Vũ khí Nga-Mỹ trên non nước Việt

07 Tháng Mười Hai 20208:13 SA(Xem: 8411)

VĂN HÓA ONLINE - BIỂN ĐÔNG HOA ĐÔNG - THỨ HAI 07 DEC 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Vũ khí Nga-Mỹ trên non nước Việt

image012

Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam: Giá trị còn khiêm tốn nhưng ngày càng tăng


BBC 05/12/2020


image013Nguồn hình ảnh, US EMBASSY HÀ NỘI. Chụp lại hình ảnh,  Đại sứ Hoa Kỳ Kritenbrink giao lưu với các bạn học sinh Đà Nẵng


Chính phủ Mỹ đã duyệt các hợp đồng bán vũ khí cho nước ngoài trị giá 175 tỉ USD trong năm tài chính 2020 (từ 1/10/2019 đến 30/9/2020), theo thông báo ngày 4/12 của Lầu Năm Góc.


Doanh thu này tăng 5 tỷ USD so với năm 2019.


Con số 175 tỷ bao gồm 51 tỷ USD doanh thu chính phủ Mỹ bán hàng quân sự cho nước ngoài, và hơn 124 tỷ USD từ doanh thu thương mại trực tiếp của các doanh nghiệp Mỹ.


Công bố ngày 4/12 cho biết hợp đồng của các công ty Mỹ tăng từ 114,7 tỉ năm 2019 lên thành 124,3 tỉ năm 2020.


Còn hợp đồng do chính phủ Mỹ dàn xếp trực tiếp thì có giảm, từ 55,39 tỉ năm 2019 xuống thành 50,78 tỉ năm 2020.


Để mua vũ khí Mỹ, các chính phủ nước ngoài thông qua hai phương thức: thương mại giữa chính phủ và công ty, hoặc chính phủ liên hệ với sứ quán Mỹ tại địa phương.


Cả hai dạng này đều đòi hỏi sự đồng ý của Nhà Trắng.


Công bố ngày 4/12 cho biết hợp đồng của các công ty Mỹ tăng từ 114,7 tỉ năm 2019 lên thành 124,3 tỉ năm 2020.


Còn hợp đồng do chính phủ Mỹ dàn xếp trực tiếp thì có giảm, từ 55,39 tỉ năm 2019 xuống thành 50,78 tỉ năm 2020.


image014Nguồn hình ảnh, US EMBASSY HÀ NỘI Chụp lại hình ảnh. Một chiến hạm Mỹ,


Cơ quan Defense Security Cooperation Agency, thuộc Lầu Năm Góc và là nơi công bố số liệu, cũng ghi rõ chi tiết trị giá hợp đồng quân sự do chính phủ Mỹ dàn xếp.


Nhờ đó, người ta biết được các con số giá trị tiền bạc vũ khí mà Mỹ bán cho Việt Nam.


Cụ thể trị giá các hợp đồng quân sự Mỹ bán cho Việt Nam trong năm tài chính 2020 là 38,4 triệu USD.


Năm 2019, con số là hơn 14 triệu USD và năm 2018 là hơn 11,6 triệu USD.


Năm 2017 là 13,9 triệu USD và 2016 là 20 triệu USD.


Các con số tài chính này còn khiêm tốn nhưng cho thấy quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng gần hơn theo thời gian.


Hiện Sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã có Văn phòng Tùy viên Quân sự hỗ trợ trong việc phối hợp thực hiện chính sách quân sự của Hoa Kỳ, đồng thời là đại diện cho Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương và các cơ quan quân sự khác của Mỹ.


Văn phòng Tùy viên Quân sự cũng phối hợp tất cả các hoạt động về an ninh giữa quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam tại các diễn đàn song phương và đa phương, cũng như trong mọi lĩnh vực hoạt động quân sự./


image015Tổng thống Hoa Kỳ Obama trong dịp đến thăm Việt Nam đã quyết  định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương.


++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Chuyên gia Nga: Việt Nam mua vũ khí hiện đại nhưng phù hợp và vẫn giữ được “cái đầu lạnh”


Cập nhật lúc 09:10 - 29/10/2019


image012Nhiều loại vũ khí hiện đại của Nga đang được Việt Nam quan tâm mua sắm.


Nhà phân tích chính trị, quân sự hàng đầu Nga Grigory Trofimchuk khẳng định các nhà lãnh đạo Việt Nam hết sức bình tĩnh và khéo léo trong việc xử lý các tranh chấp quốc tế.


Sáng nay, tại Hà Nội, nhà phân tích chính trị, quốc phòng hàng đầu Nga, người đạt giải Nhì Giải thưởng về thông tin đối ngoại năm 2018, ông Grigory Trofimchuk đã chia sẻ với phóng viên của chúng tôi về những vấn đề liên quan tới mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 quốc gia nhân dịp năm chéo Việt-Nga đang diễn ra.


PV Bình Nguyên: Ông đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Liên bang NgaViệt Nam trong thời gian qua?


Ông Grigory Trofimchuk: Vì Việt Nam là một trong những hình mẫu tốt đẹp về hợp tác quốc tế với Liên bang Nga, tôi chỉ xin nói ngắn gọn rằng mối quan hệ mẫu mực về hợp tác quốc phòng và khoa học kỹ thuật quân sự rất tích cực giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga được cả Thế giới đều đánh giá cao.


Mối quan hệ thủy chung, tốt đẹp này không chỉ đảm bảo an ninh quốc phòng của Việt Nam mà còn góp phần ổn định tình hình an ninh quốc phòng của khu vực và lợi ích của Liên bang Nga trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương.


image016Nhà phân tích chính trị, quốc phòng hàng đầu Nga, người đạt giải Nhì Giải thưởng về thông tin đối ngoại năm 2018, ông Grigory Trofimchuk.


PV Bình Nguyên: Trong bối cảnh Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các vũ khí hiện đại của Nga như tên lửa S-400, tiêm kích tàng hình Su-57 hay tiêm kích đa năng Su-35 do sức ép của phương Tây và Hà Nội có nhu cầu mua sắm nhiều sản phẩm quốc phòng hiện đại từ Moscow, liệu Việt Nam có gặp những hạn chế, hay khó khăn nào không nếu chúng tôi đề nghị Nga cung cấp những vũ khí tương tự?


Ông Grigory Trofimchuk: Theo quan điểm cá nhân của tôi, đúng là có những vướng mắc nhất định trong quá trình thực hiện các hợp đồng giữa Liên bang Nga với các quốc gia như bạn đã đề cập, tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp cá biệt và chỉ mang tính đơn lẻ.


Chúng tôi đã và đang thực hiện nghĩa vụ của mình theo các hợp đồng với những khách hàng kể trên. Đây không phải là lỗi mang tính hệ thống mà thuần túy chỉ là cá biệt, bởi ngoài các đối tác trên, các khách hàng khác vẫn đang quan tâm và liên tiếp ký các hợp đồng mới để mua vũ khí từ Liên bang Nga.


Ngoài các yếu tố về địa chính trị mà Mỹ và phương Tây đang áp đặt, theo tôi để khơi thông dòng chảy vũ khí Nga thì một trong những yêu tố ảnh hưởng tới khả năng xuất khẩu vũ khí Nga là yếu tố con người. Đây là một trong những thế mạnh đặc biệt của Việt Nam.


Các bạn biết đấy, sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, đã có những khoảng trống nhất định, thậm chí là những hụt hẫng trong việc đào tạo con người, những người tham gia vận hành những vũ khí trang bị có từ thời Liên Xô để kế thừa và tiến lên những vũ khí hiện đại hơn do Liên bang Nga chế tạo, ví dụ như tổ hợp tên lửa phòng không S-400 hàng đầu thế giới.


image017Nga vừa bàn giao tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ.


Với những hệ thống vũ khí tiên tiến như vậy đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu thì mới có thể phát huy được tối đa uy lực của vũ khí.


Nhưng Việt Nam có nhiều lợi thế, các bạn là quốc gia ít gặp lo ngại hay khó khăn bậc nhất khi mua và vận hành vũ khí Nga bởi các bạn sở hữu một điều đặc biết, đó là những thế hệ sĩ quan, thợ kỹ thuật được đào tạo chính quy, bài bản ở Nga (Liên Xô) và hiện đang là nòng cốt ở nhiều đợn vị, theo như tôi biết.


Vì thế, các bạn sẽ không gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển loại và vận hành các vụ khí mới do Liên bang Nga chế tạo. Hơn nữa, những vũ khí mà Nga cung cấp sẽ góp phần đảm bảo ổn định an ninh chính trị ở khu vực Đông Nam Á.


PV Bình Nguyên: Theo ông, nếu Việt Nam đặt mua những loại vũ khí vừa có tính phòng thủ vừa có tính răn đe như tên lửa đạn đạo Iskander, liệu Nga có sẵn sàng bán cho Việt Nam?


Ông Grigory Trofimchuk: Trước tiên, để nói về việc chọn mua vũ khí gì ta phải hiểu mỗi quốc gia có vị trí đía lý và các mối quan hệ địa-chính trị-quân sự-ngoại giao khác nhau, nên trong từng trường hợp cụ thể, không nhất thiết phải mua những vũ khí hiện đại nhất, mới nhất mà vũ khí mới phải phù hợp với nhu cầu sử dụng.


Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo của Việt Nam là những người hiểu rõ nhất về điều này, họ đã và đang đưa ra những quyết định đúng đắn.


Ngay như Trung Quốc, đất nước có nền công nghiệp quốc phòng khá phát triển nhưng bản thân họ cũng có nhu cầu mua sắm vũ khí hiện đại từ Nga, tên lửa S-400 hay tiêm kích đa năng Su-35 là những ví dụ điển hình.


Có một điểm đặc biệt đáng lưu ý đó là khi các quốc gia trong khu vực cùng nhập các vũ khí tương tự từ Nga thì ngoài việc đảm bảo khả năng phòng thủ của đất nước họ thì điều đó cũng góp phần tránh những cuộc đụng độ quân sự giữa các quốc gia láng giềng.


Và khi Việt Nam đã nhập khẩu vũ khí hiện đại, ví dụ như tên lửa S-300 hay tàu ngầm Kilo thì các bạn không còn phải lo ngại nhiều về vấn đề an ninh của mình nữa.


image018Tên lửa S-300 của phòng không Việt Nam.


Đó là những lựa chọn tối ưu, tương tự như vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu tên lửa S-400 từ Nga bất chấp những sức ép quốc tế từ Mỹ và phương Tây bởi Ankara là thành viên quan trọng của NATO là do họ nhận thấy đó là thứ vũ khí quan trọng, và coi đó là lựa chọn tối ưu.


PV Bình Nguyên: Để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền, trên biển, ngoài các biện pháp chính trị, ngoại giao, ông có lời khuyên nào đối với Việt Nam trong việc mua sắm các vũ khí trang bị không chỉ từ Nga mà còn từ nhiều quốc gia khác?


Ông Grigory Trofimchuk: Theo tôi, các nhà lãnh đạo của Việt Nam sẽ là những người nắm rõ nhất tình hình để đưa ra những quyết sách phù hợp, và tôi đánh giá cao sự khôn khéo, bình tĩnh và giữ được “cái đầu lạnh” khi xử trí các tranh chấp với những quốc gia trong khu vực.


Dưới góc độ quân sự, như các bạn biết, Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài hay nói cách khác là quốc gia có bờ biển bao quanh do vậy, để phòng thủ các bạn cần ưu tiên những vũ khí gắn với biển.


Dưới góc độ chuyên gia, tôi cho rằng, Việt Nam là quốc gia có tình hình an ninh, chính trị hết sức ổn định, các bạn đã và đang rất khôn khéo hài hòa các lợi ích của mình trong tổng thể bối cảnh địa – chính trị trong khu vực. Các bạn không có ý định đe dọa an ninh khu vực, các vũ khí mà Việt Nam mua sắm chỉ thuần túy mang tính tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia.


Tôi nhấn mạnh răng, chỉ có các quốc gia bất ổn thì mới dùng vũ lực để đe dọa nước khác. Trong khi đó, Việt Nam có điểm mạnh lớn nhất đó là sự điềm đạm, giữ được “trái tim nóng và cái đầu lạnh” xử lý tốt các tranh chấp trên Biển Đông.


Dưới góc độ của Liên bang Nga, chúng tôi luôn mong muốn không có bất cứ cuộc xung đột nào mà Moscow luôn khuyến khích và ủng hộ những nỗ lực để tránh các tình huống như vậy. Bởi lẽ bất cứ cuộc xung đột nào, dù lớn hay nhỏ sẽ gây tổn hại lợi ích cho tất cả các nước, và điều đó chỉ có lợi cho một số quốc gia mà thôi. Nga không muốn điều đó xảy ra.


image019Nhà phân tích chính trị, quốc phòng hàng đầu Nga, người đạt giải Nhì Giải thưởng về thông tin đối ngoại năm 2018, ông Grigory Trofimchuk cùng PV Bình Nguyên.


Nên nhớ, chúng ta có thể đưa ra kịch bản và dự kiến những diễn biến của một cuộc xung đột, nhưng nếu nó thực sự xảy ra thì có thể diễn biến rất khác, thậm chí khác biệt hoàn toàn với những gì ta thường nghĩ.


Tôi xin nhắc lại và nhấn mạnh thêm một lần nữa, sức mạnh của Việt Nam là sự bình tình, sáng suốt của các nhà lãnh đạo trong việc xử lý các tranh chấp xung đột mà vẫn đảm bảo được lợi ích của mình.


Trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa bất cứ cuộc xung đột nào trong khu vực cũng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, nhiều quốc gia bị ảnh hưởng, do vậy, trừ trường hợp bất đắc dĩ mới phải nổ súng, còn không thì các quốc gia đều sẽ hướng tới giải pháp hòa bình là ưu tiên hàng đầu.


Là người theo dõi tình hình chính trị – ngoại giao lâu năm ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tôi nhận thấy rằng Việt Nam đang có những bước tiến lớn, ghi dấu ấn quan trọng trên trường quốc tế và được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận.


Ví dụ như việc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều được tổ chức tại Việt Nam cho thấy rất rõ điều đó, chỉ khi Mỹ và Triều Tiên đánh giá cao vai trò của Việt Nam thì họ mới lựa chọn đây là điểm đến không thể tuyệt vời hơn cho một hội nghị quan trọng như vậy.


Được chứng kiến đoàn tàu chở chủ tịch Kim Jong Un từ Triều Tiên, vượt hàng nghìn km qua Trung Quốc và tới Việt Nam an toàn rồi quay trở về cho thấy tình hình an ninh chính trị của đất nước các bạn hết sức ổn định, tạo được sự tin tưởng tuyệt đối của cộng đồng quốc tế.


Tôi tin rằng, sắp tới, khi Việt Nam đảm nhận vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các bạn sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò của mình.


Xin cảm ơn ông!


Grigory Trofimchuk, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học “Ý tưởng Á – Âu”, là một trong những nhà nghiên cứu có tiếng của Nga.


Trong những năm gần đây, ông thường xuyên xuất hiện trên các mặt báo, được mời tham gia phỏng vấn, phân tích tình hình trong nước và quốc tế trên sóng truyền hình và phát thanh Nga, nhất là về các chủ đề nóng trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.


Đặc biệt, ông đạt giải Nhì Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018 với tác phẩm “Hoạt động nhân chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Sắp tới, ông sẽ cho ra mắt một cuốn sách về Việt Nam. Theo Bình Nguyên/ Trí Thức Trẻ


+++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Đến 2020, Việt Nam có thể mua bao nhiêu vũ khí Nga, có hợp đồng lớn nào không?


Bình Nguyên | 06/06/2018 19:15


image020Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 do Nga chế tạo. Ảnh minh họa.


Báo cáo thường niên của Trung tâm phân tích Thị trường vũ khí thế giới Nga (ЦАМТО) cho biết trong giai đoạn 2017-2020, Việt Nam sẽ mua thêm nhiều vũ khí từ Nga.

Dự báo kim ngạch nhập khẩu vũ khí Nga của Việt Nam đến 2020


Bên cạnh việc thống kê giá trị các hợp đồng vũ khí trang bị mà các quốc gia nhập khẩu từ Nga giai đoạn 2009-2016 thì Trung tâm phân tích Thị trường vũ khí thế giới Nga (ЦАМТО) còn đưa ra dữ liệu dự báo kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Moscow trong vòng 4 năm tiếp theo (2017-2020).


Một lần nữa, Việt Nam lại có tên trong Top quốc gia nhập khẩu vũ khí Nga nhiều nhất. Cụ thể, trong thời gian tới, Việt Nam dự kiến sẽ chi khoảng 2,330 tỷ USD, thấp hơn khá nhiều so với mức 4,394 tỷ USD của giai đoạn kề trước đó (2013-2016).


image021image022Báo cáo thường niên của ЦАМТО dự báo về kim ngạch xuất khẩu vũ khí Nga.


Cụ thể, trong tổng số 2,330 tỷ USD Việt Nam dự kiến sẽ chi để mua vũ khí Nga trong giai đoạn 2017-2020 chi tiết như sau: Năm 2017: chi 1,210 tỷ USD; Năm 2018: chi 320 triệu USD; Năm 2019: không có giao dịch tài chính nào dự kiến được ghi nhận; Năm 2020: chi 800 triệu USD.


Với giá trị các hợp đồng mua sắm quốc phòng dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đứng trong Top 10 quốc gia nhập khẩu nhiều vũ khí của Nga nhất. Tuy nhiên thứ hạng sẽ giảm, Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 7 so với vị trí thứ 3 trong giai đoạn 2009-2016.


Điều này cũng dễ hiểu bời ngân sách chi cho nhập khẩu vũ khí từ Nga của Việt Nam cũng giảm khá mạnh, và tỷ trọng chỉ còn khoảng 4,40% so với tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí Nga, bằng chưa tới một nửa so với con số 9,32% trong giai đoạn 2013-2016.


image023Việt Nam dự kiến sẽ đứng thứ 7 trong Top 10 quốc gia nhập khẩu nhiều vũ khí nhất của Nga giai đoạn 2017-2020.


Việt Nam sẽ mua vũ khí gì của Nga từ nay đến 2020?


Hiện nay Trung tâm phân tích Thị trường vũ khí thế giới Nga chưa công bố các loại vũ khí trang bị nào mà Việt Nam sẽ mua của Nga trong thời gian tới, mặc dù họ đã đưa ra con số dự báo về giá trị các hợp đồng.


Tuy nhiên, nhiều khả năng Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục ưu tiên mua sắm các vũ khí thế hệ mới từ Nga như tên lửa phòng không, máy bay chiến đấu, tàu hải quân, nhằm đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa theo ưu tiên đã xác định cho các lực lượng là Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân và Lực lượng tác chiến điện tử.


Trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo Nga đang đàm phán cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho một số quốc gia ở Trung Đông và Đông Nam Á.


image024Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 do Nga chế tạo.


Mặc dù không nhắc trực tiếp tới Việt Nam nhưng các chuyên gia quốc tế cho rằng có thể Moscow và Hà Nội đang thảo luận về khả năng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400. Chưa rõ hợp đồng sẽ được ký trong thời gian sắp tới hay không.


Nhìn vào con số cụ thể thì ít có khả năng Việt Nam và Nga sẽ thỏa thuận các hợp đồng lớn như thương vụ mua 6 tàu ngầm Kilo-636 mà theo một số nguồn tin có trị giá tới khoảng hơn 2 tỷ USD ký hồi năm 2011.


Theo một số chuyên gia, việc giảm mua sắm vũ khí từ Nga trong thời gian tới có thể bởi 1 trong 2 hoặc cả 2 nguyên nhân quan trọng sau:


Thứ nhất, sau khi mua một số lượng vũ khí hiện đại đáng kể trong giai đoạn 2009-2016, tiềm lực quốc phòng của Việt Nam đã được cải thiện và tăng lên rõ rệt, chưa cần thiết phải có ngay những hợp đồng lớn tiếp theo. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ ưu tiên ngân sách cho phát triển kinh tế để tạo động lực và tích lũy cho các đợt mua sắm lớn sẽ diễn ra sau năm 2020.


Thứ hai, Việt Nam sẽ đa dạng hóa nguồn cung vũ khí hiện đại, không dựa quá nhiều vào nguồn từ Nga nữa, mặc dù Moscow vẫn sẽ là đối tác truyền thống, đặc biệt tin cậy trong hàng chục năm nữa của Việt Nam.


Việc Mỹ "bật đèn xanh" cho phép Việt Nam tiếp cận các nguồn cung vũ khí mới (từ Mỹ, Israel hay các nước phát triển phương Tây khác) chắc chắn Hà Nội sẽ cân nhắc bởi đây là nhu cầu tất yếu, nhất là khi có nhiều lựa chọn hơn.


Đồng thời, xu thế này sẽ cải thiện dần dần vị thế địa - chính trị - quân sự - kinh tế của Việt Nam trên trường quốc tế, cả trong khu vực lẫn thế giới.


Tất nhiên, sẽ chưa có ngay các hợp đồng mua sắm quốc phòng lớn mang tính đột biến với phương Tây trong thời gian ngắn sắp tới bởi tiềm lực kinh tế của Việt Nam có hạn, trong khi vũ khí phương Tây thường khá đắt đỏ và phải mất thời gian chuyển loại, làm chủ lâu hơn nhiều so với các sản phẩm của Nga./


++++++++++++++++++++++++++++++++++


Việt Nam vượt trên TQ, trở thành một trong các khách hàng nhập khẩu vũ khí Nga nhiều nhất


Bình Nguyên | 06/06/2018 01:16 PM


image025Xe vận tải quân sự Kamaz Việt Nam nhập khẩu từ Nga. Ảnh: QPVN.


Theo báo cáo thường niên do CAWAT (Nga) công bố, Việt Nam đã vượt lên trên Trung Quốc, đứng thứ 3 trong số các quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất của Nga.

Trung tâm Phân tích Thị trường vũ khí thế giới của Nga (CAWAT/ЦАМТО) đã công bố báo cáo thường niên về tình hình xuất khẩu vũ khí thế giới năm 2017 với những con số tương đối chi tiết.


Việt Nam đứng thứ 3 trong số các quốc gia mua nhiều vũ khí Nga nhất


Theo số liệu công khai mà CAWAT thu thập được, trong giai đoạn từ 2009-2016, Việt Nam đã chi 6,624 tỷ USD để nhập khẩu vũ khí từ Nga, chiếm 8,34% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga, vượt qua Trung Quốc để vươn lên đứng thứ 3 trong danh sách các quốc gia mua nhiều vũ khí Nga nhất.


Cùng kỳ thống kê 2009-2016, xếp trên Việt Nam là Ấn Độ đóng góp 21,592 tỷ USD, chiếm 26,99%, đứng thứ 1; tiếp đó là Algeria với 9,763 tỷ USD, chiếm 12,21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga.

image026

Việt Nam đứng thứ 3 trong danh sách các quốc gia nhập khẩu nhiều vũ khí nhất của Nga giai đoạn 2009-2016 với tổng trị giá gần 6,7 tỷ USD, chiếm 8,34% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga.


Kim ngạch nhập khẩu vũ khí từ Nga của Việt Nam trong giai đoạn 2009-2016 lần lượt từng năm là:


- 2009 chi 23,5 triệu USD (chiếm 0,42% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga);


- 2010 chi 460 triệu USD (chiếm 8,02%);


- 2011 chi 881,7 triệu USD (chiếm 8,95%);


- 2012 chi 913,3 triệu USD (chiếm 7,80%);


- 2013 chi 20,8 triệu USD (chiếm 0,16%)


- 2014 chi 1,9198 tỷ USD (chiếm (15%);


- 2015 chi 1,4833 tỷ USD (chiếm 13,44%);


- 2016 chi 970 triệu USD (chiếm 8,59%).


Như vậy có thể thấy trong giai đoạn này, năm 2014 Việt Nam thanh toán cho Nga nhiều tiền mua vũ khí nhất với hơn 1,9 tỷ USD còn năm 2013 là năm Việt Nam chi ít nhất, chỉ vọn vẹn có 20,8 triệu USD.


Theo dữ liệu so Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), sở dĩ liên tiếp trong các năm 2010-2012 Việt Nam thanh toán cho Nga tương đối lớn như thế là để tiếp nhận một số loại vũ khí hiện đại theo các hợp đồng đã ký, cụ thể (chỉ liệt kê các hợp đồng lớn):


- 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 (hợp đồng ký năm 2006), kèm theo tên lửa diệt hạm Kh-35;


- 2 tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P (hợp đồng ký năm 2007), kèm theo tên lửa diệt hạm siêu âm Yakhont;


- 2 hợp đồng với lần lượt 8 tiêm kích Su-30MK2 (hợp đồng ký năm 2009, giao hàng 2011-2012) và 12 tiêm kích Su-30MK2 (hợp đồng ký năm 2010, giao hàng 2011-2012), kèm theo một số loại bom, tên lửa không đối không, không đối đất và diệt hạm;


- 6 tàu ngầm diesel-điện Kilo-636 (hợp đồng ký năm 2009, giao hàng 2013-2017), kèm theo một số loại vũ khí trang bị và huấn luyện.


image027Tàu ngầm Kilo HQ-182 Hà Nội và HQ-183 TP Hồ Chí Minh duyệt đội hình trên biển. Ảnh: Tiền Phong.


Tiếp đó, trừ năm 2013 với kim ngạch nhập khẩu vũ khí không đáng kể thì trong giai đoạn 2014-2016, Việt Nam cũng thanh toán khá nhiều tiền cho các hợp đồng mua sắm lớn như:


- Tiếp tục thanh toán theo tiến độ chế tạo và bàn giao tàu ngầm Kilo-636;


- 12 tiêm kích Su-30MK2 (hợp đồng ký năm 2013, giao hàng 2014-2016) kèm theo một số loại bom, tên lửa;


- 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9 (hợp đồng ký năm 2012, giao hàng 2017) kèm theo các loại vũ khí trang bị.


image028Chi tiết các loại vũ khí Việt Nam nhập khẩu từ Nga trong giai đoạn 2008-2017. Nguồn: Cơ sở dữ liệu chuyển giao vũ khí thế giới của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).


Do chưa tự sản xuất được nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại nên Việt Nam vẫn phải nhập khẩu và Nga được coi là một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn và tin cậy nhất đối với Việt Nam.


Trong tương lai, có thể tỷ trọng vũ khí mới nhập khẩu từ Nga trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ giảm dần do Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương và Việt Nam có nhu cầu mua sắm từ các nguồn cung đa dạng hơn nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực quốc phòng để tự vệ và thay thế những vũ khí đã cũ, vốn có từ thời Liên Xô.


image029Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Việt Nam. Ảnh: QĐND.


Trung Quốc ngày càng nhập ít vũ khí Nga


Sở dĩ gần đây Trung Quốc giảm nhập khẩu vũ khí Nga là do họ đã tự chủ được phần lớn vũ khí trang bị hiện đại thông qua nhiều cách, hoặc nghiên cứu chế tạo trong nước hoặc sao chép thành công một số loại vũ khí từ nguyên mẫu nhập khẩu (chủ yếu là từ Nga).


Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc lại đang tăng dần số lượng, chủng loại và giá trị vũ khí nhập khẩu tử Nga, đặc biệt là máy bay chiến đấu (Su-35) hay tên lửa phòng không (S-400). Một số chuyên gia phân tích cho rằng tới đây, Trung Quốc có thể dựa trên những nguyên mẫu vũ khí hiện đại này sao chép thành những loại vũ khí nội địa.


Trong khi đó, Ấn Độ vẫn sẽ là khách hàng quan trọng số 1 của vũ khí Nga do các chương trình chế tạo vũ khí nội địa của họ bị chậm trễ hoặc không đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, Nga sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với các ông lớn khác như Mỹ, Anh, Pháp, Israel ngay tại thị trường truyền thống này./


Tình hình mua sắm vũ khí Nga của Việt Nam


 Susucn Nguyen


Mặc dù đã đẩy mạnh đa phương hóa hợp tác quân sự với phương Tây nhưng vũ khí Nga vẫn là nòng cốt trong biên chế của Quân đội Việt Nam.


image031Quân đội Việt Nam vẫn sử dụng chủ yếu là vũ khí tác chiến của Nga


Việt Nam sử dụng phần lớn là vũ khí Nga


Trong bài viết trên trang web Sputnik của tác giả Dmitry Shorkov, nhà báo Nga nhấn mạnh, lịch sử lâu đời của đất nước Việt Nam đã chứng minh rằng, nhân dân Việt Nam có lòng yêu nước chân thành và là những chiến binh dũng cảm, có thể làm nên những thắng lợi vang dội trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.


Kinh nghiệm chiến tranh nửa sau thế kỷ 20, với sự tham gia của Việt Nam, khẳng định rằng: Ngoài lòng yêu nước và lòng dũng cảm, còn phải có kiến thức quân sự hiện đại, vũ khí tiên tiến. Ngày nay, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã và đang hiện đại hóa, tăng cường năng lực chiến đấu, và tiếp tục dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.


Bên cạnh đó, Việt Nam đang phát triển Q.H hợp tác kỹ thuật-quân sự đa phương, mua sắm vũ khí, trang bị của cả Mỹ và các quốc gia như: Israel, Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Nga vẫn là đối tác truyền thống trong lĩnh vực này, mối liên kết giữa lãnh đạo quân sự hai nước cũng được duy trì và phát triển.


Ngoài thiết bị quân sự do Liên Xô chế tạo, được bảo dưỡng cẩn thận trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, Quân đội Nhân dân Việt Nam còn có những vũ khí hiện đại của Nga, mua sắm sau giai đoạn năm 1990, hiện chúng đang là nòng cốt trong lực lượng tác chiến của Việt Nam.


Không quân Việt Nam hiện đang sở hữu máy bay chiến đấu đa năng Sukhoi Su-30MK2, lực lượng phòng không cũng được biên chế các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-300PMU-1.


Trong kế hoạch hiện đại hóa lực lượng tăng thiết giáp, Việt Nam một lần nữa lựa chọn Nga làm đối tác cung cấp, với các xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS đã chứng minh sức mạnh trên chiến trường Syria.


Xương sống của Hải quân Việt Nam là tàu chiến mặt mặt nước Nga như tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 và hàng chục tàu tên lửa Molniya được sản xuất ở các nhà máy đóng tàu của Việt Nam theo giấy phép từ Nga), cũng như tàu ngầm di‌esel-điện thuộc lớp Varshavyanka (NATO định danh là Kilo); lực lượng bảo vệ bờ biển cũng được biên chế hệ thống tên lửa bờ đối hạm hàng đầu thế giới là K-300P Bastion-P.


Việt Nam cũng sở hữu nhiều loại súng cá nhân của Nga và có thể sản xuất những loại súng đó (ví dụ như với giấy phép sản xuất từ Nga, Việt Nam đã tự sản xuất súng trường bắn tỉa cỡ lớn OSV-96, cũng như hiện đại hóa súng trường tấn công Kalashnikov).


Ngoài ra, những sĩ quan hiện nay và trong tương lai của Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn đang theo học tại các trường quân sự Nga, để nâng cao trình độ tác chiến cũng như trình độ làm chủ kỹ thuật đối với các loại vũ khí hiện đại của Nga.


Những sự kiện chính trong hợp tác quân sự Nga-Việt năm 2018


Vào tháng 1 năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã đến thăm Việt Nam. Ông đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Ngô Xuân Lịch và hội kiến với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Kết quả chuyến đi này là sự đồng thuận sơ bộ về kế hoạch hợp tác kỹ thuật-quân sự giữa Moscow và Hà Nội trong giai đoạn 2018-2020.


Phát biểu trong chuyến thăm Hà Nội, Đại tướng Shoigu nhấn mạnh rằng, Việt Nam là đối tác lâu năm của Liên bang Nga, được thử thách qua nhiều giai đoạn lịch sử, liên kết bằng mối Q.H tin cậy, dựa trên tình hữu nghị và hợp tác đôi bên cùng có lợi.


Nga sẵn sàng tiếp nhận các chuyên gia Việt Nam đến trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng phương tiện kỹ thuật của Nga trong điều kiện chiến đấu thực tế… Trước hết, đó là máy bay chiến đấu, vũ khí của Lục quân, Đặc nhiệm và hệ thống phòng không, không chỉ về tổ hợp Pantsir-S1, mà còn về hệ thống tên lửa phòng không S-400.


Cuộc gặp thứ hai trong năm giữa những người đứng đầu Bộ quốc phòng Việt Nam và Nga diễn ra bên lề Hội nghị về An ninh quốc tế ở Moscow hồi tháng 4. Kết quả là, hai bên đã kỹ kết l‌ộ trình phát triển hợp tác quân sự song phương trong giai đoạn 2018-2020.


Đánh giá cao vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đặc biệt lưu ý việc phối hợp giữa thủy thủ hai nước trong hoạt động tìm kiếm và cứu nạn hàng hải.


Những tàu ngầm mới nhất, tiên tiến nhất của Việt Nam là do Nga sản xuất, lực lượng tàu ngầm của Việt Nam còn non trẻ và thiếu kinh nghiệm, cần phải được đào tạo thêm trong việc tìm kiếm, giải cứu khẩn cấp tàu ngầm bị nạn. Và các thủy thủ Nga có thể giúp đỡ các đồng nghiệp Việt Nam.


Vào cuối tháng 6 năm 2018, phái đoàn quân sự Việt Nam do Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng, đã đến thăm Học viện Quân sự Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Nga - trung tâm hàng đầu của Nga về nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia.


Tại đây, các sĩ quan cấp cao quân đội Nga cũng như quân nhân nước ngoài được đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, rất nhiều tướng lĩnh chỉ huy quân sự hàng đầu đã được đào tạo ở Học viện này.


Đoàn Việt Nam cũng đã được phía Nga giới thiệu việc áp dụng kinh nghiệm thực tế chiến đấu trên chiến trường (dựa trên các trận chiến ở Syria) vào hệ thống giáo dụ‌c quân sự.


Được biết, Bộ Quốc phòng Nga đã cung cấp 176 suất đào tạo học viên quân sự Việt Nam tại các trường đại học quân đội hàng đầu của Nga trong năm 2018.


image032Rộ lên tin đồn Việt Nam đang đàm phán mua S-400 Triump Nga


Những loại vũ khí triển vọng cho Quân đội Việt Nam


Vào tháng 7, giới truyền thông cho biết, Nga và Việt Nam đã bắt đầu đàm phán về việc cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S400 Triump và tiết l‌ộ rằng, Việt Nam có thể mua ít nhất là bốn tiểu đoàn S-400.


Giới chuyên gia không loại trừ rằng, trong tương lai, số lượng S-400 trong lực lượng phòng không của Việt Nam sẽ lên tới 4 trung đoàn (2-3 tiểu đoàn cho mỗi trung đoàn).


Trong Triển lãm Hàng hải Viễn Đông Quốc tế lần thứ nhất, tổ chức từ ngày 26 - 28/7 tại Vladivostok, Rosoboronexport đã đón tiếp phái đoàn của lực lượng vũ trang Việt Nam.


Theo tin, phái đoàn sĩ quan Hải quân Việt Nam đã đến thăm gian hàng của những cơ sở đóng tàu Nga là Công ty Cổ phần Vostochnaya Verf (Vladivostok) và Nhà máy Zelenodolsk mang tên A.M. Gorky (Cộng hòa Tatarstan), hội đàm với ban quản lý các doanh nghiệp


Những thông tin bên lề triển lãm cho biết, Việt Nam đang quan tâm đến các tàu mặt nước thế hệ mới của Nga, có lượng giãn nước từ cỡ vừa trở xuống, nhưng được trang bị hỏa lực rất mạnh như: Hệ thống tên lửa hành trình Kalibr-NK, cùng với hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Shtil hoặc hệ thống mới hơn, có tầm bắn xa hơn là Poliment-Redut.


Ngoài ra, giới truyền thông cũng đưa nhiều thông tin về những loại vũ khí Nga mà Việt Nam có thể mua; ví dụ như tên lửa siêm âm BrahMos (liên danh với Ấn Độ), máy bay chiến đấu MiG-35, máy bay huấn luyện Yak-130; hệ thống phòng không tầm ngắn Pantsir-S1… Tuy nhiên, những thông tin này đều chưa được xác nhận.


Theo các quan chức quốc phòng Nga, hợp tác kỹ thuật quân sự với Việt Nam là một trong những ưu tiên của Nga và ngược lại.


Với những bước tiến mới và vững chắc trong Q.H giữa hai bên trong năm 2018, các chuyên gia Nga tin chắc rằng, 2019 sẽ là một năm mà mối Q.H đối tác quân sự Nga-Việt sẽ được tăng cường mật thiết hơn nữa.


+++++++++++++++++++++++++++++++


Việt Nam trong 10 nước mua vũ khí nhiều nhất thế giới


VOA 12/03/2019


image033Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm năm 2016 cho biết rằng Việt Nam đã đặt mua và đã được Nga giao 3 hệ thống tên lửa đất đối không Pechora (ảnh).


Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ở Thụy Điển hôm 11/3 ra phúc trình về các giao dịch vũ khí quốc tế, trong đó nói rằng Việt Nam nằm trong top 10 nước “tậu” nhiều thiết bị quân sự nhất trên thế giới.


Theo SIPRI, trong giai đoạn từ 2014 tới 2018, số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam chiếm 2,9% tổng số bán ra trên toàn cầu, tăng 78% so với mức 1,8% giai đoạn 2009 tới 2013.


Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 trong khoảng thời gian gần đây nhất.


Trong số 10 nước nhập khí tài nhiều nhất trên thế giới giai đoạn 2014 tới 2018, một nửa là các quốc gia châu Á và châu Đại Dương gồm Ấn Độ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.


Theo tìm hiểu của phóng viên VOA tiếng Việt, Nga xuất khẩu 31% sang khu vực này. Tiếp đó là Hoa Kỳ (27%) và Trung Quốc (9%).


Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết, ba quốc gia cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Việt Nam là Nga (78%), Israel (9,1%) và Belarus (4,1%).


Trên toàn cầu, Mỹ vẫn là nước đứng đầu về xuất khẩu vũ khí, chiếm 36% trong giai đoạn từ 2014 tới 2018, bỏ xa Nga ở vị trí thứ hai với 21%.


Trung Quốc cũng góp mặt trong top 10 nước bán khí tài nhiều nhất, ở vị trí thứ 5, chiếm 5,2%.


Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2018 khẳng định độc quyền với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá tới 94,7 triệu đôla.


Ngoài việc mua thiết bị quân sự trên, quan chức Mỹ nói thêm rằng “Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã cung cấp cho Việt Nam 12 triệu đôla trong chương trình Cung cấp Tài chính Quân sự Nước ngoài (FMF) trong năm tài khóa 2017”.


Trong một cuộc họp báo thường kỳ sau đó, khi được hỏi về các vụ mua bán gần 100 triệu đôla, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng “chính sách quốc phòng của Việt Nam là để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, hòa bình của đất nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới”.


Bà Hằng nói tiếp: “Việc hợp tác quốc phòng với các nước là nhằm thực hiện chính sách trên”.
26 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 9853)