Vì sao 'nhân tài' Việt du học không về?

13 Tháng Mười Một 201512:12 SA(Xem: 16506)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ SÁU 13 NOV 2015

Vì sao 'nhân tài' Việt du học không về?
image054

Image copyright Getty Image caption Đà Nẵng là nơi có nhiều du sinh học thành tài không trở về

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa mới đây được báo Tuổi Trẻ dẫn lại câu hỏi: "vì sao 13 cháu đi du học, 12 cháu không về?" khi nói về sinh viên Việt đi du học.

Cùng thời điểm đó, tại Đà Nẵng, Trung tâm nguồn nhân lực chất lượng cao đã kiện chín học viên để đòi lại tiền đã tài trợ, vì sau khi du học không quay về làm việc như cam kết.

BBC Tiếng Việt đã phỏng vấn Giáo sư Dương Nguyên Vũ – Viện trưởng Viện John von Neumann – Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh về những vấn đề của du học sinh khi quyết định “về hay ở”.

BBC: Theo ông, những người đã đi du học, trước quyết định về Việt Nam, họ mong đợi điều gì?

GS. Dương Nguyên Vũ: Với những du học sinh đi thời gian ngắn như hai năm thì môi trường không phải chuyện rất quan trọng. Trong hai năm họ tiếp cận với môi trường khác, họ sẽ hiểu môi trường ở Việt Nam đang cần, thiếu những gì thì các bạn khi trở về có thể làm môi trường ở đây tốt hơn.

Những bạn đi lâu hơn nhiều sau đại học như làm tiến sỹ thì phải đi bốn, sáu thậm chí bảy năm. Khi về chắc chắn họ có sự bỡ ngỡ. Sự bỡ ngỡ này ở trong đầu của mình, mình vẫn có thể thay đổi nó được.

Tuy nhiên, khi sống thời gian lâu trong môi trường điều kiện tốt hơn thì khi về họ có so sánh và họ vẫn chưa sẵn sàng để nghĩ đến những gì lớn hơn bản thân họ để chấp nhận điều kiện khó hơn.

Họ bắt đầu có suy nghĩ tôi nên ở lại hay đi về?

Ở lại thì môi trường làm việc tốt hơn, điều kiện công việc chuyên môn tốt hơn, điều kiện sống cho gia đình tốt hơn, đã đi học bốn đến sáu năm thì thường họ đã có gia đình và con cái.

image055

Image copyright Other Image caption Giáo sư Dương Nguyên Vũ

Là con người, lúc nào cũng thích điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống và gia đình. Và họ quyết định ở lại. Đó không phải là lỗi duy nhất của họ.

Nếu chúng ta muốn họ về nước thì phải làm môi trường sẵn sàng cho họ, giúp họ thấy được sự khác biệt không nhiều lắm thì họ vẫn sẽ trở về.

BBC: Vậy một số yếu tố khiến họ không muốn quay về sau khi đi học là gì?

GS. Dương Nguyên Vũ: Trước khi tôi về Việt Nam, một trong những mục tiêu mà Đại Học Quốc Gia mong muốn chúng tôi làm là thu hút nhân tài ở nước ngoài về Việt Nam.

Do đó, chúng tôi làm một khảo sát với một số đông các nhà khoa học trẻ sau đại học ở các nước. Hơn 500 người tham dự. Kết quả khá thú vị:

86% họ đồng ý rằng điểm quan trọng nhất là môi trường làm việc. Tôi xin nhấn mạnh môi trường không phải là cơ sở vật chất mà là không gian gồm cơ sở vật chất, con người cũng như cách sinh hoạt.

Nếu như môi trường tiệm cận được với môi trường quốc tế thì họ sẵn sàng về.

Điểm thứ hai là công việc làm và sự thích thú trong việc làm, môi trường để thăng tiến, đề tài hấp dẫn, vấn đề thách thức và họ có thể giải quyết. Đó cũng là yếu tố giúp họ trở về.

Điểm thứ ba là tài chánh, trước kia tôi nghĩ đây là điều quan trọng nhất nhưng thực ra nó chỉ nằm thứ ba thôi. Nếu họ có một cuộc sống tương đối ổn định một chút, không phải chạy gạo, chạy cơm hàng ngày và không có lương thấp lắm.

Lúc đó tôi khảo sát là năm 2008, với mức lương 1.000 USD có đến 60% đang học và làm ở nước ngoài sẵn sàng về nước.

Điểm thứ tư là khá quan trọng, xảy ra với một số học trò của tôi đã chọn làm ở nước ngoài, đó là vì cuộc sống gia đình nhiều hơn. Ở tuổi của họ 28 - 30, bắt đầu có gia đình và con cái.

