Nhóm Sắc Màu Kỷ Niệm đem ‘Mùa Thu Tình Ca’ về Little Saigon

29 Tháng Mười 20225:05 CH(Xem: 2062)

VĂN HÓA ONLINE – VĂN HÓA – THỨ BẨY 29 OCT 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Nhóm Sắc Màu Kỷ Niệm đem ‘Mùa Thu Tình Ca’ về Little Saigon


October 28, 2022


Văn Lan/Người Việt


WESTMINSTER, California (NV) – Khán phòng chật kín cả lối đi, khán giả ngồi thưởng thức đến giờ phút cuối chương trình “Mùa Thu Tình Ca” với những nhạc phẩm trình bày trong không gian thân thương qua những tiếng hát của thân hữu, bạn bè đến với nhau qua tình yêu âm nhạc.


image050Ái Loan và Đăng Phúc trong ca khúc “Nhất Quế Nhị Lan” theo làn điệu Quan Họ Bắc Ninh. (Hình: Văn Lan/Người Việt)


Với 31 nhạc phẩm tình ca được trình diễn, chiều nhạc do nhóm Sắc Màu Kỷ Niệm tổ chức tại nhà hàng Blue Restaurant trên đường Beach, Westminster, thu hút đông đảo khán thính giả đến thưởng thức vào chiều Chủ Nhật, 23 Tháng Mười.


Mùa Thu là mùa chuyển tiếp, là sự giao thoa của thiên nhiên với những chiếc lá vàng rơi, những chiều vàng óng ả sắc hoa màu nhớ của những kỷ niệm khó phai, khiến những vần thơ, những giai điệu của các thi nhạc sĩ tài hoa để lại cho đời những vần thơ bất tử, những điệu nhạc đầy ắp tình tự yêu thương.


Ban hợp ca Lê Hồng Quang mở màn chương trình với nhạc phẩm “Mẹ Đón Cha Về” sáng tác Phạm Duy, trích trường ca Mẹ Việt Nam, một trong những bản nhạc hát về mẹ hay nhất trong nền tân nhạc Việt Nam, do các giọng bè điêu luyện của các nữ ca sĩ, nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt.


image052Ca sĩ Bích Thủy hát nhạc phẩm “Tìm Nhau” trong chiều nhạc “Mùa Thu Tình Ca.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)


Tiếp nối cũng bằng âm hưởng Quan Họ, hai giọng ca được mến mộ Ái Loan và Nguyễn Đăng Phúc trong nhạc phẩm “Nhất Quế Nhị Lan,” đưa người nghe về những làn điệu xa xưa trong nền văn hóa Kinh Bắc, nội dung ca ngợi vẻ đẹp của liền chị Quan Họ được nâng niu tôn trọng, cũng là lời nhắn nhủ ân cần chung thủy, gìn giữ những gì đang có giữa đôi tình nhân: “…Cho hay là thú hữu tình/ Vì hoa nên phải lánh mình tìm hoa/ Yêu nhau cho trọn một bề/ Nay lần mai lữa, kẻ chê người cười/ Trồng cây xin chớ đốn chồi/ Yêu tôi xin chớ đứng ngồi với ai…”


Giới yêu âm nhạc ở Sài Gòn thời trước đã được nghe nhiều ca khúc của nhạc sĩ Trường Sa, trong đó có ba ca khúc bất tử “Xin Còn Gọi Tên Nhau,” “Rồi Mai Tôi Đưa Em” và “Mùa Thu Trong Mưa” với tiếng hát của ca sĩ Lệ Thu, thì nay Alan Võ làm người nghe như sống lại thời gian xưa qua nhạc phẩm “Rồi Mai Tôi Đưa Em” với ca từ thật dễ thương chạm đáy lòng thổn thức: “Còn đây không gian xưa quen gót lầy/ Bên hè phố cây lá thưa chim đã bay/ Ngồi nghe yêu thương đi xa tầm tay/Giữa tiếng ru trầm vào cơn mê này…” Lời tình yêu nhẹ nhàng của người trai với những bước chân trên phố vắng, nhớ về mắt môi xưa với những lời yêu trót đong đầy!


image054Hợp ca toàn ban trong nhạc phẩm “Mùa Thu Paris” như một lời tưởng niệm đến cố thi sĩ Cung Trầm Tưởng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)


Thính phòng như sôi nổi rộn ràng hơn trong giai điệu tango mời gọi bước chân người thưởng thức, hoặc nhiều khi mang nỗi buồn man mác qua những vần thơ của thi sĩ Cung Trầm Tưởng được ca sĩ Kim Loan trình bày trong nhạc phẩm “Tiễn Em.” Bài hát với những cung bậc được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, đưa người nghe vào những không gian lạnh lẽo của đêm Paris với nỗi buồn chia ly tê tái!


Trong hồi ký, nhạc sĩ Phạm Duy viết: “Dù có người vợ đại lượng, sẵn sàng tha thứ cho mình, nhưng tôi vẫn chưa ra khỏi cái vực thẳm mà tôi đã đẩy tôi xuống. Nằm trong đáy cô đơn, tôi ngóc đầu vươn lên soạn bài nhạc ‘Tìm nhau trong hoa nở/ Tìm nhau trong cơn gió/ Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ…’” Và ca sĩ Bích Thủy đã để lại những tâm tư vương vấn ấy qua nhạc phẩm “Tìm Nhau” vượt thời gian trong một chiều Thu nhạt nắng khiến thính phòng như ngẩn ngơ về những nỗi niềm của người nhạc sĩ tài hoa này.


image056Bà mẹ thưởng thức âm nhạc cùng con trai Nguyễn Minh Chính trong chiều nhạc “Mùa Thu Tình Ca.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)


Trong kho tàng âm nhạc tiền chiến Việt Nam và sau này, một số những bản nhạc bất tử của các tác giả Phạm Duy, Văn Cao, Trường Sa, Tuấn Khanh, Hoàng Trọng, Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Nguyễn Ánh 9, Phạm Trọng Cầu, Dương Thiệu Tước, Lam Phương, Anh Bằng, Từ Công Phụng, Phạm Mạnh Cương, Lê Hựu Hà, Trịnh Công Sơn, Đức Huy, Diệu Hương, qua sự trình bày của các ca sĩ thân hữu Bích Thủy, Vương Đức Hậu, Ái Loan, Kim Loan, Đăng Phúc, Alan Võ, Xuân Vũ, Phạm Quang Tố, Vương Đức Hậu, Kim Huệ, Kim Nhung, Tố Loan, Duy Khang, Thúy An, Huy Lai, cùng ban nhạc Lê Hồng Quang, âm thanh Thuận Lai và ánh sáng Richard Long Nguyễn, đã đem lại một chiều nhạc mùa Thu nhiều lưu luyến.


Nói với nhật báo Người Việt, ông Ngô Ngọc Vĩnh, đại diện ban tổ chức, cho hay: “Chúng tôi cố gắng mỗi năm làm hai chương trình, một vào mùa Xuân và một vào mùa Thu, để gởi đến quý khán thính giả cùng ngồi lại với chúng tôi, thưởng thức những bản nhạc vượt thời gian được nhiều người yêu thích. Đó chính là sự ra đời của nhóm Sắc Màu Kỷ Niệm, với ‘Mùa Thu Tình Ca’ là chủ đề chiều nhạc hôm nay, các ca sĩ thân hữu cống hiến hết mình qua những nhạc phẩm trình bày đều mang âm hưởng mùa Thu.”


“Thông thường lúc trước chúng tôi tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt để những vị cao niên có thể tham dự dễ dàng, nhưng kỳ này vì chưa được nên chúng tôi tổ chức tại đây. Xin cảm ơn quý thính giả đã vì lòng yêu âm nhạc mà thưởng thức đến giờ phút cuối,” ông Vĩnh tiếp.


image058Nhóm nhạc Lê Hồng Quang trong nhạc phẩm “Mẹ Đón Cha Về” của Phạm Duy. (Hình: Văn Lan/Người Việt)


Một hình ảnh thật đẹp khi anh Nguyễn Minh Chính, từ thành phố Camarillo, Ventura County, lái xe hơn 2 tiếng về Little Saigon, đẩy xe lăn đưa mẹ đến thưởng thức. Mẹ anh, bà Nguyễn Thị Vân Hải, 86 tuổi, ngồi nghe suốt chương trình, cho hay rất thích những bài nhạc tiền chiến mà bà đã từng thưởng thức hơn nửa thế kỷ qua.


Anh Chính nói: “Hôm nay đưa mẹ đi nghe những bản nhạc xưa, và chính tôi cũng được nghe dòng nhạc tiền chiến của miền Nam, thấy mẹ ngồi say sưa thưởng thức tôi rất vui. Xin cảm ơn các ca sĩ trong chương trình chiều nhạc hôm nay và ban tổ chức đã sắp xếp cho mẹ tôi có một chỗ ngồi thoải mái để nghe lại những nhạc phẩm bà yêu thích.”


Cũng trong chiều nhạc này, có sự gặp gỡ thú vị khi ca sĩ Bích Thủy gặp lại cô giáo Thúy Nga thân thương của mình sau 47 năm.


Cô Thúy Nga, dạy môn Nữ Công Gia Chánh ở trường La San Đức Minh, sau đổi thành trường Trần Quốc Tuấn, cho hay: “Gặp lại học trò thật vui, không ngờ người học trò nhỏ ngày xưa nay thành công ở xứ người, vẫn giữ được tinh thần yêu âm nhạc. Tôi cố ý mặc chiếc áo có thêu huy hiệu của trường để mong gặp lại học trò, quả nhiên là có kết quả.”


image060Quang cảnh chiều nhạc “Mùa Thu Tình Ca” do nhóm Sắc Màu Kỷ Niệm tổ chức. (Hình: Văn Lan/Người Việt)


Ông Phùng Minh Tiến, một trong những người có công trong việc thành lập Little Saigon, chia sẻ: “Những buổi trình diễn âm nhạc như thế này đã đem lại luồng sinh khi mới qua ba năm lao đao vì đại dịch COVID-19, vui vì gặp lại bạn bè thân hữu và cũng rất buồn khi phải chia tay những bạn vừa ra đi! Âm nhạc là một liệu pháp hay để xóa đi nỗi buồn và mang lại niềm vui mới!”


Liên tục qua những nhạc phẩm vượt thời gian, các ca sĩ đưa không gian trôi qua nhiều kỷ niệm của riêng mình đến đỉnh điểm nhất là khi toàn thể các ca sĩ lên sân khấu hợp ca “Mùa Thu Paris,” thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy phổ nhạc, như một lời tưởng niệm thi sĩ Cung Trầm Tưởng vừa rời xa cõi tạm hôm 9 Tháng Mười vừa qua.


Trong giai điệu tango rộn ràng sôi nổi, valse sang trọng quý phái, đến những làn điệu Quan Họ đậm chất tình tự quê hương, buổi chiều nhạc “Mùa Thu Tình Ca” khép lại với sự chia tay lưu luyến khi ngoài trời vừa tắt nắng, trong lời hẹn gặp lại lúc mùa Xuân sang. (Văn Lan) [qd]
20 Tháng Giêng 2023(Xem: 2085)
13 Tháng Mười 2022(Xem: 2834)
15 Tháng Chín 2022(Xem: 2447)
08 Tháng Sáu 2022(Xem: 3181)
(Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh)