'VN sẽ sửa luật hình sự vì nhân quyền?'
BBC 1 tháng 12 2014
VN sắp sửa đổi tổng thể hệ thống luật pháp và các quy định có liên quan nhân quyền, theo chuyên gia.
Để phù hợp hơn với Hiến pháp sửa đổi và các công ước quốc tế mà nhà nước đã và mới ký kết trong thời gian gần đây, Việt Nam đang cân nhắc sửa đổi các quy định luật pháp liên quan nhân quyền, trong đó không chỉ cân nhắc các điều như 88, 79 và 258 trong Bộ luật Hình sự, theo một nhà nghiên cứu luật học và nhân quyền ở trong nước.
Bộ luật Hình sự hiện hành của Việt Nam có ít nhất ba điều luật lâu nay bị dư luận cho là có dấu hiệu 'hạn chế, vi phạm' nhân quyền trong nước, trong đó điều 258 phạt tội 'lợi dụng các quyền tự do dân chủ' xâm phạm 'lợi ích của nhà nước', điều 88 phạt tội 'tuyên truyền chống nhà nước XHCN' và điều 79 phạt tội 'hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân'.
Trước hết, trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 30/11/2014 từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung, chuyên gia luật hiến pháp và nhân quyền từ Đại học Quốc gia Hà Nội nói về điều mà ông cho là có 'nhiều điểm tốt' trong Hiến pháp sửa đổi phiên bản 2013.
Ông nói: "Nói chung Hiến pháp 2013 của Việt Nam, dưới góc độ một nhà nghiên cứu và giảng dạy về Hiến pháp, tôi thấy nó có nhiều điểm tốt. Một trong những điểm tốt đó là quy định rõ hơn về quyền con người.
"Trong Hiến pháp, một chương rất lớn, với số lượng các điều rất lớn, ngoài chương này ra, tinh thần của cả Hiến pháp cũng là bảo vệ nhân quyền. Đấy là kiểm soát quyền lực nhà nước, đấy là phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa ba quyền.
Hiện nay Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự đang trên bàn để sửa đổi, đương nhiên theo quan điểm của tôi thì nó phải tính toán lại tất cả các điều khoản, không riêng gì ba điều khoản đó
Giáo sư Nguyễn Đăng Dung
"Lập pháp do Quốc hội, hành pháp do Chính phủ và nhất là quyền tư pháp ngày nay xác định rõ là Tòa án, và Tòa án có nhiệm vụ trước tiên là bảo vệ công lý và bảo vệ quyền con người trước những thứ bảo vệ khác như trước đây."
'Đang cân nhắc trên bàn'
Về khả năng có sửa đổi hay không các điều luật liên quan, ảnh hưởng tới nhân quyền trong đó các điều 88, 79 và 258 của Bộ luật Hình sự, Giáo sư Dung nói:
"Trên tinh thần đó, còn có nhiều quy định khác như suy đoán vô tội, hay tranh tụng quyền có luật sư của bị can, bị cáo.
"Tất cả những điều đó và nhất là Việt Nam kỳ vừa rồi lại phê chuẩn Công ước chống tra tấn, cho nên có thể nói rằng việc triển khai Hiến pháp này cũng như các điều khoản của Công ước vừa được phê chuẩn, nó rất gắn liền với việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự và Bộ luật Hình sự. Và Bộ luật Hình sự và Tố tụng Hình sự hiện nay đang trên đà cân nhắc những điều khoản nói trên...
"Hiện nay Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự đang trên bàn để sửa đổi, đương nhiên theo quan điểm của tôi thì nó phải tính toán lại tất cả các điều khoản, không riêng gì ba điều khoản đó và những điều khoản khác để đảm bảo quyền con người trong lĩnh vực bắt giam, tha...
