VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN ĐA NGUYÊN 3 - THỨ TƯ 30 APRIL 2025
LTS: Hôm 29 tháng Tư 2025, vào lúc 2:59 AM, tòa soạn Văn Hóa online nhận được bài viết của ông Cù Huy Hà Vũ, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm, từng bị cầm tù vì các hoạt động vận động dân chủ. Trên tinh thần Dân Chủ mục DIỄN ĐÀN, VHO trân trọng gởi đến quý bạn đọc bài viết dưới đây của ông Cù Huy Hà Vũ để tham khảo.
Mọi liên lạc xin gởi về: lykientrucvh@gmail.com
TÔI HÁT ĐỒNG CA “MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN” CỦA VĂN CAO GIỮA
“THỦ ĐÔ” NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN Ở MỸ
Cù Huy Hà Vũ
Tác giả, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, trong áo the đen truyền thống đang hát đồng ca "Mùa Xuân Đầu Tiên" của Văn Cao tại trung tâm Hoàn Nhiên, Little Sài Gòn, quận Cam, California, Hòa Kỳ, mồng 3 Tết Giáp Thin 2024.
Cách đây đúng 11 năm, vào ngày 6 tháng 4 năm 2014, tôi được Chính phủ Hoa Kỳ đưa sang Mỹ từ Trại giam số 5 - Bộ Công an tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, sau một cuộc can thiệp mạnh mẽ với Chính phủ Việt Nam. Khi đó, tôi đang thụ án 7 năm tù với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, do có các hoạt động dân chủ và nhân quyền. Đi cùng tôi đến miền đất tạm cư là người vợ thân yêu của tôi, Luật sự Nguyễn Thị Dương Hà.
Sau khi đến Mỹ, vợ chồng tôi ở tiểu bang Virginia. Sở dĩ như vậy là do tôi được sắp xếp một công việc nghiên cứu tại Viện Quốc gia Dân chủ Hoa Kỳ (National Endowment for Democracy -NED) và sau đó làm việc tại Đại học George Washington, cả hai đều có trụ sở tại Washington D.C. Thời tiết ở đó khá lạnh, khiến Hà bị sưng khớp đầu gối. Nàng nói với tôi: “Mình về Nam California đi anh. Ở đó ấm áp hơn thì em sẽ đỡ đau. Với lại, về đó cũng vui vì các anh chị họ con bác ruột em đang sống ở đó.” Thế là vào một ngày đẹp trời tháng 8 năm 2020, đúng lúc đại dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh, vợ chồng tôi chuyển về sinh sống tại thành phố Garden Grove, thuộc khu Little Saigon tại Quận Cam, California, ngay trên bờ Đông Thái Bình Dương - nơi được coi là “thủ đô” của người Việt “tỵ nạn cộng sản” tại Mỹ.
Khi hậu ở đây thật lý tưởng. Nắng tràn đầy nhưng không gây nóng bức, nhờ có gió biển thổi về. Tôi nói với Hà: “Em quả thật có con mắt 'xanh'. Ở đây chẳng khác nào đi nghỉ dưỡng cả!” Thế rồi tôi tận dụng cái điều kiện trời cho ấy để đọc và viết suốt cả ngày, hầu lấy lại thời gian đã mất trong tù. Thấy vậy, nàng nói: “Anh cứ ở mãi trong nhà như thế thì đâu có tốt cho sức khỏe!” Và rồi một hôm, nàng thông báo: “Em đã đăng ký cho anh một lớp học guitar tại trung tâm Hoàn Nhiên.”
Hoàn Nhiên là một tổ chức cộng đồng của người Việt, có trụ sở tại số 8345 đường Garden Grove, thành phố Garden Grove. Tại đây có mở nhiều lớp học như: đàn, hát, nhảy, vẽ, võ thuật, khí công, cắm hoa và, tất nhiên, tiếng Anh dành cho những người Việt mới nhập cư. Bộ môn guitar do thày Trần Tùng, một cựu sĩ quan Hải quân Việt Nam Cộng hòa, và cô Thùy giảng dạy, được chia thành 3 cấp độ. Tôi theo học lớp dành cho người mới bắt đầu (beginner). Lớp này do cô Thùy phụ trách, với chừng hai chục học viên.
Buổi học cuối trước Tết Giáp Thìn, cô Thùy nói: “Hôm nay chúng ta sẽ học hát bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” của nhạc sĩ Văn Cao để trình diễn trong hội Tết của Hoàn Nhiên.” Đề nghị này khiến tôi ngỡ ngàng.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền, mỗi miền đặt dưới sự quản lý của một chính thể đối lập: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo chế độ cộng sản ở miền Bắc và Việt Nam Cộng hòa theo chế độ chống cộng ở miền Nam. Tuy nhiên, tại miền Nam, nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật của các văn nghệ sĩ ở miền Bắc, như các nhạc sĩ Văn Cao, Lưu Hữu Phước, các nhà thơ Huy Cận và Xuân Diệu (các bậc sinh thành của tác giả), vẫn được giảng dạy và phổ biến công khai dưới nhiều hình thức. Thậm chí, "Thanh niên hành khúc" của Lưu Hữu Phước còn được Việt Nam Cộng hòa chọn làm quốc ca. Tuy nhiên, các tác phẩm này đều được sáng tác trong giai đoạn “Tiền Chiến”, tức trước khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập vào 2/9/1945 và Pháp tái xâm lăng vào cuối năm 1945. Nói cách khác, chúng là những sáng tác “phi chính trị” hay “phi cộng sản”.
Đằng này, “Mùa xuân đầu tiên” được Văn Cao sáng tác vào năm 1975, và hơn thế nữa, như một tiếng reo mừng trước trước giang sơn thống nhất dưới tay những người cộng sản sau hai thập kỷ chiến tranh đẫm máu, điều đã khiến rất nhiều người không chấp nhận thực tế này rời bỏ quê hương và đến Mỹ, mà Little Sài Gòn là hệ quả…
Cô Thùy cất tiếng hát, vừa đệm guitar:
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng cho bao tâm hồn.
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người .
Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.
Cô Thùy hát thật hay, chẳng khác gì một ca sĩ chuyên nghiệp. Khi cô vừa dứt tiếng hát, một nữ học viên luống tuổi lên tiếng: “Tôi chưa nghe bài hát này bao giờ nên tôi không có cảm xúc gì cả”. Đây rõ ràng là một phản ứng chính trị - điều mà tôi đã ngờ tới - bởi lẽ thông thường người nghe không có cảm xúc là vì nhạc phẩm không lay động, chứ không phải vì chưa từng nghe.
Xốc lại cây đàn trước ngực, cô Thùy từ tốn giải thích: “Bài hát này được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác sau 30 tháng 4 năm 1975. Tuy nhiên, bài hát bị chính quyền cấm ngay sau đó. Chỉ sau khi ông mất năm 1995, bài hát mới được phép lưu hành và trình diễn. Em thích bài này vì có giai điệu đẹp.”
Tôi tiếp lời cô: “Tôi cũng yêu ca khúc này và tôi cũng hiểu rõ nguyên nhân của sự cấm đoán này. Bản thân tôi đã có hân hạnh được đến thăm và ký họa chân dung nhạc sĩ Văn Cao ngay tại nhà ông ở Hà Nội.”
Để chuẩn bị cho số báo xuân đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, Ban biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng đã đề nghị nhạc sĩ Văn Cao viết một ca khúc mới. Ông vui vẻ nhận lời và vài ngày sau đã gửi cho báo bài “Mùa Xuân Đầu Tiên”. Ca khúc này xuất hiện ở bìa 4 của nhật báo trong số Tết Bính Thìn, ngày 1 tháng 1 năm 1976. Một năm sau đó, khi con gái ông là Hương Hương sang Liên Xô học âm nhạc, Văn Cao đã nhờ cô chuyển tác phẩm này cho Nhà xuất bản Âm nhạc Liên Xô. Kết quả là ca khúc được in trong một tập nhạc phẩm, với nhuận bút là 100 rúp. Hương Hương đã dùng số tiền ấy mua màu vẽ và gửi về cho cha cùng tập nhạc phẩm.
Thế nhưng, ca khúc ấy đã bị cấm trình diễn trước công chúng dưới mọi hình thức. Lệnh cấm này vẫn duy trì ngay cả sau khi Văn Cao được bầu lại làm Ủy viên Ban chấp hành Hội nhạc sĩ vào mùa thu năm 1983 – một động thái được coi là sự phục hồi sau "Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm" xảy ra vào nửa cuối những năm 1950 mà ông có liên quan. Mãi đến năm 1993, trong đêm nhạc kỷ niệm 70 năm ngày sinh của Văn Cao tại Cung Văn hóa Thanh niên Hà Nội, ca khúc “Mùa Xuân Đầu Tiên” mới lần đầu tiên được trình diễn bởi ca sĩ Minh Hoa. Phải đến sau khi nhạc sĩ qua đời vào năm 1995, đúng 20 năm sau ngày "giải phóng miền Nam", bài hát “Mùa Xuân Đầu Tiên” mới chính thức được Nhà nước "giải phóng" và đón nhận nồng nhiệt từ công chúng.
Tác giả, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, mặc áo the đen truyền thống, đang đồng ca "Mùa Xuân Đầu Tiên" của Văn Cao tại trung tâm Hoàn Nhiên, mồng 3 Tết Giáp Thin 2024. Người đệm guitar là thầy guitar Trần Tùng, cựu sĩ quan Hải quân Việt Nam Cộng hòa, từng tham gia hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974 chống quân xâm lược Trung Quốc.
Để biết được vì đâu nên nỗi, không thể không nhắc đến bối cảnh lịch sử phức tạp của Chiến tranh Việt Nam.
Đó là một cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhằm ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á dựa trên "Thuyết Domino". Cuộc chiến này khởi đầu bằng việc Washington tài trợ tới 80% chi phí cho nỗ lực tái xâm lược Đông Dương của Pháp. Sau khi Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ và phải ký Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 20 tháng 7 năm 1954, Mỹ dựng lên Việt Nam Cộng hòa và đưa Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống thông qua cái gọi là “trưng cầu dân ý” hồi tháng 10 năm 1955 – một sự kiện được coi là cuộc đảo chính “mềm” lật đổ Quốc trưởng Nhà nước Việt Nam (thường bị viết sai là “Quốc gia Việt Nam”), Bảo Đại. Mục đích của Washington là chống lại cuộc tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng 7 năm 1956 theo quy định của Hiệp định Genève. Mười năm sau đó, vào ngày 8 tháng 3 năm 1965, Mỹ chính thức tham chiến bằng việc đổ bộ quân viễn chinh vào Đà Nẵng. Do đó, Chiến tranh Việt Nam vừa là cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vừa là cuộc nội chiến giữa những người Việt Nam theo phe chống cộng và những người theo chủ nghĩa cộng sản.
Vì lý do đã rõ, ngày 30 tháng 4 năm 1975 không chỉ đánh dấu chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam dưới hình thức "Việt Nam hóa chiến tranh", theo đó, vai trò tiến hành chiến tranh được chuyển giao từ quân đội Mỹ sang quân đội Việt Nam Cộng hòa, mà còn là ngày kết thúc cuộc nội chiến giữa những người Việt. Bản thân tôi và các bạn cùng trường phổ thông cấp III Hoàn Kiếm tại Hà Nội đã hò reo đến khản cổ khi Đài phát thanh loan tin Tổng thống Dương Văn Minh của chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện trước "quân ta" – tức Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thế nên không có gì lạ khi tất cả các ca khúc của bên thắng cuộc sáng tác tại và ngay sau thời điểm đó đều mang âm hưởng hào hùng, sảng khoái, với giọng trưởng và ca từ hân hoan. Có thể kể đến những bài như: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” (Phạm Tuyên), “Tiếng hát từ Thành phố mang tên Người” (Cao Việt Bách), “Đất nước trọn niềm vui" (Hoàng Hà), v.v. Tôi tin rằng nếu được “đặt hàng” ngay tại thời điểm trọng đại đó của dân tộc, thì Văn Cao – với tư cách là một người yêu nước chân chính, và hơn thế nữa, là tác giả quốc ca “Tiến quân ca” cùng một loạt khải hoàn ca nổi tiếng như “Tiến về Hà Nội”, “Trường ca sông Lô” – ông hẳn đã sáng tác được những ca khúc cùng âm hưởng chiến thắng, nếu không muốn nói là hào hùng hơn.
Vấn đề ở chỗ các nhà lãnh đạo cộng sản say men chiến thắng (1), muốn duy trì trạng thái đó trong một thời hạn bất định. Điều này có nghĩa là các ca khúc được sáng tác sau năm 1975 vẫn phải đậm khí thế chiến thắng. Do đó, bài “Mùa Xuân Đầu Tiên”, được viết ở giọng thứ, với nhịp ¾ của điệu Valse dặt dìu, rõ ràng là không hợp khẩu vị của nhà cầm quyền.
Mặc dù vậy, theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến sự cấm đoán lại nằm ở nội dung của ca từ. Có thể thấy điều này ngay ở khổ đầu của bài hát::
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng cho bao tâm hồn.
Cái “bình thường” trong mắt nhạc sĩ là sự yên bình cả ngoài lẫn trong con người, là “khói bay trên sông”, “gà gáy trưa bên sông”, “một trưa nắng cho bao tâm hồn” - là không có chiến tranh nói chung, nội chiến nói riêng, là không có gì khác ngoài niềm vui và hạnh phúc. Văn Cao ngay lập tức chú giải “mùa bình thường” bằng ‘mùa vui” là vì thế.
Sâu lắng hơn, ở khổ lời thứ hai, đó là sự đoàn tụ của những người thân yêu bị chiến tranh chia lìa – một điều mà trong rất nhiều trường hợp đã không bao giờ thành hiện thực. Đó là những khoảnh khắc: “Người mẹ nhìn đàn con nay đã về”, “Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh / Niềm vui phút giây như đang long lanh”, “Giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm”.
Tiếp đến:
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người.
Nghĩa là, theo Văn Cao, chỉ khi nào im tiếng súng thì con người mới thật sự biết yêu thương lẫn nhau. Tư duy này của nhạc sĩ đã gián tiếp phủ nhận quan điểm “vừa yêu người vừa cầm súng” của Tố Hữu – nhà thơ và nhà lãnh đạo đầy quyền uy trong lĩnh vực văn hóa – tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.Thực vậy, trong bài thơ “Bài ca mùa Xuân 1961”, Tố Hữu viết:
Có gì đẹp trên đời hơn thế Người yêu người sống để yêu nhau.
Thế nhưng, ngay sau đó, ông lại có những câu:
Ta vẩn vơ hoài, rạo rực, vào ra
Nghe tiếng mõ và nghe tiếng súng
Miền Nam dậy, hò reo náo động!
Tuy nhiên, đối với Văn Cao, điều quan trọng hơn cả là người Việt Nam phải “biết yêu - thương người”, phải học cách thương yêu nhau. Bởi chỉ có thế thì mới tránh được thảm cảnh “huynh đệ tương tàn” lặp lại trong tương lai, và “mùa bình thường” gắn với thanh bình của non sông, với êm ấm của từng mái nhà mới có thể trở thành vĩnh viễn. Điều này giải thích vì sao khổ lời “Từ đây người biết quê người / Từ đây người biết thương người / Từ đây người biết yêu người” được chọn làm điệp khúc chính của bài hát. Và, thú vị thay, ngay trong điệp khúc ấy, cụm từ “người biết” - như một mong mỏi - lại tự nó tạo thành một điệp khúc!
Khái quát lại, có sự đối cực triết học rõ rệt giữa nhà cầm quyền cộng sản và nhạc sĩ Văn Cao liên quan đến vấn đề nội chiến. Đối với vế thứ nhất, “đấu tranh giai cấp” được coi là động lực phát triển và là lẽ sống. Với logic này, nội chiến là điều tất yếu xảy ra, cho dù họ luôn phủ nhận. Vấn đề còn lại đối với họ chỉ là làm thế nào để giành chiến thắng. Ngược lại, đối với Văn Cao, bi kịch nội chiến hoàn toàn có thể tránh được nếu con người biết thương yêu nhau. Quan điểm này đồng nghĩa với việc loại bỏ “đấu tranh giai cấp”, loại bỏ tư duy “thắng/thua” trong quan hệ giữa người với người.
Đến đây, ta không khỏi liên hệ bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” với bài “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương, một nhạc sĩ miền Nam (2):
Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì Nước quên thân mình
Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương
Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính
Chúc mẹ hiền dứt u tình
…
Chúc non sông hoà bình, hoà bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
đợi anh về trong chén tình đầy vơi.
Như vậy, dù ở hai chiến tuyến đối địch, Phạm Đình Chương và Văn Cao đều có chung một nhận thức rằng, dù nhân danh bất kỳ ý thức hệ nào, cộng sản hay chống cộng, cuộc chiến giữa những người Việt rốt cuộc vẫn chỉ là một cuộc nội chiến, trong đó anh em chém giết lẫn nhau, gây nỗi đau tột cùng cho người mẹ. Cả hai nhạc sĩ vì vậy đều khao khát chấm dứt cuộc chiến này để người mẹ được “dứt u tình”, được ôm lại đàn con mình không thiếu một ai, và để anh em lại cùng nhau “chén tình đầy vơi”.
Trung tâm Hoàn Nhiên, mồng 3 Tết Giáp Thìn 2024. Tác giả, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, mặc áo the đen truyền thống, đứng ngoài cùng hàng đầu, từ trái sang
Không còn nghi ngờ gì nữa, chính tinh thần nhân văn, hòa bình và hòa giải dân tộc cao cả ấy của hai ca khúc đã lý giải vì sao cuối cùng bài “Ly rượu mừng” cũng đã được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam ngày nay và bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” đã được hát vang ngay giữa Little Sài Gòn vào ngày Mùng 3 Tết Giáp Thìn năm 2024 bởi lớp guitar của cô giáo Thùy mà tôi là một thành viên đầy đủ.
Tôi, Cù Huy Hà Vũ, hãnh diện và tràn đầy hạnh phúc khi có mặt trong dàn đồng ca hòa giải dân tộc ấy!
CHÚ THÍCH
- Ý thức hệ: căn nguyên Việt Nam bỏ lỡ bình thường hóa với Mỹ hậu Chiến Tranh Việt Nam”, Nghiên cứu lịch sử, 6/2/2025.
- Bài “Ly rượu mừng”, được sáng tác năm 1955 theo đặt hàng của Trần Văn Ân, chủ bút và Nguyễn Đức Quỳnh, thư ký tòa soạn tuần báo Đời Mới (có trụ sở tại Sài Gòn), đã rất phổ biến và thường xuyên được nghe thấy trong dịp Tết Nguyên đán ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Tuy nhiên, sau năm 1975, bài hát này đã bị chính quyền Việt Nam cấm cho tới đầu năm 2016, khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép cho Phương Nam Film phổ biến.
C.H.H.V
Tác giả Cù Huy Hà Vũ có học vị Tiến sĩ Luật và Thạc sĩ Văn chương của Đại học Paris. Ông tốt nghiệp Trường Hành chính Quốc gia Pháp (École Nationale d’Administration – ENA). Tiến sĩ Vũ là một luật gia, học giả, họa sĩ và nhà bất đồng chính kiến nổi bật của Việt Nam. Nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm, ông từng bị cầm tù vì các hoạt động vận động dân chủ. Hiện nay, Tiến sĩ Vũ sinh sống tại Garden Grove, California, Hoa Kỳ, cùng phu nhân, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà.