Lập trường của Việt Nam về xung đột Israel-Hamas

03 Tháng Mười Một 20237:54 SA(Xem: 1536)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 3 – THỨ SÁU 03 NOV 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Lập trường của Việt Nam về xung đột Israel-Hamas và lợi ích công nghệ, quốc phòng từ quan hệ với Israel


image013Bản đồ vị trí của Israel và dải Gaza ở Trung Đông


BBC 02/11/2023


Việt Nam được cho là có lập trường thực dụng với những phát ngôn kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, ngừng bắn, chấm dứt bạo lực và ủng hộ giải pháp hai nhà nước.


Hôm 28/10, tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã bỏ phiếu thuận cho nghị quyết (L25) về cuộc xung đột Israel và Hamas, với nội dung kêu gọi ngưng bắn vì lý do nhân đạo, và tiến tới việc chấm dứt xung đột giữa hai bên.


Trong khi Mỹ và các nước đồng minh gồm Úc, Nhật, Hàn, Anh, Ý, Đức...bỏ phiếu trắng với nghị quyết mang tính nhân đạo nói trên thì hành động bỏ phiếu thuận của Việt Nam được xem là đáng hoan nghênh.


Tuy nhiên, sau đó Canada đã đệ trình một bản dự thảo sửa đổi nghị quyết - L26, bổ sung thêm một dòng: "kiên quyết bác bỏ và lên án hành động khủng bố của Hamas diễn ra ở Israel vào ngày 7/10 và việc bắt giữ con tin", đồng thời kêu gọi thả con tin vô điều kiện.


image015Nguồn hình ảnh, UN. Với nghị quyết này, Việt Nam và một số nước như Campuchia không tham dự bỏ phiếu.


Trung Quốc và Nga bỏ phiếu chống, Mỹ và các đồng minh nêu trên bỏ phiếu thuận.


Hành động không bỏ phiếu việc lên án Hamas là khủng bố của Việt Nam dường như nhất quán với phát ngôn của Bộ Ngoại giao. Đơn cử, sau cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10 khiến 1.400 và khoảng 229 người bị bắt làm con tin, Việt Nam đã không lên án thẳng thừng Hamas mà chỉ nêu "quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, gây nhiều thương vong cho thường dân".


Ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành an ninh hàng hải tại trường đại học New South Wales, cho rằng ở thời điểm hiện tại, đứng dưới góc nhìn chiến lược thì lập trường và phản ứng của Việt Nam đối với xung đột đang diễn ra ở Dải Gaza là phù hợp, khi xét đến mối quan hệ của Việt Nam với hai nước này.


Theo đó, với Palestine là mối quan hệ mang tính lịch sử còn với Israel là hợp tác về an ninh quốc phòng:


"Điều quan trọng nhất là đảm bảo lợi ích của Việt Nam và duy trì hòa bình, ổn định. Về mặt ngoại giao và diễn ngôn, Việt Nam vẫn luôn ủng hộ một nhà nước Palestine độc lập. Trong các cuộc bỏ phiếu LHQ, Việt Nam dù không lên tiếng chỉ trích trực tiếp Israel nhưng vẫn ủng hộ những nghị quyết có lợi cho Palestine," ông Phương nhìn nhận.


image016Chụp lại video. Chiến tranh Israel-Gaza: Toàn bộ khu dân cư biến thành đống đổ nát


Quan hệ hữu hảo với Israel lẫn Palestine


Hiện tại ở Hà Nội đều có sự hiện diện của đại sứ quán Israel lẫn Palestine.


Việt Nam có mối quan hệ mang tính truyền thống với Palestine (Tổ chức Giải phóng Palestine - PLO), tức nhóm cầm quyền bờ tây Dải Gaza, không phải nhóm vũ trang Hamas.


Từ năm 1968, Việt Nam đã công nhận PLO, sớm hơn Liên Xô tới hơn 10 năm, đánh dấu việc chia sẻ cùng mục tiêu chống đế quốc Mỹ của PLO và Đảng Lao động Việt Nam. Tới năm 1976, PLO đã đặt cơ quan thường trú tại Hà Nội - sau này thành đại sứ quán khi Việt Nam chính thức công nhận Nhà nước Palestine và thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1988.


