Nguyễn Vĩnh-Tráng: Rước voi về giày mả tổ-Cõng rắn cắn gà nhà (Phần II)

09 Tháng Mười Một 20222:26 CH(Xem: 6265)

VĂN HÓA ONLINE – ĐIỂM NÓNG A – THỨ TƯ 09 NOV 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Rước voi về giày mả tổ-Cõng rắn cắn gà nhà 


PHẦN II

(Tiếp theo Phần I)

image002Ảnh trái: Jean Baptiste Chaigneau.Tranh Wikipedia, Public Domain. Internet. Ảnh phải: Thế Tử Nguyễn-Phước Cảnh do một họa sĩ vẽ tại Paris. Tranh Maupérin, Paris.Foreign Missions Society, Wikipedia.

image004

Nguyễn Vĩnh-Tráng


* Từ Pháp gởi Văn Hóa Online-California


1b) Thơ cám ơn của Nguyễn Ánh.


Về lực lượng quân sự của quả nhân hiện nay, quả nhân có một quân lực đáng kể, bộ binh cũng như hải quân, và quả nhân có đủ quân nhu đạn dược cùng luơng thực cần thiết cho chiến dịch mà quả nhân đang dự kiến. Quả nhân không dám lộ liễu xin Quốc Vương giúp quân…


 Năm Cảnh Hưng thứ 50, ngày 17, tuần trăng thứ 12″.


 [Xem Launay, sđd, trang 205, 206. Theo sách của Launay là ngày 31/01/1790, tức là ngày 17 tháng Chạp năm Kỷ-Dậu. Vua Lê Hiển Tông (1740-1786), niên hiệu Cảnh-Hưng].


 Nguyên văn:


 “Moi Nguyen-Anh, roi de la Cochinchine, ai l’honneur de faire savoir à Très haut et très puissant prince, le roi de France, …


 … Je n’exprimerai jamais les vifs sentiments de reconnaissance dont je suis pénétré, pour la bonté qu’a eue Votre Majesté de me renvoyer le prince mon fils, et en réunissant le père et l’enfant, d’avoir, comme on dit, remis dans l’eau un poisson qui en était sorti. L’éloignement, quelque immense qu’il puisse être, ne pourra jamais me faire oublier de si grands bienfaits.


 Quant à mes forces présentes, j’ai une armée assez considérable tant de terre que de mer, et j’ai même les munitions de guerre et de bouche qui peuvent m’être nécessaires pour l’opération qui me reste à faire.


 Je n’aurai plus l’indiscrétion de demander les troupes de Votre Majesté, qui dans un voyage aussi long ne pourraient que souffrir infiniment des obstacles qu’on y trouve ordinairement…


 La 50e année de Canh-Hung, le 17e jour de la 12e lune, c’est-à-dire le 31 janvier 1790″.


 [Xem Launay, sđd, trang 205, 206].


 Trong sách Launay, sđd, có chụp hình cái thơ bằng chữ Hán của Nguyễn Ánh gởi cho Louis XVI (trang 204), nhưng chữ quá nhỏ, nên thiếu các nét làm tôi không nhận ra, để tra các từ điển. Bài chữ Hán gồm có khoảng 450 chữ, còn bài chữ Pháp do de Guignes dịch, có khoảng 4000 chữ (trang 205 và 206), nghĩa là khoảng 9 lần nhiều hơn. Chắc văn chữ Hán quá cô đọng, nên dịch ra tiếng Pháp phải dài dòng, hay de Guignes thổi phồng, thêm vào những chuyện mà không có trong thơ chữ Hán.


 Louis-Joseph de Guignes, một nhân viên hay một điệp viên (agent) của tòa Lãnh Sự Pháp tại Quảng Đông, năm 1783, biết về Việt Nam, do sự đồn đại, hay qua những tin tức do Olivier de Puymanel và Le Brun kể lại. Xin xem bài “Jean-Marie Dayot qua các bài viết”, phần 2, của tôi cho đăng trên “Chim Việt Cành Nam” hay trên “Trí Thức VN”. Mấy chữ đầu của bản chữ Hán mà tôi nhận dạng được và đã tra từ điển, thì được như sau:?南國王阮?? 大西貴國王御覧 (? Nam Quốc Vương Nguyễn ?? Đại Tây Quý Quốc Vương Ngự Lãm), và cuối thơ đề ngày 景興五十年十月二十二日 (Cảnh Hưng ngũ thập niên, thập nguyệt, nhị thập nhị nhật. Ngày 22 tháng 10 năm Cảnh Hưng thứ 50, tức là ngày 28/11/1790). [1790, Canh-Tuất là năm Cảnh Hưng thứ 50].


 Qua thơ của Nguyễn Ánh trên, chúng ta nhận rõ hai cách cám ơn Louis XVI của Nguyễn Ánh:


Một cách cám ơn “ngoại giao, ngoài miệng” về việc Louis XVI giúp quân. Nguyễn Ánh biết cái Hiệp Ước Versailles đó quá bất lợi cho Nam Hà. Khi được biết Conway không thi hành cái hiệp ước đó, thì Nguyễn Ánh đã nhẹ nhõm, thở phào, vì chính Pigneau, lấy danh nghĩa mình mà ký kết, chứ không phải ý của chính Nguyễn Ánh.


Một cách cám ơn thành thật, chân tình là Louis XVI đã trả “con tin” (Thế Tử Cảnh) lại cho Nguyễn Ánh. Chúng ta, ai cũng biết, phong tục Á Châu, nhất là ở Trung Quốc và Việt Nam, một khi “bắt con tin” là bắt suốt đời, như Nguyễn Hải 阮海 (con thứ 5 của Nguyễn Hoàng) và các cháu nội như Nguyễn Hắc 阮潶,Nguyễn Vịnh 阮泳 (con trưởng và con thứ của Nguyễn Hán 阮漢, Nguyễn Hán là con thứ hai của Nguyễn Hoàng), Nguyễn Nghiêm 阮𤅙, Nguyễn Long 阮瀧., Nguyễn Cương, Nguyễn Chất (các con của Nguyễn Hải) [Xem “Hoàng Tộc Lược Biên”, Tôn Thất Cổn, 1943, trang 12] bị Trịnh Tùng bắt làm con tin, tuy có cho làm quan và phong tước Quận Công, nhưng phải sống cả đời ở ngoài Bắc rồi chết già ở đó. Cho nên Nguyễn Ánh rất xúc động, hạnh phúc, vui mừng cực độ khi nhận được lại con mình, Thế Tử Cảnh.


Chuyện thật chính đáng, trước là con của mình, sau là một thế tử, người mà sau nầy thế mình để quản lý Nam Hà, hay cả nước Việt Nam, nếu Nguyễn Ánh thống nhất được cả Đất Nước. Nhưng người Tây Phương không có phong tục đó, một phong tục “Hủ Lậu” đối với chúng ta trong thế kỷ thứ 21, còn ngày xưa, phong tục đó đã in vào lòng người cả mấy ngàn năm, như tại Trung Quốc [Xem “Đông Châu Liệt Truyện”].


 Thế Tử Nguyễn-Phước Cảnh do một họa sĩ vẽ tại Paris. (Tranh: Maupérin, Paris Foreign Missions Society, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)


Hiệp Ước Versailles ký ngày 28/11/1787 đã được Louis XVI chính thức hủy bỏ ngày vào tháng 11/1788, thế mà Pháp vẫn muối mặt, gian xảo, sau nầy đã nhiều lần đòi áp dụng cái hiệp ước đó cho được, như Louis XVIII, sai Achille de Kergariou, hạm trưởng chiếc Cybèle sang gặp Nguyễn Ánh (lúc nầy đã là Vua Gia Long), năm 1817, để đòi thi hành cái hiệp uớc đó. Tất nhiên, Nguyễn Ánh thẳng thừng từ chối và đuổi Kergariou về. [Xem Etienne Võ Đức Hanh, Persée, “Le traité de Versailles du 28 Novembre 1787 entre Louis XVI et Nguyễn Phước Ánh”. 1969, trang 633, 634].


 2) Lợi dụng người Pháp tình nguyện giúp Nguyễn Ánh


Vì để hù dọa Tây Sơn, để an lòng dân (có ý nói là Hiệp Ước Versailles được thi hành), và có thể dễ dàng có ngoại giao buôn bán với các nước Tây Phương, nên Nguyễn Ánh lợi dụng Pigneau cùng những người phiêu lưu Pháp, ít học (họ biết các ngoại ngữ như Pháp, Anh, Bồ, Ý ngữ…) đang muốn làm giàu, cho nhập vào quân đội Nam Hà.


 Henri Cosserat [Bulletin des Amis du Vieux Hué-BAVH, tập 3, năm 1917] cho tất cả có 19 người. Léopold Cadière [BAVH, tập 1, năm 1920] cho tất cả có 17 người. Hai ông nầy nghiên cứu rất kỹ lưỡng, nếu có một trẻ em hay một cô gái đã “phục vụ” cho Nguyễn Ánh, thì không thoát khỏi sự tra cứu của hai tác giả thực dân nầy (Nguyên văn của Cadière, BAVH, 1920, tập1: Il n’était pas inutile, toutefois, de recueillir les traces, si légères soient elles, que les Français et autres Européens venus au service de l’Annam, à une des périodes les plus critiques de son histoire, ont laissé dans la tradition et dans les ouvrages historiques annamites. Không phải là vô ích khi thu thập các dấu vết, dù cho, chúng có thể nhỏ đến mức nào đi nữa, mà người Pháp và những người châu Âu khác đến phục vụ Annam, vào một trong những giai đoạn nguy kịch nhất trong lịch sử của nó, đã để lại trong truyền thống và trong các tác phẩm lịch sử của Annam.).


