CUỘC ĐẤU TRÍ GIỮA PELOSI VÀ MCCONNELL

29 Tháng Mười Hai 20196:55 SA(Xem: 8246)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ - THỨ HAI 30 DEC 2019


Mọi liên lạc bài vở - vui lòng gởi về Email: vaamacali@gmail.com


CUỘC ĐẤU TRÍ GIỮA PELOSI VÀ MCCONNELL


image010


Theo nhà báo Alexander Nazaryan, trong một bài phân tích mới nhất trên diễn đàn truyền thông Yahoo News, vận mệnh của việc luận tội để bãi nhiệm TT Trump, hay có thể nói là vận mệnh của cả triều đại Trump, giờ đây lại tuỳ thuộc vào kết quả hơn thua của cuộc đấu trí giữa hai chiến tướng lão luyện đầy bản lĩnh trên chính trường Hoa Kỳ trong thời gian gần đây. Đó là bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ Viện và ông Mitch McConnell, Thủ Lĩnh Khối Đa Số, có quyền hành gần như tương đương Chủ tịch Thượng Viện.


[Thật ra cơ cấu chính quyền ở ngành lập pháp của Hoa Kỳ có phần hơi khác biệt với hầu hết các nước khác. Dĩ nhiên ở Hạ Viện cũng như ở Thượng Viện, khối nào có đa số đương nhiên có quyền bỏ phiếu lựa chọn một vị dân biểu hay nghị sĩ cùng đảng làm lãnh tụ của nhóm, đồng thời cũng là lãnh tụ của Hạ Viện hay Thượng Viện.


Tuy nhiên, theo Hiến Pháp Hoa Kỳ quy định, vị lãnh tụ của Hạ Viện được gọi là Chủ tịch Hạ Viện (Speaker). Còn ở Thượng Viện, đương kim phó tổng thống mới có chức danh là Chủ tịch Thượng Viện, tuy rằng người này không hề đắc cử nghị sĩ, và cũng không có quyền bỏ phiếu tại Thượng Viện, trừ trường hợp duy nhất khi số phiếu ngang đồng đều nhau nên cần lá phiếu của PTT để quyết định.


Sau đó, các nghị sĩ cũng bầu ra một vị lãnh tụ ở Thượng Viện, gọi là “president pro tempore”, có thể tạm dịch là “chủ tịch danh dự”, với nhiệm vụ chủ toạ các phiên họp ở Thượng Viện mỗi khi vị PTT vắng mặt. Vị chủ tịch danh dự này thường là nghị sĩ thâm niên nhất của phe nào đang nắm đa số ở Thượng Viện. Sau cùng, các nghị sĩ cùng đảng cũng bầu ra một vị lãnh tụ, và người Trưởng Khối Đa Số (Majority Leader) nắm thực quyền điều hành mọi sinh hoạt tại đây, tương tự như Chủ tịch Hạ Viện của cơ quan lập pháp cấp dưới. 


Tuy vậy, Hiến Pháp Hoa Kỳ lại giành cho Chủ tịch Hạ Viện nhiều danh dự và quyền hành hơn. Chẳng hạn như trong thứ tự lên kế vị trong trường hợp tổng thống qua đời hoặc bị bãi nhiệm, người đầu tiên là phó tổng thống, rồi đến Chủ tịch Hạ Viện, và sau đó là Chủ tịch danh dự “president pro tempore”, tổng trưởng ngoại giao v.v. Vị Trưởng Khối Đa Số không hề được vinh dự xếp hạng trong bảng kế vị này.]


Hai vị lãnh tụ ở Hạ Viện và Thượng Viện Hoa Kỳ hiện nay đang giằng co trên một vài tờ giấy ghi những chi tiết có lẽ còn ít hơn là một giao kèo thuê mướn nhà đơn giản. Đó là văn bản ghi lại những điều khoản luận tội để bãi nhiệm (giống như một cáo trạng) đã được biểu quyết với đa số dân biểu tại Hạ Viện, một việc làm hiếm khi nào xảy ra trong lịch sử hơn 250 năm của Hoa Kỳ. Trước đó chỉ có hai lần Hạ Viện đã thông qua sự kiện này, lần đầu vào năm 1868 với TT Andrew Johnson và năm 1998 với TT Bill Clinton. Có thể nói một vụ thứ ba suýt xảy ra vào năm 1974 với vụ tai tiếng Watergate của TT Richard Nixon nhưng ông này đã quyết định từ chức để tránh chuốc lấy ê chề nhục nhã khi ông biết rằng đa số các nghị sĩ (kể cả nhiều người cùng đảng Cộng Hoà) sẽ bỏ phiếu để kết tội ông.


Lần này đến phiên TT Donald Trump bị cáo buộc với hai tội danh là lạm dụng quyền hành và cản trở Quốc Hội, tương tự như cản trở công lý. Cáo trạng này đáng lý ra phải được chuyển giao sang văn phòng Thượng Viện là nơi sẽ diễn ra phiên toà xét xử do vị Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đóng vai thẩm phán và bồi thẩm đoàn gồm 100 vị nghị sĩ sẽ bỏ phiếu để tha bổng hoặc kết tội và bãi nhiệm ông Trump rời khỏi chức vụ tổng thống. Thế nhưng cuộc xét xử không thể nào bắt đầu cho đến khi bà Pelosi chọn lựa những dân biểu đóng vai trò công tố viên để đưa cáo trạng này lên Thượng Viện.


Kết quả bỏ phiếu của Hạ Viện trong ngày thứ Tư vừa qua không hề gây ngạc nhiên chút nào khi đa số các dân biểu phe Dân Chủ đều biểu quyết kết tội để bãi nhiệm, chỉ trừ có 2 vị chống đối và 1 người bỏ phiếu trắng. Tuy tất cả các dân biểu phe Cộng Hoà đều bỏ phiếu chống, nhưng số phiếu của họ ít hơn nhiều với phe Dân Chủ nên kết quả sau cùng đương nhiên theo ý của đa số.


Nhưng những gì diễn ra liền sau cuộc bỏ phiếu ở Hạ Viện mới là điều khiến mọi người chưng hửng: đó là một cuộc họp báo do bà Pelosi chủ trì để tuyên bố cho mọi người biết rằng bà sẽ không chuyển sang Thượng Viện bản cáo trạng này cho đến khi nào ông McConnell chịu bảo đảm một số điều khoản nào đó trong thủ tục mà Thượng Viện sẽ tiến hành. Các vị dân cử phe Dân Chủ đều biết trước rằng phe Cộng Hoà đang nắm đa số ở Thượng Viện sẽ bỏ phiếu để tha bổng cho ông Trump cho dù là có lập nên những thủ tục nào cho phiên toà xét xử này. Tuy vậy họ vẫn không muốn cuộc xét xử này cuối cùng cũng giống như là một trò hề.


Trước sự kiện bất ngờ này, ông McConnell đã liền bắn ra một mẩu tin ngắn trên mạng Twitter để cáo buộc bà Pelosi đang “ỡm ờ, ấm ớ” (hemming and hawing). Một mẩu tin ngắn khác cũng được bắn ra để chọc tức phe Dân Chủ khi kết tội họ là những kẻ bắt đầu “lạnh cẳng” khi đối diện với vụ đòi bãi nhiệm TT Trump.


Tuy không lên tiếng cho biết là sẽ đình hoãn vụ này đến bao lâu, bà Pelosi cũng cho thấy, giống như bà đã nhiều lần lên tiếng kể từ khi tiến trình luận tội để bãi nhiệm bắt đầu, rằng bà sẽ không hề nao núng trước những đòn tấn công như vậy. Trong một cuộc họp báo hàng tuần diễn ra vào ngày thứ Năm hôm sau, bà Pelosi đã trả lời với các phóng viên và nhà báo: “Tôi mặc kệ những gì phe Cộng Hoà nói.”


image011

Mitch McConnell và Nancy Pelosi. (Hình Reuters và Getty Images)


Thực ra, người ta có thể nói cuộc so gang chạm trán giữa bà Pelosi và ông McConnell là điều không thể nào tránh khỏi kể từ khi bà được lựa chọn để trở thành Chủ tịch Hạ Viện lần thứ nhì sau khi phe Dân Chủ thắng lớn trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2018 và giành lại quyền hành từ tay phe Cộng Hoà. Và kể từ đó, ông McConnell đã từ chối không thèm đưa vào nghị trình ở Thượng Viện rất nhiều các dự luật đã được thông qua ở Hạ Viện, trong đó có nhiều dự luật quan trọng và cần thiết liên quan đến vấn đề kiểm soát súng ống, bảo vệ quyền lợi của cử tri cũng như đối với giới đồng tính và những người chuyển giới. Vì thế mà ông McConnell đã được tặng cho cái biệt danh “Ông thần hắc ám” (the Grim Reaper) để nói về thủ đoạn triệt tiêu những dự luật của phe Dân Chủ.


Ông McConnell cũng còn bị tặng cho một biệt danh khác mà ông rất khó chịu và bực mình, dù rằng nhiều khi nó cũng không có gì là sai trái hay oan uổng. Đó là khi ông Joe Scarborough, một cựu dân biểu liên bang phe Cộng Hoà tại Florida và sau này trở thành xướng ngôn viên cho một chương trình bình luận trên đài MSNBC, đã gọi ông McConnell là “Moscow Mitch”, tạm dịch là “ông Mitch của Mạc Tư Khoa”, ngụ ý nói ông là con cờ của nước Nga. Lý do là vì tuy tất cả cơ quan tình báo của Hoa Kỳ đều xác nhận rằng Nga Sô đã can thiệp vào nội tình bầu cử tại Mỹ, và sau khi Hạ Viện đã thông qua các dự luật để siết chặt hơn mạng lưới an ninh bảo đảm các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ, ông McConnell vẫn nhất quyết không thèm đưa ra Thượng Viện để thảo luận và biểu quyết về các dự luật này.


Trước cuộc bầu cử vào năm 2016, TT Obama đã được báo cáo bởi các viên chức tình báo Mỹ về sự xen lấn của Nga. Ông đã muốn Quốc Hội Mỹ hãy gửi ra một bức thư với nội dung cảnh cáo mạnh mẽ và nghiêm khắc rằng những hành động xen lấn đó của Nga sẽ không thể được để yên. Nhưng ông McConnell đã từ chối ký tên vào bức thư này, và còn nói thêm rằng việc công khai thách thức Nga như vậy là một “đòn chính trị bè phái”. 


Tuy những vị dân cử phe Dân Chủ có bực mình hay thù ghét ông McConnell đến mấy, họ cũng có rất ít những cơ hội hay phương tiện để thách thức ông một cách trực tiếp.


Nhưng cho đến thời điểm này thì đó là cơ hội thuận tiện nhất.


Có lẽ chưa có cuộc đụng độ nào về những dự luật có phần rắc rối và mang lại những hậu quả lớn lao như trường hợp một cuộc luận tội để bãi nhiệm tổng thống. Điều này diễn ra là vì quy định đòi hỏi phía Hạ Viện phải nạp cáo trạng buộc tội lên phía Thượng Viện để tranh luận tại đây. Rất hiếm khi nào hai viện riêng biệt của ngành lập pháp Hoa Kỳ lại dẫn châm lên nhau một cách sâu rộng và công khai như vậy trong việc giải quyết các vấn đề nhức nhối.


Và trong một chừng mực nào đó, cả bà Pelosi lẫn ông McConnell đều là những lãnh tụ toàn hảo và xứng đáng trong vai trò của mình trong những thời điểm lạ kỳ và đáng kể như lần này. Cả hai đều là những nhà dân cử kỳ cựu và lão luyện, biết rành rẽ những quy luật trong nội bộ, và biết áp dụng những chiến thuật khéo léo để có thể giữ vững vị thế của phe nhóm mình trong những tình huống căng thẳng nhất. Cả hai người này đều biết kiểm soát chặt chẽ kỷ luật trong nội bộ đảng mình khiến cho các vị dân biểu và nghị sĩ, tuy có cùng lá phiếu ngang hàng, nhưng vẫn đều phải tuân theo quyết định của các lãnh tụ.


Cả bà Pelosi và ông McConnell thật ra đều đã trải qua những tình huống như vậy. Bà Pelosi cũng từng là Chủ tịch Hạ Viện trong thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính to lớn vào năm 2008, đúng ngay khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống. Vào lúc đó chính quyền Bush Con đang mong muốn có một đạo luật cứu trợ cho ngành ngân hàng được xem như là một điều cần thiết để giúp cho cơn khủng hoảng này khỏi trở nên trầm trọng hơn; nhưng việc chi tiêu để giúp đỡ cho giới nhà giầu chủ ngân hàng vốn không phải là điều được nhiều người bên phe Dân Chủ ủng hộ, vốn luôn chủ trương giúp đỡ cho giới nhà nghèo hoặc bình dân


Vấn đề trở nên cấp bách hơn đến nỗi có lúc ông Henry Paulson, tổng trưởng tài chính lúc bấy giờ, đã quỳ một chân xuống để van nài bà Pelosi hãy vận động để gom đủ số phiếu cần thiết hầu có thể thông qua đạo luật tài trợ này để giúp cho hệ thống tài chính của nước Mỹ khỏi rơi vào một tình trạng sụp đổ hoàn toàn khó phương cứu chữa. Tuy không thành công trong kỳ bỏ phiếu lần đầu, nhưng sau đó bà Pelosi cũng thu gom được đủ số phiếu để thông qua đạo luật cứu trợ với ngân khoản 700 tỷ Mỹ-kim, và nhờ đó giúp cho nước Mỹ vượt qua được cơn khủng hoảng tài chính và kinh tế to lớn vào lúc ấy.


Một chuyên gia thuộc viện nghiên cứu Brookings Institution là Elaine Kamarch đã viết về bà Pelosi như sau: “Bà ta đã trở nên xuất sắc nhất trong một thời điểm quan trọng nhất cho một vị chủ tịch quốc hội, đó là bà đã biết vận động chiêu dụ và cuối cùng tìm đủ số phiếu. Bà cũng là người rất am tường để biết rõ về những thử thách chính trị của mỗi dân biểu ở Quốc hội để rồi bà tìm cách đưa ra những chi tiết trong các dự luật để có thể thông qua.”


Một thành quả to lớn khác của bà Pelosi là đã thông qua được đạo luật bảo hiểm y tế với giá vừa phải, Affordable Care Act, thường gọi là Obamacare. Có những lúc dự luật này tưởng chừng như không thể thông qua được vì có rất nhiều điều khoản rắc rối khiến nhiều người không hiểu rõ và do đó không mấy hăm hở để ủng hộ. Nhưng rồi bà Pelosi cũng đã kiên nhẫn và khéo léo chiêu dụ và tìm đủ số phiếu cần thiết để thông qua, tương tự như cách làm việc hữu hiệu của các vị chủ tịch quốc hội nổi tiếng như Sam Rayburn hoặc Tip O’Neill.


Nếu như những người phe Dân Chủ thường tỏ ra thán phục bà Chủ tịch Hạ Viện, thì những người bảo thủ phe Cộng Hoà cũng có cảm tình và nể phục tương tự với ông McConnell, thủ lĩnh của khối đa số tại Thượng Viện. Một chuyên gia thuộc một tổ chức bảo thủ có tên là The Article III Project nhằm tiến cử các vị thẩm phán theo phe bảo thủ là ông Mike Davis đã nhận định về ông Mitch McConnell như sau: “Ông ta là tổ sư biết rành rẽ về luật lệ và thủ tục tại Thượng Viện, ông ta lại biết đánh hơi rất khéo về mặt chính trị và ông ta cũng rất cứng rắn như sắt thép.” Ông Davis cho rằng ông McConnell sẽ dễ dàng “ăn gỏi” bà Pelosi trong trận chiến luận tội để bãi nhiệm này.


Một trong những thành quả nổi tiếng của ông McConnell trong những năm gần đây là việc ông đã cương quyết từ chối không để cho Thượng Viện cứu xét việc TT Obama đã bổ nhiệm ông Merrick Garland vào Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ mặc dù ông Obama còn một năm nữa mới mãn nhiệm kỳ. Ông McConnell muốn đánh cá việc này để giao cho vị tân tổng thống sẽ bổ nhiệm, và vận may đưa tới việc ông Trump đắc cử và phe Cộng Hoà cũng như ông McConnell đã thắng lớn.


Cuộc chiến đấu để ngăn cản ông Garland không được bổ nhiệm vào Tối Cao Pháp Viện là thành quả lớn nhất của ông McConnell trong nỗ lực lâu dài muốn thay đổi ngành tư pháp tại Hoa Kỳ theo chiều hướng bảo thủ. Trong hai năm cuối cùng của TT Obama, ông McConnell đã tìm đủ cách để ngăn cản việc chuẩn thuận các vị thẩm phán do Toà Bạch Ốc đưa sang, khiến cho nhiều toà án liên bang bị trống vắng, để rồi sau này nó được điền khuyết bởi những vị thẩm phán do ông Trump lựa chọn. 


Nếu như ông McConnell muốn một dự luật nào đó bị triệt tiêu thì gần như điều đó sẽ diễn ra. Chẳng hạn như một dự luật bảo đảm an ninh về bầu cử đã được bảo trợ bởi hai vị nghị sĩ là James Lankford thuộc phe Cộng Hoà và nghị sĩ Amy Klobuchar thuộc phe Dân Chủ, và do đó coi như sẽ dễ dàng được thông qua. Nhưng rồi sau đó Toà Bạch Ốc đã thúc giục và cản ngăn với vị Luật Sư Toà Bạch Ốc là ông Don McGahn, một đồng minh thân thiết với ông McConnell. Kết quả cuối cùng là ông McConnell đã vượt quyền lên vị Chủ tịch của Uỷ Ban Điều Lệ là ông Roy Blunt để không cho thông qua dự luật này.


Sau khi đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh uỷ nhiệm, giờ đây bà Pelosi và ông McConnell đang trực diện đối đầu nhau trên hồ sơ luận tội để bãi nhiệm, có lẽ là trận chiến lớn hơn tất cả những cuộc đụng độ so tài từ trước tới nay.


Về phần mình, bà Pelosi đã tỏ ra rất thận trọng trong những lời tuyên bố, và chỉ nói rằng bà vẫn muốn có một cuộc xét xử tại Thượng Viện. Nhưng nếu như không có đủ một số điều lệ nào đó, trong đó có việc đòi hỏi một số viên chức hành pháp ra làm nhân chứng và cung cấp đầy đủ tài liệu, bà Pelosi nói rằng một phiên xét xử như thế chỉ là một sự phản bội lại Hiến Pháp. Bà đã để cho những học giả về luật pháp đưa ra lời biện luận rằng Hạ Viện có thể tự mình tạm ngưng việc chuyển những cáo trạng sang bên Thượng Viện.


Tuy nhiên không phải tất cả các học giả về luật pháp đều đồng ý rằng chiến thuật này là điều khả thi hoặc là khôn ngoan. Chẳng hạn như ông Noah Feldman, một giáo sư luật khoa tại Đại học Harvard, trong một bài nhận định trên tạp chí Bloomberg, đã viết rằng nếu như bà Pelosi không chịu chuyển các cáo trạng này sang Thượng Viện, coi như bà đã tự phá huỷ toàn bộ tiến trình luận tội để bãi nhiệm, và như vậy sẽ giúp cho ông Trump có thể tự tuyên bố là trắng án.


Riêng về phần ông McConnell, nhiều chuyên gia cũng đồng ý rằng ông đã phạm một sai lầm hiếm thấy khi ông dường như vô tình thú nhận rằng ông chẳng hề hứng thú gì trong việc lắng nghe những bằng chứng mà phía Hạ Viện đã thu thập được để cáo buộc TT Trump. Một ngày trước khi Hạ Viện nhóm họp để biểu quyết, ông McConnell đã phát biểu: “Tôi không hề công bình hay trung lập chút nào trong vấn đề này.” Vài ngày trước đó, ông McConnell cũng thông báo cho ông Sean Hannity, một bình luận gia bảo thủ cực hữu trên đài Fox News rằng giữa ông và luật sư của Toà Bạch Ốc đã có “một sự phối hợp nhịp nhàng” về tiến trình của cuộc xét xử này.


Những lời thú nhận như vậy đã giúp cho bà Pelosi và những vị dân cử phe Dân Chủ coi như là bằng chứng để nói rằng ông McConnell không hề quan tâm đến việc điều hành một phiên toà xét xử công bằng và chính trực, và do đó những vị dân cử phe Dân Chủ rất có lý do chính đáng để tạm giữ lại những bản cáo trạng này cho đến khi ông McConnell chịu đưa ra những nhượng bộ cần thiết.


Những chiến thuật câu giờ như vậy của phe Dân Chủ đã khiến cho ông McConnell bực tức và nổi giận, tuy rằng những điều đó cũng không khác gì những đòn mà ông đã sử dụng thuần thục trước đây tại Thượng Viện. Buổi sáng sau hôm có kết quả luận tội để bãi nhiệm, nhưng lại không chuyển sang Thượng Viện, ông McConnell đã cáo buộc các vị dân biểu phe Dân Chủ là đã điều hành một cuộc điều tra để luận tội và bãi nhiệm “rất bết bát”, và do đó giờ đây họ đang lo sợ hậu quả tệ hại của nó khi đem trình lên Thượng Viện.


Tuy nhiên bà Pelosi đã tỏ ra không hề nao núng. Khi trả lời với nhà báo của diễn đàn Politico, bà Pelosi nói rằng bà chẳng “sợ hãi bao giờ” và cũng “rất hiếm khi bị chưng hửng.”


Một chi tiết mới nhất cũng có phần khích lệ với bà Pelosi và phe Dân Chủ. Đó là việc bà Lisa Murkowski, nghị sĩ phe Cộng Hoà đại diện cho tiểu bang Alaska, nói rằng bà có phần “khó chịu, bối rối” (disturbed) trước việc ông McConnell nói rằng mình “hoàn toàn phối hợp nhịp nhàng với luật sư của Toà Bạch ốc trong vụ này”. Lý do đơn giản là vì nó mang hình thức thiên vị theo bè phái quá lộ liễu.


Trong vụ này, phe Hạ Viện đóng vai trò công tố viên. Người bị truy tố là TT Trump. Còn Thượng Viện đóng vai bồi thẩm đoàn. Nhưng trước khi bắt đầu phiên xét xử, lãnh tụ của bồi thẩm đoàn lại đi nói rằng ông ta sẽ hợp tác hoàn toàn về chiến lược và chiến thuật với luật sư của bị đơn. Như vậy, phiên toà xét xử này tự nó đã không còn trong sạch nữa, nếu không muốn nói là đã nhuốm màu thiên vị, vì có người đã bỏ lơ trọng trách đứng đắn của người dân cử ở Thượng Viện phải giữ vai trò bồi thẩm đoàn xét xử nghiêm minh và trong sạch.


Sau cùng, kết quả một cuộc thăm dò dân ý mới nhất cho thấy dường như nhiều người bắt đầu cảm nhận và đồng ý với nhận định này. Cuộc thăm dò của cơ quan truyền thông MSN đưa ra kết quả trong ngày lễ Giáng Sinh vừa qua cho thấy tỉ lệ người dân ủng hộ việc Thượng Viện nên kết tội để bãi nhiệm TT Trump đã tăng từ 48% (tuần trước) lên đến 55%. Cùng lúc đó, tỉ lệ người chống đối việc Thượng Viện bỏ phiếu bãi nhiệm ông Trump đang từ 47% của tuần trước giờ đây đã tụt xuống còn có 40%.


Theo ông David Rothschild, một chuyên gia kinh tế của viện nghiên cứu Microsoft Research, sự thay đổi của những tỉ lệ này rất đáng kể: “Nếu như theo rõi các cuộc thăm dò hàng ngày, người ta sẽ thấy là dân chúng thường ít khi nào thay đổi quan điểm một cách to lớn như vậy. Kết quả thăm dò này cho thấy chiến lược của phe Cộng Hoà muốn hoàn toàn cản trở việc làm của phe đối lập đang không mua chuộc được sự tín nhiệm của dân chúng.


MAI LOAN


Houston, Texas, ngày 26 tháng 12/2019
06 Tháng Tám 2015(Xem: 14318)
"Trang web của CSIS liệt kê các nhà tài trợ theo hạng mục chung. Họ tiết lộ rằng chính phủ Việt Nam trả cho CSIS trong khoảng từ 50.000 USD tới 500.000 USD trong năm 2014. Nhưng trang này không cho biết khoản tiền đó để dùng làm gì." "Ông Hiebert là đồng tác giả một nghiên cứu năm 2014 của CSIS có tựa “Một Kỷ nguyên Mới trong quan hệ Mỹ-Việt”. Vậy ai có thể đã trả tiền để làm nghiên cứu này?" “Ông Hiebert — sau khi tôi hỏi tới hai lần — đã thú nhận rằng chính phủ Việt Nam trả tiền cho nghiên cứu này. Ông nói rằng không có việc chính phủ Hoa Kỳ cấp vốn cho nghiên cứu đó,” tác giả viết."
04 Tháng Tám 2015(Xem: 16615)
"Theo một nghiên cứu của Bộ Nội vụ, số lượng các tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ ngành càng tăng nhanh đặc biệt là sau đổi mới. Hiện nay cả nước có 500 hội cấp trung ương; 4.000 hội cấp tỉnh, thành phố; và 10.000 hội cấp huyện, xã. Hà Nội có hơn 500 hội, TPHCM có gần 600 hội, Đà Nẵng có 445 hội."
28 Tháng Bảy 2015(Xem: 17608)
"Lanh mắt, lẹ tay như Ted Osius, đại sứ Mỹ tại Hà Nội, cũng chỉ được hỏi thăm tình hình sức khoẻ của tướng Thanh qua Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, và đã được Tướng Vịnh đáp lễ khá chu đáo: “Cám ơn ngài đã hỏi thăm sức khỏe BTQP của chúng tôi”. Sau đó là chấm dứt không nói gì thêm nữa. Có lẽ Ted Osius cụt hứng mà ông Vịnh cũng chẳng vui vẻ gì trước sự tò mò của ngài Đại Sứ về sức khỏe của quan Đại Tướng Bộ Trưởng Quốc Phòng ViệtNam!"
26 Tháng Bảy 2015(Xem: 15156)
Khai mạc vũ đài biển Đông Ts Nguyễn Mạnh Hùng: "Ở CSIS, có cuộc “diễn thử khủng hoảng” (crisis simulation), những người tham dự đều là các cựu viên chức chính phủ, có người đóng vai cố vấn an ninh quốc gia, người khác đóng vai Tổng trưởng quốc phòng, Tổng trưởng ngoại giao, Giám đốc Trung ương tình báo, thuyết trình viên. Họ thảo luận để trình Tổng Thống lấy quyết định đối phó với một khủng hoảng giả tưởng trên Biển Đông. Toàn thể cuộc hội thảo được phổ biến trên internet nên ai cũng xem được. Riêng panel này vì tính cách nhạy cảm của nó, không được phổ biến trên internet."
21 Tháng Bảy 2015(Xem: 16931)
"Một sự kiện quan trọng cần được nhắc đến là VAF, nhờ quan hệ của luật sư Wesley Coddou, đãđược Trung tâm Nhận Dạng, Đại học Bắc Texas (Center for Human Identification,Department of Forensic and Investigative Genetics, University of North Texas HealthScience Center) nhận thử nghiệm miễn phí DNA từ các mẫu hài cốt tù cải tạo và thân nhân củahọ. Việc thử nghiệm DNA đem lại niềm an ủi vô cùng lớn lao cho những gia đình tù cải tạo đãchết trong tù mà mộ đã mất bia và không có di vật gì bên cạnh hài cốt khiến thân nhân có thể xác nhận là của người quá cố." (Bức ảnh duy nhất về tù cải tạo do một phóng viên Mỹ chụp trongtrại cải tạo Hàm Tân; người đứng thứ tư từ trái có thể là tướng Lê Minh Đảo (Nếu tướng Đảo có xem hình này, xin xác nhận).
19 Tháng Bảy 2015(Xem: 18197)
"Phải chăng tư duy chúng ta đã có, “nỏ thần” chúng ta cũng đang cầm, thế nhưng chúng ta chưa đủ can đảm để trao “nỏ thần” này mà cứ khư khư giữ lấy với nguyên tắc “tập thể lãnh đạo” nên mới khiến nước nhà lâm vào “vòng vây” như hiện nay. Và tôi, một người Đảng viên với hơn 30 năm theo Đảng, xin gửi bài toán này đến với những vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung Ương Đảng hiện nay cũng như những vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung Ương Đảng khóa XII sắp tới."
14 Tháng Bảy 2015(Xem: 17105)
"Đáng chú ý, mặc dù Bắc Kinh nói là phân tích vấn đề Biển Đông từ góc độ quan điểm của Việt Nam và Trung Quốc, nhưng khách mời tham dự hội thảo này không thấy Trung Bình Xã nhắc đến học giả nào từ Việt Nam khi liệt kê danh sách. Chỉ có Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, học giả gốc Việt giảng dạy tại đại học George Mason, Virginia, Hoa Kỳ được Trung Quốc mời tham dự."
02 Tháng Bảy 2015(Xem: 16550)
"Hôm thứ Ba, 30-6-15, Nhật Báo Văn hóa nêu lên vấn đề làm kinh ngạc mọi người đọc: “Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ vào ngày 5-7-15 có được đón tiếp bằng 21 phát đại bác Mỹ” không?”. Hình như có gì thay đổi rất là cơ bản trong nghi lễ đón tiếp tbt Nguyễn Phú Trọng từ Washington? Theo tin riêng của NhậtBáoVăn Hóa hôm 1-7-15, lịch trình ông Trọng viếng Mỹ được lên kế hoạch như sau:"
30 Tháng Sáu 2015(Xem: 16493)
CÁC BÀI VIẾT GỞI VỀ TÒA SOẠN VĂN HÓA HAY TRÍCH TỪ CÁC HỆ THỐNG TRUYỀN THÔNG KHÁC NHẰM MỤC ĐÍCH TRUYỀN TẢI THÔNG TIN MÀ KHÔNG PHẢN ẢNH QUAN ĐIỂM HAY LẬP TRƯỜNG CỦA VĂN HÓA.
28 Tháng Sáu 2015(Xem: 15461)
Ông Austin dẫn nguồn báo cáo hôm 13/5 của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear, người từng làm đại sứ ở Việt Nam, cho rằng Việt Nam hiện giữ 48 đảo, bãi can thực tế còn Trung Quốc chỉ chiếm 8 thực thể.
25 Tháng Sáu 2015(Xem: 16781)
Trong một bài viết gửi BBC mới đây bàn về TPP và Việt Nam, luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada nhận định về điều ông gọi là “về quyền lợi kinh tế thì Mỹ dùng quyền lợi TPP ảnh hưởng tầng lớp lãnh đạo cộng sản Việt Nam, cột chặt họ với những quyền lợi của tư bản Hoa Kỳ, biến “tư bản đỏ thành tư bản xanh”.
23 Tháng Sáu 2015(Xem: 15940)
- "Tuần trước Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố "sắp hoàn thành" hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa. Trong đó bao gồm hai đường băng và ít nhất là 1 trong số đó phù hợp cho mục đích quân sự. Đường băng trên đá Chữ Thập dài 3 km, đủ dài cho J-11 hạ cánh." - "Lần đầu tiên máy bay trên tàu sân bay Trung Quốc, J-15 có thể được nâng cấp, đủ để thách thức F-18 của Hoa Kỳ, nhưng loại chiến đấu cơ chủ lực của Trung Quốc J-11 và các biến thể của nó không thể cạnh tranh với F-22 và F-35 của Mỹ"
19 Tháng Sáu 2015(Xem: 17509)
Ts Phùng Liên Đoàn: "Vì vậy, kính thưa quí vị, tôi xin tuyên bố ngày hôm nay trước quí vị là vợ chồng tôi là những cá nhân khiêm tốn giống như trăm ngàn người khác nhưng muốn đóng góp tài sản của mình là 3 triệu USD để làm vốn khuyến khích bè bạn gần xa hoạt động giúp nhiều người Việt Nam thực hiện Giấc Mơ Việt Nam."
14 Tháng Sáu 2015(Xem: 20042)
- "Khi Nguyễn Ánh phát động chiến tranh chống lại nhà Tây Sơn, ngài đã dựa vào hai thế lực ở nước ngoài. Đó là lực lượng của người Tây phương và lực lượng người Trung Hoa. Đứng đầu lực lượng Tây phương phò Nguyễn Ánh là đức giám mục Bá Đa Lộc. Nguyễn Ánh gặp giám mục Bá Đa Lộc khi ngài bôn tẩu ở Vọng Các, kinh đô của Xiêm La, tức Thái Lan. Từ đó, mối quan hệ của hai nguời trở nên mật thiết..." - "Năm 1802 Nguyễn Ánh diệt được nhà Tây Sơn, lên ngôi lấy hiệu là Gia Long và chọn Phú Xuân làm kinh đô. Đến đời Minh Mạng cố đô Thăng Long đổi thành Hà Nội..."
09 Tháng Sáu 2015(Xem: 15818)
- Tuần Văn hóa – Lễ hội tỉnh Vĩnh Phúc năm 2013: lễ dâng hương tưởng niệm 584 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc – Tả tướng quân Trần Nguyên Hãn tại đền thờ Trần Nguyên Hãn (xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch) (ngày 23/3); lễ hội Tây Thiên sẽ diễn ra từ ngày 26 – 28/3 tại đền Thỏng và đền Thượng (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo). Các hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa địa phương như: hát soọng cô, hát chèo, hát văn, thi làm bánh chưng, bánh dày… Ảnh bên: đền thờ Tả tướng quân Trần Nguyên Hãn. - Hiện nay truyền thông trong nước chạy tít: “Vĩnh Phúc chi 300 tỷ xây Văn Miếu là có lỗi với mai sau…”. Báo chí trong nước dẫn lời ông Trần Mạnh Định - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết rằng trong quá trình xây dựng đã có một số tranh cãi về việc thiết kế, bài trí thờ tự bài vị Khổng Tử.
02 Tháng Sáu 2015(Xem: 15085)
"Trong bài này, tôi chỉ muốn nêu lên ngộ nhận của tác giả Trần Trung Đạo trong tấm hình để một cách diễn giải chệch đi, và về ngôn ngữ quy chụp “tôn thờ tội ác” cho một sự kiện ở quê ông Hồ"
31 Tháng Năm 2015(Xem: 15310)
Nhân hội-nghị hàng năm về quốc-phòng Đông-Nam-Á Shangri-La bắt đầu hôm nay, 29/5, ở Singapore mà trọng-tâm chắc chắn là tình-hình ngày càng gây cấn ở Biển Đông, tưởng cũng nên nhắc lại sự đóng góp rất ý nghĩa của các xã-hội dân-sự Việt-Phi tại Hội-nghị Manila về Biển Đông hồi tháng 3 năm nay và mấy kết-quả ban đầu của hội-nghị đó.
26 Tháng Năm 2015(Xem: 14679)
"Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21 nói không nắm rõ tình hình, ngày 22 cũng chỉ bày tỏ "vô cùng bất mãn" với hành động của Mỹ. Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì không công bố thông tin nào về việc theo dõi, ngăn chặn máy bay Mỹ như cuộc khủng hoảng vùng nhận diện phòng không Hoa Đông năm 2013."