VĂN HÓA ONLINE - TỪ LITTLE SAIGON - CHỦ NHẬT 16 FEB 2020
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về VănHóa Online-California - vaamacali@gmail.com
BÀI DIỄN VĂN THÔNG ĐIỆP LIÊN BANG QUÁI LẠ
Mai Loan
(từ Houston Texas)
Bài diễn văn về Tình Hình Liên Bang (State of the Union Address) là một thủ tục truyền thống được thực hiện hàng năm trong sinh hoạt chính trị ở thủ đô Hoa Kỳ. Vì thế nên nó cũng có một số những nghi thức đã trở thành gần như quy luật về cả hai mặt hình thức và nội dung. Đây là một bài diễn văn quan trọng theo truyền thống đã có từ vị tổng thống đầu tiên là George Washington như đã quy định ở Chương 2, Điều 3 trong bản Hiến pháp Hoa Kỳ, đòi hỏi vị đứng đầu ngành hành pháp là tổng thống phải tường trình mỗi năm cho các vị đại diện ngành lập pháp, tức là các dân biểu và nghị sĩ liên bang. Bản tường trình này được đọc vào đầu năm để trình bày về tình hình cả nước trong năm qua, và từ đó đề ra những hướng đi trong năm tới để cho các vị đại biểu quốc hội được duyệt xét. Từ ngữ của nó đã khiến cho nhiều người thường dịch là “bài diễn văn về tình trạng liên bang”, nhưng có lẽ nên gọi là “Thông điệp Liên bang” hàng năm thì xác đáng hơn.
Về hình thức, nó được thực hiện một cách trang trọng, với diễn đàn là phòng họp khoáng đại của Hạ Viện tại điện Capitol, tức là Quốc Hội Hoa Kỳ, cơ quan đại diện của người dân có tiếng nói và thẩm quyền lớn nhất trong nước. Do đó, tất cả các viên chức trong ba ngành của chính phủ là hành pháp (toàn bộ nội các, chỉ trừ 1 người), lập pháp (tất cả nghị sĩ và dân biểu liên bang) và tư pháp (tất cả 9 vị trong Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ) và các tướng lãnh trong Bộ Tổng Tham Mưu (Joint Chiefs of Staff) đều có mặt, cùng với sự tham dự của vị đại sứ chủ tịch Ngoại giao đoàn tại Hoa Kỳ.
Bài diễn văn có nét đặc biệt nhất là nó bị kéo dài thời gian nhiều hơn bình thường bởi nhiều lần bị gián đoạn do những tiếng vỗ tay từ cử toạ, mà phần lớn là do mục tiêu chính trị hơn là vì thực tâm khen ngợi lời nói hoặc cá nhân của vị tổng thống đang phát biểu. (Thông thường, chỉ những nghị sĩ và dân biểu cùng đảng mới vỗ tay nhiệt liệt khen ngợi ông tổng thống, còn những người thuộc đảng đối lập thì luôn giữ bộ mặt lạnh lùng nghiêm nghị, thỉnh thoảng phải lúng túng hay miễn cưỡng đứng dậy vỗ tay theo sau những đoạn phát biểu nghe cũng rất hay, nếu không thì để lộ ra cái bản mặt hắc ám hoặc khó thương của mình).
Cách đây hai năm, trong một bài phân tích về bài diễn văn Thông Điệp Liên Bang đầu tiên của TT Trump, kẻ viết bài này đã tường thuật điểm đáng chú ý nhất là nó chứa đựng nhiều điều không đúng sự thật, một sự kiện đã được kiểm chứng bởi nhiều nhà báo đã chứng minh với những dữ kiện chính xác để giúp người dân hiểu rõ. Điều này thật ra cũng không có gì mới lạ, bởi vì dù thương hay ghét ông Trump, mọi người cũng đều phải nhìn nhận rằng vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ là Donald Trump chưa gì đã đi vào lịch sử Hoa Kỳ là vị lãnh tụ có thành tích ăn nói sai trái hoặc dối trá nhiều nhất từ trước tới nay, và có lẽ trong tương lai sẽ không có vị tổng thống Mỹ nào phá được kỷ lục kinh thiên động địa này.
Trước hết, cũng phải thưa ngay rằng kẻ viết bài không có đủ thì giờ để duyệt lại toàn bộ bài diễn văn này, nhưng cũng may là chúng ta có được rất nhiều các nhà báo và chuyên gia am tường thời sự đã ghi nhận những chi tiết trong bài diễn văn, và từ đó đã nhanh chóng kiểm chứng và so sánh với sự thật để đưa ra cho mọi người cùng biết rõ.
Chẳng hạn như tờ Los Angeles Times, nhật báo kỳ cựu và uy tín hàng đầu ở miền Tây Hoa Kỳ, đã có ngay một bài tổng hợp gọi là “fact-checking”, tức là kiểm chứng các chi tiết được nói ra có đúng sự thật hay không. Đó không phải là bài viết của một ký giả mà là một bài phân tích tổng hợp của 4 nhà báo Don Lee, David Lauter, Jim Puzzanghera và Alexandra Zavis. Những ai thường có thói quen chụp mũ cho cái gọi là “truyền thông thiên tả” hay “truyền thông thổ tả” vì có những bài chỉ trích TT Trump có thể viết thư cho tờ báo này để chứng minh xem là những lời chỉ trích đó sai ở chỗ nào, hay chỉ vì nó gây cho mình khó chịu nên cứ chụp mũ kiểu đánh phủ đầu trước tiên cái đã.
Đây là lần thứ nhì một bài diễn văn Thông Điệp Liên Bang được đọc bởi một vị tổng thống đã bị luận tội để bãi nhiệm, sau bài diễn văn của TT Clinton vào năm 1999 trong lúc ông cũng bị luận tội về chuyện lem nhem tình dục với cô Monica Lewinsky. (Cả hai vị tổng thống này sau đó đều được Thượng Viện tha bổng). Bài diễn văn lần này của TT Trump được trực tiếp truyền hình trên 12 hệ thống truyền hình lớn và thu hút khoảng hơn 37 triệu người xem, coi như thấp hơn 20% so với con số người xem vào năm ngoái.
Bài diễn văn kéo dài khoảng 78 phút, trong đó có gần 26 phút dừng lại vì những màn vỗ tay phần lớn là của các vị dân cử phe Cộng Hoà theo truyền thống ủng hộ gà nhà. Nội dung bài diễn văn, được TT Trump khen ngợi là để vinh danh “sự phục hồi vĩ đại của Mỹ Quốc”, nói về các đề tài an ninh quốc gia, kinh tế, bảo hiểm y tế và ngoại giao, nhưng lại tránh nói đến những chủ đề trọng đại khác như hiểm hoạ hâm nóng địa cầu, cuộc điều tra của Công Tố Viên Mueller và phiên toà luận tội để bãi nhiệm đang đến hồi kết thúc vào ngày hôm sau. Hầu hết các cơ quan truyền thông lớn đều có những nhà báo và chuyên viên sẵn sàng ghi nhận và kiểm chứng ngay lập tức những lời phát biểu của TT Trump và tường thuật rằng nó đều không đúng sự thật (xin xem tiếp ở phần dưới).
MỘT MÀN SO GĂNG LY KỲ ĐẦY BI KỊCH
Nhưng điều gây sôi nổi và dẫn đến nhiều tranh cãi nhất là ngay sau khi bài diễn văn chấm dứt và TT Trump đang nở mặt nở mày đón chào những tràng pháo tay nồng nhiệt của đa số cử toạ phe Cộng Hoà, Chủ tịch Quốc Hội là bà Nancy Pelosi đã đứng lên xé toạc tất cả những trang giấy của bài diễn văn trước ống kính của các đài truyền hình để cho mọi người được chứng kiến rõ ràng và đầy đủ. Qua ngày hôm sau, bà Pelosi đã biện minh cho hành động của mình với câu nói: “Ông ta đã xé toang sự thật, và vì thế nên tôi cũng xé toạc bài diễn văn của ông. Tất cả những gì chúng ta vừa nghe tối hôm qua quả là một điều xấu hổ nhục nhã.” Và bà Pelosi cũng còn giải thích thêm rằng “đó là một hành động lịch sự mà tôi có thể làm trong số những cách thức ứng xử. Quả tình đó là một bài diễn văn quá tồi tệ nhơ bẩn.”
Dĩ nhiên phản ứng của người dân cũng chia thành hai phe đối nghịch rõ rệt với những người ủng hộ TT Trump thì chỉ trích hoặc mắng mỏ bà Pelosi rất thậm tệ, và còn kêu gọi bà hãy nên từ chức vì đã làm ô uế hình ảnh của một viên chức cao cấp nhất của Quốc Hội Hoa Kỳ; nhưng đồng thời cũng có những người khác cho rằng quả tình lần này TT Trump đã nhận được một bài học đích đáng từ một đối thủ đáng gờm mà ông thường bị lép vế và “quê xệ” trong những cuộc xung đột, nhất là về mặt hình thức vốn là điều mà TT Trump luôn chú ý và để ý nhiều nhất.
Trước hết cũng phải nói ngay rằng tất cả các phóng viên và nhà báo đều tường thuật chuyện không thể nào chối cãi là bầu không khí căng thẳng và thiếu thiện cảm giữa các lãnh tụ của hai ngành hành pháp và lập pháp đã và đang đối chọi nhau kịch liệt: một bên là Chủ tịch Hạ Viện Pelosi đã chính thức phát động thủ tục luận tội để bãi nhiệm TT Trump về hai tội danh nghiêm trọng dù biết rằng Thượng Viện theo phe Cộng Hoà chiếm đa số sẽ tha bổng; và bên kia là TT Trump nhất quyết chối biến và phản pháo rằng đây chỉ là một âm mưu đánh phá ông một cách sai trái và sẽ thất bại nên ông sẽ dùng nó để vận động tích cực hơn hầu được tái đắc cử vẻ vang lần nữa trong kỳ bầu cử vào cuối năm nay.
Ngay từ lúc đầu, TT Trump đã khai pháo trước tiên khi ông đưa hai tập của bài diễn văn lên cho PTT Pence (trong vai trò Chủ tịch Thượng Viện) và bà Pelosi là Chủ tịch Hạ Viện. Khi bà Pelosi đưa tay ra để bắt tay theo truyền thống lịch sự bình thường, ông Trump lại ngoảnh mặt quay lưng để không thèm bắt tay lại, khiến cho bà Pelosi bị tẽn tò trong vài giây. Để rồi sau đó, bà Pelosi đã giới thiệu trước cử toạ để bắt đầu bài diễn văn bằng câu ngắn gọn “Kính thưa quí vị, đây Tổng Thống Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ”, mà bỏ bớt đi câu giới thiệu trang trọng hơn theo truyền thống là “Thật là một vinh dự và hân hạnh to lớn cho tôi để giới thiệu cùng quý vị: Tổng Thống Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ.”
TT Trump không thèm bắt tay bà Pelosi (bên trái) và Chủ tịch Hạ Viện xé toạc bài diễn văn sau khi ông kết thúc.
[Có lẽ bà Pelosi không phải là một nữ lãnh tụ bị ông Trump làm cho quê xệ vì trước đây bà Thủ tướng Angela Merkel của Đức cũng đã bị đối xử tương tự trước ống kính của mọi phóng viên và nhà báo thu hình cho cả thế giới chứng kiến. Trong cuộc hội kiến lần đầu vào tháng 3/2017 tại Toà Bạch Ốc, khi hai lãnh tụ ngồi xuống để cho mọi phóng viên chụp hình trước khi bắt đầu cuộc thảo luận, nhiều người đã lên tiếng kêu cả hai hãy làm một cú bắt tay để họ chụp tấm hình lưu niệm. Bà Merkel đã tự lên tiếng trước để hỏi xem ông Trump có muốn bắt tay hay không nhưng TT Trump đã im lặng, tiếp tục ngồi thừ người ra trong vài giây khiến mọi người đều phải nhìn nhận rằng đó là một hình ảnh rất kỳ lạ và khó chịu (awkward). Mấy tháng sau đó, TT Trump mới biện minh rằng sở dĩ không có vụ bắt tay là vì khi đó đã có nhiều người nhao nhao lên tiếng kêu gọi là hãy bắt tay nhưng ông lại không nghe rõ!]
Một số những người bênh vực cuồng nhiệt cho TT Trump còn cho rằng bà Pelosi phải xin lỗi hoặc từ chức vì cho rằng theo đúng phép xã giao, có bao giờ Người Dưới giơ tay cho Người Trên bắt tay hay không, bởi vì theo họ, tổng thống là do quá nửa dân số Mỹ cả trăm triệu người bầu trong khi bà Pelosi chỉ là một dân biểu do vài trăm người bầu thì ai cao quý hơn ai? Hoặc có người còn bình luận rằng trên bình diện ngoại giao, TT Trump có thể từ chối bắt tay bà Pelosi vì ông ta đang đứng ở bục thấp hơn, và không biết là bà Pelosi khi đưa tay ra bắt là đã có ý đồ hạ nhục TT Trump hay không nên ông đã quyết định từ chối; hoặc là nếu TT Trump không đưa tay ra trước thì bà Pelosi không được quyền đưa tay ra trước v.v.
