Hoàng Hậu Nam Phương

01 Tháng Tám 20238:30 SA(Xem: 1726)

VĂN HÓA ONLINE –XÃ HỘI NHÂN VĂN – THỨ BA 01 AUG 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Tư liệu lần đầu công bố về Nam Phương hoàng hậu và vua Bảo Đại


Hoàng hậu Nam Phương và tình yêu văn hóa Việt


Lê Minh Quốc


29/03/2023


https://thanhnien.vn/hoang-hau-nam-phuong-va-tinh-yeu-van-hoa-viet-185230328223434146.htm


Hoàng hậu Nam Phương thuộc người của Tây học. Dù được đào tạo theo ngôn ngữ và văn minh Pháp, nhưng có một điều ngạc nhiên là khi đọc thư từ của bà gửi cựu hoàng Bảo Đại, bàng bạc trong đó khá nhiều suy nghĩ, niềm yêu thích đối với tiếng Việt và văn hóa Việt.


Năm 1926, bà được gia đình cho du học Pháp, tại Trường Dòng Couvent des Oiseaux - một trường danh tiếng bậc nhất ở Paris - do các nữ tu giảng dạy. Năm 1932, bà tốt nghiệp tú tài và trở về nước.


Sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tài liệu chưa công bố (NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành) cho biết: Dù đã được thưởng thức nhiều món ngon phương Tây, nhưng bà luôn nhớ về những món ăn cực kỳ dân dã nơi quê nhà. Thú vị hơn, là có những từ trong các bức thư gửi cho chồng là cựu hoàng Bảo Đại, bà sử dụng tiếng Việt chứ không dùng từ tương đương có thể tìm thấy trong tiếng Pháp.


image008Kim Bảo ấn của Nam Phương Hoàng Hậu (Ảnh bên phải là mặt dấu khắc chữ Hoàng Hậu Chi Bảo). Tài liệu của viện Bảo tàng Lịch sử VN.


"Nếu Mình xuống Sài Gòn, xin Mình nói giúp với bà Hữu đặt làm cho em một ít bánh tráng khoai và bánh hỏi phơi khô vì các con thích ăn những thứ bánh này lắm" (thư ngày 3.7.1949); "Mình nhớ gửi vài chai nước mắm và gạo sang đây cho em bằng đường biển từ Sài Gòn" (thư ngày 6.2.1950); "Bính đã chuyển tới em mắm và gạo của bà Hữu ở Paris gửi biếu. Có cả nem và lạp xưởng và em đã thưởng thức ngay trong sáng nay" (thư ngày 13.12.1950); "Họ mang đến cho em bánh Trung thu, nước mắm của Mẫu hậu nhờ chuyển và cả chả lụa nữa" (thư ngày 1.9.1950) …


Một trong những nội dung trao đổi với cựu hoàng Bảo Đại, ta thấy nhiều lần bà nhắc đến việc học hành của các con. Có lúc bà than phiền: "Tiếng Việt ở đây không được dạy đều đặn" (thư ngày 19.10.1951).


Do đó, "Mình đã làm em vô cùng sung sướng khi giao Long khôi phục lại tủ sách Việt ngữ cho em, gồm cả thơ, tiểu thuyết, truyện sử v.v… và tất cả những cuốn sách em có trong cung An Định đã bị những kẻ hầu hạ Mẫu hậu lấy hết rồi. Em hoài vọng về nền văn học của nước nhà. Xin Mình hãy giúp em mua lại những tủ sách của các quan chức thuộc địa cũ nhằm khôi phục lại bộ sách của em bao gồm tất cả các sách nói về Đông Dương" (thư ngày 1.11.1951).


image009Nam Phương hoàng hậu thời thiếu nữ. Q. TRÂN chụp từ sách


Ở lá thư này còn thú vị ở chỗ hé lộ cho chúng ta biết Nam Phương hoàng hậu rất ham thích đọc sách.


