Lãnh tụ Đối lập Lê Hiếu Đằng qua đời / Khi người Cộng sản chân chính từ bỏ đảng / Chùa Xá Lợi cử hành tang lễ theo nghi thức Phật giáo

24 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 16221)

Ông Lê Hiếu Đằng qua đời

BBC - thứ tư, 22 tháng 1, 2014

Ông Lê Hiếu Đằng, cựu quan chức thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người tuyên bố ly khai Đảng hồi đầu tháng 12/2013, vừa qua đời ở Bệnh viện 115, thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 70 tuổi.

Một người bạn, giáo sư Tương Lai, nói ông được báo tin này lúc khoảng 10 giờ tối 22/1 từ Giáo sư Hoàng Dũng, người đã vào viện để đưa ông Đằng vào "nhà lạnh" cùng gia đình và bạn bè.

Ông Tương Lai nói các bác sỹ cũng đã báo cho gia đình và bạn bè biết về khả năng ông Đằng sẽ sớm ra đi.

"Ông ấy đau quá và các bác sỹ cũng chỉ có thể tiêm thuốc giảm đau thôi.

"Ông cũng muốn về nhà nhưng gia đình muốn ông ở bệnh viện để còn nước còn tát."

Ông Đằng đã phải nhập viện hồi giữa tháng 12/2013 và khi đó người ta đã nói ông ở trong "tình trạng sức khỏe nguy kịch".

Tuy nhiên sau đó sức khỏe ông có những lúc hồi phục

'Tình nghĩa'

Nói chuyện với BBC lúc hơn 11h tối 22/1, Giáo sư Hoàng Dũng xác nhận:

"Anh Lê Hiếu Đằng mất lúc 10h tối nay tại bệnh viện 115 và bây giờ đã đưa về Trung tâm Pháp y thành phố, số 336 đường Trần Phú, quận 5 ... vì trung tâm pháp y có phòng lạnh để đưa xác vào đó.

"Theo dự định của gia đình thì nếu không có gì thay đổi thì đúng 3h sáng mai sẽ làm lễ khâm liệm.

"Mọi chuyện tiếp theo thì chưa bàn được vì mới mất cách đây mấy giờ."

Ông Dũng cũng nói lúc 3h chiều nay ông còn ngồi với ông Đằng trong bệnh viện nhưng lúc đó ông Đằng cũng mệt, "dịch trong màng phổi ứa nước" và không thể nói chuyện được.

Vị giáo sư cũng cho biết ngoài ông và gia đình ông Đằng, có mặt tại khu vực phòng lạnh còn có những người bạn khác của ông Đằng trong đó có các ông Bùi Văn Nam Sơn, Huỳnh Kim Báu, Huỳnh Tấn Mẫm, Kha Lương Ngãi, Tô Liên Sơn và Nguyễn Quốc Thái.

Giáo sư Dũng nói mọi người thấy "hụt hẫng vì anh Đằng sống với anh em rất là tình nghĩa."

'Dân chủ hơn'

Trước khi qua đời, ông Đằng là người thẳng thắn chỉ trích chính sách mà ông coi là trấn áp quyền con người của chính quyền Việt Nam.

Ông cũng cho rằng chính phủ ở Hà Nội không đủ dũng khí trước Trung Quốc.

Tháng 12 năm ngoái, ông tuyên bố rút khỏi Đảng Cộng sản.

“Chế độ này đã quá tệ, mọi lĩnh vực đều xuống cấp không thể nào cứu vãn được, mà các ông ấy vẫn chỉ đặt lợi ích của các tập đoàn, của gia đình và bản thân chứ không còn đặt lợi ích của đất nước lên trên.”

“Vì thế tôi thấy không còn có thể chịu đựng được nữa,” ông Đằng khi đó nói với trang mạng Bauxite Việt Nam.

Giáo sư Hoàng Dũng nói ông Đằng vẫn giữ quan điểm đấu tranh của ông trong cả những ngày nằm viện:

"Cái tư tưởng của anh vẫn là tư tưởng đấu tranh sao cho dân chủ hơn.

"Cái hướng đó anh ấy không đổi.

"Chúng tôi thường đến thăm anh và khi nào anh ít mệt, trò chuyện được, anh cũng nói quanh mấy chuyện đấy thôi.

