John Pilger, nhà báo chống Chiến tranh Việt Nam, qua đời ở tuổi 84

03 Tháng Giêng 20241:52 SA(Xem: 1395)

VĂN HÓA ONLINE – XÃ HỘI NHÂN VĂN - THỨ HAI 01 JAN 2024


John Pilger, nhà báo chống Chiến tranh Việt Nam, qua đời ở tuổi 84


image026Nguồn hình ảnh, Getty Images. Nhà báo John Pilger.


BBC 31/12/2023


Nhà báo và nhà làm phim người Úc John Pilger vừa qua đời ở tuổi 84, gia đình ông thông báo.


Một tuyên bố của thân nhân trên X cho biết ông qua đời ở London hôm thứ Bảy.


Họ mô tả Pilger "đơn giản là người cha, người ông, người bạn đời tuyệt vời và được yêu mến nhất".


Ông là một nhà phê bình lớn tiếng và đôi khi gây tranh cãi về chính sách đối ngoại của phương Tây. Ông cũng từng lớn tiếng về cách đối xử với người Úc bản địa.


Pilger sinh ra ở Bondi, New South Wales, Úc vào năm 1939, nhưng sống ở Anh từ thời thập niên 1960. Ông làm việc cho các hãng tin khác nhau, trong đó có Reuters và Daily Mirror.


Ông được biết đến nhiều nhất trong vai trò phóng viên nước ngoài, bao gồm đưa tin về Chiến tranh Việt Nam, Campuchia dưới thời Khmer Đỏ, và tin từ Hoa Kỳ trong thời kỳ hỗn loạn ở các thập niên 1960 và 1970.


Ông đã có mặt trong cùng căn phòng vào lúc Robert Kennedy bị ám sát khi đang tranh cử giành chức ứng viên Đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử tổng thống năm 1968, theo trang web của ông.


Ông đã thực hiện nhiều phim tài liệu, bao gồm bộ phim hồi năm 1979, Year Zero: Cái chết thầm lặng của Campuchia, nói về đất nước Campuchia dưới thời Pol Pot và Khmer Đỏ, cũng như nhiều phim về nước Úc và cách đối xử của nước này với người Úc bản địa.


Phóng viên phản chiến


Từng là phóng viên ở Nam Việt Nam thời chiến tranh, John Pilger có mặt ở Sài Gòn ngày 30/04/1975 và ở Hà Nội trong tháng 5 năm đó để chứng kiến điều ông gọi là “thảm kịch Việt Nam”.


Pilger đổ lỗi phần lớn cho các sai lầm của Hoa Kỳ và nói cuộc thảm sát Mỹ Lai chỉ là một trong rất nhiều trận đánh, vụ ném bom mà Hoa Kỳ thực hiện “giết chết nhiều người Nam VN, đồng minh của họ”, và “đốt trụi một nửa số rừng cây”, làm “nhiễm độc vô số sông ngòi” ở VNCH.


Trong dịp 20 năm kết thúc Cuộc chiến Việt Nam, ông trở lại Sài Gòn để chứng kiến sự thay đổi nhưng vẫn tiếp tục nhắc tới “bản chất tội phạm của cuộc chiến” (the criminal nature of the war) quân đội Hoa Kỳ đã gây ra.


Tuy thế ông cũng nhắc tới sự đau khổ của người miền Nam sau 1975 khi nhiều công chức, cựu quân nhân VNCH “bị bắt, tống vào các trại cải tạo, những gulag của Hà Nội”.


Với quan điểm thiên tả, phản chiến, John Pilger từng kêu gọi đưa Henry Kissinger ra toà án xử tội phạm chiến tranh, vì Cuộc chiến Việt Nam, và vì lệnh ném bom trải thảm Campuchia.


Nhìn vào nước Việt Nam thời Đổi Mới, Pilger chỉ trích cách chính quyền dùng nhân công rẻ để thu hút các ông chủ tư bản dưới nhãn hiệu “cải cách”. Ông tỏ ra bi quan về tương lai của người nghèo ở VN, khi mà “thật rõ ràng rằng một lần nữa đây sẽ là xã hội bị nước ngoài áp đặt (foreign-imposed society), sau khi người ta đã hy sinh vô cùng nhiều để xoá nó”.


“Thoả ước giữa Đảng CS VN và người nông dân sẽ tan vỡ, sẽ có các khoảng trống, sẽ có các vấn đề. Có thể đó là lý do người nghèo bị lôi khỏi đường phố Sài Gòn, nhốt vào các trại tạm cư và những tín đồ Phật giáo chống chính quyền - họ gợi lại hình ảnh những người đã giúp kéo đổ chế độ cũ - nay trở thành tù nhân lương tâm.”


image029Nguồn hình ảnh, Getty Images, John Pilger tại Hà Nội năm 1979, trong chuyến đi tới Việt Nam để làm phóng sự về đất nước này ba năm sau khi chiến tranh kết thúc


'Báo chí phải liên quan đến cuộc sống con người'


Trong một cuộc phỏng vấn năm 1990 với kênh phát thanh BBC Radio 4, chương trình Desert Island Discs, ông nói rằng ông luôn "quan tâm đến những nạn nhân của chiến tranh, những người phải đi theo lối đi khác".


“Báo chí chẳng là gì nếu nó không hướng tới nhân loại - nó phải liên quan đến cuộc sống của con người,” ông nói.


Ông giành được nhiều giải thưởng trong suốt sự nghiệp của mình, bao gồm Giải thưởng Nhà báo của năm của Anh năm 1967 và 1979, và Giải thưởng Richard Dimbleby của Bafta cho thể loại tường thuật thực tế năm 1991.


Trong những năm gần đây, ông là người ủng hộ mạnh mẽ nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange - người hiện đang bị tù tại Nhà tù Belmarsh của Anh và đang đấu tranh chống lại lệnh dẫn độ sang Mỹ, liên quan đến việc công bố hàng nghìn tài liệu mật hồi năm 2010 và 2011.


Ông mô tả Assange là "người nói sự thật, không phạm tội gì ngoài việc tiết lộ các tội ác và sự dối trá của chính phủ trên quy mô lớn".


Tài khoản chính thức của Wikileaks trên X mô tả Pilger là một "người quyết liệt lên tiếng về sự thật trước quyền lực".


Pilger cũng gây tranh cãi với những bình luận của mình về Nga. Trong một bài báo năm 2014 viết cho tờ The Guardian của Anh, ông viết rằng Tổng thống Vladimir Putin là "nhà lãnh đạo duy nhất lên án sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu thế kỷ 21".


Ông cũng nói với đài truyền hình nhà nước Nga phát sóng ra quốc tế, RT, rằng vụ tấn công bằng chất độc thần kinh của Nga ở Salisbury năm 2018 là "một vở kịch được xây dựng cẩn thận trong đó giới truyền thông đóng một vai trò".


Bạn bè Pilger xác nhận với BBC về việc ông đã qua đời.
08 Tháng Hai 2024(Xem: 1285)
13 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1625)
21 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1551)