Xâm hại tới quyền lợi của quốc gia - đúng là điều này nhiều người có quan niệm như vậy, chứ không riêng gì ai cả. Nhiều người, trong đó có cả tôi, nghĩ rằng đối tượng, cũng như hậu quả nhãn tiền của nó là không rõ, thế thành thử là phải tính toán lại
GS. Nguyễn Đăng Dung
"Những người trong tù bản thân họ vẫn có quyền con người mặc dù họ bị giam giữ, bị tước tự do nhưng mà vẫn còn, thành ra phải tính toán đến. Tôi nghĩ là phải tính toán một cách đại cục chứ không riêng gì ba điều ấy đâu."
Trước câu hỏi liệu các điều 88, 79 và 258 của Bộ luật Hình sự của Việt Nam có mâu thuẫn hay không với các Công ước và pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết như một thành viên, Giáo sư Dung đáp:
"Nói chung so với Công ước Quốc tế, tất cả, không riêng gì ba điều đâu, mà tất cả cũng có những cái mâu thuẫn, có những cái thì phù hợp. Vì vậy đang ở trên bàn để tính toán một cách thận trọng, toàn thể."
Khi được hỏi liệu riêng điều 258 của Bộ luật Hình sự (về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân), có 'bất hợp lý' như một số ý kiến trong dư luận đặt ra, hay không, nhà nghiên cứu nói:
"Xâm hại tới quyền lợi của quốc gia - đúng là điều này nhiều người có quan niệm như vậy, chứ không riêng gì ai cả. Nhiều người, trong đó có cả tôi, nghĩ rằng đối tượng, cũng như hậu quả nhãn tiền của nó là không rõ, thế thành thử là phải tính toán lại."
'Quốc hội ra quyết định'
Trước mắt, chỉ có duy nhất một cánh cửa, đó là Đảng Cộng sản VN có thể đưa ra một chỉ thị nào đấy, mang tính chất nội bộ với các thẩm phán, các nhân viên ngành tư pháp ở VN, là tạm ngừng áp dụng ba điều luật này (88, 79 và 258) trên thực tế, trong khi chờ Quốc hội sửa đổi
Luật sư Trịnh Hữu Long
Trước câu hỏi liệu ba điều luật nói trên của Bộ luật Hình sự Việt Nam có ảnh hưởng gì tới tình trạng nhân quyền ở Việt Nam hiện nay hay không, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung đáp:
"Đương nhiên nó cũng có ảnh hưởng, nhưng tôi nghĩ rằng là tất cả nằm trên bàn để sửa đổi. Việc sửa đổi này không nằm riêng về từng điều một, ba điều đó.
"Nó có tất cả nội dung của Bộ luật Tố tụng Hình sự, thì bây giờ việc tranh tụng bây giờ chúng ta (Việt Nam) phải tính lại, muốn tranh tụng phải có quyền của luật sư, của bị can, bị cáo, quyền của phía buộc tội phải cân bằng nhau, chứ không có nghiêng về bên nào cả.
"Trong trường hợp như thế, anh Thẩm phán làm sao phải đứng giữa các chứng cứ mà các bên đưa ra, cho nên mà nếu tính toán lại Bộ luật Tố tụng Hình sự và (Bộ luật) Hình sự, người ta đang tính toán lại một cách toàn cục."
Có ý kiến cho rằng trong vài năm trở lại đây, chính quyền Việt Nam có vẻ thiên sử dụng điều 258 hơn so với các điều 88 và 79, khi tiến hành bắt giữ các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ hóa ôn hòa ở trong nước.
Khi được hỏi, có cách nào về mặt nguyên tắc, có thể giúp hạn chế, kiểm soát, vô hiệu hóa tác động lên cộng đồng, xã hội, nếu một điều luật hiện hành được cho là 'bất hợp lý, không phù hợp', chuyên gia nói:
"Nó đang có hiệu lực, vẫn chưa có cơ chế nào để hạn chế ngay được, chưa có một cơ chế nào như thế. Trong trường hợp muốn như thế, thì chỉ có quyết định của Quốc hội thôi, không có ai quyết định được."
'Nhưng có hai cách làm?'
Nó đang có hiệu lực, vẫn chưa có cơ chế nào để hạn chế ngay được, chưa có một cơ chế nào như thế. Trong trường hợp muốn như thế, thì chỉ có quyết định của Quốc hội thôi, không có ai quyết định được
GS. Nguyễn Đăng Dung
Hôm Chủ Nhật, Luật sư Trịnh Hữu Long, một nhà hoạt động luật pháp trong lĩnh vực quyền con người, bình luận về ý kiến của Giáo sư Dung trong việc xử lý các điều luật được cho là 'không phù hợp' nhưng vẫn còn hiệu lực.
Dẫn kinh nghiệm ngay trong khu vực Đông Nam Á, từ Thái Lan, luật sư Long nói với BBC:
"Giả sử như ở Philippines chẳng hạn, họ vẫn còn duy trì án tử hình, có một số điều luật trong Bộ luật Hình sự của Philippines là vẫn còn duy trì án tử hình, thế nhưng những Thẩm phán ở Philippines họ duy trì một quan điểm là họ không áp dụng án tử hình nữa, họ sẽ không xét xử bất kỳ một vụ án nào mà tuyên án tử hình nữa.
"Vì thế cho nên Philippines tiếng là vẫn còn những điều luật có thể kết tội người ta vào án tử hình, thế nhưng trên thực tế, những điều luật ấy không còn giá trị nữa. Nhưng để áp dụng những điều ấy vào Việt Nam thì nó yêu cầu các Thẩm phán Việt Nam thứ nhất là phải tư duy rất độc lập, thứ hai là những lợi ích của họ cũng phải rất độc lập.
"Tuy nhiên ở Việt Nam, các Thẩm phán thường phải chịu sự ràng buộc rất lớn vào những hệ thống lợi ích của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Nhà nước Việt Nam, và tiếng nói của họ cũng chưa bao giờ độc lập cả, cho nên tôi nghĩ những giải pháp rất khó ở Việt Nam.
"Và trong thời gian trước mắt, chỉ có duy nhất một cánh cửa, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam có thể đưa ra một chỉ thị nào đấy, mang tính chất nội bộ với các Thẩm phán, các nhân viên ngành tư pháp ở Việt Nam, là tạm ngừng áp dụng ba điều luật này (88, 79 và 258) trên thực tế, trong khi chờ Quốc hội sửa đổi.
Tôi nghĩ đây là một bước đàn áp tiếp theo của chính quyền Việt Nam đối với giới blogger. Giáo sư Hồng Lê Thọ (trong ảnh) là một người VN sống ở Nhật, về định cư tại VN, sau khi ông về hưu
Tiến sỹ Nguyễn Quang A
"Năm tới, Quốc hội (Việt Nam) sẽ tiến hành thảo luận và sửa đổi Bộ luật Hình sự, thì đấy cũng là một cánh cửa tiếp theo của chúng ta và nó sẽ mất thời gian hơn một chút. Tôi nghĩ rằng hiện tại chỉ có hai khả năng đấy là có thể giúp cho ba điều luật này tạm thời vô hiệu hóa mà thôi," Luật sư Long nói với BBC.
'Bước đàn áp tiếp theo?'
Hôm Chủ nhật, 30/11, an ninh Việt Nam vừa thông báo bắt giữ thêm một blogger trong nước từng là Việt kiều ở Nhật Bản, ông Hồng Lê Thọ, chủ blog 'Người lót gạch' với cáo buộc vi phạm điều 258 của Bộ luật Hình sự.
Bình luận về sự kiện này, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói với BBC:
"Tôi nghĩ đây là một bước đàn áp tiếp theo của chính quyền Việt Nam đối với giới blogger. Giáo sư Hồng Lê Thọ là một người Việt Nam sống ở Nhật, về định cư tại Việt Nam, sau khi ông về hưu.
"Ông ấy làm một trang điểm tin cũng gần tương tự như trang "Anh Ba Sàm", chủ yếu lấy tin từ các báo này, rồi các trang kia, và thỉnh thoảng cũng viết một vài lời bình luận. Và việc viện dẫn vào điều 258, để vu cho ông ấy những tội như thế, thì tôi nghĩ đây là một sự vi phạm quyền con người trắng trợn tiếp theo của chính quyền Việt Nam."
Còn blogger Phạm Viết Đào, người vừa mới ra tù cách đây không lâu, sau khi bị bắt giam và bỏ tù cũng vì vi phạm điều 258, thì bình luận về diễn biến này với BBC:
Cái điều luật ấy nó rất lỏng, rất chung chung, nhưng cũng rất là chặt, có nghĩa là người ta có thể muốn bắt bất cứ người nào, người ta cũng có thể quy cho điều ấy
Nhà văn, blogger Phạm Viết Đào
"Về blog 'Người lót gạch' thì tôi ít khi vào trang ấy, tôi cũng không biết nội dung của trang ấy thế nào, thành ra không biết họ căn cứ đâu để bắt ông Hồng Lê Thọ, nhưng tôi biết ông Hồng Lê Thọ qua những trang mạng khác, những thông tin khác về ông ấy có nhiều quan hệ ở bên Nhật Bản với Việt Kiều bên ấy.
"Điều 258 người ta quy định rất chung chung, mà đối với việc xâm phạm lợi ích nhà nước, cá nhân, bây giờ họ có thể áp dụng rất rộng và có thể người nào, người ta cũng có thể quy vào được.
"Coi như xúc phạm danh dự của ai đấy, không phải như luật pháp phương Tây, xâm phạm lợi ích thì quy ra được bằng vật chất, thế nhưng điều này trong luật pháp Việt Nam nó rất là chung chung.
"Thành ra, đôi khi người ta dùng cái đấy để người ta quy chụp cho những người có những quan điểm chính trị, có những chính kiến mà họ cho rằng không phù hợp thì họ sẽ quy điều ấy. Tôi nghĩ ông Hồng Lê Thọ cũng chắc giống tôi như thế...
"Một vài nguồn tin người ta nói ông này cũng ít viết mà ông chỉ đưa (đăng) lại, thì có thể do đưa một bài nào đấy mà trái ý với chính quyền, mà về phía chính quyền và các cơ quan chính quyền người ta cho là xâm phạm lợi ích, thì người ta bắt.
"Cái điều luật ấy nó rất lỏng, rất chung chung, nhưng cũng rất là chặt, có nghĩa là người ta có thể muốn bắt bất cứ người nào, người ta cũng có thể quy cho điều ấy," nhà văn Phạm Viết Đào nói với BBC./
LHQ khen VN thông qua Công ước chống tra tấn
BBC
09/12/14
Công
ước chống tra tấn được LHQ thông qua từ năm 1984 (hình minh họa)
Cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) vừa ra thông cáo hoan nghênh quyết định thông qua Công ước về chống tra tấn của Quốc hội Việt Nam.
Thông cáo ra ngày 9/12 tại Bangkok "hoan nghênh quyết định của Quốc hội Việt Nam hôm 28/11 thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người cũng như Công ước về Quyền của người khuyết tật".
"Việc thông qua và thực hiện Công ước về chống tra tấn, 30 năm sau khi nó ra đời, là một bước quan trọng nhằm bảo đảm việc ngăn chặn và cấm hành động tra tấn, cũng như bảo đảm chữa chạy cho các nạn nhân của tra tấn".
Thông cáo mà OHCHR gửi cho BBC cũng nói việc thông qua và thực hiện Công ước về Quyền của người khuyết tật cũng là bước đi quan trọng trong phát triển một xã hội bao gồm tất cả mọi người, thúc đẩy và bảo đảm quyền của người khuyết tật.
Bà Matilda Bogner, trưởng đại diện khu vực của OHCHR tại Bangkok, nói điều này đã giúp thực hiện được một trong các cam kết mà Việt Nam đưa ra khi ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Việt Nam đã là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016.
Với việc thông qua các công ước trên, Việt Nam nay là một trong những nước thông qua nhiều công ước nhất trong khu vực với bảy trong số chín công ước cơ bản.
Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 10/12/1984, có hiệu lực thi hành ngày 26/6/1987. Trước đó, Việt Nam đã ký nhưng chưa phê chuẩn Công ước này./