Chữ quốc ngữ trong hệ thống ngôn ngữ quốc tế

30 Tháng Mười Một 20175:16 CH(Xem: 9040)

VĂN HÓA ONLINE - Ý KIẾN  -  THỨ  SÁU  01  DEC  2017


"Tiếq Việt": mỹ miều hay quái đản?


* Chủ đề của Văn Hóa


image007


Chữ quốc ngữ trong hệ thống ngôn ngữ quốc tế


Nguyễn Việt Long


29/11/2017


Theo dịch giả Nguyễn Việt Long, chữ viết tiếng Việt dùng bộ chữ cái La-tinh (Latin) nằm trong nhóm phổ biến nhất thế giới xét về địa bàn, số người và số quốc gia sử dụng.


Từ cải tiến chữ viết 'záo zụk' đến chuyện tiếp nhận ý tưởng mới Đề xuất cải tiến chữ viết của PGS Bùi Hiền khiến dư luận tranh cãi. Nhiều chuyên gia cho rằng cần đón nhận nghiêm túc các ý tưởng khoa học, dù chưa khả thi.


Trước những tranh luận về đề xuất cải tiến chữ viết thành "záo zụk" của PGS.TS Bùi Hiền, nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Long cho rằng một khi kho dữ liệu văn bản đã quá lớn, thay đổi cấp tiến sẽ kéo theo chi phí tốn kém về thời gian và tiền bạc mà những tiện ích mới không thể bù đắp. 


Zing.vn xin giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Việt Long về vấn đề này:


Kể từ khi ra đời vào đầu thế kỷ XVII, chữ quốc ngữ, sử dụng bộ chữ cái La-tinh có thêm các dấu phụ, do các giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha và Pháp tạo ra đã định hình như ngày nay.


Nó được viết hầu như giống với cách viết trong Tự điển Việt - La tinh (1838), do giám mục Jean-Louis Taberd biên soạn lại, dựa theo bản thảo năm 1773 của Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc).


Dĩ nhiên, do mục đích ban đầu để cho người phương Tây ghi lại lời nói tiếng Việt và dễ học tiếng Việt, nó có những bất hợp lý tồn tại cho đến ngày nay, dù đã được chỉnh sửa nhiều phen.


Lại có những bất hợp lý mang tính lịch đại, do ngành ngôn ngữ học chưa phát triển với các khái niệm hiện đại như âm vị, hình vị và tiếng Việt chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.


Những đề xuất chính thay đổi chữ quốc ngữ trong lịch sử


Từ cuối thế kỷ XIX rồi đầu thế kỷ XX, sau khi có những quyết định của chính quyền thuộc địa sử dụng chữ quốc ngữ trong các văn bản Nhà nước ở Nam Kỳ rồi toàn bộ Việt Nam, báo chí dùng chữ quốc ngữ khiến nó trở nên phổ biến, thì đã có nhiều ý kiến muốn cải tiến như thay đ bằng d, c bằng k, bổ sung các chữ cái f, j, wz và lấy f thay ph, j thay gi, z thay d, nhưng đều không được chấp nhận.


Một hướng khác là tìm cách thay các dấu phụ bằng những chữ cái, kiểu như viết ăn thành ant, ăp thành aph, hay ap viết là ab, ăp viết ap, ac viết ag, ăc viết ak, dùng bộ chữ b, k, l, d, q (hoặc bộ chữ f, z, w, q, j) viết sau đuôi âm tiết thay cho các dấu huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng nhằm tạo ra thứ chữ không có dấu thanh điệu nhưng đều không được hưởng ứng.


Hai hội nghị do chính quyền Pháp tổ chức các năm 1902 và 1906 họp tại Hà Nội bàn về cải tiến chữ quốc ngữ, được hậu thuẫn bằng nghị định ngày 16/5/1906 của Toàn quyền Pháp về áp dụng cải tiến trong các sách giáo khoa, nhưng vẫn không thi hành được.


Lại còn lối cải tiến viết liền những từ đa âm tiết để bỏ dấu gạch nối nhưng nó mau chóng bộc lộ bất cập khi có thể đọc theo nhiều cách, ví dụ chếtác có thể đọc là chế tác hoặc chết ác.


image008
Đoạn đầu Truyện Kiều viết theo đề xuất của Nguyễn Bạt Tụy


Đến giữa thế kỷ XX, đề xuất cải cách tương đối triệt để của Nguyễn Bạt Tụy tuân theo âm vị (sử dụng cả các chữ cái f, j, w, z) cũng bị bỏ qua vì quá khác biệt.


