VN trước áp lực của TQ về đàm phán song phương

08 Tháng Năm 20237:59 SA(Xem: 2262)

VĂN HÓA ONLINE – HS-TS – THỨ HAI 08 MAY 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Việt Nam trước áp lực của Trung Quốc về đàm phán song phương


Đàm phán về cửa Vịnh Bắc Việt


image022Bản đồ minh họa Vịnh Bắc Việt – VHO Map


RFI 08/05/2023


Trên chuyến bay đến Hoa Kỳ để họp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 01/05/2023, tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cho biết Trung Quốc đồng ý thảo luận với Philippines về quyền đánh cá ở Biển Đông. Trước đó, ngày 22/04/2023, nhân chuyến viếng thăm của ngoại trưởng Tần Cương ở Manila, Philippines và Trung Quốc cũng đã cam kết “sẽ cùng nhau giải quyết các bất đồng về Biển Đông”, vùng biển mà hai nước đều có những yêu sách chủ quyền. 


Đá Gạc Ma do Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo và quân sự hóa. Ảnh chụp ngày 20/03/2022. AP - Aaron Favila


Về phần Malaysia, quốc gia khác cũng có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, phát biểu trước Quốc Hội ngày 03/04, khi tường trình về chuyến thăm Trung Quốc của ông vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, thủ tướng Anwar Ibrahim đã tuyên bố là tập đoàn dầu khí nhà nước Petronas của Malaysia sẽ tiếp tục các hoạt động thăm dò ở Biển Đông, nhưng Malaysia “sẵn sàng thương lượng về các mối quan ngại của Trung Quốc về những hoạt động này”.


Những sự kiện nói trên phải chăng cho thấy là Trung Quốc đang dần dần thuyết phục được Philippines và Malaysia chấp nhận đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông? Riêng Việt Nam đối phó như thế nào trước áp lực đàm phán song phương của Trung Quốc?


Trả lời RFI Việt ngữ ngày 19/04/2023, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Việt Nam trước hết nhắc lại chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc: 


“Thật ra Trung Quốc đã có một chủ trương rất lâu, từ thời lãnh tụ Đặng Tiểu Bình. Năm 1990, ông đã đưa ra một chủ trương là “gác tranh chấp, cùng khai thác”, dưới vỏ bọc là “khai thác chung” ( tiếng Anh gọi là “joint development” ). Nội dung “khai thác chung” thật ra về cơ bản khác với “gác tranh chấp, cùng khai thác”: Thứ nhất là chủ quyền thuộc về Trung Quốc, tức là nếu có chấp nhận khai thác chung thì mặc nhiên công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc đã đã thúc đẩy quan điểm này, một mặt sử dụng sức mạnh để đe dọa. Trong suốt thời gian qua và cả hiện nay, các tàu của Trung Quốc vẫn đang xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia và Philippines, đe dọa các hoạt động thăm dò dầu khí, hoặc các hoạt động khác trên vùng đặc quyền kinh tế của các nước này. 


Một mặt Trung Quốc đe dọa như vậy, mặt khác, Trung Quốc luôn dùng sức mạnh kinh tế của mình để kêu gọi các quốc gia khai thác chung với Trung Quốc. Bốn quốc gia mà Trung Quốc luôn nhắm tới đó là Brunei, Việt Nam, Malaysia, Philippines. Trung Quốc luôn luôn muốn đưa một trong các quốc gia này hoặc các quốc gia này vào kế hoạch “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Nhưng theo nghiên cứu của tôi, trong số 4 quốc gia kể trên, chưa có quốc gia nào ký kết bất ký điều gì về khai thác chung với Trung Quốc.” 


Đối với Philippines và Malaysia, Bắc Kinh đã từng tranh thủ lúc mà hai nước này có một lãnh đạo với xu hướng phần nào nghiêng về Trung Quốc hơn, để cố thúc đẩy họ chấp nhận chủ trương khai thác chung. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt điểm lại thời kỳ tổng thống Rodrigez Duterte của Philippines trước đây và thời kỳ thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim hiện nay: 


“Năm 2016,  tổng thống Philippines lúc đó là Rodriguez Duterte đã chủ trương xoay trục sang Trung Quốc và quay lưng lại với Mỹ. Mục tiêu quan trọng nhất của ông là giành những lợi thế kinh tế từ Trung Quốc và muốn làm như thế thì ông phải chấp nhận điều mà Trung Quốc yêu cầu, đó là chủ trương khai thác chung với Trung Quốc. Dưới thời ông Duterte đã có một số ồn ào liên quan đến việc hai bên đã ký một số thỏa thuận về khai thác chung. Nhưng thực ra cho đến nay chưa có một bước tiến nào. 


Tân tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đầu năm nay cũng đã có một chuyến công du Bắc Kinh. Trong chuyến đi này, ông và chủ tịch Tập Cận Bình đã có một tuyên bố chung trong đó có nhắc đến “khai thác chung”. Nhưng khi ông quay về Philippines thì lập tức Tòa án Tối cao Philippines ra một phán quyết rằng thỏa thuận ba bên (JSMU), ký từ rất lâu trước đó ( 2005 ), đã hết hiệu lực từ năm 2007. Mười lăm năm không ra tuyên bố, mà đến lúc ông Marcos Jr. mới đi Trung Quốc về, khi hai bên ra tuyên bố chung nhắc đến “khai thác chung”, thì tòa án ra phán quyết xem thỏa thuận ba bên thăm dò địa chấn ở Biển Tây Philippines ( Biển Đông ) là “vô hiệu”, vì nó đã “vi hiến”.


Phán quyết này được coi như là một tín hiệu đáp trả đối với quyết định “khai thác chung” của Marcos Jr. Với việc Tòa án Tối cao đã đưa ra một tiền lệ như vậy, tổng thống Marcos Jr. sẽ rất là khó mà ký các thỏa thuận “khai thác chung” với Trung Quốc, vì sẽ bị xem là “vi hiến”. 


Về phần thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, ông muốn thay đổi chính sách, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khó khăn, muốn xoay trục sang Trung Quốc, để có thể tranh thủ các lợi ích kinh tế, nhưng việc khai thác chung cũng không phải là dễ, còn rất nhiều khó khăn. 


Khai thác chung với Trung Quốc thực chất là khai thác tại vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, mà điều này, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, là đặc quyền của quốc gia ven biển đó. 


Thực chất có lẽ đây là những tuyên bố mang tính chính trị để có thể giành được những lợi ích từ Trung Quốc. Đương nhiên Trung Quốc cũng biết điều đó và họ rất giỏi chơi bài. Cho nên, nếu những quốc gia như Malaysia hay Philippines muốn “chơi bài” với Trung Quốc, thì Trung Quốc cũng sẵn sàng chơi, mà Trung Quốc sẽ đạt được những mục tiêu, những lợi ích của họ. 


Tổng thống Duterte của Philippines, trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, đã phải hủy bỏ tất cả những tuyên bố, những chính sách của ông về khai thác chung với Trung Quốc. Nhiều nhà nghiên cứu của Philippines nói rằng ông Duterte cũng đã vỡ mộng khi thấy Trung Quốc hứa hẹn thì rất nhiều, hứa hẹn đầu tư hàng chục tỷ đôla vào nền kinh tế Philippines, nhưng trên thực tế thì không có bao nhiêu cả. Đó là câu chuyện khiến nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á phải suy nghĩ kỹ về vấn đề này.” 


Riêng đối với Việt Nam thì dĩ nhiên Bắc Kinh bao giờ cũng tìm cách gây sức ép để buộc lãnh đạo Hà Nội chấp nhận chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”, để đạt được những thỏa thuận như thỏa thuận về phân chia Vịnh Bắc Bộ. Nhưng theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, cho tới nay Việt Nam chỉ chấp nhận thương lượng dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển: 


“Chắc chắn là Trung Quốc sẽ gây sức ép. Vấn đề nổi cộm đầu tiên đó là Vịnh Bắc Bộ. Hai bên đã thỏa thuận thành công về Vịnh Bắc Bộ, nhưng còn về cửa Vịnh Bắc Bộ thì chưa phân định được. Hai bên cũng đã nhiều lần đàm phán để phân định, nhưng cho đến nay vẫn chưa có tiến triển, vì lập trường của hai bên quá xa nhau.


Việt Nam thì vẫn kiên trì chủ trương là phải dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, còn Trung Quốc thì dựa trên “đường lưỡi bò”. Hai lập trường này quá xa nhau. Chúng ta còn nhớ là về “đường lưỡi bò”, trong phán quyết về Biển Đông 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực, dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cũng đã tuyên rõ là yêu sách về quyền lịch sử đối với vùng nước và tất cả những thực thể bên trong “đường lưỡi bò” là không có cơ sở pháp lý, cho nên vô giá trị. Phán quyết này cũng nói rằng những quy định của Công ước về Luật Biển cũng sẽ cao hơn so với cái gọi là “quyền lịch sử”. 


Quan điểm của Việt Nam vẫn trước sau như một, đó là phải dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Chính điều đó đã dẫn tới khó khăn khi Việt Nam và Trung Quốc đàm phán về cửa Vịnh Bắc Bộ.


Nói thế để thấy là có rất nhiều vấn đề mà Trung Quốc muốn Việt Nam tham gia vào kế hoạch “gác tranh chấp, cùng khai thác”, nhưng chắc chắn là Việt Nam sẽ không thể tham gia được, bởi vì tham gia như vậy chẳng khác gì thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc và thứ hai là cho Trung Quốc khai thác trên chính vùng biển mà lẽ ra quyền khai thác là của mình, theo quy định của luật pháp quốc tế.”


Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, Việt Nam cũng sẽ khó mà tham gia thỏa thuận giống như thỏa thuận ba bên giữa Philippines, Trung Quốc và Việt Nam (JSMU) năm 2005: 


“Chắc chắn là khó lập lại, bởi vì câu chuyện thỏa thuận ba bên đó cũng là một câu chuyện lịch sử. Philippines ký thỏa thuận đó vào thời tổng thống Gloria Arroyo, một lãnh đạo nổi tiếng thân Trung Quốc. 


Khi bà ký thỏa thuận thì ban đầu chỉ là thỏa thuận hai bên Philippines và Trung Quốc. Ngay lập tức báo chí Philippines đã lao vào mổ xẻ, thì mới thấy là bà có rất nhiều vi phạm. Thậm chí sau này hết nhiệm kỳ tổng thống của Arroyo, người ta còn phát hiện là trước đó bà đã cử một thượng nghị sĩ sang gặp Trung Quốc để bàn việc “đi đêm” trong vấn đề Biển Đông. Thậm chí sau đó tòa án còn quản thúc bà Arroyo trong một thời gian.


Vào lúc đó, khi biết được thông tin hai bên ký kết thỏa thuận thăm dò địa chấn giữa Philippines và Trung Quốc, Việt Nam đã phản đối. Philippines và Trung Quốc đã đấu dịu bằng cách mời Việt Nam tham gia. Việt Nam lúc ấy cũng muốn tham gia để nắm tình hình và không để cho vấn đề đi quá xa. Trong thời gian tới, chắc chắn là Việt Nam không thể tham gia những thỏa thuận này.”


Khi đến Bắc Kinh vào tháng 11/2022 để gặp chủ tịch Tập Cận Bình, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã cùng với đồng nhiệm Trung Quốc ra tuyên bố chung, trong đó có một phần bao gồm 4 điểm liên quan đến Biển Đông.


Trong điểm thứ 3, hai ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng nhất trí "thúc đẩy bàn bạc về hợp tác phát triển trên biển và bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy hai việc trên sớm đạt tiến triển thực chất". 


Nhưng trong tuyên bố chung, hai lãnh đạo nhắc lại là trước mắt Việt Nam và Trung Quốc sẽ chỉ nhất trí đàm phán về các biện pháp giải quyết “mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương của mỗi bên”, trong khi chờ tìm kiếm “giải pháp cơ bản lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được”. Thanh Phương
21 Tháng Mười 2018(Xem: 8712)
Hai máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã tiến gần các điểm đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông hôm 16/10/18, CNN dẫn thông báo từ Lực lượng Không quân Thái Bình Dương.
11 Tháng Mười 2018(Xem: 9361)
Hôm thứ Ba (02/10/2018), quân đội Úc đã bắt đầu một cuộc diễn tập quân sự đa phương kéo dài hai tuần trên Biển Đông cùng với các đối tác đến từ Singapore, Malaysia, New Zealand và Anh quốc.
18 Tháng Chín 2018(Xem: 8714)
Theo thông báo của Hải Quân Nhật, ngày 13/09 vừa qua, tàu ngầm Kuroshio trên đường đến thăm Việt Nam, đã tham gia tập trận ở Biển Đông cùng với 5 phi cơ và 3 khu trục hạm
12 Tháng Tám 2018(Xem: 9097)
"Chúng tôi là máy bay hải quân Hoa Kỳ, tiến hành các hoạt động hợp pháp bên ngoài không phận của bất kỳ quốc gia ven biển nào. Trong việc thực hiện các quyền được luật pháp quốc tế bảo vệ, chúng tôi đang hoạt động phù hợp với quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia."
02 Tháng Tám 2018(Xem: 9653)
Tài liệu của CIA ghi nhận Bắc Kinh và Sài Gòn đều đòi chủ quyền Hoàng Sa, và có sự hiện diện quân sự tại đây từ giữa thập niên 1950. Trung Quốc chiếm Nhóm Tuyên Đức ở phía bắc, còn Nam Việt Nam chiếm Nhóm Nguyệt Thiềm ở phía nam.
08 Tháng Bảy 2018(Xem: 10670)
Trung Quốc đang lặng lẽ thử nghiệm các thiết bị tác chiến điện tử mới được lắp đặt tại các tiền đồ ở Biển Đông, theo kênh CNBC của Hoa Kỳ. Một nguồn tin tình báo xin được giấu tên cho CNBC biết đây là lần đầu tiên Trung Quốc thử nghiệm tác chiến điện tử kể từ khi đem các thiết bị này ra các tiền đồn ở quần đảo Trường Sa.
07 Tháng Sáu 2018(Xem: 10658)
Sau khi lớn tiếng đả kích Mỹ « xâm phạm chủ quyền và chuyển vũ khí tấn công » vào Biển Đông, Trung Quốc dường như đã đem hệ thống tên lửa bố trí trên đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa, đi nơi khác hoặc cất giấu, theo bản tin CNN ngày 06/06/2018.