Hà Văn Thùy: Người Lạc Việt là chủ nhân Kinh Dịch

24 Tháng Sáu 20188:41 CH(Xem: 9321)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ HAI 25 JUNE 2018


LTS: Ngày 31 tháng 5 tại Hà Nội diễn ra Tọa đàm khoa học NGƯỜI VIỆT VỚI KINH DỊCH do Trung tâm Văn hóa Minh triết và trung tâm Lý học phương Đông tổ chức. Tọa đàm nhằm hai mục đích: xác định bản quyền kinh Dịch và bước đầu tập hợp những khám phá mới để phục hồi cuốn Dịch của người Lạc Việt. Có thể nói, qua các tham luận trình bày, Tọa đàm ngày 31 tháng Năm năm 2018 đóng dấu mốc quan trọng xác nhận xác nhận người Lạc Việt là tác giả của Kinh Dịch. Các tham luận cũng đưa ra những phát hiện về Kinh Dịch sẽ được khảo cứu trong chương trình dài hơi sau này.


Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tham luận của nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy. (VH)


NGƯỜI LẠC VIỆT LÀ CHỦ NHÂN KINH DỊCH


image013


Hà Văn Thùy


Văn hóa là sản phẩm hoạt động xã hội của cộng đồng người diễn ra tại không - thời gian nhất định trong quá khứ. Tuy nhiên, trên một không gian thường có những cộng đồng khác nhau từng tồn tại ở những thời điểm khác nhau. Ngày nay khi nghiên cứu văn hóa cố, dựa vào di cốt cùng di vật, khoa học biết từng lớp người đi qua đã tạo ra những loại hình văn hóa gì. Đó là nói về văn hóa vật thể. Còn với văn hóa phi vật thể sẽ khó hơn, vì lẽ, có những sản phẩm tinh thần do lớp người trước tạo ra truyền cho lớp người đến sau. Nhưng rồi hôm nay, ta chỉ thấy lớp người đang sống với nền văn hóa họ đương sở hữu nên mặc nhiên cho rằng nền văn hóa tinh thần ấy là sản phẩm sáng tạo của chính họ!


Con người và nền văn minh trên đất Trung Hoa là thí dụ điển hình. Hàng nghìn năm nay, người Trung Hoa cho rằng, họ là người Hoa Hạ, là con cháu của Viêm Đế và Hoàng Đế. Truyền thuyết cũng nói tới những vị tổ thời khai thiên lập địa là Bàn Cổ rồi Toại Nhân làm ra lửa, Phục Hy họa quái và Thần Nông “giáo dân nghệ ngũ cốc”… Ở thời hiện đại, khi đi tìm nguồn gốc của mình, dựa vào những khám phá khảo cổ, các học giả Trung Hoa cho rằng người từ phương Tây xâm nhập đồng bằng miền Trung Hoàng Hà làm nên văn minh Hoa Hạ. Người Hoa Hạ loại bỏ người bản địa Tam Miêu, Cửu Lê còn mông muội để trở thành chủ nhân của Trung Hoa và do sở hữu chữ viết, đã xây dựng nền văn minh vĩ đại của dân tộc Trung Hoa [1].


Trong những thành tựu của văn minh Hoa Hạ thì Kinh Dịch được coi là sáng tạo hàng đầu. Tuy nhiên sau 2000 năm dùng Dịch cho triết lý và bói toán, người ta thấy Chu Dịch có những điều bất cập không thể lý giải được mà mọi người chỉ có thể sử dụng như một quy ước, như định đề trong toán học. Ngay cả nguồn gốc của kinh Dịch cũng gây nghi ngờ. Sau những cuộc tranh biện với nhiều quan điểm và lý lẽ, cho đến nay, các học giả Trung Quốc vẫn không dám tin rằng đó là sản phẩm sáng tạo của người Trung Quốc.[2]


Trong khi đó, nhiều học giả người Việt, bằng những chứng cứ và lý lẽ xuất phát từ nguyên lý của Dịch, từ những hạn chế bất cập của Chu Dịch, từ những hiện vật trên đất Việt đã chứng minh Kinh Dịch là sản phẩm sáng tạo của người Việt.


Trong bài viết này, chúng tôi trình bày nguồn gốc kinh Dịch dựa trên lịch sử hình thành con người và văn hóa ở Hoa lục.