Sau năm 1975, ít ai bàn đến chuyện thay đổi mang tính triệt để nữa mà chỉ xoay quanh những cải tiến chính tả nho nhỏ như bổ sung các chữ cái f, j, w, z để thay ph, gi hay d, hoặc chuyện phiên âm tên riêng.


Có vẻ như những thành công hiếm hoi là bỏ dần gạch nối trong mỗi từ. Sách báo miền Bắc cho đến thập niên 1950, miền Nam đến 1975 vẫn thường viết hòa-bình, giáo-dục. Miền Bắc đi trước trong việc bỏ dấu nối, chỉ còn áp dụng cho địa danh (ví dụ Sài-gòn), sau đó thì bỏ nốt, giờ thì cả nước chỉ còn dùng cho một số từ phiên âm.


Hiện nay, những chữ cái f, j, w, z đã được sử dụng không chính thức trên sách báo và cả trong Từ điển Bách khoa Việt Nam, chủ yếu dùng cho tên riêng và một vài danh từ, thuật ngữ gốc nước ngoài. Phương án dùng k thay c chỉ được thực hiện ở một vài từ địa danh như Bắc Kạn, Đắk Lắk, Đắk Nông.


Chữ quốc ngữ trong hệ thống ngôn ngữ quốc tế


Chỉ có hệ thống chữ ghi âm mới có bộ (hay bảng) chữ cái, còn hệ thống chữ ghi ý mà điển hình là chữ Hán (thường gọi là chữ tượng hình) có rất nhiều ký tự và phải học cách đọc thông qua một hệ thống ký âm bổ trợ.


Chữ ghi âm lại có loại ghi âm triệt để đến cấp độ đơn vị âm nhỏ nhất là ghi âm vị và loại ghi âm đến cấp độ âm tiết. Loại chữ ghi âm tiết sẽ có số lượng ký tự nhiều hơn, chẳng hạn hai thứ chữ hiraganakatakana của Nhật Bản đều có số ký tự lên đến 46, dù cho âm tiết tiếng Nhật thuộc loại nghèo nàn, không đa dạng.


Chữ viết tiếng Việt dùng bộ chữ cái La-tinh (Latin), là bộ chữ nằm trong tốp phổ biến nhất thế giới xét về địa bàn, số người và số quốc gia sử dụng. Ở Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Timor Leste dùng bộ chữ cái La-tinh, không kể Singapore sử dụng tiếng Anh.


Bộ chữ Hy Lạp quen thuộc với chúng ta qua những ký hiệu toán học là tiền thân của bộ chữ cái Cyrillic mà nhiều dân tộc Slav, trong đó có Nga, Belarus, Bulgaria, Ukraine sử dụng.


Người Triều Tiên hay Hàn Quốc rất tự hào sử dụng bộ chữ cái riêng do họ sáng tạo từ thế kỷ XV mà mỗi âm tiết viết ra được gói gọn trong một khối vuông, khiến cho nhiều người Việt tưởng là chữ tượng hình.


Chữ viết tiếng Việt hiện nay theo sát nguyên tắc ghi gì đọc nấy hơn tiếng Anh hay tiếng Pháp. Về mặt này tiếng Anh có thể coi như thảm họa, ngay tiếng Pháp cũng có những chữ câm không đọc khi ở một số vị trí (ví dụ e, t ở cuối từ, h ở đầu từ khi đọc khi không, phải tra từ điển).


Phát âm vài nguyên âm tiếng Nga phụ thuộc vào vị trí trước, sau hay dưới trọng âm. Chữ viết tiếng Nhật thì khá rối rắm do người viết và đọc phải sống chung với ba hệ chữ viết cùng lúc trong văn bản: kanji (Hán tự), hiraganakatakana. Trong đó, kanji không chỉ có một cách đọc, mà có thể đọc theo âm Hán hoặc theo âm Nhật có nghĩa tương ứng.


Những bất hợp lý dùng ký tự kép để ghi một âm vị phụ âm đều tồn tại trong tiếng Anh và Pháp như trong tiếng Việt (như ch, ng, ph). Những chữ cái c k, f ph vẫn chung sống hòa bình trong tiếng Anh và Pháp mà không mấy ai đòi tước mạng sống của dạng nào nữa chỉ vì lý do tối giản.


image006

Dịch giả Nguyễn Việt Long. Ảnh: NVCC


Cải tiến chữ viết trong các ngôn ngữ lớn trên thế giới


Sau những ồn ào đòi cải cách tiếng Anh và tiếng Pháp cuối thế kỷ trước nhân khi hệ thống phiên âm quốc tế IPA mới ra đời, chữ viết tiếng Anh và tiếng Pháp về cơ bản vẫn thế.


