Người Mông Cổ là “Dân Bắc Á gốc Việt”

24 Tháng Ba 20238:38 SA(Xem: 1938)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 3 – THỨ SÁU MAR 24, 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Người Mông Cổ là “Dân Bắc Á gốc Việt”

image007

Hà Văn Thùy


Cho đến nay, nguồn gốc và vai trò lịch sử của chủng Mongoloid phương Bắc vẫn là bí ẩn. Bằng khảo cứu của mình, chúng tôi xin giải mã bí mật này.


Chủng Mongoloid gồm những sắc dân Mongol, Evenki, Altaic, Tungusic, Eskimos … sống du mục tại hoang mạc phía Bắc châu Á. Hầu hết học giả thế giới tin rằng, đó là dòng người từ châu Phi theo con đường di cư phía Bắc đi lên. Gần đây một số tác giả cho rằng họ từ Đông Nam Á và Tây Nam Trung Quốc tới. Tuy nhiên ý kiến này đương bị tranh cãi.


70.000 năm trước, hai đại chủng người châu Phi Mongoloid và Australoid di cư tới Việt Nam. Trên đất Việt Nam, đa số các nhóm di cư gặp gỡ hòa huyết sinh ra bốn chủng người Việt cổ là Indonesian, Melanesian, Vedoid, và Negritoid, cùng thuộc nhóm loại hình Australoid.(1) Trong thời đá mới, tại Việt Nam và Đông Nam Á không có người Mongoloid. Di truyền học giải thích hiện tượng này như sau. Theo nguyên lý di truyền, khi hai chủng Mongoloid (M) và Australoid (A) hòa huyết sẽ sinh ra 25% dân cư mang máu A + 25% dân cư mang máu M và 50% dân cư mang máu AM. Nhưng tại Việt Nam chỉ có duy nhất dân cư mang máu A chứng tỏ rằng, do số lượng người Australoid quá lớn nên gen Australoid trở nên trội trong cộng đồng dân cư và gen Mongoloid bị lặn. Có nghĩa là gen M vẫn có trong máu huyết người Việt nhưng tỷ lệ thấp nên không đủ hình thành người Mongoloid. Vì vậy suốt thời đồ đá ở Việt Nam không có người Mongoloid.


Năm 1998, trong công trình Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc (2), tác giả Kim Lực khi bàn về nguồn gốc người Mông Cổ sống tại Bắc Á, có đưa ra giả thuyết: “Có thể người Mông Cổ cũng từ Việt Nam đi lên.” Một giả thuyết chưa được chứng minh nên không gây được chú ý. Năm 2004, dựa trên giả thuyết của Kim Lực, chúng tôi đưa ra lý giải sau. Khi từ châu Phi tới, đại đa số di dân châu Phi gặp gỡ hòa huyết cho ra người Việt cổ. Nhưng có những nhóm Mongoloid không chịu “chơi” với ai, đã đi lên Tây Bắc Việt Nam, sống trong vùng giá lạnh, tạo nên cộng đồng “riêng” Mongoloid. Cộng đồng Mongoloid do sống tại cực Bắc Việt Nam nên không tham gia vào cuộc ra khỏi Việt Nam 50.000 năm trước vì vậy ta không biết tới sự có mặt của họ. Rất may là có bộ xương duy nhất của người Mongoloid 68.000 năm, tìm được ở Liễu Giang Quảng Tây chứng tỏ người Mongoloid từng sống tại đây!


image011Mũ sọ của người đàn bà di cư từ Việt Nam lên đất Mông Cổ Sankhit 39.000 năm trước


40.000 năm trước, nhiệt độ phương Bắc ấm lên. Người Việt cổ từ Việt Nam đi lên Hoa lục. Dựa trên việc người Mongoloid xuất hiện tại Siberia, chúng tôi cho rằng người Mongoloid từ Tây Bắc Việt Nam theo hành lang Tứ Xuyên-Ba Thục đi lên Mông Cổ. Sau này, chiếc mũ sọ người đàn bà tại di chỉ Salkhit trên đất Mông Cổ 39.000 năm trước (3) là vật chứng quý giá của cuộc di cư này.


Năm 2006, trong cuốn Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn học) (4)chúng tôi công bố khám phá này.


Từ 40.000 năm trước, người Việt cổ đi lên Hoa lục rồi lan tỏa lên Bắc Á, sang châu Mỹ, chiếm lĩnh Ấn Độ. Myanmar, Tibe. Một dòng sang Trung Á rồi tới Nam Âu làm nên tổ tiên người phương Tây. Khoảng 7000 năm trước, người Việt cổ xây dựng văn hóa trồng kê tại Ngưỡng Thiều Nam Hoàng Hà. Tại địa điểm Bán Pha có sự gặp gỡ giữa người Việt cổ Indonesian và người Mông Cổ, xảy ra hòa huyết giữa hai chủng người và con lai Mông Việt ra đời. Trong khi hòa huyết, người Mông Cổ chuyển cho con lai một lượng gen Mongoloid cộng với lượng gen Mongoloid vốn có trong người Indonesian nên con lai có lượng gen Mongoloid lớn vượt qua giới hạn của nhóm loại hình Australoid giúp chuyển thành người Mongoloid. Tại làng Bán Pha, khảo cổ học phát hiện nghĩa trang với nhiều bộ xương chủng người mới, giống với xương người Hán, các nhà chuyên môn xếp chủng người này thành chủng Mongoloid phương Nam.