I. Sự hình thành dân cư.

Thành tựu mới nhất của khoa học nhân loại thế kỷ XXI khẳng định, khoảng 250.000 năm trước, người Đứng thẳng Homo erectus rời khỏi địa bàn châu Á, trong đó có Trung Quốc. Điều này khẳng định hoàn toàn không có chuyện người đứng thẳng Chu Khẩu Điếm Homo pekinensis sinh ra người Trung Quốc.


Sau hơn trăm nghìn năm vắng bóng người, 40.000 năm cách nay, người Lạc Việt [mã di truyền Halogroup O1 (Y-DNA)] từ Việt Nam đi lên, là người Khôn ngoan (Homo sapiens) sớm nhất đặt chân tới Hoa lục. Khảo cổ học tìm được di cốt của người Lạc Việt 27.000 năm trước ở Chu Khẩu Điếm. Tại Động Người Tiên tỉnh Giang Tây tìm được di cốt người Lạc Việt Khoảng 25.000 năm trước.


7.000 năm trước, tại văn hóa Ngưỡng Thiều miền Trung Hoàng Hà, người Lạc Việt thuộc loại hình Australoid hòa huyết với người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid) sinh ra chủng người Việt mới mang mã di truyền Mongoloid phương Nam (South Mongoloid). Người Mongoloid phương Nam tăng nhân số, trở thành chủ thể của lưu vực Hoàng Hà. Sau này di cư xuống phương Nam, chuyển hóa đại bộ phận dân cư Đông Á sang loại hình Mongoloid phương Nam, nay được gọi là người Nam Á.


Khoảng năm 2698 TCN, người Mông Cổ du mục (North Mongoloid) ở bờ Bắc Hoàng Hà chiếm đất của người Việt ở bờ Nam, dựng vương triều Hoàng Đế. Tuy chiến thắng nhưng do nhân số ít và luôn bị chống trả, người Mông Cổ áp dụng cách cai trị mềm dẻo, đã xây dựng được nhà nước tương đối ôn hòa. Trong quá trình chung sống, diễn ra sự hòa huyết giữa người Mông Cổ và người Việt. Lớp con lai ra đời, được gọi là Hoa Hạ. Về mặt di truyền, người Hoa Hạ mang mã di truyền Mongoloid phương Nam, cùng bộ gen với người Lạc Việt bản địa. Đó là tầng lớp tinh hoa, thay thế cha ông Mông Cổ lãnh đạo xã hội. Nhưng do người Mông Cổ ít trong khi đó người Lạc Việt quá đông nên chỉ thời gian ngắn, không tới 100 năm (từ Hoàng Đế tới chắt ông là Đế Khốc), trong nhà nước Hoàng Đế, không những người Mông Cổ không còn mà người Hoa Hạ cũng hòa tan vào cộng đồng Lạc Việt. Nếu Đế Khốc còn là chắt trực hệ của Hoàng Đế thì Đế Nghiêu, Đế Thuấn rồi Đại Vũ hoàn toàn là Việt. Dù sau này, nhà Thương và Chu có là dòng dõi của Hoàng Đế thì cũng chỉ là danh nghĩa, còn về máu huyết đã hoàn toàn là Việt (Thành Thang có nước da đen của người Lạc Việt).


Cuối đời Chu xảy ra loạn Chiến Quốc sau đó Tần Thủy Hoàng diệt Lục quốc lập nhà Tần. Diệt nhà Tần, Lưu Bang người nước Sở lập nhà Hán…


Từ tri thức mới của thế kỷ XXI, chúng ta biết rằng, nhà Tần thuộc nhóm Tày-Thái của người Lạc Việt. Còn Lưu Bang là người nước Sở, mà trước đó là người Dư Việt (hay Dương Việt) chủ nhân của đồng bằng Trong Nguồn, những bộ tộc Lạc  Việt mà cha ông là chủ nhân của văn hóa Ngưỡng Thiều. Việc người Hán tràn xuống Nam Dương Tử mở rộng vương triều Hán và “đồng hóa” dân cư vùng Giang Nam cũng chính là việc gom đất đai cùng dân cư người Việt vào nhà nước Trung Hoa.


