Nguyễn Văn Lục: Chiều kích của trái banh

02 Tháng Tám 20186:46 CH(Xem: 7557)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ SÁU 03 AUG 2018


Chiều kích của trái banh


blank

Nguyễn Văn Lục


World Cup 2018 đã chấm dứt. Nước Pháp đoạt giải vô địch bóng đá thế giới. Kỳ tích lần thứ hai đến với nước Pháp sau 20 năm vắng mặt.


Chiều kích của trái banh vốn chỉ là một quả bóng tròn mà chiều ngang hơn một gang tay, nặng chưa tới vài trăm gram. Nhưng sức ảnh hưởng của nó bao trùm cả thế giới.


Trái banh trở thành sức nặng nay mang niềm đam mê, cảm xúc, nỗi vinh nhục cho cả một dân tộc. Sức nặng ấy nay ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.


Thật vậy, bất kể họ là thù địch, bất kể là nước giàu nghèo, bất kể mầu da chủng tộc, bất kể ở đâu Mỹ, Irak, Iran, Trung Quốc, Việt Nam. Họ là Pháp, Đức, Nga hay ai khác đều ra sân thi đấu đối diện với « kẻ thù chính trị » với tinh thần thể thao. Bất kể tôn giáo, bất kể họ là đàn ông hay đàn bà, bất kể họ là trẻ hay già, bất kể là họ đang vui hay đang tuyệt vọng.. Họ đều có chung một nguồn vui và một niềm tin, họ đều cần một sự hòa giải ngắn hạn: Tên nó là World cup do Fifa tổ chức.


Và như thế, bao giờ có nhũng trận đấu giữa người Việt với nhau? Trong nước, ngoài nước?


 Và trong vòng đúng một tháng, kể từ hôm nay, ở Việt Nam, mọi sinh hoạt làm ăn, mọi dịch vụ, mọi công đọan sản xuất, mọi việc buôn bán, giao dịch, mọi đấu đá chính trị của ông Tổng Trọng hay mọi sinh hoạt cá nhân như vợ chồng từ ăn uống, ngủ nghê đến làm chuyện ấy đều sẽ quay chậm lại, sẽ điều chỉnh,  sẽ *khoan* nhường chỗ cho world cup.


Không lạ gì mà Albert Camus- một nhà văn đồng thời với J.P Sartre-đã phải thú nhận như thế này :"Ce que je sais le plus sur la morale et les obligations de l’homme, c’est au football que je dois’’ Điều mà tôi biết hơn hết về luân lý và những bắt buộc của con người, chính là do đá banh mà tôi học được.


Nhưng nếu chúng ta đi ngược lại dòng lịch sử về câu chuyện đá banh, chúng ta sẽ bắt gặp được nhiều thái độ trái chiều đến kinh ngạc.


Thế giới ngày hôm nay đã đổi thay đến không cắt nghĩa được.


Còn nhớ, lúc còn ngồi trên ghế nhà trường trung học, tôi có dịp đọc nhà văn Georges Duhamel, một nhà nhân bản thời đại.. Ông đã nhiều lần, nhiều dịp lên tiếng tố cáo cái nền văn minh máy móc, quá độ, quá tải của con người. Ông đã để lại một số sách vở cho đời như La possession du Monde, Tribulations de l!espérance.. Tôi chỉ còn nhớ là Georges Duhamel đã chế diễu cái thú giải trí coi đá banh của người Âu Châu, đặc biệt là dân Paris thời thế chiến thứ nhất 1914.


Theo ông, đó chỉ là những bọn đàn ông khoác lác, chỉ có tài ăn tục nói phét trên bàn nhậu, một bọn người vô tích sự. Họ tụ họp nhau lại, chen chúc, tranh dành, chửi thề để chiếm được một chỗ ngồi tốt trên các bục khán đài. Họ huýt gíó, họ bực tức, họ la lối, họ ra lệnh. Họ muốn cầu thủ trên sân cỏ phải chơi thế này, phải đá thế kia. Không đúng ý họ thì họ Merde, salaud, bú dzù con c.. vung tay vung chân thất vọng hoặc cười hả hê.


 Cái đó, người ta gọi là tinh thần thể thao?


Họ ngồi đó, ăn uống đến bụng phệ ra. Chẳng những người họ không khỏe ra mà còn sinh bệnh hoạn vì ngồi một chỗ. Vài chục ngàn người trong bọn họ, trả tiền đến để xem đá banh, xem người khác chơi chứ đâu phải họ đến để chơi đá banh.


Rồi cứ tưởng như thế là nền thể thao nước Pháp đang tiến triển mạnh. Cũng thế, Việt Nam thắng giải thì như thể cả nước VN đang tiến lên địa vị Quốc tế!!


Giả dụ đá thắng thì làm như thể chính cả nước VN đã chiến thắng, đã làm bàn.


Cái cảnh ấy tôi cũng thấy lại na ná trong các cuộc tụ họp trước màn ảnh truyền hình của các cộng đồng của nhiều sắc dân trong đó có Cộng đồng người Việt. Thật ra chỉ là công sức của khoảng hơn 20 các cầu thủ trên sân cỏ.


Thật là tội nghiệp cho những Messi, Ronaldo, Mesut- gốc Thổ Nhĩ Kỳ của đội banh Đức. Hay Kylian Mbappé của Pháp. Họ gánh trách nhiệm quả banh trên vai họ mà sức nặng cả ngàn cân.


Nhắc lại thuở ban đầu của nền bóng đá, cả Paris thời thế chiến I chỉ có trên dưới vài trăm cầu thủ thực sự có thao luyện, thực sự chơi thể thao, thực sự có tinh thần thể thao. Tất cả những khán giả còn lại của Paris chỉ là một bọn người « xem » thể thao như một trò giải trí.  « Xem » và « chơi » hẳn khác nhau chứ?


Xứ người thì vậy. Ở Việt Nam, thời thực dân Pháp cai trị, cũng có những nhà nhân bản tầm cỡ như Georges Duhamel.


Đó là các ông Lý Đình Dù còn được gọi là ông Lý Toét và ông xã Xệ.


Cách đây 78 năm, các ông đã đưa ra những lời nhận xét cũng lý thú lắm về môn bóng đá.


Hai ông Lý Toét và Xã Xệ có mặt trên văn đàn vào khoảng 1930, trong một vở Chèo Cải Lương. Lúc đó ông Lý Đình Dù, tức là ông Lý Toét, lý trưởng làng Đình Dù. Các ông lo mọi vệc trong làng, từ việc thuế má, tuần đinh, nhất nhất đều một tay các ông. Ông Lý Toét khổ người ốm yếu tong teo, lưng đi còng, luôn sách cái ô cặp nách. Còn ông Xã Xệ thì lại mập phì quá khổ.


 Trông các ông, người ta nghĩ đến cặp hề Laurel và Hardy.


 Hai ông nổi tiếng từ đó và xuất hiện trên các báo miền Bắc như Nam Phong, Phong Hoá và sau này trên tờ Ngày Nay. Đặc biệt các ông xuất hiện thường xuyên trên trang nhất các báo Tây thời đó như tờ Indochine.


Các ông chửi Tây mà Tây lại đăng hình các ông lên trang nhất mới lạ.


 Sự nổi tiếng của hai ông suốt từ 1930-1945 còn hơn Út Trà Ôn, Thành Được, Thanh Nga, Thái Thanh, Khánh Ly cộng lại. Hình ảnh các ông đã dược kích xấu lên nhiều lần qua những câu thơ như sau :


Ông Lý Toét mà cắp cái ô.

Đi ra phố gặp lúc mưa to

Có bác Xã Xệ mà muốn đi nhờ

Tay thì vời vợ, miệng thét bô bô

Kìa ông Lý, thục nhĩ ra sao

Gọi như thế mà chẳng xem sao

Giá có cúp rượu thì đến chơi liền

Đi nhờ một tý thì cứ vênh vênh

Ồ ông Xã thật rõ lôi thôi

Ô tôi năng cụp mà bất năng xoè

Năng dựng đầu hè mà bất năng treo.


Đến cái độ Lý Toét nổi tiếng như cồn trong một giai thoại thi cử.


