Hà Văn Thùy: Lời ai điếu cho một thời "Tứ Trụ"

17 Tháng Bảy 20186:35 CH(Xem: 8843)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN VĂN HÓA  - THỨ BA 18 JULY 2018


Lời ai điếu cho một thời "Tứ Trụ"


image014

Nhà văn Hà Văn Thùy


Thưa bạn đọc, Phải công bố vào lúc này, người viết thật lòng áy náy... Nhưng dư luận đang rúng động về kết quả thảm hại của điểm thi môn Sử: “468.628, tức 83% thí sinh có điểm thi môn Sử dưới trung bình. 1.200 bị điểm liệt, trong đó 527 bị điểm 0. Vậy lỗi tại ai?” Phải chăng vì thế bài viết cần xuất hiện để cùng tìm ra lời giải thỏa đáng?!


image013


Gs. Trần Văn Giau và phu nhân (ngồi), Gs Phan Huy Lê đứng góc phải.


Giáo sư Phan Huy Lê đã thành người thiên cổ.


Những lời tiếc thương có cánh của người thân, bè bạn và học trò tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.


Nhà nước đã dành cho ông sự vinh danh cao nhất mà một công bộc có được.


Bây giờ xin được nói đôi lời.


Năm 1952 học xong chương trình phổ thông chín năm, “chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt” Phan Huy Lê từ biệt quê Hà Tĩnh ra Thanh Hóa học chương trình Dự bị đại học. Tại đây ông gặp Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng. Người phụ trách Đoàn Thanh niên Dân chủ và cũng là cán bộ tổ chức nhà trường nói với bốn tân sinh viên: “Các đồng chí chọn Ban nào?” Nghe trình bày xong, anh cán bộ tổ chức lên tiếng:


- Các đồng chí đều học giỏi nên chọn các ngành khoa học tự nhiên là phải. Trong khi đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của trường lúc này là đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học xã hội cho nước Việt Nam mới nhằm thay thế lớp học giả cũ, là sản phẩm của chế độ thực dân phong kiến. Khoa học tự nhiên không mang tính giai cấp nên ai có khả năng cũng làm được. Còn khoa học xã hội không chỉ cần giỏi mà còn cần điều quan trọng hơn là lập trường giai cấp công nông thật vững vàng. Tổ chức đã nghiên cứu kỹ và chọn các đồng chí để đào tạo thành những hạt giống công nông của nền khoa học xã hội mới… [1]


Vậy là theo yêu cầu của Tổ chức, cả bốn chàng vào học Ban Sử.


Sau hai năm học chủ yếu về ban đêm để tránh những trận oanh kích của máy bay Pháp, Phan Huy Lê về Đại học Sư phạm. Năm 1956 khi Đại học Tổng hợp thành lập, ông được chuyển sang làm trợ giảng cho thầy Đào Duy Anh. Năm 1958, trong cơn bão Nhân văn Giai phẩm, theo chân Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh bị bứng hỏi môi trường đại học. Cánh đồng đại học hoàn toàn trống vắng. Không có trâu bắt bò đi đẵm. Chàng trai trẻ 24 tuổi Phan Huy Lê bỗng nhiên trở thành sếp của khoa Sử, ngồi vào cái nghế còn ấm hơi Giáo sư Trần Đức Thảo bị một sinh viên bắt trói dẫn đi!


Sống ở trung tâm cơn bão lốc kinh hoàng lúc đó, Phan Huy Lê biết mình thật tốt số. Trong khi những bạn bè cùng trang lứa thuộc “thành phần lớp trên” phải “cải tạo” bằng việc quai búa đập đá trên công trường đường sắt Hà Nội-Lào Cai hay cày cuốc trong những nông trường thì mình được ưu ái tới tận cùng. Tuy nhiên, chàng tuổi trẻ cũng nhận ra cái éo le trong cương vị của minh. Thật trớ trêu, người được coi là “hạt giống đỏ” công nông lại sinh ra từ một gốc “phong kiến” thâm căn cố đế. Không chỉ vậy, người anh trai Phan Huy Quát lại là yếu nhân của chính quyền Sài Gòn. Hơn ai hết, Phan Huy Lê hiểu cái thế trên lưng cọp của mình. Không được sa sẩy dù chỉ một bước! Cách tốt nhất là ngoan ngoãn theo dẫn lối đưa đường của lãnh đạo. Không chỉ Phan Huy Lê mà cả Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng cùng chung định mệnh. Trong khi dần dần tạo dựng huyền thoại “tứ trụ” Lâm Lê Tấn Vượng thì những chàng trai tập tọng làm sử cũng được dẫn ngày một rời xa khoa học lịch sử đích thực.


Cho đến năm 1960, lịch sử Việt Nam là một dòng chảy nhất quán từ Nhà nước Xích Quỷ xuyên suốt tới Triệu Đinh Lý Trần và nhà Nguyễn với công khai phá miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng từ đây, để khẳng định vị thế của Đảng Lao Động Việt Nam, lịch sử phải thay đổi, phải khác với quan điểm của “bọn sử gia phong kiến tư sản phản động”!


Trước hết, nhà Nguyễn bị tước mọi công lao, mang tội lớn để mất nước. Gia Long là kẻ cõng rắn cắn gà nhà! Tiếp đó, để chống quan điểm viết sử “phản dân tộc” của Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên, Triệu Đà bị vạch mặt chỉ trán là giặc xâm lược. Nhà Triệu và nước Nam Việt bị xóa khỏi chính sử.


Vào thập kỷ 1970, từ những phát hiện khảo cổ về thời đại Hùng Vương, Nhà nước Xích Quỷ cùng các vị tổ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân bị loại bỏ. Từ 4000 năm văn hiến, Sử Việt chỉ còn lại 2700 năm!


Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trùm lấp lịch sử dân tộc! Cái được gọi là Lịch sử Việt Nam xa dần quy chuẩn của khoa học lịch sử nhân loại, trở thành một công cụ tuyên truyền.


Ở Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội người ta nói thẳng với sinh viên: “Chúng ta học Sử nhưng nội dung chủ yếu là tuyên huấn. Nay mai ra trường, các anh chị sẽ là những cán bộ tuyên huấn!”


Sau hơn nửa thế kỷ thống trị của tứ trụ Lâm Lê Tấn Vượng, sử học Việt Nam hoàn toàn trở thành công cụ tuyên truyền mà đỉnh cao là cuốn Lịch sử Việt Nam 15 tập của Viện Sử học.


Để khách quan, xin bạn đọc suy ngẫm những dòng sau của một học giả từng là giảng viên Đại học Văn khoa Sài Gòn, hiện đang sống ở Hoa Kỳ:


“Bộ sách nguyên là dự án lớn do Viện Sử Học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội trong nước chủ trì từ năm 2002, toàn bộ 15 quyển nặng 24kg, dày 9,084 trang, với một tập thể tác giả 30 người gồm 24 tiến sĩ, 3 thạc sĩ, và 3 nghiên cứu viên. Tất cả 30 người này là cán bộ của Viện Sử Học, cũng có nghĩa là các công chức mà nhiệm vụ là viết sử theo sự chỉ đạo của Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam. Do đó, họ không viết trong tư cách của những sử gia. Nên biết rằng Viện Sử Học nói riêng, hay Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội nói chung, là những cơ quan lý thuyết của Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam.”


“… Quan niệm viết sử của Viện Sử Học Hà Nội là nhằm phục vụ chính trị, khác với quan niệm viết sử của Thế Giới Tự Do Dân Chủ là trình bầy lại quá khứ y như nó đã xảy ra. Sử của Viện Sử Học Hà Nội, vì thế, có thể là những sự kiện quá khứ, mà cũng có thể là những câu chuyện dựng lên tùy nhu cầu chính trị. Hay sự kiện lịch sử có thể biên soạn dài ngắn khác nhau là tùy chủ đích chính trị.” “Phương pháp viết sử của Viện Sử Học Hà Nội là biên soạn sao cho đúng với lý thuyết Cộng Sản quốc tế.”


“Phương pháp viết thông sử của thế giới văn minh là tiêu hóa những ý kiến hay những giả thuyết và nhận định về những sự kiện lịch sử của các tác giả trước đó rồi tổng hợp thành sử. Những trang sử tổng hợp rất súc tích ấy không có khoảng trống cho sự trích dẫn từ những trang chuyên sử của người khác, lại càng không có phần cho ý kiến người này hay giả thuyết của người kia hay nhận định của người nọ. Nếu cần, những chi tiết kể trên chỉ đưa vào phần chú thích hay cước chú, mà không dông dài trong phần chính văn. Tiếc thay, đó lại chính là cách viết của nhiều tập thể tác giả bộ chính sử của Nhà Nước này. Dở hai tập Tập 2 và Tập 4, độc giả phải đọc những đoạn dài trích dẫn sách xưa.


“Trang 31 trong Tập 4 chép lại ba trang 41, 42, và 43 của sách Phủ Biên Tạp Lục cộng với hai trang 238 và 239 của sách Toàn Thư. Đến trang 41 thì tác giả chép lại bốn trang 36, 37, 38, và 39 của sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên. Trang 83 thì chép lại bốn trang 36, 37, 38, và 39 của sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí cộng với hai trang 417 và 418 của sách Cương Mục. Và trang 119 thì chép lại ba trang 148, 150, và 151 của sách Phủ Biên Tạp Lúc. Cứ chép như thế suốt ba Chương I, II, và III từ trang 23 đến trang 165 trong Tập 4! Thật không có dáng vẻ gì của một công trình tổng hợp lịch sử, mà chỉ là sự sao chép lười biếng các sách sử cổ xưa!”


“Sự phân bố các tập sách không hợp lý. Tập thể ban biên soạn bộ Lịch Sử Việt Nam này, vì đặt trọng tâm bộ sách vào một đảng chính trị thay vì lịch sử của một dân tộc, nên đã bó rọ các thời Thượng Cổ và Bắc Thuộc làm một (Tập 1, 671 trang) để dành khung cảnh bao la cho lịch sử Đảng, 5 năm cũng thành một tập như Tập 10: Từ Năm 1945 Đến Năm 1950 (627 trang) và Tập 11: Từ Năm 1951 Đến Năm 1954 (499 trang).”“Chín (9) quyển đầu với 5,904 trang là phần thông sử ghi chép quá khứ dân Việt trong mấy ngàn năm. Sáu (6) quyển sau với 3,180 trang là lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam từ năm 1945 đến năm 2000.”


“Qua những nhận định trên, bộ Lịch Sử Việt Nam 15 quyển mới phát hành này không có dáng vẻ của một công trình tổng hợp lịch sử, từ cách biên soạn mất quân bình đến việc xóa nhoà ranh giới giữa thời sự và lịch sử.” [2]


Những nhận xét trên là trung thực, công bằng nhưng không phải là ý kiến cá biệt. Rất nhiều trí thức trong nước cũng nhận thấy như vậy. Càng đông hơn là đại đa số dân chúng cảm nhận rằng, cái mà họ phải học, phải đọc không phải là Sử Việt bởi lẽ trong đó thiếu vắng Hồn thiêng dân tộc. Khi đánh mất hồn dân tộc, Sử không còn là Sử nữa! Không chỉ cuốn này mà đại công trình Quốc Sử 30 tập với kinh phí 200 tỷ (có người nói 300?) của Hội Sử học do Giáo sư Phan Huy Lê tổng chủ biên cũng còn rất nhều vấn đề phải bàn, khiến người viết bài này phải nhiều lần trao đổi với ông.[3]


Việc ra đi của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, trên thực tế đã khép lại thời thống trị của “tứ trụ”. Nhiều người biết thế nào là “tứ trụ” nhưng không mấy ai hiểu cái nguyên do nảy sinh hiện tượng dị thường này. Đó là sản phẩm đẻ non đái ép sau đại họa Nhân văn-Giai phẩm. Nếu đất nước yên hàn, với những bậc thầy uyên bác, đầy bản lĩnh như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Trần Đức Thảo… trên bục giảng thì không ai có thể làm biến dạng khoa học lịch sử Việt Nam. Và chắc chắn không có cửa cho mấy anh chàng chưa đủ trình độ tú tài nhảy lên hàng “trụ” với cột?


Mặc dù những lời tụng ca của lớp lớp học trò, mặc dù sự vinh danh tột cùng với công thần tiêu biểu, những người tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu không ai có thể yên lòng với di sản mà “tứ trụ” để lại. Không phải lịch sử mà đó chỉ là đống tài liệu giáo điều xơ cứng ngu dân, phản tộc. Đi qua chương trình này, tuổi trẻ Việt Nam trở nên tối tăm vong bản, tin rằng tổ tiên mình là người vượn “đi thẳng“, rằng tiếng Việt mượn 70% từ ngôn ngữ Hán, người Việt không có chữ viết, rằng văn hóa Việt là sự bắt chước (“tiếp biến”) từ văn hóa Tàu. Họ cũng không biết tới Quốc Tổ Kinh Dương Vương và nhà nước Xích Quỷ, coi người khai sáng lịch sử dân tộc Triệu Đà là giặc xâm lược…


Ai? Ai là người dám đứng lên, đủ tâm đủ trí dọn đống xà bần khổng lồ mà “tứ trụ” để lại, giải phóng mặt bằng, xây dựng KHOA HỌC LỊCH SỬ ĐÍCH THỰC CỦA DÂN TỘC VIỆT?


Hà Văn Thùy


Sài Gòn, Mùa Thu năm Mậu Tuất.


Tài liệu tham khảo


  1. Lời học giả Cao Xuân Hạo kể với người viết năm 1998.
  2.  Giáo sư Trần Anh Tuấn: VỀ BỘ LỊCH SỬ VIỆT NAM 15 TẬP CỦA VIỆN SỬ HỌC VN https://nhatbaovanhoa.com/a6404/ve-bo-lich-su-viet-nam-15-tap-cua-vien-su-hoc-ha-noi (truy cập 30.6.2018)
  3. Hà Văn Thùy. Trao đổi với Giáo sư Phan Huy Lê về Sử Việt https://baotiengdan.com › Chính trị http://thuyhavan.blogspot.com/2017/04/trao-oi-voi-gs-phan-huy-le-ve-su-viet.html
  4. Hà Văn Thùy. Trao đổi tiếp với Giáo sư Phan Huy Lê về Sử Việt https://www.nhatbaovanhoa.com/.../ha-van-thuy-trao-doi-tiep-voi-gs-phan-huy-le-ve-... http://thuyhavan.blogspot.com/2018/07/trao-oi-tiep-voi-gs-phan-huy-le-ve-su_9.html

+++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM TÀI LIỆU:


image015

Thứ tư, 4/2/2015 | 15:31 GMT+7


Mừng GS.NGND Đinh Xuân Lâm đại thọ tuổi 90


Sáng nay 4/5/2015, GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN), dẫn đầu đoàn cán bộ, giảng viên Nhà trường tới thăm hỏi và chúc mừng GS.NGND Đinh Xuân Lâm đại thọ tuổi 90.


Tới chúc mừng đại thọ của GS Đinh Xuân Lâm còn có bạn bè đồng nghiệp, các thế hệ học trò từng học tập và công tác với thầy qua nhiều năm như GS.NGND Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam), GS.NGND Vũ Dương Ninh (Chủ tịch Hội cựu giáo chức Nhà trường), PGS.TS Vũ Văn Quân (Chủ nhiệm Khoa Lịch sử) cùng các cán bộ phòng ban, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV.


image016GS. NGND Vũ Dương Ninh, đại diện Cựu Giáo chức Nhà trường kính tặng bức thêu mừng thọ GS.NGND Đinh Xuân Lâm tuổi 90 (ngồi bên trái).


Đây là hoạt động tri ân tình cảm của các thế hệ nối tiếp, nhằm ghi nhận công lao đóng góp của GS cho nền sử học cách mạng Việt Nam nói chung, cho Trường Đại học Tổng hợp trước đây (nay là Trường ĐHKHXH&NV), Khoa Lịch sử và bộ môn Lịch sử Cận hiện đại nói riêng.


GS.NGND Đinh Xuân Lâm sinh ngày 4 tháng 2 năm 1925 tại xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình quan lại yêu nước. GS sinh ra tại vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi thần y Hải Thượng Lãn Ông buốc thuốc cứu người, nơi Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng đã cùng thủ lĩnh nông dân Cao Thắng lập căn cứ Cần vương chống thực dân Pháp bền bỉ trong suốt mười năm.


Trong hơn nửa thế kỷ nghiên cứu không ngừng nghỉ, GS.NGND Đinh Xuân Lâm đã để lại một di sản khoa học to lớn, với khoảng 400 công trình khoa học (bao gồm sách, giáo trình, bài báo, báo cáo khoa học,...). Những cuốn sách tiêu biểu gắn với tên tuổi của GS như: bộ sách   Lịch sử cận đại Việt Nam (4 tập), Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 2), cuốn Lịch sử Việt Nam mà thầy là chủ biên(tập 3)...


Về lĩnh vực giảng dạy, GS. Đinh Xuân Lâm đã đào tạo hàng nghìn sinh viên, hướng dẫn thành công hàng chục tiến sĩ. Các thế hệ được GS hướng dẫn luôn thể hiện tấm lòng yêu mến, kính trọng, và tôn GS làm một trong các “tứ trụ triều đình” của Khoa lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. GS thuộc thế hệ những người xây nền đắp móng và là chuyên gia đầu ngành của nền sử học Mácxít nước nhà.


image017GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh hỏi thăm sức khỏe GS.NGND Đinh Xuân Lâm


GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh, đại diện Nhà trường gửi những lời tri ân tới GS, vì những đóng góp của GS với Trường, với Khoa và Bộ môn trong nhiều năm qua. Nhân dịp này, GS.TS Nguyễn Văn Khánh cũng gửi những lời chúc đến GS.NGND Đinh Xuân Lâm, chúc GS luôn luôn mạnh khỏe, vui vẻ và trường thọ.


Cũng nhân dịp này, GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh cũng đại diện Nhà trường, Khoa Lịch sử kính tặng GS cuốn sách  “Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam”. Cuốn sách là ấn phẩm khoa học không chỉ kết tinh những nghiên cứu xuất sắc của GS.NGND Đinh Xuân Lâm mà còn gợ i mở, định hướng cho những nghiên cứu đi sau, nhất là giới trẻ hiện nay về một giai đoạn phức tạp, đầy biến động nhưng có tính chất bản lề và đặc biệt quan trọng của lịch sử Việt Nam. Cuốn sách do Nhà trường kết hợp với NXB Giáo dục xuất bản.


image018GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường đang giới thiệu về cuốn sách kính tặng GS.NGND Đinh Xuân Lâm


Những trang sách phần nào thể hiện tâm huyết của thế hệ các học trò của GS nói riêng, bộ môn Cận hiện đại, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV nói chung, những đội ngũ cán bộ tinh hoa trí tuệ mà thầy dã dày công nhiều năm truyền dạy, vun đắp và ươm mầm. Đống thời đó cũng sự kính cẩn và tri ân sâu sắc, GS.TS. Đỗ Quang Hưng chia sẻ.


Đại diện đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên, PGS.TS Vũ Văn Quân (Chủ nhiệm Khoa Lịch sử) cũng gửi lời chúc sức khỏe tới thầy, mong thầy trường thọ để tiếp tục cống hiến cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và tiếp tục là tấm gương, dìu dắt các thế hệ trẻ Khoa Lịch sử.


Đình Hậu


++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


Thứ tư, 7/2/2018 | 02:25 GMT+7


Ra mắt Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm


Ngày 4/2/2018 vừa qua, tại Trường ĐHKHXH&NV, Quỹ học bổng mang tên nhà sử học nổi tiếng: GS.NGND Đinh Xuân Lâm đã ra mắt và trao giải thưởng lần thứ nhất cho các sinh viên, học viên và NCS ngành Sử.


image019

GS.NGND Đinh Xuân Lâm (1925-2017). Ảnh: Thành Long


GS.NGND Đinh Xuân Lâm (1925-2017) sinh ra tại Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông là một nhà giáo, nhà khoa học tài năng, thuộc thế hệ những người đặt nền móng xây dựng nền Sử học cách mạng Việt Nam. Ông được biết đến như một trong “tứ trụ” huyền thoại của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.


Trong hơn 60 năm làm công tác nghiên cứu, GS.NGND Đinh Xuân Lâm đã hoàn thành và công bố hơn 400 công trình khoa học dưới dạng các giáo trình, sách tham khảo, bài báo khoa học gồm nhiều thể loại và trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ lịch sử đến văn học, văn hoá dân tộc. Nhưng những đóng góp chủ yếu của ông là về lĩnh vực nghiên cứu lịch sử Việt Nam, nhất là lịch sử Việt Nam cận - hiện đại. GS.NGND Đinh Xuân Lâm còn là một nhà giáo mẫu mực, được các thế hệ học trò yêu mến và kính trọng về đức độ và nhân cách trong lối sống. Các thế hệ đồng nghiệp và học trò ngành Sử vẫn luôn ghi nhớ lời chia sẻ thể hiện tình yêu và đam mê cháy bỏng của ông với nghề giáo: “Nếu có kiếp sau và được chọn lại nghề, tôi vẫn chọn làm nghề dạy học”.


image020

Có mặt trong lễ ra mắt Quỹ có rất đông các đồng nghiệp, học trò ngành Sử đến từ Viện Sử học, Viện Lịch sử Đảng, Viện Lịch sử Quân sự, Bảo tàng Hồ Chí Minh, các trường đại học: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Giáo dục - ĐHQGHN, ĐH Hồng Đức, ĐH Vinh, ĐH Hà Tĩnh, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Khoa học Huế...


image021

GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Trưởng Ban Điều hành Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm nhiệm kỳ I (2017-2022) - chia sẻ mục đích và sự ra đời của Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm: Để tưởng nhớ và vinh danh, đồng thời tạo điều kiện cho các thế hệ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh tiếp tục học tập, tiếp nối sự nghiệp và nhân lên những thành tựu Sử học của GS.NGND Đinh Xuân Lâm, sau khi ông mất, nhiều đồng nghiệp, các thế hệ học trò và gia đình đã bàn bạc và thống nhất kế hoạch thành lập Quỹ Sử học mang tên Đinh Xuân Lâm. Kế hoạch này đã được lãnh đạo Khoa Lịch sử và Trường ĐHKHXH&NV ủng hộ và tạo điều kiện để Quỹ triển khai hoạt động.


Khác với các quỹ học bổng khác, Quỹ Sử học Đinh Xuân Làm được dành tặng thưởng cho các sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh ngành Lịch sử, ưu tiên những người nghiên cứu đề tài thuộc giai đoạn lịch sử Việt Nam cận - hiện đại trong các cơ sở đào tạo từ Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá và Hà Nội. Tiêu chí của giải thưởng là: sinh viên có thành tích học tập từ Giỏi trở lên và có giải thưởng NCKH; học viên cao học có thành tích học tập từ Giỏi trở lên, kết quả bảo vệ luận văn đạt loại xuất sắc và có thành tích NCKH dưới dạng sách hoặc hài báo đã công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín trong và ngoài nước; NCS có kết quả bảo vệ luận án đạt loại xuất sắc và có công trình công bố ở các nhà xuất bản, tạp chí quốc gia, quốc tế có uy tín.


image022

GS.NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu


GS.NGND Phan Huy Lê có những lời tâm sự xúc động về người đồng nghiệp: Lễ ra mắt Quỹ đúng vào ngày sinh nhật của GS Đinh Xuân Lâm, tôi không khỏi xúc động bởi đến nay trong 4 cái tên "Lâm, Lê, Tấn, Vượng" thì GS Vượng ra đi sớm nhất năm 2005, GS Lâm ra đi năm 2017, GS Tấn thì đang ốm rất nặng, còn mình tôi. Biết làm sao được, cuộc sống vốn là như thế. Nhưng bên cạnh sự xúc động và nỗi buồn cô đơn đó thì hôm nay chứng kiến lễ ra mắt Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm đã làm tôi rất vui.