Từ đó có thể thấy, như một ảo ảnh của lịch sử, cái gọi là người Hoa Hạ chỉ xuất hiện và tồn tại thời gian ngắn sau đó biến mất trong cộng đồng người Việt đông đảo. Người Việt không chỉ giữ vai trò lãnh đạo mà còn là chủ thể của dân cư Trung Quốc. Nhưng do không biết nguồn cội thực sự của mình, các vương triều Trung Hoa cố công vinh danh “tộc Hoa Hạ” để khẳng định nguồn gốc ưu việt của họ so với dân “tứ di”xung quanh. Lộng giả thành chân khiến cho cả cái khối người Việt khổng lồ trong các vương triều Trung Hoa chối bỏ nguồn gốc Tam Miêu, Cửu Lê để nhận vơ dòng giống Hoa Hạ dù trong máu huyết không hề có giọt nào của Hoàng Đế. Chỉ vì sỹ diện hão mà cả một dân tộc cam tâm bỏ mồ cha khóc đống mối! Một sự đui mù lịch sử. Quả là chuyện cười ra nước mắt! [3]


II. Sự hình thành văn hóa trên Hoa lục


Khoảng 20.000 năm trước, tại Động Người Tiên tỉnh Giang Tây, người Lạc Việt sáng tạo đồ gốm đầu tiên của nhân loại. Cũng tại đây, 12.400 năm trước, cây lúa nước Oryza sativa sớm nhất được thuần hóa. 9000 năm trước, người Lạc Việt xây dựng văn hóa Giả Hồ tỉnh Hà Nam với công cụ đá, đồ gốm trình độ cao, nền nông nghiệp lúa nước phát triển. Rượu vang được chế bằng cách dầm rượu gạo với mật ong và táo gai. Những chiếc sáo được làm bằng xương chim hạc. Đặc biệt là những ký tự tượng hình đầu tiên được khắc trên yếm rùa và xương thú. Khoảng 6000 năm trước, tại các di chỉ Bán Pha tình Sơn Tây, Cảm Tang tỉnh Quảng Tây, Lương Chử Chiết Giang, chữ tượng hình khắc trên yếm rùa, xương thú đạt tới mức trưởng thành, được dùng cho bói toán và cúng tế.


Khoảng 5300 năm trước, người Lạc Việt thành lập nhà nước với kinh đô Lương Chử vùng Thái Hồ, có địa giới rộng bằng nửa Trung Quốc, có kinh tế nông nghiệp phát triển và nền văn hóa rực rỡ. Các học giả Trung Quốc xác nhận, Lương Chử là nhà nước sớm nhất ở phương Đông. Chủ nhân Lương Chử là người Lạc Việt (gồm hai chủng Indonesian mã di truyền M122 và Melanesian mã di truyền M119). Dựa theo những vật thờ bằng ngọc, trong đó nổi bật là thao thiết, những mặt nạ “hình người mặt thú,” họ cũng cho rằng người Lương Chử được gọi là “vũ nhân” hay “vũ dân” thờ totem kép chim và thú, Những khám phá này gợi cho thấy nhà nước Lương Chử chính là nhà nước Xích Quỷ của họ Hồng Bàng. Sau 80 năm khảo cứu văn hóa Lương Chử, các học giả Trung Quốc nhất trí nhận định:

  1. Lương Chử là nhà nước sớm nhất ở phương Đông. Những nhà nước Hạ, Thương trước đây vốn được coi là sớm nhất nay phải trả lại vai trò cho Lương Chử.

  2. Văn hóa Lương Chủ là cội nguồn của văn minh Trung Quốc. [4]

Nhận định thứ nhất là chuyện hiển nhiên vì mọi thứ hiện vật khảo cổ bày ra giữa thanh thiên bạch nhật. Còn nhận định thứ hai giải thích làm sao? Trước hết, đó là sự lật đổ đối với quan niệm truyền thống về lịch sử Trung Hoa. Từ lâu nhân loại khẳng định rằng, văn hóa, lịch sử là thành quả hoạt động xã hội của cộng đồng người trong không-thời gian cụ thể. Điều này có nghĩa, cội nguồn văn minh phải xuất phát từ cội nguồn dân cư. Vậy làm sao giải thích được việc 2500 năm hình thành và hoạt động tại lưu vực Hoàng Hà, chân không hề chạm nước Trường Giang nhưng cội nguồn văn hóa của người Trung Hoa lại ở Nam Dương Tử, cách nơi nó sinh ra hàng ngàn dặm?


Rõ ràng đó là nghịch lý. Nhưng bất chấp nghịch lý, sự tương đồng rõ rệt giữa văn hóa Lương Chử và Trung Nguyên, trong khi đó, văn hóa Lương Chử không chỉ tuổi cao hơn mà còn tiến bộ hơn rất nhiều khiến cho học giả Trung Quốc buộc phải thừa nhận “văn hóa Lương Chử là cội nguồn của văn minh Trung Quốc.” Tuy thừa nhận nhưng cho đến nay họ không thể giải thích thỏa đáng nguyên nhân của việc này.


Thực tế chứng tỏ đó là cách nhìn hẹp. Nếu nhìn toàn diện hơn thì phải thấy rằng, người Lạc Việt là chủ nhân từ xa xưa của đất Hoa lục. Khi tới Nam Hoàng Hà đã tạo dựng văn hóa Giả Hồ, Ngưỡng Thiều, Long Sơn. Tại Nam Dương Tử làm nên văn hóa Hà Mẫu Độ, Lương Chử… Những nền văn hóa đó đều được sinh ra từ con người và văn hóa Lạc Việt. Do không nhìn thấy bức tranh toàn cảnh ấy mà chỉ nhìn vào điểm sáng Lương Chử nên học giả Trung Quốc cho rằng văn hóa Lương Chử là cội nguồn của văn minh Trung Quốc. Chính xác hơn, phải nói rằng, văn hóa Lạc Việt là cội nguồn của văn minh Trung Quốc.


Năm 1987 các nhà khảo cổ phát hiện tại dốc Tây Thủy thành phố Bộc Dương tỉnh Hà Nam ngôi mộ cổ 6500 tuổi, thuộc về văn hóa Ngưỡng Thiều [5]. Ngôi mộ có biểu tượng trời tròn đất vuông, hình thanh long bạch hổ cùng với nhị thập bát tú và các tiết khí trong năm.


Chuyên gia Phong thủy cho rằng, tại đây thể hiện trình độ thiên văn, phong thủy đã trưởng thành. Điều này cũng có nghĩa là với người Bộc Dương, tri thức về Dịch lý cũng đã trưởng thành. Thời điểm của mộ Bộc Dương cũng trùng với thời điểm xuất hiện của Phục Hy (6480 năm trước), cho thấy truyền thuyết Bào Hy họa quái là có cơ sở. Cố nhiên ta hiểu rằng, không phải Phục Hy làm ra Dịch mà đó là kết quả sáng tạo của rất nhiều người trong thời gian nhiều nghìn năm. Nhưng Dịch được thành tựu đúng vào thời trị vì của Phục Hy nên theo phong tục phương Đông “công quy vu trưởng”, dân gian quy công làm Dịch cho Phục Hy.

image015
濮阳西水坡45号墓分析
 Mộ số 45
image016
Sơ đồ phân tích mộ 45        

Như vậy, Dịch lý xuất hiện cách nay 6500 năm, trước khi người Hoa Hạ ra đời 2000 năm. Điều này khẳng định Dịch là sản phẩm sáng tạo của người Lạc Việt.   


Có sự thật là, các vương triều Hoàng Đế nhờ chính sách cai trị tốt đẹp nên động viên được người dân Việt đem văn hóa Lạc Việt cùng năng lực, trí tuệ xây dựng đất nước, tạo nên thời Hoàng Kim trong lịch sử. Tuy nhiên, các vương triều Hoàng Đế với lối nhìn mục hạ vô nhân, tự cho mình là ưu việt, khinh thường các dân xung quanh là man di. Không những thế, lại luôn trong tình trạng chiến tranh với cộng đồng Lạc Việt đông đảo xung quanh nên vô hình trung bị tách khỏi nguồn cội văn minh Lạc Việt.


