Đồng Văn:'Himalaya tàng ẩn'

18 Tháng Mười Hai 201412:00 SA(Xem: 14670)
“NHẬT BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ SÁU 19 DEC 2014

'Đồng Văn: 'Himalaya tàng ẩn'

Ian Lloyd Neubauer

BBC 16 tháng 12 2014
image144
Bộ ảnh này là những gì Ian Lloyd Neubauer cảm nhận được sau hành trình bằng xe máy dài tám ngày, từ Hà Nội lên khám phá những cung đường hiểm trở ở miền núi đông bắc Việt Nam.

Lên đường

Nếu tìm kiếm trên Google từ khoá "Đồng Văn" có lẽ bạn sẽ không tìm được mấy thông tin. Cho tới tận 2013 thì miền núi đông bắc này vẫn thuộc sự kiểm soát của quân đội và để tới được đây, người nước ngoài phải xin giấy phép qua những thủ tục khét tiếng là khó khăn.

“Nếu muốn ngắm vùng núi này, du khách tới Việt Nam sẽ phải tới Sa Pa ở vùng tây bắc,” Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Mototours Asia nói. Công ty của ông chuyên cung cấp các chuyến đi khám phá bằng xe máy ở miền bắc Việt nam.

“Vấn đề là ở Sa Pa người ta đã quen với du khách và không còn thích thú với việc kết bạn nữa. Nhưng ở Đồng Văn, người dân vẫn mặc đồ dân tộc truyền thống, sống theo cung cách có từ xưa và rất vui vẻ gặp gỡ bạn.”

Do vậy, tôi đã rời khỏi thủ đô Hà Nội giao thông lúc nào cũng tấp nập để làm hành trình tám ngày tới Đồng Văn, có hướng dẫn viên đi cùng, trên chiếc xe máy cổ Royal Enfields 500cc Bullet, háo hức muốn tới nơi mà hiếm người nước ngoài nào tới Việt Nam từng được tới. (Hình: Ian Lloyd Neubauer)

Cung đường xoắn tủy
 image145
Huyện Đồng Văn là nơi khá xa lạ cho du khách nước ngoài, bởi đa phần đường sá và các rặng núi nơi đây không có biển báo bằng tiếng Anh. Việc tìm đường sẽ là vô cùng khó nếu không có hướng dẫn viên địa phương đi cùng.

Nhưng bạn không nhất thiết phải là người địa phương hay đi xe máy mới có thể cảm nhận được hết sự kỳ diệu trong việc làm đường lên Đồng Văn. Đi cùng hướng dẫn viên Đỗ Hữu Quyền của Mototours Asia, chúng tôi đã trải qua một ngày dựng tóc gáy trên những khúc cua tay áo trườn bò như rắn dẫn lên rặng núi ở độ cao chừng 1.500m.

Khi rời Hà Nội, Quyền nói với tôi rằng những con đường và phong cảnh của Việt Nam là tuyệt nhất, đẹp hơn cả ở Lào, nơi được nhiều người cho là thiên đường của dân đi du lịch bằng xe máy.

Cho tới khi được chứng kiến những cung đường như thế này, tôi thực sự công nhận anh ấy nói đúng. (Hình: Ian Lloyd Neubauer)

Ruộng lúa

image146
Càng đi lên phía bắc, núi càng trải rộng. Chúng tôi chạy xe tới 250km một ngày qua các trái núi xen lẫn những triền lúa - một hình thức canh tác nông nghiệp từ xa xưa, được cho là đã có ở Việt Nam cả 10 ngàn năm nay.

Tháng Hai, khi chúng tôi đi, là giữa mùa khô, cũng là lúc các ruộng lúa ngả màu nâu sậm. Nhưng trong mùa mưa, từ tháng Tư tới tháng Mười, những nơi đó bừng lên sắc xanh, vàng của cây lúa. (Hình: Ian Lloyd Neubauer)

Dệt vải

image147
Một trong những nét hấp dẫn nhất trong chuyến khám phá miền đông bắc Việt Nam là cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện với người Hmong, một sắc dân thiểu số sinh sống ở các vùng núi Đông Nam Á.

Họ thường dễ nhận ra nhờ trang phục sáng màu, với các bộ váy áo, khăn choàng, khăn quàng cổ được trang trí tỷ mỉ, làm bằng tay từ sợi bông và sợi gai dầu, rồi được nhuộm màu từ các loại lá, củ để có sắc hồng, đỏ, la, chàm.

Trong một thế giới mà có rất nhiều sắc tộc chuyển sang dùng áo phông hay các bộ đồ may sẵn tiện dụng, thì nhiều cô gái Hmong vẫn học cách dệt vải, thêu hình hoa văn dân tộc được truyền lại từ đời bà, đời mẹ.

Trong hình này, một phụ nữ Hmong trong trang phục truyền thống đang dệt vải ở ngoại vi thị trấn Yên Minh, nằm cách thị trấn Đồng Văn, tức thủ phủ của huyện Đồng Văn, chừng 90km. (Hình: Ian Lloyd Neubauer)

Tới Mèo Vạc

image148
Nằm về phía nam cách thị trấn Đồng Văn chừng 30km là Mèo Vạc, một thị trấn được xây dựng với bê tông từ thời Liên-xô và được bao quanh bởi các ngôi làng của người Hmong.

Trừ các đường dây điện, xe máy tay ga và điện thoại di động hiện diện khắp nơi, người dân nơi đây vẫn sống theo cách sống từ xa xưa.

Hàng ngày, họ đập bò đi cày đất, làm rượu ngô, nhặt củi vụn về sưởi ấm căn nhà và nấu ăn.

Tấm hình này do Đỗ Hữu Quyền chụp bằng máy ảnh mượn của tôi, chụp một em bé Hmong địu đứa em gái nhỏ. (Hình: Đỗ Hữu Quyền)

Chợ phiên cuối tuần ở Mèo Vạc

image149
Vào một sáng sớm, trời vẫn tối om, chúng tôi thức dậy lúc 6 giờ và tới khu chợ phiên nổi tiếng của Mèo Vạc. Trong những bộ quần áo đẹp đẽ nhất dành riêng cho ngày Chủ Nhật, hàng ngàn người Hmong tới đây.

Họ mua bản các loại sản vật như sâm, hồi, quế, những trái táo to cỡ trái lê, còn những trái lê thì to như quả dưa, rồi mua bán thịt lợn, thịt dê, thịt chó, bún phở và đậu phụ.

Họ cũng bán cả rượu ngô tự chế, thứ rượu na ná như vodka với hương vị ấm ngọt và thơm.

Tại đây, lần đầu tiên kể từ khi rời Hà Nội tôi gặp những gương mặt phương Tây: một cặp vợ chồng người Pháp đã nghỉ hưu tới chơi chợ trên chiếc xe mini buýt địa phương. Họ cũng rất ngạc nhiên khi thấy tôi. (Hình: Ian Lloyd Neubauer)

Nhà Vua Mèo


image150
Cách thị trấn Đồng Văn chừng 15km về phía nam, trong thung lũng Sà Phìn là Nhà Vua Mèo.

Đó là một ngôi nhà hai tầng bốn chái được bảo vệ bởi những vách đá tai mèo khổng lồ và nằm lọt giữa rừng thông.

Được các thương gia người Trung Quốc xây hồi 1902 cho lãnh chúa người Hmong Vương Chính Đức, tòa nhà như một pháo đài với những bức tường đá dày 500mm bao quanh với một hàng rào đá dày 800mm, hai sảnh trời bên trong, 64 phòng ngủ dành cho các bà vợ và con cái vua Mèo, chỗ cho lính cận vệ, một nhà chứa thuốc phiện, và một phiến đá lớn chuyên để chặt đầu những kẻ phản bội.

Chỉ có một vị vua Mèo nữa, Vương Chí Sình, người có cảm tình với cộng sản, sống tại cung điện này trước khi nó bị bỏ hoang trong thời Kháng chiến chống Pháp, 1946-1954.

Ngày nay, Nhà Vua Mèo trở thành nhà bảo tàng với bộ sưu tập nhỏ những món đồ tự chế thời đó, được đặt trong những hộp kính phủ đầy bụi bặm. (Hình: Ian Lloyd Neubauer)

Thị trấn cổ Đồng Văn

image151
Sau bốn ngày, vượt qua 900km trầy trật trên chiếc xe cổ nhưng rất đáng tin cậy Royal Enfield, chúng tôi tới Đồng Văn khi màn đêm đổ xuống.

Chúng tôi nghỉ đêm tại một gia đình địa phương ở thị trấn cổ, nơi giống như mê cung với những con ngõ rải sỏi và các tòa nhà xây bằng đá cả trăm năm trước với những lớp mái lợp ngói nung.

Căn nhà cổ nhất ở đây, một căn nhà lớn với hai cột đá trụ lớn và treo đèn lồng đỏ, được nhà họ Lương xây từ 1810 đến 1820. Con cháu nhà họ Lương nay vẫn sinh sống bên trong. Đó là một trong 40 căn nhà cổ còn lại sau trận hỏa hoạn thiêu cháy Đồng Văn hồi 1923, trước khi người Pháp xây lại. (Hình: Ian Lloyd Neubauer)

Đoạn cuối con đường

image152
Nằm ở trung tâm chiến lược của cao nguyên ở độ cao 1.600 và chỉ cách biên giới với Trung Quốc có 3km, Đồng Văn là tiền đồn xa nhất về phía bắc của người Pháp trong thời thuộc địa.

Binh lính Pháp đã dùng nhân công người Việt dưới sự cai quản của các đốc công người Việt xây dựng một khu đồn trú lớn, nay nằm trong đống đổ nát trên đỉnh của một trong nhiều vách đá vôi nhìn xuống thị trấn Đồng Văn.

Ngày nay, người ta có thể leo lên trại lính này bằng lối mòn dốc đứng, gập ghềnh chừng 1km vốn chỉ có dê chạy qua, dẫn lên từ thung lũng ở đường biên phía đông của khu thị trấn cổ. Tấm hình này được chụp từ đỉnh trại lính, ngay khi bình mình vừa rạng, lúc mà cả thị trấn vẫn còn đang chìm trong làn sương đêm. (Hình: Ian Lloyd Neubauer)

Bản gốc tiếng Anh bộ ảnh này đã được đăng tại BBC Travel.

XEM THÊM:

Lũng Cú

* Có ý kiến cho rằng tên gọi đúng của Lũng Cú là Long Cổ (nghĩa là trống có hình rồng) hoặc Long Cư (nơi rồng ở).[4]

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Lũng Cú là một xã thuộc huyện Đồng Văn, nằm trên đỉnh cao nguyên Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang, Việt Nam, cách thị xã Hà Giang khoảng 200 km. Là điểm cực bắc của Việt Nam, Lũng Cú nằm ở khu vực có độ cao từ 1600m đến 1800m trên mực nước biển. Lũng Cú có 9 thôn bản là nơi sinh sống của người Mông, Lô Lô, Tày, Pu Péo.

Đặc điểm

Từ thị xã Hà Giang, theo quốc lộ 4C ngược lên phía đông bắc khoảng 160 km tới xã Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Từ đây, tiếp tục xuôi theo con đường trải nhựa nối liền hai xã Lũng Cú-Đồng Văn khoảng 40 km là đến Lũng Cú.

Xã Lũng Cú có tổng diện tích tự nhiên là 3.460 ha với chín thôn, bản, là Lô Lô Chải, Séo Lủng, Tả Giá Khâu, Cẳn Tằng, Thèn Ván, Thèn Pả, Sì Mần Khan, Sán Chồ, Sán Sà Phìn và có đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hơn 16 km. Tại đây, khi vào mùa đông thời tiết rất lạnh và thi thoảng có tuyết rơi. Trong số chín thôn, bản của Lũng Cú thì Séo Lủng thuộc phần đất thượng cùng cực bắc với bên trái là thung lũng Thèn Ván sâu thăm thẳm, bên phải là dòng sông Nho Quế - dòng sông bắt nguồn từ Mù Cảng, Vân Nam, Trung Quốc đổ về Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang).

Các dân tộc ở Lũng Cú chủ yếu là làm nương rẫy và làm ruộng bậc thang. Riêng dân tộc Mông và Lô Lô vẫn bảo tồn nghề dệt truyền thống với các công đoạn làm sợi lanh, dệt vải.

Bên cạnh đó, Lũng Cú còn bảo lưu được những hiện vật lịch sử, văn hóa quý giá tiêu biểu từ thời Hùng Vương. Theo sử sách ghi lại, vào thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt ở nơi biên ải này một chiếc trống đồng lớn, thời đó tiếng trống là phương tiện thông tin nhanh nhất, vị trí đặt trống của nhà vua là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ. Chính vì vậy, người Lô Lô ở Lũng Cú bây giờ sử dụng thành thạo trống đồng có nguồn gốc từ trống đồng Đông Sơn.

PHÓNG SỰ - KÝ SỰ
Lũng Cú - Vùng địa đầu Tổ quốc

04/09/2008

Tôi đang đứng bên cột mốc 422, điểm cao nhất của Tổ quốc Việt Nam, thuộc thôn Séo Lủng xã Lũng Cú huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang, trên đường kinh tuyến 105 độ Đông, 23 độ 22 phút vĩ độ Bắc, nơi được ví như mái nhà đất nước. Gần trưa, nắng đổ nghiêng trên sườn non, ong óng màu mật ong phủ lên nương ngô lá xanh thẫm đang trổ cờ lay động theo gió và kéo thành một vệt dài từ đỉnh núi xuống tận bờ vực, nơi dòng Nho Quế đang ì ầm đổ về xuôi. Đối diện nơi tôi đứng, bên phía bạn là dãy Sư Tử Sơn sừng sững. Người lính biên phòng chỉ cho tôi con đường đỏ quạch, uốn lượn xa tít tắp và ở gần cuối con đường là công trình thủy điện của Trung Quốc đang nhộn nhịp xây dựng…

Đề nghị mọi người đứng bên cột mốc chụp ảnh làm kỷ niệm, tôi dạo bước quanh cột mốc, tìm một mỏm đá cao đứng ngắm nhìn núi non, làng bản lần nữa, cố gắng lưu giữ lại trong tâm khảm, suy nghĩ, tình cảm của mình về hình ảnh địa đầu Tổ quốc. Bởi từ Hà Giang lên đây ngót 200km đường đất qua nhiều cổng trời, vực thẳm, sông suối.

Tôi đứng nghiêm trang như người lính, cúi đầu chào cột mốc Tổ quốc. Thuận tay, tôi nhặt một hòn đá 3 cạnh có hình như Kim tự tháp Ai Cập thu nhỏ bỏ vào túi xách làm kỷ niệm. Trên đường xuống núi, người lính trẻ quê ở Nghệ An tâm sự: Năm trước cháu cũng lấy hòn đá ở chân cột mốc, vào dịp nghỉ phép, cháu mang về quê đặt bên bàn thờ tổ cầu mong cho đất nước bình yên phát triển, người người no ấm hạnh phúc...

Gió thổi ào ào đưa chân chúng tôi xuống núi. Đường dốc, hoa dại nở tràn hai bên lối mòn, đất đai bạc màu do mưa gió rửa trôi. Đất đai hoang hóa Lũng Cú còn khá nhiều, nhưng chọn trồng cây gì cho thích hợp, rút ngắn thời gian thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế là điều phải tính toán. Do vậy, ở đây đang phát triển việc trồng rừng trên những mảnh đất mà trong đó lổn nhổn những đá và sỏi.

Chúng tôi tạt vào ngôi trường mầm non nghỉ chân, cũng là lúc các em vừa hết tiết học. Chừng 10 em cả trai lẫn gái chạy nhảy tung tăng nói cười ồn ã trên một khoảng sân trường bằng phẳng. Cô giáo trẻ Vừ Thị Mỷ - người ở bản Séo Lủng chừng 20 tuổi, gương mặt rạng rỡ tiếp chúng tôi ở góc hành lang trường. Mỷ bảo: Vùng cao hiện giờ trường lớp đã khang trang, tiện nghi đầy đủ. Trước đây, bàn viết của học sinh chỉ là những tấm gỗ thải đóng với nhau, hoặc mấy cây bương ghép lại làm ghế cho các em ngồi, mái tôn lủng lỗ chỗ nên trời mưa thì dột ướt, lạnh lẽo... Nhìn ngôi trường khá tươm tất với lũ trẻ cười đùa vô tư tôi thật tình mừng cho Mỷ và sự nghiệp giáo dục miền núi đang có sự thay đổi tích cực.

Mảnh đất Séo Lủng đã trải qua nhiều biến cố của lịch sử, nhưng gần 50 hộ gia đình người Mông ở đây vẫn trụ vững, đoàn kết giúp đỡ nhau lúc tắt lửa tối đèn. Chương trình 134, 135 của Chính phủ được thực hiện rốt ráo đã làm cho bộ mặt của Séo Lủng thay đổi hẳn. Hầu hết nhà dân đều lợp mái nhà bằng tôn phi-brô xi măng, nhà nào cũng có bể nước ăn. Giữa bản có một bể chứa nước công cộng lúc nào cũng đông người. Giống ngô mới năng suất từ năm trước treo đầy trên gác bếp và ngoài hiên nhà. Nhiều gia đình còn làm chuồng nuôi bồ câu, có nhiều nhà chim én tự về làm tổ, tiếng chim non đòi ăn, tiếng hót gọi bạn của lũ chim líu lo nghe thật vui tai. Ngô ở đây vẫn là lương thực chính, để tự nâng cao đời sống và tăng thu nhập, đồng bào còn biết kết hợp gieo trồng tam giác mạch, đậu tương, đậu răng ngựa, rau quả các loại, nuôi bò, dê, gà, heo...

Những ngôi nhà của người Mông, với kiểu dáng kiến trúc xưa, đặc biệt là những ngôi nhà cổ - nhà trình tường với các vách tường bằng đất nện, mái lợp bằng ngói âm dương, có bờ rào đá và cổng ra vào bằng gỗ, vừa tạo vẻ ấm cúng, nhưng cũng rất gợi cảm hấp dẫn du khách. Màu hoa đào phai của núi rừng rất đẹp và lạ. Tôi chợt nghĩ hoa đào còn là tinh thần, văn hóa của người dân Việt Nam khi mỗi độ tết đến, xuân về. Nên chăng chúng ta có một lễ hội hoa đào của Lũng Cú - Đồng Văn, cùng với các sinh hoạt đêm phố cổ, đèn lồng đỏ cao nguyên…?

Xế chiều, một thầy giáo trẻ Trường tiểu học Lũng Cú dùng xe máy đưa tôi đi Tả Giao Khâu, cách trụ sở xã 6km.

Tả Giao Khâu là một trong 9 thôn bản của Lũng Cú, có 80 hộ đồng bào Mông sinh sống, cấy lúa trên ruộng bậc thang và trồng ngô trong hốc đá. Trưởng thôn Thò Sín Chơ, 39 tuổi, khoe với chúng tôi: So với các thôn bản khác, tình hình khan hiếm nước ở đây cơ bản được giải quyết. Toàn thôn không còn hộ đói do biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, chăn nuôi nên lúa, ngô đạt năng suất cao, đàn gia súc bò, ngựa, dê... ngày một “đông” hơn, tình hình an ninh biên giới được giữ vững. Có điện lưới quốc gia, đêm đêm nhà văn hóa thôn đã trở thành “điểm hẹn” của đồng bào, trẻ em đến xem các chương trình của VTV phát trên chiếc ti vi chung của thôn, rất đông. Thanh niên nam nữ cũng thường xuyên tổ chức văn nghệ, hoặc giao lưu với các thôn bản khác.

Đêm ở trên núi cao xuống rất nhanh. Dùng bữa ở nhà ăn Lũng Cú xong, tôi định bụng nghỉ sớm để mai còn đi Thiên Hương và leo lên đỉnh Độc Sơn. Bất ngờ ở phía làng Lô Lô Chải, tiếng trống đồng được tấu lên ngân nga, hòa cùng một số nhạc cụ dân tộc quen thuộc đàn nhị, kèn pí lè, khèn bè..., có cả giọng hát nam nữ trầm bổng cất lên. Tôi hỏi người quản lý nhà khách thì được biết là đội văn nghệ không chuyên của Lô Lô Chải đang tập để đêm mai biểu diễn phục vụ đoàn khách đặc biệt từ miền Nam ra.

Là vùng quê lâu đời của đồng bào dân tộc Mông và Lô Lô, có diện tích tự nhiên 3.460ha, có 503 hộ; 3.051 nhân khẩu, Lũng Cú có đường biên giới giáp với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hơn 16km. Bà con dân tộc ở Lũng Cú canh tác chủ yếu là trồng ngô trên nương rẫy và làm ruộng bậc thang cấy lúa. Nổi bật là đồng bào dân tộc Mông, Lô Lô vẫn bảo tồn nghề dệt truyền thống, với các sản phẩm đặc trưng của họ: se lanh, dệt vải, rèn đúc lưỡi cày và làm ngói âm dương lợp nhà. Những năm trước đây, mỗi khi nhắc tới Lũng Cú, hình ảnh ấn tượng trong lòng du khách là đường giao thông xuyên qua những dãy núi cheo leo hiểm trở, nơi mùa đông kéo dài với khí hậu lạnh buốt và thỉnh thoảng lại có tuyết rơi. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn gian khổ. Ngày nay, dưới ánh sáng đường lối đổi mới, với những chính sách đầu tư kịp thời của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc ít người vùng cao Lũng Cú đã có nhiều đổi thay.

image154
Nhà trình tường ở Đồng Văn.

Từ năm 2001, con đường từ Đồng Văn lên Lũng Cú đã được nâng cấp, trải nhựa phẳng phiu, dòng điện quốc gia đã thắp sáng mảnh đất địa đầu và ở Lũng Cú, cột cờ Tổ quốc được dựng trên đỉnh núi Rồng trông xa như một ngọn tháp, có hình dáng cột cờ Hà Nội, cao gần 20m, chân bệ có 6 mặt phù điêu mang nét hoa văn của trống đồng Đông Sơn, lá cờ Tổ quốc rộng 54m tung bay, kiêu hãnh giữa bầu trời biên cương, như ngọn lửa bất diệt, in bóng xuống mặt hồ Lô Lô xanh biếc. Ở lưng chừng núi Rồng có hang Sì Mần Khan rộng đẹp, hấp dẫn...

Tên gọi Lũng Cú có nhiều giả thiết: Long Cư (rồng ở, động rồng), Lũng Ngô (bởi cánh đồng Thèn Pả trồng nhiều ngô), lại có giả thiết Lũng Cú là tên người đứng đầu một dòng họ dân tộc Lô Lô, có công khẩn hoang, gìn giữ và phát triển vùng đất. Nhưng nhiều người cho rằng: Lũng Cú có lẽ bắt đầu từ chữ Long Cổ (long: rồng; cổ: trống) nghĩa là trống rồng.

Thời phong kiến rồng tượng trưng cho vua, trống rồng là trống của nhà vua. Theo lời kể của các bậc cao niên, trước đây đồng bào Lô Lô có phong tục may sắm quần áo đúng kiểu của dân tộc Lô Lô ở Lũng Cú để mặc cho người qua đời, bởi họ nghĩ mặc như thế tổ tiên mới nhận. Hiện nay đồng bào Lô Lô ở Lũng Cú, Mèo Vạc (Hà Giang) đều sử dụng thành thạo trống đồng. Trống đồng của đồng bào Lô Lô có nguồn gốc từ trống đồng Đông Sơn, như vậy Lũng Cú còn bảo lưu được những hiện vật lịch sử, văn hóa quý giá tiêu biểu rực rỡ của thời Hùng Vương. Theo sử sách vào thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt ở nơi biên ải hiểm trở này một chiếc trống lớn, thời đó tiếng trống là phương tiện thông tin nhanh nhất, vị trí đặt trống của nhà vua là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ...

Xã Lũng Cú bao gồm 9 thôn, bản: Lô Lô Chải, Seo Lủng, Tả Giao Khâu, Cẳn Tằng, Thèn Ván, Thèn Pả, Sì Mần Khan, Sán Chồ, Sán Sà Phìn, tất cả ở độ cao trung bình từ 1.600 - 1.800m so với mặt nước biển. Khi nói về nước Việt Nam liền một dải, người ta hay nêu từ Trà Cổ (Quảng Ninh) đến Cà Mau (nếu tính theo bờ biển) hoặc từ Mục Nam Quan (Lạng Sơn) đến Cà Mau (nếu tính theo trục đường quốc lộ), hoặc từ Lũng Cú đến Cà Mau (nếu tính giới hạn của vĩ độ). Còn nếu kể đến địa danh hẹp và nếu chi li hơn thì phải nói từ xóm Seo Lủng của Hà Giang đến xóm mũi Rạch Tàu của Cà Mau.

Trở về Hà Nội, tôi mang theo trong lòng nỗi nhớ về một vùng đất của chè san, rượu mật ong và thắng cố, xứ sở của đào phai, hoa lê, tuyết trắng và náo nhiệt buổi chợ phiên, tiếng đàn Môi tâm tình gọi bạn, tiếng khèn Mông quyến rũ người tình, tiếng trống đồng âm vang bên bếp lửa nồng đượm đêm dài... 

CAO XUÂN THÁI

 image157
image159
image161
image163
image164
image166

06 Tháng Tám 2015(Xem: 24677)
06 Tháng Tám 2015(Xem: 16282)
14 Tháng Bảy 2015(Xem: 15637)
12 Tháng Hai 2015(Xem: 12172)
Hoa bàng vuông Trường Sa khoe sắc. Ai đã từng đặt chân đến quần đảo Trường Sa, chắc hẳn khó có thể quên được loài cây biểu tượng của quần đảo này – cây bàng vuông. Hoa bàng vuông khoe sắc kiêu sa dù điều kiện sống có khắc nghiệt như thế nào đi nữa.
11 Tháng Hai 2015(Xem: 13256)
TTO - “Không có từ ngữ nào có thể tả hết được vẻ đẹp của Sơn Đoòng.” Đó là câu nói mà hầu hết những ai được khám phá nơi này đều thốt ra khi kết thúc chuyến đi khám phá hang động này.