Khi có con cái họ có băn khoăn nuôi con, học hành thế nào. Đứa con trở thành trọng tâm tư duy của họ và trọng tâm của tất cả quyết định gia đình. Họ quyết định ở lại là vì con cái nhiều hơn bản thân họ.

Đó là những lý do tôi thấy đóng góp vào quyết định về hay ở của bạn trẻ.

Cam kết trở về là ''danh dự''

image056

Image copyright AFP Image caption Trong một ngày tốt nghiệp của sinh viên tại Hà Nội

BBC: Vậy với những người học quay trở về, vậy lý do họ quay về là gì?

GS. Dương Nguyên Vũ: Trong những người tôi gặp, họ đi về vì ước mơ đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, ước mơ thay đổi Việt Nam. Các bạn này ít bị nặng nợ gia đình, họ có quyết định tương đối thoải mái. Một số các bạn có gia đình nhưng chưa có con.

Một số có con nhưng theo chương trình học bổng phải về nước làm hai năm nên họ về. Nhưng sau khi về rồi lại không muốn đi nữa.

Nói đơn giản, thì những bạn về họ có sự hi sinh những điều đó để được cái lớn hơn, ví dụ họ khởi nghiệp, họ có một giấc mơ có ý nghĩa, có ảnh hưởng lớn hơn đến xã hội.

BBC: Còn những sinh viên học các ngành công nghệ cao, có lối ra nào cho họ nếu quay về không?

GS. Dương Nguyên Vũ: Hiện giờ Việt Nam chưa đủ môi trường khoa học để học phát huy được tiềm năng. Một bạn vừa xong tiến sĩ, vừa học xong ở mức độ có thể làm được điều thú vị trong khoa học, ở lửa tuổi 28 - 35, giấc mơ vẫn còn là làm việc, khẳng định lại vị trí bản thân trong cộng đồng khoa học.

Khi về Việt Nam nếu không đủ môi trường phát triển như những lĩnh vực đòi hỏi đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cao, thì họ sẽ phân vân.

Tôi có một cậu sinh viên rất mong mỏi về nước, nhưng đến khi xong tiến sỹ rồi thì đam mê nghiên cứu khoa học lớn hơn quyết định ban đầu là về Việt Nam. Bạn chọn ở lại để tiếp tục làm khoa học.

image057

Image copyright AFP Image caption Sau kỳ thi đại học trong nước, nhiều sinh viên Việt kỳ vọng tìm kiếm cơ hội du học

BBC: Ông có từng tiếp xúc với các sinh viên đi theo học bổng nhà nước, có cam kết trở về sau hai đến bốn năm không?

GS. Dương Nguyên Vũ: Tôi từng gặp các bạn theo chương trình 322, sau này gọi là 911 (Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sỹ - PV).

Có bạn theo đề án 322, sau đó qua bên kia và lập gia đình với học trò của tôi theo học bổng của Pháp.

Tôi có gặp và nói chuyện với họ. Một số người lập gia đình, có con cũng khiến quyết định trở về khó khăn.

Nhưng tôi nghĩ khi mình quyết định đi theo học bổng nhà nước, mình ký hợp đồng, trong đó mình có được sự tài trợ và cam kết trở về làm việc. Theo tôi nghĩ đó là danh dự của lời nói. Mình phải tôn trọng danh dự và lời nói của mình.

Chúng ta phải giữ lời. Quyết định lập gia đình, sống bên kia sống... cũng cần đem ra suy nghĩ trước khi đi học. Đơn giản là một con người phải tôn trọng lời nói đầu tiên, đó là danh dự.

Nếu ta không tôn trọng được danh dự của mình, thì chúng ta không thành việc gì cả./

BBC 10 tháng 11 2015

10 Tháng Tám 2015(Xem: 17744)
SAN JOSE 14 July, 2015: "Khi cô Đỗ Minh Ngọc đặt câu hỏi tại sao cô không được phép đeo dây đeo cổ in cờ vàng ba sọc đỏ và cờ Mỹ vào, liệu như vậy có vi phạm tự do ngay trên đất nước tự do này hay không?"
21 Tháng Sáu 2015(Xem: 16362)
LGT: trước tháng 4, Khôi An, cô em họ mail và hỏi HLC làm sao liên lạc với Tướng Lê Minh Đảo để mời ông nói chuyện với sinh viên Đại Học Stanford ở San Jose. Hoàng Lan Chi phải đi đường vòng. Bắt đầu từ ông Hồ văn Kỳ Thoại rồi đến ô Lê Văn Trang..