Việt Nam: “Liên minh Chính trị & Quân sự với Phi-Mỹ”

05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 21461)

june-5-2014-1

'Với Việt Nam, Biển Đông là sống còn'

Hạnh Ly / BBC Tiếng Việt

Cập nhật: - thứ sáu, 30 tháng 5, 2014

june-5-2014-2

Ông Laurent Gédéon hiện đang nghiên cứu về các vấn đề địa chính trị của Trung Quốc

Một chuyên viên nghiên cứu địa chính trị của Viện Nghiên cứu Đông Á (IAO) cho rằng, Trung Quốc còn có nhiều mối quan tâm khác không chỉ trên Biển Đông mà còn trên Biển Hoa Đông, trong khi với Việt Nam, Biển Đông là ‘sống còn’.

Ông Laurent Gédéon, chuyên gia về Trung Quốc và Việt Nam, nhấn mạnh trong toàn bộ cuộc khủng hoảng này, Trung Quốc đã ‘thắng’ vì họ đã làm được những gì họ muốn trên Biển Đông.

 “Trong cuộc khủng hoảng bất cân xứng này, các nước trong khu vực cần tìm tới một đồng minh xa xôi hơn, như Hoa Kỳ chẳng hạn, quốc gia có thể sẽ chấp nhận tham gia vào mối quan hệ địa chính trị, và họ cũng là quốc gia duy nhất có thể cân bằng lại với sức mạnh của Trung Quốc, còn nếu riêng từng nước đơn lẻ trong khu vực thì không thể đấu lại được,” nhà nghiên cứu nói.

Ông Gédéon cũng cho rằng, sự kiện giữa Crimea và Nga có mối liên hệ với sự kiện biển Đông, do ‘lãnh đạo’ Trung Quốc đã theo dõi ‘rất sát’ nhằm đánh giá khả năng phản ứng và hồi đáp của các quốc gia lớn ở phương Tây, “nhất là Hoa Kỳ, nổi bật là trong vấn đề toàn vẹn lãnh thổ theo luật pháp quốc tế”.

BBC Tiếng Việt giới thiệu cuộc phỏng vấn với chuyên gia người Pháp hôm 25/05 tại Lyon, Pháp bên lề cuộc thảo luận về các vấn đề trong cuộc khủng hoảng căng thẳng Trung – Việt.

Trung Quốc đã 'thắng'

BBC: Phải chăng do vị trí địa lý của Việt Nam với Trung Quốc mà vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước sẽ không bao giờ giải quyết được?

Tôi cho rằng mâu thuẫn không phải là không thể tránh được nếu Trung Quốc và Việt Nam đạt được thỏa thuận chung về vùng nước trong vịnh Bắc Bộ.

Một thỏa thuận chính trị chung giữa Hà Nội và Bắc Kinh là hoàn toàn có thể và chúng ta có chứng cứ để tin rằng điều này có thể đạt được.

Về vấn đề lãnh hải trên biển Đông, chúng ta thấy có sự chồng lấn trong việc tuyên bố lãnh thổ từ phía Trung Quốc và bên kia là Việt Nam, các tuyên bố này áp dụng lên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và rộng lớn hơn, là không gian hàng hải.

Như vậy có thể nói đây là một dạng căng thẳng nằm trong căng thẳng chính trị mà không chỉ đơn giản là vấn đề địa lý.

BBC: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đối với những gì đang diễn ra trên Biển Đông? Việt Nam có lý do để lo lắng không?

june-5-2014-3

Nhiều tấm quảng cáo tuyên truyền về biển đảo đã được dựng lên ở Hà Nội. Ảnh chụp hôm 27/05.

Trung Quốc đã chứng tỏ họ có phương tiện để duy trì sự có mặt của giàn khoan này trong khu vực, bằng cách đưa hơn 80 tàu thuyền xung quanh để bảo vệ giàn khoan.

Chúng ta cũng có giả thuyết rằng giàn khoan có thể sẽ được rút đi. Với cách nhìn của tôi thì đây là chiến thắng về mặt chính trị và chiến thắng về mặt ngoại giao.

Bởi vì nhìn vấn đề một cách khách quan thì từ năm 1974, quần đảo Hoàng Sa đã chịu chủ quản trực tiếp của Trung Quốc. Nên một khi Trung Quốc đã đưa giàn khoan vào vùng này rồi kể cả có rút ra, chủ quyền của họ đối với vùng này là không thay đổi.

Theo ý kiến của tôi, việc này vén màn chiến lược của Bắc Kinh nhằm trước tiên và đương nhiên là thử phản ứng của các nước láng giềng với Việt Nam, và xa hơn là của Hoa Kỳ. Thế nên giàn khoan này có thể chỉ là một bước thử nghiệm.

Với người dân, người Việt vốn vẫn cực kỳ lo lắng trước Trung Quốc, vì Trung Quốc nhắc họ nhớ tới lịch sử đô hộ, mà nếu tôi nhớ không nhầm, Việt Nam chỉ độc lập trước Trung Quốc vào năm 939 bằng vũ lực, và sau này vẫn luôn phải đối mặt với ý đồ muốn chiếm lại Việt Nam từ đế chế Trung Hoa.

Vậy đó là lịch sử cận đại, và ít nhất thì Trung Quốc cũng đã chiếm cứ một số không gian trên biển của Việt Nam.

Nhưng về đe dọa chiến tranh thực sự và mối lo ngại liên quan trực tiếp đối với Việt Nam và Trung Quốc, tôi nghĩ là rất ít khả năng xảy ra. Bởi vì theo tôi thì từ cả phía Bắc Kinh và Hà Nội đều không có ý định đối đầu nhau.

'Tách rời phương Đông'

june-5-2014-4

Đảng vừa phải đối mặt với áp lực nội bộ, vừa phải giải quyết áp lực từ Trung Quốc

BBC: Dưới áp lực nào thì giới lãnh đạo Việt Nam thấy họ buộc phải đổi mới?

Chúng ta chỉ có thể đưa ra các giả thuyết, tuy nhiên Hà Nội vẫn thường xuyên đánh giá mối đe dọa từ Trung Quốc và khả năng Việt Nam có thể đối phó với các đe dọa của Trung Quốc.

Cũng có áp lực từ nội bộ, khi mà đảng Cộng sản phải bảo vệ vị trí và vai trò dẫn dắt của mình trong toàn cảnh chính trị Việt Nam. Tôi cho rằng cần có sự cân bằng trong việc đưa ra các quan điểm chính trị từ phía chính phủ và Đảng.

Từ phía đảng Cộng sản cần phải giữ vững quan điểm chính trị quốc gia và các biện pháp chống lại áp lực từ Trung Quốc. Và câu trả lời cũng nằm ở việc họ cân bằng áp lực này như thế nào.

Nếu áp lực của Trung Quốc ngày càng lớn, đây chỉ là một giả thuyết, và Việt Nam vẫn thấy mình đơn độc trong việc đối đầu với Trung Quốc, và thấy cần thiết phải tìm tới các đối tác mạnh mẽ khác, chẳng hạn như Hoa Kỳ.

Nhưng lúc đó Việt Nam sẽ ở vào vị trí phải thương lượng với người Mỹ, mà một khía cạnh có lẽ chắc chắn được đề cập tới là nhân quyền và sự minh bạch trong chính trị Việt Nam.

Với cách làm này thì điều sống còn là Đảng Cộng sản Việt Nam phải tách rời phương Đông thêm một chút, và chấp nhận cởi mở nền chính trị vốn đang giữ kẽ với Hoa Kỳ.

Như thế có nghĩa là Hoa Kỳ đã bày tỏ ý kiến rằng, chúng tôi chỉ trao vũ khí cho các anh để phòng ngự khi các anh chấp nhận tiến trình dân chủ.

...Theo cách nhìn khách quan, ta có thể thấy có nhu cầu cần phải tìm được sự cân bằng này. Nếu không, Việt Nam có thể sẽ gặp rắc rối trong chính trị nội bộ.

june-5-2014-5

Sự kiện Crimea và Nga là 'chỉ dấu' cho lãnh đạo Trung Quốc liên quan tới vấn đề biển Đông, theo nhà nghiên cứu người Pháp

BBC: Ông từng nói sự kiện Crimea và Nga cũng liên quan tới vấn đề Biển Đông?

...Cụ thể trong trường hợp Crimea, tôi nghĩ là Bắc Kinh đã cực kỳ chú ý tới sự kiện này. Đặc biệt là những người đứng đầu Trung Quốc đã đánh giá khả năng phản ứng và đáp trả của các nước lớn ở phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, trong vấn đề toàn vẹn lãnh thổ theo luật pháp quốc tế.

Tôi nghĩ là sự thiếu câu trả lời trực tiếp và hiệu quả đối với Crimea từ Hoa Kỳ - vì Nga đã dùng tới biện pháp chính trị sự đã rồi – và tới thời điểm này, vẫn chưa có các biện pháp giữ toàn vẹn lãnh thổ, khiến lãnh đạo Bắc Kinh suy nghĩ.

...Cùng lúc đó, chúng ta có thể thấy với sự kiện biển Đông, việc thiếu câu trả lời của Hoa Kỳ trong vụ Crimea có thể chỉ dấu cho Trung Quốc rằng họ có thể dùng tới chút vũ lực, họ có thể dùng kiểu chính trị sự đã rồi vì Mỹ sẽ phản ứng lại một cách hạn chế.

Và chúng tôi tự hỏi, liệu giàn khoan đưa ra nhằm mục đích chắc chắn là thử Việt Nam nhưng có phải cũng là để xem khả năng phản ứng và đáp trả của Hoa Kỳ đối với các sự việc về không gian lãnh thổ theo kiểu này./

++++++++++++++++++

'Việt Nam không đơn độc nếu đổi mới’

Hạnh Ly

BBC Tiếng Việt, tường trình từ Lyon

BBC - chủ nhật, 25 tháng 5, 2014

june-5-2014-6

Các diễn giả và cử tọa tại cuộc thảo luận ở Lyon đặt vấn đề nguyên nhân cuộc khủng hoảng.

Trong buổi thảo luận về chủ đề các vấn đề khủng hoảng Trung – Việt tại thành phố Lyon, Pháp, có ý kiến cho rằng, Mỹ và Pháp sẽ phần nào hỗ trợ Việt Nam trong xung đột với Trung Quốc do di sản lịch sử, và phương Tây sẽ giúp đỡ nếu thấy có cải biến nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.

Buổi thảo luận tại khoa Nghiên cứu Đông Á (IAO) của Đại học Sư phạm Lyon gồm bốn khách mời chính, bao quát các chủ đề như gốc rễ của địa chính trị trong cuộc khủng hoảng tranh chấp lãnh hải, cách nhìn của giới bất đồng chính kiến, trải nghiệm và quan sát của ông Andre Menras (Hồ Cương Quyết), người mang hai quốc tịch Pháp-Việt, và phân tích về tình hình xã hội Việt Nam.

Buổi thảo luận diễn ra hôm 24/05 do Hội văn hóa Người Việt vùng Rhône (ACVR) phối hợp cùng viện IAO tổ chức với mục tiêu đưa ra một góc nhìn khoa học, khách quan, và độc lập đối với những gì đang diễn ra giữa Việt Nam và Trung Quốc, theo bà Ngọc Anh Rolland, chủ tịch hội.

Trao đổi bên lề hội thảo hôm 24/05 với BBC tiếng Việt, ông Laurent Gédéon cho biết trong cuộc khủng hoảng giữa Trung Quốc và Việt Nam hiện nay, viện dẫn chứng cứ lịch sử là chỉ nên dành cho người dân.

june-5-2014-7

"Chính xác, cho tới thời điểm này, Trung Quốc đã thắng đối với vụ giàn khoan HD-981"

Nhà nghiên cứu Laurent Gédéon

Việt Nam nên dùng tới các chứng cứ về địa chính trị, tuy nhiên vị trí và vùng biển quanh Hoàng Sa và Trường Sa vốn vẫn rất phức tạp không chỉ với Việt Nam và Trung Quốc mà còn với các quốc gia khác.

Một phần của vấn đề phức tạp này cũng được thể hiện trong cách đặt tên của mỗi quốc gia. Chẳng hạn, Việt Nam gọi là Biển Đông, Trung Quốc đặt là Biển Nam Trung Hoa, còn Philippines gọi là Biển Tây của Philippines, theo một học giả khách mời của IAO, chuyên về địa chính trị và chủ đề Hoa-Việt trong buổi thảo luận.

Về vấn đề điều gì có thể xảy tiếp theo, sau khi Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển tranh chấp, một số ý kiến cho rằng, Bắc Kinh sẽ giữ giàn khoan và chờ cho tới khi Hà Nội sơ suất hoặc ‘không thể chịu được nữa’.

Trả lời phỏng vấn riêng với BBC, hôm Chủ Nhật, nhà nghiên cứu Gédéon nói:

"Chính xác, cho tới thời điểm này, Trung Quốc đã thắng đối với vụ giàn khoan HD-981."

Bởi vì theo ông, Trung Quốc sau một thời gian hoàn toàn có thể rút lại giàn khoan di động này, nhưng vẫn tuyên bố vùng biển đó là của họ.

‘Cần thiết lập đồng minh’

Ông Gédéon cho rằng, tới thời điểm này, Việt nam đã ở vào vị trí bắt buộc để đối phó lại những gì đang diễn ra.

Tuy nhiên, Việt Nam thực ra không có nhiều phương tiện để chống lại Trung Quốc trên biển khi chỉ có thể đặt mình vào thế phòng bị mà không thể dùng vũ lực, “do đang ở trong một cuộc đua không cân xứng”.

Việc xác lập đồng minh Hà Nội – Washington có thể là điều cần thiết và nên đưa cả các quốc gia cũng liên quan tới vấn đề tranh chấp với Trung Quốc, nhà nghiên cứu người Pháp gợi ý.

june-5-2014-8

Có ý kiến tại cuộc thảo luận cho rằng Việt Nam nên cùng Philippines kiện Trung Quốc.

Cùng chia sẻ quan điểm này, ông André Menras (tên tiếng Việt là Hồ Cương Quyết) cho rằng Việt Nam nên cùng Philippines đưa Trung Quốc ra tòa, “để ít nhất thì công chúng cũng thấy được Trung Quốc là hạng gì”.

Viện dẫn các mốc lịch sử chính, ông Menras khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể chứng minh vùng biển có giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Hơn nữa, Việt Nam sẽ không đơn độc khi cả Hoa Kỳ và Pháp đều cảm thấy mình ‘mắc nợ’ Việt Nam do di sản hai cuộc chiến tranh.

Theo cách lý giải của người mang hai quốc tịch Pháp và Việt Nam này, Trung Quốc đã ‘tranh thủ’ thời điểm Pháp và Mỹ rút đi để dần chiếm các hòn đảo và vùng nước của Việt Nam.

'Thời điểm thích hợp'

june-5-2014-9"Việt Nam nên cùng Philippines đưa Trung Quốc ra tòa, để ít nhất thì công chúng cũng thấy được Trung Quốc là hạng gì"

Ông André Menras (giữa, tức Hồ Cương Quyết)

Hôm 23/05, ông Hồ Cương Quyết cho đăng một lá thư ngỏ gửi tới các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam về việc cho phép chiếu bộ phim tài liệu Hoàng Sa Việt Nam: nỗi đau mất mát.

Ông viết, đây là thời điểm thích hợp để đưa ra bộ phim, khi ở thời điểm này nó vẫn còn tính thời sự.

Ông lấy tên Hồ Cương Quyết (với họ Hồ xuất phát từ họ của ông Hồ Chí Minh) sau khi được chủ tịch Nguyễn Minh Triết ký quyết định để cùng Việt Nam thực hiện bộ phim tài liệu này năm 2009.

Tuy nhiên, sau khi bộ phim về các gia đình ngư dân miền Trung, đặc biệt là ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi hoàn tất, bộ phim đã không được công chiếu.

Giải thích riêng với BBC, ông cho rằng lý do bộ phim bị cấm dù đã có giấy phép xuất, nhập sản phẩm báo chí là do có các ‘phe phái mâu thuẫn’ trong giới lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.

“Ông Triết lúc đó có vẻ không muốn theo Trung Hoa, nhưng không hiểu sao bên thành ủy thành phố Hồ Chí Minh lại phản ứng dữ lắm.”

Người Trung Quốc duy nhất

Zuang Ningjun, đến từ Thượng Hải và là người Trung Quốc duy nhất trong buổi thảo luận, nói với BBC rằng cá nhân anh quan tâm tới những gì đang diễn ra giữa Trung Quốc và Việt Nam do ngành học của mình, nhưng những thanh niên Trung Quốc khác ít ai quan tâm, vì “chúng tôi đã có quá nhiều vấn đề của riêng mình, như chuyện người Uyghur, hay mấy vụ ở Urumqi vừa rồi”.

june-5-2014-10

Cử tọa tại cuộc thảo luận quan ngại về tình hình nóng lên ở Biển Đông.

Trả lời BBC, sinh viên ngành Lịch sử đương đại ở Lyon nói “tôi thực sự muốn tới Việt Nam nhưng chắc không phải là lúc này vì những gì đã xảy ra với người Trung Quốc.

“Tôi không thể trách họ được, vì người Trung Quốc đã làm tương tự với Nhật Bản khi họ đập phá cửa hàng cửa hiệu, sản phẩm, tuy nhiên là không có ai chết.”

Còn chuyện nước nào đúng, sai “là việc của các chính trị gia và nhà ngoại giao”, anh nói.

Khía cạnh khác được đề cập trong buổi thảo luận là quan điểm về quan hệ với Trung Quốc từ phía các nhà bất đồng chính kiến và quan sát các diễn biến trong xã hội Việt Nam và các nỗ lực thúc đẩy để xảy ra cuộc “Đổi mới thứ hai”.

"Tôi không thể trách họ được, vì người Trung Quốc đã làm tương tự với Nhật Bản khi họ đập phá cửa hàng cửa hiệu, sản phẩm, tuy nhiên là không có ai chết"

Zhuang Ningjun, sinh viên Trung Quốc

Bên cạnh các nhân vật như luật sư Cù Huy Hà Vũ, bác sỹ Nguyễn Đan Quế, ông Nguyễn Tiến Trung, Phạm Thanh Nghiên, ông Francois Guillemot – tiến sỹ lịch sử - nhận xét ông Phạm Chí Dũng là một trong những blogger bày tỏ rõ ràng mong muốn thay đổi, chuyển hẳn đường hướng ngoại giao với Trung Quốc.

Chuyên viên nghiên cứu và phụ trách kho tài liệu Việt Nam của viện IAO cũng nhắc tới bà Phạm Chi Lan với lời chú thích, đây không phải là một nhà bất đồng chính kiến, nhưng là kinh tế gia và nhà trí thức thẳng thắn và có tiếng nói mạnh mẽ.

Bình luận về các sự kiện phản đối Trung Quốc hôm 13, 14/05, nhà quan sát xã hội Việt Nam Dominique Foulon đặt vấn đề tuy các cuộc biểu tình của giai cấp nông dân và công nhân có thể phần nào thách thức chính quyền, nhưng điều đó sẽ không làm ảnh hưởng tới các quyền lực chính trị.

Còn sau đó, ông André Menras một lần nữa gây chú ý với cuộc hội thảo khi nói: “Vậy tôi muốn hỏi, cuộc khủng hoảng này làm lợi cho ai?”/

++++++++++++++++

Ts. Cù Huy Hà Vũ: Xóa bỏ độc tài mới giữ được nước!

Việt-Long phỏng vấn Ts. Cù Huy Hà Vũ
2014-05-16

june-5-2014-11

Ts. Cù Huy Hà Vũ: đảng Cộng sản Việt Nam! Hãyvì lợi ích của dân tộc, tiến hành những bước khẩn cấp dân chủ hóa chế độ...

RFA photo

Việt-Long: Ông nhận định ra sao về chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam?

Ts. Cù Huy Hà Vũ: Không phải riêng tôi mà tất cả mọi người Việt Nam đều rõ chính sách của Trung Quốc đối với biển Đông nói chung và với Việt Nam nói riêng. Từ hằng nghìn năm nay Việt Nam luôn là mục tiêu xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc. Bao nhiêu triều đại của nước ta đã phải chống chọi với các triều đại Trung Hoa trong suốt chiều dài lịch sử hai nước. Điều này thì ai cũng rõ.

Bây giờ tại sao Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 vào thời điểm này? Có rất nhiều lý do. Thứ nhất, đó là sự tiếp tục chính sách bành trướng mà nhà cầm quyền Cộng Sản Trung Quốc kế thừa từ các triều đại phong kiến trước đây của Trung Hoa. Vấn đề thứ hai là Trung Quốc luộn tận dụng cái gọi là "liên thông tư tưởng", cái gọi là "đồng chí Cộng Sản" với nhà cầm quyền Việt Nam để ép nhà cầm quyền Cộng Sản Việt nam nhường đất đai. Nếu không nhường, Trung Quốc sẵn sàng dùng vũ lực đánh chiếm. Họ biết rằng hiện nay cái thế của Việt Nam nói chung, hay cái thế của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam là vô cùng yếu, cực kỳ yếu, rất cô đơn trong thế giới ngaày nay.