Tình trạng bị tách khỏi nguồn cội, bị cô lập trong khi lầm tưởng rằng mình ưu việt tất yếu làm cho nền văn hóa Trung Hoa bị nhiều hạn chế. Nó chỉ nhận được những tri thức vừa cũ, vừa không đầy đủ, được lưu giữ trong kinh nghiệm của những người cao tuổi nơi vùng đất bị chiếm đóng. Do vậy, văn hóa các vương triều Hoa Hạ chỉ thu nhận phần không tiêu biểu của văn hóa Lạc Việt. Hệ quả tất yếu là nền văn hóa Trung Hoa vừa nông cạn vừa méo mó. Có thể nói một cách khái quát, tuy được tiếng là nền văn hóa rực rỡ ở phương Đông nhưng văn hóa Trung Hoa là nền văn hóa tiên thiên bất túc. Phần văn hóa Việt còn khiếm khuyết của dân cư Nam Hoàng Hà dưới tác động của đặc trưng văn minh du mục Mông Cổ tạo nên sự bất toàn của văn minh Trung Hoa. Sự bất toàn này thể hiện trong lời đối thoại giữa Khổng Tử và Tử Lộ trong sách Trung Dung:


“Tử Lộ vấn cường. Tử viết: Nam phương chi cường dư? Bắc phương chi cường dư? Ức nhi cường dư? Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo: Nam phương chi cường dã. Quân tử cư chi. Nhậm kim cách, tử nhi bất yếm. Bắc phương chi cường dã. Quân tử cư chi.”Tử Lộ hỏi về sức mạnh. Khổng Tử nói: “Sức mạnh của người phương Nam ư? Sức mạnh của người phương Bắc ư? Hay sức mạnh của ngươi ư? Lấy khoan dung mềm dẻo để dạy dỗ; không báo thù kẻ vô đạo. Đó là sức mạnh của người phương Nam. Người quân tử sống với sức mạnh đó. Lăn vào binh khí giáp trụ, không ngại chết choc, đó là sức mạnh của người phương Bắc. Kẻ vũ dũng sống với sức mạnh đó.” Đoạn trích trên cho thấy sự khác nhau của con người nhưng cũng chính là sự khác biệt về văn hóa giữa phương Nam và phương Bắc.


Minh chứng rõ ràng nhất cho sự bất toàn của văn hóa Hoa Hạ là chuyện chữ viết. Ta biết, truyền thuyết nói rằng Hoàng Đế sai Thương Hiệt làm chữ. Nhưng suốt hơn nghìn năm từ Hoàng Đế tới nhà Thương, Trung Quốc chưa có chữ. Trong khi đó, từ hơn 4.000 năm trước khi Hoàng Đế ra đời, Giáp cốt văn đã xuất hiện ở Giả Hồ, sau đó là Bán Pha, Cảm Tang rồi Lương Chử… Chỉ từ năm 1300 TCN, khi Bàn Canh tiến sang đông, chiếm đất An Dương, phát hiện chữ trên yếm rùa và xương thú của người Lạc Việt, nhà Thương mới biết tới chữ tượng hình. Cho đến nay học giả thế giới vẫn cho rằng Giáp cốt văn là chữ của nhà Thương. Nhưng sự thực, đó là văn tự được sáng tạo từ hàng ngàn năm trước của người Lạc Việt. Chính chữ viết Lạc Việt mở ra sự phát triển rực rỡ của văn hóa nhà Chu. Nhưng văn hóa nhà Chu là gì? Đúng như Khổng Tử khẳng định, “ngô thuật nhi bất tác, ” ông chỉ thuật lại tư tưởng của thánh hiền xưa. Thánh hiền mà Khổng nói tới không phải là Nghiêu, Thuấn mà là Phục Hy, Thần Nông…


Trong văn hóa cổ trên đất Trung Hoa tồn tại hiện tượng đặc biệt, là văn tự hóa thạch sống đó là sách Thủy (Thủy thư) được viết bằng chữ Thủy (Thủy tự), được xếp vào di sản văn hóa nhân loại. Đó là di sản từ tổ tiên để lại của bộ tộc Thủy với 34.000 người sống ở tỉnh Quý Châu. Kết cấu của văn tự cổ Thủy tộc có ba loại hình: thứ nhất là chữ tượng hình, giống như Giáp cốt và Kim văn; thứ nhì là chữ phỏng theo Hán ngữ, tức là cách viết ngược, viết đảo hay cải biến chữ Hán; ba là văn tự tôn giáo, tức các phù hiệu biểu thị mật mã của tôn giáo Thủy tộc cổ truyền. Sách được viết theo hình thức từ phải sang trái, từ trên xuống dưới, không có dấu chấm câu. Văn tự Thủy tộc có ba hình thức lưu truyền chủ yếu: khẩu truyền, viết trên giấy, thêu, viết lên da, khắc trên ván gỗ, viết trên gốm rồi nung v.v…Thủy thư chủ yếu dựa vào viết tay, truyền khẩu lưu truyền tới nay, vì vậy được các chuyên gia học giả thế giới khen ngợi là văn tự tượng hình “hóa thach sống.” Ngoài nội dung tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy, Thủy thư còn chứa rất nhiều thông tin về các thiên tượng, tư liệu lịch pháp cùng văn tư cổ, là di sản văn hóa lịch sử vô giá của Thủy tộc. Một số trong đó là lý thuyết hiện nay như Cửu tinh, Nhị thập bát tú, Bát quái cửu cung, Thiên can địa chi, nhật nguyệt ngũ tinh, Âm Dương ngũ hành, Lục thập giáp tử, tứ thời ngũ phương.  Quy chế thất nguyên lịch được đề cập trong Chính nguyệt kiến Tuất của Thủy lịch, cho thấy tổ tiên Thủy tộc đã kết tinh trí tuệ và nghệ thuật cao, bao hàm triết học của khoa học luân lý và biện chứng duy vật sử quan. Trong văn hóa Trung Quốc nó được xem là những trang sáng lạn nhất.