"Anh đau ốm cũng vào loại nặng như thế mà gần như tới những phút cuối anh vẫn đau đáu về những chuyện không phải là bệnh tật của anh mà là những chuyện khác, những chuyện của đất nước."/

 

RFI Thứ tư 22 Tháng Giêng 2014

Luật gia Lê Hiếu Đằng từ trần

image010

Luật gia Lê Hiếu Đằng - RFI /Capdevielle

Thụy My

Luật gia Lê Hiếu Đằng, cựu lãnh tụ sinh viên từng bị kết án tử hình thời Việt Nam Cộng Hòa trước đây, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là khuôn mặt đấu tranh hàng đầu cho dân chủ và nhân quyền, chống bành trướng Trung Quốc ở Biển Đông ; vừa qua đời vào khoảng 19 giờ hôm nay 22/01/2014 tại Saigon ở tuổi 70.

Ông Lê Hiếu Đằng quê ở Quảng Nam, học trung học ở Đà Nẵng và theo học trường đại học Luật khoa và Văn khoa ở Saigon, thành viên ban chấp hành Tổng hội Sinh viên Saigon. Ông là một trong những khuôn mặt nổi bật trong phong trào đấu tranh đô thị trước 1975, và từng bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa kết án tử.

Là Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nguyên là Phó chủ tịch của Ủy ban này tại Thành phố Hồ Chí Minh, luật gia Lê Hiếu Đằng trong những năm gần đây được xem như ngọn cờ đầu của cuộc đấu tranh đòi dân chủ, đòi các quyền công dân và đặc biệt là trong phong trào biểu tình chống các hành động xâm lược của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Luật gia Lê Hiếu Đằng là một trong những người đầu tiên ký vào Kiến nghị 72 ngày 19/01/2013 của nhóm 72 nhân sĩ trí thức góp ý cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992, gồm bảy đề nghị cụ thể nhằm phát huy dân chủ và hòa hợp dân tộc.

Ông cũng là một trong những người đi đầu trong phong trào biểu tình tại Việt Nam, khi những hành động gây hấn trắng trợn của Trung Quốc tại Biển Đông làm sôi sục lòng dân. Luật gia thẳng thắn phê phán việc trấn áp những cuộc biểu tình chống bành trướng Bắc Kinh là vi phạm nhân quyền.

Đặc biệt luật gia Lê Hiếu Đằng đã gây chấn động với bài viết « Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh » đề ngày 12/08/2013. Trong đó ông nhận định « chủ nghĩa Mác-Lê đã lạc điệu, bị sụp đổ tan tành ngay trên quê hương Xô Viết », « đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành kiêu binh ». Luật gia mạnh dạn đề nghị thành lập một đảng mới, chẳng hạn như đảng Dân chủ Xã hội tại Việt Nam, « vì không có một văn bản luật pháp nào cấm đoán điều này ». Ông cho rằng « một khi xã hội dân sự mạnh lên sẽ kìm hãm được khuynh hướng độc tài của một Nhà nước toàn trị ».

Cách đây một tháng, vào ngày 04/12/2013 ông Lê Hiếu Đằng một lần nữa lại gây rúng động dư luận khi ra tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Người đảng viên 45 tuổi đảng, từng là giảng viên Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ (1975-1983) nhận định, đảng Cộng sản « đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển của đất nước, dân tộc ».

Luật gia mất đi mang theo những hoài bão chưa thành, một tấm lòng trăn trở vì dân vì nước. Ông luôn đau đáu ngóng về Biển Đông, lãnh thổ cha ông để lại cho con cháu đẩt Việt đang bị đe dọa từng ngày từng giờ.

Ông Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh cho chúng tôi biết một ngày trước khi bệnh trở nặng khiến ông hôn mê hôm 14/12/2013, ông Lê Hiếu Đằng đã cố gắng viết một lá thư dài ba trang gởi cho các bạn thanh niên, sinh viên học sinh. Đây có thể là bản di chúc của ông gởi lại cho các thế hệ đi sau. Ông cũng biết các tin tức về các hoạt động kỷ niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa vừa qua.

Các bạn bè thân hữu của ông hầu hết là những khuôn mặt trong phong trào sinh viên trước đây như ông Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu…đều có mặt tại bệnh viện 115 hôm 14/12, lúc biết tin bệnh tình ông trở nặng, và tất cả đều bị theo dõi chặt chẽ, có lẽ do trùng hợp với dịp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Saigon. Hôm nay các bằng hữu cũng đang đổ về bệnh viện để bàn bạc hậu sự cho ông.