GS Phan Huy Lê cho biết, khi sinh thời, GS Đinh Xuân Lâm đã từng tâm sự là rất muốn có Quỹ sử học mang tên ông để làm kỷ niệm cuộc đời nghiên cứu sử học của mình. Ông sinh ra, sống và làm việc ở nhiều miền quê, quê gốc ở Hà Tĩnh, lớn lên học ở Huế, sau đó ra dạy học ở Thanh Hóa và sinh sống tại Hà Nội. Chính vì vậy, ông muốn có giải thưởng dành tặng những sinh viên yêu Sử thuộc những cơ sở đào tạo từ Huế trở ra.


image023

Ông Đinh Xuân Thọ - con trai GS.NGND Đinh Xuân Lâm


Ông Đinh Xuân Thọ - con trai GS.NGND Đinh Xuân Lâm và cũng là người sáng lập Quỹ nhớ về người cha của mình và tri ân tình cảm yêu mến mà đồng nghiệp học trò dành cho GS.NGND Đinh Xuân Lâm: Do học tập và công tác ở xa nên tôi không có điều kiện ở gần bên bố nhiều, song mỗi khi hỏi: “Bố có cần gì không ?”, câu trả lời luôn là: “Bố không cần gì cả, học trò lo cho bố nhiều rồi”. Sự quan tâm của mọi người dành cho GS.NGND Đinh Xuân Lâm luôn tận tình, chu đáo đến cả những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Đây là niềm hạnh phúc dù giản dị thôi song không phải ai cũng vinh dự có được.


“Cả cuộc đời bố tôi không phấn đấu về chức danh, không coi trọng tiền của, giá trị và di sản của ông để lại không cân đo đong đếm được, mà đọng lại chỉ là ước mong cháy bỏng được truyền bá những giá trị của nghiên cứu lịch sử cho thế hệ học trò mai sau. Tôi mong những bạn trẻ nhận được giải thưởng hôm nay có thể phát huy được những kiến thức và giá trị của các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Sử học để đóng góp cho xã hội và cuộc sống của chúng ta” - ông Đinh Xuân Thọ chia sẻ.


image024

15 sinh viên ngành Sử nhận giải thưởng đợt một của Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm


image025

02 Thạc sỹ ngành Sử nhận giải thưởng


image026

03 Tiến sĩ ngành Sử nhận giải thưởng

image027

Các đại biểu nhận kỷ niệm chương của Quỹ


  • Tên gọi: Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm.
  • Người sáng lập: Ông Đinh Xuân Thọ và bà Đặng Phương Lan.
  • Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm là tổ chức phi lợi nhuận, được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích khuyến khích đào tạo nhân tài sử học cho đất nước và thúc đẩy sự phát triển của nền sử học Việt Nam. Quỹ trao giải thưởng cho các tài năng trẻ trong học tập, hỗ trợ các tập thể và cá nhân trong nghiên cứu, công bố những đề tài lịch sử có giá trị khoa học và thực tiễn cao, góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam.
  • Ban Điều hành Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm nhiệm kỳ I (2017-2022) gồm:
  1. GS.TS Nguyễn Văn Khánh, Khoa Lịch sử, Trưởng ban.
  2. GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởng, Uỷ viên.
  3. PGS.TS Vũ Văn Quân, Khoa Lịch sử, Uỷ viên.
  4. PGS.TS Nguyễn Đình Lê, Khoa Lịch sử, Uỷ viên.
  5. TS. Đặng Hồng Sơn, Khoa Lịch sử, Uỷ viên.
  6. TS. Trương Thị Bích Hạnh, Khoa Lịch sử, Uỷ viên thư ký.
  • 15 sinh viên được trao giải thưởng lần thứ nhất của Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm
  1. Lê Thị Huyền, Khoa Lịch sử, Trường Đại học học Hồng Đức.
  2. Nguyễn Thị Kim Oanh, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Hồng Đức.
  3. Huỳnh Ngọc Quốc, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế.
  4. Hoàng Hải, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế.
  5. Vũ Hà Thu, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  6. Nguyễn Hà Chi, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  7. Cao Thị Nga, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh.
  8. Nguyễn Văn Tài, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh.
  9. Phạm Thanh Huyền, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV.
  10. Đàm Phương Thanh, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV.
  11. Ngô Hoàng Anh, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV.
  12. Lê Tùng Dương, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV.
  13. Lê Văn Quân, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV.
  14. Nguyễn Thị Thảo Linh, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV.
  15. Hoàng Thị Thư, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV.

  • 02 HVCH nhận giải thưởng Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm lần thứ nhất
  1. ThS. Bùi Hoàng Tân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bảo vệ xuất sắc luận văn Tình hình sở hữu ruộng đất và kinh tế nông nghiệp huyện Hà Châu, tỉnh Hà Tiên nửa đầu thế kỷ XIX.
  2. ThS. Nguyễn Văn Ngọc, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, bảo vệ xuất sắc luận văn Quá trình hình thành và tổ chức bộ máy quản lý hành chính thành phố Nam Định từ năm 1884 đến năm 1921.

  • 03 NCS nhận giải thưởng Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm lần thứ nhất
  1.  TS. Trương Đắc Chiến, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, bảo vệ xuất sắc luận án Di tích Giồng Lớn và vai trò của nó với sự hình thành văn hoá Óc Eo ở vùng biển Đông Nam Bộ.
  2.  TS. Nguyễn Thị Bình, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, bảo vệ xuất sắc luận án Nguồn sử liệu tiếng Pháp về chính sách quản lý đất đai đô thị Hà Nội giai đoạn 1888-1945.
  3.  TS. Phạm Thị Hồng Hà, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, bảo vệ xuất sắc luận án Hệ thống ngân hàng ở miền Nam Việt Nam (1954-1975).       

Thanh Hà


++++++++++++++++++++++++++++++++++


image015


Thứ tư, 20/2/2013 | 03:24 GMT+7


Trần Quốc Vượng với văn hoá Việt Nam,Thăng Long- Hà Nội


Tác giả: GS PHAN HUY LÊ


GS Trần Quốc Vượng (12/12/1934 - 08/8/2005) là một nhà sử học, nhà khảo cổ học Việt Nam với hàng trăm công trình được công bố trong và ngoài nước. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt năm 2010 cho cụm công trình Văn hoá Việt Nam: truyền thống và hiện đại.


