Gustave Eiffel: Hậu thế lưu danh, cơ đồ hùng vĩ

22 Tháng Hai 20238:00 SA(Xem: 3347)

VĂN HÓA ONLINE – CỘNG ĐỒNG – THỨ TƯ FEB 22, 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Gustave Eiffel: Hậu thế lưu danh, cơ đồ hùng vĩ


RFI 21/02/2023


image032Tháp Eiffel ở Paris và Kiến trúc Sư vĩ đại Gustave Eiffel năm 1990. © Atelier Nadar / Gallica - BnF


Florian Riva | Patrice Martin


Cách nay 100 năm, cha đẻ của ngọn tháp làm nên biểu tượng của Paris, Gustave Eiffel đã ra đi. « 2023 – năm Eiffel » là dịp để nhắc lại sự nghiệp về kiến trúc đồ sộ, hơn 500 công trình được xây dựng ở hơn 30 nước.     


Nếu như vào thế kỷ 20 sự xuất hiện của Internet kéo theo sự ra đời của các tập đoàn công nghệ thì thế kỷ 19 là sự phát triển của ngành công nghiệp xây dựng, với vô số cầu đường được xây dựng khắp châu Âu và trên toàn thế giới, cùng những tên tuổi của các doanh nghiệp xây dựng và các kiến trúc sư vang bóng một thời, như kiến trúc sư Gustave Eiffel. Từ một chàng kỹ sư trẻ tốt nghiệp trường kỹ thuật École centrale de Paris, với tài năng được ví như bậc thầy phù thuỷ về sắt thép, đi liền với khả năng kinh doanh, tiếng tăm của Gustave Eiffel vang dội không chỉ ở Pháp mà còn được quốc tế biết đến rộng rãi.  


Những dấu tích mà Gustave Eiffel để lại vẫn hiện diện ở mọi nơi, từ cây cầu Maria Pia bắc qua sông Douro ở Bồ Đào Nha, cho đến tượng nữ thần tự do ở Hoa Kỳ, nhà thờ lớn Arica ở Chili, hay cầu Lạc Long ở Hải Phòng, cầu Mống ở Sài Gòn, Việt Nam. 


“2023 – năm Eiffel”, các ban ngoại ngữ của Đài phát thanh Quốc tế Pháp (Radio France Internationale- RFI) dành mỗi chuỗi các bài phóng sự nhắc lại những kỹ thuật cũng như các công trình kiến trúc làm lên tên tuổi của Eiffel. Đây cũng sẽ là dịp để nhắc lại một trong những bê bối lớn nhất của thế kỷ 20 - Hồ sơ Panama, ảnh hưởng đến danh tiếng của Eiffel cũng như doanh nghiệp mà ông đứng tên, mặc dù cuối cùng ông được toà xử là vô can. Eiffel dành những năm cuối đời để nghiên cứu khoa học, nghiên cứu về cách bảo tồn ngọn tháp trước sức tàn phá của thời gian cũng như tính hữu dụng của công trình này.   


Để hiểu được cuộc đời của người kiến trúc sư tài ba cũng như các công trình của ông. RFI đã gặp nhà sử học, kiến trúc sư Bertrand Lemoine, một trong những chuyên gia, hiểu biết sâu rộng về Gustave Eiffel và giai đoạn mà Eiffel sinh sống.   


Trong chuỗi bài về “2023 - Năm Eiffel”, RFI Tiếng Việt quan tâm đến những công trình được công ty của Eiffel xây dựng ở Đông Dương. Cụ thể, nhà sử học Bertrand Lemoine cho biết : “Eiffel đã xuất khẩu ra quốc tế rất nhiều công trình, nhất là ở Đông Dương cũ, gồm Lào, Cam Bốt và Việt Nam. Bởi vì dưới thời thuộc địa, chế độ thực dân Pháp đã xây dựng nhiều mạng lưới đường sắt, đường bộ, và các cây cầu để thuận tiện giao thông, cả những khu chợ nữa. Doanh nghiệp của Eiffel đã xây dựng khoảng hơn chục khu chợ ở Việt Nam, và có thể khoảng 60 cây cầu, cầu đường sắt và cầu đường bộ. Ông ấy đã trúng thầu những dự án quan trọng ở Việt Nam. Ngày nay, ít nhất vẫn còn cầu Mống (Pont des Messageries maritimes) hiện diện ở Sài Gòn. Cũng còn một số cây cầu khác nữa, vẫn còn đó, ẩn dấu đằng sau những tuyến đường sắt hoặc những con đường vòng. Một số cầu cũng được trao tên ông. Nhưng dĩ nhiên cũng cần phải trả lại Cezar những gì thuộc về Cezar, phải kể đến cầu Long Biên ở Hà Nội, một cây cầu rất quan trọng. Vì thế mà cầu đã nhiều lần bị oanh tạc nhưng vẫn tồn tại. Cây cầu này cũng được mệnh danh là cầu Eiffel mặc dù ông không đóng vai trò nào trong việc xây dựng, thậm chí chủ thầu còn là công ty đối thủ cạnh tranh với doanh nghiệp của Eiffel thời bấy giờ (là công ty xây dựng Daydé & Pillé). 


Đó là một công trình tuyệt vời. Nhưng vì đây là một cây cầu sắt cho nên người ta thường gắn tên Eiffel, vào tất cả những gì được xây dựng bằng sắt. Vì vậy mà có nhầm lẫn về cha đẻ của cây cầu này, khi nói là cầu do công ty Eiffel xây dựng, chỉ đơn giản bởi vì ông đã xây dựng rất nhiều công trình ở khu vực này. Tại Việt Nam, tên tuổi Eiffel được nhiều người biết đến, có thể là một cách gián tiếp, nhờ vào cây cầu này, nhưng lại không được biết đến qua những công trình khác mà cho đến nay vẫn cần khám phá lại.”   


Hiệp hội những người hậu duệ của Gustave Eiffel (L’Association des descendants de Gustave Eiffel), mà trong đó ông Bertrand Lemoine đóng vai trò là một trong những cố vấn khoa học, sẽ tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm 100 năm ngày mất của Gustave Eiffel. Trong số đó, có triển lãm về cuộc đời của Eiffel và những công trình của ông, được UNESCO tài trợ, triển lãm sẽ được tổ chức ở Paris và sau đó tại nhiều nước khác nhau.
13 Tháng Mười 2022(Xem: 3654)
15 Tháng Chín 2022(Xem: 3289)
08 Tháng Sáu 2022(Xem: 3905)
(Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh)