Tâm Việt: Phiên tòa ngày 5 tháng 2

16 Tháng Hai 201610:49 CH(Xem: 10217)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  TƯ 17 FEB  2016

Chuyện Chùa Giác Hoàng


Phiên tòa ngày 5 tháng 2

 

Tâm Việt

 

            Chuyện chùa Giác Hoàng ở Hoa-thịnh-đốn vẫn chưa ngã ngũ làm cho nhiều Phật-tử phân vân và đau buồn, nhất là những Phật-tử đã lâu năm đi “chùa mình” và để hình ảnh, tro cốt của người thân ở trên chùa trong 40 năm qua.  Người ta chỉ nghe thấy là Tòa án DC hôm 29 tháng 12 năm ngoái (2015) đã đưa ra một phán-quyết bất lợi cho vị sư đã được cố-Hòa-thượng trụ-trì, HT Thích Tâm Thọ, chỉ-định để “lo Phật-sự” tại Chùa (qua Di-chúc có chép xuống giấy ngày 28/8/2015 và hôm sau, 29/8/2015, còn được ghi băng để thành Di-ngôn).

 

            Bằng phán-quyết mà trong tiếng Anh kêu là “Temporary Restraining Order” (TRO), ông Tòa Alprin đã tạm (“temporary”) ngăn cản việc Đại-đức Chân Thức có thể giảng pháp trong chùa Giác Hoàng mặc dù Thầy là một vị chân-tu đã xuất gia tu học dưới sự hướng-dẫn của hai hòa-thượng, HT Thích Tâm Thọ (ở chùa Giác Hoàng) và HT Thượng-thủ Thích Tâm Châu ở Tu-viện Viên Quang ở South Carolina.  Rất đông Phật-tử có mặt hôm 29/12/2015 tại Tòa đã cho rằng ông Alprin hôm đó hơi vội vã, không những ông đã đến muộn hơn một tiếng đồng-hồ, khi ngồi phân-xử ông khá lơ đãng và chỉ muốn nghe một bên, đó là Luật-sư Thomas W. Vassar của phe ông Đỗ Đình Lộc, không để cho L.S. Aaron Sokolow của phe ông Bích trình bầy những phản-chứng.

 

Tin tức bị nhiễu

 

            Câu chuyện được làm rắc rối thêm bởi một nhà báo tự-xưng là “độc-lập” nhưng rất lệch lạc là ông Nguyễn Quốc Khải.  Như trong cuộc phỏng vấn Ni-cô Nhất Niệm ngày 17/1/2016, ông Khải đã đặt vào miệng ông Bích một lời tố-cáo như sau (vừa tố ông Bích vừa tố luôn cả cộng-đồng): “Có bài báo tung ra những tin đồn là Ni-cô Nhất Niệm có vẻ (cười), có vẻ (hích hích hích) theo như lời của ông Bích viết đó thì là Ni-cô Nhất Niệm ăn nói có vẻ giống như sư quốc-doanh, và anh Nguyễn Ngọc Bích cũng nêu ra một vấn-đề là (cười) có nghe ai nói đó là ni-cô Nhất Hạnh, à Nhất Niệm, là Cộng-sản thành ra chúng tôi thấy rất là quan-trọng nói cho cộng-đồng biết, cái cộng-đồng ở đây nó có một cái rất lạ là họ không có chịu, nghe đồn rồi họ bám lấy những cái tin đồn đó rồi họ cứ thế họ tin thành ra một số người bị kích-động về cái đó.  Rất tiếc, họ không có đi tìm chuyện đó như thế nào.  Cũng có một số người ở đây hỏi tôi.  Tôi mới hỏi là, có bằng-cớ nào Ni-cô Nhất Niệm là Cộng-sản hay không?  Thì họ không ai có cái đó cả.  Nên ngay lúc này, tôi xin hỏi Ni-cô (cười) là đặt (hích hích) những vấn-đề đó ra thì mọi chuyện mình làm hết rõ ràng ra thì tự-nhiên cái chuyện là tin đồn nó sẽ tan xuống.”

           

            Cũng như sau đó, ông Khải đã bỏ công ra dịch cái TRO nhưng lại lệch lạc gọi ông Bích là người “bị cáo” và tòa án “D.C. Superior Court” là “tòa án thượng-thẩm,” chứng tỏ một sự thiếu hiểu biết khá căn-bản về luật và hệ-thống tư-pháp ở xứ này.  Theo sự phân-tích của một vị thẩm-phán người Việt thì khác với hình-luật, trong dân-luật KHÔNG CÓ “bị cáo” mà chỉ có “đương-đơn” (“plaintiff” trong tiếng Anh) và “bị đơn” (“defendant”) mà thôi.  Khi ông Khải gọi bên đứng tên vụ án là “đương-đơn” (đúng) mà lại gọi bên kia là “bị cáo” thì đó là một sự cố ý đặt vấn-đề thành một vụ hình-sự.  Cũng như ông Khải không biết sở dĩ có tên “D.C. Superior Court” là vì trước kia có “Police Court” là nấc thấp nhất trong thang tòa án của Mỹ nên tòa sơ-thẩm mới gọi là “Superior Court.”  Như vậy, “D.C. Superior Court” chỉ có thể dịch là “Tòa Sơ-thẩm D.C.” bởi Tòa Thượng-thẩm thì trong tiếng Anh lại kêu là “Court of Appeals.”  Gọi như ông Khải, “sơ-thẩm” thành “thượng-thẩm” thì mai kia nếu vụ kiện lên “tòa thượng-thẩm” (thật) thì không hiểu ông Khải sẽ dịch ra làm sao?

           

            Không chỉ dịch sai cái TRO (vì thiếu hiểu biết hay do cố-ý), ông Khải còn ăn gian nữa khi tìm cách dịch bản “chuyển-tả” phiên tòa (“court transcript”) ngày 29/12/2015.  Đó là ông dịch những đoạn liên-quan đến ông Linh và ông Bích nhưng lại bỏ qua, lờ hẳn đi mấy đoạn ông Đỗ Đình Lộc nói dối trắng trợn trước tòa.  Dù như ông đã long-trọng thề thốt trước tòa là “chỉ nói sự thật và không có gì ngoài sự thật,” ông vẫn trối phăng đi là ông không biết ông Bích là ai.  Thật lạ lùng bởi (1) cả ông Đỗ Đình Lộc lẫn ông Bích đều có chữ ký trên Hiến-chương (“Articles of Incorporation”) lập ra Công-đồng Giáo-hội PGVN tại Mỹ (Buddhist Congregational Church of America) vào ngày 30 tháng 1 năm 1976; (2) có những thư từ trao đổi giữa ông (Lộc) và ông Bích mà ông Bích đã trưng ra trước tòa; (3) chính ông Bích là người đã nhân danh Chùa Giác Hoàng và Công-đồng Giáo-hội PGVN tại Mỹ ngỏ lời phân ưu cùng với ông Lộc và gia-đình về sự mất mát của tang-quyến do sự ra đi của bà Lộc (vào ngày 2 tháng 1, 2015, ở Kalas Funeral Home, 2973 Solomon’s Island Road, Edgewater, MD 21032), một điều có được thu hình và chụp ảnh cũng như có hàng vài chục nhân-chứng.  Tất cả sự dối trá này của ông Đỗ Đình Lộc đã được ông Nguyễn Quốc Khải “nhẹ nhàng” bỏ qua!

 

Phiên tòa Landlord-Tenant ngày 27 tháng 1, 2016

 

            Bình-thường một nhà báo tự gọi là “độc-lập” thì phải độc-lập thực-sự và không thiên-vị bên nào.  Nhưng ông Nguyễn Quốc Khải đã “độc-lập” tới mức nghiêng hẳn về một bên.  Cũng do vậy mà chăm chỉ như ông, ta vẫn không thấy ông nói gì về phiên tòa ở Landlord-Tenant Court (Tòa án Chủ nhà & Người thuê nhà) hôm 27 tháng 1, 2016, đã quyết-định cho Đại-đức Thích Chân Thức tiếp-tục ở chùa Giác Hoàng ít nhất cũng đến ngày 8 tháng 6 năm nay (2016).

            Đây là một thất bại khá cay đắng về phía ông Vũ Đình Long và phe cùa ông bởi như chúng ta (và các độc-gia) có thể nhớ, chỉ 5 ngày sau khi tang-lễ Hòa-thượng Tâm Thọ vừa chấm dứt, vào trưa ngày 21-11-2015, các ông Vũ Đoàn, Nguyễn Đức Côn, Nguyễn Như Khuê và bà Lê Tuyết Hạnh đã tìm gặp Thầy Chân Thức để “mời” Thầy trở về Tu-viện Viên Quang ở South Carolina.  Rồi lại cuối ngày hôm đó, lúc 8 giờ, cô Nhất Niệm và cô Phúc (làm bếp) đã hớn hở đưa thư của L.S. Vassar cũng yêu-cầu Thầy phải “dời ngay” Chùa Giác Hoàng.  Để cuối cùng được Cảnh-sát cho biết là không luật-sư nào có quyền mời Thầy đi đâu cả, một chuyện như vậy cần phải có án-lệnh từ tòa.

            Cuối cùng, hôm 27-1-2016, Tòa án Landlord-Tenant đã phán-quyết như trên.

 

Phiên tòa ngày 5 tháng 2 vừa qua

 

            Ngày 5 tháng 2, bà Chánh-án Ronna L. Beck của Tòa D.C. Superior Court viết thư trước cho Luật-sư hai bên thông-báo là bà sẽ chỉ có thì giờ làm “Scheduling Meeting” để định ngày chính-thức hai bên phải ra tòa nhằm quyết-định xem bên nào phải, bên nào trái.  Bà cũng cho biết là như vậy sẽ không có thời giờ để đi vào trong chi-tiết của vụ kiện.  Dựa lên trên e-mail này của bà Chánh-án, Luật-sư giải thích cho thân-chủ biết một “Scheduling meeting” thường chỉ xảy ra trong vòng 5-10 phút mà thôi, sẽ không có bao nhiêu giờ để cho ai nói được gì nhiều lắm.  Mặc dầu vậy, bên ông Bích cũng rủ nhau đi cho đông, để nếu chẳng gì thì cũng chứng tỏ là mình đứng đằng sau hai luật-sư của mình.

            Sáng hôm có phiên tòa, đến phòng 219 thì thấy đã có dán sẵn một thời-khóa-biểu trong ngày, theo đó vụ kiện về Chùa Giác Hoàng đã được dành cho 20 phút, từ 10g30 đến 10g50.  Như vậy, trong cuộc gặp gỡ với bà Beck, hai bên chắc thế nào cũng sẽ nói được dăm ba câu đi vào nội-dung.  Thực ra, cuối cùng bà Chánh-án Beck đã làm việc với Luật-sư đôi bên từ 10g30 đến 2 giờ trưa, tức là gần 3 tiếng rưỡi cả thảy.

 

            Chuyện gì đã xảy ra trong 3 tiếng rưỡi đó?

 

            Mở đầu, bà thẩm-phán nói: “Hôm 29/12 đã có một phiên tòa quyết-định ra cái phán-quyết tạm-thời gọi là TRO.  Rõ ràng là cái phán-quyết đó đã không đem lại kết-quả như mong muốn bởi theo những nguồn tin mà tôi có được, số người đi đến chùa Giác Hoàng đã sụt xuống một cách thê thảm (“attendance has dropped dramatically”).  Như vậy, quyền lợi của các Phật-tử đã không được phục vụ.  Theo tôi thấy, những vị đang tranh chấp trong chùa đều là những người đã quen biết nhau từ lâu, đã làm việc với nhau trong nhiều năm, như vậy thiết tưởng là thế nào họ cũng có thể nói chuyện được với nhau để ra được một giải-pháp ôn-hòa, thỏa-hiệp mà cả đôi bên chấp nhận được.  Do đó, tôi đề nghị quý vị Luật-sư đôi bên đi vào phòng bên bàn thảo với nhau.  Nếu Quý Vị đạt được một sự thỏa thuận thì tôi sẽ dễ dàng ủng-hộ giải-pháp đó.  Chứ tôi không muốn áp đặt một giải-pháp của riêng tôi.”

           

            Theo lệnh đó, L.S. Vassar ở một bên và hai luật-sư Bernstein và Sokolow ở một bên sang phòng bên cạnh bàn thảo giải-pháp.  Một lúc sau, hai ông Bernstein và Sokolow ra và cho biết: Bên kia đề nghị họ sẽ lo chuyện ở Chùa vào hai ngày cuối tuần còn dành cho Thầy Chân Thức 5 ngày còn lại, từ thứ Hai đến thứ Sáu.  Đương-nhiên, giải-pháp này không ổn thỏa nên không thể chấp nhận được.

            Mấy luật-sư lại trở vào phòng trong bàn thảo tiếp.  Phản-đề-nghị của bên này là: mỗi cuối tuần là có hai ngày, thứ Bảy và Chủ-nhật.  Nếu bên kia chịu lo một trong hai ngày thì bên này cũng sẽ bằng lòng lấy ngày kia (hoặc thứ Bảy, hoặc Chủ-nhật).  Trước một đề nghị hợp lý như vậy, bên ông Vassar cũng vẫn không chịu.

           

            Đến lần thứ ba, Thầy Chân Thức còn chấp nhận nhún nhường hơn nữa khi Thầy cho rằng Thầy có thể chỉ cần hai giờ ngày thứ Bảy, từ 11 giờ sáng đến 1 giờ trưa, trừ ngày thứ Bảy đầu tháng vì đó là ngày tu học Thọ Bát Quan Trai thì cần nguyên ngày.  Như vậy, ai muốn đi bên nào ngày nào thì đi, tùy theo sở thích của mình.  Song với một đề nghị chịu thiệt thòi như vậy (dù chỉ là trong tạm-thời, cho đến khi vụ kiện ngã ngũ), bên ông Vassar cũng rất cứng rắn và không chịu.

            Cuối cùng, bà tòa phải chịu thua.  Bà nói: “Tôi không phải là người Việt để hiểu hết vấn-đề trong vụ này, tôi cũng không hiểu nhiều về tôn-giáo của Quý Vị, nhất là Phật-giáo như ở đây, tôi lại cũng không rõ về phong tục của Quý Vị (như ngày Tết, v.v.), nên tôi không muốn áp đặt một giải-pháp của riêng tôi.  Tôi đã cố gắng tối-đa để Quý Vị nói chuyện với nhau.  Nhưng nếu không thành thì chỉ còn một cách là đợi đến hôm này ra tòa cãi cho ra lẽ, lúc bấy giờ mới biết được ai phải ai trái trong vụ này.”

           

            Do đó mà bà quyết-định là ngày 18 tháng Tư tới đây, bà sẽ dành nguyên ngày để nghe đôi bên trình bầy.  Nhưng trước khi đó, bà cho hạn đến mồng 4 tháng 4 là hai bên phải làm xong những việc như trao đổi thông tin, chất vấn xong các nhân-chứng (trong tiếng Anh gọi là lấy “depositions,” các lời khai của đôi bên).  Với hạn chót là mồng 4 tháng 4, bà sẽ có thời giờ nghiên cứu hồ-sơ do hai bên nộp (kể cả các lời khai và đối-chất của luật-sư hai bên), để hai tuần sau đó đi vào một buổi nguyên ngày nhằm đưa ra phán-quyết cuối cùng về vụ kiện: quyết-định xem bên nào là Ban Quản-trị chính-thống có quyền chỉ-định vị trụ-trì trong chùa Giác Hoàng.  Một khi chuyện này quyết-định xong thì việc của Thầy Chân Thức cũng tự-nhiên sẽ được sáng tỏ.

           

            Như vậy, có thể nói là bà tòa Ronna L. Beck đã ưu ái dành cho vụ kiện này tới 3 tiếng rưỡi hôm rồi.  Bà đã cố gắng thúc đẩy một giải-pháp ôn-hòa nếu hai bên đồng-ý được về một giải-pháp.  Bà đã nghiên cứu khá kỹ hồ-sơ do hai bên nộp vào tòa nên bà biết rõ tình-hình ở chùa từ khi có cái TRO đưa ra mà không giải-quyết được gì.  Cực chẳng đã, bà đã phải dời vụ kiện đến một ngày khác trong khi chờ đợi thêm thông tin, tin tức.  Nhưng điều làm cho mọi người khá yên tâm là qua những lời phát biểu của bà, người ta thấy bà tôn trọng văn-hóa của người Việt, bà tôn trọng tôn-giáo của chúng ta, nhất là Phật-giáo, và bà cũng không muốn đưa ra một giải-pháp theo chủ-quan của bà mà có thể đi ngược lại hay đụng chạm đến phong tục của người Việt chúng ta./

07 Tháng Năm 2017(Xem: 11643)
16 Tháng Tư 2017(Xem: 9583)