Chính nhờ hay đọc sách nên có lần bà đã phát hiện ra những chi tiết không đúng viết về Nam kỳ in trong sách giáo khoa phát hành ở Pháp: "Đó là cuốn Thế giới toàn cảnh của tác giả Renaud de Jouvenel do nhà xuất bản ở địa chỉ 33 André des Arts, Quận 6, Paris ấn hành ngày 15.6.1949 tại xí nghiệp in Chaise số 20 Bergère, Paris. Hãy đọc trang 240 viết về Nam kỳ, và điều đó được giảng dạy trong một số trường học công. Em rất bực mình và đã gửi thông báo cho Đệ để ông ta làm văn bản kháng nghị lên Bộ Các nước liên kết đòi rút tài liệu này ra khỏi các trường học" (thư ngày 18.1.1952).


Lời lẽ trong thư quyết liệt và các cứ liệu rõ ràng, đầy đủ, "nói có sách, mách có chứng", chứng tỏ dù sống xa đất nước nhưng trong lòng bà vẫn hướng về cố hương và có mối quan tâm sâu sắc.


Sống nơi đất khách quê người, tất nhiên 5 người con của bà đều học theo lối giáo dục của văn hóa Pháp, nhưng lúc nào bà cũng đau đáu: "Con của chúng ta đang cần một thầy phụ đạo xứng đáng có kiến thức văn hóa như Trần Trọng Kim vậy để giảng dạy cho nó về nền văn hóa Việt - Hoa và có thể đi ra ngoài phố mà không bị sự khinh rẻ của đồng hương".


Nam Phương hoàng hậu tha thiết: "Xin Mình cho biết liệu em có thể gọi Lê Thành Ý đến dạy Việt ngữ cho con trai lớn chúng ta được không?" (thư ngày 23.3.1954). Được biết, ông Lê Thành Ý có người con trai về sau trở thành nhà sử học, nhà khoa học xuất sắc Lê Thành Khôi, gần đây bộ sách giá trị Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX của ông Khôi đã được dịch và phát hành tại VN.


Nhắc lại điều này, để thấy Nam Phương hoàng hậu luôn tự hào và rất ý thức bảo tồn về văn hóa Việt nên bằng mọi cách bà quyết tìm đúng người tài để dạy Việt ngữ cho con của mình.


(còn tiếp)


++++++++++++++++++++++++++


Tư liệu lần đầu công bố về Nam Phương hoàng hậu và vua Bảo Đại


Nỗi lòng xa xứ của Nam Phương Hoàng Hậu


Lê Minh Quốc


28/03/2023


https://thanhnien.vn/noi-long-xa-xu-cua-nam-phuong-hoang-hau-185230327125643175.htm


"Mình đang có nhiều trọng trách phải đảm nhiệm bằng lòng dũng cảm và sự sáng suốt. Em xin góp một phần nhỏ bằng sự hy sinh không ở bên cạnh Mình để Mình được rảnh rang mà hoàn thành sứ mệnh. Em tin tưởng như vậy và tin vào tương lai", thư gửi cho Bảo Đại ngày 3.5.1949, hoàng hậu Nam Phương.


Về các thư từ của Bảo Đại, nhà nghiên cứu Phạm Hy Tùng, tác giả của sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tài liệu chưa công bố (NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành), cho biết: "Một trong những điều khoản của Thỏa ước Elyseés Pháp ký với cựu hoàng có quy định về phía Pháp sẽ chịu chi phí vận chuyển và đảm bảo bí mật thư tín qua lại giữa cựu hoàng ở VN và vợ con ở Pháp gửi qua hệ thống bưu chính Pháp nên mới được gọi là "đường dây bưu chính nghi thức" - tức công việc thuộc lãnh vực ngoại giao".


Tuy nhiên những gì xảy ra trong thực tế lại khác, không dưới một lần bà Nam Phương than phiền: "Bức thư Mình viết cho em đã bị người ta bóc ra để kiểm duyệt. Thật là ngán ngẩm cho những kẻ soi mói vào cả đường dây bưu chính nghi thức dành cho chúng ta" (thư ngày 19.5.1949).


Dù vậy, khi trao đổi với chồng, bà vẫn không ngần ngại trình bày chính kiến về nhiều vấn đề liên quan đến Bảo Đại.


image011Hoàng hậu Nam Phương và các con tại Pháp


"Mình đang có nhiều trọng trách phải đảm nhiệm bằng lòng dũng cảm và sự sáng suốt. Em xin góp một phần nhỏ bằng sự hy sinh không ở bên cạnh Mình để Mình được rảnh rang mà hoàn thành sứ mệnh. Em tin tưởng như vậy và tin vào tương lai. Em tin chắc Thượng đế sẽ phù hộ độ trì cho đôi ta chung nhau sự hy sinh này. Nước nhà được hợp nhất thì đó là cuộc kết hôn cộng đồng đẹp đẽ cũng giống như cuộc hôn nhân vì tình yêu mà đôi ta đang thực hiện. Có thể so sánh ví von như vậy một chút Mình ạ. Trong một đất nước nói chung, cũng như trong một gia đình nói riêng thì sự đoàn kết phải được siết chặt và không ai được vị kỷ, có như vậy thì mới bền vững trước mọi thử thách và mưu toan phá hoại" (thư ngày 3.5.1949).


Lưu ý rằng, lá thư này viết vào năm 1949 là thời điểm người Pháp còn đóng vai trò nhất định trong vùng tạm chiếm với âm mưu xâm lược, chia cắt nước ta lần nữa.


Vậy câu "Nước nhà được hợp nhất" là bà hướng tới mong muốn bãi bỏ hẳn ràng buộc của Hòa ước Paternot (Hòa ước Giáp Thân 1884), trong đó quy định ranh giới ba miền Bắc, Trung, Nam - mà sau này Viện Sử học VN đánh giá: "Hiệp ước này mang ý nghĩa một bản khai tử đối với chủ quyền đối ngoại của vua nước Nam".


image012Nam Phương Hoàng Hậu thăm Vatican năm 1954. MANHHAI FLICKR


Vậy, thời điểm năm 1949, Bảo Đại đã làm được những gì? Sử sách đã ghi, nay không nhắc lại. Từ Pháp, Nam Phương hoàng hậu luôn quan tâm đến mọi hoạt động chính trị của chồng. Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý, theo chúng tôi, vẫn là từ những gì người chồng đã làm, đang làm bà đã nghĩ đến số phận của người nghèo hèn, bất hạnh với niềm cảm thông sâu sắc, không dễ gì có được ở người đàn bà "lá ngọc cành vàng" nếu thiếu lòng nhân.


"Em đọc báo thấy có đăng một người đàn bà ôm con đang quỳ khóc dưới chân Mình. Thật là một hình ảnh gây ấn tượng mạnh và rất xúc động. Liệu Mình có thể nhận đứa bé đó làm con nuôi không? Em đang nghĩ đến những đứa trẻ mồ côi cha. Người ta sẽ làm gì với tất cả những đứa trẻ này?" (thư ngày 20.7.1949).


Làm thế nào để cứu vớt cuộc đời của người bất hạnh nói chung? Đã có lần bà tỉ mỉ tính toán việc học đánh banh tennis của Bảo Đại đã "tốn kém như thế nào". Rồi bà viết tiếp: "Mình đừng nên tiêu phí phạm như vậy. Số tiền này có thể chi tiêu vào nhiều việc có ích hơn thế. Hơn nữa em đang muốn giúp đỡ các sinh viên của ta không được ở ký túc xá mà phải thuê nhà ở ngoài nên lại bị bọn chủ nhà trọ bóc lột tàn tệ…" (thư ngày 17.1.1953).


Tấm lòng của bà, Bảo Đại có thấu cảm? Ta không thể biết vì ở ngoài cuộc, nhưng qua tâm sự trong những lá thư gởi chồng, ta nhận thấy nỗi lòng của bà luôn đau đáu (chú thích của VHO: chữ của người miền Nam là đăng đẳng hay là miên man suy nghĩ) về người nghèo, về đất nước.


"Em đau khổ khi phải cứ bứt rứt khi nghĩ tới đồng bào ta sống trong cảnh bất an đang phải chịu đựng những tội ác gây ra từ nhiều phương diện khác nhau. Mình lại sắp nói rằng có thể em bị bệnh. Có thể đúng đó là sự thật và vì thế em muốn nín lặng hơn là than vãn vì sẽ làm trầm trọng thêm những lo lắng vốn đã nặng trĩu trong lòng. Vì vậy Mình đừng lấy làm ngạc nhiên khi thấy thỉnh thoảng em không viết cho Mình. Em muốn như một con thú rừng bị thương đang chui vào đáy hang để lặng lẽ đau đớn một mình" (thư ngày 20.9.1949).