Theo ước nguyện của người quá cố, ông sẽ được hỏa táng. Linh cữu của luật gia Lê Hiếu Đằng dự kiến được quàn tại chùa Xá Lợi ở quận 3 Sài Gòn, hoặc tại Dòng Chúa Cứu Thế.

RFI Việt ngữ đã hỏi chuyện nhanh các thân hữu của luật gia Lê Hiếu Đằng đang trên đường đến viếng ông.

Ông Huỳnh Kim Báu (nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh) :

Anh Đằng mất chỉ có hai người nuôi bệnh bên cạnh chứ gia đình không có ai, mà giờ đó bạn bè cũng không còn ở đấy. Nghe nói ảnh mất đâu hồi 7 giờ rưỡi tới 8 giờ tối. Thật ra cái gì đến sẽ đến, nhưng nghe anh chết tất cả anh em đều bàng hoàng, và đang trên đường tới bệnh viện. Không ai nghĩ rằng anh Đằng đã đi. Dù linh tính của đời người đã báo trước sau khi anh viết lá thư gởi cho tuổi trẻ Việt Nam, sinh viên học sinh, thì đó là lá thư cuối cùng của anh, như là một di chúc gởi lại cho tuổi trẻ.

Tuy biết rồi nhưng tất cả đều bàng hoàng, rất tiếc là anh không vượt qua được. Thực tế thế hệ bây giờ mà đi ở tuổi 70 thì vẫn còn trẻ. Kỳ hôn mê lần đầu, khi cứu tỉnh lại, anh gặp tôi thì điều đầu tiên là anh giơ tay lên để chứng tỏ là mình còn khỏe và nói : « Anh em đừng có lo, đừng nghĩ rằng tôi chết. Tôi phải sống vì dân này, đất nước này vẫn còn cần đến tôi. Tôi sẽ sống vì tôi chưa thể đi được ». Dịp bốn mươi năm Hoàng Sa anh có nghe và cũng quan tâm. Hôm Hoàng Sa thì anh còn tỉnh.Từ lễ kỷ niệm chúng tôi đã điện thoại báo cho anh biết, anh vui lắm. Anh biết rằng anh em vẫn tiếp tục con đường anh đã đeo đuổi.

Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm (nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Saigon)

Rất đau buồn, thương tiếc anh Đằng. Anh đã mất hôm nay, 22/02/2014. Một cái tin như thế rất là đột ngột, bởi vì trước đây anh cũng nhiều lần bệnh nặng rồi hồi sức lại. Nhiều anh em phong trào trong nước và kể cả từ nước ngoài đã đến thăm anh, lúc tình trạng sức khỏe của anh còn tương đối. Đến hôm nay bệnh quá nặng, di căn có lẽ đã lên tới não chăng nên sau đó anh ngất và ra đi.

Tất cả anh em đã có mặt ở đây. Anh em bằng hữu đến thăm rất đông, chuẩn bị quàn ở chùa Xá Lợi, giờ giấc viếng và động quan chưa rõ. Khuya rồi nhưng các anh Lê Công Giàu, Bùi Văn Nam Sơn, Trần Quang Long …khoảng trên hai chục anh em đang ngồi đây Có cả Mặt trận Tổ quốc thành phố, các cấp ủy quận 5 và nhiều đơn vị.

Về phía anh em được thông tin từ nhiều nơi lắm nên biết hết. Những người thân thiết nhất đã có mặt tại đây, có một số vừa nghe tin chưa đến kịp, nhưng rất đông. Tất cả những anh em phong trào, thân quen cũng như những người đã cùng hoạt động chung với anh Đằng trước và sau giải phóng nói chung là rất thương ảnh. Anh là một người rất dũng cảm, không sợ bị bắt, bị giam, mà mạnh dạn đấu tranh cho dân chủ.

Những điều này rõ ràng là khí tiết của anh. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ của một người công dân trước hiện tình đất nước đang có nhiều bất công. Thái độ anh rất rõ ràng dứt khoát : không chấp nhận một tổ chức đảng sa sút về phẩm chất đạo đức, chính trị, do đó anh xin ra khỏi đảng.

