VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 1 – THỨ TƯ DEC 07, 2022
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Bảo tàng Chủ nghĩa Cộng sản ở Praha có gì lạ? Hà Nội thời bao cấp qua ống kính
Nguồn hình ảnh, Museum of Communism, Praha
Dưới ngôi sao đỏ và cạnh tượng Karl Marx là dòng chữ song ngữ Tiệp-Anh: "Dream, Reality, Nightmare" - Giấc mơ, Hiện thực và Ác mộng.
BBC 6 tháng 12 2022
Bảo tàng Chủ nghĩa Cộng sản ở Praha, thủ đô CH Czech nằm ở khu trung tâm, địa chỉ tại V Celnici 1031/4, 118 00 Nové Město. Cùng tòa nhà với siêu thị Billa.
"Khẩu hiệu" ngay ở lối lên cầu thang, trên tường, dưới ngôi sao đỏ và tượng Karl Marx, là "Dream, Reality, Nightmare" - Giấc mơ, Hiện thực và Ác mộng.
Nguồn hình ảnh, Museum of Communism
Chế độ XHCN áp đặ̣t vào Tiệp Khắc sau Thế Chiến II được đánh dấu bằng các biểu ngữ, tranh cổ động "công nông binh" tươi trẻ, lạc quan, hình ảnh tình hữu nghị với Liên Xô, và tượng Stalin.
Nguồn hình ảnh, Museum of Communism
'Anh hùng XHCN" theo tiêu chuẩn giai cấp
Trong các phòng trưng bày về quá trình hình thành chế độ xã hội chủ nghĩa ở Tiệp Khắc (Czechoslovakia) năm 1945, đến ngày kết thúc của ý thức hệ cộng sản tại nước này năm 1989, ý tưởng chủ đạo của các hiện vật, hình ảnh, video là đúng như vậy: từ giấc mơ tới hiện thực nghèo khổ và kết thúc sau giai đoạn tồi tàn, độc địa của ác mộng.
Tranh ảnh thời kỳ đề cao công nông
Thời kỳ Moscow kiểm soát nước Tiệp Khắc sau Thế Chiến II là lúc tuyên truyền tô hồng Liên Xô lên ngôi.
Nguồn hình ảnh, Museum of Communism
Tượng bán thân Nguyên soái Stalin
Nguồn hình ảnh, Museum of Communism
Hàng tiêu dùng của nền công nghiệp XHCN
Nguồn hình ảnh, Museum of Communism
Tem phiếu, thứ không thể thiếu của cuộc sống một thời bao cấp
So với các bảo tàng ở Hungary và Đức về thời kỳ XHCN tại châu Âu, đây là bảo tàng nhỏ, do một doanh nhân người Mỹ tự sưu tập các hiện vật đem trưng bày và được thành phố Praha cho phép mở triển lãm.
Nguồn hình ảnh, Bảo tàng Chủ nghĩa Cộng sản ở Praha
Các nhân chứng nay kể lại họ đã vượt biên khỏi nước Tiệp Khắc XHCN ra sao.
Nguồn hình ảnh, Bảo tàng Chủ nghĩa Cộng sản ở Praha
Công an biên phòng và biển ngăn biên giới. Tiệp Khắc có đường biên với nước Áo thuộc phe tư bản và các tuyến đường rừng bị kiểm soát chặt, ngăn dân bỏ đi. Tuy thế, các biến động chính trị ở Tiệp Khắc đã khiến hàng vạn người đi vượt biên.
Người dân dưới chế độ XHCN bị bắt, tra tấn, xử tù nếu có phát ngôn "trái lời" chính quyền
Sau thời kỳ đầu lạc quan 'tiến lên CNXH' là giai đoạn người dân bị đàn áp: ai vượt biên đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn ở nước ngoài bị cho là "kẻ thù dân tộc", bị bắn chết, bị bỏ tù. Giới chức tôn giáo bị theo dõi, hù dọa.
Nguồn hình ảnh, Museum of Communism
Lớp học có treo ảnh lãnh tụ: Trẻ em là đối tượng bị tẩy não.
Nguồn hình ảnh, Museumm of Communism. Cửa hàng thực phẩm thời XHCN được trưng bày lại trong Bảo tàng.
Nhưng chủ nghĩa xã hội hiện thực không phải là một mô hình tĩnh, mà có vận động tự thân, biến thành 'chủ nghĩa cộng sản goulash' ở Hungary và Tiệp Khắc, với xu thế xuất phát từ nội bộ đảng cầm quyền muốn nhượng bộ người dân về kinh tế. Sau khi Stalin chết năm 1953, trào lưu này đã lớn mạnh.
Riêng ở Tiệp Khắc, TBT Alexander Dubcek muốn cải cách để có 'chủ nghĩa xã hội với bộ mặt người', nhưng bị Kremlin bác bỏ, dẫn tới khủng hoảng 1968.
Nguồn hình ảnh, Bảo tàng CN CS
Liên Xô và khối Hiệp ước Warsaw đem xe tăng, quân đội vào xâm lăng nước "đồng chí anh em Tiệp Khắc" tháng 8/1968, dập tắt cuộc cải cách nội bộ.
Đầu năm 1969 có hai sinh viên Tiệp, Jan Palach và Jan Zajic đã tự thiêu để phản đối chế độ chiếm đóng của Liên Xô và đòi tự do cho quê hương. Đây là thánh giá tưởng niệm họ trước Bảo tàng Quốc gia, trung tâm Praha.
Nguồn hình ảnh, Museum of Communism
Dù ban lãnh đạo CHXHCN Liên bang Tiệp Khắc bị hạ bệ năm 1968, Mùa Xuân Praha bị đóng băng, và hàng nghìn người dân, trí thức bị bỏ tù, tinh thần phản kháng vẫn âm ỉ, cho đến cuối thập niên 1980, tạo đà cho Cách mạng Nhung tháng 11/1989.
Nhà soạn kịch Vaclav Havel nổi lên như một trí thức dấn thân. Ông bị tù hơn 4 năm và được bầu làm tổng thống dân chủ sau khi Cách mạng Nhung thành công.
Nguồn hình ảnh, Museum of Communism. Khẩu hiệu bác bỏ Chủ nghĩa Cộng sản được gắn kèm con sư tử và thánh giá - những biểu tượng truyền thống mà ngày nay xuất hiện trở lại ở CH Czech.
Hình hoa còn tươi trên phù điêu kỷ niệm ngày 17/11/1989, khi biểu tình ở trung tâm Praha làm nổ ra phong trào bất bạo động dẫn tới Cách mạng Nhung, làm thay đổi thể chế.
Ngày nay, CH Czech là một thành viên khá giả về mức sống của EU, và các giá trị châu Âu thay thế hoàn toàn tư tưởng độc đoán thời XHCN. Tuy thế, hàng năm người dân và chính quyền vẫn tưởng niệm các sự kiện đem lại tự do cho họ.
Đại lộ Narodni: hình hoa còn tươi trên phù điêu bằng đồng và nắm tay tranh đấu đòi tự do, đánh dấu ngày 17/11/1989, khi biểu tình ở trung tâm Praha làm nổ ra phong trào bất bạo động dẫn tới Cách mạng Nhung, làm thay đổi thể chế.
Mùa xuân Prague và cuộc đàn áp đẫm máu
BBC 21 tháng 8 2017
Nguồn hình ảnh, Reg Lancaster/Express/Getty Images. Ngày 10/9/1968: quân đội Liên Xô hành quân qua đường phố Prague trong giai đoạn "Mùa xuân Prague"
Ngày 21/8/1968, hàng chục người bị giết chết trong cuộc trấn áp quân sự của quân đội Liên Xô và năm quốc gia tham dự Hiệp ước Warsaw.
Xe tăng Liên Xô kéo vào thành phố, nghiền nát cuộc thử nghiệm "chủ nghĩa xã hội với bộ mặt người".
Một số thành viên lãnh đạo của phong trào tự do Tiệp Khắc bị bắt giữ, trong đó có Thủ tướng Alexander Dubcek.
Hãng thông tấn Liên Xô, Tass, nói rằng việc "kháng cự" được thực hiện theo yêu cầu của các thành viên trong chính phủ và các lãnh đạo Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, nhằm chống lại "các lực lượng phản cách mạng".
Tuy nhiên, trong một bài diễn văn bí mật phát trên kênh phát thanh, Chủ tịch nước Tiệp Khắc Ludvik Svoboda lên án việc các đồng minh khối Hiệp ước Warsaw chiếm đóng lãnh thổ là bất hợp pháp, và đã được thực hiện mà không được sự đồng ý của chính phủ Tiệp.
Tổng thống Hoa Kỳ khi đó, Lyndon Johnson nói cuộc xâm chiếm là sự vi phạm rõ ràng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và những lí do Liên Xô đưa ra để biện minh cho việc này là "hoàn toàn bày đặt".
"Đó là lời bình luận đáng buồn trong tư duy những người cộng sản khi họ cho rằng dấu hiệu tự do tại Tiệp Khắc bị coi là mối đe dọa căn bản cho an ninh của hệ thống Xô-viết," ông nói.
Giới chức Tiệp Khắc đã ra lệnh cho lực lượng quân đội với số lượng đông áp đảo của mình không đánh trả, và kêu gọi dân chúng kiềm chế.
Nguồn hình ảnh, AFP/Getty Images Người dân Prague vây quanh xe tăng Liên Xô hôm 21/8/1968
o Phản kháng
Việc thay đổi hướng đi của Tiệp Khắc bắt đầu khi ông Dubcek, người Slovakia, trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản vào tháng 1/1968.
Một chương trình cải cách dân chủ diện rộng bắt đầu được đưa ra, mở đầu cho phong trào "Mùa xuân Prague".
Trong ngày 21/8/1968, những đám đông tụ tập trên đường phố, hô vang ủng hộ ông Dubcek và đòi lính nước ngoài rút về nước.
Hầu hết sự phản kháng diễn ra quanh khu vực đài phát thanh Prague.
Sau đó, các thanh niên Tiệp ném bom xăng và thậm chí còn tìm cách chiếm xe tăng Nga.
Các tường thuật nói một số xe tăng và xe tải chở đạn dược bị phá hủy, nhưng binh lính Liên Xô đáp trả bằng súng máy và nã pháo. Ít nhất có bốn người bị bắn chết.
Tại các khu vực quảng trường Wenceslas và Phố Cổ, hàng trăm thanh niên dựng rào chắn và lật đổ xe tải cỡ lớn nhằm chặn đường tiến của đối phương.
Các chỉ huy Liên Xô và của khối năm thành viên Hiệp ước Warsaw sau đó áp lệnh thiết quân luật vào ban đêm và dọa bắn bỏ bất cứ ai dám vi phạm lệnh này.
Toàn bộ các tuyến đường xe lửa, đường bộ và đường không ra khỏi Tiệp đều bị đóng trong lúc binh lính nước ngoài tiếp tục tiến vào. Ước tính có khoảng gần 175 ngàn lính tham gia chiến dịch.
Nguồn hình ảnh, GERARD LEROUX/AFP/Getty Images. Người dân Tiệp Khắc tuần hành hôm 25/1/1969 tại Quảng trường Wenceslas ở trung tâm Prague tại lễ tang của Jan Palach, một sinh viên tự thiêu để phản đối Liên Xô xâm chiếm Tiệp.
o Phản ứng quốc tế
Sau cuộc xâm chiếm, ông Dubcek và các gương mặt chính trị khác bị cấm hoạt động và bị thay thế bằng một chế độ cộng sản đàn áp hà khắc. Toàn bộ các cải cách trước đó bị tuyên bố vô hiệu, hoặc bị bỏ, không thực hiện.
Cuộc xâm chiếm bị lên án mạnh mẽ trên thế giới.
Đáng kể là có đảng cộng sản ở các nước Nam Tư và Romania tuyên bố họ không dính gì tới các hành động của Liên Xô.
Cũng như những gì từng xảy ra tại Hungary hồi 1956, phương Tây không hành động gì.
Khi đó, Hoa Kỳ đang trong giữa kỳ bầu cử tổng thống và đang bận rộn với cuộc chiến Việt Nam.
Đảng Cộng sản cuối cùng bị lật đổ tại Tiệp Khắc vào 24/11/1989, và ông Dubcek vinh quang trở lại thủ đô Prague.
Ông trở thành lãnh đạo của chính quyền hậu cộng sản trong diễn biến về sau được gọi là Cách mạng Nhung.
Tiệp Khắc 1968: Toàn Đảng kháng cự Liên Xô nhưng bất thành
BBC 29 tháng 9 2018
Nguồn hình ảnh, Getty Images. Tháng 8/1968: TBT Đảng CS Liên Xô Leonid Brezhnev (giữa) và Bí thư Thứ nhất Đảng CS Tiệp Khắc Alexander Dubcek (phải) trong lễ kỷ niệm Thế Chiến 2 ở Praha. Vài tuần sau, Liên Xô cho quân chiếm Tiệp Khắc và bắt trọn Ban lãnh đạo nước chủ nhà
Nhân kỷ niệm 30 năm Cách mạng Nhung ở Tiệp Khắc, mời các bạn đọc lại bài về Chiến dịch Danube năm 1968, khi 600 nghìn quân Liên Xô, Ba Lan, Đông Đức, Hungary và Bulgaria tiến chiếm Tiệp Khắc và ngăn chặn nước này cải cách dân chủ.
Sự kiện 'xâm lăng Tiệp Khắc' đã xảy ra nhanh chóng, chỉ trong hai ngày 20 và 21/08/1968, nhưng để lại dấu ấn sâu sắc cho quốc gia nhỏ bé ở Đông Âu.
Vào ngày 13/08/1968, TBT Đảng Cộng sản Liên Xô, Leonid Brezhnev gọi điện thoại nói chuyện với TBT Tiệp Khắc, Alexander Dubcek bằng tiếng Nga.
Là người Slovakia, ông Dubcek được cha mẹ đưa sang Liên Xô sinh sống khi mới ba tuổi.
Năm 1938 ông mới về Tiệp Khắc, gia nhập Đảng Cộng sản và phong trào kháng chiến chống phát-xít.
Đầu năm 1968, ông lên làm Bí thư thứ nhất Đảng CS Tiệp Khắc khi mới 47 tuổi.
Nói tiếng Nga như người Nga và luôn tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản, Dubcek chỉ muốn chọn con đường cải cách riêng, phù hợp với văn hóa Tiệp Khắc.
Nhưng vài tháng thử nghiệm 'Chủ nghĩa Xã hội có bộ mặt người' (tự do báo chí, hội họp), của ông tại Tiệp Khắc gây lo ngại lớn cho Moscow.
Brezhnev yêu cầu Dubcek sa thải ngay các nhân vật cải cách trong Đảng Cộng sản và phục hồi kiểm duyệt báo chí.
Dubcek đề nghị có thêm thời gian để thực hiện một thỏa thuận đã hứa với Moscow và nói đến tháng 10 sẽ chấn chỉnh xong các vấn đề nội bộ.
Một đoạn trích cuộc điện đàm mà kênh Radio Praha hồi 2003 phát lại có ghi:
Dubcek: "Leonid Ilyich, vấn đề này không thể giải quyết bằng chỉ thị từ trên xuống...Chúng ta cần đợi để cả người Slovak và Czech đồng ý về một giải pháp khả thi. Vì thế điều mà Bộ Chính trị có thể làm được là chỉ thị cho chính phủ và các bộ trưởng chuẩn bị lập luận cho giải pháp cuối cùng và sau đó, muộn hơn mới thực hiện."
Brezhnev: "Muộn hơn là bao giờ?"
Dubcek: "Tháng 10, vào cuối tháng 10."
Brezhnev: "Sasha, tôi biết nói gì đây? Tôi thấy chẳng có gì khác ngoài sự lừa dối. Đây chỉ là thêm một bằng chứng anh đang lừa chúng tôi. Tôi không thể dùng từ khác được. Tôi nói thẳng cho anh biết nhé: nếu anh không giải quyết được vấn đề thì với tôi, Đảng của các anh không còn kiểm soát được tình hình nữa."
Lúc đó, 100 nghìn quân Khối Warsaw đã tập kết ở biên giới chờ lệnh Kremlin mà ông Dubcek không biết gì hết.
Ông phàn nàn và nói với Brezhnev mà ông coi như người anh cả, rằng nếu cần thì ông từ chức, "quay về nghề cũ".
Một tuần sau, Chiến dịch Danube bắt đầu.
Những gì diễn ra sau đó cho thấy một bức tranh rất đặc biệt.
Nguồn hình ảnh, Sovfoto. Xe tăng Liên Xô nhanh chóng làm chủ Praha và không gặp phải sự chống cự nào đáng kể
o Cuộc chiến không rõ kẻ thù
Chủ tịch CHXHCN Liên bang Tiệp Khắc Ludvik Svoboda ra lệnh cho toàn quân không chống cự và ở lại trong doanh trại.
Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Tiệp Khắc ra một thông cáo quan trọng trên đài phát thanh.
Họ lên án cuộc xâm lăng của Liên Xô và đồng minh, gọi đó là hành động "trái hoàn toàn với nguyên tắc quan hệ giữa các nước XHCN, và xâm phạm những yếu tố cơ bản nhất của quan hệ quốc tế".
Đảng Cộng sản Tiệp Khắc cũng kêu gọi mọi công dân "giữ bình tĩnh, không kháng cự quân đội nước ngoài, vì việc bảo vệ biên giới lãnh thổ đã không còn khả thi".
Trong khi đó, đài báo của Liên Xô, Ba Lan, Đông Đức nói họ vào "trợ giúp ban lãnh đạo Đảng Cộng sản anh em Tiệp Khắc chống lại các phần tử phản động".
Báo Liên Xô có đăng một "giấy mời" không có chữ ký nói là của lãnh đạo Tiệp Khắc đề nghị Moscow vào cứu giúp.
Trong cả cuộc xâm lăng, chừng 135 người Czech và Slovak bị bắn chết, vài trăm người bị thương do đụng độ đường phố hoặc bị xe tăng, xe tải Liên Xô cán chết.
Quân Liên Xô và đồng minh không bắt được nhóm chống đối nào trong dân chúng cả vì thực tế không có tổ chức đối lập, phản loạn nào hết.