Có một lần một thí sinh đi thi vào vấn đáp, ông giám khảo hỏi rằng sau khi vua Lý Thái Tổ băng hà, trò cho biết ai đã lên kế vị vua Lý Thái Tổ? Học trò bí quá thì ông giám kháo nhắc khéo, Lý này bắt đầu bằng chữ T. Anh học trò sướng quá, phá ra cười, nhớ ra được rồi và nói thật to: Thừa thày, ông Lý Toét ạ.


Dĩ nhiên, thầy phải ép mình cho đỗ thôi. 


 Sau đó, hai cụ lại có ý muốn đi xem đá banh vì thiên hạ rủ nhau đi coi đông lắm. Các cụ cũng muốn đi coi một lần cho sáng mắt. Hai cụ mua vé, rồi vào chỗ ngồi. Ngồi một lúc các cụ nhìn nhau thấy lạ quá.


 Có mỗi một trái banh mà hai mươi mấy người cứ dành nhau, đá qua đá lại đến chán.


Cụ Lý quay sang cụ Xã nói: cụ xem, cái người Tây Phương họ đoản trí không? Họ tranh dành nhau một trái banh rồi bắt mình mua vé ngồi coi. Có vô lý không? Tại sao, họ không nghĩ ra là phát cho mỗi người một trái banh để khỏi phải tranh dành nhau, mà lại giữ được hoà khí không? 


Phải, tại sao không phát cho mỗi người một trái banh? Phải tại sao danh dự, vinh nhục lại chỉ kết thúc bằng một trái banh đá vào khung thành địch? Chiều kích và trọng lượng trái banh nhỏ như thế mà lại mang sức nặng của cả nhân loại?


Theo tôi, câu trả lời tuy đơn giản mà không dễ đâu!!


 Bản thân tôi bây giờ, rất dị ứng với « đám đông về hùa », với sự đòi hỏi   « quá sức con người » như Kylian Mbappé- cầu thủ pháp 19 tuổi-  đãchạy với tốc độ 37km/ giờ trên sân cỏ. Tại sao phải «  thúc ép » nhau chạy nhanh đến như thế? Sự thúc ép như thế vượt quá sức người, bắt con người trở thành nô thuộc cho một trò chơi?


 Cái gì đòi hỏi quá sức tối đa của con người thì đối với tôi đều « bất nhân » và « vô nhân bản ». Cũng vì thế, thay vì khen ngợi ca tụng như nhiều người, Tôi thấy hầu hết các môn thể thao đều làm mất nhân tính, «  tha hóa » con người như một dụng cụ, một cái máy, một robot thể thao.


Nhân rộng ra tôi cũng thấy cuộc sống tại các nước như Nam Hàn, Nhật bản là «  phi nhân tính » là không đáng sống!! Nó tệ không thua các nước cộng sản ở mặt triết lý nhân bản.  


Nhưng tôi cũng phải nhìn nhận là thời thế nó thay đổi nhanh lắm.


 Có nhiều điều ta tưởng quen thuộc bình thường và rất tự nhiên, nhưng thực ra lại không phải vậy. Cách đây đúng 89 năm, tôi đọc một lá thư trên tờ Nam Phong, số 142, tháng 9- 1929 của một bà mẹ gửi cho con gái đi du học, đọc mà sửng sốt :’’ Trong lá thư gửi cho mẹ ở Singapore, con có nói ở trên tầu, con được nghe các bà Pháp chơi Piano vui lắm. Tới Paris thế nào con cũng học. Đờn Tây, mẹ không muốn con học. Khiêu vũ mẹ lại còn không muốn cho con tập, một người đàn bà Annam, nhảy đầm trước mắt mẹ chẳng những là không đẹp mà lại dơ nữa’’. Chết thật. Nhảy đầm tưởng bình thường. Ở đây còn: Dơ nữa. 


Chuyện đá banh nhìn từ góc nhìn của Lý Toét là thậm vô lý, vô nghĩa. Chuyện nhảy đầm dưới mắt một bà mẹ là dơ lắm.


Nay thì mọi sự đã đổi khác. Càng già càng ham nhảy, càng ham dơ. Càng dơ càng thích.


