Câu chuyện Tây Nguyên và người dân sắc tộc của núi rừng trong lòng tôi

23 Tháng Sáu 20238:08 SA(Xem: 3615)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 3 – THỨ SÁU 23 JUNE 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Câu chuyện Tây Nguyên và người dân sắc tộc của núi rừng trong lòng tôi


image017Hình về đội cồng chiêng của người Ê-Đê. Nguồn hình ảnh, Vo Ngoc Anh


Võ Ngọc Ánh


 Gửi từ Tacoma, bang Washington, Hoa Kỳ


BBC 23/6/2023


Khi còn sống ở Việt Nam, năm 1996, khi vào Đăk Lắk làm thuê tôi chúng tôi ở trong cái lều dựng vội vã, những tấm bạt vây quanh rung rinh trong gió, lạc lõng giữa núi rừng.


Trong cảnh xa lạ, một ông già người Ê-đê chỉ cho tôi con đường xuống suối lấy nước, bẻ cho bắp trên rẫy, hái mít trong vườn cà phê cho và dẫn ra rừng chỉ những loại cây lá nào ăn được. Ông tập cho chúng tôi sống với rừng.


Ông bảo chúng tôi gọi ông là Ama (bố). Cách gọi đầy sự yêu mến như con cháu trong nhà, người trong buôn. Tôi thấy ở ông một người nhiệt tình và đầy tình thương.


Ông cho tôi thấy người dân tộc sống với rừng bằng sự tôn trọng, không chặt hạ những cây trên đỉnh, xem đó như sư linh thiêng, giữ lại cho núi rừng.


Điều này hoàn toàn khác với người Kinh mới di cư đến, chẳng ngại cạo sạch từ đỉnh đồi đến dưới khe. Người Kinh chẳng kiêng nể truyền thống, luật lệ của người bản địa bị đánh giá không văn minh bằng.


Sau này khi đi học rồi đi làm tôi gắn bó thêm với Tây Nguyên hơn 6 năm nữa. Tôi ấn tượng với tính nghệ sĩ của các sắc tộc bản địa Tây Nguyên. Từ những con người lầm lũi, sợ sệt, nhưng khi tiếng cồng chiêng bập bùng, tiếng nhạc trổi lên, lửa nổ lép tép… họ như biến thành những nghệ sĩ của núi rừng. Khó khăn thường ngày như tan vào ngọn lửa, họ được giải thoát trong tiếng nhạc.


Tôi nhìn thấy ở số đông các sắc tộc Tây Nguyên như được sinh ra cho lễ hội, họ nhảy như những vũ công từ trong bụng mẹ… và hát như rút hơi trong lồng ngực.


Giờ tôi thấy các sắc tộc Tây Nguyên trở nên bơ vơ, lạc lõng trên chính quê hương họ trước người Kinh áp đảo.


Người Mỹ bản địa được đối xử ra sao?


Nay sống ở Hoa Kỳ, tôi để ý thấy so với các sắc tộc Tây Nguyên ở Việt Nam người Mỹ bản địa tại tiểu bang Washington được đối xử tốt hơn nhiều, thậm chí hưởng quá nhiều đặc quyền.


Đúng là lịch sử lập quốc của Hoa Kỳ có thời kỳ chính quyền từ vùng bờ Đông mở đường cho người da trắng tiến vào Viễn Tây, và có các cuộc chiến vùng Bình nguyên (Plains Wars), nhưng tình hình nay đã khác.


Người Mỹ bản địa mà ở VN có thời phim ảnh gọi là “thổ dân da đỏ” vẫn được coi là “chủ đất”. Họ được quyền bắt không giới hạn nhiều loài hải sản. Trong khi đó, nếu không phải là người bản địa phải mua giấy phép và săn bắt có giới hạn.


Người ‘Native Americans’ còn được ưu tiên trong việc mở song bài trong các vùng đất của họ.


Sống tại bang Washington, tôi thấy các cửa hàng bán thuốc lá của người Mỹ bản địa luôn rẻ hơn vì không tính thuế. Luật này quy định, chỉ khi bán cho người da đỏ mới không thuế. Nhưng trên thực tế, đa số khách mua thuốc lại không phải là người Mỹ bản địa. Ước tính việc này gây thất thoát thuế gần 100 đô la mỗi năm. (?)


Tóm lại, liên bang Mỹ cho người Mỹ bản địa hưởng nhiều ưu đãi về đất đai, quyền sinh hoạt theo cách truyền thống, quyền hưởng chế độ giảm thuế mà những sắc dân khác, trắng, đen, hay vàng đều không có. Tất cả được ghi vào luật của liên bang và tiểu bang.


Còn ở Tây Nguyên thì sao?


Từ nhiều chục năm nay các sắc tộc Tây Nguyên được đưa vào lối sống mà nhà nước chọn cho họ, kể cả cách gọi.


Từ “Đồng bào” được dùng với các sắc tộc Tây Nguyên để phục vụ cho mục đích chính trị hơn là sự giải thích ở góc độ dân tộc học, hoặc ngôn ngữ.


Như tôi tìm hiểu thì khi vua Gia Long kéo dài lãnh thổ về phía Nam như ngày nay, thì Tây Nguyên vẫn chưa được xác lập để thuộc về Việt Nam.


Nhà Nguyễn và các triều đại phong kiến trước đó vẫn xem Tây Nguyên như đất ngoài lãnh thổ - vùng lam sơn chướng khí.


Ngay cả thời Minh Mạng, một số nơi ở Tây Nguyên chỉ là vùng đất phụ thuộc. Triều đình chưa thiết lập bộ máy cai trị, đặt chính quyền thật sự.


Từ thời các chúa Nguyễn đã tiến hành đắp thành, tạo sơn phòng để chống lại sự xâm nhập của các sắc tộc miền núi, trên Tây Nguyên. Trường lũy kéo dài từ Quảng Nam đến Bình Định là minh chứng.


Các sơn phòng chỉ được bãi bỏ khi người Pháp tiến lên Tây Nguyên. Quá trình chinh phục Tây Nguyên gắn liền với việc các giáo sĩ truyền giáo, sau đó là người Pháp khai thác thuộc địa.


Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, tháng 5/1946, Cao ủy Đông Dương, Georges d’Argenlieu thành lập Xứ thượng Nam Đông Dương và trao quyền tự trị cho các sắc tộc.


Tháng 5/1949, người Pháp trao quyền quản lý Tây Nguyên cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Tây Nguyên lúc này mới thật sự gắn vào Việt Nam. Một năm sau đó, vua Bảo Đại lập quy chế Hoàng Triều Cương Thổ cho vùng đất này.


Trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, đây là vùng tranh chấp ảnh hưởng giữa Việt Minh với các lực lượng khác.


image015Nguồn hình ảnh, Vo Ngoc Anh. Hình tác giả bài viết (mặc áo carô) uống rượu cần trong buổi xem cồng chiêng


Kinh hóa từ thời TT Ngô Đình Diệm


Đến năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm xóa Hoàng Triều Cương Thổ đưa Tây Nguyên vào chính quyền miền Nam.


Chính sách Kinh hóa của nền Đệ Nhất Cộng Hòa không cho phép mang lại thành công. Sự cưỡng ép văn hóa đã gặp nhiều chống đối của các sắc tộc Tây Nguyên. Họ đấu tranh để đòi độc lập, hoặc được tự trị cao hơn.


Mầm mống đấu tranh được gầy dựng từ đây và ươm mầm trước đó đã nuôi dưỡng trong tâm thức các sắc tộc.


Mặt trận Đấu tranh của Các sắc tộc bị áp bức (thường gọi Fulro), phải đến đầu những năm 1990 mới thật sự yên ắng. Hơn chục năm sau, những năm đầu thế kỷ 21 nhà nước Đêga lại trỗi dậy.


Trở lại thời Đệ Nhị Cộng Hòa, sự cởi mở và tôn trọng văn hóa bản địa đã thuyết phục được các sắc tộc Tây Nguyên hơn trước đó.


Tuy nhiên, đây cũng là vùng đất tranh chấp không khoang nhượng giữa chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và cộng sản.


Sau biến cố 30/4/1975, Tây Nguyên bước vào kỷ nguyên bị phá vỡ. Từng đoàn người từ ngoài Bắc vào, dưới xuôi lên theo chương trình kinh tế mới và di cư tự do để khai thác vùng đất đỏ bazan màu mỡ.


Đầu những năm 1990, khi cà phê, hồ tiêu được giá thúc đẩy một quá trình di cư mới đến phá rừng trồng cây công nghiệp. Hậu quả Tây Nguyên bị tàn phá nghiêm trọng. Không gian của các sắc tộc bị tan vỡ.