Mặt trận dân chủ này quả thật rất khó, không ai tưởng tượng nổi những khó khăn trong hiện tại. Anh đấu tranh rất hợp tình hợp lý, dũng cảm. Là luật gia, anh nói rất chặt chẽ. Anh là người sống thanh đạm, trung thực -quan trọng nhất là thẳng thắn, dám nghĩ dám nói, với tình cảm và tấm lòng yêu nước cao độ. Người khác không dám nói lên tiếng nói trực diện như vậy đâu, nên người ta coi anh là một người "ngoài chiến tuyến", đối xử với anh không được tốt lắm./

Khi người Cộng sản phản tỉnh

Tiến sỹ Đoàn Xuân Lộc

Gửi cho BBC Việt ngữ từ London

BBC - thứ năm, 23 tháng 1, 2014

image011

Ông Lê Hiếu Đằng (áo kẻ sọc) trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở TP HCM

Trong thời gian qua có khá nhiều đảng viên và cựu quan chức lên tiếng chỉ trích những bất cập, phi lý, sai lầm của Đảng Cộng sản Việt Nam và kêu gọi giới lãnh đạo Việt Nam thay đổi để giúp Đất nước tiến tới tự do, dân chủ, giàu mạnh.

Trong số họ, có những người đã công khai từ bỏ Đảng Cộng sản vì họ nhận ra rằng Đảng đã suy thoái biến chất, chỉ lo cho lợi ích của mình và coi nhẹ lợi ích của Đất nước, Dân tộc, Nhân dân.

Một gương mặt tiêu biểu cho những tiếng nói đòi hỏi dân chủ ấy – và có thể nói cũng là biểu tượng cho phong trào dân chủ trong nước – là ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, người vừa qua đời tại thành phố tối hôm 22/1.

Nhận ra ‘Đảng đang biến chất’

Dù biết rằng đâu đó có những người không thích ông Đằng vì ông là một người Cộng sản và từng tham gia phong trào đấu tranh chống chính quyền Sài Gòn trước năm 1975, nhưng chắc ít ai có thể phủ nhận rằng ông làm vậy chỉ vì ông tin rằng sự dấn thân của mình có thể giúp giải phóng Dân tộc và đưa Đất nước tới tự do, dân chủ.

Có thể nói, ông thuộc thế hệ mà có ai đó gọi là ‘thế hệ Vàng của cuộc Cách mạng Giải phóng Dân tộc, trong sáng, lãng mạn, tràn đầy lí tưởng’.

Và nếu nhìn lại cuộc đời của ông Lê Hiếu Đằng, công việc của ông, những băn khoăn, trăn trở của ông – đặc biệt trong những năm tháng cuối đời, được thể hiện qua ‘Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh’ được ông viết vào tháng 8/2013 – có thể thấy rõ điều đó.

Quả thực, ông là một người rất nặng lòng với Nước, với Dân và là một người ‘Cộng sản’ thực sự.

Khác hẳn với những quan chức ‘cộng sản’ nhưng nhiều ‘tư bản’ – như biệt thự, xe hơi – ở Việt Nam, dù nhiều năm công tác trong Đảng với một chức vị khá cao ông chẳng có tài sản gì đáng giá.

Trong một bài viết kể về chuyện đi thăm ông Đằng khi ông nằm viện được đăng trên trang Bauxite Việt Nam vào tháng 12/2013, một người bạn của ông Đằng là ông Hạ Đình Nguyên, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Hành động thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, đã viết rằng cái nhà ông Đằng ‘chỉ có 3 thước bề ngang đã cho thuê, chỉ sống ở phần bếp đằng sau, không thể để lọt cái quan tài’.

Chính vì một lý tưởng trong sáng và một lối sống minh bạch như vậy, ông không thể chấp nhận khi thấy Đảng Cộng sản ‘trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân’ như ông nhận định trong tuyên bố bỏ Đảng của mình.

Cũng vì nhận ra rằng ‘đảng’ của ngày hôm nay là một ‘đảng của những tập đoàn lợi ích’, không còn là Đảng mà ông từng biết trước đây, trong những năm tháng cuối đời, ông liên tục lên tiếng chỉ trích đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản. Cùng lúc ông kêu gọi đa nguyên, đa đảng, đòi dân chủ, tự do và hạnh phúc cho người dân và độc lập cho đất nước.

Chẳng hạn, dù đang lâm trọng bệnh, ông vẫn chấp nhận trả lời phỏng vấn của BBC sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Hiến pháp sửa đổi. Trong cuộc phỏng vấn ấy ông nhận định rằng việc thông qua một bản Hiến pháp như vậy chứng tỏ ‘Quốc hội chỉ là bù nhìn chứ không có thực quyền, phản lại lợi ích quần chúng’.

Chuyện Quốc hội Việt Nam thông qua ‘một Hiến pháp đi ngược lại lòng dân, không có dân chủ, nhất là trong vấn đề ruộng đất’ cũng là ‘là giọt nước làm tràn ly’, khiến ông đi đến quyết định bỏ Đảng.

Trở thành biểu tượng dân chủ

Khi mạnh dạn, công khai lên tiếng đòi dân chủ, tự do, hạnh phúc cho dân, ông cũng đã trở thành một biểu tượng cho phong trào dân chủ trong nước.

image012

Ông Lê Hiếu Đằng đã từ bỏ Đảng Cộng sản

Việc nhiều giới – trong đó các nhân sỹ, trí thức và những ai muốn Việt Nam thay đổi – dành cho ông sự ủng hộ hay bày tỏ sự vui mừng, thán phục mỗi khi ông thẳng thắn đề cập đến các vấn nạn của Đất nước hay mạnh dạn kêu gọi giới lãnh đạo Việt Nam thay đổi và đặc biệt khi ông quyết định bỏ Đảng Cộng sản và kêu gọi thiết lập một chính đảng mới chứng minh điều đó.

Nhiều người đã bày tỏ lòng quý mến cũng như lo lắng khi biết ông lâm bệnh. Và chắc chắn trong những ngày tới sẽ có nhiều nhân sỹ, trí thức và những người đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam cũng như hải ngoại sẽ bày tỏ sự thương tiếc, cảm phục và biết ơn ông khi hay tin ông qua đời.

Với họ, trong những năm vừa qua ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cổ vũ dân chủ, tự do, nhân quyền ở Việt Nam. Là một quan chức với 40 năm là đảng viên, có nhiều đóng góp cho chế độ lại nắm rõ nội tình của Đảng, việc ông lên tiếng về các vấn đề đó và đặc biệt quyết định bỏ Đảng của ông chắc chắn đã và đang có nhiều tác động lớn đến phong trào dân chủ.

Đây cũng là điều làm cho giới lãnh đạo Việt Nam cảm thấy khó chịu vì nó còn có tác động rất lớn lên xã hội Việt Nam nói chung và ảnh hưởng đến vị thế, vai trò của Đảng nói riêng.

Việc các báo Đảng – như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân và Sài Gòn Giải phóng – đã mở một ‘chiến dịch’ công kích ông Đằng sau khi ông cho đăng bài viết ‘Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh’ và coi những suy nghĩ của ông là ‘những hành vi độc hại của một khuynh hướng tư tưởng sai lầm’ chứng minh điều đó.

Dẫn đến diễn biến hòa bình?

Quan trọng hơn Đảng Cộng sản sợ những tiếng nói và quyết định của ông Lê Hiếu Đằng vì những hành động như thế có thể làm các đảng viên khác phản tỉnh và ‘tự diễn biến’. Đây là một điều mà Đảng luôn lo sợ, thường cảnh báo, chỉ trích và tìm cách ngăn ngừa.

Với những kinh nghiệm từ Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây, có thể Đảng Cộng sản Việt Nam nhận ra rằng ‘đối tượng’ phá hoại Đảng lớn nhất, làm Đảng sụp đổ không phải đến từ bên ngoài mà ngay từ trong Đảng. Vì vậy, Đảng luôn sợ và tìm cách ngăn ngừa mọi ‘diễn biến hòa bình’.

"Chắc chắn nhiều người sẽ không quên ông – một người ‘Cộng sản’ đích thực và là một con người rất nặng lòng với Nhân Dân, với Dân tộc và với Đất nước."

Nếu nhìn lại những gì diễn ra tại Việt Nam trong những năm qua có thể thấy rằng Đảng có ‘lý’, có ‘cơ sở’ để lo sợ như vậy vì xem ra những tiếng nói đối lập trong Đảng hay từ những đảng viên, cựu quan chức ở Việt Nam có tác động lên xã hội Việt Nam nói chung và phong trào dân chủ nói riêng nhiều hơn những tiếng nói từ các nhân vật hay đảng đối lập Việt Nam ở hải ngoại.

