Thơ Nguyễn Thị Minh Thái: "Tị nạn chiều"

25 Tháng Mười 20169:30 CH(Xem: 9451)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  TƯ  26  OCT  2016


Nguyễn Thị Minh Thái: ‘Thơ là thần hộ mệnh của đời tôi’


24/10/2016


 “Tôi đang bệnh rất nặng nhưng tôi vẫn ngồi đây và tươi tỉnh. Thơ là cái gì đấy mà mình có thể trú ngụ được. Nói cách khác, thơ là thần hộ mệnh của đời tôi” – nữ tiến sĩ chia sẻ.


Tị nạn chiều là tập thơ riêng đầu tay của PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái. Tác phẩm ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt: Vì lâm trọng bệnh, tác giả muốn tập hợp những bài thơ làm rải rác suốt mấy chục năm thành một tập thơ nhằm di dưỡng tinh thần trong cơn gian khó.


Nguyễn Thị Minh Thái cho biết bà không có ý làm thơ mà chỉ không thể không ghi lại những cảm xúc của mình trong tình riêng một cõi. Nhưng đến một đoạn gay cấn của cuộc đời, bỗng nhiên thơ lại trở thành sự cứu rỗi đối với bà.


“Tôi đang bệnh rất nặng nhưng tôi vẫn ngồi đây và tươi tỉnh. Thơ là cái gì đấy mà mình có thể trú ngụ được. Nói cách khác, thơ là thần hộ mệnh của đời tôi” – nữ tiến sĩ nghệ thuật học chia sẻ.


image034

Bức ảnh do thi sĩ Phạm Thị Ngọc Liên chụp được sử dụng làm ảnh giới thiệu tác phẩm. Ảnh: Phạm Thị Ngọc Liên. 


Tị nạn chiều là bài thơ số 3, đồng thời cũng được đặt làm tựa đề cho cả tập thơ. Nữ tác giả cho biết bà viết bài thơ này trong trong khoảng 15-20 phút khi vừa bị lạc đường ở Sài Gòn, không biết "tị nạn" vào đâu, ngoài buổi chiều đẹp nhưng buồn.


“Khi tôi ở Liên Xô trở về, tôi vào TP.HCM để lập gia đình lần 2, một cuộc hôn nhân mà tôi mất nhiều thời gian để chờ đợi nhưng cuối cùng đổ vỡ. Không cứu vãn được, tôi buộc phải tìm nhà riêng để ở. Tôi không quen đường ở Sài Gòn nên bị lạc. Tôi chui vào một quán cà phê, không có người nào giúp đỡ. Tôi đã cầm bút và viết ngay bài này” – Nguyễn Thị Minh Thái nói thêm.


Nữ tác giả tuổi Dần khẳng định tị nạn là tình trạng chung của nhiều người. Nhưng không ai đặt nhan đề bài thơ là tị nạn như bà. Nguyễn Thị Minh Thái quyết định tị nạn vào thiên nhiên như một hành động tốt nhất có thể làm để cứu vãn khỏi nỗi cô đơn và cuộc tình tan vỡ.


Góp mặt trong buổi ra mắt của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Đọc thơ của Nguyễn Thị Minh Thái, tôi thấy chị ấy yêu như sóng thần, như hỏa hoạn, như động đất. Không ai yêu đến mức mang áo người tình rang lên để gọi vía người ấy trở về như chị. Và cũng không ai viết những câu thật đớn đau mà cũng thật hạnh phúc 'Anh đã vò nát em như lánhư Nguyễn Thị Minh Thái.


Hầu hết các bài thơ trong Tị nạn chiều viết về tình yêu. Chị đã rất trung thực và không thể không trung thực. Điều ý nghĩa nhất với cuộc đời một người đàn bà là tình yêu. Chị đã yêu như một người đàn bà chạy băng qua lửa” – tác giả Sự mất ngủ của lửa nhấn mạnh.


Nam nhà thơ kết lại phần bình luận của mình rằng nếu chỉ được mang một cuốn sách của Nguyễn Thị Minh Thái đến một nơi nào đó thì ông sẽ chọn Tị nạn chiều. Còn nhà báoNguyễn Thụy Kha thẳng thắn cho biết: “Sau tất cả, có lẽ cái cuối cùng mà Nguyễn Thị Minh Thái để lại là thơ”.


image036

Tập thơ Tị nạn chiều được in 1.500 cuốn, trong đó 1.000 cuốn được bán làm từ thiện. Ảnh: Quang Đức. 


Tị nạn chiều được in với số lượng 1.500 cuốn. Nguyễn Thị Minh Thái cho biết bà sẽ giữ lại 500 cuốn để tặng người thân, bạn bè, giới văn - nghệ sĩ. 1.000 cuốn còn lại bà sẽ bán để lấy tiền làm từ thiện. Nữ tác giả sẽ dành toàn bộ số tiền thu được để nuôi một nữ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, con gái của liệt sĩ Gạc Ma, đang học tại Đại học Văn hóa TP.HCM.


“Tôi từng dạy học 9 năm tại Đại học Văn hóa TP.HCM, tôi thấy mình có nghĩa vụ giúp đỡ em. Hiện tại, em đã học xong năm nhất, nếu tiền bán sách đủ, tôi sẽ đóng học phí cho em đến hết 4 năm đại học. Sau này, nếu em mong muốn, tôi sẽ hướng dẫn em học cao học, nghiên cứu sinh” – nữ nhà thơ nhấn mạnh.


Sau buổi ra mắt tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái sẽ tổ chức một buổi giới thiệu Tị nạn chiều trong TP.HCM. 


Quang Đức


Thơ Nguyễn Thị Minh Thái: Nối và tách, mạnh mẽ và yếu mềm


06:18 30/07/2016


PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái gây bất ngờ khi chuẩn bị giới thiệu tập thơ riêng đầu tiên, càng bất ngờ hơn khi tác phẩm mới được "ra lò" vào thời điểm bà đang chiến đấu với bệnh tật.


Khi PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái giới thiệu chùm thơ nhỏ 20 bài trong tập thơ với bạn học vào năm 2009, nhà thơ Dương Kỳ Anh bình: “Đó chính là tiếng lòng cất lên, khi đau đớn, khi phẫn nộ, khi giận, khi hờn, khi lặng câm như hoá đá! Một nhà thơ Nga từng viết: 'Anh có thể dối em, thơ anh không thể dối'. Nguyễn Thị Minh Thái sống với đời không dối! Thơ của chị cũng vậy…”.


Còn khi Nguyễn Thị Minh Thái chuẩn bị ra mắt tập thơ riêng đầu tiên với tựa đề Tị nạn chiều, người bạn thân TS khoa học Đoàn Hương viết: “Đọc thơ chị chúng ta thấy một người đàn bà thật mạnh mẽ nhưng không phải là người có trái tim bằng thép, mà là một người bình thường, cũng mềm yếu, cũng đau đớn đến tận cùng. Chỉ có điều khác là sau mỗi đau đớn, chị lại gượng dậy, đứng lên và làm lại tất cả từ những số không và mảnh vỡ. Đây là thơ của một người phụ nữ đầy nghị lực.” 


PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái gây bất ngờ khi làm thơ, bất ngờ khi chuẩn bị ra mắt cả tập thơ. Nhưng bất ngờ trở nên “kinh khủng” hơn (chữ Nguyễn Thị Minh Thái hay dùng) khi được “ra lò” vào thời điểm nữ tác giả đang phải đối đầu với căn bệnh ung thư trực tràng “từ trên trời rơi xuống”. Nguyễn Thị Minh Thái không bi quan trước bệnh tật, bà coi như một cuộc chiến và trong cuộc chiến đó, bà đang là người dành ưu thế khi không ngừng làm việc, nói đúng hơn, không ngừng viết và không ngừng để lại.


Đám học trò nhắn hỏi thăm sức khỏe, nữ nhà giáo bảo “Cứ đến. Tôi là bệnh nhân người Việt, lúc nào cũng ở nhà”. Nhưng kỳ thực, Nguyễn Thị Minh Thái đâu chịu ở nhà dù mỗi ngày phải uống mấy đợt thuốc và ăn 3 lần hoa quả. Bà bận rộn với đủ thứ việc, khi thì làm MC cho một buổi ra mắt tác phẩm văn chương mới, lúc lại tham gia tranh luận trong một hội thảo về việc gìn giữ và phát huy một loại hình nghệ thuật truyền thống. Đến lúc ở nhà cũng không chịu ngồi yên, khi thì nghiên cứu sinh đến xin ý kiến, lúc lại báo chí – truyền hình đặt lịch phỏng vấn.


Và PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái vẫn sang sảng và quyết liệt trong các cuộc đối thoại và ngay cả với bệnh tật của mình, bà cũng không chịu lép vế ai. Bà kể về việc phát hiện ra bệnh, chuyện ở bệnh viện, chuyện bác sĩ, chuyện điều trị,... với giọng nói tự tin đúng phong cách một chuyên gia sắc sảo thường thấy, nào để ai có thời gian hỏi thăm mình. Nhìn thần sắc của người phụ nữ 65 tuổi không ai nghĩ rằng Nguyễn Thị Minh Thái đang mang trọng bệnh.


image038

Nguyễn Thị Minh Thái học làm trà sen ở Hồ Tây, ở nhà một nghệ nhân làm trà.