 Phần đông những người nầy là lính tình nguyện binh ba, binh nhì, binh nhất [Lúc trước, trong quân đội của Pháp có binh ba], với trình độ học vấn khoảng Tiểu Học ngày nay, bị Hải Quân Pháp đào thải, hay bị quân Anh bắt, rồi trốn đi, hay đào ngũ, để phiêu lưu, đi khắp vùng Đông Nam Á, với ý đồ làm giàu càng sớm càng tốt. Cũng vì thế mà nhiều người Pháp ở lại Nam Hà chỉ một, hai năm, vì cho là lương bổng ít, bởi Nguyễn Ánh keo kiệt. Cũng nên biết rằng lương của một người Pháp, phục vụ Nguyễn Ánh, lúc bấy giờ, lên đến 150 đồng (piastre) mỗi tháng, nghĩa là 300 quan, mỗi tháng [Xem Nguyễn Quốc Trị, tập 1, in năm 2016, trang 384] chưa kể gạo phát cho vợ, con, người giúp việc và lính canh [Xem Maybon “La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de Mr de La Bissachère”, in năm 1920, trang 95], trong khi một đại thần (cấp Thượng Thư) của Nguyễn Ánh chỉ có lương 30 quan và 20 phương gạo mỗi tháng [Xem Thực Lục, tập 1, tháng 12 (âm lịch) năm 1803, trang 342], một phần mười lương của người Pháp!


 Những người Pháp nầy, từ sĩ quan đến binh ba, đều là những người thừa hành, dưới trướng các tuớng của Nguyễn Ánh, như Tôn Thất Hội, Võ Tánh, Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn-Trương… Cũng có vài người đã tham gia các cuộc chiến khá tận tụy, can đảm, nhưng ở cấp thừa hành, như phụ trợ, tiếp liệu, xây cất, hay lái tàu ra ngoại quốc buôn bán cho triều đình [Xem Nguyễn Quốc Trị, tập 1, năm 2016, trang 332], nhưng không trực tiếp tham chiến, nên không có người nào tử trận, ngoại trừ Manuel Mạn Hòe, đến với Nguyễn Ánh rất sớm, ở Ngã Bảy, chết tại chiến trường, vào tháng 7 năm 1793 [Xem Liệt Truyện, in năm 1993, trang 477], trong khi có hàng trăm tướng người Việt của Nguyễn Ánh, bỏ mình trên các chiến trường. Họ, phần đông có chức Cai Đội hay Phó Cai Đội (tương đương với cấp Thiếu Úy ngày nay), có tước Hầu, cũng có vài người được phong đến Cai Cơ (tương đương với cấp Thiếu Tá ngày nay) hay đến chức Chưởng Cơ (tương đương với cấp Đại Tá ngày nay). Nhiệm vụ chính của họ là lái tàu đi buôn bán cho triều đình trong vùng Đông Nam Á.


 Tài liệu, phần lớn, tôi lấy từ Léopold Cadière “Les Français au service de Gia Long – Leurs noms, titres et appellation annamites” (Người Pháp phục vụ Gia-Long – Họ, Tên, danh tước và Họ, Tên Việt) năm 1920, tập 1, trang 137 đến 176; Henri Cosserat “Notes biographiques sur les Français au service de Gia-Long” (Ghi chú tiểu sử của những người Pháp giúp Gia-Long), tập 3, năm 1917, trang 165 đến 195; và Cadière, Cosserat BAVH, 1922, tập 1; André Salles (Cadière) tập 2; André Salles, BAVH 1923, tập 1; André Salles, BAVH, 1935, tập 2; André Salles, BAVH, 1939, tập 3. Sau đây là danh sách tên tuổi của họ.


 a) Những người có trong danh sách của Cosserat và Cadière


 1 – Pierre Pigneau de Béhaine (1741 – 1799). Giám Mục Adran, đến Nam Hà (Hà Tiên) năm 1775, gặp Nguyễn Ánh vào tháng 11 năm 1777, hay năm 1780 [Xem “Sử Ký Đại Nam Việt”, trang 18 (in lần thứ tư, năm 1903), còn theo Liệt Truyện là năm 1780, trang 476 (in năm 1993]. Tên Việt là Bi-Nhu (悲柔) và Bá Đa Lộc (百多祿). Phục vụ Nguyễn Ánh, khoảng 19 năm.


 2 – Laurent Barisy (1769 – 1802). Trình độ học vấn khoảng cuối Trung Học Đệ Nhất cấp ngày nay (lớp 9), có học hàng hải cận duyên, có tài viết văn, nhưng viết tiếng Pháp vẫn còn có lỗi chính tả và văn phạm. Nguyên là đệ nhị sĩ quan (2e Lieutenant) trên các thương thuyền cận duyên. Đến Nam Hà, năm 1793. Tên là Ba đa di (巴哆移), Nguyễn Văn Mẫn (敏). Được ban cho một chiến hạm nhỏ “Le Pélican” để về lại Pháp, nhưng bị người Bồ, ganh tỵ, đánh chìm chiếc “Pélican”, nên ông không về lại Pháp được. Ông rất trung thành với Nguyễn Ánh và Thế Tử Cảnh.


 Barisy được bổ làm thuyền trưởng chiếc tàu buôn Armide (tôi không biết tên Việt của con tàu nầy) trong 5 năm, và sau đó làm thuyền trưởng các chiếc tàu nhỏ (tiễu tàu) như tàu Loan-Phi…


 Tàu Armide bị Trung Tá Hải Quân Anh là Hạm Trưởng Thomas của chiếc chiến hạm Non-Such bắt. Barisy khiếu nại không được, Nguyễn Ánh, nhân danh Nam Hà là một nước Trung Lập, sai Gibsons và Barisy sang Ấn Độ, gởi thơ khiếu nại cho Toàn Quyền Anh ở Ấn Độ, phải trả lại tàu Armide lập tức, nếu không Nguyễn Ánh sẽ có đủ phương tiện đòi bồi thường cả vốn lẫn lời cho chiếc tàu Armide [Nguyên văn tiếng Pháp: Vous devez sentir que si je voulais me dédommager par voie de compensation, j’en trouverais facilement les moyens]. Trước thái độ hết sức cứng rắn của Nguyễn Ánh, chính quyền Anh đành nhượng bộ, chiếc Armide được trả lại về Sài Gòn, theo đúng quy luật quốc tế [Xem Louvet, “La Cochinchine Religieuse”, 1885, trang 552, 553]. Phục vụ Nguyễn Ánh khoảng 8 năm.