Đại sứ Nhà nước Palestine Saadi Salama được báo chí Việt Nam trích lời hồi 2013, nói rằng "Việt Nam vẫn là biểu tượng cho cuộc đấu tranh của họ".


Một số chuyên gia nhận định, là một nước nhỏ và cách xa về mặt địa lý nên sự ủng hộ của Việt Nam dành cho người dân Palestine chủ yếu là về tinh thần.


Quan trọng hơn, cuộc xung đột hiện tại là giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas, chứ không phải PLO nên dễ hiểu vì sao những phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh "lợi ích chính đáng của thường dân".


Với Israel, Việt Nam có mối quan hệ hợp tác tập trung vào ba mảng quan trọng khiến Việt Nam không thể nào chỉ trích Israel một cách dữ dội, theo lời nghiên cứu sinh Thế Phương.


"Thứ nhất là vấn đề đổi mới sáng tạo. Thứ hai là nông nghiệp, Việt Nam mong muốn học tập ngành nông nghiệp công nghệ cao của Israel với nhiều sinh viên Việt Nam đang du học tại Israel. Mảng thứ ba là về an ninh quốc phòng.


"Bắt đầu từ những năm 1990, Israel đã hỗ trợ Việt Nam rất lớn trong quá trình hiện đại hóa và xây dựng quân đội Việt Nam. Hiện nay, quá trình hợp tác quốc phòng của Việt Nam và Israel ngày càng thuận lợi và Israel trở thành một trong những đối tác quốc phòng quan trọng của Việt Nam," ông Phương đánh giá.


Tháng 7/2023 đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Israel. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng Thủ tướng Chính phủ Israel, Benjamin Netanyahu, đã ký kết hiệp định thương mại tự do giữa hai nước (VIFTA). Việc ký kết này được xem là mở đường cho nhiều mặt hàng xuất khẩu “Make in Vietnam”.


Ngoài ra, trong dư luận Việt Nam đang có những ý kiến ngưỡng mộ sự thành công của Israel về giáo dục, công nghệ, quốc phòng và cho rằng đây là quốc gia Việt Nam nên học hỏi.


image017Nguồn hình ảnh, Getty Images. Hồi tháng 4/2022, Công ty VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup đã có đại lý phân phối độc quyền tại thị trường Israel - Công ty B-eV Motor Ltd. Ngày 23/7/2023, nhân chuyến thăm của ông Trần Lưu Quang đến Israel để ký kết VIFTA nói trên, VinFast và B-eV Motor đã khai trương gian hàng giới thiệu hai mẫu xe VF8 và VF9.


Ngoài ra, Công ty Cellebrite của Israel đã bán các công cụ gián điệp trên điện thoại di động cho Bộ Công an Việt Nam. Một công ty khác của Israel là Verint đã cung cấp hệ thống giám sát và tình báo trong hơn 20 năm cho lực lượng an ninh của Việt Nam, với doanh thu trị giá khoảng 30 triệu USD.


Ông Nguyễn Thế Phương nhận xét rằng hiện tại, "bão tố Trung Đông" vẫn khá xa về mặt địa lý đối với Việt Nam, nhưng nếu xung đột lan rộng ở tầm khu vực, Việt Nam sẽ cần có những chính sách ứng phó nhất định.


Đẩy nhanh đa dạng hóa nguồn cung vũ khí


Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022 và sa lầy trong cuộc chiến tới nay, điều có thể thấy rõ ràng là Việt Nam đẩy mạnh việc đa dạng nguồn cung vũ khí, khí tài nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga.


Theo số liệu từ Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI), thời điểm Việt Nam nhập khẩu vũ khí Nga nhiều nhất là năm 2014, chiếm 90% với tổng trị giá 1 tỷ USD. Từ đó, số lượng nhập khẩu quốc phòng từ Nga liên tục sụt giảm. Với đại dịch Covid, vào năm 2020, Việt Nam nhập khẩu vũ khí của Nga giảm chỉ còn 9 triệu USD và chỉ ở mức 72 triệu USD vào năm 2021 và 2022.

image018

Ông Thế Phương phân tích, cuộc chiến Ukraine nổ ra khiến Việt Nam không chỉ đẩy nhanh đa dạng hóa nguồn cung vũ khí mà còn phải tiến tới xây dựng tổ hợp công nghệ quốc phòng nội địa. Và theo ông, Israel có vai trò quan trọng trong quá trình này về phần cứng lẫn phần mềm.