Khảo sát di cốt người Mongoloid phương Nam, khảo cổ học phát hiện, chủng người này tăng số lượng rất nhanh, thay thế người Việt cổ Indonesian, chiếm lưu vực Hoàng Hà. Khoảng 1000 năm sau đã là chủ thể của dân cư Nam Hoàng Hà và lan xuống lưu vực sông Dương Tử.


Một câu hỏi được đặt ra: vì sao người Mongoloid phương Nam tăng số lượng nhanh chóng? Đến nay các học giả thế giới chưa giải thích được. Đa số cho rằng một lượng lớn người từ lưu vực Hoàng Hà đi xuống, thay thế người Việt bản địa, làm nên dân cư Việt Nam và Đông Nam Á. Chúng tôi giải thích theo cách khác.


70.000 năm trước, khi sinh ra ở Việt Nam, người Indonesian chiếm đa số, khoảng 60% dân cư. Không những thế, trong máu của họ có tỷ lệ gen Mongoloid lớn nhất trong số dân cư Việt cổ. Vì vậy khi hòa huyết với người Mongoloid phương Nam, con cháu họ nhận được lượng gen Mongoloid lớn hơn nên dễ dàng chuyển sang chủng Mongoloid phương Nam. Tới lượt mình, khi trưởng thành, giao phối với đồng bào Mongoloid phương Nam của mình, được bổ sung nguồn gen Mongoloid mới, cũng chuyển thành người Mongoloid phương Nam. Giống như trò chơi Domino, dân cư Đông Nam Á và Nam Á gần như tự động chuyển sang chủng Mongoloid phương Nam. Vì vậy, khoảng 2000 năm TCN toàn bộ dân cư Việt Nam chuyển sang chủng Mongoloid phương Nam. Cho tới đầu Công nguyên, toàn bộ dân cư Nam Á đã là chủng Mongoloid phương Nam.


Trong khi đó, người Mông Cổ phương Bắc vẫn sống tập trung ở Bắc Á, di cư về phía Tây làm nên dân cư Nga và Đông Âu. Một cộng đồng đầy bí ẩn mà nguồn gốc và quá trình hình thành chưa được làm rõ. Phần đông học giả tin rằng họ là người châu Phi theo con đường phương Bắc tới.


Tuy nhiên nghiên cứu của chúng tôi phát hiện: Hình thành từ Việt Nam nhưng cộng đồng North Mongoloid đã theo con đường riêng biệt Ba Thục đi lên Bắc Á và giữ được nguồn gen gốc North Mongoloid của mình. Vì vậy haplogroup North Mongoloid Bắc Á (N-M231) có đa dạng sinh học cao nhất trong cộng đồng Mongoloid, tương tự ba haplogroup O-M175, , C-M130, D-M174. Khi nguồn gốc và hành trình của haplogroup N được xác định, đã hoàn toàn bác bỏ quan niệm là có con đường di cư phương Bắc, đưa người Mongoloid từ châu Phi tới Bắc Á.


Vậy là hiểu biết mới về người Mông Cổ được phát hiện: Sinh ra ở Việt Nam 70.000 năm trước. Sống “mai danh ẩn tích” tại miền giá lạnh của đất nước suốt trong 30.000 năm rồi kéo nhau lên miền Bắc châu Á băng tuyết. 7000 năm trước, đem máu thịt làm nên chủng Mongoloid phương Nam, đông nhất nhân loại. Phần chủ thể của cộng đồng sống ở Bắc Á, làm nên một phần dân cư Nga và Đông Âu. Một câu hỏi cần được trả lời: nên gọi người Mông Cổ là gì? Là người Việt cổ chăng? Khoảng 70 tới 40.000 năm trước, họ là người Việt cổ. Nhưng nay, hợp lý hơn khi gọi họ là “người Bắc Á gốc Việt”? Tùy ý các học giả. Có điều chắc chắn: Thật kỳ diệu, chính họ là bằng chứng nói rằng máu thịt Việt làm nên nhân loại!


Sài Gòn, 20. 3. 2023


1.Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB Đại học&THCN. H, 1983


2. J.Y. Chu et al. Genetic relationship of populations in China - PubMed


https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov ›


3. Yves Coppens et al. Discovery of an archaic Homo sapiens skullcap in Northeast Mongolia https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1631068307001650


4. Hà Văn Thùy. Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt. NXB Văn học. H, 2006

20 Tháng Giêng 2023(Xem: 2087)