Việt Nam giải cứu Cam Bốt, nhưng Trung Quốc mới là kẻ chiến thắng

10 Tháng Giêng 201911:20 CH(Xem: 9538)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ - THỨ SÁU 11 JAN 2019


Việt Nam giải cứu Cam Bốt, nhưng Trung Quốc mới là kẻ chiến thắng


Thụy My 09-01-2019


 image008

Cựu chiến binh Việt Nam từng chiến đấu với Khmer Đỏ kỷ niệm 40 năm chiến thắng chế độ diệt chủng ở Cam Bốt ngày 7 tháng Giêng. Ảnh chụp ngày 04/01/2019 tại Hà Nội.REUTERS/Kham


Theo tác giả David Hutt trên Asia Times, bốn mươi năm sau khi lực lượng Việt Nam tiến vào quét sạch chế độ Khmer Đỏ được Trung Quốc chống lưng, nay rõ ràng Cam Bốt thân cận với Bắc Kinh hơn, thay vì nằm trong quỹ đạo của Hà Nội.


Phnom Penh được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng


Đúng 40 năm trước, khoảng 100.000 người lính Việt Nam cùng với 20.000 người Cam Bốt bỏ ngũ tiến vào Phnom Penh để lật đổ chế độ mao-ít cực đoan Khmer Đỏ. Lực lượng giải phóng chỉ tìm thấy không đầy 100 người còn sống sót ở thủ đô. Phe Khmer Đỏ, lên nắm quyền năm 1975, đã đuổi dân thành phố ra khỏi Phnom Penh, để lại những tòa nhà hoang phế, sụp đổ.


Ở nông thôn, nơi hầu hết người Cam Bốt bị buộc phải đến sống, trong cuộc cách mạng « Năm Zero » của Khmer Đỏ, thực sự là một cơn ác mộng. Sau không đầy bốn năm cầm quyền, có đến một phần tư dân số Cam Bốt đã bị chết dưới chế độ khát máu này. Mãi đến tháng 11/2018, hai trong số các lãnh đạo cao cấp của Khmer Đỏ mới bị chính thức buộc tội diệt chủng đối với người Chàm và người Việt.


Ngày 7 tháng Giêng tại Cam Bốt là « Ngày giải phóng » hay « Ngày chiến thắng », được một trong các cựu lãnh đạo coi là ngày đất nước được khai sinh ra lần thứ hai (lần thứ nhất là khi được độc lập khỏi thực dân Pháp năm 1953).


Đây cũng là ngày mà Cam Bốt và Việt Nam kỷ niệm mối quan hệ phức tạp. Một đài kỷ niệm tình hữu nghị Việt Nam – Cam Bốt mới được khánh thành vào đầu tháng này tại tỉnh Mondulkiri, sau một công trình khác đã được dựng lên tại Phnom Penh từ thập niên 80.


Hôm thứ Bảy 5/1, các quan chức đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) đã kỷ niệm chiến thắng « Phản công tự vệ ở biên giới tây nam » - theo như cách gọi của Hà Nội - bằng một buổi lễ khá ảm đạm, và một loạt các công trình mới để ghi dấu ngày này.


Máu người lính Việt đổ xuống, nhưng nay Bắc Kinh thành ông chủ


Khoảng 25.000 quân nhân Việt Nam đã hy sinh tại Cam Bốt, từ tháng 12/1978 đến tháng 9/1989, thời điểm quân Việt Nam rút khỏi Cam Bốt theo một thỏa thuận hòa bình được Liên Hiệp Quốc thương lượng. Cho đến khi bước qua thế kỷ mới, gần như là sáo rỗng khi nói về « mối quan hệ đặc biệt » giữa Cam Bốt với Việt Nam – vốn đã hỗ trợ chính phủ thời hậu Khmer Đỏ trong thập niên 80.


Tuy vậy ngày nay người ta đặt câu hỏi về mối quan hệ gần gũi này, từ khi Trung Quốc gần đây đã trở thành nhà viện trợ và đầu tư chính, một trong những đối tác lớn nhất và là đồng minh thân cận nhất của Cam Bốt. Hơn nữa, Trung Quốc bảo vệ đảng Nhân Dân Cam Bốt (CPP), được Việt Nam đưa lên nắm quyền năm 1979, trong lúc đảng này hiện đang đối mặt với những chỉ trích và đe dọa trừng phạt từ phương Tây do đi chệch hướng dân chủ đa đảng.


Sopham Ear, giảng viên về ngoại giao và chính trị quốc tế ở Occidental College, Los Angeles nói : « Rõ ràng là cho dù Việt Nam đã tiến vào giải phóng, nhưng chính Trung Quốc mới là kẻ chiến thắng ở Cam Bốt và trở thành ông chủ ở đây. Hà Nội nhìn về Phnom Penh một cách nuối tiếc, và đôi khi với một chút oán hờn : kẻ mà họ đã tạo ra nay nói lời chia tay và rơi vào vòng kiềm tỏa của Bắc Kinh ».


Việt Nam giải phóng Cam Bốt khỏi chế độ diệt chủng là để tự vệ chứ không phải vì lòng vị tha. Hà Nội tung ra những đợt tấn công quy mô chỉ trong vòng 13 ngày trước khi tiến vào Phnom Penh, đó là do bị Khmer Đỏ liên tục quấy phá vùng biên giới trong nhiều năm.

image009

Sọ người tại bảo tàng Choeung Ek, nơi tưởng niệm trên 8.000 nạn nhân của Khmer Đỏ tại "Cánh đồng chết" ở ngoại ô Phnom Penh. Ảnh chụp ngày 05/01/2019.REUTERS/Samrang Pring


Bóp méo lịch sử : Lờ đi việc Trung Quốc hậu thuẫn Khmer Đỏ


Tuy nhiên Việt Nam đã phải trả giá đắt trong thập niên 80, đa số cộng đồng quốc tế phản đối chính quyền do Hà Nội hậu thuẫn. Đảng Nhân Dân Cam Bốt là hậu thân của đảng Nhân dân Cách mạng Cam Bốt (CPRP), được đổi tên vào năm 1991, được Việt Nam đưa lên nắm quyền sau khi lật đổ Khmer Đỏ vào ngày 08/01/1979. Hun Sen, một cựu cán bộ Khmer Đỏ trở thành thủ tướng năm 1985 và tại vị cho đến nay.


Trung Quốc đã hỗ trợ cho Khmer Đỏ trong suốt bốn năm cầm quyền và sau khi bị Việt Nam đánh đuổi, phe này chỉ còn có thể tung ra những vụ xâm nhập nho nhỏ từ các căn cứ gần biên giới Thái Lan cho đến giữa những năm 90. Dù vậy, Hoa Kỳ và một số nước châu Âu vẫn coi Khmer Đỏ là chính quyền hợp pháp của Cam Bốt trong suốt thập niên 80, theo chính sách thời chiến tranh lạnh.


Ngày nay, Phnom Penh không còn muốn thuật lại câu chuyện dưới khía cạnh đạo đức, đen trắng phân minh như trong quá khứ.


Một bộ phim tuyên truyền về việc Hun Sen đào ngũ khỏi Khmer Đỏ và cuộc chiến đấu chống lại phe này đã được chiếu trên đài truyền hình quốc gia vào đầu năm ngoái. Bộ phim không hề nói, dù chỉ một lần, rằng Trung Quốc chính là kẻ đã hậu thuẫn cho chế độ diệt chủng.


Lịch sử bị dễ dàng bóp méo. Hồi cuối những năm 80, chính ông Hun Sen đã có tuyên bố nổi tiếng « Trung Quốc là gốc rễ của mọi điều ác » ở Cam Bốt. Một thập niên sau, ông lại coi Trung Quốc là « người bạn đáng tin cậy nhất », và nay thì từ ngữ được các viên chức chính quyền dùng là « người bạn sắt son ».


Cam Bốt theo đuôi Trung Quốc, ngáng chân ASEAN


Vì sao lại như thế ? Có một số chỉ dấu cho thấy quan hệ Việt Nam – Cam Bốt đang xấu đi, chủ yếu do Bắc Kinh nay đang chiếm lấy vai trò mà Hà Nội từng đóng tại Phnom Penh. Một ít dấu hiệu bất bình thỉnh thoảng lọt ra ngoài những cuộc họp ngoại giao kín.


Trong những năm gần đây, đã hai lần Cam Bốt giở trò ngáng chân, khiến ASEAN không thể ra thông cáo mạnh mẽ lên án việc Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông. Trong khi Malaysia và Philippines hạ giọng hẳn, thì Việt Nam vẫn là tiếng nói chỉ trích mạnh nhất. Việc cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ và quan ngại về quyền lực địa chính trị của Bắc Kinh đã thúc đẩy Việt Nam phải phản kháng.


Nhưng cũng có thể những tuyên bố bất lợi của Hun Sen về Việt Nam đơn giản là nhằm đối nội, khi phải đấu khẩu với đối thủ chính trị Sam Rainsy, nhà lãnh đạo của đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt (CNRP) đã bị cấm hoạt động.


Trong nhiều thập niên, Sam Rainsy vẫn gọi Hun Sen là « con rối » của Việt Nam. Đảng này cũng điên cuồng chống Việt Nam với những tuyên truyền phân biệt chủng tộc. Sam Rainsy hô hào đòi đưa những Việt kiều đã sinh sống lâu đời ở Cam Bốt về nước, mà ông ta gọi bằng từ ngữ mang tính khinh thị là « duồn ». Hun Sen trả đũa bằng cách tố cáo Rainsy từng bí mật gặp gỡ bộ Ngoại Giao Việt Nam.


Năm ngoái cũng có những thông tin cho biết Hà Nội tỏ ra bất mãn với chính sách của Cam Bốt.


Quan hệ giữa hai đảng


Trong một bài tiểu luận đăng trên Southeast Asian Affairs năm ngoái, Steven Heder, Viện nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi ở Luân Đôn, viết rằng quan hệ Việt Nam – Cam Bốt nên hiểu như quan hệ giữa hai đảng thay vì hai quốc gia.


Cả hai đảng rất thân thiết trong suốt bốn thập niên. Nhiều cán bộ của CPP học tại Việt Nam trong những năm 80 và 90, trong đó nhiều người vẫn tìm đến Hà Nội để được hướng dẫn về chính sách và quản trị.


Ở mức độ quan trọng hơn, còn là quan hệ chặt chẽ giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam (VPA) và Quân đội Hoàng gia Cam Bốt (RCAF), cánh tay vũ trang của đảng CPP. Hầu hết sĩ quan cao cấp là đảng viên CPP, kể cả con trai của thủ tướng là Hun Manet hiện là tướng bốn sao. Quân đội Việt Nam cũng đầu tư nhiều vào kinh tế Cam Bốt. Metfone, công ty viễn thông lớn nhất của nước này là sở hữu của Viettel, tập đoàn viễn thông quân đội Việt Nam.


Một giải thích khác về sự thay đổi quan hệ với ĐCSVN, là do Hun Sen khống chế CPP.


Theo các nhà phân tích, những tên tuổi lớn của CPP như Chea Sim, chủ tịch đảng từ 1991 đến 2015, rõ ràng thân Việt Nam. Bộ trưởng Nội Vụ Sar Kheng cũng giữ quan hệ thân thiết với Hà Nội. Trong số những cán bộ thân Việt Nam một số đã chết, số khác ảnh hưởng bị suy giảm.


Ít nhất là từ 2008, Hun Sen gần như nắm trọn đảng CPP trong tay. Ban đầu ông ta còn giữ thăng bằng giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng quyết định ngả sang Bắc Kinh được CPP ủng hộ, đơn giản là vì Hun Sen là CPP.