"Cuộc chiến Nga-Ukraine đã cho Việt Nam thấy rằng, tự chủ về mặt vũ khí rất quan trọng trong một cuộc chiến mang tính chất công nghiệp. Vì dù có công nghệ cao như drone nhưng một trong những yếu tố cốt lõi trong cuộc chiến này vẫn là pháo binh, xe tăng, thiết giáp, những yếu tố rất căn bản từ Chiến tranh Thế giới thứ hai," ông Phương nhận xét.


Cụm từ "tự chủ quốc phòng" là yếu tố được báo chí trong nước nhắc đến nhiều, nhất là trong các phát biểu của tướng lĩnh Việt Nam cũng như việc tổ chức triển lãm quốc phòng của Việt Nam.


Trong giai đoạn 2017-2022, số liệu của SIPRI chỉ ra rằng, Israel là nhà cung cấp vũ khí thứ hai cho Việt Nam, chỉ sau Nga.


Ông Thế Phương phân tích, Israel bán cho Việt Nam các loại vũ khí mang hàm lượng công nghệ cao như tên lửa đối đất, tên lửa phòng không như Spyder, một số loại máy bay không người lái UAV.... để tăng cường quá trình hiện đại hóa và mối quan hệ giữa hai nước sẽ tốt đẹp hơn trong tương lai.


Dù là đồng minh của Mỹ nhưng Israel vẫn bán vũ khí sát thương cho Việt Nam từ năm 2006 với 150 chiếc xe bọc thép. Sau đó là một số vũ khí khác như tên lửa bờ biển EXTRA và máy bay không người lái Orbiter 2, được trang bị cho Hải quân Việt Nam.


Năm 2016, Mỹ mới dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam nhưng vào năm 2015, Việt Nam đã mua hệ thống phòng không Spyder với giá 600 triệu USD từ một công ty quốc phòng của Israel là Rafael Advanced Defense Systems. Đây được đánh giá là một thỏa thuận quân sự lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước.


Năm 2018, Việt Nam đã đặt mua ba chiếc máy bay không người lái (UAV) hạng nặng Heron 1 của Israel trị giá 160 triệu USD và được Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Israel (IAI) bàn giao vào năm 2021, trễ một năm so với dự tính vì dịch Covid.


Theo tờ Haaretz, Elbit Systems đã bán các hệ thống chỉ huy và kiểm soát cho hải quân Việt Nam trị giá 60 triệu USD và thiết bị mạng và thông tin liên lạc trị giá khác 30 triệu USD. Các công ty Israel bán vũ khí cho Việt Nam nói trên được báo cáo bán các gói vũ khí có tổng trị giá 1,5 tỷ USD trong vòng một thập kỷ qua.


image020Chụp lại hình ảnh. Một số vũ khí Việt Nam mua của Israel từ năm 2006-2022


Theo nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, dù là một đồng minh của Mỹ nhưng Israel không bị ảnh hưởng bởi yếu tố về ý thức hệ nên có thể rộng đường hợp tác với Việt Nam để "đôi bên còn có lợi".


Bên cạnh cung cấp vũ khí, khí tài (phần cứng) thì Israel còn là một trong những nước hiếm hoi chuyển giao cho Việt Nam công nghệ (phần mềm), để Việt Nam có thể tự chế tạo các loại thiết giáp, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.


Ông Phương chỉ ra, Việt Nam có một số dự án vũ khí khí tài và những dự án này sẽ khó thành công nếu không có sự hỗ trợ về mặt kiến thức của Israel, tiêu biểu là dự án cải tiến xe tăng chiến đấu chủ lực T-54/55, nhờ có sự trợ giúp của Israel mà Việt Nam nâng cấp thành công lớp xe tăng này.