Trước hết, cần phải dựa vào những con số chứng thật trước khi nhận định để khỏi bị hố. Quả thật là ông Trump đã thắng lớn để trở thành tổng thống hợp pháp theo đúng luật chơi đã quy định theo hiến pháp Mỹ với số phiếu cử tri đoàn (304) nhiều hơn bà Clinton (227), dù rằng ông chưa bao giờ được đa số người dân Mỹ bỏ phiếu ủng hộ như ông vẫn khoe khoang và nhiều người lầm tin. Trong số khoảng 323 triệu dân sinh sống tại Hoa Kỳ vào năm 2016, ông Trump chỉ giành được có 62,979,879 phiếu (tức là khoảng 1/5 dân số), thậm chí còn thua đối thủ Hillary Clinton đến gần 3 triệu người vì bà này đạt được 65,844,954 phiếu của cử tri!
Và cũng đúng là Pelosi khi đắc cử dân biểu tại Địa hạt số 12 ở vùng San Francisco vào năm 2018 cũng chỉ thu được có hơn 275,000 phiếu của cử tri, một con số rất nhỏ hơn nhiều so với TT Trump. Nhưng cũng phải nên biết thêm rằng trong quy định theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, một khi được đa số các vị dân biểu đồng viện bầu làm Chủ tịch Hạ Viện, bà Pelosi nghiễm nhiên trở thành vị lãnh tụ đứng đầu của Quốc Hội, và cũng là người đứng hạng thứ ba trong danh sách những người lên kế nhiệm tổng thống theo Hiến pháp, nếu như TT và PTT lần lượt không đảm nhiệm được. (Ngay cả nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh tụ khối đa số và có quyền hành tương đương như Chủ tịch Thượng Viện, cũng không được vinh dự nằm trong danh sách những người lên kế vị tổng thống trong trường hợp xảy ra tai biến.)
Chính vì thế nên bà Pelosi giữ vai trò người tối cao ở Quốc Hội, ngồi ở vị thế trên cùng bên góc phải trong những phiên họp khoáng đại lưỡng viện, và được xem như là chủ nhân của toà nhà này. Chính bà Pelosi là chủ nhà đã đưa ra lời mời thì TT Trump mới có vinh hạnh đến đọc bài diễn văn Thông Điệp Liên Bang hoặc vào những dịp quan trọng cần thiết. Do đó, theo thủ tục ngoại giao truyền thống cũng như phép lịch sự thông thường, vị tổng thống bao giờ cũng phải trình lên cho bà và phó tổng thống (ở cương vị Chủ tịch Thượng Viện) ngồi ở hàng trên cao bài diễn văn và đáp trả cú bắt tay chào hỏi.
Nhưng lần này, TT Trump đã không thèm làm như thủ tục và truyền thống đòi hỏi. Đã thế, TT Trump còn đi quá đà và tệ hại hơn nữa khi lợi dụng diễn đàn quốc hội này để làm những việc trái với truyền thống lâu đời, mà nhiều người còn bình phẩm như là “múa may quay cuồng” theo ý thích riêng và coi đó như là sân chơi của mình. Thí dụ điển hình là chuyện vinh danh và tâng bốc quá đáng một nhân vật bảo thủ cực hữu như Rush Limbaugh qua việc trao tặng Huân chương Tự Do là huân chương dân sự cao quý nhất thường giành cho những người đã đóng góp lớn lao vào sự phát triển của quốc gia. Đây là một tay bình luận nổi tiếng trong hơn hai thập niên qua với những luận điệu sặc mùi kỳ thị về sắc tộc và giới tính, gây phân hoá sâu đậm trong xã hội Hoa Kỳ và được xem là biểu tượng tranh đấu của phe bảo thủ cứng rắn trong đảng Cộng Hoà.
Hơn thế nữa, trong suốt bài diễn văn lần này, TT Trump cũng còn “leo thang” hơn nữa với rất nhiều điều tự khoe khoang quá lố và hợm hĩnh, chưa kể là sai trái, và thậm chí còn dối trá không đúng sự thật để đả kích những thành quả của người tiền nhiệm. Chính vì thế nên nhiều vị dân biểu phe Dân Chủ đã phản đối bằng cách không đứng dậy vỗ tay sau những cú vỗ tay cò mồi của phe Cộng Hoà, cũng như đã đứng dậy rời bỏ phòng họp. Và sau cùng là phản ứng của bà Pelosi khi xé toạc bài diễn văn như là một biểu tượng phản đối việc TT Trump đã xé toang sự thật khi đưa ra quá nhiều điều sai trái trong bài diễn văn quan trọng này.
NHỮNG ĐIỀU SAI TRÁI TRONG BÀI DIỄN VĂN
Cách đây hai năm, kẻ viết bài này đã thuật lại bài tường thuật trên tờ Los Angeles Times do 4 nhà báo kỳ cựu cùng tổng hợp để ghi nhận nhiều điều thổi phồng và cường điệu, thậm chí còn sai trái, trong bài diễn văn Thông Điệp Liên Bang đầu tiên của TT Trump vào đầu năm 2018.
Lần này, TT Trump tiếp tục thói quen của mình và còn đi xa hơn nữa. Cũng may là có rất nhiều các cơ quan truyền thông kỳ cựu và uy tín đã chịu bỏ rất nhiều công sức và nhân lực để làm công việc kiểm tra sự thật (fact-checking) này để giúp cho người dân có thể phân biệt đâu là chuyện có thật đã diễn ra khác biệt với những luận điệu tuyên truyền cố hữu đầy cường điệu hoặc sai trái nhằm mục đích tuyên truyền cho những hậu ý riêng như vận động tranh cử trong tương lai. Những ai có chút khả năng về Anh ngữ có thể vào những trang mạng này để dễ dàng đọc được những thông tin hữu ích cho mình như các cơ quan truyền thông NPR: https://www.npr.org/2020/02/04/800983688/fact-check-president-trump-delivers-his-3rd-state-of-the-union-address;
hoặc các diễn đàn khác như Politico: https://www.politico.com/interactives/2020/trump-state-of-the-union-2020-live-fact-check-transcript-2-4-20/;
Washington Post: https://www.washingtonpost.com/politics/2020/02/04/fact-checking-president-trumps-2020-state-union-address/;
hoặc của cơ quan FactCheck.org chuyên nổi tiếng về việc kiểm chứng sự thật trong những lời phát biểu của các chính trị gia: https://www.factcheck.org/2020/02/factchecking-the-state-of-the-union-3/.
Một diễn đàn truyền thông độc lập và uy tín khác là PBS đã dựa vào bài phân tích kiểm chứng của AP, hãng thông tấn kỳ cựu và uy tín hàng đầu trên thế giới, với sự đóng góp của hơn 5 nhà báo Colleen Long, Ellen Knickmeyer, Ricardo Alonso-Zaldivar, Deb Riechmann và Cal Woodward để đưa ra những bằng chứng cho thấy là TT Trump đã nói quá sai trái trên nhiều hồ sơ như sau: https://www.pbs.org/newshour/politics/ap-fact-check-trumps-claims-in-his-state-of-union-address.
Về hồ sơ Di Dân
TT TRUMP: “Trước khi tôi nhậm chức, nếu ai đến biên giới một cách bất hợp pháp và bị bắt giữ, họ sẽ được thả tự do một cách đơn giản để có thể hoà nhập vào đất nước chúng ta, và không bao giờ tìm thấy được. Nhưng chính quyền của tôi đã chấm dứt chính sách ‘bắt giữ rồi thả tự do’. Nếu anh nhập lậu, anh sẽ bị lập tức loại bỏ.”
SỰ THẬT ĐÃ DIỄN RA: Lời này không đúng. Dưới các chính quyền trước, những người Mễ đều bị nhanh chóng trả về ở biên giới Mễ-Mỹ, trong khi những người khác bị đưa vào các trại tạm giam để chờ ngày bị trục xuất. Một số những di dân từ những nước khác được thả vào nội địa để chờ xét xử hồ sơ di trú của họ.
Và dù TT Trump khoe khoang rằng tất cả những di dân đều được “nhanh chóng” loại bỏ, hiện nay vẫn còn khoảng 1 triệu hồ sơ di trú đang còn bị ứ đọng ở các toà án di trú, có nghĩa là những người này đang ngồi chờ trong một thời gian dài để ra hầu toà và nghe phán quyết của một vị thẩm phán về hồ sơ xin nhập cảnh. Nếu như bị phán quyết trục xuất, còn phải chờ thụ tục giấy tờ cho đầy đủ và do đó kéo dài thêm thời gian trước khi họ thực sự được trục xuất ra khỏi nước Mỹ.
Ngay cả việc nói rằng ông đã chấm dứt chính sách “bắt giữ rồi thả tự do”, thật ra TT Trump còn phát động mạnh hơn nữa chính sách này vào năm ngoái vào lúc số người nhập lậu tăng cao bằng cách thả lỏng cho những di dân này khiến họ tràn ngập vào các trại tạm giam dọc theo biên giới. Giờ đây cao trào này đã tụt giảm nên số người bị bắt giữ cũng giảm theo và số người được thả tự do cũng tụt theo. Nhưng vì cơ quan di trú đã áp dụng chính sách tách rời các trẻ em khỏi vòng tay bố mẹ nên đã bị một thẩm phán bác bỏ, khiến cho các trẻ em này được thả tự do vào nội địa Hoa Kỳ.
Về hồ sơ Kinh Tế và Công Ăn Việc Làm
TT TRUMP: “Thoả ước USMCA (Mậu Dịch Bắc Mỹ) sẽ tạo ra gần 100,000 công việc mới với mức lương cao trong ngành sản xuất xe hơi tại Mỹ, và gia tăng rất lớn mức xuất cảng cho giới nông gia và những người làm việc trong các hãng xưởng của chúng ta.”
SỰ THẬT ĐÃ DIỄN RA: TT Trump đã quá cường điệu. Một cơ quan nghiên cứu của chính quyền liên bang về mậu dịch là US International Trade Commission trong bản báo cáo vào tháng 4 năm ngoái ước tính rằng sau khi thoả ước này được áp dụng trong 6 năm trời thì nó cũng chỉ giúp tăng thêm khoảng 28,000 công việc mới trong ngành sản xuất xe hơi tại Mỹ.
TT TRUMP: “Trong 8 năm của chính quyền tiền nhiệm, đã có hơn 300,000 người ở tuổi đi làm đã rời bỏ thị trường lao động. Nhưng chỉ trong 3 năm dưới thời của tôi, đã có 3 triệu rưởi người ở tuổi đi làm gia nhập vào lực lượng lao động.”
SỰ THẬT ĐÃ DIỄN RA: TT Trump đã sử dụng sai trái những thống kê để mong hạ giá thành tích của người tiền nhiệm. Không ai rõ là TT Trump muốn nói đến ai khi ông dùng thành ngữ “người ở tuổi đi làm”. Nhưng rõ ràng là thống kê về lực lượng lao động ở Mỹ đã cho thấy là ông đã nói hoàn toàn sai.
Trải qua 8 năm dưới thời TT Obama, lực lượng lao động (tức là con số những người có việc làm) đã tăng thêm hơn 5.06 triệu người, dựa theo thống kê của Bộ Lao Động Hoa Kỳ. Sự tăng trưởng này phản ứng sự hồi sinh trỗi dậy của nền kinh tế sau khi trải qua Sự Suy Thoái To Lớn của năm 2008 cùng với mức tăng trưởng dân số.
Vì thế nên tỉ lệ thất nghiệp xuống rất thấp, càng có nhiều người hơn cảm thấy hăng hái đi tìm việc làm, và điều này đã giúp cho lực lượng lao động tiếp tục tăng cao đáng kể với khoảng 4.86 triệu người chỉ trong vòng 3 năm dưới thời TT Trump.
TT TRUMP: “Ngay từ lúc tôi mới nhậm chức, tôi đã nhanh chóng hồi sinh nền kinh tế Hoa Kỳ, bằng cách loại bỏ một loạt những quy định khắt khe, thông qua đạo luật cắt thuế lớn kỷ lục trong lịch sử, và tranh đấu để có được những thoả ước mậu dịch công bằng.”
SỰ THẬT ĐÃ DIỄN RA: Nền kinh tế nước Mỹ hiện nay quả thật khá tốt, nhưng nó cũng đã trải qua những cơn sặc sụa dưới thời chính quyền Trump. Thật vậy, ông Trump đã không hề đạt được sự cất cánh như ông đã hứa hẹn trong cuộc vận động tranh cử năm 2016. Những thành quả có được thật ra chỉ là tiếp tục đi theo một chiều hướng tăng trưởng kinh tế đã bắt đầu từ hơn một thập niên trước dưới thời của ông Obama.
Mức tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ trong năm ngoái chỉ là 2.3%, coi như giống với mức tăng trưởng trung bình đạt được sau giai đoạn Suy Thoái Kinh tế, và dĩ nhiên còn thua xa những mức tăng trưởng quá lạc quan như 3%, 4% hay hơn nữa theo như những lời hứa hẹn quá đáng mà TT Trump đã dụ dỗ các cử tri vào năm 2016.
Đạo luật cắt thuế do TT Trump cổ động quả tình có đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 nhưng chỉ trong một giai đoạn ngắn, chưa kể đến hậu quả tai hại là nó cũng khiến cho mức thâm thủng ngân sách trở nên nặng nề và tồi tệ hơn. Nhưng TT Trump lại đi khoe rằng chính sách giảm thuế đó sẽ khiến cho các chủ nhân sẽ bỏ tiền nhiều hơn để đầu tư và sẽ giúp duy trì sự tăng trưởng kinh tế. Trong thực tế, mức đầu tư của các doanh nhân đã giảm xuống trong 3 tam-cá-nguyệt vừa qua.
Hiện nay cũng còn quá sớm để nhận định về hậu quả của thoả ước mậu dịch Bắc Mỹ với hai nước láng giềng Mễ Tây Cơ và Gia Nã Đại, cũng như là thoả ước mậu dịch ở giai đoạn 1 với Trung Cộng. Có điều là TT Trump đã hứa hẹn là chính sách kinh tế của ông sẽ san bằng mức thâm thủng về mậu dịch như trước đây, nhưng thực tế phũ phàng là mức thâm thủng mậu dịch giữa Hoa Kỳ và những nước khác lại còn tăng cao tệ hại hơn nhiều dưới thời của TT Trump.
Về hồ sơ Dầu Hoả và Khí Đốt
TT TRUMP: “Nhờ vào chiến dịch táo bạo của tôi nhằm giảm bớt những điều lệ quy định, Hoa Kỳ giờ đây đã trở thành quốc gia số một về mức sản xuất dầu hoả và khí đốt, vượt xa mọi nước trên thế giới.”
SỰ THẬT ĐÃ DIỄN RA: Một lần nữa, TT Trump lại giành lấy thành tích về sự gia tăng mạnh mẽ về sản xuất dầu hoả và khí đốt đã nổ ra dưới thời của TT Obama. Thống kê của cơ quan chính quyền liên bang là US Energy Information Administration cho thấy là Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia sản xuất khí đốt hàng đầu trên thế giới kể từ năm 2009, sản xuất hàng đầu về các sản phẩm từ dầu hoả kể từ năm 2013, và cũng là quốc gia sản xuất dầu thô đứng đầu thế giới kể từ năm 2018.
Thành quả này có được là nhờ vào sự tăng trưởng bùng phát từ ngành sản xuất từ đá phiến dầu (oil shale) đã tăng vọt bắt đầu từ năm 2011, chứ không phải nhờ vào chính sách loại bớt những điều lệ quy định hoặc là từ bất cứ nỗ lực nào từ chính quyền Trump.
Về hồ sơ Chăm Sóc Y Tế
TT TRUMP: “Chúng tôi bao giờ cũng bảo vệ những bệnh nhân đã từng có hồ sơ về những chứng bệnh nặng trước đây (preexisting conditions)”
SỰ THẬT ĐÃ DIỄN RA: Đây chỉ là lời hứa hẹn, chứ chẳng phải là một cam kết bảo vệ, nếu không muốn nói là hoàn toàn ngược lại.
Thật vậy, chính quyền Trump còn ủng hộ một đơn thưa kiện của những tiểu bang bảo thủ theo phe Cộng Hoà muốn dẹp bỏ toàn bộ đạo luật ACA về bảo hiểm y tế với giá vừa phải, thường quen gọi là Obamacare. Nên nhớ đây là một thành quả nhân bản đáng khen của đạo luật bảo hiểm y tế này mà rất nhiều người đã và đang hưởng lợi trong khi cứ hay mở miệng chê bai hay chỉ trích. Trước khi đạo luật ACA được thông qua, các hãng bảo hiểm thường từ chối bán báo hiểm, hoặc bán với giá cắt cổ, cho những ai đã có những căn bệnh nan y hoặc rất tốn kém, như ung thư, bệnh tim, cao áp huyết v.v. Nhưng đạo luật ACA bắt buộc các hãng bảo hiểm phải bán bảo hiểm cho mọi người với giá bình thường, và không được xét về hồ sơ bệnh lý của người dân khi mua bảo hiểm.
Từ nhiều năm qua, TT Trump và các vị dân biểu, nghị sĩ phe Cộng Hoà đều luôn tìm cách dẹp bỏ đạo luật ACA nhưng không thành công và cũng chưa đưa ra một dự luật nào để thay thế. Vì biết việc bảo vệ những bệnh nhân đã có hồ sơ bệnh lý tốn kém là điều cần thiết cho nhiều người dân, TT Trump và phe Cộng Hoà vẫn luôn miệng hô hào là họ sẽ tiếp tục chính sách này, nhưng lại không đưa ra chi tiết cụ thể để mọi người thấy làm sao thực hiện được. Nhiều cuộc nghiên cứu khác nhau đã đưa ra những ước tính về con số những người dân có thể bị mất bảo hiểm y tế nếu như điều khoản “preexisting conditions” này không còn được bảo vệ: cuộc nghiên cứu của sáng hội Kaiser Family Foundation cho biết có khoảng 54 triệu người sẽ bị mất bảo hiểm; một cuộc nghiên cứu khác của chính phủ Mỹ vào năm 2017 cho biết con số người mất bảo hiểm đó có thể lên cao đến 133 triệu người bao gồm cả trẻ em.
Và trên những hồ sơ về mức sản xuất trong ngành chế biến cũng như giá tiền của thuốc men mua theo toa bác sĩ, những lời phát biểu trong bài diễn văn Thông Điệp Liên Bang của TT Trump cũng đã được nhiều chuyên gia và giới truyền thông phân tích và kiểm chứng là không đúng sự thật.
Phải chăng chính vì thế mà bà Pelosi và các vị dân biểu và nghị sĩ phe Dân Chủ đã không thể nào ngồi yên và chấp nhận tiếp tục nghe những lập luận sai trái khiến cho nhiều người dân Mỹ hiểu lầm một cách nguy hiểm về sinh hoạt và xã hội hiện nay. Và điều này đã dẫn đến phản ứng giận dữ và mạnh mẽ một cách lộ liễu xuyên qua việc bà đã không ngần ngại xé toạc toàn bộ bài diễn văn ngay sau khi TT Trump vừa chấm dứt.
Dĩ nhiên đây là một hình ảnh không mấy đẹp đẽ về sinh hoạt chính trị tại Hoa Kỳ hiện nay khi mà hai lãnh tụ đại diện cho hai ngành lập pháp và hành pháp của đệ nhất siêu cường trên thế giới đang hục hặc một cách kịch liệt và không che đậy trước mặt mọi người. Và có người cũng đã bình luận một cách nặng nề, nhưng cũng không sai sự thật, khi cho rằng đây là một trò chơi ấu trĩ giữa Trump và Pelosi, và gọi một cách châm biếm rằng đó là một hoạt cảnh “Cùi Nên Gặp Hủi”.
Tuy nhiên, khách quan mà nói, nếu muốn tranh luận đến nơi đến chốn thì cũng nên tìm cho đầy đủ cội nguồn để cho công bằng và có thể rút tỉa kinh nghiệm để học hỏi. Nếu không có người gây sự đầu tiên thì làm sao mới có những kết quả trả đũa sau đó?
Nếu TT Trump không làm những điều không đúng, sai trái và bóp méo sự thật quá lố từ hơn 3 năm qua (cho dù có được một số lớn những người phò Trump tung hô) thì làm sao những nhà dân cử khác phải có phản ứng mạnh như vậy để trả đũa.
Cả hai hành động đấu đá qua lại (như của TT Trump và Chủ tịch Hạ Viện Pelosi) đều không phải là những tiêu chuẩn được đề cao cho mọi người, nhưng khi đã bước vào chính trường, nhất là chính trường bầu cử để mong nắm quyền, người ta phải chấp nhận là điều có thể xảy ra.
Còn nếu chỉ biết khuyên một bên là hãy tự chế, không cần phải hạ mình để trở thành tệ hại giống đối phương (giống như nhiều người chỉ biết chỉ trích Pelosi mà không nhìn thấy cái tệ do chính TT Trump gây ra trước tiên) thì cũng chưa phải là một nhận định can đảm, khôn ngoan và sáng suốt.
MAI LOAN
Houston, Texas, ngày 14 tháng 2/2020
Tái bút: Mới đây, hãng thông tấn AP còn có bổ túc thêm một bài viết mới để vạch ra một vài điểm sai trái không đúng sự thật như TT Trump đã khoe khoang trong bài diễn văn này. Đặc biệt là chuyện TT Trump đã đưa ra một vài thí dụ với hậu ý muốn lấy lòng khối dân da đen: thứ nhất ông nói về trường hợp một anh da đen là Tony Rankins, một cựu quân nhân bị nghiện xì-ke rồi trở thành vô gia cư, nhưng sau đó đã tìm được việc làm nhờ vào chính sách nâng đỡ cắt thuế của chính quyền Trump. Những hãng AP đã kiểm tra và phỏng vấn anh này để biết rằng chuyện đó không đúng và anh này đã tìm được công việc từ mấy tháng trước khi chính sách của ông Trump được áp dụng.
Kế đến TT Trump cũng khoe khoang trong bài diễn văn rằng dưới chính quyền của ông hiện nay có 1 em nữ sinh lớp 4 người da đen là Janiyah Davis tại Philadelphia có thể sẽ nhận được học bổng để có thể chuyển từ 1 trường công lập thất bại sang một trường tư (charter school) theo ý muốn của mình. Thế nhưng tờ nhật báo The Philadelphia Inquirer đã kiểm chứng rằng điều này không đúng, vì em nữ sinh này thật ra đã ghi danh theo học tại trường tư này từ mấy tháng qua, và tất cả những em học sinh tại trường này đều không phải đóng học phí (chứ chẳng hề là do công ơn đặc biệt gì của chính quyền Trump!
++++++++++++++++++++++++++++
XEM THÊM muc TÀI LIỆU:
Toàn Văn Thông Điệp Liên Bang Của Tổng Thống Mỹ Donald Trump Tối 04-02-2020