Nguyễn Hưng Quốc: Biển Đông, nhìn từ hai phía

13 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 16580)

image036
Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng và bộ tham mưu quốc phòng đứng trên nóc tầu ngầm Kilo 636 của Nga chế tạo. Trong chuyến đi thăm Nga trước đây, Tt Dũng đã mua của Nga 6 tầu ngầm lớp Kilo là thế hệ hiện đại nhất của Nga có nhiều đặc tính phù hợp với Biển Đông. Cảng Cam Ranh là nơi bảo trì cho Kilo.
 image037

Hải quân Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh.

Blog Nguyễn Hưng Quốc

06.03.2014

Trong bài này, viết về sự tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải), tôi không chú ý đến các khía cạnh lịch sử, pháp lý, quân sự, kinh tế và ngoại giao vốn đã được nhiều người đề cập mà chỉ tập trung vào một khía cạnh nhỏ: thái độ giữa hai nước; trong cái gọi là thái độ ấy, tôi chỉ giới hạn trong phạm vi học thuật.

Đề tài này được gợi ý từ một bài viết của Shannon Tiezzi mới đăng trên tờ The Diplomat gần đây: “Trận chiến học thuật về Nam Hải của Trung Quốc” (China’s Academic Battle for the South China Sea”. Trong đó, Tiezzi nhấn mạnh: trong cuộc giành giật lãnh hải với các nước Đông Nam Á, trong đó phần lớn thuộc về Việt Nam, Trung Quốc không những chỉ chú trọng đến việc tăng cường quân sự - đặc biệt là hải quân - cũng như các hoạt động giám sát trên biển. Tất cả những điều đó đã được nhiều người đề cập và phân tích. Có một khía cạnh khác, quan trọng không kém, nhưng lại rất ít được chú ý: Đó là Trung Quốc còn huy động cả cộng đồng học giả Trung Quốc vào cuộc chiến nhằm tìm kiếm tài liệu, phân tích dữ kiện, tranh thủ sự đồng tình của thế giới và góp phần trong việc hoạch định các chính sách quốc gia liên quan đến Biển Đông.

Tiezzi nhắc đến hai học viện chính:

Thứ nhất, Trung tâm sáng kiến hợp tác về Biển Đông học (Collaborative Innovation Centre for South China Sea Studies), thuộc đại học Nanjing, được thành lập vào năm 2012 như một trong 14 dự án nghiên cứu tầm vóc quốc gia được ưu tiên hàng đầu tại Trung Quốc. Nhiệm vụ chính của Trung tâm là nghiên cứu tất cả các khía cạnh quan trọng liên quan đến Biển Đông, qua đó, tuyên truyền với nhân dân Trung Quốc cũng như mọi người trên thế giới về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như cố vấn cho chính phủ Trung Quốc về những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn liên quan đến các cuộc tranh chấp trong khu vực. Để thực hiện điều đó, Trung tâm đã sưu tầm và bảo quản trên 30.000 tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, liên kết với nhiều đại học và học viện trên khắp thế giới, đặc biệt tại Đài Loan và Mỹ để nghiên cứu chung về Biển Đông; hơn nữa, họ còn nhắm đến việc đào tạo khoảng 100 tiến sĩ và 300 thạc sĩ về đề tài Biển Đông trong vòng bốn năm.

Thứ hai là Viện Biển Đông học quốc gia (National Institute for South China Sea studies), đặt tại tỉnh Hainan, được thành lập từ năm 1996, dưới sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Nhìn trên trang web của Viện, tôi thấy cơ sở của Viện rất đồ sộ, được chia thành nhiều bộ phận khác nhau, ngoài bộ phận hành chính, còn có các bộ phận liên lạc, bộ phận nghiên cứu về khoa học hàng hải, về kinh tế biển, về luật và chính sách liên quan đến lãnh hải. Số lượng các công trình đã xuất bản của họ cũng rất phong phú và đa dạng, nhưng chủ yếu tập trung vào việc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông từ các khía cạnh lịch sử và địa lý, việc phân tích các yếu tố địa chính trị (geopolitics) và quan hệ giữa Trung Quốc và các nước khác, đặc biệt là Mỹ, trong các chính sách liên quan đến Biển Đông.

Ngoài hai trung tâm và học viện vừa kể, chính phủ Trung Quốc còn khuyến khích các học giả trong cả nước tập trung nghiên cứu về Biển Đông dưới sự tài trợ của nhiều tổ chức khác nhau. Ví dụ, nhiều học viện về quan hệ quốc tế, về khoa học xã hội, về kinh tế, về luật học hay về hàng hải cũng tham gia vào đề tài Biển Đông từ góc độ chuyên ngành của mình.

Nói chung, nhà cầm quyền Trung Quốc chuẩn bị cho trận chiến trên Biển Đông rất kỹ lưỡng và chu đáo. Họ không những tập trung các học giả về Biển Đông mà còn đào tạo các thế hệ trẻ về đề tài ấy. Họ không những thu thập các tài liệu có sẵn trong nước mà còn liên kết với nhiều quốc gia khác trên thế giới để cùng nghiên cứu về đề tài Biển Đông một cách có lợi nhất cho họ. Họ không những tuyên tuyền với nhân dân của họ mà còn nhắm đến việc thuyết phục cộng đồng quốc tế về chủ quyền của họ trên Biển Đông. Họ không những khuyến khích việc xuất bản thật nhiều tài liệu liên quan đến Biển Đông mà còn sử dụng các chuyên gia như một thứ tư bản trí thức nhằm xây dựng các chính sách về Biển Đông.

Shannon Tiezzi nhận định việc phát triển của các học viện và trung tâm nghiên cứu về Biển Đông cho thấy chính phủ Trung Quốc rất nghiêm túc trong việc xây dựng các chiến lược dài hạn của họ trong khu vực. Họ không những tập trung vào việc củng cố các quyền lực cứng liên quan đến vũ khí trên biển mà còn mở rộng các loại quyền lực mềm liên quan đến trí thức và học thuật. Trong lãnh vực quyền lực mềm này, giới nghiên cứu Trung Quốc cũng được huy động, từ đó, hình thành một thứ mặt trận riêng.

Ở trên là các hoạt động của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông.

Còn Việt Nam thì sao?

Tất cả những gì chúng ta thấy chỉ là một con số Không to tướng.

Không có trung tâm nghiên cứu. Đã đành. Chính phủ cũng không hề khuyến khích việc nghiên cứu hay thảo luận về Biển Đông. Nhớ, nhiều cuộc hội thảo về Biển Đông đã bị ngăn chận hoặc phá đám bằng những biện pháp rất hèn hạ (như cắt điện); nhiều blog về Biển Đông đã bị đám tin tặc của nhà nước đánh phá.

Giải thích những việc ấy như thế nào nhỉ?

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ

+++++++++++++++++++

Chủ đề liên hệ:

 image039

Bia đá chủ quyền trên đảo Trường Sa.

Tân Hoa Xã: TQ mở kho lưu trữ tài liệu khẳng định chủ quyền Biển Đông.
 image040

Bản đồ khu vực chủ quyền Biển Đông mà Trung Quốc khẳng định.

VOA 29.01.2014

Tân Hoa Xã cho biết kho lưu trữ tài liệu lịch sử về Biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông) đã được giới thiệu cho công chúng ở tỉnh Hải Nam vào hôm thứ Hai.

Bản tin nói kho lưu trữ này có khoảng 30.000 tài liệu về Biển Đông tập họp từ những văn khố, thư viện và những cơ sở giáo dục từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan và các nước khác

Bản tin dẫn lời ông Ngô Sĩ Tồn, viện trưởng Viện Quốc gia nghiên cứu Biển Nam Trung Hoa, nói rằng kho lưu trữ tập trung vào những tài liệu được tìm thấy khi Trung Hoa Dân Quốc ở đại lục trong giai đoạn 1912-1949 tìm cách thu thập bằng chứng lịch sử và pháp lý cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Ngô nói cơ sở dữ liệu bao gồm tài liệu chính phủ, điện báo, tóm tắt hội nghị, hình ảnh và bản đồ, chứng minh các đảo trong khu vực nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc trước và sau Thế chiến II.

Ông Ngô cũng cho biết kho lưu trữ sẽ tiếp tục tích lũy và phân loại tài liệu./

+++++++++++++++++

Việt-Trung phấn đấu tăng hợp tác hải quân

Vietnamnet 11/03/2014 21:21 GMT+7

- Tiếp đoàn Trung Quốc dự giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung chiều nay (11/3) ở Móng Cái, Quảng Ninh, Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nhận định về hợp tác trên biển giữa quân đội hai nước.

 

image041

Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Ảnh: Chung Hoàng

 

 "Chúng ta đã hợp tác trên đất liền rất tốt, cần phấn đấu để hợp tác hải quân, cảnh sát biển hai nước trên biển cũng được như trên bộ", Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói.

"Đó là giao lưu ở tất cả các cấp, cùng diễn tập cứu hộ, cứu nạn, tiến tới cùng diễn tập quân sự, chia sẻ thông tin để quân đội hai bên đoàn kết, hợp tác, làm nòng cốt giữ gìn cho môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện cho nhân dân hai nước phát triển kinh tế, đúng với thỏa thuận hợp tác cấp cao là đoàn kết, hợp tác toàn diện, tin cậy lẫn nhau".

Nhân cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cũng chân thành gửi lời chia buồn đến gia đình và thân nhân các hành khách Trung Quốc có mặt trên chuyến bay Malaysia đang gặp nạn.

"Phía Việt Nam, trong đó có Bộ Quốc phòng, sẽ làm hết sức mình, sử dụng máy bay, tàu thuyền, trang thiết bị tốt nhất để cùng phía Trung Quốc và bạn bè quốc tế tìm kiếm máy bay mất tích, tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục hậu quả của tai nạn đáng tiếc này", ông Phùng Quang Thanh nói.

Bộ trưởng cũng đề nghị tăng cường hợp tác giao lưu về quốc phòng an ninh giữa hai nước từ các đoàn cấp cao đến các quân khu, các quân chủng, trong đó có bộ đội biên phòng.

Ông cũng yêu cầu đẩy mạnh các mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên đường biên giới, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho người dân hai bên giao lưu, đi lại, phát triển kinh tế xã hội, để hai bên phát triển tương xứng như tinh thần mà lãnh đạo hai bên đã xác định: Sự phát triển của nước này cũng là cơ hội của nước kia.

Bên cạnh đó là hợp tác về thông tin tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm giữa quân đội hai nước...

Đoàn đại biểu quân đội Trung Quốc tham dự giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung do Trung tướng Thích Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc dẫn đầu.

  • Chung Hoàng

++++++++++++++++++

Việt - Trung giao lưu quốc phòng biên giới

11/03/2014 14:40 GMT+7

image029- Chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung diễn ra từ 10-12/3 tại hai thành phố giáp biên là Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây.

Ngày 10/3, đoàn đại biểu Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã đến thành phố Đông Hưng. Đoàn đã có các hoạt động hội đàm và tham quan đơn vị bộ đội biên phòng Trung Quốc.

Ngày 11/3, chương trình ở phía Việt Nam bắt đầu bằng lễ đón đoàn đại biểu Trung Quốc do Trung tướng Thích Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc dẫn đầu tại cửa khẩu Móng Cái.

image042-content

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (phải) và Trung tướng Thích Kiến Quốc tại lễ đón đoàn Trung Quốc ở cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Ảnh: Chung Hoàng

Hai bên đã tổ chức tọa đàm hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc với sự có mặt của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và đại diện các tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên.

Tại cuộc tọa đàm, Thượng tướng, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho biết quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Trung thời gian qua, trên cơ sở quan hệ toàn diện dựa trên phương châm 16 chữ (Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng đến tương lai) và tinh thần 4 tốt (Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt), đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, thực sự trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong việc duy trì, giữ vững và củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước.

Thông báo về nội dung làm việc tại Đông Hưng, Quảng Tây, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói: "Buổi tham vấn hôm qua (10/3) tuy mới chỉ bắt đầu cuộc giao lưu nhưng đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Chúng tôi đã cùng thống nhất phát triển hợp tác trên tất cả mọi lĩnh vực, địa bàn, lấy biên phòng là điểm sáng quan hệ giữa hai nước, hai quân đội, cũng như đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên bộ, trên biển".

Ông Vịnh cũng cho biết hai bên nhất trí hàng năm sẽ tổ chức giao lưu quốc phòng ở các thành phố giáp biên giới của cả hai nước.

Tiếp tục nội dung tọa đàm, đại diện quân khu và chính quyền một số địa phương có chung đường biên giới đã chia sẻ những hoạt động hợp tác cụ thể như tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai của Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc.

Đánh giá cao việc tổ chức tham vấn quốc phòng tại các thành phố chung đường biên giới thay vì ở các thủ đô như các năm, Trung tướng Võ Trọng Việt, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam nhận định đây là nguồn động viên tinh thần đối với quân và dân các vùng biên giới, vùng sâu vùng xa.

Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam cho biết sau khi hai nước ký kết các văn kiện về biên giới, tình hình biên giới Việt - Trung ngày càng ổn định.

"Hai bên đã hiểu nhau và quan trọng nhất là khắc phục những tồn tại, vướng mắc ở biên giới về giao thương, dân cư..., thông qua các hoạt động chung để giải quyết những vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở, không phải báo cáo lên trên, thiết lập đường dây nóng giữa các đồn biên phòng, thăm thú nhân các ngành lễ lớn, phát hiện kịp thời và đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, buôn bán phụ nữ trẻ em...", ông Việt nói.

Bên cạnh việc đẩy mạnh kết nghĩa toàn diện giữa bộ đội biên phòng hai nước rộng hơn, sâu hơn, hiệu quả hơn, Trung tướng Võ Trọng Việt cũng kiến nghị tổ chức các hoạt động tri ân nhân dân vùng biên giới.

"Nhân dân vùng biên giới đã cưu mang, giúp đỡ bộ đội biên phòng Việt Nam cũng như bộ đội biên phòng Trung Quốc, bảo vệ đường biên mốc giới nhiều năm qua. Bảo vệ biên giới là sức mạnh toàn dân, nhân dân là người quyết định bảo vệ thành công biên giới, bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách. Biên giới là ranh giới của mỗi nước nhưng lòng dân hai bên thì không có ranh giới", Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam nói.

Đáp từ, Trung tướng Thích Kiến Quốc nhấn mạnh tinh thần "thân thành huệ dung" trong ngoại giao láng giềng của Trung Quốc: Kiên trì láng giềng hữu nghị, hỗ trợ lẫn nhau, nhấn mạnh bình đẳng, coi trọng tình cảm, thường xuyên gặp gỡ để ngày càng mật thiết, thân thiện, tương đồng, ủng hộ; Đối xử thành tâm thành ý; Triển khai hợp tác theo nguyên tắc cùng có lợi, dung hòa lợi ích; Đề xướng sự bao dung châu Á - Thái Bình Dương, các nước cùng phát triển.

Ông Thích Kiến Quốc cho biết hai bên qua trao đổi đã đạt được 4 nhận thức chung: Hoàn thiện cơ chế trao đổi hợp tác, thường xuyên tuần tra liên hợp biên giới, sáng tạo hình thức trao đổi hợp tác và mở rộng nội dung hợp tác hữu nghị.

Chương trình giao lưu sẽ kết thúc ngày 12/3 sau một số hoạt động tham quan các đồn biên phòng Trà Cổ, Hoành Mô (Quảng Ninh) và thị sát đội tuần tra song phương Việt Nam - Trung Quốc.

Chung Hoàng

+++++++++++++++++++

Mỹ tố cáo hành động « khiêu khích » mới của Trung Quốc ở Biển Đông

image043

Tàu hải giám Trung Quốc số 84 và số 17 trên Biển Đông. Ảnh chụp ngày 26/05/2011 ngoài khơi tỉnh Phú Yên (miền Trung Việt Nam)

Reuters/Petrovietnam

RFI Thứ năm 13 Tháng Ba 2014

Trọng Nghĩa

Cảm nhận về thái độ cứng rắn hơn của Hoa Kỳ trong thời gian gần đây đối với Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông ngày càng được thực tế chứng minh. Vào hôm qua, 12/03/2014, Bộ Ngoại giao Mỹ không ngần ngại cáo buộc Trung Quốc là làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng với các động thái bị coi là « khiêu khích ». Lời tố cáo được đưa ra sau khi Manila chính thức phản đối Bắc Kinh về vụ tàu tuần duyên Trung Quốc cản đường tàu tiếp tế Philippines tại vùng bãi Second Thomas Shoal trong khu vực quần đảo Trường Sa ngày 09/03 vừa qua.

Theo hãng tin Pháp AFP, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki, đã bày tỏ thái độ quan ngại trước một hành động nhằm phá vỡ nguyên trạng trong vùng Biển Đông. 

Theo bà Psaki : « Đó là một động thái khiêu khích làm gia tăng căng thẳng. Trong khi chờ đợi giải pháp cho các đòi hỏi chủ quyền chồng chéo tại Biển Đông, không ai được quyền xen vào các nỗ lực của các bên tranh chấp nhằm duy trì nguyên trạng ». 

Ngày 11/03 vừa qua, Philippines đã triệu đại biện sứ quán Trung Quốc tại Manila lên để phản đối vụ chặn tàu. Manila tố cáo một hành động « đe dọa rõ ràng và cấp bách nhắm vào các quyền và lợi ích của Philippines ». Ngay sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ lập luận của Philippines, tố cáo ngược lại là hai chiếc tàu Philippines đã « vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc » và « vi phạm » bản Tuyên bố về ứng xử tại Biển Đông ký kết năm 2002. 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, vào hôm qua, đã lên tiếng bênh vực Philippines và bác bỏ lập luận của Trung Quốc khi cho rằng mọi quốc gia đều có quyền « thường xuyên tiếp tế và luân chuyển nhân sự » đến các địa điểm họ nắm giữ ở Biển Đông từ trước khi có bản tuyên bố năm 2002. 

Tuyên bố của Mỹ về sự cố Second Thomas Shoal là dấu hiệu mới nhất cho thấy là Washington ngày càng công khai thể hiện rõ ràng lập trường ủng hộ đồng minh Philippines

Trong thời gian một vài tháng gần đây, các giới chức lãnh đạo quân sự và ngoại giao Mỹ đã liên tiếp lên tiếng ủng hộ vụ Philippines kiện Trung Quốc ra trước tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc, đồng thời xác định trở lại giá trị của Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương Mỹ-Phi. 

Việc tăng cường hậu thuẫn cho Philippines diễn ra song song với một thái độ kiên quyết trở lại trong hồ sơ Biển Đông, cứng rắn hơn với Trung Quốc, tương tự như vào thời bà Hillary Clinton làm Ngoại trưởng Mỹ. 

Dĩ nhiên, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục khẳng định là họ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp Biển Đông, thế nhưng, những lời chỉ trích Trung Quốc đã cứng rắn hẳn lên, tương tự như những gì phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói vào hôm qua. 

Chiến dịch có thể gọi là phản công Trung Quốc của Mỹ nhấn mạnh trên hai hướng. Trước hết là trên bình diện pháp lý, với những đòn tấn công liên tiếp đánh vào tính chất không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 của đường lưỡi bò vốn được Bắc Kinh dùng làm cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền của họ. 

Ngoài ra, sau khi có tin là Trung Quốc sẵn sàng lập thêm một vùng nhận dạng phòng không mới trên Biển Đông, tương tự như khu vực mà họ đã tuyên bố trên Biển Hoa Đông vào cuối năm ngoái, Hoa Kỳ đã tiến lên tuyến đầu trong việc cảnh cáo Trung Quốc là không nên lập vùng phòng không ở Biển Đông.

++++++++++++++

Trung Quốc đưa tàu ra bãi cạn có tranh chấp chủ quyền với Malaysia.
 image044-content

Chiếc tàu khu trục dẫn đầu một đội tàu phía sau trong một trận diễn tập, 3/7/2013 (Ảnh tư liệu.)

VOA 27.01.2014

Ba tàu Trung Quốc hôm Chủ nhật đã tuần tra ở Bãi cạn James mà Malaysia cũng có tuyên bố chủ quyền. Binh lính sĩ quan trên tàu đã thề bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở đây trong dấu hiệu mới nhất cho thấy sự quyết liệt của Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Tân Hoa Xã cho biết đoàn tàu của Trung Quốc gồm một tàu đổ bộ lưỡng dụng và hai tàu khu trục.