Năm 1950, khi Hội Chữ thập đỏ Pháp muốn chia sẻ công việc với Hội Chữ thập đỏ VN tại Sài Gòn, hoàng hậu Nam Phương được mời làm hội viên danh dự. Nhưng khi tham gia vào hoạt động ấy rồi, lúc tâm tình qua thư với Bảo Đại, nguyện vọng của bà thì hội phải "thành tâm nhằm cải thiện tình hình y tế trong những vùng nông thôn, cũng như đối đãi với các tù nhân, không phân biệt chủng tộc và không tôn giáo" (thư viết ngày 19.4.1950). (còn tiếp) 


++++++++++++++++++++++++++++++++


Tư liệu lần đầu công bố về Nam Phương hoàng hậu và vua Bảo Đại: Cuộc sống ẩn dật và khó khăn cuối đời


Lê Minh Quốc


31/03/2023 06:52 GMT+7


https://thanhnien.vn/tu-lieu-lan-dau-cong-bo-ve-nam-phuong-hoang-hau-va-vua-bao-dai-cuoc-song-an-dat-va-kho-khan-cuoi-doi-185230331002801667.htm


Không phải ngẫu nhiên, mẹ nuôi cựu hoàng Bảo Đại là bà Charles đã viết thư thông báo với con mình, rằng: "Con trai lớn thân yêu của má (...) Thiếu vắng con, trong hoàn cảnh như hiện nay quả là một thử thách gay go đối với Mariette". Mariette là tên thánh của Nam Phương hoàng hậu.


Sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tài liệu chưa công bố (NXB Tổng hợp TP.HCM) hé lộ nhiều chi tiết cho biết cựu hoàng Bảo Đại vốn "lơ tơ mơ", ít quan tâm đến chuyện quản lý tài sản, tiền bạc. Đôi lần bà Charles đã nói điều này với bà Agnès - chị vợ của cựu hoàng về việc thúc giục ông ký xác nhận tài sản: "Chắc chắn là V chẳng bao giờ ký, vì con biết đấy. V rất vô tư với vấn đề về tiền bạc mua bán" (thư ngày 18.9.1946). V là viết tắt tên thật Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy mà bà gọi con nuôi của mình khi ông du học tại Pháp.


image013Nơi yên nghỉ của Nam Phương hoàng hậu tại Pháp. (Ct: Chú ý, mộ khắc ngày sinh và ngày mất). QUỲNH NGUYỄN


Khác với những gì trước đây nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, sau khi lưu vong, cuộc sống cựu hoàng Bảo Đại cực kỳ túng thiếu, phải sống nhờ vào tiền bạc của tình nhân, thật ra "của chìm của nổi" của ông còn rất nhiều (???). Trong khi đó, với Nam Phương hoàng hậu lúc xa xứ phải đơn thân, một mình nuôi 5 con nên thiếu trước hụt sau là điều dễ hiểu, mọi thứ chi tiêu đều trông chờ vào trợ giúp của chồng.


Sự túng thiếu này có thể thấy rõ qua nhiều chi tiết trong thư bà viết gửi chồng: Ngày 25.6.1948 lúc Bảo Đại đang ở Hồng Kông, Hoàng hậu Nam Phương tâm sự: "Em quên bẵng đi mất, không đưa cho Mình tờ hóa đơn đặt làm những tấm thảm trải sàn nhà".


Thư viết ngày 26.4.1949, lúc Bảo Đại đã về VN: "Sau hôm Mình rời khỏi nhà, em nhận tới tấp một loạt hóa đơn đòi thanh toán các khoản tiền thuê ga để ô tô, tiền chụp ảnh, tiền thuê phòng, nhà nghỉ… vân vân… nhiều lắm". Đã thế, "Tài khoản của em đang bắt đầu cạn dần. Từ ngày Mình trở lại người đứng đầu của nhà nước thì các hóa đơn đòi thanh toán các khoản cũng tăng theo".