 3 – Théodore Le Brun (?-?). Tình nguyện viên binh nhì (1785), binh nhất (1/1/1789) của Hải Quân Pháp. Trình độ học vấn ở cấp Tiểu Học ngày nay. Nhập ngũ quân của Nguyễn Ánh vào khoảng giữa tháng 6/1790 và xin từ chức, khoảng cuối năm 1791. Không biết tên Việt. Phục vụ Nguyễn Ánh khoảng 1 năm rưỡi.


 4 – Jean-Baptiste Chaigneau (1769 – 1832). Tình nguyện viên binh nhì (1/7/1787), binh nhất (1/12/1787) của Hải Quân Pháp. Trình độ học vấn ở cấp Tiểu Học ngày nay. Phục vụ trong quân đội của Nguyễn Ánh từ 1797 (?) đến 1819. Tên Việt là Nguyễn Văn Thắng (勝) Se-Nho (車柔). Phục vụ Nguyễn Ánh và vua Minh-Mạng, khoảng 22 năm.


image006Jean-Baptiste Chaigneau. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)


5 – Jean-Marie Dayot (? – 1809). Hải Quân Đại Úy dự bị/phụ tá thuộc địa (Lieutenant de Vaisseau auxiliaire du cadre colonial) của Hải Quân Pháp. Trình độ học vấn khoảng cuối Trung Học đệ nhất cấp ngày nay. Phục vụ Nguyễn Ánh, từ năm 1790 đến năm 1795. Tên Việt là Nguyễn Văn Trí (智), Đa- Đột (多突). Phục vụ Nguyễn Ánh khoảng 6 năm.


 6 – Godefroy De Forçanz/Forçant (?-1811). Không biết cấp bậc trong Hải Quân Pháp, hay thương gia. Phục vụ Nguyễn Ánh khoảng 1789 (Louvet cho) đến khoảng 1811 (Cadière cho). Tên Việt là Nguyễn Văn Lăng (棱). Liệt Truyện cho họ là Lê 黎 (Lê Văn Lăng). Phục vụ Nguyễn Ánh khoảng 22 năm.


 7 – Jean-Baptiste Guillon (?-?). Tình nguyện viên, binh nhì (22/12/1787). Trình độ học vấn ở cấp Tiểu Học ngày nay. Không biết tên Việt. Phục vụ Nguyễn Ánh từ khoảng giữa năm 1789 đến 1803 (?). Phục vụ Nguyễn Ánh khoảng 14 năm, theo Faure.


 8 – Guillaume Guilloux (?-?). Tình nguyện viên, binh nhất (từ 01/01/1784 đến 20/02/1786), đào ngũ tại Pondichéry. Trình độ học vấn ở cấp Tiểu Học ngày nay. Không biết tên Việt. Phục vụ Nguyễn Ánh khoảng đầu 1790 đến giữa 1792. Phục vụ khoảng 2 năm rưỡi.


 9 – Julien Girard De L’Isle Sellé (?-?). Không rõ là quân nhân hay thương gia. Phục vụ Nguyễn Ánh vào khoảng giữa năm 1790, rồi sau đó bỏ đi, có lẽ vào khoảng cuối năm 1790. Không biết tên Việt, có lẽ là Nguyễn Văn Long. Phục vụ Nguyễn Ánh khoảng nửa năm.


 10 – Manuel (không biết họ) (?-1782). Không rõ ông là quân nhân hay thương gia, có lẽ là một thủy thủ của Hải Quân Pháp. Trình độ học vấn ở cấp Trung Học Đệ Nhất Cấp ngày nay. Tên Việt là Mạn-Hòe (幔槐). Không biết ông đến phục vụ Nguyễn Ánh lúc nào, có lẽ là cuối năm 1779, hay đầu năm 1780. Ông là người thứ hai đã phục vụ Nguyễn Ánh sớm nhất (sau Joang/Jean). Trong trận Ngã-Bảy (Thất-Kỳ-Giang), năm 1782, tàu của Mạn-Hòe bị mắc cạn, ông bèn xuống hầm tàu, đốt thuốc súng cho tàu nổ và tự sát theo tàu. Ông được phong làm Chưởng Vệ (掌衞) (tương đương với cấp Chuẩn Tướng, ngày nay), tặng là Chưởng Vệ, Hiệu Nghĩa Công Thần, Phụ Quốc, Thượng Tướng Quân (Tòng Nhất Phẩm) 掌衞 效義功臣 輔國 上將軍. Thần chủ của ông được thờ ở điện Hiển-Trung tại Sàigòn và sau nầy phối thờ ở Hữu Công Thần ở Thế-Miếu. Ông là người ngoại quốc (Pháp) độc nhất được phối thờ ở đây. [Thực Lục, sđd, tập1, trang 188 và 555]. Phục vụ Nguyễn Ánh khoảng 2 năm rưỡi.


 11 – Victoir-Joseph-Cyriaque-Alexis-Olivier De Puymanel (1768 – 1799). Tình nguyện viên binh nhì (15/12/1787), đã học lóm về Pháo Binh trên chiếc Dryade, khi đưa Pigneau và Thế Tử Cảnh về lại Nam Hà, đào ngũ tại Côn Đảo. Trình độ học vấn khoảng Trung Học Đệ Nhất Cấp ngày nay. Phục vụ Nguyễn Ánh từ 1788 đến năm 1798. Mất tại Malacca, năm 1799, vì bệnh kiết lỵ, trong khi lái một tàu buôn nhỏ (geolette (sic)) do Nguyễn Ánh ban cho, để buôn bán cho chính mình. Tên Việt là O-Li-Vi (烏離爲), Nguyễn Văn (?) Tín (信). Phục vụ Nguyễn Ánh khoảng 10 năm.


 12 – Philippe Vannier (1762-1842). Không biết cấp bậc trong Hải Quân Pháp, Vannier tự nhận mình là “Nhân viên Hải Quân” (employé de la Marine Militaire) [Xem Salles, BAVH, tập 2, 1935, trang 143]. Chắc trình độ học vấn vào khoảng Trung Học Đệ Nhất Cấp. Phục vụ Nguyễn Ánh, và vua Minh-Mạng từ 1790 đến 1825. Tên Việt là Nguyễn Văn Chấn (震), Va-Ni-Ê (吧呢𠲖) [hai chữ 吧, 𠲖 là chữ Nôm]. Năm Minh Mạng thứ 5, tháng 8 [10/1824], được phong lên một cấp Chưởng Cơ Chánh Nhị Phẩm, tương đương với cấp Chuẩn Tướng ngày nay. Phục vụ Nguyễn Ánh và vua Minh Mạng khoảng 35 năm.


 b) Những người chỉ có trong danh sách của Cadière


 1 và 2 – Da-Đô-Bi (耶妬悲) và Ma-Nộ-Ê (痲怒衣). [Theo Thụy Khuê, sđd, chương 16, có tên là Santiago và Emanuel]. Là hai linh mục Y-Pha-Nho dòng Phanxicô, ở Nam Hà, đợi tàu đi Lữ-Tống (Manila, Phi-Luật-Tân). Nguyễn Ánh có nhờ nói giúp với Thống Đốc Y ở Lữ-Tống bán vũ khí cho. Lúc đi sang Phi-Luật-Tân, hai ông bị cho là thám tử của Nguyễn Ánh, nên bị Tây-Sơn bắt về Quy-Nhơn và sau đó được thả đi.


 3 – Michel Đức Chaigneau, con đầu của J.B. Chaigneau (1803 – 1894), sanh ngày 25/06/1803 tại Huế, mất ngày 14/04/1894, thọ 91 tuổi. Biết chữ Hán và chữ Quốc Ngữ nhiều hơn chữ Pháp. Không nằm trong quân ngũ của Nguyễn Ánh.


 4 – Gibson (?-?). Không biết tên và cũng không biết tên Việt. Có lẽ là người gốc Anh hay Hòa-Lan vì biết tiếng Anh. Có nằm trong quân ngũ của Nguyễn Ánh. Không biết đã phục vụ Nguyễn Ánh bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm.


 5 – Januario. Không biết họ là gì, tên Việt là Nguyễn Văn (?) Phượng 鳳, có nằm trong quân ngũ của Nguyễn Ánh. Người gốc Bồ Đào Nha. Không biết đã phục vụ Nguyễn Ánh trong bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm.


 c) Những người chỉ có trong danh sách của Cosserat


 1 – Félix Dayot. Là em của J.M. Dayot. Không phục vụ Nguyễn Ánh. Rời Nam Hà cùng người anh là Jean- Marie Dayot, năm 1795.


 2 – Dominique Desperles. Đại Úy Bác Sĩ Giải Phẫu (Chirurgien-major sur la corvette le Pandour), đến Nam Hà năm 1788 và hành nghề tại Nam Hà. Không biết ở lại Nam Hà bao lâu.


 3 – Jean-Marie Despiau. Bác Sĩ Giải Phẫu. Có làm ngự y. Không biết đến Nam Hà lúc nào (có lẽ vào năm 1797 hay 1798), có lẽ mất tại Huế năm 1824.


 4 – Magon De Médine. Hải Quân Đại Úy Thuộc Địa (Lieutenant de vaisseau du cadre colonial). Trình độ học vấn khoảng Tú Tài. Có lẽ đã Phục vụ Nguyễn Ánh, nhưng không lâu, khoảng một tháng.