Cũng thế, câu truyện ngắn rất đặc sắc và thú vị của nhà văn Nguyễn Công Hoan- nào có xa xôi gì đâu, vài chục năm đổ lại, nhan đề Tinh thần thể dục sau đây nói về truyện coi đá banh như món quà gửi đến độc giả nhân dịp World cup.


 Câu truyện bắt đầu như thế này :


Có lính huyện mang trát quan về làng: Quan Tri huyện huyện X X. Sức Hương lý xã Ngũ Vọng tuân cử. 


« Nay thừa lệnh Tỉnh đường, ngày 19 mars này, tức 29 tháng giêng An Nam, tại sân vận động Huyện có cuộc đá bóng thi, nhiều chiến tướng đá rất hay, mọi nhẽ.  Vậy sức các thầy phải thông báo cho dân làng biết và phải thân dẫn đủ 100 người, đúng 12 giờ trưa đến xem, không được khiếm diện. Ai có mặt tại sân vận động cũng phải ăn mặc tử tế, đi đứng nghiêm chỉnh và phải vỗ tay luôn luôn, vì hôm ấy có nhiều quan khách. Làng Ngũ Vọng lại phải có 5 lá cờ, sẵn sàng từ 10 giờ sáng. Việc này tuy là việc thể dục, nhưng các thầy không được coi thường, nếu không tuân lệnh sẽ bị cữu. Nay sức.. Lê Thắng. » 


Đi coi đá banh mà như đi bắt người trốn thuế vậy. Và đây là hoàn cảnh của từng nạn nhân trốn đi coi đá banh.


«  Anh Mịch : Lạy ông, ông làm phúc tha cho con, mai con phải đi làm trừ nợ cho ông Nghị kẻo ông ấy đánh chết. Ông Lý cau mặt dơ roi lên dậm dọa. Kệ mày. Theo lệnh quan, chiếu sổ đinh thì lần này đến lượt mày... Mày không hẹn ngày khác với ông ấy được hả. Thưa ông, con không dám nói sai lời. Đối với ông nghị, con là chỗ đầy tớ, con sợ lắm.. Nếu không vợ con con chết đói. Chết đói chết no ta đây không biết... tao cứ phép tao làm, đứa nào không tuân, để quan gắt, tao trình thì rũ tù.. Lạy ông, ông thương...phận nào con nhờ phận ấy. Mặc kệ chúng bay, tao thương chúng bay, nhưng ai thương tao. Hôm ấy mày mà không đi, tao sai tuần đến gô cổ lại, đừng kêu.... 


Ngay từ sáng tờ mờ hôm 29, ở sân đình làng Ngũ Vọng đã có tiếng ông Lý quát tháo om sòm.. Thiếu những 15 thằng kia à? Tuần đâu, đến tận nhà chúng nó, lôi cổ chúng nó ra đây... Hễ cứ đứa nào láo, cứ đánh sặc tiết chúng nó ra, tội vạ ông chịu. Mẹ bố chúng nó. Việc quan thế này chết cha người ta không? Chúng bay gô cổ cả, giải cho được ra đây cho ông... Lại một tiếng dạ nữa giữa tiếng chó rống dậy.


Lạy các bác, các bác cho tôi ở nhà làm ăn.. Tôi đi thì tôi mất cả ngày. Mấy lỵ tôi đi thì tôi không mượn đâu được quần áo... Không biết, anh ra đình mà kêu với ông Lý. Thằng bé con nhắm nghiền mắt, ôm chặt lấy bố. Nó sợ quá, không khóc được nữa. Thằng Cò chưa kịp trả lời đã bị lôi xềnh xệch đi... 


Cuộc săn dù ráo riết đến đâu cũng không sao tróc đủ một trăm người phải đi xem đá  bóng. Dăm sáu anh khôn ngoan đã kéo đến ngủ nhờ nhà khác, hoặc làng khác. Họ làm như lánh nạn. 