Còn các việc khác, Nam Phương Hoàng Hậu đều trông chờ vào khối tài sản của chồng. Khi mua ngôi biệt thự tại Rabat, bà viết trong thư ngày 30.11.1950: "Em không còn tiền, số tiền Mình đưa cho em khi ra đi đã cạn vì làm những việc như lợp mái, sửa chữa những gian phòng bị thấm nước, cũng như những việc phải tu bổ ở Valberg".


Hết sức bất ngờ, khi chúng ta biết thêm một chi tiết oái oăm, rằng, con trai trưởng Bino (tức Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Bảo Long) lái chiếc xe Jaguar đã cũ mèm, trong lần đang chạy xe đã tông vào ụ đá chất đống ở bên đường, "chiếc xe bị hư vỏ bọc và hai bánh xe bên trái". Thư ngày 23.1.1954, bà than tiếp với chồng: "Hiện nay em đang chờ những chiếc bánh ô tô từ Italy gửi sang để lắp vào chiếc xe Jaguar cho đồng bộ… Trong thời gian chờ sửa xe, Bino dùng tạm chiếc Bentley hoặc chiếc Muntj của Ba để thử đi…".


Tuy nhiên, sự tằn tiện, "liệu cơm gắp mắm" của Nam Phương hoàng hậu nơi xứ người hầu như không được Bảo Đại quan tâm lắm, bằng chứng là trong thư ngày 22.10.1951, bà cho rằng mình rất ngạc nhiên: "Em không ngờ Mình lại tậu những hai chiếc máy bay. Mình thật đáng yêu vì đã nghĩ đến việc dành một chiếc cho em". Rồi từ thực tế của cuộc sống hằng ngày tại Pháp, bà đâm ra đắn đo, tính toán: "Nhưng nếu dùng máy bay này của Mình để đi Paris thì cứ mỗi cây số bay em sẽ phải trả một khoản tiền bằng chi phí có thể bằng cả một tháng tiêu xài thoải mái ở nơi này, nếu đi bằng xe lửa. Đi máy bay thì rất tiện nghi nhưng em không hề muốn sử dụng một chiếc nào cho riêng em". Sự lựa chọn này, hoàn toàn hợp lý trong hoàn cảnh của bà và các con nơi đất khách quê người.


Năm tháng sống nơi xứ người, Nam Phương hoàng hậu xác định: "Em xin góp một phần nhỏ bằng sự hy sinh không ở bên Mình để Mình được rảnh rang mà hoàn thành sứ mệnh" (thư ngày 3.5.1949).


Cuối cùng, Bảo Đại đã không hoàn thành sứ mệnh như bà mong muốn: Ngày 23.10.1955, tại miền Nam diễn ra cái gọi là cuộc "trưng cầu dân ý", qua đó, Thủ tướng Ngô Đình Diệm giữ chức Quốc trưởng thay thế Bảo Đại bị truất phế. Ngày 16.12.1957, ông Ngô Đình Diệm ký Dụ 17/57 tịch thu tất cả tài sản của vợ chồng Bảo Đại và một số người thân tín.


VÀI CHI TIẾT CÒN TRANH CÃI TRÊN MỘ


Từ năm 1958 đến khoảng thời gian còn lại cuối đời, Nam Phương Hoàng Hậu chọn cuộc sống ẩn dật, xa lánh mọi mối quan hệ. Bà mua một trang trại tại làng Chabrignac thuộc tỉnh Corrèze, cách thủ đô Paris 450 cây số. Hiện nay, biệt thự của bà ở số 4 rue de la Basse Perche, phía trước cổng vào vẫn còn tấm bảng đồng ghi dòng chữ "Domaine de la Perche" (tạm dịch: Biệt thự hoa đào).


Bà qua đời vào đêm 14.9.1963, được an táng tại nghĩa trang Chabrignac. Ngôi mộ của bà đơn giản như biết bao nơi yên nghỉ bình thường của những người khác. Phía trước mộ có tấm bia đá ghi dòng chữ Hán: "Đại Nam Nam Phương hoàng hậu chi lăng", mặt mộ phẳng, đắp nổi cây thánh giá, kế tiếp có dựng tấm bảng nhỏ bằng xi măng ghi dòng chữ:


"Ici repose l'impératrice Nam Phuong née Jeanne Mariette Nguyen Huu Hao 14.11.1913 - 15.9.1963" (dịch nghĩa: Đây là nơi an nghỉ của hoàng hậu tên Jeanne Mariette Nguyen Huu Hao 14.11.1913 - 15.9.1963).


Về thông tin tấm bảng trên mộ có hai chi tiết còn chưa thống nhất: Một là ngày sinh của bà, nếu đúng phải ghi là ngày 17.11.1913 (mộ ghi ngày 14.11.1913).


Chi tiết thứ hai: Về ngày mất của Nam Phương hoàng hậu, có 3 nguồn tài liệu hiện nay khác nhau: có báo điện tử thông tin bà mất ngày 16.9, trong khi tấm bảng trên mộ bà lại ghi ngày 15.9.1963, còn tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân là ngày 14.9.1963. Nay, rất cần xác định lại cho rõ và thống nhất.


+++++++++++++++++++++++++++++++


Chuyện về Nam Phương Hoàng Hậu


04/04/2018


https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3098/68486/chuyen-ve-nam-phuong-hoang-hau.html


Bà là vợ của Vua Bảo Đại, ông vua cuối cùng trong lịch sử Việt Nam ham chơi, bù nhìn cho Pháp (???), nhưng bà là một Hoàng hậu có đủ phẩm cách, một phụ nữ hiền thục, nhân từ và đạo đức, đúng với cái tên của Bà - Nam Phương-hương thơm của phương Nam.


Bà tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh ngày 14-12-1914, tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang, trong một gia đình giàu có vào bậc nhất Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Mặc dù quê ở Tiền Giang nhưng Nguyễn Hữu Thị Lan mang quốc tịch Pháp với tên Pháp là Mariette Jeanne, sống và học tại Sài Gòn. Năm 12 tuổi, Thị Lan được gửi sang Pháp học trường nữ sinh danh tiếng tại Paris. Tháng 9-1932, sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần, Nguyễn Hữu Thị Lan về nước.


image014Chân dung Nam Phương Hoàng hậu.


Chuyện kể rằng, hơn một năm sau khi về nước, với sự bố trí của Toàn quyền Pháp Pasquier và Đốc lý Đà Lạt, Nguyễn Hữu Thị Lan gặp Vua Bảo Đại tại Đà Lạt. Cuộc gặp với Nguyễn Hữu Thị Lan đã để lại cho Bảo Đại một ấn tượng rất sâu sắc. Sau này Bảo Đại đã nhớ lại: Lan có một vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê. Tuy nhiên, vì Nguyễn Hữu Thị Lan theo Công giáo nên cuộc hôn nhân đã gặp nhiều phản đối của Hoàng tộc Triều Nguyễn. Hơn nữa, khi Vua Bảo Đại ngỏ ý lấy Nguyễn Hữu Thị Lan làm vợ, đã đưa ra bốn điều kiện sau: (ct: Thị Lan đưa ra hay ai đưa ra 4 điều kiện?)


1.Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong Hoàng hậu Chánh cung sau ngày cưới;


2.Được giữ nguyên đạo Công giáo và các con khi sinh ra phải được rửa tội theo giáo luật Công giáo và giữ đạo;


3.Riêng Bảo Đại thì vẫn giữ đạo cũ là Phật giáo;


4.Phải được Tòa Thánh cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ hai tôn giáo khác nhau.


Vua Bảo Đại nói: Trẫm cưới vợ cho Trẫm chứ không phải cưới vợ cho Triều đình nên hôn lễ đã được tổ chức tại Huế ngày 20 tháng 3 năm 1934, khi đó Vua Bảo Đại 21 tuổi, Nguyễn Hữu Thị Lan 20 tuổi... (???). Hơn nữa, ngay sau ngày cưới Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong Hoàng hậu rất trọng thể tại điện Dưỡng Tâm với tước vị Nam Phương Hoàng hậu. Đây là một biệt lệ (vì 12 đời Tiên đế nhà Nguyễn trước các bà Chánh cung chỉ được phong tước Hoàng Quý phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu). Bảo Đại đã chọn tên trị vì cho Hoàng hậu và còn giải thích thêm về tên Hoàng hậu Nam Phương nghĩa là hương thơm của miền Nam. Vua còn ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà Nam Phương được phục sức màu vàng là màu chỉ dành riêng cho Hoàng đế.