Với Đảng Cộng sản – và đặc biệt đối với những lãnh đạo không muốn Việt Nam thay đổi – sự ‘phản tỉnh’ của đảng viên hay ‘tự diễn biến’ trong Đảng là một mối nguy, cần phải ngăn ngừa bằng mọi giá.

Nhưng đối với tiến trình dân chủ của Việt Nam nói chung và với những ai muốn đất nước tiến tới dân chủ, tự do, giàu mạnh đó có thể lại là một tín hiệu vui, đáng mừng. Chẳng hạn, những thay đổi của Miến Điện và những biến động ở các nước Ả Rập và Bắc Phi trong thời gian vừa qua cho thấy việc tự diễn biến không chỉ tốt cho Đất nước, cho Nhân dân mà còn có thể tốt cho cả Đảng./

‘Anh Đằng đã ra đi thanh thản’

BBC - thứ năm, 23 tháng 1, 2014

image013

Ông Lê Hiếu Đằng về cuối đời thường hay lên tiếng mạnh mẽ về những vấn đề của đất nước

Một người bạn lâu năm của ông Lê Hiếu Đằng, cựu phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua đời hôm 22/1, nói rằng ông Đằng ‘đã ra đi thanh thản’ vì ‘đã làm tròn bổn phận’.

Ông Hồ Ngọc Nhuận, người cũng là cựu phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP HCM như ông Đằng và là chiến hữu của ông Đằng trong phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh Sài Gòn trước năm 1975, nói với BBC hôm 31/1 rằng ‘tất cả mọi người (bạn bè thân hữu) đều thương tiếc ảnh (ông Đằng)’.

Ông Đằng sau khi về hưu đã trở thành một nhà bất đồng chính kiến thường hay lên tiếng chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam và đề xuất lập Đảng đối lập mặc dù ông có khoảng thời gian dài 40 năm cống hiến cho sự nghiệp của Đảng.

‘Tròn bổn phận’

“Ảnh ra đi thanh thản, bình an,” ông Nhuận nói, “Điều đó chứng tỏ ảnh thấy rằng ảnh đã làm xong bổn phận của một người công dân yêu nước bình thường.”

“Tôi chưa thấy người nào khi bệnh tật mà lại thanh thản như vậy,” ông Nhuận nói thêm và cho biết cách nay nửa tháng khi bạn hữu tổ chức họp mặt ở nhà ông Đằng thi ông Đằng ‘cũng đàn, ca với anh em’.

 “Ảnh không bao giờ có trăn trở, buồn phiền gì hết,” ông nói.

“Cách nay chừng 10 ngày hay tin ảnh trở bệnh nặng tôi có đến gặp ảnh. Ảnh không nói được nhiều nhưng có nhắn là chúng ta phải hết sức bình tĩnh, hết sức đoàn kết.”

“Ảnh không bao giờ nói về bệnh tật của mình,” ông nói thêm.

“Tôi nghĩ ảnh đã làm xong bổn phận của ảnh rồi và biết chắc những người còn lại, dù lại bạn bè lớn tuổi hay còn trẻ, thì con đường của ảnh họ sẽ tiếp tục đi theo,” ông Nhuận giải thích vì sao ông Đằng ‘ra đi thanh thản’.

Ông Nhuận cho biết ‘đến giờ chót’ khi ông Đằng đã đưa đến chỗ quàn thì ‘có mấy anh em vẫn còn ở đó với ảnh’.

“Tất cả những người đưa ảnh tôi tin chắc những người này đều nghĩ anh đã làm xong bổn phận của mình và sẽ tiếp tục con đường của a Đằng.”

‘Trước sau như một’

 

Lúc trên giường bệnh, ông Đằng đã ra quyết định từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhìn nhận về con người và sự nghiệp của ông Lê Hiếu Đằng, ông Nhuận cho rằng ông Đằng ‘là người trước sau như một’.

“Ảnh vì lý tưởng độc lập, tự do, dân chủ cho đất nước mà tranh đấu. Từ hồi mới 20 tuổi cho đến bây giờ 70 tuổi không bao giờ anh lơ là với lý tưởng đó hết,” ông cho biết.

“Trước đây ảnh cũng vì lý tưởng đó mà đi vô khu,” ông nói thêm, “Sau này Đảng mà ảnh đã vô đã phản bội lại lý tưởng của ảnh, của chính Đảng đó và lợi ích của dân tộc thì từ mấy chục năm nay ảnh thấy chuyện gì phản lại dân tộc, nhân dân thì ảnh luôn phản đối.”