Nhân dịp cố Giáo sư Trần Quốc Vượng được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ngày 18/02/2012 vừa qua, USSH trân trọng giới thiệu bài viết của GS Phan Huy Lê về con người và những nghiên cứu của GS Trần Quốc Vượng về Hà Nội. Bài viết cũng Lời giới thiệu cuốn Trên đất thiêng ngàn năm văn vật – tuyển các bài viết về văn hoá Thăng Long – Hà Nội của GS Trần Quốc Vượng, Nxb Hà Nội, 2010.


Từ thuở còn trai tráng và đang hăng say dấn thân tìm tòi, khám phá Hà Nội, anh Trần Quốc Vượng thường nói chơi với nhóm “Lâm, Lê, Tấn, Vượng” chúng tôi và các bạn thân cùng khoá, cùng Khoa Lịch sử: dân Hà Nội hầu hết là “dân tứ chiếng”, kể cả các cậu, còn tớ thuộc loại “dân Hà Nội gốc” vì ít ra cũng đã qua ba đời cắm rễ trên đất Hà Thành này. Anh vốn quê ở Hà Nam nhưng theo anh, ít ra từ đời ông nội đã sống ở Hà Nội mà theo tục lệ xưa thì sau ba năm “ngụ cư” là được coi như “chính cư”, anh nói cái gì cũng có sách, có chứng cả. Không biết có phải vì sự gắn bó gốc gác đó không, nhưng có một sự thật ai cũng thấy là GS Trần Quốc Vượng đã dành rất nhiều thời gian cùng tâm lực, trí lực cho nghiên cứu, suy ngẫm để hiểu Hà Nội và viết về Hà Nội.


Anh Trần Quốc Vượng có một thói quen hình thành rất sớm là thích ngao du mọi nơi, không phải chỉ đi chơi mà vừa chơi vừa nghiên cứu, vừa thu thập tư liệu, vừa nâng cao hiểu biết, nói theo thuật ngữ khoa học là điều tra, khảo sát điền dã. Có lẽ vết chân anh đã để lại trên hầu khắp mọi miền của đất nước từ Lũng Cú đến Cà Mau, từ Trường Sơn đến một số hải đảo của Biển Đông, có nơi anh đi lại nhiều lần. Có một câu chuyện vui. Một lần anh về thăm quê tôi ở xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đến nhà thờ họ Phan Huy và tự xưng là học trò “thày Lê”, xin thắp nén hương tưởng niệm tổ tiên dòng họ. Anh “đóng kịch” giỏi đến mức độ các cụ già trong họ đều tin, tuy có vài người hơi ngờ ngợ, sao học trò thày Lê mà tóc bạc, tuổi cao và thông thái đến thế, hỏi đủ thứ từ các cụ tổ Phan Huy Cận, Phan Huy Ích, Phan Huy Chú… đến cả các chi phái ở Nghi Xuân, Sài Sơn, đến cả truyền thống hát Ca trù của dòng họ… Khi về thăm quê, nghe nói tôi biết ngay là ông bạn Trần Quốc Vượng thân mến, chứ không thể ai khác, rồi sau đó, anh Vượng cũng kể lại cho tôi hay.


GS Trần Quốc Vượng là một nhà khoa học quảng du, quảng giao, quảng bác. Anh đi khắp nơi, giao du với mọi người từ các nhà khoa học đủ các ngành, sử học, khảo cổ học, dân tộc học, xã hội học, nhân học, văn hoá học, cả một số ngành khoa học tự nhiên như địa chất, địa lí, môi trường, sinh thái, sinh vật, toán học, vật lí… đến các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, các văn nghệ sĩ, cho đến mọi người mà anh gặp, nông dân, thợ thủ công, dân chài lưới, công nhân, người đạp xe xích lô, chạy xe ôm… Tôi nói “giao du” ở đây không phải chỉ là sự gặp nhau, nói vài ba câu chào hỏi xã giao… mà là trao đổi, khai thác thông tin, tìm hiểu theo lối xã hội học những vấn đề anh quan tâm. Kho kiến thức của anh không chỉ tích luỹ từ tra cứu thư tịch cổ kim, sách báo đủ loại, từ hội thảo, toạ đàm, gặp gỡ khoa học…, mà còn từ nhiều nguồn, nhiều đối tượng bằng nhiều phương thức thu thập rất đa dạng, trong đó những hiểu biết thực tế và văn hoá dân gian giữ vai trò rất quan trọng. Trong các chuyến ngao du đó, anh còn đưa sinh viên đi thực tập hoặc gọi sinh viên cũ đang công tác tại địa phương cùng tham gia và nhân đó, truyền đạt dạy bảo cho lớp trẻ nhiều điều bổ ích, chuyển giao nhiều kinh nghiệm hay. Đối với anh, ngay cả khi “nhậu nhẹt”, “bia bọt”, lúc “trà dư tửu hậu”, trong lúc ăn chơi thực sự cũng vẫn là cơ hội để hiểu người, hiểu đời, hiểu thời thế. Đấy là một phong cách nghiên cứu rất đặc trưng của Trần Quốc Vượng.


Anh Trần Quốc Vượng cũng như khoá học chúng tôi, theo học Ban Sử – Địa, một chuyên ban đào tạo mang tính liên ngành đầu tiên và duy nhất của nền đại học Việt Nam độc lập. Trong những năm 1952-1956, chương trình đào tạo còn đơn sơ, nhưng điều may mắn lớn nhất của thế hệ chúng tôi là được trực tiếp thụ giáo các thày vốn là những nhà khoa học lớn của đất nước, có thày được đào tạo ở nước ngoài có học vị cao như GS Trần Đức Thảo, GS Nguyễn Mạnh Tường, GS Phạm Huy Thông, GS Đào Bá Cương, có người tự học, tự nghiên cứu như GS Đào Duy Anh, GS Trần Văn Giàu, GS Đặng Thai Mai, GS Cao Xuân Huy, GS Nguyễn Đức Chính, GS Lê Xuân Phương, GS Hoàng Thiếu Sơn…


Nền tảng sử-địa được đào tạo tuy không nhiều nhưng là những vốn kiến thức kèm theo phương pháp nghiên cứu rất cơ bản. Quả thật nghiên cứu “sử” mà thiếu “địa” thì rất khiếm khuyết, lịch sử xét cho cùng là tất cả hoạt động của con người diễn ra trong không gian và thời gian, mà không gian lịch sử chính là điều kiện địa lí, đặc điểm môi trường, sinh thái.