Ảnh: FBNV


Dù vậy, tác giả Mặt người mặt hoa tâm sự rằng, bệnh tật cũng khiến cuộc sống của bà có nhiều thay đổi. Bà phải ở nhà nhiều hơn, giảm thời gian giảng dạy xuống, đi ngủ sớm hơn và hạn chế các chuyến đi xa dài ngày. Bù lại, bà dành thời gian đến Tây Hồ vào những ngày cuối tuần để thưởng sen và học cách làm trà. Ngoài ra, nhà phê bình cũng ngồi đọc sách nhiều hơn, thậm chí đọc lại cả những tác phẩm văn học đầy ắp kỷ niệm một thời.


Đến thăm PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, bà khoe chuẩn bị ra mắt hai tác phẩm mới: tập thơ Tị nạn chiều và cuốn sách Mặt hoa da phấn. Trong đó, Tị nạn chiều đặt theo tên một bài thơ mà bà viết năm 1993 khi vừa kết thúc một cuộc tình, còn Mặt hoa da phấn là tuyển tập các bài chân dung, bình luận về các nữ văn nghệ sĩ. Nữ tiến sĩ đặc biệt bật mí rằng, trong cuốn sách sẽ có một vài bài viết về Hồng Nhung – giọng ca mà bà luôn dành những ngợi khen đặc biệt. Hơn nữa, Nguyễn Thị Minh Thái và Hồng Nhung từng là người một nhà. 


Còn về tập thơ Tị nạn chiều, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ: “Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đang biên tập và chọn lựa. Tôi đã giao cho anh ấy 60-70 bài thơ, bảo chọn bao nhiêu thì chọn. Biên tập xong sẽ xuất bản ngay, nếu nhanh thì trong tháng 8 này sẽ có tác phẩm giới thiệu với bạn bè và những người yêu mến. Trước đó, tôi cũng đã đăng tải trên facebook bài thơ Tị nạn chiều để mọi người đọc trước và cho cảm nhận". 


image040

Chân dung Nguyễn Thị Minh Thái được một người bạn họa sĩ vẽ tặng. Ảnh: Quang Đức


Ngay khi đăng tải bài thơ trên trang cá nhân, một người bạn của nữ tác giả bình luận: “Mắt Xanh thơ thế mà hay/ Nghe như giọt đắng giọt cay giữa đời”, còn một người bạn khác chia sẻ cảm nhận: "Diết da, đau đáu, buồn thương và tao nhã giữa cuộc đời. Kính quý một bài thơ hay”. Nguyễn Thị Minh Thái kể chuyện chính mình trong Tị nạn chiều, ở đó người đàn bà đanh thép, sắc sảo bỗng nhiên mải miết với nỗi buồn, với niềm tự sự chất chứa:


Tôi lang thang giữa chiều
hàng nghìn cánh - cửa - người đã đóng
một mảy gió vô tình cũng khó thấu
chỉ còn chiều với tôi
chỉ còn tôi với cả một chiều
tiếng đàn ghi ta gỗ
giọng hát em gầy
không bắc nổi cây cầu đưa tôi về xưa cũ
bướm và hoa
mây trôi bèo dạt
con cò đâu phải cành mềm
con sáo sang sông bạt gió
con diều lên giời đứt dây
lãng đãng trôi con thuyền quá vãng…


Dễ thấy thơ Nguyễn Thị Minh Thái đậm chất hình ảnh và không ngừng chuyển cảnh. Người đọc cảm như bà đang vẽ một bức tranh bằng ngôn ngữ rồi gửi gắm tâm sự vào trong đó. Bà sử dụng liên tiếp quan hệ từ “và” như vừa muốn nối, vừa muốn tách, mạnh mẽ và vẫn không tránh khỏi những yếu mềm, vừa như muốn dứt khoát ra đi vừa như thể vẫn còn tiếc nuối một điều gì đó. Thơ của Nguyễn Thị Minh Thái mang đến nhiều cảm nhận khác nhau, như những cảnh cửa mở để người bước vào và tìm một chỗ đứng, tìm một điểm tựa…


Điểm tựa quan trọng lắm thay! Và nơi tị nạn cũng quan trọng lắm thay! PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái tị nạn vào thơ, vào văn chương, vào nghệ thuật, để rồi có là số không, bà cũng không ngại bắt bầu…


Tôi chỉ còn nơi bấu víu là chiều
chỉ còn nơi tị nạn là chiều


Để sớm mai tôi sẽ lại
lên đường
từ số không và mảnh vỡ.


Quang Đức


Zing.vn 30/7/2016

13 Tháng Bảy 2016(Xem: 8847)