 5 – Joang (Jean). Không biết họ, tên Việt là Gioang. Không biết đến Nam Hà lúc nào. Có lẽ năm 1777. Là người Pháp đầu tiên làm “trái phá” (grenades) giúp Nguyễn Ánh, Nguyễn Ánh lúc đó chỉ mới 15 tuổi, đánh Hỏa Công trận Long-Hồ, tháng 11 âm lịch năm Đinh-Dậu, tức là tháng 12 năm 1777. Đây là trận đánh đầu tay của Nguyễn Ánh, và Nguyễn Ánh đã thắng trận nầy. Quân Tây-Sơn nghe tiếng nổ, nên hoảng sợ, nhảy xuống biển chết đuối rất nhiều. Toàn thể tàu bè của Tây-Sơn đều về tay Nguyễn Ánh hết [Xem Thực Lục, tập 1, trang 124 hay Sử Ký Đại Nam Việt, in năm 1903, trang 19]. Sau đó ông giúp Nguyễn Ánh đóng tàu. Không biết ông rời Nam-Hà vào khi nào.


 6 – Etienne Malespine. Tình nguyện viên Binh Ba trên chiếc Pandour. Trình độ học vấn cấp Tiểu Học ngày nay. Đến Nam Hà năm 1788. Không biết ngày rời khỏi Nam Hà. Không phục vụ Nguyễn Ánh. Malespine là tay chân của Pigneau.


 7 – Emmanuel Tardivet. Tình nguyện viên binh Nhất. Trình độ học vấn cấp Tiểu Học ngày nay. Đến Nam Hà khoảng 1788. Không phục vụ Nguyễn Ánh. Không biết ở Nam Hà mấy ngày, mấy tháng, mấy năm.


 Trong bài viết lần đầu, tôi có nói về các chức, tước, nhiệm vụ, tên những người vợ người Việt, tên Việt, nếu có, của các người Pháp trên. Tuy là đã cô đọng lại, nhưng mỗi người tôi phải dành trên một trang. Sau đó tôi thấy bài viết của tôi quá dài, vả lại không phải là đề tài của bài viết, nên tôi xóa đi, chỉ để lại vài hàng chính cho mỗi người.


 Để làm an lòng dân, để hù dọa Tây-Sơn và nhóm Hải Tặc, đồng minh của Tây-Sơn, Nguyễn Ánh và quần thần của Triều Đình đã tính rất kỹ. Tuy lương hướng của những người Pháp đã trình ở trên, cao hơn rất nhiều đối với lương hướng của các quan, binh của Triều Đình, nhưng trong một thời điểm nào đó, Triều Đình cũng chỉ trả lương cho khoảng 6 hay 7 người là nhiều, cho đi khoảng 2 000 quan mỗi tháng, so với những lợi ích rất to lớn đã trình ở trên. Thật là Nguyễn Ánh và quần thần đã lợi dụng tối đa nhóm người phiêu lưu Pháp, vì lợi ích của Nam-Hà.


 Cũng vì cái tước “Hầu” (Marquis) “hờ” của những người phiêu lưu Pháp nói trên, đã làm hoa mắt các sử gia thực dân danh tiếng như Tiến Sĩ Charles B. Maybon, Linh Mục Léopold Cadière, Alexis Faure, Georges Taboulet… Họ đã thần thánh hóa các người phiêu lưu Pháp “giúp” Nguyễn Ánh. Họ chẳng những đã thổi phồng mà còn khéo léo bịa đặt những việc làm không có thật của những người Pháp đã trình ở trên [Xem Nguễn Quốc Trị, sđd]. Hành động của những nhà viết sử đã trình ở trên, rất ư là tai hại và một số sử gia người Việt lấy đó làm tài liệu mà viết Sử, làm cho những thế hệ người Việt sau họ, hiểu lầm Lịch Sử Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19. Cũng may, bây giờ, nhờ có thông tin đa dạng trên Internet, và những cuốn chính sử rất khách quan, viết bằng chữ Hán đã được dịch ra tiếng Việt, mà các sử gia nghiêm chỉnh, đã bắt đầu viết lại Lịch Sử của giai đoạn đó.


 Có người đọc BAVH (Đô Thành Hiếu Cổ Xã), mà những tác giả như Cadière Léopold, Cosserat Henri, Salles André, vv… là những người Pháp thực dân, và những người không đọc BAVH, nhưng nghe đồn, đã cho rằng Le Brun đã xây thành Gia-Định vào năm 1795 là sai [Xem “J-M. Dayot qua các bài viết” phần II của tôi trên Trí Thức VN, hay Trịnh Hoài Đức “Gia-Định Thành Thông Chí”, tập 6, trang 1.], hay Jean-Marie Dayot và Olivier de Puymanel đã đánh trận “Thị Nại” năm 1792, đã đánh chìm 5 chiến hạm và khoảng 90 chiến thuyền của Tây Sơn là sai [Xem “J-M. Dayot qua các bài viết”, phần I của tôi, trên TríThức VN, có dẫn chứng đàng hoàng], v.v.. Chấp nhận chuyện mấy người Pháp thực dân viết trong “BAVH”, là vô hình trung, phủ nhận công lao, tài năng của các kỹ sư, thầy, thợ tiền nhân của chúng ta, đã đóng chiến hạm, chiến thuyền, đã xây thành, đắp lũy, đã tạo súng đại bác, thần công, v.v. vào những năm 1770-1800.


