Tập mượn Marx “củng cố quyền lực của Đảng và bản thân”?

13 Tháng Năm 20188:48 CH(Xem: 5254)

VĂN HÓA ONLINE - NHÂN VẬT & SỰ KIỆN - THỨ HAI 14 MAY 2018


Tập mượn Marx “củng cố quyền lực của Đảng và bản thân”?


11/05/2018


image061

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại một sự kiện kỷ niệm 200 ngày sinh của Karl Marx, Đại Sảnh đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 4/5/18.


Chiến dịch ca ngợi Karl Marx mà Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động là nhằm củng cố sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và quyền lực cá nhân của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng đồng thời cũng cho thấy sự bất an trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc, theo các nhà phân tích.


Ngày 5/5 năm nay là tròn hai trăm năm ngày sinh của Karl Marx, triết gia người Đức mà tư tưởng của ông đã đặt nền móng cho sự ra đời của chủ nghĩa cộng sản và dẫn đến sự ra đời của các Đảng Cộng sản cũng như các nhà nước cộng sản trên thế giới vào nửa đầu thế kỷ 20.


Có thể nói, Karl Marx là ‘ông tổ’ của chủ nghĩa cộng sản hiện đại và học thuyết của ông, vốn kết tinh trong hai tác phẩm nổi tiếng nhất là “Das Kapital” (Tư bản) và “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” (viết cùng với Friedrich Engels), được biết đến rộng rãi như là ‘Chủ nghĩa Marx’ đã làm thành điều lệ và cương lĩnh của các Đảng Cộng sản, trong đó có Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam.


Trung Quốc bắt đầu chiến dịch tuyên truyền về chủ nghĩa Marx vào cuối tháng Tư năm nay, khi ông Tập lãnh đạo Bộ Chính trị mở một phiên họp nghiên cứu về ‘Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản’. Sau đó là một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ. Truyền thông nhà nước đề cao những đóng góp của Marx vào sự thịnh vượng của Trung Quốc ngày nay.


“Trong khi phương Tây rơi vào một kỷ nguyên bất định và bất ổn mới thì những kinh nghiệm của Trung Quốc đã chứng tỏ một cách hùng hồn rằng Chủ nghĩa Marx đã mở ra một con đường mới đi đến chân lý,” Nhân dân Nhật báo viết trong bài xã luận trên trang nhất.


Song song đó, Đại học Bắc Kinh tổ chức ‘Hội nghị Quốc tế về Chủ nghĩa Marx’ tập hợp trên 120 học giả từ khoảng 30 quốc gia trên thế giới để thảo luận về ‘Chủ nghĩa Marx và Nhân loại có cùng vận mệnh’ – nhắc lại khẩu hiệu ngoại giao mang dấu ấn của ông Tập.


Để tiếp cận được với thanh niên Trung Quốc, các quan chức tuyên truyền đã đưa ra những đoạn phim và hình ảnh hoạt hình mô tả về tính cách và diện mạo của Marx.


Tờ ‘Cầu Thị’, tạp chí lý luận hàng đầu của Đảng cộng sản Trung Quốc, tung ra đoạn video dài 2 phút rưỡi có tựa đề ‘10 sự thật ít biết về Marx’ trong đó có đề cập đến nguồn gốc Do Thái và chòm sao chiếu mệnh của ông và giải thích rằng hàm râu cằm đặc trưng của ông là rất thời thượng vào lúc đó.


Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV phát sóng bộ phim tài liệu dài hai tập có tựa đề ‘Marx Sống mãi’ và một chương trình trò chuyện năm tập có tựa đề “Max Đã Đúng” mà trong đó các học giả và các sinh viên trao đổi ý kiến về cuộc đời và học thuyết của Marx. Kết thúc mỗi tập “Max Đã Đúng” là một bản nhạc ca ngợi Karl Marx, “Tên tuổi của Ông, Sức mạnh của Chúng tôi”, cùng với hình ảnh mô tả sự vươn lên của Trung Quốc từ lúc Marx ra đời cho đến ngày nay với những thành tựu đạt được như tàu cao tốc và chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của hải quân Trung Quốc.


“Marx có thật sự thiên tài khi khẳng định rằng chủ nghĩa tư bản sẽ không bao giờ tránh khỏi khủng hoảng?” một sinh viên Đại học Nam Kinh đặt câu hỏi.


“Khoa học không bao giờ đưa ra dự đoán không có cơ sở,” ông Khâu Hải Bình, Giáo sư kinh tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, trả lời. “Marx tin rằng nguồn gốc của khủng hoảng kinh tế phát xuất từ những mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản.”


Chủ nghĩa Marx “cần được củng cố như là học thuyết dẫn đường và được thúc đẩy ở các giảng đường đại học, các lớp học và đối với các sinh viên,” ông Tập phát biểu trong một chuyến thăm đến Trường Mác-xít thuộc Đại học Bắc Kinh danh giá, nơi vừa thành lập một viện nghiên cứu về Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội Đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.


Còn trong bài diễn văn được phát sóng nổi bật trên các kênh truyền hình nhà nước hôm thứ Sáu ngày 3/5, ông Tập nói: “Hôm nay, chúng ta tưởng nhớ Marx để bày tỏ lòng kính trọng đối với nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại và cũng để khẳng định niềm tin vững chắc của chúng ta vào chân lý khoa học của Chủ nghĩa Marx.”


Tờ Washington Post nhận định rằng chiến dịch này là ‘nhằm củng cố quyền lực của ông Tập và của Đảng Cộng sản Trung Quốc và đấu tranh với các tư tưởng dân chủ tự do của phương Tây được cho là đe dọa sự lãnh đạo của họ’.


“Đối với thế giới bên ngoài, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện mình là người ủng hộ thị trường tự do. Còn trong nước, ông đang lãnh đạo một chiến dịch để thúc đẩy các tác phẩm của Karl Marx – cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản hiện đại – người mà 150 năm trước đây đã cảnh báo những nguy cơ của chủ nghĩa tư bản toàn cầu,” Washington Post viết trong bài báo có tiêu đề “Một người ủng hộ thương mại tự do trong mắt thế giới, nhưng lại cổ vũ cho Marx ở trong nước.”


Tuy nhiên, chủ nghĩa Marx đang đối diện với thách thức khó khăn do hố ngăn cách ngày càng mở rộng giữa giới lãnh đạo Đảng Cộng sản và thanh niên Trung Quốc vốn say mê tin đồn về những người nổi tiếng.


“Thúc đẩy Chủ nghĩa Marx ở Trung Quốc hiện đại là cực kỳ khó khăn nhất là trong thời đại Internet. Những điều mà học thuyết này trình bày phi thực tế một cách trầm trọng,” Washington Post dẫn lời ông Trương Lập Phàm, một nhà phân tích chính trị độc lập ở Bắc Kinh, nhận định.


“Ngay cả ở Trung Quốc, tôi tin rằng đa số các đảng viên đều không hiểu hoặc không tin vào Chủ nghĩa Marx nữa,” ông Chương nói. “Thay vào đó, họ dùng nó như là một công cụ để thăng tiến.”


Tư tưởng và hình ảnh của Marx đã bị lu mờ sau ba thập niên công nghiệp hóa và biến đổi xã hội nhanh chóng ở Trung Quốc. Trong lĩnh vực kinh tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không còn cổ súy cho việc kiểm soát toàn diện của nhà nước hay đấu tranh giai cấp. Trong lĩnh vực chính trị, Đảng Cộng sản đang siết chặt bàn tay sắt để kiểm soát quyền lực. Họ nhanh chóng đè bẹp những mối đe dọa thật sự cũng như những gì mà họ cho là đe dọa đối với sự thống trị của họ, Washington Post nhận định.


Việc ông Tập đang củng cố quyền lực rõ rệt cùng với chiến dịch tuyên truyền Chủ nghĩa Marx rầm rộ không phải thể hiện sức mạnh mà là sự bất an, theo nhận định của ông Perry Link, một chuyên gia về văn chương và chính trị Trung Quốc.


“Tôi không chắc địa vị chính trị cá nhân của ông Tập được vững vàng như những gì chúng ta thấy,” ông Link nói. “Thanh trừng đối thủ càng thúc đẩy đối thủ và sự ủng hộ của công chúng sẽ nhanh chóng tan biến nếu điều gì đó tồi tệ, như suy thoái kinh tế chẳng hạn, bất chợt xảy đến.”


Sự căng thẳng của giới lãnh đạo Trung Quốc được thể hiện qua chiến dịch chống lại các giá trị phổ quát, các nhà hoạt động pháp lý độc lập và các luồng tư tưởng tự do dân chủ và qua sự đàn áp những gì mà nhà cầm quyền cho là không lành mạnh, chẳng hạn như diễn đàn trực tuyến bàn luận các chủ đề LGBT về cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới.


Trong bài viết có tựa đề “Ông Tập tận dụng di sản của Marx để tập hợp Trung Quốc xung quanh Đảng Cộng sản’ trên tờ Wall Street Journal, tác giả Vương Xuân Hàn bình luận: “Đối với ông Tập, chiến dịch này là một cách để đòi hỏi lòng trung thành đối với Đảng và thuyết phục người dân Trung Quốc giữ vững lòng tin vào chính phủ Trung Quốc mà ông cho rằng đã vận dụng các lý thuyết của Marx để giúp cho Trung Quốc thịnh vượng và hùng mạnh.”


Tuy nhiên, tác giả Vương cũng cho rằng mặc dù chủ nghĩa Marx ngày nay vẫn là tư tưởng chính thống ở Trung Quốc, nhiều người dân Trung Quốc chỉ xem nước họ là quốc gia xã hội chủ nghĩa trên danh nghĩa khi mà đất nước này ngày nay có đến hàng trăm tỷ phú và một số những công ty khởi nghiệp lớn nhất thế giới trong khi hố ngăn cách giữa người giàu thành thị và người nghèo ở nông thôn ngày càng nới rộng.


“Chiến dịch tuyên truyền này nặng về biểu tượng nhưng sơ sài về lý thuyết,” ông Vương viết, “Bỏ qua những vấn đề về bóc lột tư bản và đấu tranh giai cấp, ông Tập và các quan chức trong Đảng tô vẽ học thuyết của Marx như là công cụ để họ đối đầu với đế quốc phương Tây và khôi phục sự vĩ đại của Trung Hoa.”


Tác giả nhận định rằng có một tinh thần nhiệt huyết trong những lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ kêu gọi quần chúng coi cuộc đời Karl Marx là tấm gương về đạo đức để học tập.


“Marx đã sống một cuộc sống đơn giản và bình dị và trân trọng tình cảm và tình đồng chí,” ông Tập phát biểu trong bài diễn văn tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Ông Tập đã đưa ra cách giải thích của riêng mình về chủ nghĩa Marx và yêu cầu đảng viên phải quán triệt bằng cách đọc những tác phẩm kinh điển của Marx như là ‘một cách sống’ và ‘hạnh phúc tinh thần’.


Các chiến dịch tuyên truyền ở Trung Quốc thường tập trung đề cao các lãnh đạo – nhất là Mao Trạch Đông – và mô tả chính sách của họ như là chủ nghĩa Marx được diễn giải trong điều kiện của Trung Quốc. Một số nhà phân tích cho rằng khi nhắc lại về Marx, ông Tập đang giành lấy quyền hành để thay thế chính sách của những người tiền nhiệm bằng chính sách của ông.


“Việc tôn thờ Marx ngày nay là nhằm để hợp pháp hóa giới lãnh đạo hiện tại và bất kỳ lý thuyết gì mà họ cho rằng đó là chủ nghĩa Marx,” Wall Street Journal dẫn lời ông Daniel Leese, một nhà nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc tại Đại học Freiburg của Đức, nhận định. “Và chỉ có Tập Cận Bình mới được cho là có thể tổng hợp lại các học thuyết kinh điển với hiện thực ngày nay.”


Tại Đại hội Đảng lần thứ 19 vào tháng 10 năm ngoái, ông Tập tuyên bố chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã bước vào ‘kỷ nguyên mới’ – một động thái được xem là xác định lại mô hình phát triển mà nhà lãnh đạo cải cách Đặng Tiểu Bình đã đưa ra vào bốn thập niên trước.


Các cán bộ Trung Quốc từ lâu đã phải đương đầu với sự mâu thuẫn với mô hình kinh tế tư bản nhà nước và con đường chủ nghĩa Marx mà họ đi theo. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990, các quan chức trong Đảng và các học giả đã bàn luận về các mô hình thay thế, và họ đã tính đến việc đổi tên Đảng Cộng sản để thể hiện rõ ràng hơn việc họ nghiêng về phía mô hình kinh tế tư bản dưới sự lãnh đạo của nhà nước.


“Trong các cuộc tranh luận trong Đảng gần hai thập niên trước, tôi đã nói rằng chúng ta nhất định không thể thay đổi tên Đảng, vì điều đó có nghĩa là từ bỏ lịch sử cách mạng và lý tưởng của Đảng,” ông Lý Quân Như, cựu phó hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, cho biết trong một hội thảo gần đây ở Bắc Kinh, theo bản ghi chép lại. “Một khi lý tưởng sụp đổ, xã hội sẽ hỗn loạn. Thay vào đó, Đảng vẫn giữ tên cũ và dung nạp những lý thuyết mới vào trong khuôn khổ học thuyết cũ,” ông Lý nói.


Kể từ cuộc tranh luận vào đầu những năm 2000, dưới thời của ông Hồ Cầm Đào, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chào đón những nhà tư bản vào hàng ngũ của Đảng, thử nghiệm những cải cách chính trị để chuyên nghiệp hóa bộ máy hành chính và cho phép xã hội dân sự mở rộng, theo ông Vương Xuân Hàn.


Tuy nhiên, “Đối với ông Tập Cận Bình, người nhấn mạnh rằng ‘Đảng lãnh đạo toàn diện’, thì việc đề cao Marx là một cách nhắc lại để củng cố nguồn gốc cách mạng của Đảng và bác bỏ sự lệch lạc về hướng đa nguyên chính trị vốn diễn ra dưới thời của những người tiền nhiệm của ông,” tác giả Vương viết.


Karl Marx là một biểu tượng thiêng liêng mà Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng để đảm bảo sự đồng nhất về tư tưởng trong Đảng,” ông Đinh Học Lương, giáo sư về khoa học xã hội tại Đại học Khoa học Kỹ thuật Hong Kong, nhận định.

26 Tháng Ba 2023(Xem: 1015)