Trung Quốc đã chuẩn bị phương án chiến tranh với Việt Nam ngay sau vụ đặt giàn khoan. Không phải bây giờ tôi mới nói, mà từ tháng ba năm 2010 tôi đã phân tích rất rõ là Trung Quốc sẵn sàng dùng vũ lực để thôn tính lãnh thổ Việt Nam thì Việt Nam bắt buộc phải tìm đồng minh, cụ thể là các cường quốc quân sự, để chống lưng cho Việt Nam, vì Việt Nam không thể tiến hành chiến tranh mà không có sự chống lưng của các cường quốc khác.

Tôi đã nói trong giai đoạn chống thực dân Pháp, Việt Nam đã có sự ủng hộ rất tích cực của Liên Xô, Trung Quốc. Đến giai đoạn chiến tranh Việt nam vừa qua, mà tôi gọi là cuộc nội chiến, có sự tham gia của Mỹ, Việt Nam có thể tiến hành chiến tranh đi đến thống nhất Việt Nam, cũng nhờ có sự chống lưng của Liên Xô và Trung Quốc, cụ thể với những vũ khí và các phương tiện hậu cần. Đến năm 1979 khi Trung Quốc Cộng Sản đánh người em thân thiết Việt Nam Cộng Sản thì Việt Nam Cộng Sản cũng phải dựa vào một đồng minh Cộng Sản khác là Liên Xô, một cường quốc.

june-5-2014-12

Như vậy xét về lịch sử Việt Nam không thể chống lại hay giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh với các cường quốc quân sự khác mà không có ai chống lưng cho mình. Vậy thì trong tình hình hiện nay, để có thể chống lại sự thôn tính lãnh thổ của Trung Quốc, tôi thấy chỉ có thể có Mỹ là nước duy nhất trên thế giới có đủ sức mạnh quân sự, kinh tế, và cả chính trị.

Chính vì thế, vào tháng 7 tháng 8 năm 2010 khi tiếp tục trả lời phỏng vấn của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, tôi khẳng định: "đồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại"

Việt-Long: Có nhiều ý kiến trong nước cũng muốn chống Trung Quốc nhưng không muốn liên minh, liên kết với Hoa Kỳ. Câu hỏi là trước khi có những biện pháp liên quan đến quân sự, có thể dùng những biện pháp ngoại giao hay pháp lý nào đó đối với Trung Quốc được không?

Ts. Cù Huy Hà Vũ: Tôi khẳng đinh rằng đối với một cường quốc mà nay có thể nói là cường quốc số 2 trên thế giới, không có biện pháp ngoại giao, chính trị, pháp luật nào, kể cả công pháp quốc tế có thể nhổ được giàn khoan của Trung Quốc ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, có thể ngăn cản Trung Quốc sử dụng vũ lực tiếp tục đánh chiếm nốt quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cho nên việc đảng Cộng sản, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam nói là dựa vào luật biển quốc tế, vào bản tuyên bố về ứng xử trên biển Đông mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN, chỉ là những thứ để mị dân. Trên thực tế người ta hiểu rõ rằng không một lời nói nào, kể cả bằng ngoại giao, kể cả bằng chính trị, kể cả đưa ra tòa án quốc tế - tôi chưa muốn nói đến chuyện Trung Quốc không nhìn nhận thì cũng không giải quyết được trong thủ tục tòa án quốc tế - mà giải quyết được vấn đề.

Nó chỉ làm mất đi thời gian vô cùng quý báu, vô cùng cấp thiết vô cùng khẩn cấp để tìm ngay một lực lượng hỗ trợ thực tế cho Việt Nam để bảo vệ lãnh thổ cho Việt Nam. Đó là liên minh quân sự với Hoa Kỳ...

Việt-Long: Nhưng Hoa Kỳ đã từng bắt tay với Trung Quốc và bỏ Việt Nam Cộng Hòa, thì liệu bây giờ Hoa Kỳ có trở lại cứu Việt Nam Cộng Sản hay không?

Ts. Cù Huy Hà Vũ: Mỗi tình thế lịch sử lại khác nhau. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, mục đích của Hoa Kỳ là đúng, vừa là đúng vừa có cái không đúng. Đúng là tìm cách chống chủ nghĩa Cộng Sản, thiết lập một chế độ dân chủ. Đó là cái đúng. Nhưng sự không hiểu biết, hay cái sai lầm, là không biết tới chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, là tính thống nhất của người Việt Nam.

Người Việt Nam dù Nam hay Bắc cũng đều muốn nước mình thống nhất thành một khối. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh từ thời 12 sứ quân đã có ông Đinh Bộ Lĩnh thống nhất thành nước Đại Cồ Việt. Qua đến nhiều đời sau, những thời kỳ chia cắt như Trịnh Nguyễn phân tranh, cũng được nhà Tây Sơn thống nhất, rồi nhà Tây Sơn ba anh em chia ba cõi, thì nhà Nguyễn của chúa Nguyễn Phúc Ánh cũng thống nhất lại dưới triều vua Gia Long. Việt Nam luôn luôn phải thống nhất, đó là điều người Mỹ không thấu đáo.

Điểm thứ hai, người Mỹ ở xứ dân chủ Mỹ chỉ cho phép chính phủ tiến hành những cuộc chiến tranh nhất định vì những mục tiêu của Hoa Kỳ. Nhưng nếu cuộc chiến tranh kéo dài quá thì sự kiên nhẫn mất đi. Và cần nói Mỹ không chỉ bắt tay với Trung Quốc mà cả với Liên Xô, để nhờ các nước lớn bảo đảm cho nền độc lập của VNCH, nhưng không thành...

Việt-Long: Liệu bây giờ Mỹ có sẵn lòng đối đầu quân sự với Trung Quốc để bảo vệ cho nước Việt Nam ngày nay không?

Ts. Cù Huy Hà Vũ: Tôi nghĩ nếu Mỹ và Việt Nam có liên minh quân sự thì đương nhiên Mỹ dám đối đầu quân sự với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không dám đối đầu quân sự với Mỹ, Trung Quốc không dám đối đầu quân sự với Mỹ. Có nhiều lý do. Lý do thứ nhất, về mặt hải quân, và các thiết bị chiến tranh trên biển, thì Trung Quốc mạnh hơn Việt Nam hằng chục lần thôi, chứ so với Mỹ thì chưa đâu vào đâu cả. Đánh nhau có Mỹ tham chiến thì Trung Quốc sau khi bị đánh bại tan tác chắc lại phải mua vũ khí của Mỹ! ... mà lúc đó Mỹ bán hay không lại là chuyện khác. Đấy là về mặt quân sự.

Cái thứ hai, hiện giờ Mỹ giữ của Trung Quốc hơn 1 nghìn tỉ đô la trái phiếu mà Trung Quốc mua của chính phủ Mỹ; đối đầu quân sự với Mỹ là tính chuyện đốt hơn nghìn tỷ đô la rồi đấy! Người Trung Quốc là người rất giỏi về nguyên tắc chung về kinh doanh. Họ không bao giờ muốn mất tiền. Nơi nào đầu tư là chỉ muốn sinh lãi, không bao giờ muốn mất tiền cả. Vậy tôi nói, cả về khía cạnh quân sự và kinh tế, Trung Quốc không dám, chứ không nói là thử, Trung Quốc không dám đối đầu quân sự với Mỹ.

Và tôi nói chỉ cần Mỹ liên minh quân sự với Việt Nam thôi, thì Việt Nam có thể, bằng khả năng được Mỹ hỗ trợ, kể cả những thiết bị chiến tranh quan trọng, thì có thể nhổ cái giàn khoan, thậm chí trong tương lai còn có thể thu hồi quần đảo Hoàng Sa. Tôi nói rằng một khi Mỹ liên minh quân sự với Việt Nam thì chúng ta, những người Việt Nam trong và ngoài nước, có niềm tin rằng lãnh thổ của chúng ta không những được bảo toàn mà còn có khả năng được thu hồi những phần nào bị Trung Quốc cướp mất.

Còn cái giá phải trả, là mất cái đảng Cộng sản Việt Nam, thì tôi không cho đó là cái giá... Chỉ có đất nước tồn tại mãi, quốc gia tồn tại mãi, nếu biết giữ chứ không biết giữ mà đầu hàng thì mất hết, chứ không thể tồn tại mãi. Về nguyên tắc thì quốc gia tồn tại nhưng các chính thể, chế độ chính trị thì sẽ được thời gian loại trừ để tìm chế độ chính trị nào thích hợp nhất. Và tất nhiên cho đến giờ thì tôi cũng như tuyệt đại đa số trên thế giới đều thấy rằng chỉ có chế độ cộng hòa dân chủ, có sự cạnh tranh của nhiều đảng phái

june-5-2014-13

Ts. Cù Huy Hà Vũ: ... thả ngay những người bất đồng chính kiến, xóa bỏ toàn bộ những hệ thống pháp luật đàn áp con người... với nhau thì mới tồn tại.

Vậy đảng Cộng sản Việt Nam hay ban lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam chừng nào còn coi mình là người Việt Nam thì phải biết, theo tôi là tốt nhất phải biết nên đứng ra tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do, kêu gọi tất cả mọi xu hướng xã hội, các lực lượng chính trị Việt Nam ra dự cuộc bầu cử này.

Tất nhiên tôi không đòi hỏi phải bỏ đi cái đảng Cộng sản, mà họ vẫn có quyền tồn tại như một đảng chính trị ở Việt Nam và tranh đua trong cuộc bầu cử có quốc tế giám sát để đảm bảo sự công bằng. Tôi thấy đó là chuyện tốt nhất và cũng tránh cho đảng Cộng sản Việt Nam bị đào thải một cách đau đớn.như tôi đã từng tuyên bố nhiều lần.

Một khi người dân muốn thay đổi chế độ một cách hoà bình mà đảng Cộng sản không nghe thì chỉ còn một cách khác là thay đổi bằng bạo lực thì bắt buộc (ĐCS) sẽ phải sụp đổ trong máu thì lúc ấy... Bản thân tôi không mong muốn chuyện đấy. Ý muốn cá nhân không mong muốn nhưng thực tế sẽ là câu trả lời. Vì thế một lần nữa ở đây, tôi kêu gọi:

"ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM HÃY VÌ LỢI ÍCH CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM, HÃY VÌ LỢI ÍCH CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM MÀ TIẾN HÀNH NHỮNG BƯỚC ĐI KHẨN CẤP NGAY TỨC KHẮC ĐỂ DÂN CHỦ HÓA CHẾ ĐỘ.

TRƯỚC HẾT HÃY TRẢ TỰ DO CHO TẤT CẢ CHO NHỮNG NGƯỜI BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN, XÓA BỎ TOÀN BỘ NHỮNG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT ĐÀN ÁP CON NGƯỜI, BẮT ĐẦU TIẾN HÀNH TỔ CHỨC BẦU CỬ DÂN CHỦ ĐA ĐẢNG.

TRÊN CƠ SỞ ĐÓ, HOA KỲ, LÀ QUỐC GIA DUY NHẤT TRÊN THẾ GIỚI HIÊN NAY, CÓ THỂ GIÚP VIỆT NAM BẢO VỆ THÀNH CÔNG LÃNH THỔ TRƯỚC SỰ XÂM LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC."

Việt-Long: Cám ơn ông Cù Huy Hà Vũ đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn hôm nay. Kính chào quý vị./

26 Tháng Năm 2015(Xem: 14659)
"Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21 nói không nắm rõ tình hình, ngày 22 cũng chỉ bày tỏ "vô cùng bất mãn" với hành động của Mỹ. Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì không công bố thông tin nào về việc theo dõi, ngăn chặn máy bay Mỹ như cuộc khủng hoảng vùng nhận diện phòng không Hoa Đông năm 2013."
18 Tháng Năm 2015(Xem: 16442)
KHD: "Nếu mình không thắng họ được thì hãy theo họ đi.” Nói như vậy không khác chi là khuyên người ta “hãy treo cờ trắng lên để đầu hàng"... NQD: "Luật sư Đài nhận định “nội lực” của Phong Trào Dân Chủ Việt Nam còn rất yếu. Theo tôi, chính vì nội lực còn yếu nên những người đại diện cần phải hết sức cân nhắc đưa quyết định khi vấn đề còn trong vòng tranh luận." Nếu tôi là một trong các đại diện, khi ông Tom Malinowski đề nghị “bỏ phiếu bầu” tôi đã tránh “trò chơi” lợi thì ít mà hại thì nhiều này bằng bốn cách:"
12 Tháng Năm 2015(Xem: 26264)
"Hồi năm 2012, ở HNTƯ lần 6, TBT Nguyễn Phú Trọng, đại diện cho phe nhóm của mình cố vận dụng BCHTƯ để lật đổ Thủ tướng Dũng... Hồi năm 2013 có 4 ứng cử viên cho 2 ghế Ủy Viên Bộ Chính Trị, hai ông Nguyễn Bá Thành và Vương Đình Huệ của phe ông Trọng và 2 người khác là ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyện Thị Kim Ngân thuộc phe của ông Dũng."
07 Tháng Năm 2015(Xem: 16696)
LTS: Văn Hóa nhận được bài viết của bà Trần Diệu Chân (đảng Việt Tân) qua Email. Tòa soạn đăng tải nguyên văn; và để rộng đường mục Diễn Đàn, tòa soạn cũng đăng lại bài phỏng vấn nhà văn Dương Thu Hương của nhà báo Tường An trên đài RFA.
05 Tháng Năm 2015(Xem: 18357)
" ... chính ông Dũng cũng nói là đóng lại qua khứ hướng về tương lai, đằng này lại ôn lại hình ảnh quá khứ, sống lại quá khứ ... Bài diễn văn của ông Nguyễn Tấn Dũng có thể nói tôi hoàn toàn thất vọng, rất ngạc nhiên và thất vọng."
03 Tháng Năm 2015(Xem: 17231)
Gs Tương Lai: "Trên thực tế phải nói rằng hiện nay chưa có một lực lượng chính trị nào có thể thay thế, lực lượng đang cầm quyền hiện nay. Có nghĩa là chưa có một đảng chính trị nào, chưa có một tổ chức chính trị nào có thể thay thế đảng cộng sản Việt Nam, mặc dù đảng này đã mất uy tín trong dân."
03 Tháng Năm 2015(Xem: 15308)
Hải Long: "Ngày phán xét cho những kẻ tự khoác lên mình chiếc áo nhà văn, nhà thơ, cổ động người ta lao vào chỗ chết, lao vào những cuộc chém giết với lòng căm thù không giới hạn... Còn thống nhất ư? Hòa giải ư? Làm sao có thể thống nhất và hòa giải khi những kẻ thủ ác còn chưa bị trừng phạt? Lịch sử rồi sẽ phải ghi chép lại một cách công bằng và khách quan. Tội ác rồi sẽ bị trừng phạt, chỉ là sớm hay muộn! Cuối cùng, tôi muốn thay mặt cha tôi gửi lời xin lỗi chân thành đến những người lính ở phía bên kia." Lê Xuân Khoa: "Theo tôi có một bước quan trọng mà đến giờ chính quyền vẫn chưa chịu làm. Đó là hòa giải với người sống chưa được thì hòa giải với người chết trước đã. Đấy là vấn đề trùng tu nghĩa trang Biên Hòa, để cho người ta tìm lại mộ và cải táng người chết trong các trại cải tạo. Làm được hai cái đó chứng tỏ nghĩa cử rất đẹp để mà hòa giải với bên ngoài, chứng tỏ thiện chí của lãnh đạo trong nước. Tôi thấy chuyện này dễ như vậy mà không xong được thì khó lòng tiến được đế
29 Tháng Tư 2015(Xem: 17730)
Nếu ai đó hỏi cha tôi 30/04 là ngày gì? Cha tôi sẽ trả lời, đó là ngày mà ông nhận ra mình đã bị lừa dối. Ông và các đồng đội của ông là “Thế hệ bị lừa dối”.
23 Tháng Tư 2015(Xem: 16025)
"Vài ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Kuala Lumpur, căng thẳng ngoại giao giữa Philippines và Trung Quốc đang tăng thêm với một cuộc khẩu chiến, một vụ xịt vòi rồng và bước kế tiếp trong một vụ kiện trọng tài có liên quan đến các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Từ Manila, thông tín viên VOA Simone Orendain ghi nhận chi tiết."
21 Tháng Tư 2015(Xem: 15612)
"Học giả Auslin từ Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington DC ngày 7/4 bình luận trên The Wall Street Journal, chuyến đi đầu tiên của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đến Tokyo, Seoul và Honolulu trong tuần này có thể là cơ hội cuối cùng để chính quyền Tổng thống Barack Obama thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương được Washington ca ngợi từ lâu."
16 Tháng Tư 2015(Xem: 16382)
"Dù không tham gia vào vụ kiện nhưng Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều trong việc xây dựng lập luận là Tòa Án được thành lập dưới Phụ Lục VII không có thẩm quyền phán xét đơn kiện của Phi Luật Tân. Tuy rằng đã tuyên bố phủ nhận thẩm quyền nhưng Trung Quốc chắc chắn là không muốn bị đặt vào thế khinh mạn phán quyết của Tòa đặc biệt là khi Tòa gồm có những vị thẩm phán hàng đầu được mọi người kính trọng."
14 Tháng Tư 2015(Xem: 16940)
Từ bối cảnh trên, dường như những người nêu giả định trên muốn có câu trả lời cho gỉả thiết: Nếu ngày 30-4-1975 Việt Quốc thắng Việt Cộng, liệu “Bên thắng cuộc Việt Quốc” có đối xử với “Bên thua cuộc Việt Cộng”, như Việt cộng đã làm sau ngày 30-4-1975 đối với Việt quốc hay không? Hay còn tệ hại hơn nhiều?
12 Tháng Tư 2015(Xem: 17651)
* Một số bình luận ghi nhận về bản Thông Cáo Chung ký kết giữa hai đảng CSVN và CSTQ: BBC, VNTB, Ts Nguyễn Thanh Giang, Lê Anh Hùng, Ts Carlyle A. Thayer, Ts Nguyễn Nhã
09 Tháng Tư 2015(Xem: 17086)
"Việt Nam quen dùng vũ khí của Nga trong Cuộc Chiến tranh Đông Dương..." Trong Ba cường quốc (cung cấp vũ khí) đó, Nga là nước duy nhất không bao giờ dùng vũ khí chống lại Việt Nam. Nga là nước duy nhất không có mưu đồ địa chính trị chống lại Việt Nam." "Theo ý kiến của Nga thì trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, hai quốc gia này hoàn toàn đủ thông thái để giải quyết vấn đề một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trên cơ sở hai bên giữ uy tín và cùng có lợi." "Quyền lợi của Mỹ là không được cho phép Trung Quốc quá mạnh trong vùng này [châu Á Thái Bình Dương]. Nghĩa là đấy là trò chơi địa chính trị giữa hai cường quốc, chơi nhau theo [kiểu] zero sum game, ai được cái gì và ai mất cái gì. Việt Nam trong hoàn cảnh này chỉ đóng vai trò như là con tốt. Mỹ chỉ bảo vệ quyền lợi của Mỹ chứ không bảo vệ quyền lợi của Việt Nam đâu."
07 Tháng Tư 2015(Xem: 15869)
"Như vậy sách lược của Henry Kissinger với Biển Đông là cứ giữ nguyên hiện trạng đầy xáo trộn như vậy càng lâu càng tốt. Đúng là sách lược ‘đục nước béo cò’. Nhờ vậy mà TQ và Mỹ tha hồ thủ lợi tốt hơn là Mỹ và TQ tranh chấp gây hấn, chiến tranh một mất một còn trên Biển Đông."
05 Tháng Tư 2015(Xem: 17471)
"Nếu kết quả của đại hội 12 được phía Mỹ toại nguyện thì đương nhiên cánh cửa TPP rộng mở đón Việt Nam. Nếu kết quả đại hội 12 không được lòng người Mỹ thì cũng đồng nghĩa với việc cánh cửa TPP khép lại đối với Việt Nam".
31 Tháng Ba 2015(Xem: 18406)
Ts Nguyễn Hưng Quốc: Một chính khách lớn và một người thầy xấu. Huỳnh Ngọc Chênh: Lý Quang Diệu có độc tài gia đình trị?
22 Tháng Ba 2015(Xem: 17470)
"Nhưng vẫn có lý do để tin rằng, ít nhất là trong nửa đầu thế kỷ này, Mỹ vẫn sẽ giữ được ưu thế của nó về các nguồn lực và tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong cán cân quyền lực toàn cầu. Tóm lại, trong khi kỷ nguyên ưu thế của Mỹ chưa kết thúc, nó sẽ thay đổi theo những cách quan trọng. Những thay đổi này liệu có giúp tăng cường an ninh và thịnh vượng toàn cầu hay không hiện vẫn còn chưa rõ".