Theo Tân Hoa Xã, trong buổi lễ được tổ chức tại khu vực Bãi san hô Tằng Mẫu, cán bộ chiến sĩ trên tàu đã thề quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc. Bãi san hô Tằng Mẫu là tên mà Trung Quốc dùng để gọi Bãi cạn James.

Tại đây, chỉ huy hạm đội của Trung Quốc đã "kêu gọi binh lính và sĩ quan luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, nâng cao khả năng chiến đấu và lãnh đạo lực lượng để giúp xây dựng đất nước thành một cường quốc hàng hải," Tân Hoa Xã nói.

Bắc Kinh xem Bãi cạn James là phần cực nam của lãnh thổ Trung Quốc.

Tháng Ba năm ngoái, Malaysia đã phản đối sự xâm nhập của bốn tàu Trung Quốc ở Bãi cạn James. Thủy thủ Trung Quốc đã bắn chỉ thiên trong chuyến ra thăm bãi cạn này. Vào tháng Tư, một tàu hải giám của Trung Quốc đã quay trở lại Bãi cạn James và để lại những cột làm dấu bằng thép khẳng định chủ quyền.

Trung Quốc gần đây đã có những động thái quyết liệt nhằm khẳng định chủ quyền trong vùng biển tranh chấp với các nước láng giềng.

Lệnh hạn chế đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông loan báo hồi đầu năm nay đã khiến Việt Nam, Philippines, và cả Hoa Kỳ lên tiếng phản đối./