Nói về cuộc hôn nhân giữa Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan, Đổng lý ngự tiền Văn phòng của Bảo Đại Phạm Khắc Hòe trong cuốn hồi ký “Từ Triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc” đã viết rằng: Cuộc kết hôn này lý trí nặng hơn tình cảm. “Cô Lan lấy Bảo Đại chủ yếu là để lên ngôi Hoàng hậu. Bảo Đại lấy cô Lan chủ yếu là để đào mỏ. Về mặt tình cảm nếu có thì cũng chỉ là bề ngoài, hai người đều mạnh khỏe, yêu thể thao và quen sống lối phương Tây. Còn về tính tình tâm tư thì hầu như trái ngược nhau. Bảo Đại nông cạn, ngây thơ, nhu nhược, thích ăn chơi hơn là quyền bính. Ông ta có thể phục thiện nhưng rất dễ bị bọn cơ hội lợi dụng. Trái lại Nam Phương là người kín đáo, trầm tĩnh, sâu sắc, có cá tính, có đầu óc suy nghĩ, thích đọc sách, nghiên cứu hơn là ăn chơi, thích uy quyền và có nhiều tham vọng chính trị… Tham vọng của Nam Phương là khi có con trai sẽ phong làm Thái tử để nối ngôi và quyền bính sẽ do bà Thái hậu Nam Phương nắm giữ. Sau này có người hỏi bà Nam Phương tại sao bà lại lấy một ông vua không có đạo, lại ăn chơi trác táng, rồi sau đó còn năm thê bảy thiếp… Bà trả lời “Việc này do Chúa định, tôi biết nói làm sao được”.


image016Nam Phương hoàng hậu được biết đến như một biểu tượng nhan sắc của Việt Nam.


Thời gian làm Hoàng hậu của bà Nam Phương chỉ kéo dài hơn 10 năm, kể từ năm 1934 đến năm 1945 khi Vua Bảo Đại buộc phải thoái vị do cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử. Ngày 30 tháng 8 năm 1945, trong tuyên bố thoái vị, Vua Bảo Đại nói: Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước nô lệ. Đây cũng là dấu mốc chấm dứt tham vọng chính trị của Nam Phương và bà phải sống một cuộc đời xa xứ, cô đơn lạnh lẽo cho đến cuối đời. (???)


Trong khí thế cách mạng của toàn dân quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng, tại Huế, Hoàng hậu Nam Phương đã thể hiện tinh thần yêu nước của mình. Ngày 17 tháng 9 năm 1945, Bà là người đầu tiên đến nơi Mặt trận Việt Minh tổ chức “Tuần lễ vàng” tại Huế, tự nguyện tháo hết trang sức bằng vàng mang trên người hiến tặng cho cách mạng. Tại đây, Bà được gắn một huy hiệu in cờ đỏ sao vàng. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, bà Nam Phương đã viết một thông điệp gửi cho bạn bè Á châu đề nghị họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lược của Pháp. Thông điệp đó được Nhà sử học Pháp Jean Renaud ghi lại trong một cuốn sách do Nhà Xuất bản Guy Boussac ấn hành tại Pháp năm 1949. Bà viết: “Kể từ tháng 3 năm 1945 nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp. Nhưng vì lòng tham của thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. Hành động này của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng Minh mà nước Pháp lại là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi. Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các Chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào chúng tôi”.


Chúng ta biết Bảo Đại - chồng bà sau khi thoái vị được mời làm “cố vấn tối cao của Chính phủ lâm thời Việt Nam” và được là đại biểu Quốc hội đầu tiên năm 1946. Tuy nhiên tháng 3 năm 1946, Bảo Đại tham gia phái đoàn của Chính phủ Việt Nam DCCH sang Trung Hoa, sau đó đã không trở về mà sống tại Hồng Kông và cũng từ chức “Cố vấn tối cao trong Chính phủ.


Ngày 1 tháng 1 năm 1947, Nam Phương Hoàng hậu cùng các con rời Việt Nam sang Pháp. Ở đây Bà được nhận một khối tài sản lớn do cha đẻ của mình trao cho. Đó là một chung cư lớn tại Neuilly và một chung cư tai Đại lộ Opera, ngoài ra còn nhiều nhà đất ở Côngô, Marốc… Tất cả Bà chia cho các con, chỉ giữ lại một trang trại ở Chabrignac gồm 160 mẫu đất với một đàn bò gần 100 con bò và một vườn hồng lúc nào cũng nở hoa. Điều đó thể hiện cách sống của Bà khi chồng mình- Bảo Đại đã có tuổi mà vẫn mải miết ăn chơi, Bà muốn những năm tháng cuối đời được sống thanh thản. Cao hơn thế, Bà muốn giữ mãi là một phụ nữ Việt Nam được sinh ra trong một gia đình nề nếp, một tín đồ nghiêm khắc của đạo Công giáo.


Từ năm 1949 khi Bảo Đại về Việt Nam ngồi ghế (???) “Quốc trưởng”, bà Nam Phương một mình vẫn ở lại Pháp, thỉnh thoảng Bảo Đại về thăm. Tuy nhiên, từ sau năm 1955, khi các con của họ đã lớn, mỗi người đi làm một nơi thì bà Nam Phương rời lâu đài ở Cannes trở về sống trong một lâu đài ở Chabrignac, thuộc tỉnh Correze, cách Paris khoảng 500 km. Có lần Bà ngỏ ý muốn trở về Việt Nam để được chết và an táng bên cạnh hai mộ thân sinh và thân mẫu ở Đà Lạt nhưng Bảo Đại và các con của Bà phản đối.


image017Vẻ đẹp phúc hậu của Nam Phương Hoàng hậu.


Buồn nản vì tình cảnh của mình, bà Nam Phương sống âm thầm trong ngôi nhà vắng vẻ. Cựu Hoàng đế Bảo Đại về thăm Bà được mấy lần. Thỉnh thoảng Bà mới về thăm Paris vài ngày, trong khi các con của Bà chỉ có dịp hè mới về thăm mẹ. Bà bị bệnh tim nặng. Và vào ngày 14 tháng 9 năm 1963, Bà bị cảm lạnh, sốt cao, khó thở, bác sỹ không đến kịp nên Bà đã ra đi vào lúc 5 giờ chiều, khi vừa tròn 49 tuổi (ct hay 50 tuổi?). Lúc lâm chung, các con thì ở xa, Bảo Đại sống ở miền Nam nước Pháp, bên cạnh bà Nam Phương chỉ có hai người giúp việc.


Khi được tin vợ tạ thế, Bảo Đại đã trở về ngay và đã mua một chiếc quan tài bằng gỗ sồi, loại gỗ quý gia nhất của người Pháp để an táng cho Bà. Đám tang bà Nam Phương được tổ chức theo nghi thức đạo Công giáo rất đơn giản, chỉ có các hoàng tử, công chúa và một ít bạn bè thân thiết, trong đó có Công chúa Như Lý, con gái Vua Hàm Nghi sống ở Pháp lúc đó đến dự. Linh cữu Hoàng hậu Nam Phương được an táng tại nghĩa trang Công giáo ở Chabrignac.


Ngày nay, khi đến thăm các dinh của Bảo Đại, chúng ta thường thấy hình ảnh của bà Nam Phương Hoàng hậu. Nhìn hình ảnh Bà chúng ta nhớ về số phận một con người đã thật sự hạnh phúc và sung sướng cả về vật chất cũng như danh vọng lúc còn trẻ, nhưng cuối đời lại ra đi trong sự cô đơn lạnh lẽo nơi xứ người ở tuổi còn khá trẻ. Tuy nhiên với vẻ đẹp phúc hậu và tấm lòng nhân từ của mình, Bà ra đi đã 55 năm nhưng cuộc đời Bà chắc chắn sẽ còn được người đời nhắc tới.


Việt Hải / thegioidisan.vn
17 Tháng Sáu 2023(Xem: 1566)