Những người bị bắt chính là Alexander Dubcek, thủ tướng Oldrich Cernik, chủ tịch Quốc hội Josef Smyrkovsky.
Họ bị đưa ngay về Moscow bằng máy bay và sự kiện đó không được thông báo cho người dân.
Nhưng các hành động phản kháng bất bạo động diễn ra trên cả nước.
Nguồn hình ảnh, Getty Images. Ông Alexander Dubcek được người dân đón chào sau khi trở về từ Moscow nhưng số phận Tiệp Khắc đã được người Nga định đoạt
Người dân các nơi xoay biển đường hoặc xóa tên phố để quân đội chiếm đóng lạc lối.
Tường nhà nơi quân Liên Xô đóng xuất hiện các câu như 'Lenin ơi dậy mà xem Brezhnev nó điên rồi này'.
Trong vùng rộng 28 nghìn km2 mà quân Ba Lan làm chủ, buổi đêm có các dòng chữ bằng tiếng Ba Lan trên bạt phủ pháo, trên xe tăng: "Các bạn Ba Lan đang chiếm đóng một nước XHCN".
Vài ngày sau, các hội đồng địa phương và chi bộ Đảng Cộng sản ở các cấp đồng loạt họp và ra các tuyên bố phản đối Khối Warsaw chiếm đóng.
Ngày 22/08, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc họp Đại hội lần thứ 14, phiên bất thường, không tại trụ sở chính mà ở một nhà máy thuộc Praha.
Dù lãnh tụ Alexander Dubcek đã bị Liên Xô bắt đưa đi, các đại biểu vẫn thông qua nghị quyết nói:
"Cộng hòa XHCN Liên bang Tiệp Khắc sẽ không chấp nhận bất cứ một chính quyền, một bộ máy hành chính chiếm đóng nào của quân đội nước ngoài."
Nghị quyết cũng đòi Liên Xô thả những người bị bắt, và yêu cầu để mọi cơ quan nhà nước hoạt động bình thường.
Đại hội Đảng nhấn mạnh:
"Tình trạng đất nước như xảy ra ngày 20/08 sẽ không thể tồn tại lâu dài."
Sang ngày 23/08, Tiệp Khắc tổng đình công.
Trong giới quân sự Khối Warsaw bắt đầu thấy sự bất tiện của chiến dịch quân sự không rõ ai là địch.
Ngày 24/08, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, Tướng Wojciech Jaruzelski cảm ơn các chiến sỹ, sỹ quan Ba Lan "hoàn thành tốt nhiệm vụ trợ giúp quốc tế".
Đó là dấu hiệu Ba Lan muốn rút quân về, vì ngay trong nước, các cán bộ Đảng, giới trí thức và dư luận thấy xấu hổ vì đã giúp Liên Xô đánh một láng giềng nhỏ hơn.
Nhưng sang tháng 9 Ba Lan vẫn còn quân đóng ở Tiệp Khắc.
Ngày 7/09 một lính Ba Lan say rượu bắn bị thương hai đồng đội và làm chết hai thường dân Czech.
Quân đội Liên Xô cũng có chừng 100 lính thiệt mạng trong suốt thời gian ở Tiệp Khắc mà đa số vì tai nạn xe cộ, trực thăng rơi và bệnh tật.
Quân Hungary có ghi nhận trường hợp bộ đội tự tử.
Tuy thế, Liên Xô vẫn không rút quân về mà tìm kiếm một giải pháp chính trị.
o Đe dọa giải tán Tiệp Khắc
Vài ngày sau cuộc xâm lăng, Brezhnev mời Chủ tịch Svoboda sang Moscow thương nghị.
Phái đoàn Tiệp Khắc, nay gồm cả Alexander Dubcek bị Brezhnev ép phải ký một văn bản chấp nhận để nước họ hoàn toàn phục tùng Liên Xô.
Còn gọi là Moscow Protocol, văn bản này ghi bản chất của chế độ XHCN tại Tiệp Khắc phải là chủ nghĩa cộng sản.
Nhưng các sử liệu nay cho biết người Tiệp Khắc bị Brezhnev đe dọa sẽ xóa sổ nước họ, tách Slovakia (quê hương ông Dubcek) để nhập vào Liên Xô.
Hai vùng còn lại, Bohemia và Moravia sẽ chỉ còn quy chế tự trị do Liên Xô quản lý.
Để bảo toàn lãnh thổ, ban lãnh đạo Tiệp Khắc đã chấp nhận hoàn toàn.
Ngày 27/08/1968, Alexander Dubcek được cho về Praha để áp dụng các thỏa thuận với Moscow.
Đến tháng 4/1969, ông bị hạ bệ và thay bằng Gustav Husak, một người được Kremlin tin tưởng hơn.
Sau khi rời chức vụ cao nhất trong Đảng, ông vẫn làm chủ tịch nghị viện Liên bang, rồi bị giáng xuống làm đại sứ Tiệp Khắc ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 1970, Dubcek bị khai trừ khỏi Đảng, và làm việc trong ngành lâm nghiệp tại Slovakia.
Khi xảy ra Cách mạng Nhung, ông ủng hộ Waclaw Havel và ra tranh cử, được bầu trở lại làm chủ tịch Quốc hội liên bang cuối cùng của Tiệp Khắc.
Ông qua đời năm 1992 và cho đến lúc chết vẫn ủng hộ sự thống nhất của Tiệp Khắc nhưng không thành.
o Bước ngoặt 1968
Nguồn hình ảnh, Sean Gallup. CH Czech sau Chiến tranh Lạnh: một lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ xâm lăng 1968
Dư âm của vụ dập tắt Mùa Xuân Praha bằng xe tăng lan rộng ra bên ngoài nước Trung Âu nhỏ bé.
Ở Romania, Nicolae Ceaușescu không chỉ lên đài phê phán mạnh Liên Xô mà còn kêu gọi người dân Tiệp Khắc đấu tranh vũ trang để kháng cự Moscow.
Thủ tướng Trung Quốc, Chu Ân Lai phê phán Kremlin gay gắt và gợi ý người Tiệp mở cuộc chiến du kích chống lại quân đội chiếm đóng.
Albania rút luôn khỏi Khối Hiệp ước Warsaw vì coi nó chỉ là công cụ của Kremlin.
Sau năm 1968, quân Liên Xô vẫn ở lại vùng Đông của Tiệp Khắc cho đến hết Chiến tranh Lạnh và chiến dịch Danube khẳng định sự thắng lợi của đường lối Brezhnev.
Học thuyết 'Brezhnev Doctrine' nói Liên Xô có quyền can thiệp quân sự ở nước ngoài nếu cần để bảo vệ chế độ XHCN.
Về cơ bản, chiến dịch Danube giữ được các quốc gia vệ tinh của Liên Xô cùng một khối nhưng cũng nhưng phá tan phong trào cộng sản châu Âu.
Hừng hực không khí chống Mỹ và cuộc chiến của Tổng thống Johnson ở Việt Nam, trí thức Pháp, Đức, Anh sững người thấy Liên Xô vung roi sắt đánh Tiệp Khắc.
Tiêu biểu nhất là Jean-Paul Sartre, trí thức thiên tả hàng đầu của Pháp, người đã thất vọng với Liên Xô năm 1956 sau vụ đàn áp khởi nghĩa Budapest.
Nhưng Mùa Xuân Praha khiến Sartre hoàn toàn đoạn tuyệt với đường lối Leninist-Marxist của Moscow và dành trí tuệ của mình cho "giới trẻ cách mạng ở Pháp".
Các đảng cộng sản Pháp, Ý, Phần Lan, Tây Ban Nha, Hy Lạp hoặc phản đối Liên Xô hoặc bị chia rẽ nghiêm trọng.
Những nhân vật trẻ xoay sang ủng hộ mô hình 'Cộng sản châu Âu' (Eurocommunism), nói rằng cần đi lên CNXH 'trong hòa bình, đa nguyên'.
Đây là sự bác bỏ chủ thuyết của Lenin để trở về gần với gốc châu Âu ban đầu của phong trào XHCN theo Quốc tế II là đấu tranh nghị trường.
Chủ nghĩa cộng sản theo mô hình Moscow ở châu Âu như thế đã bị chính Brezhnev phá tan, nhiều thập niên trước khi Liên Xô tan rã.
o Tác động sang cả châu Á
Nhưng tác động của chiến dịch Danube ở châu Á cũng sâu rộng không kém.
Hà Nội giữ quan điểm ủng hộ chiến dịch của Liên Xô chống "bọn phản cách mạng".
Nhưng Trung Quốc thực sự lo sợ Liên Xô dùng Học thuyết Brezhnev để xâm lăng nước họ.
Hàng trăm nghìn quân Liên Xô đã sẵn sàng ở biên giới với Trung Quốc và đài báo Liên Xô công khai nói Trung Quốc phản bội 'chủ nghĩa xã hội thực thụ'.
Mùa Xuân Praha xảy ra vào lúc Trung Quốc bước vào Cách mạng Văn hóa Vô sản được hơn 2 năm và mâu thuẫn Trung - Xô lên cao.
Một số sử gia nay cho rằng nỗi lo sợ bị Moscow đánh đã tạo khiến Mao tăng cường quân bị và thanh trừng nhiều nhân vật cao cấp trong Trung ương Đảng.
