên soạn một cách rối rắm phức tạp mà không có kết luận dứt khoát, rồi phán một câu kết luận, nguyên văn thế này nơi trang 66 của Tập 1: "Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á và phía Nam Trung Quốc - một trong những cái nôi sinh ra loài người." Thật là một ý tưởng độc đáo, nhân danh ngành khảo cổ học Việt Nam!


Còn trong thời Hiện Đại thì vụ Nhân Văn Giai Phẩm chỉ chiếm 2.5 trang. Vụ xét lại chống Đảng không thấy chữ nào. Vụ giết hại và chôn sống nhiều ngàn người ở Huế Tết Mậu Thân không thấy đả động. Vụ tịch thu rồi thiêu hủy tất cả ấn loát phẩm khắp miền Nam nước Việt sau ngày 30.4. 1975 không có dấu vết...


 


X


XX


                                                                                         


Tiếp theo bài viết tổng quát này, sẽ là hai bài về nội dung bộ sử chính thức của chế độ đương quyền. Một, sẽ nêu lên những đóng góp mới mẻ và cập nhật vào kiến thức lịch sử trong dân gian của Viện Sử Học Hà Nội, tức là phần tích cực của bộ sách. Và hai, sẽ là những sự kiện và những sự thông giải lịch sử không chính xác, tức là phần tiêu cực xuất phát từ chủ đích chính trị nhân danh một sử phẩm./


TRẦN ANH TUẤN


22.9. 2017


 

++++++++++++++++++++++++++++++


Vài hàng tiểu sử Gs Trần Anh Tuấn


image020


Gs. Trần Anh Tuấn dòng dõi họ Trần ở Hải Dương, đến đời nội tổ mới về Thanh Hoá. Ông học vỡ lòng với cô giáo con gái chủ hãng lơ Vũ Tạo (Hà Nội) tại trại thuốc lá Yên Hà của thân sinh ở làng Ba Bông, Thanh Hoá. Sau đó, ông học trường Tại tại thị trấn Voi, Thanh Hoá trong thời kháng chiến chống Pháp, rồi tiểu học Vân Hồ, Hà Nội.

Theo gia đình vào Sài Gòn năm 1954, ông học trường di chuyển Cầu Kho (1956), Hồ Ngọc Cẩn (1960), Chu Văn An (1963), Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (1967) và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn (1968). Ông hoàn tất Cao Học Sử (1972) và chương trình Tiến Sĩ Chuyên Khoa Sử Học tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn (1974) nhưng chưa trình luận án vì biến cố 30.4.1975.

Ông hoàn toàn là sản phẩm của nền giáo dục ba miền Trung Bắc và Nam trong những hoàn cảnh và chế độ khác nhau, và hãnh diện về sự kiện này.

Sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm năm 1967, ông giảng dạy tại Trung Học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, rồi Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, và Đại Học Cao Đài Tây Ninh cho đến tháng Tư năm 1975. Ông được mời vào Hội Đồng Quản Trị Hội Société des Etudes Indochinoises, một cơ quan văn hoá của Pháp tại Sài Gòn, và đảm nhận vai trò Thư-viện-trưởng vì tiểu luận Cao Học Sử của ông (Thư Tịch Chú Giải Lịch Sử Việt Nam Qua Các Tạp Chí Pháp Ngữ 1865-1970, 251 tr.) hoàn tất nhờ tài nguyên tại Thư Viện Hội. Ông bị động viên khoá 2/68 Sĩ Quan Trừ Bị tại Đồng Đế, Nha Trang. Ông được biệt phái về dạy lại tại Trung Học Nguyễn Đình Chiểu năm 1970.

Sau ngày 30.4.1975, ông bị bắt vào các trại tập trung Trảng Lớn, Đồng Ban, và Kà Tum tại Tây Ninh, rồi Z30B tại Long Khánh trong ba năm mới được trả tự do bằng Giấy Ra Trại số 689 ngày 4.3.1978 của Cục Quản Lý Trại Giam, Bộ Nội Vụ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Cuối năm 1978, ông giả làm người gốc Hoa với tên Trần Phước để vượt thoát Việt Nam tại Vũng Tầu đến Indonesia, nếm mùi vượt biển bằng thuyền và cuộc sống hỗn độn trong một trại tỵ nạn Đông Nam Á, là trại tị nạn Tanjung Uban.

Đặt chân xuống phi trường San Francisco ngày 13.11.1979, ông trở lại nghề thầy tại Học Khu Thống Nhất Oakland, Bắc California tháng 2.1980 sau khi hoàn tất thủ tục lấy Teaching Credential (Giấy Phép Hành Nghề Dạy Học) tại Bộ Giáo Dục Tiểu Bang ở Sacramento. Sau hơn 25 năm giảng dạy và làm chuyên viên giáo dục tại Học Khu, ông quyết định về hưu sớm để có thì giờ theo đuổi những dự án dài hơi về sử học. Vẫn còn vương vấn thế giới học đường và để có thể trực tiếp tiếp xúc với giới trẻ, ông bắt đầu dạy bán thời gian ở trường đại học cộng đồng The College of Alameda, California kể từ niên khóa 2005-06.

Ngoài việc giảng dậy, Gs. Trần Anh Tuấn là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu sử học từ năm 1966 đến nay, từ trong nước (các tập san Sử Địa, Tư Tưởng, Nghiên Cứu Việt Nam...) ra đến hải ngoại (các tập san Thế Kỷ 21, Văn Học, Khởi Hành...). Ông là một nhà thư tịch học. Ông chủ  biên nội san Tin Sử Địa (1964-1966), rồi trong ban chủ trương Tập San Sử Địa trong nước (1966-1975) và sáng lập chuyên san Dòng Sử Việt tại California (2006-2007).

Dự án dài hơi của ông là Sử Việt Tại Bắc Mỹ (1975-2015) sẽ xuất bản năm nay, và sau đó là Lịch Sử Lập Cư của Người Việt tại Hoa Kỳ (1975-1990).


Giáo sư Trần Anh Tuấn hiện hưu trí tại thành phố đảo Alameda, miền Bắc California./