Từ lối đào tạo đó, nhiều người trong khoá chúng tôi khi đi vào nghiên cứu lịch sử thường quan tâm nhiều đến địa lí. Riêng anh Trần Quốc Vượng thì ngoài chuyên môn sử học, địa lí, còn có chuyên môn khảo cổ học, anh là một trong những nhà khảo cổ học đầu tiên có công xây dựng nền khảo cổ học Việt Nam hiện đại. Từ ba chuyên môn nền tảng đó, anh Vượng còn mở rộng hiểu biết ra những chuyên ngành liên quan như dân tộc học, ngôn ngữ học, văn hoá dân gian, xã hội học, văn hoá học, cả phong thuỷ, tướng số… Một phong cách nghiên cứu nổi bật thứ hai của Trần Quốc Vượng là luôn luôn sử dụng phương pháp tiếp cận liên ngành, đa ngành, suy ngẫm và nhận thức lịch sử từ nhiều góc độ chuyên môn khác nhau liên kết lại trong một cái nhìn tổng hợp, tích hợp.


Ngoài ra, anh Trần Quốc Vượng là một người có cá tính rất độc đáo, biểu thị trên mọi phương diện, trong ăn mặc, nói năng, ứng xử, trong giảng dạy, nói chuyện, trong lời văn, giọng nói… Bất cứ ai, trong nước hay ngoài nước, chỉ một lần gặp Trần Quốc Vượng là nhận ra ngay cá tính đó. Nhưng đằng sau những cá tính mà có người cho là “lỗ mãng”, “ngạo mạn”, “bạt mạng” đó là một trái tim nồng nhiệt, sống rất tình nghĩa với bạn bè, học trò, một trí tuệ thông minh, sắc sảo, nhạy bén, một nhà khoa học đầy nghị lực trong nghiên cứu, không bao giờ bằng lòng với những cái đã biết của mình và của mọi người, luôn luôn vươn tới những khám phá mới của thế giới nhận thức.


Tôi nói hơi nhiều về con người của GS Trần Quốc Vượng để từ đó hiểu được những nghiên cứu của anh về Hà Nội.


Bùi Tuấn gửi USSH


Giáo sư Trần Quốc Vượng, ngày 15/9/2004.


Các bạn trẻ thuộc thế hệ học trò của GS Trần Quốc Vượng tại Khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội muốn lập một thư mục đầy đủ các công trình, bài viết của GS, nhưng rồi thỉnh thoảng lại phát hiện thêm bài mới và cứ phải bổ sung triền miên. Anh Vượng viết rất nhiều, công bố ở nhiều nơi, đăng tải trên nhiều tạp chí và các loại báo, hàng ngày, hàng tuần, báo tháng, báo của Hà Nội, báo của nhiều tỉnh, thành phố trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam… Riêng những kết quả nghiên cứu về Hà Nội, thư mục cho đến nay đã lên đến hàng trăm bài viết và sách. Ngoài một số cuốn sách đã xuất bản như “Hà Nội nghìn xưa” (1975) viết chung với Tảo Trang Vũ Tuân Sán, “Hà Nội, thủ đô nước CHXHCN Việt Nam” (1984) do anh chủ biên, “Hà Nội như tôi hiểu” (2005), “Thăng Long – Hà Nội – Tìm tòi và suy ngẫm” (2006)…, anh còn có rất nhiều bài viết dài ngắn khác nhau, dưới nhiều thể loại từ báo cáo, luận văn khoa học đến thông báo khoa học, kể chuyện, kí sự… thôi thì “tản mạn”, “tạp lục”, “tiểu lục” đủ loại như anh vẫn tự nói. Vì vậy Chủ nhiệm Khoa lịch sử PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế và các bạn trong Khoa, trong Bộ môn Văn hoá học, khó khăn lắm mới tuyển chọn được 35 bài, biên tập thành cuốn sách mang đầu đề “Đất thiêng ngàn năm văn vật” để xuất bản trong Tủ sách nghìn năm Thăng Long-Hà Nội nhân dịp kỉ niệm Thăng Long nghìn tuổi.


Cuốn sách chia làm ba phần:


Phần I. Đất thiêng Thăng Long-Hà Nội


Phần II. Thăng Long – Hà Nội dấn mình cùng đất nước


Phần III. Tinh hoa văn hoá Thăng Long – Hà Nội


Đây chỉ mới một phần trong số nhiều công trình, bài viết của GS Trần Quốc Vượng về Thăng Long – Hà Nội. Nhưng qua cách tuyển chọn và sắp xếp, tôi cảm thấy PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế và ThS Đỗ Hương Thảo đã rất hiểu thày Vượng của mình, biết chọn những bài viết tiêu biểu cho những kết quả nghiên cứu, suy ngẫm về Thăng Long – Hà Nội trên mọi phương diện và cả cách tiếp cận dưới những góc độ chuyên môn khác nhau.


Chúng ta bắt gặp trong cuốn sách những công trình khoa học mang tính hàn lâm bác học cho đến những bài viết mang tính miêu tả, so sánh, trao đổi, suy nghĩ… thuộc đủ thể loại.


Chúng ta cũng tìm thấy trong cuốn sách cả chiều dày lịch sử và văn hoá của Thăng Long – Hà Nội từ cố đô Cổ Loa thời Âu Lạc, trị sở Tống Bình, thành Đại La thời Tiền Thăng Long, cho đến cột mốc định đô Thăng Long của vua Lý Thái Tổ rồi Thăng Long – Đông Đô – Đông Kinh – Kẻ Chợ thời Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng cho đến Hà Nội thời Nguyễn, thời Pháp thuộc, cho đến Hà Nội đang Đổi Mới, đang đan xen giữa truyền thống và hiện đại ngày nay.