Nhà máy Z111 ở Thanh Hóa cũng là dự án hợp tác chuyển giao sản xuất súng bộ binh Galil ACE từ Tập đoàn Israel Weapon Industries (IWI) và được chỉ đạo và sở hữu bởi Bộ Quốc phòng Việt Nam.


Điều này giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm chế tạo vũ khí và thay thế hoàn toàn các loại AK trước đây là nhập khẩu, bằng súng trường STV do chính Việt Nam sản xuất (STV), giúp Việt Nam tự chủ sản xuất được vũ khí nhỏ (small arms). Mẫu súng trường STV đã được trình làng trong triển lãm quốc phòng quốc tế năm 2022 của Việt Nam.


image022Nguồn hình ảnh, Getty. Một mẫu súng trường đã được trưng bày trong triển lãm quốc phòng quốc tế năm 2022 của Việt Nam


Năm 2021, chương trình hiện đại hóa lớn nhất trong lịch sử Quân đội Việt Nam được thông qua trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII mục tiêu: "Xây dựng quân đội tinh gọn và vững mạnh vào năm 2025 và quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tiên tiến, hiện đại vào năm 2030."


Theo tinh thần này, việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ được xem là dọn đường cho Việt Nam tiếp cận với nguồn cung vũ khí từ những quốc gia đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc,...


Ông Phương phân tích với BBC rằng, vũ khí Israel cung cấp cho Việt Nam chủ yếu tập trung vào bộ binh như tên lửa, công nghệ cao còn tàu chiến máy bay, còn Việt Nam vẫn duy trì mua của Nga và chuyển sang khả năng mua của phương Tây như Mỹ.


Hồi tháng 9, Reuters đưa tin chính quyền ông Biden đang có các cuộc đàm phán với Việt Nam về một thỏa thuận chuyển giao vũ khí lớn nhất trong lịch sử, có thể là các chiến đấu cơ F-16.


image023Chụp lại video. Liệu Việt Nam có mua chiến đấu cơ F-16 của Hoa Kỳ hay không?


Hiện tại, ngoài Nga, Israel thì Việt Nam cũng tiếp tục nhập khẩu vũ khí của một số nước khác như Hàn Quốc, nhất là khi Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (mức cao nhất) với nước này.


Năm 2018, Việt Nam đã mua tàu săn ngầm lớp Pohang của Hàn Quốc với giá hữu nghị. Còn Ấn Độ đã tặng cho Việt Nam tàu hộ tống tên lửa INS Kirpan, do Ấn Độ tự đóng.


Báo cáo về an ninh Việt Nam ra mắt tháng 3/2023 của Viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược (IISS) viết rằng, nếu một xu hướng quan trọng thấy rõ từ hồ sơ của Mua sắm quốc phòng của Việt Nam trong thập kỷ qua, đó là các nhà cung cấp phi truyền thống đang ngày càng tăng và trở thành nguồn quan trọng hơn, không chỉ về việc nâng cấp và bán những vũ khí nhỏ và máy bay không người lái, mà còn cả các hạng mục thiết bị chủ chốt (như tên lửa từ Israel và tàu săn ngầm của Hàn Quốc).


Theo IISS, việc sụt giảm nguồn cung vũ khí từ Nga kể từ đầu năm 2022 do chiến tranh ở Ukraine có thể đẩy mạnh xu hướng này, gia cố thêm việc tìm các nguồn cung cấp khí tài thay thế cho Nga.


Theo nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, nền chính trị toàn cầu đang ngày càng căng thẳng, với sự quay trở lại của một cuộc chiến tranh xâm lược và xung đột ở khu vực quan trọng như Trung Đông.


Điều này, theo ông Phương, sẽ gây ảnh hưởng đến cấu trúc an ninh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, chưa kể là mâu thuẫn giữa Philippines và Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây cũng đang trên đà leo thang.


Theo đó, Việt Nam phải chuẩn bị tâm thế trước những sự hỗn loạn và phân cực gây tác động tới kinh tế toàn cầu cũng như an ninh khu vực.
23 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1420)
21 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1416)