Đinh Hoàng Thắng: Ngoại giao và nội trị của Việt Nam đừng lệch pha

03 Tháng Bảy 20236:51 SA(Xem: 1821)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 2 – THỨ HAI 03 JULY 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Ngoại giao và nội trị của Việt Nam đừng lệch pha


  • Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng
  • Cựu đại sứ VN ở Hà Lan


BBC 29/6/2023


image017Nguồn hình ảnh, Getty Images. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken hôm 15/04 rằng "những kết quả tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua là cơ sở để tiếp tục nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới"


Nội trị và Ngoại giao Việt Nam trong tháng 6/2023 vừa qua - tình cờ nhưng không ngẫu nhiên - tựu chung lại, vẫn là bức tranh vân cẩu về nền chính trị "tay co tay duỗi" lâu nay.


Trong lúc thế giới chuyển biến mạnh, hành động nước đôi - "Nói dzậy mà không phải dzậy!" như câu của người dân Sài Gòn cần được đánh giá c hi tiết để xem nó đi về đâu.


Tối 25/6/2023, chính quyền VN cho thanh niên "cháy hết mình" khi giao lưu với thủy thủ đoàn của tàu sân bay USS Ronald Reagan thăm Cảng Đà Nẵng, như tựa đề một bài trên báo Tuổi Trẻ (Thanh niên Đà Nẵng cháy hết mình với ban nhạc Hải quân Mỹ).


Nhưng đúng vào thời điểm ấy, Hà Nội "kỷ niệm quyết liệt" trận "Điện Biên Phủ dưới nước" rà phá bom mìn Mỹ ở Cảng Hải Phòng, cách đây đúng nửa thế kỷ, như trang Quân đội Nhân


Ta có nên bận tâm tại sao cũng đúng vào hôm 25/6 ấy, người Mỹ lại cho đoàn tàu Hải quân gồm Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (Hòa bình qua Sức mạnh - CVN 76), cùng hai tàu tuần dương hộ tống là USS Antietam (CG 54) và USS Robert Smalls (CG 62) đến Đà Nẵng bắt đầu chuyến thăm 5 ngày tại Việt Nam (từ 25 đến 30/6) hay là không? Các thời điểm này xảy ra tình cờ hay được chọn có chủ ý?


Chỉ sau đấy hai hôm, ngày 27/6, tại Đại lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình.


Ông Tập tái khẳng định Trung Quốc coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng của mình, là lựa chọn chiến lược của Trung Quốc trên sự phát triển lâu dài của quan hệ Trung - Việt, mong muốn và sẵn sàng thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất, theo báo VN.


Đúng là "miệng kẻ sang có gang có thép" nhưng các tuyên bố "có cánh" ấy có bay lên được hay không lại là câu chuyện khác. Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung Quốc dịp này là sự kiện 7 năm mới có một lần. Và ông Chính cũng đã kịp gút lại: hai bên Việt, Trung trao đổi… và nhất trí cùng kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở trên biển.


Ông Tập thì không quên mời gọi Đảng Cộng sản Việt Nam tham gia "các sáng kiến toàn cầu" của Trung Quốc; hàm ý bao gồm cả GSI, GDI lẫn GCI (Các sáng kiến An ninh, Phát triển lẫn Văn minh toàn cầu). Đó là ba chân kiềng của "Trật tự Trung Hoa" - Pax Sinica - trong kỷ nguyên mới. Chưa thấy phía VN chính thức nói gì.


Việt Nam chọn "lẽ phải" nào?


Người Mỹ chẳng chọn lịch trình đã đành, mà Việt Nam chắc cũng không chủ ý bố trí các cuộc lễ tân "đa diện" như ở trên. Nhìn vào các phát ngôn thì thật khó mà đoán định được chính sách của Hà Nội đi theo ngách hẹp nào?


Chính ông Thủ tướng đã từng tuyên bố dõng dạc trước buồng làm việc của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken: "Rõ ràng… sòng phẳng… Sợ cái gì!" Nhưng là sợ cáo gì ở Mỹ, và chưa kể phát ngôn và hành động là hai câu chuyện khác nhau.


"Cái nước mình nó như thế!", ông Hoàng Ngọc Hiến từng nói. Mảng phát ngôn luôn có tính "thò ra thụt vào" miễn sao "phải đạo" là được việc. Phải chuyển được thông điệp ra bên ngoài và cả bên trong nữa.


Hướng ra bên ngoài thì đã rõ: Tuy đã ký "Đối tác chiến lược toàn diện" với Trung Quốc nhưng khi tính đường xa, Việt Nam vẫn phải sang tận Israel và Ấn Độ để chuẩn bị vũ khí. Chuyến đi của Đại tướng Phan Văn Giang sang Seoul, New Dehli mua vũ khí hẳn cũng khiến Trung Quốc nhìn vào chứ không bỏ qua.


Ấn Độ và Nhật Bản (hai trong bốn thành viên của QUAD) cho hạm đội vào Tiên Sa, hai chiến đấu cơ của Mỹ hạ cánh phi trường Đà Nẵng đâu phải ngẫu nhiên. Tàu của Nhật còn tập trận ngoài khơi Biển Đông trước khi cập cảng, đừng tưởng Trung Quốc không biết.


Đối với bên trong, tôi nghĩ cách tốt nhất là nên khuyến khích học tập lân bang như Hàn Quốc: Làm thế nào kiên trì tạo được một "hệ sinh thái" để các tác giả và các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa có thể thỏa sức mở ra các hoạt động nghệ thuật sáng tạo với những suy nghĩ bay bổng tự do. Ban Tuyên giáo Trung ương phải thay đổi nhiều lắm thì bài học này mới khả thi.


image018Việt Nam cân bằng quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc


Bàn cờ Nga-Mỹ-châu Âu


Vâng, nếu không thay đổi sẽ bị thực tế đào thải. Vì danh dự của quốc gia, giờ là lúc Việt Nam nên nhìn nhận lại cuộc chiến tranh xâm lược của Putin ở Ukraine trước khi quá muộn. Cuộc chiến ấy đã gây ra phản tác dụng, dẫn đến cuộc binh biến của Wagner tại quê nhà. Putin cuối cùng cũng học được bài học mà tất cả các bạo chúa đều phải học như Max Boot vừa viết trên Washington Post.


Trung Quốc rất lo lắng "cho bạn thân Putin" sau vụ Wagner. Hoa Kỳ và châu Âu thì đang chuẩn bị kịch bản Putin sụp đổ, nhưng các bài báo "kiên định" ở Việt Nam vẫn một lòng hướng về Moscow. Vì sao thế?


Khi tiến hành cái gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" để đánh chiếm Kyiv, ông ta không bao giờ tưởng tượng được rằng 16 tháng sau, nhóm binh lính đánh thuê Wagner sẽ tiến quân ngược lại Moscow. Ai đọc sử đều biết trước đây Napoléon cũng không bao giờ tưởng tượng được rằng việc xâm lược nước Nga sẽ dẫn đến việc ông ta bị lưu đày và vua chúa dòng Bourbon gây lại làm chủ ở Pháp. Hitler không bao giờ tưởng tượng rằng việc xâm lược Ba Lan sẽ dẫn đến việc ông ta phải tự sát và nước Đức bị tước mất Đông Phổ, và bị chia cắt.


Chẳng nhẽ đến giờ này mà Việt Nam "còn lăn tăn" về cuộc chiến tranh xâm lược của Putin ở Ukraine? Đến Prigozhin nổi loạn, bạn chí cốt của Putin, còn đứng ra tố cáo cuộc chiến ấy trước thế giới nữa là chúng ta?


Quy về phục vụ một nguồn cội


Vẫn biết rằng, mọi "động thái nước đôi", mọi chính sách "khi co khi duỗi" của Việt Nam đến nay… tất cả đều "thống nhất biện chứng" giữa các mặt đối lập mang ý nghĩa sống còn đối với không gian "Ấn Thái Dương Tự do và Rộng mở" (FOIP) của "Bố tứ" và với chủ trương sẽ ngã về "lẽ phải nào" của Đảng.


Nói cho cùng, phải làm sao để 100 triệu người dân Việt Nam có cơ hội mở mày mở mặt ra với khu vực và thế giới? 200 tỷ USD thương mại với Mỹ và Tây phương hàng năm là một con số lớn. Trong 200 này, ta xuất siêu 70 tỷ - khác với quan hệ với Trung Quốc, ta nhập siêu khoảng 50 tỷ. Dân mình và cả hệ thống của Đảng thực ra có đồng ra đồng vào chủ yếu nhờ quan hệ với Âu, Mỹ, Anh, Úc và Đông Bắc Á. Tương quan kinh tế này vẫn bị nhãn quan chính trị đã cũ phủ bóng thì là điều đáng tiếc. Hãy nhìn các bạn bè Á - Âu - Mỹ - Phi của chúng ta từng chinh chiến trên "One Belt One Road" (Vành đai Con đường) mà sợ dần đi là vừa. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói "Đừng thấy đỏ mà tưởng chín!". Áp dụng vào đối ngoại ta sẽ thấy cần tìm ưu tiên ở đâu. Khi nghênh tiếp "cặp đôi hoàn hảo" Yoon Suk-yeol và Kim Keon-hee (Tổng thống Hàn Quốc và Phu nhân), các bạn có chú ý một điều: cuộc tình muộn màng thường là một cuộc tình chín chắn.


Chúng ta hội nhập với phương Tây sau cả thế kỷ "đi tìm hình của Nuớc" và đây sẽ là xu hướng bền vững chứ không phải là "trái tim chia ba phần tươi đỏ" của thời kháng chiến chống rất nhiều cường quốc. Cuối cùng, tôi chỉ mong sau khi thăm Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính có dịp lại qua thăm Mỹ.


Hãy hành động trên thực tế để chứng minh tất cả sẽ quy về phục vụ cho nguồn cội, cho Dân tộc này, cho Đất nước Việt Nam.


Bài thể hiện quan điểm riêng của Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan.