Ngân sách 7 tỉ USD cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương

13 Tháng Bảy 20208:56 SA(Xem: 6789)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ - THỨ HAI 13 JULY 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Ngân sách 7 tỉ USD cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương


Theo Reuters, Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ tối 1.7 (giờ Mỹ) thông qua phiên bản của Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) năm 2021. Dự luật trị giá 741 tỉ USD này quy định các khoản chi của Bộ Quốc phòng Mỹ. Dự luật NDAA năm 2021 có cả điều khoản về “Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương” với khoản ngân sách 7 tỉ USD nhằm củng cố các liên minh quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), trước mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc.


Dự luật dự kiến sẽ được toàn Hạ viện thảo luận trong tháng này. Hôm 11.6.2020, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cũng thông qua dự thảo tương tự và văn kiện này đang được toàn Thượng viện xem xét. Hạ viện và Thượng viện Mỹ sẽ kết hợp hai bản dự thảo để đưa ra một dự luật thống nhất về ngân sách quốc phòng, sau đó gửi tới Tổng thống Donald Trump ký ban hành hoặc phủ quyết. 


Washington chỉ trích Bắc Kinh tập trận ở khu vực Hoàng Sa


Bộ Quốc phòng Mỹ đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tập trận lớn tại khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VN ở Biển Đông, từ ngày 1 - 5.7. Thông cáo đăng trên trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 2.7 (giờ Mỹ) đã chỉ trích việc Trung Quốc tập trận tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông là đi ngược lại các nỗ lực giảm căng thẳng và duy trì ổn định.


“Việc tập trận là động thái mới nhất trong chuỗi hành động nhằm khẳng định yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc và gây bất lợi cho các láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”, thông cáo nêu rõ. Bộ Quốc phòng Mỹ còn khẳng định: “Hành động của Trung Quốc trái ngược với cam kết của nước này không quân sự hóa Biển Đông”. Danh Toại


'Đấu pháp' của hải quân Mỹ thách thức Trung cộng trên Biển Đông


Ngô Minh Trí

04/07/2020 3 Thanh Niên


Sử dụng chiến hạm cận bờ có hỏa lực đáng gờm và kết hợp cùng nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay từ xa là cách thức mà Washington đang thực hiện để răn đe các hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông.


image003

Chiến hạm USS Gabrielle Giffords (trên) theo dõi hoạt động gần tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 4 của Trung cộng (dưới) ở Biển Đông.PACOM


Ngày 2.7.2020, một trang thông tin của Ngũ giác Đài đăng hình ảnh chiến hạm cận bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) thuộc lớp Independence đang hoạt động gần tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 4 của Trung cộng ở Biển Đông. Theo Mỹ, tàu USS Gabrielle Giffords hoạt động tại đây nhằm tăng cường khả năng tương tác với các đối tác và đóng vai trò là lực lượng sẵn sàng ứng phó.


Thời gian qua, chiến hạm này liên tục hoạt động ở biển nam Trung Hoa diễn tập với 2 chiến hạm của Nhật Bản vào cuối tháng 6; có mặt tại khu vực hoạt động của tàu khoan thăm dò dầu khí Malaysia ở biển bắc Malaysia hồi tháng 5; tập luyện cùng chiến hạm đổ bộ USS America (LHA-6) ở Biển Đông vào giữa tháng 3. Và vào tháng 1, chiến hạm cận bờ này cùng tàu USS Montgomery, cũng thuộc lớp Independence, đã hoạt động trên biển nam Trung Hoa. Ngũ giác Đài vẫn luôn mô tả USS Montgomery có vai trò khẳng định cho chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, vốn để kiềm chế các hoạt động đáng lo ngại từ phía Bắc Kinh.


Cặp “sát thủ diệt hạm”


Chiến hạm lớp Independence có lượng giãn nước hơn 3.100 tấn, dài khoảng 115 m và bán kính hoạt động từ 1.100 - 1.700 km, tốc độ tối đa gần 90 km/giờ và rất phù hợp để hoạt động ở khu vực tây Thái Bình Dương. Ban đầu, LCS được Mỹ phát triển để thực thi các nhiệm vụ như chống cướp biển, chống khủng bố... Nhưng gần đây, năng lực tác chiến của Chiến hạm lớp Independence đã nâng lên đáng kể.


Trả lời Thanh Niên, TS James R.Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) phân tích: “Chiến hạm cận bờ lớp Independence - gần đây được trang bị tên lửa NSM (Naval Strike Missile) đối hạm và tấn công mặt đất. Loại tên lửa này giúp chiến hạm cận bờ Independence vẫn có uy lực mạnh mẽ để tiến hành tự do hàng hải (FONOP), chứ không cần phải điều động tàu khu trục như trước đây”.


NSM là loại tên lửa đối hạm hiện đại, thậm chí có nhiều ưu điểm so với tên lửa Harpoon vốn đã có hơn 40 năm đồng hành cùng nhiều lớp chiến hạm Mỹ. Các ưu điểm phải kể đến là khối lượng nhẹ hơn nên dễ lắp đặt hơn, cơ chế nổ và công nghệ điện tử tiên tiến để tối đa hóa độ chính xác và sức công phá. Giai đoạn cuối của NSM có thể cập nhật mục tiêu và gia tăng tính chính xác. Trong một số trường hợp, NSM có tầm bắn lên đến 300 hải lý (hơn 550 km).


Ngoài ra, tàu chiến lớp Independence còn mang theo trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout. Dù chỉ mang theo tên lửa tầm ngắn như Hellfire, bom dẫn đường cỡ nhỏ, tên lửa tấn công mặt đất, nhưng dòng máy bay này lại sở hữu hệ thống điện tử tối tân, nhất là các bộ cảm biến, radar hải quân cực nhạy cả ban ngày lẫn ban đêm. Hệ thống radar trên MQ-8B Fire Scout có tầm bao phủ với bán kính khoảng 80 km. Nhờ đó, khi phối hợp với NSM, MQ-8B Fire Scout đóng vai trò trinh sát từ xa để “chỉ điểm”, rồi chuyển dữ liệu cho tàu khai hỏa NSM.


image005

Chiến đấu cơ F/A-18 cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz khi tập luyện ở biển Philippines cuối tháng 6.2020. ẢNH: PACOM


Vì thế, khi chiến hạm cận bờ lớp Independence mang theo MQ-8B Fire Scout sẽ trở thành cặp đôi sát thủ hoàn hảo trên biển. Ngoài ra, lớp chiến hạm này còn mang theo máy bay trực thăng tác chiến đa nhiệm SH-60 Seahawk tích hợp nhiều loại ngư lôi, tên lửa để có thể tấn công tàu chiến lẫn đất liền.


Lực lượng phối hợp hùng hậu


Tất nhiên, dù có hỏa lực chính xác cao, nhưng rõ ràng tàu chiến lớp Independence khó đủ sức đương đầu với các chiến hạm cỡ lớn. Vì thế, trong thực tế thì Mỹ có thêm một lực lượng chiến hạm hùng hậu đang hoạt động không xa tàu USS Gabrielle Giffords.


Điển hình là 3 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, USS Ronald Reagan và USS Nimitz đang hoạt động ở vùng biển Thái Bình Dương. Các tàu sân bay này mang theo chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet. Đây là dòng máy bay chiến đấu đa nhiệm có tốc độ tối đa lên đến 1.900 km/giờ, bán kính chiến đấu khoảng 720 km, tầm bay khoảng 2.300 km... Kèm theo đó là hỏa lực cực mạnh từ nhiều loại tên lửa chống tàu chiến, tên lửa hành trình, tên lửa đối không, bom...


Vì thế, từ vùng tây Thái Bình Dương, sức mạnh tác chiến không - biển từ 3 nhóm tác chiến tàu sân bay có thể nhanh chóng phối hợp cùng chiến hạm cận bờ. Ngoài ra, nhiều loại tàu khác của hải quân Mỹ, như tàu khu trục, tàu ngầm..., cũng đang hoạt động ở vùng tây Thái Bình Dương.


Chính vì thế, có thể thấy rõ Lầu Năm Góc đang sử dụng chiến hạm cận bờ đóng vai trò tiên phong để thách thức Bắc Kinh ở Biển Đông, đồng thời kèm theo một lực lượng hỗ trợ hùng hậu.  (NGÔ MINH TRÍ)