Trung ương Đảng khóa 9 của Trung Quốc chỉ bầu chọn lại 1/3 ủy viên trung ương khoá cũ.
Hơn 2/3 ủy viên trung ương mới năm 1969 là tướng tá.
Nguồn hình ảnh, MICHAL CIZEK. Một tác phẩm nghệ thuật của David Cerny trong hình chụp tháng 08/2018 mô tả xe tăng Liên Xô hồi đưa quân vào Tiệp Khắc 1968
Cuộc thanh trừng Lâm Bưu và Lưu Thiếu Kỳ cũng được cho là để đảm bảo an toàn nội bộ, không ai có thể "mời Liên Xô" vào can thiệp.
Có ý kiến nói vụ Praha 1968 đã khiến Đặng Tiểu Bình dám đem quân đánh Việt Nam, trên lý thuyết để trừng phạt Hà Nội đi theo đường lối "sai trái" về CHXH.
Leonid Brezhnev qua đời năm 1982 nhưng phải đến năm 1988, Mikhail Gorbachev mới tuyên bố từ bỏ học thuyết ngoại giao - quân sự này.
Vào lúc đó, cuộc chiến Afghanistan đã gây thiệt hại lớn cho Liên Xô.
Việc hỗ trợ Cuba can thiệp vào châu Phi, và cuộc chiến của Việt Nam ở Campuchia cũng góp phần làm ngân sách Kremlin kiệt quệ.
Ba năm sau, Liên Xô tan rã.
++++++++++++++++++++++++++++++
Hà Nội thời bao cấp qua ống kính người Anh
- Hà Mi
- Gửi cho BBC Tiếng Việt từ London
11 tháng 9 2018
Nguồn hình ảnh, John Ramsden. Tác giả chụp ảnh Hà Nội khi làm công tác ngoại giao từ năm 1980 đến năm 1982
Cuốn sách ảnh mang tên 'Hanoi After the War' - Hà Nội sau chiến tranh - của tác giả John Ramsden vừa được nhà xuất bản Skira cho ra mắt tháng Tám 2018.
Đây là một cuốn sách 150 trang gồm 100 bức ảnh đen trắng về cuộc sống của người dân Hà Nội thời kỳ nghèo khó sau những tàn phá của chiến tranh, trước khi có đổi mới.
Ông John Ramsden là một nhà ngoại giao Anh làm việc tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1980 đến năm 1982.
Với ham mê nhiếp ảnh ông đã ghi lại được những bức ảnh tư liệu quý giá về đời sống của người dân tại thủ đô mà các nhu yếu phẩm thiết yếu nhất vẫn tiếp tục được phân phối theo chế độ tem phiếu thời bao cấp.
Những bức ảnh của ông Ramsden giúp thế hệ trước sống lại hồi ức những năm tháng sau chiến tranh và giúp các thế hệ sau được "tận mắt" hình dung cuộc sống mà họ từng được nghe cha mẹ, ông bà kể lại.
Cảnh phụ nữ, với những chiếc nón truyền thống mà ngày nay không mấy phụ nữ sống tại Hà Nội còn đội, xếp hàng dài trước cửa hàng rau mậu dịch hay cửa hàng gạo; tình trạng thiếu nước sinh hoạt hàng ngày được ghi lại qua hình ảnh những chiếc thùng sắt xếp rồng rắn chờ tới giờ nước máy chảy để hứng về nhà.
Chụp lại hình ảnh, Một buổi giới thiệu sách ở sứ quán Việt Nam tại London tháng 9/2018
Chế độ phân phối mua hàng thời bao cấp cũng được thể hiện khá rõ nét qua những bức ảnh những chiếc lốp xe đạp được treo tại cửa hàng chuyên chỉnh sửa kích cỡ lốp (vì lốp được bốc thăm mới được mua lại có chu vi to hơn vành xe của mình); hay hình ảnh người ngồi đầu đường bơm xe đạp kiếm sống.
Ngày đó vẫn còn những cửa hàng bán nước sôi - một điều chắc hẳn rất lạ với người phương Tây - do tình trạng thiếu chất đốt nên mang phích đi mua nước sôi (được đun bằng bếp than) sẽ rẻ hơn tự đun tại nhà bằng bếp dầu hoả mua theo tiêu chuẩn tem phiếu.
Nguồn hình ảnh, John Ramsden. Thời bao cấp đã xa
Hà Nội vào những năm đầu 1980 không thể thiếu hình ảnh chiếc tàu điện cửa sổ và cửa lên xuống trống hoác hay cả gia đình bốn người đèo nhau trên một chiếc xe đạp Thống Nhất, hoặc cảnh hành khách bám cửa xe buýt đông đúc - bức ảnh được tác giả chọn làm ảnh bìa.
Nguồn hình ảnh, John Ramsden. Hà Nội từng có tàu điện
Ông John Ramsden cho biết ông thường dùng thời gian rảnh rỗi đi bộ quanh Hà Nội với chiếc máy ảnh của mình và tất nhiên khi chụp ảnh thường phải khá kín đáo, không muốn gây chú ý vì ngày đó có rất ít người phương Tây tại Hà Nội.
Mọi tiếp xúc đáng kể nào với người dân đều không được phép tuy nhiên ông có thể tự do đi lại trong thành phố hay cả tới vùng ngoại ô Hà Nội.
Với con mắt của một người nước ngoài, những bức ảnh của ông đã ghi lại được những góc độ khác nhau của một Hà Nội thời hậu chiến, người dân kiếm sống bằng các nghề thủ công như cảnh cưa gỗ làm đồ chơi bán ở góc phố Tô Tịch, hay buôn bán nhỏ như cảnh mua bán, gánh hàng dong hay Chợ Đồng Xuân, và cả những bức ảnh vùng ngoại ô Hà Nội thanh bình, các đền chùa tĩnh lặng thời kỳ đó đã giúp người xem biết về một thành phố vừa thoát khỏi chiến tranh và chưa chịu ảnh hưởng của toàn cầu hoá.
Nguồn hình ảnh, John Ramsden. Người dân kiếm sống bằng các nghề thủ công như cảnh cưa gỗ làm đồ chơi bán ở góc phố Tô Tịch
Mỗi bức ảnh đen trắng đều có lời giới thiệu của sử gia Dương Trung Quốc bên cạnh những kỷ niệm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà biên kịch kiêm nhà báo Phạm Tường Vân và sử gia, cựu Giám đốc Viện Tư liệu Quốc gia Vũ Thị Minh Hương, giúp người xem, nhất là độc giả quốc tế, hiểu thêm về bối cảnh của thời kỳ đó.
Nguồn hình ảnh, John Ramsden. Một thành phố vừa thoát khỏi chiến tranh
Lần đầu tiên những bức ảnh này được giới thiệu với công chúng là vào năm 2010 trong một triển lãm nhỏ ở Bảo tàng Đông Á tại thành phố Bath ở miền trung nước Anh nhân kỷ niệm 1000 Năm Thăng Long.
Tới năm 2013 một triển lãm lớn hơn được thực hiện tại London vào tháng Năm (do hai cộng đồng người Việt tại Anh Vietpro và KREU đồng tổ chức) và vào tháng Mười tại Hà Nội. Và thành công của triển lãm này đã dẫn tới sự ra đời của cuốn sách ảnh bằng tiếng Việt mang tên "Hà Nội một thời" (Nhà xuất bản Nhã Nam) năm 2016.
Nguồn hình ảnh, John Ramsden. Hà Nội năm 1981
Trong buổi giới thiệu sách hôm 7/9/2018 tại Đại sứ quán Việt Nam ở London, nhân dịp 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Anh Quốc (do Đại sứ quán kết hợp với Hội sinh viên Việt Nam tại Anh (SVUK) và Hội tri thức trẻ Việt Nam (Việt Pro) tổ chức), ông Ramsden mở đầu bằng bức ảnh chụp pano cổ động với hàng chữ "Tiến tới Đại hội Đảng V".
Trò chuyện với BBC Tiếng Việt, ông nói cuốn sách này là một hành trình đưa ông về lại một thời kỳ rất khác.
"Cuốn sách đã gợi lại rất nhiều kỷ niệm. Nó cũng đem lại cho tôi những mối quan hệ bạn bè mới. Với tất cả những thay đổi tốt đẹp hơn từ những năm 1980 với tôi thì thay đổi lớn nhất đó là tôi có thể tự do làm việc với những đối tác Việt Nam để thực hiện dự án này."
Lần đầu tiên những bức ảnh này được giới thiệu với công chúng là vào năm 2010 trong một triển lãmh nhỏ ở Bảo tàng Đông Á tại thành phố Bath ở miền trung nước Anh nhân kỷ niệm 1000 Năm Thăng Long.
Chụp lại hình ảnh, Ông John Ramsden và Đại sứ Việt Nam Trần Ngọc An
Cuốn Hanoi After the War sẽ chính thức được ra mắt tại Bảo tàng Nhiếp ảnh gia (The Photographers' Gallery) vào ngày 29 tháng 11 năm 2018. Ông John Ramsden cho biết toàn bộ phim âm bản sẽ được giao cho Thư viện Anh Quốc lưu giữ.