“Anh bỏ ra đi (ra khỏi Đảng) và trở lại với nhân dân.”

Về cách ứng xử của chính quyền sau khi ông Đằng ra đời, ông Nhuận cho biết ‘cũng không làm khó dễ gì hết’.

“Trước khi tôi về (từ chỗ viếng ông Đằng ở Chùa Xá Lợi), có một phái đoàn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố đến viếng,” ông nói.

“Người như anh Đằng nên đưa vào Nhà Tang lễ ở chỗ Lê Quý Đôn (nơi làm tang lễ cho các cán bộ cao cấp của thành phố) để quàn, làm lễ truy điệu để người ta đến viếng.”

“Riêng đối với ông Đằng mọi người thấy rằng không nên về đó. Sau cùng gia đình và bạn bè quyết định đưa anh về Chùa Xá Lợi,” ông nói thêm.

Vì biết phản tích và biết chấp nhận tự diễn biến, giới tướng lãnh tại Miến Điện đã đưa đất nước này từ bỏ độc tài chuyển sang dân chủ mà người dân không đổ máu, mình có thể chính danh nắm quyền.

Trái lại, vì không biết phản tích, không tự diễn biến, Tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập bị truất phế, Đại tá Moammar Gaddafi của Libya phải chết bi thảm, nhục nhã và hai quốc gia này phải rơi vào xung đột, bất ổn.

Và nếu trong tương lai giới lãnh đạo Việt Nam tự diễn biến và có những thay đổi quan trọng, tích cực như ở Miến Điện hay khi Đất nước thực sự có dân chủ, tự do các thế hệ sau sẽ không quên ông và những đóng góp của ông.

Có thể ông ra đi chưa thực sự an lòng vì bao điều dang dở, vì sau bao năm tháng dấn thân cho lý tưởng, theo và phục vụ Đảng cuối đời thất vọng nhận ra rằng lý tưởng trong sáng, tốt đẹp ban đầu ấy không mang đến kết quả như mình mong muốn, theo đuổi. Nhưng chắc chắn nhiều người sẽ không quên ông – một người ‘Cộng sản’ đích thực và là một con người rất nặng lòng với Nhân Dân, với Dân tộc và với Đất nước.

Bài phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, hiện làm việc nghiên cứu tại Viện Global Policy, London.

