Nato và 6 nước Bắc Âu bao vây Nga

22 Tháng Mười Hai 20235:46 SA(Xem: 3385)

VĂN HÓA ONLINE – ĐIỂM NÓNG - THỨ SÁU 22 DEC 2023


Nato và 6 nước Bắc Âu bao vây Nga


image003Bản đồ minh họa 6 nước Bắc Âu ký hiệp ước Quốc phòng với Hoa Kỳ ở Washington DC hôm 18/12/2022.


Sáu nước Bắc Âu và Baltic mở cửa hàng chục căn cứ quân sự cho Hoa Kỳ và Nato


BBC 22/12/2023


image005Nguồn hình ảnh, Getty Images. Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Phần Lan tại lễ ký Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng -DCA với bộ trưởng ngoại giao Antony Blinken của Hoa Kỳ ở Washington DC hôm 18/12/2022


Trong diễn biến quan trọng cuối năm 2023, một loạt quốc gia ở vùng phía Bắc châu Âu đã ký các hiệp nước quân sự cho Hoa Kỳ và đồng minh Nato triển khai quân đội tới lãnh thổ của họ để phòng thủ trước Nga.


Hôm 18/12/2023, Phần Lan, quốc gia mới gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương (Nato) trong năm nay, ký thêm một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ.


Có tên là “The Defence Cooperation Agreement” (DCA) văn bản ký ở Washington DC “bổ sung vào tư cách thành viên Nato của Phần Lan”, theo lời bà Elina Valtonen, Bộ trưởng Ngoại giao quốc gia Bắc Âu có đường biên giới dài với Liên bang Nga.


Hoa Kỳ đã ký một DCA với Thụy Điển từ 2018 và hai bên sẽ tiếp tục đẩy nhanh hợp tác.


Năm 2021, Thụy Điển và Phần Lan cũng ký kết riêng một thỏa thuận hỗ trợ an ninh.


Khi nào quân Mỹ tới?


Điều quan trọng là quân đội Hoa Kỳ từ nay có thể triển khai quân tới đồn trú hoặc dùng các điểm tiền phương để tiếp liệu, cung ứng hậu cận ở 15 căn cứ của Phần Lan.


Một số báo châu Âu chạy tin “Helsinki mời quân Mỹ tới vùng biên giới với Nga” trong lo ngại về sự đe dọa từ chính quyền Putin.


Tổng thống Nga đã phản ứng tức khắc bằng việc chỉ đạo tái phục hồi Quân khu Leningrad, nằm sát biên giới Phần Lan và lên tiếng cảnh báo về nguy cơ căng thẳng gia tăng mà ông đổ cho Nato và Hoa Kỳ “lôi kéo Phần Lan” khỏi quy chế trung lập.


Nhưng không chỉ Phần Lan mà một loạt các quốc gia khác gồm Thuỵ Điển, Đan Mạch, Estonia và Lithuania đã ký trong tháng 12 năm nay các thỏa thuận với Hoa Kỳ, mở đường cho việc quân Mỹ triển khai khắp vùng bắc châu Âu và Biển Baltic.


Trước mắt, Hoa Kỳ có thể ngay lập tức tiếp cận 5 trong 15 căn cứ của Phần Lan ở vùng Lapland.


Trong số đó có căn cứ huấn luyện quân sự Rovajärvi lớn nhất của cả Tây Âu, trải dài trên diện tích hơn 1000 km vuông. Vài năm tới, Phần Lan sẽ đưa phi đội F-35 mới mua tới đây.


Căn cứ Ivalo nằm cách đường biên giới với Nga chỉ vài chục km, cũng thuộc danh sách kể trên, theo các báo châu Âu.


Lực lượng của Phần Lan ở Ivalo “đối mặt” với trung đoàn Xạ thủ Cơ giới 80 của quân đội Nga, còn gọi là “trung đoàn Bắc Cực” thuộc vùng Murmansk.


Trang Politico hôm 21/12 cho rằng “các hiệp ước đa phương về quân sự, ký kết nhiều năm, đánh dấu một chuyển biến lớn ngay trong Nato”.


Các quốc gia nói trên không chỉ “tích trữ, bổ sung vũ khí sau khi đã gửi nhiều cho Ukraine” mà còn chuẩn bị sẵn sàng đối đầu với Nga”.


Họ đã đồng ý cho Hoa Kỳ quyền đưa quân đội tới trợ giúp huấn luyện và kể cả triển khai các đơn vị chiến đấu một khi có tình trạng khẩn cấp, theo Politico.


Cũng trong mấy tháng cuối năm 2023, Đức tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác quân sự hỗ trợ đồng minh Nato ở vùng Baltic.


Một thỏa thuận mới toanh ký tháng 12 cho phép quân đội Đức đưa gần 5000 quân bộ binh sang đóng vĩnh viễn ở Lithuania, gần biên giới Nga.


Cuối tháng 11, tập đoàn Diehl Defence của Đức ký kết hợp đồng trị giá 600 triệu euro cung cấp hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T cho Latvia.


Điều đáng nói là một thỏa thuận khác của Latvia ký với Estonia cho phép Estonia được bảo vệ bởi hệ thống phòng không mà Đức cung cấp có tầm bắn hạ phi cơ hoặc dron vũ trang trong phạm vi tới 40km, giảm chi phí cho Estonia.


Truyền thông vùng Baltic nói phía Đức nói họ sẽ chuyển hệ thống IRIS-T cho các nước Baltic và giữa 2026 sau khi công tác huấn luyện kỹ thuật cho đơn vị điều khiển của Latvia hoàn tất.


image007Nguồn hình ảnh, Reuters Phi cơ Gripen do tập đoàn Saab của Thụy Điển sản xuất


Tình hình xấu đi trông thấy


Một ngày sau khi các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Phần Lan ký DCA với Hoa Kỳ ở Washington DC, Đan Mạch công bố việc ký kết tương tự, có giá trị 10 năm, lần đầu cho phép quân đội Hoa Kỳ triển khai tới lãnh thổ của họ.


Thủ tướng Mette Frederiksen nói hôm 19/12 rằng chính phủ của bà từ nay cho phép quân lực Hoa Kỳ và các phương tiện quân sự “tới triển khai, đồn trú trên đất Đan Mạch”.


Các báo châu Âu cho rằng đây là một thay đổi quan trọng trong chính sách quốc phòng của Đan Mạch tuy bà Frederiksen nói thỏa thuận “không thay đổi điều khoản rằng Đan Mạch không nhận vũ khí hạt nhân ở lãnh thổ của mình”.


Nữ thủ tướng thuộc đảng Xã hội Dân chủ của Đan Mạch không nói là bao nhiêu quân Mỹ sẽ tới Đan Mạch.


Tuy thế, các bình luận trong vùng Bắc Âu cho rằng đây là bước đi “không thể tránh khỏi” của Copenhagen khi mà các nước láng giềng trong vùng đã ký kết những thỏa thuận sâu rộng về an ninh với Washington.


Hôm 06/12/2023, chính phủ Thụy Điển công bố một văn bản bổ sung cho DCA đã ký với Hoa Kỳ từ 2018.


Về mặt quân sự, đây là sự kiện quan trọng hơn cả vì Thụy Điển từ lâu nay là quốc gia có năng lực quốc phòng và công nghệ vũ khí hơn hẳn các quốc gia Bắc Âu và Baltic.


Trong quá khứ, Thụy Điển từng giao tranh nhiều với Đế quốc Nga và có lúc đã xâm lăng vùng Nam Baltic và đánh vào lãnh thổ Công quốc Nga.


Hiện nay, trong các nước ở biển Baltic thuộc Nato, Thụy Điển là quốc gia duy nhất sản xuất được các loại vũ khí hiện đại có tiếng như phi cơ Gripen, tàu ngầm Gottland.


Thụy Điển nay giải thích vì sao họ cần tăng cường hợp tác quốc phòng song phương với Hoa Kỳ bên cạnh các thỏa thuận chung sẽ nhận được khi trở thành thành viên ở Nato.


Theo đó, thì Stockholm đánh giá rằng “môi trường an ninh khu vực xấu đi và sự an toàn của Thụy Điển thay đổi nhanh chóng khiến năng lực phản ứng nhanh, độc lập và cùng phối hợp với các đối tác – đồng minh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết”.


Chính phủ Thụy Điển xác nhận họ coi “Hoa Kỳ là đối tác an ninh – quốc phòng quan trọng nhất trong quan hệ song phương và trong khuôn khổ Nato”.


Văn bản này (nguồn tại đây) cũng cho biết thỏa thuận bổ sung năm nay “tạo tư cách pháp lý cho quân nhân Hoa Kỳ, giải quyết các vấn đề hậu cần, dự trữ vũ khí, thuế và quy định chung” trên lãnh thổ vương quốc Bắc Âu.


Từ nay, Hoa Kỳ có thể triển khai quân và sử dụng 17 căn cứ của Thụy Điển ở vùng Bắc Âu và Biển Baltic.


Con số các căn cứ của đồng minh trong vùng mà quân Mỹ có thể tiếp cận, sử dụng nay lên tới hàng chục.


image009Nato thu nhận thêm các thành viên Bắc Âu từ 2022, sau đợt nhận các nước hậu XHCN