 Độc giả muốn biết Pigneau là: Richelieu (Quân Sư) của Nguyễn Ánh?; Cứu mạng Nguyễn Ánh vào tháng 9, tháng 10 năm 1777?; Nhờ Pigneau mà Nguyễn Ánh đã thắng Tây Sơn?; Viện trợ tài chính và quân sự cho Nguyễn Ánh?; Pigneau đánh trận Diên Khánh, tháng 11 năm Quý Sửu (12/1793) cùng Thế Tử Cảnh? vân vân… , thì xin xem Nguyễn Quốc Trị, sđd, tập 1, từ trang 316 đến trang 455. Có dẫn chứng đàng hoàng. Ở đây, tôi chỉ nói Pigneau, sau khi ở Pháp về (sau khi ký Hiệp Ước Versailles), chỉ gặp Nguyễn Ánh, hai hay ba lần trong một năm [Xem Launay, sđd, trang 309, 310]. Như vậy Pigneau đã đủ là “Khổng Minh” của Nguyễn Ánh chưa?


 Đó Nguyễn Ánh có khoảng 20 người phiêu lưu Pháp “giúp”, từ năm 1777 đến năm 1820 (43 năm), so với hàng ngàn quân Tề Ngôi của Lý Tài, Tập Đình (chỉ nói đến hai vị tướng cướp Tề Ngôi nầy thôi) giúp Tây Sơn, đã đủ để Nguyễn Ánh “Cõng Rắn Cắn Gà Nhà” chưa?


 C Pháp đô h Vit-Nam là do Nguyn Ánh ?


I – Phong trào đi chiếm Thuộc Địa của Phương Tây, vì do Nguyễn Ánh đã dùng những người phiêu lưu Pháp nói trên?


Hiện tượng chiếm thuộc địa của các nước Phương Tây đã có từ lâu. Đến năm 1815, một số lớn các nước Tây Phương, chưa đủ phương tiện kinh tế, kỹ thuật để đi chiếm thuộc địa, mặc dù được các thừa sai đạo Ki-Tô khuyến khích, và các nước Tây Âu cũng đã có ý định đi chiếm thuộc địa, nhưng chưa gặp thời cơ thuận tiện, cho mãi đến cuộc “Cách Mạng Công nghiệp” vùng lên vào khoảng năm 1840 với sự “bùng nổ đường sắt” (Hỏa xa), nên các nước Tây Âu mới đua nhau đi chiếm thuộc địa. Có càng nhiều thuộc địa càng hay, có những thuộc địa rộng lớn càng tốt. Họ được xem là những “cường quốc”, có quân đội tinh nhuệ, có vũ khí tối tân, có quân dụng, tàu chiến hiện đại… Các nước cạnh tranh nhau đi tìm thuộc địa gồm có các nước chính sau đây: Bồ Đào Nha, Y pha Nho (Tây ban Nha), Hòa Lan, Anh, Nga, Pháp… và sau nầy có cả đế quốc Nhật (khoảng 1880).


 1) Nguyên nhân


a) Vì cuộc “Cách Mạng Công Nghiệp” phát triển quá mạnh ở Tây Âu, nên tài nguyên của các nước nầy đã cạn quẹo, họ phải đi tìm tài nguyên ở các nước chậm tiến khác, như mỏ các khoáng chất, mỏ vàng, mỏ bạc, và đất đai để trồng cây công nghiệp, như cây cao-su. [Xem “Les raisons de l’expansion coloniale”, trên Mạng Internet. “Nguyên nhân về sự bành trướng tìm Thuộc Địa”].


 b) Tìm nhân công rẻ mạt ở các nước chậm tiến (họ cũng muốn các nước nầy tiêu thụ những sản phẩm công nghiệp thừa thãi của họ, nhưng người dân bản xứ không đủ phương tiện tài chánh để mua). Mặt khác vì nạn nhân mãn, các nước Tây Âu khuyến khích dân sang chiếm cứ Mỹ Châu [Xem “Amérique Septentrionale” Wikipedia 2022. “Bắc Mỹ Châu”], và sau nầy Bắc Mỹ đã công nghiệp hóa, cần nhân công, nên Tây Âu đã đưa khoảng 33 triệu người sang Mỹ [Xem “New York, Une ville issue de l’immigration”, trên Mạng Internet. “NY, thành phố của người di cư/nhập cư”].


 c) Nhờ “Cách Mạng Công Nghiệp”, Tây Âu rất giàu có và cho mình là “Văn Minh” hơn các nước chậm tiến. “Chủng Tộc da Trắng” được xem trội hơn những chủng tộc khác [Xem “Les raisons de l’expansion coloniale”, trên Mạng Internet. “Nguyên nhân về sự bành trướng tìm Thuộc Địa”].


 d) Sau cùng là Phải Bảo Đảm sự “Cứu Rỗi Linh Hồn” của người dân thuộc của các nước chậm tiến (Các vua Tây Âu, đều do các Giám Mục Ki-Tô làm lễ thụ phong), vì cho dân những nước chậm tiến thờ “Ma Quỷ”. Như thế các thừa sai Ki-Tô giáo La-Mã và Tin-Lành được tung ra khắp năm châu, bốn bể để rao giảng “Phúc Âm” (Evangile/Gospel). Phần nhiều, họ tìm những người nghèo (khoảng 90 đến 95%) để rao giảng (người Việt xưa ta có câu: “hết gạo thì theo đạo”) [Tôi có tài liệu nói về chuyện nầy, nhưng nay bị thất lạc, và vì lớn tuổi nên tôi tìm không ra. Xem Nguyễn Văn Lục “1000 năm chống Tàu, 100 năm đô hộ Tây: Thực chất và huyền thoại”. NVLục không cho xuất xứ trong bài viết nầy, và ở trên Mạng Internet cũng có vài bài như “Chút duy tư về truyền giáo” của Thanh Tâm…], rồi sau đó nuôi nấng con cháu của những người đó để trở thành những nhà trí thức, có địa vị trong xã hội, một số trở thành linh mục, hay quan lại ở các triều đình. Con cháu của những người nầy tất nhiên là theo đạo Ki-Tô hết. [Xem “Les raisons de l’expansion coloniale”, trên Mạng Internet. “Nguyên nhân về sự bành trướng tìm Thuộc Địa”].


 2) Trường hợp của Nhật


a) Trước năm 1853, nhiều nước Tây Âu đã đến Nhật xin đặt thương điếm để buôn bán, nhưng bị từ chối gắt gao. Nước Mỹ (USA: Hiệp Chúng Quốc, 合衆國) [Tôi thấy rất nhiều người Mỹ, gốc Việt, viết chữ Chủng, dấu hỏi, thay cho chữ chúng, dấu sắc. Tôi không biết vì lý do gì.], đã bị các nước Tây Âu chiếm làm thuộc địa, nên dân và chính quyền Mỹ rất ghét chuyện đi chiếm thuộc địa, và khi đã hùng mạnh lên, chính quyền Mỹ còn cảnh cáo các nước Tây Âu về việc đi chiếm thuộc địa. [Xem “Etats Unis: l’anticolonialisme des américains et le déclin de empires traditionnels”, trên Mạng Internet. “Chống Thuộc Địa của Mỹ và sự suy tàn của các đế quốc truyền thống”]. Năm 1853, Phó Đô Đốc (Commodore) Matthew Perry trình quốc thư xin buôn bán, và nói rằng chỉ lo về mặt thương mãi, chứ không chiếm cứ thuộc địa. Năm sau 1854, Perry lại đến, với một hạm đội vào vịnh Đông Kinh (Edo), đòi chánh phủ Nhật phải cho buôn bán, nếu không sẽ bắn phá thành phố. Chính phủ Nhật phải nhượng bộ, chẳng những cho phép buôn bán mà còn cho Mỹ lập Lãnh Sự Quán tại Đông Kinh. [Xem “Relations entre les Etats Unis et le Japon”, Wikipedia 2022. “Quan hệ giữa Mỹ và Nhật”]. Cũng vì vậy mà Nhật không bị chiếm làm thuộc địa, như các nước Á Châu khác. Đây là nói chuyện lúc bấy giờ, ở thế kỷ thứ 19. Mỹ có một lục địa rất rộng lớn, chưa khai thác hết, còn bây giờ là một chuyện khác.


 b) Cũng phải nói đến Minh-Trị Thiên Hoàng (1852 – 1912), một vị vua có sáng kiến canh tân, hiện đại hóa đất nước, theo mẫu mực của các nước tư bản Tây Phương (Hiện tôi có một đồng Yen, thời Minh-Trị đề One Yen!). Ông được một số đông đại thần tài giỏi phò tá. Ông lập Hiến Pháp và biến Nhật thành một nước Quân Chủ Lập Hiến. Ông nhập cảng máy móc tân tiến của Âu Châu, rồi cho tháo ra, để nhân công bắt chước làm lại và làm nhiều ra. Ông cải cách nền Giáo Dục. Ông đưa sinh viên sang Tây Âu du học. Ông hiện đại hóa Quân Đội… Theo lịch sử Nhật, ông là người có công rất lớn, đã đưa nước Nhật thành một trong những Cường Quốc trên thế giới thời bấy giờ. Một khi đã là cường quốc, thì Nhật muốn mở rộng biên giới. Sau khi chiếm quần đảo Lưu Cầu (Ryukyu) ở phía Tây Nam năm 1879, Nhật còn chiếm Cao Ly vào năm 1910, đó là chưa kể đến khoảng 30 vùng đất mà Nhật đã tạm chiếm trong 2 trận Thế Chiến. [Xem Wikipedia và “Liste des territoires occupés par le Japon impérial”, Wikipedia. “Danh sách những vùng đất chiếm bởi đế quốc Nhật”].


 Theo tôi, không chỉ có vua Minh-Trị muốn canh tân đất nước mình, mà còn có những Nguyên Thủ Quốc Gia khác ở Á Đông, cũng có những ý kiến tương tựa. Nhưng khi nước mình đã bị làm thuộc địa của các nước Tây Phương, thì không triển khai các hoài bão của mình được. Nhật rất may mắn được Mỹ can thiệp, nếu không thì đã bị các nước Tây Âu chiếm làm thuộc địa rồi.


 Nguyễn Vĩnh-Tráng


Tiết Hàn Lộ năm con Cọp


109 102 022 nvt*ttl*


 Xin xem tiếp Phần III.


Có khoảng 65 Tài Liệu tham khảo. Xin xem ở cuối bài viết.