21 Tháng Mười 2013(Xem: 48101)
Mời quí bạn đọc theo dõi bài viết của ông Bùi Tín dưới đây để thấy bức màn bí mật của lịch sử đảng CSVN từ từ hé lộ, điển hình là vụ Lê Đức Thọ tức Sáu búa hãm hại và hạ bệ Võ Nguyên Giáp bằng cách nào?
14 Tháng Mười 2013(Xem: 21545)
Dù ca ngợi vị Tướng quá cố là một ‘chiến lược gia quân sự tài ba’ nhưng theo ông McCain, các chiến công Tướng Giáp có được là nhờ vào một chiến lược kiên trì mà ông cùng với ông Hồ Chí Minh tin chắc là sẽ thành công.
07 Tháng Mười 2013(Xem: 16690)
Tòa án TP Hà Nội vừa tuyên án 30 tháng tù với luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân vì tội trốn thuế theo Điều 161 Bộ Luật Hình sự. Công ty của ông Lê Quốc Quân còn bị phạt 1,2 tỷ đồng, luật sư Trần Thu Nam, một trong các luật sư bào chữa cho ông Quân, nói với BBC.
01 Tháng Mười 2013(Xem: 19335)
* Tổ chức Phóng viên Không biên giới :Việt Nam hiện là nhà tù lớn thứ hai trên thế giới giam giữ các blogger, chỉ sau Trung Quốc.
23 Tháng Chín 2013(Xem: 18084)
Dư luận trong ngoài nước đang quan tâm việc ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ sớm thôi chức phó thủ tướng sau khi được bầu làm Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Tại Hội nghị Trung ương 7 hồi tháng Năm, ông Nhân được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản. Một luồng dư luận cho rằng với vị thế mới, ông là ứng viên hàng đầu cho chức Thủ tướng vào năm 2016.
23 Tháng Chín 2013(Xem: 18417)
Đến nay, những tuyên bố hùng hồn của Đảng Cộng sản Việt Nam khi lên nắm quyền, hứa hẹn thực hiện cải cách ruộng đất toàn diện, vẫn chỉ là những lời rỗng tuếch, và vấn đề đất đai vẫn chiếm phần lớn trong các khiếu kiện tới chính quyền trung ương, tạp chí Anh Bấm The Economist ấn bản Á châu ngày 16/3 có bài bình luận.
23 Tháng Chín 2013(Xem: 17671)
Tháng Mười Một 2012 tại Myanmar Tổng thống Obama phát biểu với sinh viên Đại học Yangon: “Các bạn đang đi theo hành trình với đầy triển vọng cho nhiều người khác bước theo.” Ông Obama muốn nhắn với lãnh đạo Hà Nội đấy. Ông không quên lời mời và 85 triệu dân Việt đâu.
18 Tháng Chín 2013(Xem: 17709)
Cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ Việt vào hôm 25/07 được xem là có tính hình thức và theo kịch bản có sẵn
11 Tháng Chín 2013(Xem: 19301)
Nếu Việt Nam chưa có đủ nhân tài, chưa có đủ chuyên gia, chưa đủ kỹ sư để xây cất, để khai thác, theo tôi, không nên làm điện hạt nhân, vô cùng nguy hiểm.
11 Tháng Chín 2013(Xem: 20061)
Tổng thống Nam Hàn được cho là đang tăng cường nỗ lực “ngoại giao bán hàng”.
28 Tháng Tám 2013(Xem: 17463)
Một “triển vọng” đang ngày càng rõ dần là bối cảnh xã hội Việt Nam đang gần hoàn tất giai đoạn vận động thứ hai của nó, nếu lấy mốc từ thời điểm mở cửa kinh tế những năm 1990. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Phạm Chí Dũng từ TP Hồ Chí Minh./
28 Tháng Bảy 2013(Xem: 17888)
Thường phải mất nhiều tháng để tổ chức các chuyến viếng thăm cho lãnh đạo quốc gia, nhưng chuyến đi Washington của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sắp tới chỉ được thông báo trước một thời gian rất ngắn và ngay sau cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, rõ ràng là gây sốc.
18 Tháng Bảy 2013(Xem: 19722)
Các nguồn tin thân cận với hồ sơ, ngày hôm qua, 10/07/2013, cho AFP biết, tổng thống Barack Obama mời Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang công du Hoa Kỳ vào cuối tháng Bẩy.
04 Tháng Bảy 2013(Xem: 17076)
Lực lượng đối lập trong nước của Việt Nam hiện nay vừa yếu vừa không có sức mạnh, trong khi đảng cộng sản đang không có đối thủ và có thể sẽ giữ vững quyền lực trong nhiều thập kỷ nữa, theo một quan chức trong ngạch giảng dạy cao cấp của Đảng.
03 Tháng Bảy 2013(Xem: 17211)
Đang có sự liên kết ngày càng tăng giữa các nhóm đấu tranh chống Đảng Cộng sản ở trong và ngoài nước, theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Quân, nhà hoạt động dân chủ ở hải ngoại, thành viên trung ương Đảng Việt Tân.
26 Tháng Sáu 2013(Xem: 19641)
Vào ngày Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, kết thúc chuyến thăm Mỹ của mình, các nguồn tin hai bên cho biết thêm chi tiết về chuyến đi.
26 Tháng Sáu 2013(Xem: 16586)
Phái đoàn quân đội Việt Nam (tướng Đỗ Bá Tỵ - hai phải sang) tham quan máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster III, căn cứ Joint Base Lewis-McChord, tiểu bang Washington, 19/06/2013.
23 Tháng Sáu 2013(Xem: 18904)
Đánh giá các vụ bắt blogger tại Việt Nam, có ý kiến rằng phái 'thân Mỹ' trong nội bộ ban lãnh đạo Việt Nam đã bị qua mặt bởi phe phái muốn tìm kiếm ơn huệ từ Trung Quốc.
23 Tháng Sáu 2013(Xem: 20143)
8 giờ 35 phút sáng ngày thứ Ba 11/6, kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn đã được công bố trước Quốc hội. Theo thể thức bình chọn, kết quả bỏ phiếu được chia thành 3 loại: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Người dẫn đầu về số phiếu “tín nhiệm cao” là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc Hội, được 372 trên tổng số 492 đại biểu tín nhiệm.
17 Tháng Sáu 2013(Xem: 18740)
Trung tướng Thứ trưởng Quốc Phòng CSVN Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh.