Việt Nam ảnh hưởng John Kerry như thế nào?

10 Tháng Giêng 20176:35 CH(Xem: 5470)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  TƯ  11   JAN  2017


Việt Nam ảnh hưởng John Kerry như thế nào?

image020
Bản quyền hình ảnh AP Image caption John Kerry và đồng đội tại Việt Nam, trong một hình tư liệu

Ông John Kerry sẽ thăm Việt Nam lần cuối trong tư cách ngoại trưởng Mỹ vào tháng Giêng 2017.


Trong sự nghiệp chính trị của ông Kerry, Việt Nam - cả trong và sau cuộc chiến - được nhiều người xem là yếu tố định hình cái nhìn của ông về thế giới.


Sinh năm 1943, ông đăng ký gia nhập hải quân Mỹ không lâu trước lúc tốt nghiệp Đại học Yale và tình nguyện đến Việt Nam.


Ông có bốn tháng tham chiến tại Việt Nam từ cuối tháng 11/1968 đến đầu tháng 4/1969.


Phản chiến


Chàng lính trẻ trở về Mỹ với nhiều huy chương, gồm một Sao Bạc, một Sao Đồng và ba Chiến Thương Bội Tinh.


Tuy vậy, bị chấn động vì những gì chứng kiến tại đồng bằng sông Mekong và Washington, ông Kerry trở thành một trong những người phản chiến nổi tiếng nhất.


Tháng Tư 1971, điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông có câu hỏi nổi tiếng: "Làm sao có thể yêu cầu một người trở thành người cuối cùng chết cho một sai lầm?"


Quan điểm rằng chính quyền Mỹ đã sai lầm khi gây chiến ở Việt Nam định hình cái nhìn của ông Kerry trong 28 năm phục vụ trong Thượng viện và bốn năm làm ngoại trưởng dưới Tổng thống Barack Obama.


Năm ngoái, trong một lần nói chuyện, ông nhấn mạnh: "Nếu anh tiến hành chiến tranh, thì phải đánh nhau cho đúng, và sau chiến tranh cũng phải làm cho đúng."


Ông cho rằng cuộc chiến Việt Nam đã khiến ông luôn phải tìm ra những dữ kiện trước khi quyết định và phải có trách nhiệm với quyết định của mình.


Không làm 'tù nhân quá khứ'


image019

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Ông John Kerry cùng Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam tháng Năm 2016


Không chỉ cuộc chiến, mà quan hệ của ông với Việt Nam thời hậu chiến, cũng tác động đến triết lý ngoại giao của John Kerry.


Năm 1991, ông lần đầu trở lại Việt Nam trong tư cách Chủ tịch Ủy ban Thượng viện về các vấn đề tù binh và quân nhân Mỹ mất tích.


Sau đó, cùng với Thượng nghị sĩ John McCain, từng bị Hà Nội bắt làm tù binh, ông Kerry đã thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.


Năm ngoái ông mô tả Việt Nam là "cựu thù, nay là đối tác mà chúng tôi có quan hệ quốc gia và cá nhân ngày càng ấm áp".


Một bài học từ Việt Nam, theo John Kerry, là "không thể chỉ nhìn các nước qua lăng kính người Mỹ".


"Chúng ta phải cố gắng đặt mình vào vị trí người khác, nhìn đất nước họ theo cách họ nhìn, và chúng ta sẽ đạt được thành quả tốt hơn."


Phần nào đó có thể nói đam mê ngoại giao của John Kerry xuất phát từ lập trường cho rằng chính phủ Mỹ đã không xem xét hết mọi lựa chọn trước khi can dự vào Việt Nam.


Nếu có một Học thuyết Kerry, thì đó là theo đuổi các giải pháp ngoại giao, tạo dựng quan hệ lâu dài với các lãnh đạo nước ngoài, và kiên trì tạo ra thay đổi lâu dài.


image021

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Ngoại trưởng John Kerry gặp Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng năm 2015 tại Hà Nội


Trong gần ba thập niên phục vụ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông đã đi khắp thế giới.


Khi bà Hillary Clinton là ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu Tổng thống Obama và ông là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông đến Pakistan để dàn hòa sau khi Mỹ giết Osama bin Laden.


Từ 2013, khi đã là ngoại trưởng, ông đã thăm 91 nước chỉ trong vòng 585 ngày.


Điểm sáng ngoại giao của John Kerry là thỏa thuận đạt được với Iran năm 2015, hạn chế khả năng hạt nhân của nước này để đổi lấy giảm bớt trừng phạt quốc tế.


Trong suốt hai năm trước đó, ông Kerry tập trung vào các cuộc đàm thảo với Iran, tạo dựng quan hệ thân mật với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif.


Nhưng nhìn lại nhiệm kỳ ngoại trưởng của John Kerry, cũng như nhiệm kỳ Tổng thống Barack Obama, không ít nhà chỉ trích chỉ ra thất bại của Mỹ tại Syria, sự trỗi dậy của IS, việc Nga sáp nhập Crimea và cáo buộc Nga tấn công mạng tác động bầu cử tổng thống Mỹ…


Trước những chỉ trích đó, cũng có thể John Kerry càng nhìn thấy Việt Nam là một trong những điểm hài lòng nhất trong sự nghiệp chính trị của ông.


Đến và ảnh hưởng vì Việt Nam khi còn là chàng trai trẻ, nay John Kerry sẽ có chuyến thăm Việt Nam lần cuối trong tư cách quan chức chính phủ trước khi trở lại làm công dân "bình thường" ở thành phố Boston.


Ông tiết lộ mình dự định sẽ làm việc trong khu vực tư, nhưng sẽ tiếp tục hoạt động vì môi trường và các mục tiêu khác.


"Tôi sẽ tiếp tục làm việc cho hòa bình, giải quyết xung đột trong một diễn đàn xây dựng mà tôi đang suy nghĩ," ông cho biết./ (theoBBC 9 tháng 1 2017)