Về nguồn gốc, tộc Thủy là một bộ phận dân cư Lạc Việt mà tổ tiên sáng tạo chữ khắc trên đá ở Cảm Tang. Sau cuộc xâm lăng của Tần, Hán, đồng bào lánh vào sống với rừng sâu. Tuy trở thành những bộ tộc thiểu số nhưng đã giữ được văn hóa cùng chữ viết của tổ tiên Lạc Việt.


image017


Thủy thư


Chính chữ Thủy cùng sách Thủy là minh chứng hùng hồn cho thấy người Lạc Việt là chủ nhân của Kinh Dịch.


Tuy vậy cũng phải thừa nhận sự thực là, mặc dù sáng tạo Dịch lý và chữ viết từ sớm, nhưng do không có nhà nước quân chủ mạnh nên người Lạc Việt không thể huy động được sức người sức của để hoàn thiện chữ viết cũng như sách Dịch. Do những tư tưởng của Dịch lý không được văn tự hóa mà chỉ lưu truyền bằng cách truyền miệng trong dân gian, dẫn tới rơi rụng, tam sao thất bản. Việc nhà Thương hoàn chỉnh chữ viết, sau đó nhà Chu ký tự hóa Dịch lý thành Chu Dịch là bước tiến lớn để bảo tồn Dịch lý. Tuy nhiên do ra đời trong những điều kiện như vậy nên Chu dịch không tránh khỏi những sai lầm bất cập.


Những bất cập của Chu dịch:


Ngoài việc nói theo truyền thuyết là Phục Hy thấy hình trên con long mã nổi trên sông Hà, lập ra Hà đồ; Hạ Vũ thấy hình trên lưng con rùa thần nổi trên sông Lạc, làm ra Lạc thư; Văn Vương bị giam trong ngục làm ra Chu dịch rồi Khổng Tử thêm vào Thập dực… người Trung Hoa không biết gì thêm mà chỉ chấp nhận và thực hành Dịch theo cổ nhân. Không ít người nhận ra rằng, cũng như khi viết kinh Xuân Thu, Khổng Tử chế biến sử nước Lỗ thành cuốn sách dạy đạo lý; khi san định Dịch, ông cũng biến cuốn kinh về sự vận hành của cõi Trời, Đất, Người thành cuốn sách dạy đạo lý! Do vậy, nhiều điều mâu thuẫn thậm chí sai lầm của Chu dịch vẫn tồn tại tới hôm nay!


Có thể chỉ ra những khiếm khuyết sau của Chu dịch:


1. Quan niệm về Ngũ hành


Chu dịch cho rằng, Ngũ hành là năm dạng vật chất tồn tại trên mặt đất, là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ, tức là vàng, gỗ, nước, lửa và đất. Quan hệ giữa các hành có tương sinh và tương khắc, theo một chiều. Tương sinh: Kim sinh Thủy sinh Mộc sinh Hỏa sinh Thổ sinh Kim. Tương khắc: Hỏa khắc Kim khắc Mộc khắc Thổ khắc Thủy khắc Hỏa……                                                                    


Trong khi đó, tại Việt Nam, từ những truyền thuyết, những di vật do tiền nhân để lại, nhiều nhà nghiên cứu phát hiện ra Ngũ hành nguyên thủy của tộc Việt, phù hợp hơn với quy luật của tự nhiên và khắc phục được những khiếm khuyết của Chu dịch. Cũng là năm yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ nhưng theo Dịch Lạc Việt, đó không phải là vật chất tĩnh tại trên mặt đất mà là năm ngôi sao vận động trên bầu trời, có quan hệ gắn bó không chỉ với Trái đất mà với số phận của từng con người. Không tương sinh, tương khắc một chiều như quan niệm của Chu dịch, Ngũ hành Lạc Việt vừa sinh vừa khắc lẫn nhau theo quy luật vạn vật hấp dẫn.     


2. Quan niệm về Bát quái.


Chu dịch có Tiên thiên bát quái và Hậu thiên bát quái. Tương truyền Hậu thiên bát quái do Văn Vương tạo ra và được ứng dụng cho tới nay. Nhưng qua hàng nghìn năm, nhiều người nhận ra hạn chế của bát quái Văn Vương ở chỗ không phản ánh đầy đủ sự biến hóa của tự nhiên vũ trụ cũng như cõi nhân sinh. Do vậy, khi áp dụng Chu dịch cho triết lý cũng như dự đoán đều gặp những hạn chế. Ngày nay, từ nhiều con đường, trong đó có kỹ thuật số, học giả Trần Quang Bình khám phá, trong tự nhiên có tới 40.320 bát quái đồ mà Hậu thiên bát quái Văn Vương chỉ là một trong 24 đồ hình đạt được 6 chiều đối xứng. Trong khi đó, Bát quái chuẩn của Việt tộc đạt được 8 chiều đối xứng. Khi mà chiều đối xứng tăng lên, tầm bao quát của Bát quái được mở rộng, sẽ phản ánh chính xác hơn về những đối tượng được khảo sát.


image018


Đồ hình của Hà Hưng Quốc


3. Quan niệm về Lục thập hoa giáp


Ở trên là nói về chiều không gian của Dịch lý. Một chiều quan trọng khác là chiều thời gian, được thể hiện ở vòng Lục thập hoa giáp. Phương pháp Ngũ Hành Nạp Âm là một bí ẩn lớn trong nhiều thiên niên kỷ đối với học giả và danh sư lý số người Hoa.  Sách Khảo Nguyên đã viết “. . . chẳng biết nó ở đâu đến.  Khảo sát rõ nghĩa của nó, đại để là theo lời dạy của tổ tiên lấy ý của Dịch tượng, tức là lý của Tiên Thiên – Hậu Thiên Bát Quái vậy.”  Thiệu Vĩ Hoa, một nhà nghiên cứu gốc Hoa hiện đại và rất nổi tiếng, cũng thừa nhận “Nạp âm ngũ hành trong bảng 60 Giáp Tý căn cứ theo nguyên tắc gì để xác định; người xưa tuy có bàn đến nhưng không có căn cứ rõ ràng và cũng chưa bàn được minh bạch. Do đó vẫn là huyền bí khó hiểu. Bảng 60 Giáp Tý biến hoá vô cùng; đối với giới học thuật của Trung Quốc cho đến nay vẫn là huyền bí khó hiểu.”   Thẩm Quát cũng nói “Nạp Âm lục thập Giáp Tí, rất ít người biết nguyên lý của nó.”


image019


Xin mượn lời học giả Hà Hưng Quốc bình về chuyện này:


“Có thể nói lý thuyết Ngũ Hành Phổ Cập thâm nhập hầu hết mọi ngõ ngách của những xã hội Á Châu.  Điều này chứng tỏ nó có sức hút rất lớn đối với quần chúng.  Tuy là vậy, với suy nghĩ thực sự nghiêm túc, chúng ta không thể không nhìn thấy sự phi lý rõ rệt của lý thuyết Ngũ Hành Phổ Cập và sự tùy tiện trong ứng dụng đến mức độ khó chấp nhận.  Dầu cho kho lý thuyết và ứng dụng của lý thuyết Ngũ Hành Phổ Cập có nhiều tới đâu, có biến hóa tới đâu, có diễm ảo tới đâu, có ly kỳ tới đâu, có tinh vi tới đâu đi nữa thì cũng vẫn không che giấu được sự sai lầm từ nền móng.  Đó là, thế giới này không tạo dựng bởi năm loại vật chất Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.  Thế giới này không vận hành theo qui luật Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy.  Thế giới này cũng không vận hành theo qui luật Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ.  Kho tàng lý thuyết của Ngũ Hành Phổ Cập chỉ là một toà lâu đài đẹp xây bằng hơi nước.  Ứng dụng lý thuyết Ngũ Hành Phổ Cập vào các môn tiên đoán thì xác suất đúng sai của chúng có chắc gì hơn được xác suất sấp ngửa của một đồng tiền rớt trên mặt bàn?  Xin lưu ý cho là chúng ta không phủ nhận thuyết Ngũ Hành mà chỉ phủ nhận lý thuyết Ngũ Hành Phổ Cập đặt trên nền móng ‘5 vật chất + 2 qui luật sinh khắc.’      


Chưa bao giờ Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập đã có thể giải thích một cách “ngay thẳng và hợp lý” những vướng mắc trong Tam Hợp Cục, Tử Vi Cục, Vòng Tràng Sinh, Lục Xung, Lục Hợp, Lục Hại, và ngay cả trên chính cái cấu trúc 12 cung của Cung Bàn Tử Vi. Không thể là bởi vì bộ môn Tử Vi không được kiến tạo trên nền tảng của Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập.  Không thể là bởi vì người Tàu không phải là chủ nhân đích thực của nó. Bộ môn Tử Vi đã được kiến tạo trên nền tảng của Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy và của Bảng Lục Thập Hoa Giáp.  Chúng là sản phẩm văn hóa phi vật thể do tiền nhân Việt trước tác.  Và chúng ta không nên ngạc nhiên về điều này, vì cho đến bước giải trình này thì chúng ta đã kinh qua rất nhiều bằng chứng rồi.” [6]


III.Kết luận


Tri thức mới của thế kỷ XXI cho phép khẳng định rằng người Lạc Việt từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục đã sáng tạo ở đây nền văn minh nông nghiệp Lạc Việt rực rỡ. Muộn nhất 6500 trước, vào thời của Phục Hy người Lạc Việt đã sáng tạo Dịch lý. Từ đó, cuốn kinh vô tự lưu truyền trong dân gian. Đến đời Chu, Dịch được ký tự, gọi là Chu dịch. Sau đó được Khổng Tử san định. Những đời sau nhiều lớp học giả tu bổ để có hiện trạng như hôm nay, là một kỳ thư trong kho tàng tri thức nhân loại. Đó là thành tựu đáng trân trọng của bộ phận người Lạc Việt trên đất Trung Hoa. Tuy nhiên, do thời gian dài chưa có chữ, ý nghĩa của Dịch chỉ được truyền miệng qua nhiều nghìn năm nên xảy ra tình trạng tam sao thất bản. Mặt khác, do bị cắt đứt với nguồn cội Lạc Việt nên tri thức về Dịch trên đất Trung Hoa chưa đầy đủ. Vì vậy khi được ký tự, Chu Dịch không được trọn vẹn mà có những sai lệch. Công việc của những nhà nghiên cứu Dịch ngày nay là từ những khám phá về Dịch lý trên đất Việt Nam, ra sức chỉnh lý cuốn Dịch hiện có để phục nguyên Dịch của tổ tiên Lạc Việt./


Tài liệu tham khảo


1. Zhou Jixu. The Rise of Agricultural Civilization in China:The Disparity between Archeological Discovery and the Documentary Record and Its Explanation.  SINO-PLATONIC PAPERS Number 175 December, 2006


2. Nguyễn Trung Thuần: Học giả Trung Quốc không dám tin kinh dịch của mình."Thế giới những điều chưa biết" phần lịch sử, khảo cổ, Nhà xuất bản Giang Tô, Trung Quốc, năm 2008.


3. Hà Văn Thùy. Khám phá lịch sử Trung Hoa. NXB Hội Nhà văn. H, 2016.


4.良渚文化_百度百科 http://baike.baidu.com/view/1556.htm


5.徐韶杉:从阴宅风水看仰韶天文http://www.chinahexie.org.cn/a/yishupinsheji/gudongshoucang/shoucangshichang/2011/0106/6043.html


6. Hà Hưng Quốc. GIẢI MÃ BÍ ẨN LỤC THẬP HOA GIÁP vietdich.blogspot.com/p/giai-ma-bi-luc-thap-hoa-giap.html