VĂN HÓA ONLINE – THẾ GIỚI HÔM NAY - THỨ BA 16 NOV 2021
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Hội đàm Tập-Biden: TQ cảnh báo Mỹ 'đùa với lửa' trong vấn đề Đài Loan
BBC 16/11/2021
Nguồn hình ảnh, Reuters Chụp lại hình ảnh, Hai nhà lãnh đạo hội đàm với nhau qua video
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp thượng đỉnh qua video với người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã cảnh báo rằng việc khuyến khích Đài Loan độc lập là 'đùa với lửa'.
Đây là cuộc hội đàm quan trọng nhất kể từ khi ông Biden lên nhậm chức vào tháng Giêng.
Cả hai đều nhấn mạnh mối quan hệ cá nhân và cuộc gặp thượng đỉnh là nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng.
Nhưng cả hai đều không thể tránh khỏi một trong những chủ đề nhạy cảm nhất: vấn đề tự trị của Đài Loan.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai sẽ được thống nhất với đại lục vào một ngày không xa.
Hoa Kỳ công nhận và có quan hệ chính thức với Trung Quốc. Nhưng Mỹ cũng cam kết sẽ giúp Đài Loan tự vệ trong trường hợp bị tấn công.
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc nói rằng ông Tập đổ lỗi cho những căng thẳng gần đây là do "các nỗ lực lặp đi lặp lại của chính quyền Đài Loan nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ cho vấn đề độc lập của họ cũng như ý định của một số người Mỹ sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc".
"Những hành động như vậy là cực kỳ nguy hiểm, giống như đùa với lửa. Bất kể ai chơi với lửa đều sẽ bị bỏng," thời báo này viết.
Nhà Trắng cho biết ông Biden "phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình và ổn định trên toàn eo biển Đài Loan".
Bất chấp những lời lẽ mạnh mẽ về Đài Loan, cuộc hội đàm bắt đầu bằng những lời chào đón nồng nhiệt và ông Tập nói rằng ông rất vui gặp lại "người bạn cũ" của mình là ông Biden.
Ông Biden cho biết cả hai đã "luôn trao đổi với nhau một cách rất trung thực và thẳng thắn," và nói thêm rằng "chúng tôi không bao giờ bỏ qua việc thắc mắc người kia đang nghĩ gì".
Ông Tập nói rằng hai nước cần cải thiện "giao tiếp" và "cùng nhau" đối mặt với những thách thức.
"Nhân loại sống trong một ngôi làng toàn cầu, và chúng ta cùng nhau đối mặt với nhiều thách thức. Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường giao tiếp và hợp tác," ông Tập nói.
Những gì khác được thảo luận?
Biden nêu lên những lo ngại của Hoa Kỳ về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Hong Kong và chống lại người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương. Trong khi Trung Quốc cáo buộc Mỹ can thiệp vào các vấn đề đối nội của nước này.
Về thương mại, ông Biden nhấn mạnh "sự cần thiết phải bảo vệ người lao động và các ngành công nghiệp Mỹ khỏi các hành vi kinh tế và thương mại không công bằng của CHND Trung Hoa".
Ông Tập dường như cũng đáp trả mạnh mẽ về vấn đề này, ông nói với ông Biden rằng Mỹ cần ngừng "lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia để đàn áp các công ty Trung Quốc", theo Reuters.
Vấn đề biến đổi khí hậu cũng được thảo luận. Tuần trước, hai siêu cường đã gây bất ngờ khi đưa ra một tuyên bố chung nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tại các cuộc hội đàm ở Glasgow, Scotland.
Đây là lần thứ ba hai nhà lãnh đạo điện đàm kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng Giêng. Cuộc hội đàm kéo dài 3 tiếng rưỡi, lâu hơn dự kiến.
Ông Tập đã không ra khỏi Trung Quốc trong gần hai năm, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Quan hệ Trung - Mỹ rất quan trọng đối với cả hai nước nói riêng và thế giới nói chung, với việc Bắc Kinh liên tục kêu gọi chính quyền mới của Washington cải thiện mối quan hệ vốn đã xấu đi dưới thời người tiền nhiệm của ông Biden, Donald Trump.
Hai nhà lãnh đạo đang phải đối mặt với những lo ngại trong nước, với số lượng bỏ phiếu cho ông Biden giảm xuống do lạm phát, Covid-19 và cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan.
Trong khi đó, ông Tập đang phải giải quyết tình trạng thiếu năng lượng và khủng hoảng bất động sản.
Nguồn hình ảnh, Reuters. Chụp lại hình ảnh, Trưởng đoàn đàm phán về biến đổi khí hậu của Trung Quốc Xie Zhenhua tại COP26 cho biết Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức hơn 30 cuộc họp video
Phân tích của Stephen McDonell, phóng viên về Trung Quốc của BBC
Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới cho bạn biết rằng cả hai bên đều tin rằng sự thù địch công khai trước đây giữa Bắc Kinh và Washington không có lợi cho cả hai và là nguy hiểm tiềm tàng.
Mối quan hệ hai nước đã trở nên xấu đi và rối loạn đến mức các cuộc hội đàm video như này, là một phần nỗ lực để đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ không dẫn đến xung đột vũ trang do sự hiểu lầm tại một thời điểm nóng mang tính toàn cầu.
Một mặt, chúng ta có lẽ nên khá vui vì họ đã tránh được chiến tranh trước khi nó có thể xảy ra, mặt khác, đó là điều mà họ cảm thấy cần phải làm như vậy.
Trên thực tế, nếu bạn nhìn thấy điểm sáng tại cuộc hội đàm này thì đấy là điều đáng mừng nhất sau một thời gian dài với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Những nỗ lực làm cho các cuộc thảo luận trở nên thân mật với những cái vẫy tay, nói chuyện về "ngôi làng toàn cầu" và "những thách thức của nhân loại" khác xa với cuộc khủng hoảng ở Alaska vào tháng 3 năm nay khi đại diện cấp cao của cả hai chính quyền kết thúc bằng màn đối đáp gay gắt trước truyền thông.
Đây có vẻ là một nỗ lực thực sự nhằm thiết lập lại và chúng ta nên mong đợi điều này sẽ thay đổi các mối quan hệ địa chính trị toàn cầu theo một cách cụ thể.
+++++++++++++++++++++++++++++
Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung: Vẫn đối đầu gay gắt trên vấn đề Đài Loan
16/11/2021
Tổng thống Mỹ Joe Biden từ Nhà Trắng, Washington, họp qua video với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trên màn hình), ngày 15/11/2021. REUTERS - JONATHAN ERNST
Thanh Phương
Trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến diễn ra sáng nay, 16/11/2021, theo giờ Bắc Kinh, tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói chuyện với nhau gần 4 tiếng đồng hồ, nhưng lãnh đạo của hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đối đầu gay gắt với nhau trên vấn đề Đài Loan.
Nguyên thủ Trung Quốc kêu gọi đồng nhiệm Hoa Kỳ không nên « đùa với lửa » trong hồ sơ Đài Loan, trong khi tổng thống Mỹ một lần tuyên bố chống lại việc thay đổi một cách đơn phương nguyên trạng của hòn đảo mà Bắc Kinh xem là thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Từ Washignton, thông tín viên Guillaume Naudin gởi về bài tường trình :
« Tập Cận Bình và Joe Biden đã quen biết nhau từ lâu. Trước đây, khi còn chưa lên nắm quyền lãnh đạo tối cao, hai ông đã từng nói chuyện với nhau hàng giờ. Cho nên, họ đã một lần nữa nói chuyện với nhau đến gần 4 tiếng đồng hồ.
Nhân vật lãnh đạo số một của Trung Quốc có tỏ vẻ vồn vả với người « bạn cũ » thì cũng hoài công, vì quan hệ cá nhân và những lời lẽ thân mật giữa hai ông vẫn không có nghĩa lý gì so với các lợi ích của hai cường quốc đối địch.
Thông cáo của Nhà Trắng sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến này đã đi thẳng vào vấn đề, nêu bật những quan hệ rất phức tạp giữa hai quốc gia và nói rất rõ là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bảo vệ các lợi ích và các giá trị của mình cùng với các đồng minh và để bảo đảm là hệ thống thế giới được tự do, rộng mở và công bằng.
Tiếp đến Nhà Trắng liệt kê những điểm bất đồng với Bắc Kinh : nhân quyền, thương mại, bảo vệ tự do hàng hải. Về Đài Loan, vấn đề chủ yếu gây căng thẳng giữa hai cường quốc, tổng thống Joe Biden một lần nữa tuyên bố chống lại mọi thay đổi nguyên trạng một cách đơn phương, trong khi Bắc Kinh thì liên tục biểu dương sức mạnh đối với hòn đảo này.
Thông cáo của Nhà Trắng tỏ ý muốn có những biện pháp ngăn ngừa để tránh cho cuộc tranh đua giữa hai nước biến thành xung đột. Tuy không giúp làm giảm căng thẳng, thượng đỉnh Tập Cận Bình – Joe Biden ít ra đã là dịp để hai bên giải thích về mối căng thẳng này. »
Bắc Kinh: Mỹ "đùa với lửa"
Theo bộ Ngoại Giao Trung Quốc, trong cuộc thượng đỉnh với tổng thống Joe Biden, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố : « Nhà cầm quyền Đài Loan đã nhiều lần muốn dựa vào Hoa Kỳ để đòi độc lập và một số người ở Mỹ muốn dùng Đài Loan để kềm chế Trung Quốc ». Theo lãnh đạo họ Tập, « đây là một xu hướng rất nguy hiểm, chẳng khác gì đùa với lửa. »
Hãng tin AFP cho biết, trong cuộc họp thượng đỉnh hôm nay, tổng thống Biden cũng đã bày tỏ quan ngại về chính sách của Trung Quốc ở vùng Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông và về tình hình nhân quyền nói chung. Ông cũng chỉ trích những biện pháp về thương mại và kinh tế « không công bằng » của Trung Quốc.