Bảo Đại : Từ hoàng đế Việt "lực bất tòng tâm" đến "thường dân" Pháp

24 Tháng Mười 20178:31 CH(Xem: 5949)

VĂN HÓA ONLINE - NHÂN VẬT & SỰ KIỆN  - THỨ  TƯ  25  OCT  2017


Bảo Đại : Từ hoàng đế Việt "lực bất tòng tâm" đến "thường dân" Pháp


Thu Hằng


23/10/2017


image038

Mộ phần hoàng đế Bảo Đại tại nghĩa trang Passy, quận 16, Paris.RFI / Tiếng Việt


Chín năm đầu đời, hoàng tử Vĩnh Thụy sống trong nghi lễ Nho giáo nghiêm ngặt của triều đình Huế. Hàng ngày, một thầy giáo đến dạy ông những lời chỉ bảo của Khổng Tử, những nghĩa vụ và trọng trách của một hoàng tử. Cứ như vậy, trong vòng bốn năm, hoàng tử Vĩnh Thụy « sống một mình, dùng bữa một mình theo nhịp điệu không hề thay đổi, ngày nào cũng giống ngày nào » (1). Khoảng một đến hai lần mỗi tháng, hoàng tử Vĩnh Thụy được phép dự bữa cơm của vua cha, hoàng đế Khải Định.


Năm 9 tuổi, hoàng tử Vĩnh Thụy chỉ nặng 20 kg, như giải thích trong cuốn hồi ký Le Dragon d’Annam (Con rồng An Nam, 1980) vì « chế độ đó không hề tốt cho bất kỳ đứa trẻ nào vì thiếu hoạt động thể chất. Điều này giải thích tại sao nhiều hoàng tử chết sớm. Ông tôi (vua Đồng Khánh) mất năm 25 tuổi, anh trai của ông tôi mất năm 14 tuổi ».


Được chỉ định là người kế ngôi, lên 9 tuổi, hoàng tử Vĩnh Thụy được đưa sang Pháp du học. Tại đây, ông thích thú khám phá phương Tây và đặc biệt là các môn thể thao. Trả lời RFI tiếng Việt, nhà sử học Pierre Brocheux giải thích thêm :


« Hoàng đế Bảo Đại là con trai của vua Khải Định và được chỉ định là người nối ngôi và giữ vai trò tối cao. Vì thế, hoàng tử Bảo Đại phải được nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường Pháp. Vì lý do này, hoàng tử Vĩnh Thụy sang Pháp (năm 9 tuổi) và được giao cho một cựu khâm sứ Trung Kỳ, ông Jean-François-Eugène Charles (được coi là cha nuôi của hoàng tử Vĩnh Thụy) và vợ, sống ở vùng Đông Pyrénées.


Sau đó, hoàng tử lên Paris học phổ thông, không phải trong một trường công lập, mà trong trường tư thục Cours Hattemer. Trường này dành cho giới tư sản giầu có, học phí rất cao, nhưng rất nổi tiếng.


Nhưng người ta cũng sắp xếp thêm cho hoàng tử một gia sư người Việt. Đó là giáo sư Hoàng Xuân Hãn, lúc đó đang theo học hoặc đang chuẩn bị thi vào trường Bách Khoa (Polytechnique). Hoàng Xuân Hãn nói rằng khi ông chăm sóc hoàng tử Vĩnh Thụy, đó là một cậu bé tốt, rất thoải mái, chứ không phải là kiểu người ban ơn ».


Năm 12 tuổi, hoàng tử Vĩnh Thụy lên ngôi nhưng quay lại Pháp tiếp tục học tập theo đúng di chúc của vua cha Khải Định. Việc triều chính được một nhiếp chính do Cơ mật viện đề cử đứng ra cai quản. Ngay sau khi vua Khải Định mất, một thỏa thuận đã được ký kết, đặt Cơ mật viện nằm dưới sự chỉ đạo của Khâm Sứ Trung Kỳ. Từ đó, Khâm Sứ và văn phòng Khâm Sứ đưa ra mọi quyết định, đặc biệt liên quan đến vấn đề ngân sách.


image039Hoàng đế trẻ Bảo Đại tại nhà của cựu Thống Sứ Trung Kỳ Charles ở Pyrénées, năm 1926.Flickr/Agence Meurisse


Bị tước quyền ngay trên đất nước


Trong cuốn hồi ký, vua Bảo Đại viết mãi sau này ông mới được báo tin và nếu biết được trước, sẽ không bao giờ ông chấp nhận điều đó. Chính thỏa thuận này đã hạn chế quyền lực của vua Bảo Đại, khiến người ta có cảm giác vị vua cuối cùng của Việt Nam thành « bù nhìn » trong tay người Pháp.


« Bảo Đại về Việt Nam năm 1932. Theo tôi, ông có rất nhiều ý tưởng cải cách trong đầu, như hiện đại hóa nền quân chủ. Nhưng ông gặp phải rất nhiều khó khăn. Trước hết là phía Pháp kìm hãm ông. Sau đó, phải nói đến vấn đề tài chính vì ngân khố hoàng gia được kho bạc Đông Dương chuyển vào, dường như chỉ khoảng 15% hay 20% tổng ngân sách chính phủ thuộc địa.


Vì vậy mà ông bất lực. Ông như bị trói chân trói tay, bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Điều này giải thích tại sao Bảo Đại thu mình trong các cuộc đi săn hay bên cạnh những người phụ nữ… Ông biết rõ người ta muốn làm gì với ông và những gì người ta muốn cấm ông làm. Trong thâm tâm, đó là cách để thoát khỏi triều đình buồn tẻ với rất nhiều nghi thức để đi gặp những người khác. Tôi nghĩ là điều này hoàn toàn hợp lý ».


Trong Thế Chiến II, tình hình tại Việt Nam trở nên phức tạp hơn, giữa một bên là chính quyền thuộc địa Pháp và một bên là quân đội Thiên Hoàng. Theo nhà sử học Pierre Brocheux, dựa trên lời kể của cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn, hoàng đế Bảo Đại rất thông minh và luôn theo sát tình hình chiến sự, trái ngược với những lời đồn thổi :


« Dù gì thì cũng phải nói rằng, đó là một người luôn cập nhật những gì diễn ra quanh mình và theo dõi chặt chẽ tình hình trong nước. Ở điểm này, chúng ta có thêm một nhân chứng khác, đó là toàn quyền Đông Dương Decoux, lúc đó ông ở Đà Lạt nhiều hơn là ở Hà Nội. Trong hồi ký, ông tả lại làm thế nào hoàng đế Bảo Đại nắm được hết những gì đang diễn ra ở Đông Dương, ở châu Á lúc đó đang có chiến tranh hay tình hình thế giới. Gần như hàng ngày, cả toàn quyền và hoàng đế theo dõi trên bản đồ Thái Bình Dương và Đông Nam Á đà tiến quân hay sự rút lui của quân đội Thiên Hoàng ».


Hoàng đế Bảo Đại từng viết cho tướng De Gaulle những dòng chữ sau : « Các ngài đã phải đau đớn trong vòng 4 năm để không hiểu được rằng dân tộc Việt Nam, với 20 thế kỷ lịch sử và một quá khứ thường xuyên oai hùng, không muốn và không thể chịu đựng thêm được bất kỳ sự đô hộ hay bất kỳ một chính quyền nước ngoài nào nữa ».


Sau khi tuyên bố Việt Nam độc lập, thống nhất ba kỳ theo yêu cầu của quân đội Nhật, rồi chấp nhận thoái vị theo yêu cầu của Việt Minh, nhận làm cố vấn tối cao chính phủ lâm thời Việt Nam, trở thành đại biểu Quốc Hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tham gia phái đoàn sang Trùng Khánh thăm Trung Hoa, hoàng đế Bảo Đại - giờ là « công dân Vĩnh Thụy » - quyết định lưu lại Hồng Kông, rồi sang Pháp sống đến cuối đời.


Trong thời gian này, chính phủ Pháp, với hy vọng chiếm lại Đông Dương, đã dựng nên hình ảnh một Bảo Đại « hoàng đế của các hộp đêm », « hoàng đế của các sòng bạc », « hoàng đế có không biết bao nhiêu nhân tình, vũ nữ » để hạ uy tín hoàng đế Việt Nam lúc bấy giờ. Ông Pierre Brocheux giải thích tiếp :


« Người Pháp đã dựng nên hình ảnh một quốc vương bất lực, thụ động, ít nhất là về mặt chính trị, phải đi tị nạn, bị lệ thuộc. Đó là những thông tin, những bộ phim được dựa trên thông tin hàng ngày, như Bảo Đại đi xem đua ngựa ở ngoại ô Paris hay có mặt trong một buổi tiệc và khiêu vũ. Ý tôi muốn nói đó là những hình ảnh bị bóp méo nhằm hạ thấp mọi khả năng cầm quyền của ông trong trường hợp trở lại lên ngôi ở Việt Nam nếu Việt Minh bị bại trận ».


image040Hoàng đế Bảo Đại. Ảnh chụp năm 1932.Flickr/Agence Mondial


Yên nghỉ ở nghĩa trang Passy, quận XVI - Paris


Ngày 31/07/1997, hoàng đế cuối cùng của Việt Nam qua đời tại Paris và được an táng tại nghĩa trang Passy rộng 1,7 ha, ngay gần quảng trường Nhân Quyền, ở quận 16. Phải chờ đến gần 10 năm sau, mộ phần vua Bảo Đại mới được xây dựng kiên cố bằng đá cẩm thạch đen với số hiệu 20 P 1997 thay vì một tấm bê tông đặt phía trên như trước đó.


Rất nhiều người Việt sống khắp nơi trên thế giới vẫn về viếng mộ hoàng đế Bảo Đại khi có dịp ghé Paris, từ những người cao tuổi, sống dưới thời nhà Nguyễn, đến thế hệ trẻ ngày nay, dù không sống dưới chế độ quân chủ.


Người phụ trách nghĩa trang Passy cho RFI tiếng Việt biết : « Có những nhóm nhỏ khách du lịch, tôi nghĩ là người Việt, thường xuyên đến đây, và quanh năm, thỉnh thoảng có những nhóm 30 đến 40 người. Nhưng phải nói chủ yếu đó là người cao tuổi, đôi lúc cũng có nhiều người trẻ. Về phần vợ của nhà vua, tôi thấy bà ấy ít nhất mỗi tháng một lần.


Nghĩa trang không chăm sóc, lau chùi các mộ phần ở đây. Gia đình người quá cố, nhiều khi là những người thân hoặc những người tôn trọng người quá cố đến dọn dẹp. Điều này giải thích tại sao mộ vua Bảo Đại bao giờ cũng sạch ».


Vẫn theo người phụ trách, nghĩa trang đôi khi nhắm mắt cho qua một số buổi lễ tưởng nhớ hoàng đế Bảo Đại vì họ hiểu truyền thống thờ cúng của Việt Nam.


« Đúng là thường có nhiều buổi tưởng niệm, dù không hẳn khiến gia đình vua Bảo Đại hài lòng. Vì thường họ đến đông, họ mang đồ lễ đến cúng và thỉnh thoảng để lại đồ trên mộ, làm bẩn xung quanh. Vì thế mà gia đình không hài lòng.


Chúng tôi cho phép cúng lễ ở đây. Nhưng thường chúng tôi sẽ gặp trưởng đoàn, họ cũng giải thích với chúng tôi là muốn tổ chức một buổi lễ chẳng hạn. Dĩ nhiên là chúng tôi vẫn phải theo dõi vì họ không hiểu là họ chỉ thăm mộ nhà vua một chút thời gian, nhưng vài ngày sau chẳng hạn, gia đình đến và thấy đồ thờ cúng mà họ không muốn nên họ bị « sốc ». Tôi hiểu điều đó, có lẽ tôi cũng sẽ phản ứng như vậy ».


***


(1) S.M. Bảo Đại, Le Dragon d'Annam (Con Rồng An Nam), Paris : Plon,  1980.
26 Tháng Ba 2023(Xem: 1015)