VĂN HÓA ONLINE - ĐỊA LÝ NHÂN VĂN - THỨ HAI 06 JUNE 2022
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Người phụ nữ Việt đầu tiên chinh phục đỉnh Everest: “Chắp tay lạy cám ơn thần linh…”
Céline Thanh Nhã: “Mình mang dải cờ đã được Lạt Ma ban phép từ ngày đầu làm lễ dưới EBC tiến đến gần và từ từ cột vào đỉnh núi”.
“Chắp tay lạy cám ơn thần linh đã cho con leo đến đây an toàn. Mình nhìn xuống thẳng phía dưới gần 9000 mét”.
BBC 04/6/2022
Ngày 16/5, Seven Summit Treks - công ty chuyên tổ chức leo núi ở Kathmandu, Nepal xác nhận Céline Thanh Nhã là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên leo lên đỉnh Everest.
Thành tựu của cô đã trở thành một dấu mốc lịch sử cho những phụ nữ yêu thích leo núi ở Việt Nam.
Trước đây đã có một số người đàn ông Việt Nam đặt chân lên đỉnh Everest ở Nepal.
Céline Thanh Nhã tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh Nhã, hiện là luật sư tại TP.HCM. Sau khi chinh phục đỉnh Everest thành công, cô xuống núi và ở tại Trạm căn cứ Everest (EBC) để phục hồi sức khoẻ.
Hiện tại, cô đã trở về Việt Nam sau hành trình gần hai tháng chinh phục nóc nhà thế giới.
BBC News Tiếng Việt đã trò chuyện với cô để biết thêm về hành trình chinh phục nơi cao nhất hành tinh của nữ luật sư này.
BBC: Chị có thể kể lại hành trình chinh phục đỉnh Everest?
Tập đoàn Openasia, nơi mình làm việc, đã tổ chức một chuyến company trip (chuyến du lịch công ty) thật đặc biệt mà có lẽ chưa có công ty nào ở Việt Nam tiên phong. Đó là tổ chức một đội leo núi Everest với hai chặng, bao gồm chặng 1 là trek (đi đường dài) đến Trạm căn cứ Everest (EBC) cùng tất cả thành viên trong đoàn, và chặng 2 là leo lên đỉnh 8848,86m.
- Ngày 12/05/2022: 1:00 sáng leo từ EBC vượt thác băng Khumbu đến Camp (trạm căn cứ) 1. Mình leo khuya để băng còn cứng. Thác băng này rất nguy hiểm, nếu leo trưa nắng nguy cơ băng mềm và đổ xuống đầu rất cao.
- Ngày 13/05/2002: Leo từ Camp 1 lên Camp 2.
- Ngày 14/05/2022: Leo từ Camp 2 lên Camp 3 nằm giữa lưng chừng ở Lhotse Face.
- Ngày 15/05/2002: Leo từ Camp 3 lên Camp 4 trên mặt Lhotse Face. Dừng lại nghỉ ở Camp 4 vài giờ đồng hồ, sắp xếp đồ đạc, nghỉ ngơi một chút và tiếp tục đi thẳng lên đỉnh.
- Ngày 16/05/2022: Mình lên đỉnh trong màn đêm ngoài dự đoán của tất cả mọi người. Mình đặt chân lên đỉnh lúc hơn 3:00 sáng nhưng giờ được Liaison Officer của chính quyền ghi nhận lúc 3:30 sáng ngày 16/05, là người đầu tiên chinh phục Everest trong ngày 16.
Sau khi đặt chân lên đỉnh mình ở trên đỉnh hơn một giờ. Thời tiết tốt, không lạnh lắm và ít gió. Nhiệt độ chỉ tầm -20 độ C, gió 5km/h. Đây là thời tiết lý tưởng hiếm hoi trên Everest.
Mình hạ độ cao xuống Camp 4 nhanh chóng và cũng là người đầu tiên trở về Camp 4 sau khi đến đỉnh.
Nhận được lời chúc mừng từ mọi người đang đợi ở Camp 4 vì là người đầu tiên trở xuống.
Mình nghỉ thêm vài giờ ở Camp 4 chờ các đồng đội summit xong và tiếp tục leo xuống mặt Lhotse Face rất dốc, đi qua Camp 3 và xuống Camp 2 an toàn lúc 4:30 chiều cùng ngày.
Nguồn hình ảnh, Nhân vật cung cấp
Chụp lại hình ảnh,
Céline Thanh Nhã lên tới đỉnh Everest lúc 3h30 rạng sáng ngày 16-5
BBC: Everest trong mắt chị như thế nào?
Vượt qua Hillary Step, mình bước từng bước một, tiến dần lên đỉnh thật chậm, thật từ từ và cảm nhận dư vị ngọt ngào của việc đứng trên điểm cao nhất của hành tinh này.
Mình mang dải cờ đã được Lạt Ma ban phép từ ngày đầu làm lễ dưới EBC tiến đến gần và từ từ cột vào đỉnh núi.
Cảm xúc như vỡ oà. Chắp tay lạy cám ơn thần linh đã cho con leo đến đây an toàn. Mình nhìn xuống thẳng phía dưới gần 9000 mét.
Kia là Tây Tạng, kia là Nepal, xa nữa không biết là đâu. Các dãy núi 8000m, 7000m đã ở dưới mình rất xa. Cách đỉnh vài mét là trụ ăng ten thời tiết của National Geographic vừa được lắp đặt xong. Đây có thể xem như một cột mốc nhận diện mới trên đỉnh Everest.
Cảm giác là người đầu tiên lên đến đỉnh Everest trong ngày thật phấn khích, khó tả. Mình bắt đầu ngồi trên đỉnh soạn tin nhắn đầu tiên về nhà cho mẹ và cho bạn bè thân thiết.
Nguồn hình ảnh, Nhân vật cung cấp
Chụp lại hình ảnh,
Cảm xúc như vỡ oà, Céline Thanh Nhã chia sẻ
Nguồn hình ảnh, Nhân vật cung cấp
Chụp lại hình ảnh,
Dải cờ đã được Lạt Ma ban phép là hành trang của Céline Thanh Nhã
BBC: Cảm giác của chị khi trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân lên nóc nhà thế giới?
Mình rất hạnh phúc và tự hào. Mình là người leo núi nghiệp dư. Leo núi là sở thích cá nhân của mình, và mình chỉ vô tình trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên leo đến đỉnh Everest trong hành trình rong chơi leo Thất Đỉnh của thế giới.
Ngày mình chinh phục được Everest vào sáng 16/05, báo chí ở Việt Nam biết và đăng tin gần như trực tiếp do Seven Summit Trek đăng tải khi nhận được báo cáo mình đang trên đỉnh. Mấy ngày sau mình xuống đến EBC mới biết mọi người đều biết tin.
Mình vui nhưng cũng mắc cỡ vì được quan tâm nhiều hơn mức bình thường. Mình không nghĩ là mọi người lại quan tâm đến việc một cô gái leo núi Everest đến vậy. Đối với mình, niềm hạnh phúc lớn nhất khi thành công chinh phục được Everest chính là đã chinh phục bản thân mình.
Nguồn hình ảnh, Nhân vật cung cấp
Chụp lại hình ảnh,
Céline Thanh Nhã là người leo núi nghiệp dư
BBC: Trong quá trình leo núi, chị và đoàn có gặp phải sự cố nào không?
Do chuẩn bị tốt tất cả các khâu nên cơ bản đoàn mình không gặp khó khăn gì lớn. Chỉ có vấn đề về sốc độ cao là khó lường trước, một số thành viên trong đoàn có thể lực rất tốt nhưng khi đến EBC vẫn xuất hiện một số triệu chứng như đau đầu, tụt oxy... trên đường đi nhóm mình có gặp 3 đoàn Việt Nam khác cũng đi EBC. Nhưng đoàn nào cũng có vấn đề về độ cao, nhẹ thì đau đầu và ói, nặng thì có bạn spo2 (độ bão hoà oxy trong máu ngoại vi) xuống còn 30% và phải thở oxy.
Cũng may ở đoàn mình thì triệu chứng nhẹ và cả đoàn hỗ trợ nhau rất kịp thời về thuốc men cũng như tinh thần nên không có ai gặp vấn đề nghiêm trọng. Mình rất mừng khi các đồng nghiệp của mình đều tới được EBC.
Trên thực tế, phần lớn các tai nạn trên núi xảy ra trên con đường đi về, khi mà sức khoẻ đã giảm sút sau nhiều ngày đi liên tục và khi tinh thần mất đi sự tập trung cần thiết.
Thế nên khi đi xuống nhóm của công ty mình đã áp dụng chiến thuật "đi cùng nhau". Người trước cách người sau không quá 5m để đảm bảo không ai bị rớt lại.
Cả đoàn đi theo vận tốc của người dẫn đầu (sếp mình), tất cả tạo thành một nhóm thống nhất, hỗ trợ, động viên nhau, cứ kiên nhẫn từng bước từng bước một như thế bọn mình đã xuống núi an toàn.
Nguồn hình ảnh, Nhân vật cung cấp
Chụp lại hình ảnh,
Cô cho biết thác băng Khumbu rất nguy hiểm, nếu leo trưa nắng nguy cơ băng mềm và đổ xuống đầu rất cao
BBC: Là dân văn phòng, chị chuẩn bị cho hoạt động này như thế nào?
