VN được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

13 Tháng Mười 20228:20 SA(Xem: 4726)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN 3 – THỨ NĂM 13 OCT 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc


image008Nguồn hình ảnh, EuropaNewswire/Gado. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trong một cuộc họp tại trụ sở UN ở New York năm 2020. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam sẽ ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) quốc nhiệm kỳ 2023-25, theo truyền thông VN.


11/10/2022


Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong phiên bỏ phiếu ngày 11/10 với 145 phiếu ủng hộ.


Các thành viên khác được bầu vào lần này gồm có: Algeria, Bangladesh, Bỉ, Chile, Costa Rica, Gruzia, Đức, Kyrgyzstan, Maldives, Maroc, Romania, Nam Phi và Sudan.


Việt Nam lần thứ hai tham gia ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2023 - 2025 và là ứng viên duy nhất của ASEAN tham gia lần này.


Cuộc bỏ phiếu bầu 14 thành viên mới diễn ra vào hôm 11/10/2022 tại New York.


Năm 2013, Việt Nam từng trúng cử dù sở hữu một hồ sơ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.


'Không đủ chuẩn'


Trong một tuyên bố hôm 10/10 tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) đưa ra các nhận định về tư cách Việt Nam khi tham gia ứng cử.


"Kể từ khi công bố tham gia ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 22/02/2021, Việt Nam đã giam giữ, bắt giữ, hoặc kết án ít nhất 48 nhà báo, nhà hoạt động và các lãnh đạo tổ chức phi chính phủ với các tội danh bị kết án tuỳ tiện."


HRW cáo buộc những vi phạm của Việt Nam về quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu đạt.


Việt Nam đã ban hành Dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, trước đó là Nghị định 58 để quản lý các tổ chức phi chính phủ.

image009

Human Rights Watch tố cáo nhà hoạt động Trịnh Bá Tư bị đánh đập và cùm chân trong tù khi thực hiện bản án 8 năm.


Họ chỉ trích việc ông Phạm Chí Dũng, cựu Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam đã bị kết án 15 năm tù vào tháng 01/2021, và nhà báo Phạm Đoan Trang bị y án 9 năm tù sau phiên phúc thẩm hôm 25/08 tại Hà Nội.


Đầu tháng 10, Việt Nam bị ba tổ chức nhân quyền gồm UN Watch, Human Rights Foundation, và The Raoul Wallenberg Center for Human Rights phản đối vì "không đủ tiêu chuẩn".


Một báo cáo chung của ba tổ chức này công bố vào tháng 10 cho rằng Việt Nam "đã có những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" và "không đủ chuẩn" để ứng cử.


Theo báo cáo này, trong bảy ứng viên ở khu vực châu Á thì Afghanistan, Kyrgyzstan và Việt Nam bị đánh giá là "unqualified" (không đủ chuẩn), Hàn Quốc là "qualilfied" (đạt chuẩn). Bahrain, Bangladesh, Maldives thì bị đánh giá là "questionable" (nghi vấn).


Tuyên bố của Việt Nam


Việt Nam phản đối những báo cáo hay nhận định từ các tổ chức nhân quyền quốc tế về tư cách ứng cử thành viên của mình


Cụ thể, ngày 04/08, phái bộ Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc gửi công văn cho Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chính thức công bố ứng cử và cung cấp bản cam kết để vận động phiếu bầu.


Văn bản nói: "Nhân dân Việt Nam đang thật sự tận hưởng được các quyền và sự tự do tốt hơn bao giờ hết."


Cho đến nay, Việt Nam phản đối những báo cáo hay nhận định từ các tổ chức nhân quyền quốc tế về tư cách ứng cử thành viên, và cho rằng "đã bị chống phá".


Ngày 22/09/2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói "Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu mà một số tổ chức nước ngoài đã đưa ra về tình hình Việt Nam."


"Như đã nhiều lần khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao", bà Thu Hằng khẳng định.


Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 30/09 cho rằng "Vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo tiếp tục bị các tổ chức thiếu thiện chí lợi dụng chống phá, ngăn cản Việt Nam đại diện cho ASEAN ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025."


Hôm 04/10, Việt Nam cho rằng việc lần thứ hai ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc "minh chứng rất mạnh dạn cho những nỗ lực trước những thành quả bảo đảm quyền con người trong thời gian qua".


image011Nguồn hình ảnh, Getty Images. Thành lập năm 2006, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) có 47 ghế thành viên.


Thành lập năm 2006, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) có 47 ghế phân bổ như sau: 13 ghế cho các quốc gia Châu Phi, 13 ghế cho Châu Á - Thái Bình Dương, 8 ghế cho các quốc gia Nam Mỹ và vùng Caribe, 7 ghế cho các quốc gia Tây Âu, và 6 ghế cho các quốc gia Đông Âu.


47 thành viên sẽ được đa số thành viên của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu trực tiếp và không công khai.


Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ xem xét đóng góp của các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, cũng như những lời hứa tự nguyện và những cam kết về vấn đề này.


Một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ nắm nhiệm kỳ ba năm và không được ứng tuyển lại sau hai nhiệm kỳ liên tiếp.


Tư cách thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đi kèm với nghĩa vụ tôn trọng các quy chuẩn về nhân quyền theo Nghị quyết 60/251 năm 2006 lúc UNHRC được thành lập.