Khi thấy đã chậm giờ, ông lý trưởng nghiến răng nói: « Chúng nó ngu như lợn. Người ta cho xem đá bóng chứ ai làm gì mà cũng phải bắt. Rồi ông ra lệnh: Chín mươi tư thằng ở đây, xếp hàng năm lại, đi cho đều bước. Tuần chúng bay phải kèm chung quanh giúp tao. Đứa nào mà trốn về thì ông bảo. 


Đoạn ông lo lắng đi cuối cùng, mắt nhanh nhẹn để coi cẩn thận như coi tù binh. Mẹ bố chúng nó, cho đi xem  đá bóng chứ ai giết chết mà phải trốn như trốn giặc. »


 ( Tiểu thuyết thứ bảy, số 251, 1939)


Câu chửi của ông lý trưởng xin gửi lại các vị mê đá banh ngày nay.


Chuyện đốc thúc người đi coi đá banh xảy ra vừa đúng 79 năm.


Đọan văn trên thật sống động, trung thực và mô tả hết được cái tâm trạng người dân quê nghèo đói mà bị bắt buộc đi coi đá banh. Hay không còn chỗ chê. Nghe vừa ngậm ngùi vừa tức cười.


 Nay thì mọi chuyện đã không còn như trước nữa. 


Điều mà tôi băn khoăn tự hỏi là nay người ta mê xem đá banh đến mức độ có thể trì hoãn, bỏ mọi công việc để coi cho bằng được. Xem đá banh như thế là một giải trí hay là một tinh thần thể thao? Xem như thế thì nó giúp ích gì cho sức khoẻ một người? Nay thì có thể nói đến một nền Văn Hoá Xem: Xem đá banh. Xem đánh Tennis. Xem thế vận hội. Xem trình diễn Hoa Hậu. Xem Ciné. Xem trình diễn ca nhạc. Xem lễ và nếu cần xem phim con heo.


Đối với chính quyền Việt Nam, thì đây là cơ hội bằng vàng.


 Nhờ những sinh hoạt thể thao như thế này giúp cho hơn 90 triệu dân tạm thời quên đi đời sống khó khăn chật vật, quên những phiền muộn đủ thứ, quên những bất mãn đủ thứ.  Và nhất là quên đi biểu tình, quên chuyện chống Tàu.


Phải chăng đó là những liều thuốc ngủ qua đêm? Phải chăng đó là những giấc mơ Vĩ Cuồng? Phải chăng là một phương tiện hòa giải, một giải pháp chính trị nhất thời hay một một giấc mơ cho đại cuộc?


Càng hỏi càng gây lúng túng!!


 Vì làm thế nào hiểu hết được chiều kích của trái banh?


Thời trước 75, người ta dồn sức mạnh vào chiến thắng Mỹ, với những người anh hùng mang ý nghĩa thời đại. Việt Nam mình là nhất : Ôi Việt Nam xứ sở lạ lùng. Đến em thơ cũng hóa anh hùng. (Tố Hữu.)


Và người ta đã hy sinh, quên mình cho những ý nghĩa cao cả đó đến nỗi mơ ước « sáng thức dạy trở thành người Việt Nam ».


Ngày nay, cuộc chiến là kinh tế, nước ta đang đổi mới bước chân vào kinh tế thị trường với còn lại một cái đuôi xhcn phe phẩy. Ta còn nghèo mạt rệp. Phải nhân lên 50 lần lợi tức đầu người mới bằng người Nhật. Thế chiến thứ hai, Nhật đã chế tạo được máy bay chiến đấu, tầu chiến, tầu ngầm, xe thiết giáp.


 Còn nay, chúng ta chưa chế tạo nổi một chiếc xe gắn máy? Tất cả nền kinh tế hiện nay là làm gia công, lắp ráp. Vậy giấc mơ vĩ cuồng  trong thời vào WTO là chơi thể thao chăng?


 Thời trước ta ngon nhờ chiến tranh. Thời nay, ta ngon vì chơi thể thao?


 Ta chỉ cần hơn 20 chục cầu thủ trên sân cỏ, nếu ta thắng được Nhật, Singapore, Thái Lan. Thế là chúng ta mạnh, chúng ta ngon và chúng ta có thể  ăn no, ngủ kỹ rồi. 


Cả nuớc đang rúng động lên, đang hồi hộp, bàn tán, tạm thời lấy cái vui của người làm cái vui của mình. Nhưng đừng để cho nhà nước biến những trò giải trí thể thao thành những liều thuốc ngủ và tai hại hơn nữa thành những giấc mơ vĩ cuồng. 


 Hãy nhìn kích thước trái banh để thấy trái banh sẽ muôn đời là trái banh. Nó không thể lớn và cũng không thể nhỏ.


 Tương lai một dân tộc không thể nhất thiết đặt vào nó.


Thực tế cho thấy gì? Nếu chỉ coi đây là thứ giải trí thì chẳng có gì để nói nữa. Nhưng nếu nghĩ thêm rằng cả một thành phố Sàigòn có được mấy sân đá banh? Hình như có một sân, hai sân thì phải? Hơn 4 triệu thanh niên, thiếu nữ,  từ tiểu học đại học có ai là người có cơ hội chơi đá banh? Những khu tân lập phát triển vùng ven đô thành phố, có ai nghĩ dành một miếng đất trống cho sân vận động thể thao, cho tụi trẻ có chỗ quậy tay chân thay vì vào quán càphê, quán Karaoké, rạp ciné hay bóng tối công viên?


  Chỉ xem đá banh thôi mà không được chơi đá banh thì tuổi trẻ kể là thiệt thòi? Trong số 60 đứa cháu của tôi ở bên Việt Nam lớn lên, phần đông mới lớn lên.


 Không một đứa nào chơi thể thao cả. 


Đấy là điều tôi suy nghĩ và băn khoăn khi xem World cup của năm nay. Tuổi trẻ Việt Nam đi về đâu? Cho dù có sân vận động, chắc gì có thì giờ để chơi. Đứa cháu gái tôi, cháu Hoàng Uyên, cháu mới nghỉ hè và viết thư cho tôi như sau:  «  Ông trẻ yêu quý. Hôm nay là ngày thứ sáu, con bắt đầu đi học ở trường Hội Việt Mỹ miễn phí đó ông. Học rất vui, lớp chỉ có 21 đứa thôi mà. Cô giáo rất hiền. Có cả cantine rất đẹp nữa, nhưng đồ ăn thì không rẻ. Bữa trước con không nhớ ngày đi học nên bỏ mất một buổi, bữa hôm nay đi thì một khối bài khủng khiếp ạ...Mà mấy ngày nay, nhà cháu chẳng bận gì cả, mẹ cháu chỉ bận đưa cháu đi học thôi. Ông biết không, hè này cháu học 3 môn: Toán, Anh và vi tính và cả thêm môn Anh ở hội Việt Mỹ nữa, vì vậy có ngày cháu phải đi học 3 chỗ mệt chết đi được, nhưng rất vui, ở nhà chẳng có gì làm. Đi học có bạn vui, nhưng phải đi từ chỗ này đến chỗ kia cũng hơi rắc rối . »


Lá thư mấy dòng đủ nói lên thực trạng giáo dục ở Viêt Nam. Chúng chỉ biết một điều là cắm cúi học và chúng không có tuổi trẻ.


Nhưng trong World Cup kỳ này, tôi nhận thấy có một điều lạ mà ít ai lưu tâm tới cho đủ! Đó là vấn đề chủng tộc.


Nước Pháp thắng giải kỳ này là do đâu? Nhờ ai? Có bao nhiêu cầu thủ chính gốc là người Pháp?


Tôi được biết trong đội tuyển của Pháp có 21 cầu thủ gốc Phi Châu..Đó là trường hợp những Kylian Mbappé, mặc dù sinh đẻ ở Paris, nhưng bố mẹ gốc gác người Cameroune. N’Golo Kanté, gốc Mali, Paul P.ogba, gốc Guinée, Blaise Matudi, gốc Angola, Antoine Giezmann, gốc Sénégal vvv.


Trên sân cỏ tại Nga, mang tiếng là cầu thủ Pháp, nhưng người ta chỉ thấy bóng dáng những người da đen với kiểu tóc và vóc dáng Phi Châu với sức chạy vô địch.


Vậy thì chiến thắng này là của nước Pháp hay là của các nước Phi Châu?


Câu trả lời một phần có thể tìm thấy trong lời phát biểu của bà Sylvine Thomassin, thị trưởng Bondy (Seine-Saint-Denis), nơi sinh trưởng của Kyliane Mbappé như sau :  « Dù sao, thanh niên Bondy ( Seine-Saint-Denis), thanh niên các ngoại ô toàn nước Pháp đều công nhận nơi Kylian Mbappé các đức tính ấy, tin chắ sau cuộc đấu bóng thế giới nầy, toàn thể dân cư Bondy đều hãnh diện đều rất hãnh diện về đứa con của thành phố. »


Và câu phát biểu quan trọng nhất của bà thị trưởng : « Kylian Mbappé là một nhân vật đã hòa giải những thanh niên bị xỉ nhục ( vùng đông) và bị sợ hãi ( vùng tây) »


Nhưng nếu giả dụ kỳ này Pháp thua thì lấy gì để hòa giải một nước Pháp bị chia rẽ về vấn đề chủng tộc?


Tôi mong muốn bạn đọc chia xẻ hơn khi tôi đọc cuốn : «  Histoire des Français venus d’ailleurs de 1850 à nos jours » ( Lịch sử những người Pháp đến từ những nơi khác từ 1850 đến ngày hôm nay) của tác giả Vincent Viet.


Những cầu thủ gốc Phi Châu chỉ là một phản diện của những người ngoại quốc như lính thợ đã từng sinh sống ở nước Pháp thời trước mà nhiều binh đội Pháp cũ bao gồm nhiều người ngoại quốc hơn người pháp chính gốc? Có 120.000 người tù binh Đức đã chiến đấu dưới lá cờ của nước Pháp trong thế chiến I !!! Họ được đối xử như thế nào và họ chiến đấu trong tinh thần nào? Họ chiến đấu như một người Pháp chính cống, yêu nước ra mặt trận hay như một người lính đánh thuê?


Hiện nay, nhiều khu vực tại Marseille, có rất nhiều ghetto sống chen chúc đủ loại Quốc tịch và làm thế nào tránh và giải quyết được những rối ren của tinh thần bài ngoại?(Troubles xénophobes)


Tương tự trường hợp Đức thua kỳ này thì cầu thủ gốc Thổ Nhĩ Kỳ Mesut với hơn 3 triệu người Thổ  hiện nay đang sinh sống tại Đức từ nhiều thế hệ lấy gì để bảo đảm một sự rộng lượng và hòa đồng giữa người Đức phần đông theo Thiên Chúa Giáo và người Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi giáo?


Phải chăng như thế, chúng ta cần nhiều giải túc cầu thế giới thay vì 4 năm thì một năm/ một lần?


Vì thế, để hiểu được nguồn cội của vấn đề này, tôi rất chú trọng đến thái độ, cử chỉ, ánh mắt và cái miệng của các cầu thủ mỗi lần cử hành bài Quốc ca.


Cầu thủ chính gốc thường ca với cả tấm lòng, với nhiệt huyết và với gương mặt đầy cảm xúc. Cầu thủ không chính gốc thường biểu lộ ít nhiệt tình hơn, nhiều khi chỉ nhếch mép và đôi khi thiếu cả một cái nhếch mép.


Sự hòa nhập đến mức dộ nào tùy thuộc vào sự nhếch mép khi bài quốc ca được cử hành. Và cũng nhờ thế mà nay tôi mới hiểu được rằng trong hoàn cảnh nào mà Montesquieu cách đây vài thế kỷ đã viết cuốn Les lettres de Persanes cũng như Voltaire viết cuốn L’Ingénu!!


Thôi thì tôi đành nhận lấy câu nói của thi hào Goethe mà trong đó tôi cũng mang thân phận người xa xứ khi ông viết : « Da wo wir lieben, ist Vaterland ». Tổ quốc là nơi mà chúng ta yêu mến./


CÙNG TÁC GIẢ:


- Nguyễn Văn Lục.

- Hà Văn Thùy: Thư ngỏ kính gởi ông Nguyễn Văn Lục.