28 Tháng Bảy 2013(Xem: 30505)
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, Washington DC - REUTERS /L. Downing
28 Tháng Bảy 2013(Xem: 16781)
Theo AFP, hôm qua 25/07/2013, trong cuộc nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies – CSIS), có trụ sở tại Washington, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tuyên bố bác bỏ đòi hỏi chủ quyền với yêu sách « đường 9 đoạn » của Trung Quốc trên Biển Đông, còn gọi là « đường lưỡi bò ».
28 Tháng Bảy 2013(Xem: 16741)
Ông Sang nói Trung Quốc không có nền tảng pháp lý nào cho yêu sách chủ quyền ở Biển Đông
03 Tháng Bảy 2013(Xem: 23484)
Ngày 21/06/2013, Tòa án Quốc tế về Luật Biển – ITCLOS thông báo cho chính quyền Manila biết là đã hoàn tất việc chọn đủ 5 thẩm phán cho tòa án trọng tài, xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông, mà Manila gọi là biển Tây Philippines.
03 Tháng Bảy 2013(Xem: 22430)
Phải chăng sự lớn mạnh về kinh tế và quân sự của Trung Quốc đi cùng với thái độ hung hăng, hăm dọa các nước trong các tranh chấp chủ quyền biển đảo đã tạo thuận lợi cho Hoa Kỳ thực hiện chiến lược “xoay trục” sang châu Á, thúc đẩy Nhật Bản và Philippines tăng cường hợp tác với nhau ?
03 Tháng Bảy 2013(Xem: 22686)
Hải quân Philippines và Mỹ vừa bắt đầu cuộc tập trận chung tại Biển Đông trong hôm nay với buổi lễ bắt đầu ở căn cứ hải quân cũ của Mỹ tại Subic.
26 Tháng Sáu 2013(Xem: 16280)
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines ngày 19/6 cho hay Manila đã điều một toán thủy quân lục chiến mới và đồ tiếp liệu tới một bãi cạn trong vùng Biển Đông đang có tranh chấp, nơi một tàu chiến và các tàu hải giám của Trung Quốc xuất hiện hồi tháng trước châm ngòi cho một vụ giằng co mới trong biển mang tính chiến lược này.
25 Tháng Sáu 2013(Xem: 18152)
Đô Đốc Robert Willard, Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương Quân đội Hoa Kỳ chống đối việc sử dụng vũ lực trong vụ tranh chấp chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông.
25 Tháng Sáu 2013(Xem: 16443)
Hoa Kỳ hoan nghênh các cuộc thảo luận cấp cao về phòng thủ với Việt nam như là một dấu hiệu của một “quan hệ quốc phòng ngày càng lớn mạnh.”
25 Tháng Sáu 2013(Xem: 16731)
Máy bay chiến đấu Mỹ chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay USS George Washington, phía sau là tàu khu trục USS John S. McCain trong vùng Biển Đông
25 Tháng Sáu 2013(Xem: 16187)
Nhiều bạn đọc của Báo Quân đội nhân dân đã viết thư hoặc gọi điện về Tòa soạn bày tỏ sự quan tâm và đề nghị thông tin cụ thể hơn về đoàn liên ngành của Việt Nam thăm tàu sân bay Hoa Kỳ USS George Washington vừa qua, cũng như chuyến thăm của tàu hộ tống USS John S. McCain tới Đà Nẵng sau đó.
25 Tháng Sáu 2013(Xem: 17770)
Sáng thứ hai, tàu ngầm Giao Long đã thực hiện công tác lặn cho hải trình thực nghiệm ứng dụng đầu tiên trong vùng Biển Đông.
25 Tháng Sáu 2013(Xem: 19015)
Binh sĩ Thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung ở tỉnh Ternate, 70km về phía tây nam Manila.
23 Tháng Sáu 2013(Xem: 16191)
Philippines vừa điều thêm thủy quân lục chiến và hàng tiếp liệu ra bãi cạn Ayungin (Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây) ở Trường Sa, nơi tàu chiến và tàu thăm dò của Trung Quốc xuất hiện hồi tháng trước gây căng thẳng giữa đôi bên.
17 Tháng Sáu 2013(Xem: 16609)
Hội thảo thường niên kéo dài 2 ngày về biển Đông lần thứ 3 với chủ đề “Điều hòa căng thẳng tại biển Đông” vừa được bắt đầu vào ngày 5 tháng 6 tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và chiến lược ở Washington DC.
11 Tháng Sáu 2013(Xem: 15429)
Một nhật báo lớn ở Mỹ mới đây cho biết cơ quan ấn loát bản đồ Trung Quốc đã in một bản đồ mới, trong đó 80% diện tích Biển Đông được vẽ là lãnh thổ của Trung Quốc. Các nhà quan sát cho rằng đây là bước đi mới trong kế hoạch thôn tính Biển Đông của nhà cầm quyền ở Bắc Kinh mà họ gọi là “mưu toan chiếm đoạt lãnh thổ lơn nhất kể từ khi thế chiến thứ hai chấm dứt.”
28 Tháng Năm 2013(Xem: 16175)
Ngày hôm qua, 24/08/2011, trước kết thúc chuyến công du Việt Nam, Thượng nghị sĩ Mỹ, ông Jim Webb, thuộc đảng Dân Chủ, chủ tịch Tiểu ban Đông Á -Thái Bình Dương của Thượng viện, nhận định rằng những sự cố liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông sẽ còn tiếp tục xẩy ra, trừ phi tất cả các bên liên quan có thể đàm phán với nhau.
28 Tháng Năm 2013(Xem: 17082)
Cần phải tổ chức thêm nhiều chuyến thăm Trường Sa, tuyên truyền mạnh mẽ cho người dân biết tình hình ở vùng biển đầu sóng ngọn gió, đang bị sức ép dữ dội từ âm mưu xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Đó là cảm nhận của, ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty dã ngoại Lửa Việt.
28 Tháng Năm 2013(Xem: 18825)
Trong hai ngày 27-28/04/2013, Việt Nam đã tổ chức tại tỉnh Quảng Ngãi một cuộc hội thảo về Biển Đông, cụ thể là về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tham gia cuộc hội thảo này có rất nhiều học giả và nhà nghiên cứu đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có giáo sư Ngô Vĩnh Long, thuộc Đại học Maine (Hoa Kỳ).
15 Tháng Năm 2013(Xem: 17480)
Khi muốn xác định những vấn đề được coi là cực kỳ quan trọng, đến mức sẵn sàng tiến hành chiến tranh để giải quyết, Trung Quốc dùng khái niệm « lợi ích cốt lõi ». Trước đây, cụm từ này được áp dụng trong vấn đề Đài Loan mà Bắc Kinh vẫn coi là một tỉnh của Trung Hoa lục địa và đe dọa là khi cần thì sẽ sử dụng vũ lực để đánh chiếm.