Miếng mồi chiêu dụ hấp dẫn của Bắc Kinh


Nay Bắc Kinh cũng siết chặt những trao đổi giữa hai đảng, và giành lấy vai trò « quyền lực mềm » mà Hà Nội vẫn độc quyền.


Ngày càng có nhiều quan chức Cam Bốt đến thăm Trung Quốc, hầu hết các bộ đều có ký những thỏa thuận hợp tác song phương. Bắc Kinh cũng tài trợ cho những cơ quan tư vấn mới ở Cam Bốt, thậm chí chi tiền cho các nhà báo sang học hỏi. Nhờ các chương trình học bổng, trên 1.000 sinh viên Cam Bốt đang học tại Trung Quốc, và nhiều người trong số họ sau đó giữ những chức vụ quan trọng. Đa số thiên về quan điểm của Bắc Kinh, đặc biệt là về Biển Đông.


Trung Quốc và Cam Bốt nay tiến hành các cuộc tập trận chung được gọi là « Kim Long », và Bắc Kinh mời các lãnh đạo quân đội sang thăm. Trung Quốc hứa viện trợ hàng trăm triệu đô la cho quân đội Cam Bốt, thêm vào số 130 triệu đô la năm ngoái, tài trợ 2,5 triệu đô la để gỡ mìn do Khmer Đỏ để tại – một lãnh vực lâu nay do Mỹ và Nhật trợ giúp.


Hồi tháng 11, có tin là Trung Quốc đang vận động hậu trường để xây dựng một căn cứ quân sự tại Cam Bốt. Suốt hai tháng qua, Hun Sen và các quan chức Cam Bốt bác bỏ tin này. Khi sang thăm Việt Nam vào tháng 12, ông Hun Sen nói với đồng nhiệm Nguyễn Xuân Phúc đó chỉ là « tin giả, dối trá, phá hoại », khẳng định Hiến pháp Cam Bốt không cho phép đặt căn cứ quân sự của nước ngoài.


Tuy vậy Asia Times ghi nhận chỉ trong hai năm qua, đảng CPP đã chứng tỏ Hiến pháp dễ dàng bị sửa đổi cho mục đích chính trị như thế nào. Và mối quan hệ tam đầu chế Cam Bốt, Việt Nam, Trung Quốc trong tương lai có thể vẫn như vừa qua.


Trong những tuyên bố, Cam Bốt vẫn giữ thăng bằng giữa hai đồng minh. Nhưng trong thực tế, Việt Nam bị tụt xuống hàng thứ nhì, vì Trung Quốc tặng cho Phnom Penh nhiều thứ hơn, bốn mươi năm sau khi Khmer Đỏ sụp đổ - một chế độ được Bắc Kinh hậu thuẫn và bị Việt Nam lật đổ./
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 19247)
Các thể chế chính trị trên thế giới có thể được hình thành bằng những cách thức khác nhau và mang những tính chất khác nhau.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 17619)
Vào lúc 3 giờ 30 chiều ngày Thứ Năm, 13 tháng 6 năm 2013, phái đoàn đảng Việt Tân gồm ông Tổng Bí Thư Lý Thái Hùng, Bác sĩ Nguyễn Đỗ Thanh Phong và ông Nguyễn Tấn Anh đã có một cuộc gặp gỡ và trao đổi về tình hình nhân quyền tại Việt Nam với ông Tổng Trưởng Ngoại Giao Úc, Thượng Nghị Sĩ Bob Carr tại văn phòng chính phủ tại thành phố Sydney.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 18835)
Hoạt động thường niên của giới vận động dân chủ người Việt mang tên Họp Mặt Dân Chủ vừa được tổ chức tại Hà Lan.
11 Tháng Sáu 2013(Xem: 22216)
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn Shangri-La vừa qua đánh dấu một chuyển biến trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam và vẫn đòi hỏi có thêm các đánh giá đúng mức sau nhiều bình luận khen chê trong và ngoài nước.
28 Tháng Năm 2013(Xem: 22735)
Những định nghĩa pháp lý cho các chính thể Việt trong cuộc chiến chấm dứt ngày 30/4/1975 có vai trò quan trọng cho lập luận của Việt Nam về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự quan trọng này không chỉ vì công hàm 1958 của Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) Phạm Văn Đồng, mà còn vì Hà Nội đã không khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1954 đến 1975-1976.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 18720)
Trong số báo kỳ này, ban biên tập đưa ra đề tài: Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn Hải Ngoại có cần, không cần, hay nửa cần nửa không tham dự vào việc sửa lại Hiến Pháp của nước CHXHCNVN. Đề tài này hiện nay đang tạo nhiềy ý kiến sôi nổi ở trong nước, nhưng ở hải ngoại, ngoài một vài chỉ dấu hạn hẹp (thường là nhận thấy trên một số khẩu hiệu, băng rôn trong các buổi mít tinh) hầu như không thấy có cuộc hội thảo, bàn luận, hay một tổ chức chính trị nào chính thức đưa ra trong các hội luận, diễn đàn mang tính cách công cộng quần chúng.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 20833)
Vấn đề sửa đổi Hiến pháp Việt Nam không chỉ gây sôi nổi dư luận người Việt trong và ngoài nước, mà còn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và tổ chức nước ngoài. Trong tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của ông Jonathan London, giáo sư Đại học Hồng Kông và những khuyến cáo của tổ chức bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Anh quốc, mang tên Điều 19.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 21972)
Sở dĩ có tên Kiến nghị 72 là vì có 72 người đứng tên trong danh sách đầu tiên ký vào Kiến nghị, bao gồm nhiều nhân sỹ trí thức được nhiều người biết đến như Nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Tương Lai, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, Tiến sỹ Nguyễn Quang A...
23 Tháng Năm 2013(Xem: 22168)
“Cái mà người ta mong đợi là có nói đến Điều 4 nhưng họ không đụng gì đến cái đó cả,” ông than phiền. Ông cũng giải thích rằng hiện thời ở Việt Nam chưa đủ ‘thời cơ’ để tiến tới tự do chính trị, đa đảng phái, dân chủ hoặc đối lập. Điều 4 của bản Hiến pháp, vốn là nền tảng cho quyền lực của Đảng Cộng sản ở Việt Nam, đã bị những người chỉ trích nhận xét là không dân chủ và yêu cầu bãi bỏ.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 19658)
Ông Nguyễn Đình Lộc xuất hiện trong chương trình Thời sự nói về lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc vừa gây tranh cãi khi phát biểu trên Truyền hình Việt Nam phủ nhận vai trò trong kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp của các trí thức, còn gọi là Kiến nghị 72. Hôm 4/2, ông Lộc đã dẫn đầu đoàn 15 nhân sỹ trí thức tới trao kiến nghị cho đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 20385)
Ngày 22/03/2013, đài truyền hình Việt Nam chiếu một đoạn phỏng vấn cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, nói về việc ông ký vào bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp do 72 nhân sĩ trí thức khởi xướng ngày 19/01/2013 và về việc ông làm trưởng đoàn đi trình bản kiến nghị này cho Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp ngày 04/02/2013.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 19538)
Việc đóng góp ý kiến vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang dần dần trở thành một phong trào đòi dân chủ ở Việt Nam, mà đi đầu là giới trí thức. Đó là nhận định chung của giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, trong bài trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 24349)
Những người kiến nghị cho rằng dự thảo hiến pháp hiện đang được trưng cầu ý kiến "chưa thấu suốt bản chất của một hiến pháp dân chủ, chưa thể hiện sự tin cậy, tín nhiệm của nhân dân với chính quyền theo tinh thần thỏa thuận kiến tạo một môi trường có sự kiểm soát bên trong và bên ngoài đối với quyền lực".
23 Tháng Năm 2013(Xem: 23506)
Giữa tháng 04/2013, một loạt các đề xuất sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được Ban biên tập soạn thảo tiếp thu, trong đó có phương án đổi lại tên nước thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm qua 20/05, việc đổi tên nước đã đột ngột bị loại khỏi văn bản dự thảo.