VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN 4 - THỨ NĂM 16 JUNE 2022
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Giới thiệu tác phẩm xuất bản cuối cùng thời VNCH
Trần Anh Tuấn
The Republic of Vietnam’s Environment & People được bác sĩ Phan Quang Đán (1918-2004) soạn và cho in hồi tháng 1.1975 chính là tác phẩm quan trọng cuối cùng thời VNCH.
Cơ duyên để tác giả hoàn tất một tác phẩm để đời là trách vụ của Cụ trong vai trò chủ trì “Hội Nghị Quốc Tế về Nhi Đồng và Phát Triển Quốc Gia” từ ngày 14.1 đến 23.1.1975 tại Thủ Đức. Thời gian đó, Cụ là Phó Thủ Tướng trong chính phủ Trần Thiện Khiêm (9.1969-4.1975).
Tác phẩm là tập tài liệu thông tin cho các thành viên trong Hội Nghị.
Sách được thẩm phán Tòa Di Trú Liên Bang Phan Quang Tuệ, trưởng nam của tác giả, tái bản tại California năm 2021 theo nguyên tác tháng 1.1975 trong nước. Sách đã được giới thiệu nhân dịp phát hành tại thành phố San Jose ngày 18.12.2021.
Đó là một bộ sách khổ lớn 21cmx28cm, dầy 587 trang.
Bìa sách The Republic of Vietnam’s Environment & People
Nội dung của tác phẩm rất phong phú vì đầy những chi tiết nhỏ nhất và tỉ mỉ nhất về đất nước và con người trên lãnh thổ nước Việt Nam Cộng Hòa cho đến năm 1974.
Trước hết là đất đai thổ nhưỡng. Tôi thật sự bất ngờ khi đọc thấy một bác sĩ y khoa đề cập đến những loại thổ nhưỡng ở nước ta. Ngay “thổ nhưỡng” cũng đã là một danh từ chuyên môn nên xa lạ với nhiều người Việt. Khi tôi tìm nguồn gốc của các dữ kiện về đất đai trong sách thì tôi hiểu tác giả hơn, khi biết Cụ đã tìm đọc thiên nghiên cứu của giáo sư Lâm Thanh Liêm, người Việt Nam duy nhất tốt nghiệp Tiến Sĩ Địa Lý tại Đại Học Sorbonne, Pháp hồi đầu thập niên 1960. Đó là tác phẩm Địa Lý Đại Cương do nhà Khai Trí xuất bản năm 1965 tại Sài gòn.
Sau phần thổ nhưỡng là thảm thực vật. Trong hai trang ngắn, tác giả đã khái quát các loại rừng núi, các loại cây, các loại gỗ, các loại đồn điền, các loại trái cây, và các loại hoa. Kết luận của phần này, tác giả nêu lên tầm quan trọng của cây lúa và cây tre trong nền kinh tế và văn minh Việt Nam, và giới thiệu hai bài thơ trong văn chương bình dân về “Ông Lúa-Genie of the Rice” và “The Genie of the Bamboo.” Tiếc thay, tác giả chỉ đưa ra bản dịch Anh Văn của một dịch giả tên Mona Ruoff nào đó, độc giả người Việt không hề biết nguyên tác của hai bài thơ ra sao.
Thứ đến là vị trí của nước VNCH trong vùng Đông Nam Á. Phần này có cả bản đồ kèm theo, rồi thời tiết khí hậu vũ lượng cùng múi giờ Sài Gòn so với các nơi khác, và quãng cách giữa Sài Gòn với thủ đô các nước Đông Nam Á... Thật ra, những chi tiết này độc giả có thể tìm thấy dễ dàng trong loại sách du lịch. Nhưng những chi tiết đó trong một tập tài liệu thông tin cho Hội Nghị gồm nhiều thành viên quốc tế thì thật tiện ích.
Trong phần này, có một ý niệm mà tôi cần phải lên tiếng. Nơi trang 7 tác giả viết, nguyên văn: “The Republic of Vietnam, a country of Indochina...”
Sao lại “Indochina”?
Chính quyền Pháp hồi thế kỷ XIX xâm chiếm ba nước Việt, Miên, Lào rồi đặt cho toàn thể ba nước thuộc địa đó một cái tên chung, là Indochine hay Indochina, danh từ ghép của hai địa danh Inde và Chine. Địa danh đó nghĩa là một cái gì đó giữa hai nước Ấn Độ (Inde) và Tàu (Chine).
Nước chúng ta có quốc hiệu riêng rất linh thiêng đối với dân tộc, khác với nước Cam-bốt, khác với nước Ai-Lao. Chúng ta mất cả thế kỷ mới phục hồi tên nước, đến giữa thế kỷ XX thật không nên nhắc đến cái tên vô nghĩa ấy!
Ngày trước chuyển Indochine thành Đông Dương trong Việt ngữ có làm nhẹ đi cái tên do Pháp đặt, nhưng cũng vô nghĩa vì Đông Dương không gì khác hơn là miền phía Đông của Đại Dương! Mà cũng có thể hiểu là Biển Đông, tức phía Đông của Biển. Lại cũng một cái gì đó!
Tiếp theo là phần nhân dân VNCH, mở đầu bằng cơ cấu chính quyền trung ương qua hai chế độ, là Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu.
Về chế độ Ngô Đình Diệm, tác giả lộ rõ ác cảm qua sự chỉ trích nặng nề chính quyền VNCH trong thời khoảng 1954-1963. Tác giả phê phán Hiến Pháp Đệ Nhất Cộng Hòa 1956 tạo cơ hội cho Tổng Thống độc tài và giảm thiểu vai trò của Lập Pháp và Tư Pháp thành những nghị gật hay con rối. Nguyên văn lời của tác giả: “... the National Assembly was nothing more than little fingers able only to wave and repeat obediently “yes, yes, Mr. President.” (Quốc Hội không gì khác hơn là những ngón tay bé nhỏ chỉ có thể ngoan ngoãn ngoe ngẩy “vâng, vâng, thưa Tổng Thống.)
Muốn hiểu nguyên nhân của nhận xét này, độc giả phải hiểu quá trình hoạt động chính trị của bác sĩ Phan Quang Đán.
Với văn bằng tiến sĩ, bác sĩ Đán cũng như hầu hết những tiến sĩ từ ngoại quốc về, được xã hội trong nước trọng vọng và thường được mời tham gia nội các.
Tốt nghiệp bác sĩ (?) từ Đại Học Y Khoa Hà Nội năm 1945, bác sĩ Đán trở thành Tổng Trưởng Thông Tin trong chính phủ Nguyễn Văn Xuân năm 1948. Thời gian này, bác sĩ Đán còn lấy tên trong khai sinh là Phan Huy Đán.
Bác sĩ Phan Quang Đán, cựu Phó Thủ Tướng VNCH 1969-1975.
Nhưng khi tốt nghiệp tiến sĩ ngành Y khoa Công Cộng (Public Health) từ Hoa Kỳ về nước năm 1955, bác sĩ Đán không những bất hợp tác với chính quyền Ngô Đình Diệm mà còn chống đối qua các hoạt động báo chí và đảng phái.
Cụ thể nhất là bác sĩ Phan Quang Đán làm Cố Vấn cho cuộc đảo chính võ trang chống lại tổng thống Ngô Đình Diệm của nhóm sĩ quan nhẩy dù trung cấp, đứng đầu là trung tá Vương Văn Đông ngày 11.11.1960.
Ngày ấy, Cụ thân chinh lên đài phát thanh Sài Gòn và tổ chức họp báo tố cáo chính sách độc tài gia đình trị của tổng thống Ngô Đình Diệm đã làm suy yếu công cuộc chống Cộng. Vì thế, khi cuộc đảo chánh thất bại, nhóm cầm đầu cuộc đảo chính bay sang Cam-bốt, còn bác sĩ Đán bị chính quyển Ngô Đình Diệm bắt và kết án 8 năm khổ sai, đày Côn Đảo.
Nhưng may cho Cụ là chỉ ba năm sau, Cụ được trả tự do hồi đầu tháng 11.1963 vì một cuộc đảo chính nổ ra và thành công khi nhóm tướng Minh Đôn Kim Đính Xuân theo lệnh chính quyền Hoa Kỳ giết Tổng Thống đương nhiệm Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Nói theo Henry Cabot Lodge đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam như tôi nhớ: “You can’t make an omelet without breaking eggs,” Người ta không thể làm món trứng chiên nếu không đập vỡ trứng! Và ông ta vui mừng thốt lên bằng tiếng Pháp, nguyên văn: “C’est formidable! C’est magnifique! Thật tuyệt vời! Thật tuyệt mỹ! lúc 4 giờ chiều ngày 2.11.1963 khi hai viên tướng Trần Văn Đôn và Lê Văn Kim chủ chốt trong “Ủy Ban Cách Mạng” thân hành đến Tòa Đại Sứ để báo cáo theo yêu cầu của viên đại sứ này. (Xin xem: Our Endless War Inside Vietnam, 1978, trang 109 và ấn bản Việt ngữ Việt Nam Nhân Chứng do Trần Văn Đôn viết (?), 1989, trang 238).
Năm sau, 1964, bác sĩ Phan Quang Đán nắm chức Bộ Trưởng Bộ Chiêu Hồi trong nội các Trần Văn Hương.
Về chế độ Nguyễn Văn Thiệu, bác sĩ Đán ca ngợi Hiến Pháp 4.1967 đã thiết lập hệ thống tam quyền phân lập và ấn định cơ chế cụ thể nhằm tránh nạn độc tài. Kết luận về chế độ Nguyễn Văn Thiệu với bản Hiến Pháp mới, bác sĩ Phan Quang Đán nhận định đó là bản văn tương đối áp dụng được và đã chấm dứt nạn đảo chính và phản đảo chính của giới quân nhân và tiến tới tình trạng trọng pháp. Cụ còn xét thấy bản Hiến Pháp có thể được sửa đổi mà Luật 001/74 ngày 22.1.1974 chính là bước đầu của sự tiến triển.
Nhưng Luật 001/1974 do Quốc Hội Đệ Nhị Cộng Hòa thông qua ngày 22.1 có nội dung thế nào? Xin thưa ngay: Luật ấn định tổng thống có thể tái ứng cử ba (3) lần thay vì hai (2) như trong Điều 52 Khoản 2 của Hiến Pháp năm 1967. Và nhiệm kỳ của tổng thống kéo dài ra năm (5) năm thay vì bốn (4) năm như thủa ban đầu trong cùng điều khoản vừa kể.
Hãy nhớ tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sẽ hết nhiệm kỳ thứ hai năm 1975 và theo Hiến Pháp 1967 thì ông ta không còn được quyển tái ứng cử nữa. Nay Quốc Hội sửa đổi Hiến Pháp để tăng số lần tái ứng cử không gì khác hơn là Quốc Hội ngoan ngoãn phục vụ mưu đồ tham quyền cố vị của một cá nhân.
Thế thì bác sĩ Phan Quang Đán phải nhận định Quốc Hội Đệ Nhị Cộng Hòa 1967 thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thế nào, sau khi Cụ nhận định Quốc Hội Đệ Nhất Cộng Hòa 1956 thời tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ gồm những ngón tay bé nhỏ ngoan ngoãn vâng dạ với tổng thống nơi trang 107?
Nhận định của Cụ đã có, nhưng là nhận định tốt đẹp cho Quốc Hội Đệ Nhị Cộng Hòa 1967! Cụ thẳng thắn đề cập đến nội dung cũa Luật 001/1974, nhưng Cụ nhận định Hiến Pháp có thể sửa đổi là một yếu tố tích cực, nguyên văn cũng nơi trang 107: “On the other hand, it (tức Hiến Pháp 1967) can be amended and on 22 January 1974 received a beginning of amendment.”
Sau khi Hiến Pháp Đệ Nhị Cộng Hòa được ban hành, chính quyền đương nhiệm tổ chức cuộc bầu cử tổng thống cùng năm 1967.
Có tất cả 10 liên danh tranh cử. Kết quả là liên danh quân nhân Thiệu-Kỳ đắc cử, thất cử là 9 liên danh dân sự, gồm liên danh Phan Khắc Sửu-Phan Quang Đán, Trần Văn Hương-Mai Thọ Truyền, Hà Thúc Ký-Nguyễn Văn Dinh, Nguyễn Đình Quát-Lê Ngọc Chấn, Nguyễn Hòa Hiệp-Nguyễn Thế Truyền, Vũ Hồng Khanh-Nguyễn Văn Đang, Hoàng Cơ Bình-Lưu Quang Khình, Phạm Huy Cơ-Lý Quốc Sỉnh, và Trần Văn Lý-Nguyễn Văn Đương.
Năm 1969, bác sĩ Phan Quang Đán tham chính với chức Phó Thủ Tướng và trong thẩm quyền đó, Cụ chủ trì Hội Nghị Quốc Tế về Nhi Đồng và Phát Triển Quốc Gia (14-23.1.1975).
Tổng Cục Bưu Chính phát hành bộ tem cùng chủ đề để
kỷ niệm Hội Nghị. Rất hiếm là loại phong bì phát hành
ngày đầu tiên có nhật ấn hai ngày khai mạc và bế mạc
Hội Nghị như phong bi trên đây. (TAT Collection).
Bộ The Republic of Vietnam’s Environment & People là công trình sưu tầm tài liệu của nhóm nhân viên phụ tá vị Phó Thủ Tướng. Nhưng công trình tổng hợp để hoàn thành một bộ sách thông tin vừa căn bản vừa thâm sâu cho một hội nghị quốc tế là tâm huyết và thành quả của một cá nhân say mê dự án trong phòng ăn và phòng để xe tại tư gia số 3 đường Phùng Khắc Khoan Sài Gòn, theo như chia sẻ của người tái bản sách trong Lời Nói Đầu hay “Foreword.”
Tiếp theo phần chính quyền là môi trường và con người VNCH trong hai thập niên 1960-1970 qua diễn tiến và kết quả của các ngành y tế, giáo dục, xã hội, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, khai mỏ, điện lực, kỹ nghệ, thương mại, thuế khóa, ngân sách, ngoại viện, giao thông, đường bộ, đường thủy, đường hàng không, bưu điện, viễn thông, kể cả du lịch...
Đặc biệt, người tổng hợp tài liệu thông tin không nhiều lời nhiều chữ, mà Cụ để con số trong các thống kê, biểu đồ, bản đồ... lên tiếng. Đây là cách “nói” dễ thuyết phục người đọc nhất.
Dĩ nhiên để biết giá trị trung thực của các dữ kiện và dữ liệu, người ta phải xét đến tính cách khoa học của công tác thu hoạch, rồi xét đến sự trung thực của con người khi báo cáo kết quả.
Tóm lại, The Republic of Vietnam’s Environment & People là tác phẩm hiếm hoi của giới lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa. Cùng giá trị với tác phẩm này, có thể kể The Palace File của Nguyễn Tiến Hưng (Tổng Trưởng Kế Hoạch trong nội các Trần Thiện Khiêm, New York, Harper&Row xb, 1986) và The Viet-Nam Peace Negociations Saigon’s Side of the Story của Nguyễn Phú Đức (Cố Vấn Ngoại Giao của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Virginia, Dalley Book xb, 2005).
Tuy nhiên, tác phẩm của hai tác giả họ Nguyễn có phần chủ quan qua hồi tưởng, nhận định, và ý kiến cá nhân. Còn tác phẩm của họ Phan khách quan qua những biểu đồ, bản đồ, thống kê...
The Republic of Vietnam’s Environment & People cung hiến bức tranh toàn cảnh, tích cực, và phong phú cho bất cứ ai muốn biết cụ thể về những bước tiến bộ mà chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã đạt được trong vùng lãnh thổ từ sông Bến Hải phía Bắc đến mũi Cà Mâu phía Nam trong thời gian ngắn ngủi 1951-1975.
Đó là lý do giải thích vì sao nhà văn Dương Thu Hương từ Hà Nội đã rơi nước mắt khi vào đến Hố Nai hồi tháng 5.1975. Và hãy đọc hồi ký của ca sĩ Ái Vân - cháu ngoan Bác Hồ - để biết văn minh miền Nam đã ảnh hưởng thế nào đến người miền Bắc vào tiếp quản.
Nói thêm về quan niệm của vị Phó Thủ Tướng VNCH trong những năm 1969-1975.
Danh xưng của bộ sách, The Republic of Vietnam’s Environmnet & People là Môi Trường và Con Người/Dân Chúng/Nhân Dân. Tựa đề được tác giả giải thích trong những trang đầu, tức là ảnh hưởng tương tác cùng tương hỗ của môi trường và con người.
Theo Cụ, Địa là Sử về Không Gian, và Sử là Địa về Thời Gian, nguyên văn nơi trang thứ hai sau trang bìa: “... geography would be history in space, and history would be geography in time. They complete one another (sic!) and their combined disciplines help reach a better understanding of man and his environment through the diversities of nations and ages.”
Theo tôi, ý niệm này phức tạp và khó hiểu. Kiến thức chung rất đơn giản và dễ hiểu: Sử là về Thời Gian, và Địa là về Không Gian.
Chính sự đơn giản này đã làm lộ ra những nét cần sửa trong tác phẩm.
Thứ nhất, vì Địa là về không gian nên bản đồ bao giờ cũng phải có khung. Lý do là bản đồ dù tỷ-lệ-xích có lớn bao nhiêu cũng không thể gồm hết không gian của quả địa cầu. Trong sách, độc giả thấy nhiều bản đồ hợp lý khi có khung nhằm giới hạn không gian, nhưng lại bắt gặp không ít bản đồ không có khung, nơi trang 9, 15, 22, 29, 33, 36, 39, 57, 84, 85, 87, 92, 93, 95, 96, 97...
Thứ hai, đa số “bản đồ” trong tác phẩm không phải là bản đồ, chỉ đơn thuần là lược đồ vẽ tay nên không thể chính xác để có tỷ-lệ-xích như đã ghi trong sách, là “Scale 1/4,000,000, 1/6,000,000, 1/7,500,000...”
Cuối cùng, Hiến Pháp Đệ Nhị Cộng Hòa 1967 được ghi lại đầy đủ 117 điều trong phần Phụ Lục, nhưng Điều 30 có nguyên văn nơi trang 494: “... The National Assembly includes two includes two houses, the Lower House and the Upper House.” thì hai chữ “includes two” lập lại hai lần. Hiến Pháp là bộ luật tối cao của một quốc gia, nên từng câu từng chữ, thậm chí từng dấu chấm dấu phẩy đều có ý nghĩa mà chắc chắn sẽ là nguồn thông giải, phân tích, và tranh luận giữa những chuyên viên luật hiến pháp trong tương lai, đâu có thể sơ suất đến thế? Lỗi từ đâu?
Điểm son của tác giả The Republic of Vietnam’s Environment & People là sao lại chữ ký tay của toàn thể 117 dân biểu chấp thuận Hiến Pháp hồi tháng 4.1967, từ chủ tịch Quốc Hội Lập Hiến là Phan Khắc Sửu đến dân biểu cuối cùng là Huỳnh Văn Yên tự Huỳnh Bình Yên theo danh sách thứ tự ABC.
Trần Anh Tuấn
14.6.2022
CÙNG TÁC GIẢ:
Trần Anh Tuấn