Ma túy đá từ tam giác vàng

21 Tháng Tư 20197:07 CH(Xem: 7408)

VĂN HÓA ONLINE - THỜI SỰ B - THỨ HAI 22 APRIL 2019


Ma túy đá từ tam giác vàng


20/04/2019


TTO - Methamphetamine là ma túy tổng hợp được sản xuất từ hóa chất chứ không cần nguyên liệu cây anh túc như sản xuất thuốc phiện, heroin. Với tiền chất giá rẻ, có thể sản xuất 100 triệu viên yaba và chỉ 20 triệu viên lọt lưới cũng đủ bộn tiền.


image039

Cảnh sát Myanmar bắt giữ 15 tấn sodium cyanide vào tháng 6-2018 - Ảnh: Cảnh sát Myanmar


Tình hình sản xuất methamphetamine hàng loạt hiện nay ở bang Shan (Myanmar) liên quan đến nguồn cung ứng dồi dào tiền chất ma túy.


Nguồn tiền chất từ Trung Quốc


Ngày 12-6-2018, một xe tải loại 10 bánh chở nhiều thùng phuy phủ bạt màu đen dừng lại tại trạm kiểm soát ở Tachileik (bang Shan). Cảnh sát khám xét và tìm thấy 15 tấn sodium cyanide (natri xyanua), số hóa chất đủ để sản xuất 5.900kg ma túy đá và 295 triệu viên nén methamphetamine.


Tài xế người Thái Lan bị bắt.


Tại Thái Lan, Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc gia (ONCB) tuyên bố vụ bắt giữ nêu trên là kết quả hợp tác giữa Thái Lan và Myanmar.


Trước đó, một công ty Trung Quốc gửi 15 tấn hóa chất nêu trên từ cảng Laem Chabang (Thái Lan) đi Myanmar. Tờ khai ghi hóa chất dùng để khai thác mỏ. Khi hàng đến tỉnh Chiang Rai, hải quan không cho phép sang Myanmar bằng đường thủy vì cho rằng đây là hóa chất nguy hiểm.


Do hàng có ghi địa chỉ người nhận rõ ràng, 15 tấn hóa chất được tiếp tục vận chuyển bằng đường bộ sang Myanmar. Phía Thái Lan đã nghi ngờ và thông báo với Myanmar đề nghị xác minh vì sodium cyanide có thể dùng làm tiền chất sản xuất ma túy đá và viên nén yaba.


Xe tải vào lãnh thổ Myanmar không chạy đúng lộ trình nên bị chặn lại.


Từ năm 2016, Myanmar và Thái Lan đã bắt giữ số lượng lớn sodium cyanide trên đường vận chuyển đến Tam giác vàng. Tướng Watchara Thipmongkol phụ trách công tác chống ma túy ở miền bắc Thái Lan khẳng định: "Hiện nay bọn sản xuất ma túy thường sử dụng sodium cyanide".


Tổ chức Khủng hoảng quốc tế ở Bỉ cho rằng sở dĩ bang Shan trở thành trung tâm điều chế ma túy đá của thế giới vì bang này ở sát nguồn cung ứng tiền chất ma túy từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).


Các địa phương phía đông bang Shan lại duy trì quan hệ tốt với lân bang Trung Quốc. Người dân ở đây sử dụng tiếng Hoa, xài nhân dân tệ và gọi điện thoại qua nhà mạng Trung Quốc. Do cơ sở hạ tầng giao thông tốt nên tiền chất ma túy dễ dàng vận chuyển từ Trung Quốc sang bang Shan.


Với tiền chất giá rẻ, chúng có thể sản xuất 100 triệu viên yaba và chỉ 20 triệu viên lọt lưới cũng đủ bộn tiền


(Tướng Thái Lan WATCHARA THIPMONGKOL)


image040

Cuối tháng 2-2019, cảnh sát Úc đã bắt giữ 1,4 tấn tiền chất ephedrine đến từ Trung Quốc - Ảnh: AAP


Các loại tiền chất phổ biến


Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) ghi nhận ephedrine và pseudoephedrine tiếp tục được sử dụng làm tiền chất chủ yếu để sản xuất methamphetamine tại Đông Nam Á. Hầu hết các mẫu methamphetamine phân tích ở Trung Quốc đều có hai tiền chất nêu trên.


Năm 2015 có 29 nước và vùng lãnh thổ thông báo đã tịch thu 25 tấn ephedrine, trong đó riêng Trung Quốc tịch thu gần 23,5 tấn. Myanmar, Lào, Malaysia và Philippines cũng tịch thu ephedrine với số lượng lớn nhưng đứng đầu vẫn là Trung Quốc.


Một phần ephedrine tịch thu ở Trung Quốc được bào chế từ 2-bromopropiophenone. Năm 2017, Trung Quốc đã tịch thu đến 206 tấn tiền chất 2-bromopropiophenone.


Từ lâu Trung Quốc là một trong những địa chỉ vận chuyển tiền chất ephedrine ra ngoài khu vực, đến Úc và New Zealand. Cuối tháng 2-2019, cảnh sát Úc đã bắt giữ 1,4 tấn ephedrine đủ để sản xuất 1 tấn methamphetamine trị giá 500 triệu USD.


Trước đó, Trung Quốc đã báo tin cho Úc biết một băng nhóm ma túy vận chuyển ephedrine từ Trung Quốc sang Melbourne. Cảnh sát Úc mở một container mà theo tờ khai là gạch men và keo nhưng bên trong lại là 260 bao ephedrine. Hai công dân Úc và hai người Trung Quốc bị bắt.


Ngoài ra, tình hình sử dụng tiền chất 1-phenyl-2-propanone (P-2-P) cũng gia tăng. Tại Thái Lan, 189/265 mẫu ma túy đá phân tích trong năm 2017-2019 được điều chế từ P-2-P. 82% số mẫu methamphetamine lấy ở Campuchia và hóa chất tịch thu ở Tam giác vàng cho ra kết quả tương tự.


Gần đây Lào đã trở thành điểm trung chuyển của tiền chất methamphetamine. Năm 2018, Lào tịch thu số lượng kỷ lục hơn 5 tấn.


Các đối tượng bào chế Đài Loan


Muốn tổng hợp ma túy đá đạt độ tinh khiết cao cần người bào chế có tay nghề. Đa phần đối tượng này là dân Đài Loan.


Cảnh sát Thái Lan khẳng định các đối tượng bào chế Đài Loan cộng tác với các băng nhóm ma túy xuyên quốc gia là một trong những động cơ thúc đẩy tình hình sản xuất ma túy đá tràn ngập sông Mekong. Các đối tượng này có khả năng xoay xở để hóa chất lọt lưới kiểm soát.


Đầu năm 2018, Tổng thư ký ONCB Sirinya Sitthichai cảnh báo bọn trùm ma túy Đài Loan đã chuyển giao cho các cơ sở sản xuất ma túy ở Tam giác vàng một công thức sản xuất methamphetamine mới do bọn bào chế Đài Loan nghĩ ra sau khi Thái Lan cấm xuất khẩu 20 hóa chất ma túy.


Ông Jeremy Douglas, phụ trách khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của UNODC, nhận xét: "Từ lâu các đối tượng bào chế người Đài Loan đã tham gia guồng máy kinh doanh methamphetamine ở châu Á.


Chúng liên can đến mạng lưới ma túy sông Mekong vì đủ khả năng quản lý cơ sở bào chế, có chuyên môn và có tiếng tăm một thời gian dài ở các khu vực khác ngoài Đông Nam Á".


Không chỉ bào chế ma túy, dân Đài Loan còn là nguồn cung cấp methamphetamine trong khu vực từ năm 2016.


Tháng 4-2018, cảnh sát Đài Loan khám xét một căn nhà ở quận Thổ Thành (Tân Bắc) và phát hiện xưởng điều chế methamphetamine lớn nhất từ trước đến nay. 107kg ma túy đá, 142kg methamphetamine bán thành phẩm và 7 tấn tiền chất đủ để sản xuất hơn 3 tấn methamphetamine bị tịch thu.


Nhiều đối tượng buôn ma túy người Đài Loan đã bị bắt tại Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Philippines, Indonesia, Nhật, Úc.


Trong vụ bắt giữ 300kg ma túy đá ở quận Bình Tân (TP.HCM) hồi tháng 3-2019, các đối tượng đã dự tính tiếp tục vận chuyển đến Đài Loan.


Tháng 4-2018, trong hai phiên tòa riêng rẽ, tòa án ở Indonesia đã kết án tử hình tám người Đài Loan về tội vận chuyển 1 tấn ma túy đá vào Indonesia. Cảnh sát Indonesia phá hai vụ án này nhờ chính quyền Đài Loan báo tin.


Cây ma hoàng - tiền chất ma túy


image041

Cơ sở sản xuất ma túy đá ở Kutkai (bang Shan) - Ảnh: Bộ Quốc phòng Myanmar


Tại Trung Quốc, các hóa chất dùng làm tiền chất ma túy được mua bán tràn lan trên thị trường dược phẩm và hóa chất hợp pháp hoặc từ các xưởng sản xuất tiền chất trái phép.


Ngoài ra, cây ma hoàng (ephedra sinica) dùng trong đông y cũng có thể cho ra tiền chất ma túy ephedrine/pseudoephedrine. Hiện nay Trung Quốc trồng cây ma hoàng nhiều nhất thế giới.


Ấn Độ cũng là một trong những nguồn sản xuất tiền chất ma túy lớn nhưng do cách xa bang Shan và cơ sở hạ tầng giao thông không tốt nên Ấn Độ chưa thể cung ứng số lượng lớn cho bang Shan.
14 Tháng Hai 2019(Xem: 7842)