Leo đỉnh Everest là một dự án khá dài và khá gian khổ. Kể từ lần đầu tiên mình trek đến EBC cùng một nhóm bạn vào năm 2017, mình vẫn nung nấu ý định sẽ leo hẳn đỉnh 8848m chứ không chỉ trek đến EBC thế này!
5 năm qua, mình đã bỏ ra rất nhiều thời gian để tập thể lực và kỹ năng leo núi. Mình kết bạn và đi leo núi với những người (gần như) giỏi nhất thế giới, học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng từ họ để mong tiến bộ nhanh hơn.
Sáu tháng trước chuyến đi, mình tập nặng hơn, không có ngày phục hồi và không bỏ một ngày nào.
Mình rất thích tựa đề của một quyển sách: "No Shortcuts to the Top / Không có đường tắt đi đến đỉnh!" viết về việc leo 14 đỉnh của Ed Viesturs, nhà leo núi người Mỹ. Mình đã cố gắng hết sức để chuẩn bị cho chuyến đi này. Mình tin tưởng vào sức mạnh của kỷ luật và nỗ lực bản thân.
Các đồng nghiệp của mình tại Openasia đã động viên, cùng tập luyện trong suốt 6 tháng và cùng leo với mình đến tận EBC.
Nguồn hình ảnh, Nhân vật cung cấp
Chụp lại hình ảnh,
Đoàn leo núi đã phải chuẩn bị kỹ càng
BBC: Chị có thể chia sẻ với những người Việt có ước mơ chinh phục Everest, đặc biệt là phụ nữ?
"Bạn có thể tin vào những giấc mơ của mình nhưng phải hành động để biến chúng thành hiện thực". Ngoài sự yêu thích mạo hiểm, ý chí sinh tồn và lòng quả cảm, để vượt qua mọi sợ hãi, rủi ro, muốn chinh phục Everest, bạn cần phải có sự chuẩn bị, rèn luyện thể lực kỹ lưỡng với những bài tập thể lực gắt gao, học thuần thục kỹ năng, kỹ thuật leo núi.
Leo lên các đỉnh núi đã khó (gian khổ nhất là đoạn summit push - ngày cuối lên đỉnh), leo xuống núi cũng vạn phần gian nan.
Mình hy vọng với sự kiện Việt Nam nay đã có phụ nữ đầu tiên chinh phục Everest, nhiều người Việt sẽ quan tâm hơn đến bộ môn leo núi cũng như dấn thân vào những chuyến phiêu lưu, trải nghiệm thử thách ở những vùng đất xa xôi trên thế giới, mở rộng nhân sinh quan, vượt qua sự sợ hãi lẫn những giới hạn thử thách bản thân.
Nguồn hình ảnh, Nhân vật cung cấp
Chụp lại hình ảnh,
Sau khi xuống núi, Céline Thanh Nhã ở tại Trạm căn cứ Everest để phục hồi sức khoẻ
BBC: Giờ đây đã chinh phục được Everest, kế hoạch sắp tới của chị là gì?
Trở về từ Everest, mình vẫn tiếp tục công việc thú vị của mình tại tập đoàn Openasia, vẫn là một luật sư ở đoàn Luật sư TP.HCM, vẫn thích đi đánh golf cuối tuần cùng bạn bè, và thỉnh thoảng nếu có cơ hội mình lại tiếp tục làm chuyến đi chu du thế giới.
Nếu không có gì thay đổi, mình dự định sẽ leo đỉnh Denali cao nhất Bắc Mỹ (6.190m) vào năm 2023 và hy vọng sẽ trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trong lịch sử hoàn thành Thất Đỉnh.
Người Việt nào đã leo đến đỉnh Everest?
Theo truyền thông Việt Nam, tháng Năm năm 2008, nhóm vận động viên gồm Bùi Văn Ngợi, Phan Thanh Nhiên và Nguyễn Mậu Linh, trở thành những người đàn ông Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công đỉnh Everest ở Nepal.
Hôm 13/5/2022, báo chí Việt Nam nói ông Phan Thanh Nhiên, tiếp tục lên đỉnh Everest lần thứ hai sau 14 năm.
Sau đó ba hôm, chị Nguyễn Thị Thanh Nhã trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân lên "nóc nhà thế giới".
Báo Dân Trí dẫn lời ông Phan Thanh Nhiên cho biết trung bình, chi phí tối thiểu cho một nhà leo núi muốn chinh phục đỉnh Everest là 40.000 USD, chưa bao gồm tiền vé máy bay, tiền thiết bị.