Cuốn sách cũng hiển thị trước chúng ta một Hà Nội trên mặt đất với các sông hồ, các di tích thành luỹ, đền chùa, miếu mạo, phố phường và cả một Hà Nội trong lòng đất mà khảo cổ học đã có nhiều phát hiện.


Con người Hà Nội cũng được thể hiện ở một số gương mặt danh nhân và nhất là cuộc sống cộng đồng qua các phố nghề, làng nghề, hệ thống chợ bến, qua lối sống, nghệ thuật ẩm thực, qua các lễ hội và kho tàng văn hoá dân gian.


Một phong cách viết của Trần Quốc Vượng là kết hợp giữa các tư liệu trích dẫn trong thư tịch cổ, trong văn bia, thần tích, với những tư liệu khảo sát thực địa và đặc biệt thích điểm xuyết bằng những bài thơ cổ và nhiều ca dao, tục ngữ dân gian.


Điều tôi thích thú và đánh giá cao nhất trong nghiên cứu Thăng Long – Hà Nội của Trần Quốc Vượng là anh có những phát hiện, đề xuất rất sắc sảo. Anh là người đầu tiên đã khái quát “Cảnh quan sông – hồ”, đã đưa ra mô hình “Tứ giác nước” của Thăng Long – Hà Nội, đã phát hiện “Ngã ba nước” của các cửa ô La thành, đã đề xuất đặc điểm “Hội tụ – Giao lưu – Kết tinh – Lan toả” và quy luật “Tam giác tính: Truyền thống – Giao thoa – Đổi mới” trong phát triển văn hoá Thăng Long – Hà Nội… Anh cũng là người đầu tiên đưa ra khái niệm “Hà Nội học” để tôn vinh những nhà khoa học có nhiều cống hiến trong nghiên cứu Hà Nội và đề xuất thành lập Trung tâm Hà Nội học.


Nhận thức lịch sử cũng như khoa học nói chung, luôn luôn là một quá trình được nâng cao dần qua lao động khoa học không biết mệt mỏi và đầy tính sáng tạo của các nhà sử học, qua các thế hệ nối tiếp của các nhà sử học. Kết quả nghiên cứu của bất cứ nhà sử học nào dù tài ba đến đâu, qua thử thách của thời gian cũng có những giá trị được khẳng định và đứng vững, có những điều được bổ sung, điều chỉnh, có những giả thuyết, đề xuất được chứng minh và cũng không tránh khỏi có những điều bị vượt qua. Đấy là quy luật của nhận thức mà không một nhà sử học nào có thể đứng ngoài. Cống hiến trong nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội của GS Trần Quốc Vượng là rất lớn, rất đáng trân trọng, nhiều kết quả còn nguyên giá trị cho đến hôm nay, nhưng dĩ nhiên cũng nằm trong quy luật nhận thức lịch sử và tất cả đều được ghi nhận trong quá trình nghiên cứu và nhận thức về Thăng Long – Hà Nội.


Đối với GS Trần Quốc Vượng, bao trùm lên tất cả kết quả nghiên cứu cụ thể là một nhà khoa học gần như cả cuộc đời gắn bó mật thiết với mảnh đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng. Anh thường ngày đi tham quan, khảo sát khắp mọi di tích, thắng cảnh của Thăng Long – Hà Nội mà anh hay nói là “la cà khắp mọi chốn Hà Thành”, có mặt trong mọi cuộc khai quật khảo cổ học tại Hà Nội, ít khi vắng mặt trong các lễ hội, trong các sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của Hà Nội. Anh đi – trông – nghe – biết để cố hiểu cho đúng về lịch sử, văn hoá, con người, mảnh đất Hà Nội, rồi từ đó suy tư, nhận thức và viết cho mọi người hiểu biết thêm về Thăng Long – Hà Nội. GS Trần Quốc Vượng thường nói, Thăng Long – Hà Nội lắng đọng khí thiêng của non sông đất nước, thì tôi cũng có thể nói thêm, Thăng Long – Hà Nội luôn luôn lắng đọng trong tâm trí Trần Quốc Vượng, một người con của Hà Nội đã gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp tìm tòi, khám phá, giải mã Thăng Long – Hà Nội./


GS PHAN HUY LÊ


- Ts Nguyễn Nhã: "Khóc Phan Huy Lê".


+++++++++++++++++++++++++++++++


image015


Thứ ba, 15/8/2017 | 03:54 GMT+7


Chúc mừng GS. NGND Hà Văn Tấn tuổi 80


Ngày 15/8, tập thể Ban Giám hiệu, Công đoàn và Hội Cựu giáo chức Nhà trường đã tới tư gia của GS.NGND Hà Văn Tấn, chúc mừng sinh nhật Thầy tuổi 80.


GS.NGND Hà Văn Tấn đón đoàn với ánh mắt vui và trìu mến. Bên cạnh những câu chuyện về sức khỏe, các học trò, các cán bộ giảng viên mỗi lần tới thăm Thầy lại thêm một lần ngưỡng mộ trí tuệ uyên bác và tình yêu đối với nghiên cứu khoa học của thầy. GS Hà Văn Tấn đọc sách hàng ngày, vẫn xuất bản sách đều đặn. Thầy tặng các thành viên trong đoàn những cuốn sách mới xuất bản: Trầm tư dưới mái chùa Việt, Sự sinh thành Việt Nam, Chân lạp phong thổ ký. Tới thăm và chúc mừng sinh nhật Thầy, các học trò lại được Thầy tặng những món quà nhỏ nhưng ý nghĩa.


image028

Chữ ký của GS. NGND Hà Văn Tấn


image029

Niềm vui của GS.NGND Hà Văn Tấn


image030

Đại diện ban lãnh đạo Nhà trường chụp ảnh cùng GS.NGND Hà Văn Tấn


Link bài viết chân dung thầy Tấn trên website Nhà trường:


http://ussh.vnu.edu.vn/d4/news/GS-NGND-Ha-Van-Tan-voi-su-nghiep-nghien-cuu-khoa-hoc-va-giang-day-1-12276.aspx