Vào năm 1975, các sắc tộc Tây Nguyên chiếm khoảng 70% dân số toàn vùng đất này, theo trang Dân Việt. Hiện nay, tỷ lệ không phải người Kinh ở đây chỉ hơn 37%, theo báo Chính phủ VN tháng 30/11/2022:


“Hiện nay, toàn Vùng Tây Nguyên có 53 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 52 dân tộc thiểu số với 2.199.784 người, chiếm 37,65% dân số toàn vùng.”


Con số này bao gồm lượng không nhỏ người thiểu số phía Bắc di cư vào cùng người Kinh. Hệ quả là không gian từ bao đời nay của các sắc tộc Tây Nguyên bị tước đoạt hoặc thu hẹp rất nhiều. Giờ đây, những người nghèo nhất ở Tây Nguyên nằm trong các sắc tộc như một bài trên BBC vừa nhắc. Họ nghèo trên chính mảnh đất của cha ông, tổ tiên sinh sống hàng trăm, hàng ngàn năm qua.


Họ có muốn gọi là ‘đồng bào?


Việc gọi các sắc tộc Tây Nguyên bằng từ “đồng bào” không che giấu được toan tính chính trị. Trên các phương tiện truyền thông của chính quyền dùng từ “đồng bào” để trói họ vào cùng cội nguồn với người Kinh. Đây rõ ràng là cách áp đặt văn hóa và mị dân.


Trả lời câu hỏi của tôi qua mạng xã hội, anh Y Bham, sắc tộc Ê-Đê, ở Đăk Lăk chia sẻ:


“Từ "đồng bào" ngày nay người Ê-Đê không thích nghe cho lắm. Do mang tính đồng hóa. Mỗi dân tộc đều có truyền thuyết về nguồn gốc. Người Ê-Đê có truyền thuyết nữ thần mặt trời. Ngoài ra còn do người Kinh ngoài Bắc di cư đến sau 1975 dùng từ đồng bào với thái độ miệt thị.


Tôi xem nhiều video thấy nhiều người dân nói giọng Bắc hành xử như kiểu thực dân, tự cho mình quyền thống trị khi họ tham gia bắt những người bị nghi tấn công vào trụ sở công an tại hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur của huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lăk vào đầu giờ sáng ngày 11/6/2023.


Một người Ê-Đê khác, anh Y Nuôi thì nói với tôi rằng, “Người Kinh đang đối xử với các sắc tộc Tây Nguyên hơn cả thực dân. Bởi thực dân không chiếm đoạt và muốn đồng hóa như thế”.


Và có quá những người sắc tộc ở Tây Nguyên nói họ không được phép thực hành niềm tin tôn giáo họ chọn.


Để gọi các dân tộc bản địa Tây Nguyên, theo anh Y Bham nên dùng từ "Người Thượng" sẽ hợp lý hơn. Đây là từ mà người bản địa có nhiều cảm tình nhất. Vì nó đầy đủ về đặc thù địa lý và con người của vùng này”.


Danh từ chỉ dẫn này trùng khớp và gần gũi với từ được chính quyền miền Nam trước năm 1975 gọi các sắc tộc ở Tây Nguyên là “người Thượng”, hoặc “đồng bào Thượng”.


Cá nhân người viết bài này nghĩ, dùng từ sắc tộc (ethnic) sẽ đúng hơn về dân tộc học. Các gọi này cũng tránh được sự trùng lặp với dân tộc Việt Nam nói chung (Vietnamese nation).


Mất đất đai, trở thành thiểu số, không được thực hành niềm tin tôn giáo… và đa số cán bộ ở Tây Nguyên là người Kinh. Cứ đà này tình cảnh của người Tây Nguyên sẽ như dân gốc ở Tân Cương, Tây Tạng bên Trung Quốc?


Việc tấn công vào trụ sở công an tại hai xã vừa qua rất có thể là phản ứng của sự phẫn nộ, phản kháng khi người sắc tộc bị dồn vào đường cùng. Nhà nước VN cần có giải pháp ôn hòa, bền vững, có thể như cách Hoa Kỳ đối xử với ‘Native Americans’ thì mới tránh được đổ vỡ tiếp theo.


Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Võ Ngọc Ánh đang sinh sống tại tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.