Có lẽ, cải cách chữ viết lớn nhất là việc loại bỏ 4 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Nga sau Cách mạng Tháng Mười. Giờ đây, trong các ngôn ngữ lớn trên thế giới, chỉ còn những thay đổi ở mức độ thấp hơn và thường được gọi là cải cách chính tả và quy định thay đổi cách viết một số từ, dùng dấu gạch nối hay bỏ đi, viết liền hay viết rời.


Không có chuyện thay đổi toàn bộ hệ thống chữ viết, trừ trường hợp chuyển hẳn từ bộ chữ cái hệ này sang bộ chữ cái hệ khác như một số nước cộng hòa cũ của Liên Xô sau khi tách ra thành nước độc lập.


Cuộc cải cách chính tả được Indonesia và Malaysia cùng tiến hành năm 1972 nhằm cho ngôn ngữ hai nước này xích lại gần nhau hơn. Bởi vì trước đây, hai thứ tiếng này có thể hiểu lẫn nhau khá nhiều nhưng quy tắc chính tả có khác biệt do bị ảnh hưởng của Anh tại Malaysia và của Hà Lan tại Indonesia.


Năm 1996, Đức, Áo và Thụy Sĩ thống nhất tiến hành cải cách chính tả mà thay đổi lớn nhất chỉ là hạn chế dùng chữ ß trong một số trường hợp, điều chỉnh cách viết một số từ bằng cách thêm bớt ký tự, thay chữ này bằng chữ kia, tách một số từ phức... Thế mà sự chống đối cũng mạnh mẽ và phải kéo dài thành vài giai đoạn.


Tại Pháp, Viện Hàn lâm đã quyết định sửa đổi chính tả từ năm 1990 nhưng mãi đến năm ngoái mới thông báo sẽ đưa vào sách giáo khoa trong năm nay. Tất cả chỉ có chừng 2.400 từ bị thay đổi theo các kiểu thêm bớt dấu gạch nối, viết liền hay không viết liền, thay đổi cách viết số nhiều ở vài từ phức, bỏ dấu mũ (^) ở một số từ...


Thay đổi táo bạo nhất có lẽ là đổi oignon (củ /cây hành) thành ognon. Thế nhưng, họ cũng không dám bỏ từ cũ mà cho tồn tại song song và không trừ điểm học sinh nếu viết theo kiểu cũ. Dân chúng ban đầu cũng không mấy ai để ý, cho đến khi trên kênh truyền hình TF1 xuất hiện dạng từ mới ognon. Thế là bão táp phản đối nổi lên.


Những sự việc trên cho thấy ngay cả những thay đổi ở mức độ từ ngữ, dấu chính tả cũng không được hoan nghênh, chưa nói đến những thay đổi động trời.


Người dân các nước đó giờ đây bình tĩnh nhìn nhận một thực tế là không cần thiết phải làm cuộc đại giải phẫu triệt để thay thế chữ nọ bằng chữ kia theo hướng tối giản vì lợi bất cập hại.


Một khi kho dữ liệu văn bản đã quá lớn, thay đổi cấp tiến sẽ kéo theo chi phí tốn kém về thời gian và tiền bạc mà những tiện ích mới không thể bù đắp. Ngoài kho dữ liệu quá lớn, cải cách còn động chạm đến giấy tờ giao dịch, con dấu, thậm chí tiền tệ. Chưa kể ngoài thói quen ăn sâu ở người sử dụng, nó gây ra đứt gãy văn hóa, gây trở ngại cho việc tiếp cận văn bản cũ của các thế hệ sau.


Tác giả đề xuất viết 'Tiếq Việt': Chữ cải tiến sẽ tiết kiệm 8% giấy PGS.TS Bùi Hiền, người đề xuất viết "giáo dục" thành "záo zụk", cho biết việc cải tiến chữ viết không chỉ giúp người học dễ nhớ mà còn góp phần tiết kiệm 8% giấy.


Tốt nghiệp Đại học Năng lượng Moskva năm 1981, ông Nguyễn Việt Long, Phó giám đốc Công ty Văn hóa Giáo dục Long Minh, đã hoạt động trong ngành xuất bản hơn 30 năm và từng công tác tại các NXB Khoa học Kỹ thuật và Lao động.


Ông đã tham gia biên soạn một số từ điển chuyên ngành và dịch một số tác phẩm của S. Maugham, Hàm cá mập của P. Benchley và nhiều sách kiến thức khác./


Nguyễn Việt Long
07 Tháng Sáu 2018(Xem: 9587)
Nhìn lại vụ cho thuê đất 99 năm