Sang qua Mỹ bàn dân chủ cứu Đảng

18 Tháng Bảy 201312:00 SA(Xem: 19688)

RFI Thứ năm 11 Tháng Bẩy 2013

Tổng thống Obama mời Chủ tịch nước Việt Nam công du Hoa Kỳ

ct_nuoc_truong_tan_sang

Chủ Tịch Trương Tấn Sang

RFI

Các nguồn tin thân cận với hồ sơ, ngày hôm qua, 10/07/2013, cho AFP biết, tổng thống Barack Obama mời Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang công du Hoa Kỳ vào cuối tháng Bẩy. Chuyến công du Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tập trung vào việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai bên. Đây sẽ là lần thứ hai, một nguyên thủ Việt Nam thăm nước Mỹ, kể từ khi Hà Nội và Washington bình thường hóa quan hệ song phương.

obama_trang_tan_sang_cung_phu_nha

Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng phu nhân, bà Michelle Obama chụp hình kỷ niệm với Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và phu nhân, bà Mai Thị Hạnh, tại Thượng đỉnh APEC tại Hawaï ngày 12/11/2011.

REUTERS/Larry Downing

Hai nguồn tin thân cận với hồ sơ, xin ẩn danh cho biết, ông Trương Tấn Sang sẽ tới Nhà Trắng vào tuần cuối cùng của tháng Bẩy này.

Cho đến tối hôm qua, Nhà Trắng cũng như đại sứ quán Việt Nam tại Washington không muốn bình luận gì về thông tin này.

Theo giới quan sát, Hoa Kỳ muốn tăng cường quan hệ với chế độ cộng sản Việt Nam, vốn là cựu thù, và với Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN. Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, hầu như không có gì trong những năm 1990, hiện đã lên tới 20 tỷ đô la.

Về phần mình, Việt Nam mong muốn phát triển hợp tác quân sự với Hoa Kỳ vào lúc các nước ASEAN tố cáo Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.

Tổng thống Mỹ Bill Clinton, người tiến hành bình thường hóa bang giao song phương, đã thực hiện một chuyến công du hòa giải lịch sử với Việt Nam năm 2000. Tổng thống George Bush đã sang Việt Nam nhân dịp Thượng đỉnh APEC được tổ chức tại Hà Nội năm 2006. Năm 2007, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết sang thăm Hoa Kỳ.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã sang Việt Nam hồi tháng Bẩy 2012. Tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết ông cũng có ý định thăm Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc phát triển phát triển quan hệ giữa Washington và Hà Nội thường bị một số nghị sĩ tại Quốc hội Hoa Kỳ chỉ trích mạnh mẽ. Những người này cho rằng vấn đề nhân quyền tại Việt Nam đã bị gạt xuống hàng thứ yếu./

Bàn về chuyến đi Mỹ của Chủ tịch Sang

Carlyle A. Thayer

Giáo sư Danh dự, Học viện Quốc phòng Australia, Canberra.

Cập nhật: 09:57 GMT - thứ năm, 11 tháng 7, 2013

truong_tan_sang_tap_can_binh

Chuyến thăm TQ của ông Sang làm cho Mỹ đổi thái độ?

Hồi đầu tháng Sáu, Thủ tướng Việt Nam tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore rằng Việt Nam muốn thiết lập quan hệ chiến lược với tất cả năm thành viên thường trực của Liên Hiệp Quốc.

Tới nay Việt Nam đã có quan hệ chiến lược với Trung Quốc, Nga và Anh.

Giờ Việt Nam phát tín hiệu rằng họ muốn nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và Pháp.

Vào giữa năm 2010 khi Ngoại trưởng Hillary Clinton thăm Hà Nội, bà tuyên bố rằng đã có đủ điều kiện để đưa quan hệ song phương Hoa Kỳ-Việt Nam lên tầm cao mới.

Nhưng, bà cảnh báo, trước hết Việt Nam cần cải thiện về nhân quyền. Kể từ chuyến thăm của bà Clinton, tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã xấu đi, nhất là trong nửa đầu năm nay.

Vào cuối năm 2011, các nhà ngoại giao ở Hà Nội nói đàm phán về quan hệ chiến lược đã bị đình trệ vì chuyện vấn đề nhân quyền cần được đề cập tới như thế nào trong dự thảo.

Phía Hoa Kỳ muốn có một điều khoản riêng về nhân quyền trong khi Việt Nam muốn nhân quyền chỉ nằm trong điều khoản nói về quan hệ chính trị.

Tới cuối năm 2012, Hoa Kỳ bất ngờ rút khỏi đối thoại nhân quyền thường niên với Việt Nam.

Đối thoại được nối lại đầu năm nay nhưng không có cải thiện nhân quyền đáng chú ý nào.

Hồi tháng Sáu, hai quan chức cao cấp của chính quyền Obama điều trần trước Quốc hội về quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam và cả hai đều nhấn mạnh rằng cần phải có những thay đổi tích cực về nhân quyền ở Việt Nam.

Chính vì thế tin được hãng thông tấn Pháp AFP đưa hôm 11/7 rằng Tổng thống Barack Obama đã mời người tương nhiệm Trương Tấn Sang thăm Washington vào cuối tháng là điều ít nhiều gây ngạc nhiên.

Hai ngày trước đó Việt Nam tuyên bố hoãn phiên xử của nhân vật bất đồng chính kiến có liên hệ với Hoa Kỳ, ông Lê Quốc Quân.

Hai bên cùng lợi

Tại sao Hoa Kỳ lại có vẻ thay đổi quan điểm về nhân quyền và mời chủ tịch Việt Nam tới thăm Hoa Kỳ? Câu trả lời có thể nằm ở chính sách tái cân bằng và tiến triển gần đây trong quan hệ Việt - Trung theo sau chuyến thăm của ông Sang tới Bắc Kinh.

Việt Nam cũng đang tìm cách cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Hà Nội đã vận động trong ít nhất một năm trở lại đây để Tổng thống Obama tới thăm. Hồi tháng Sáu, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng quân đội thăm Washington cùng phái đoàn cao cấp.

"Có lẽ mục tiêu của Việt Nam là đẩy mạnh quan hệ trong những tháng tới để Tổng thống Obama có thể có chuyên thăm bên lề tới Việt Nam nơi hai nước sẽ ký hiệp định hợp tác chiến lược."

Liệu cả hai phía đã đồng ý được về một sự trao đi đổi lại?! Việt Nam có thể đang tìm cách đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ trong khi Washington muốn thâm nhập sâu thêm vào Việt Nam.

Một số nhà lãnh đạo Việt Nam dường như đã kết luận rằng nếu bế tắc trong quan hệ với Hoa Kỳ không được khai thông, họ sẽ không có nhiều con bài trong quan hệ với Trung Quốc.

Việt Nam muốn Hoa Kỳ xóa bỏ các hạn chế trong Quy định về Buôn bán Vũ khí Quốc tế (ITAR) mà theo đó hiện nay Việt Nam chỉ được phép mua vũ khí không sát thương tùy từng trường hợp. Mặc dù vậy, quy định này có lẽ sẽ không được xóa bỏ.

Nhưng gần đây ITAR cũng đã được sửa đổi và cho phép bán các công nghệ và thiết bị lưỡng dụng (quân-dân sự).

Khó mà có thể đoán được sự thay đổi cách nhìn của Hoa Kỳ đối với ITAR nhưng điều chắc chắn hơn là Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam trong cam kết đầu tiên của họ đối với sứ mệnh gìn giữ hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công bố quyết định tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại đối thoại Shangri-La.

Chuyến thăm của ông Sang tới Hoa Kỳ là một phần cố gắng của Hà Nội nhằm có được hiệp định hợp tác chiến lược với Washington.

Tổng thống Obama sẽ cố gắng để có được những cam kết thêm nữa từ phía Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ kinh tế thông qua Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương.

Chuyến thăm của Chủ tịch Sang hứa hẹn sẽ đưa quan hệ Việt - Mỹ lên tầm cao mới trước Thượng đỉnh Á Đông tại Brunei vào tháng Mười năm nay.

Có lẽ mục tiêu của Việt Nam là đẩy mạnh quan hệ trong những tháng tới để Tổng thống Obama có thể có chuyến thăm bên lề tới Việt Nam nơi hai nước sẽ ký hiệp định hợp tác chiến lược.

Việt Nam sẽ được lợi vì hiệp định được ký trên đất của họ trong khi Hoa Kỳ cũng có lợi vì Tổng thống Obama sẽ tới Đông Nam Á thúc đẩy chiến lược tái cân bằng./

VN 'không đáng' được ông Obama mời

BBC Cập nhật: 15:23 GMT - thứ tư, 17 tháng 7, 2013

tt_obama

Ông Roylance nói VN chưa đáng được ông Obama mời

Cây bút của một tổ chức vận động tự do chính trị của Mỹ, Freedom House, nói rằng Việt Nam chưa đạt được tiến bộ nào về nhân quyền để đáng được mời vào Nhà Trắng và kêu gọi Hoa Kỳ tăng sức ép với Hà Nội về quyền con người.

Trong bài viết mang tựa đề 'Lời mời Không xứng gửi tới Việt Nam từ Nhà Trắng', ông Tyler Roylance nói khác với nhiều đối tác khác của Hoa Kỳ ở châu Á, Việt Nam vẫn là một nước độc đảng và chưa làm gì nhiều để đáng được Tổng thống Hoa Kỳ mời tới.

Ông Roylance nói một trong những trọng tâm của hội đàm giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng hôm 25/7 sẽ là tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông.

Việt Nam, theo ông Roylance, có thứ hạng về nhân quyền kém nhất trong số các nước đang tranh chấp với Trung Quốc theo bảng xếp hạng của Freedom House cho năm 2013.

'Ngoại giao thiển cận'

Biên tập viên của Freedom House nói nhiều người có thể cho rằng Hoa Kỳ cần phải ủng hộ các nước nhỏ hơn trong tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc cho dù các nước đó có dân chủ hay không.

Nhưng ông Roylance Bấm bình luận:

"Một vấn đề với cách tiếp cận này [không gắn nhân quyền với kinh tế và quốc phòng] là về cơ bản nó gắn Hoa Kỳ với chế độ hiện nay ở Việt Nam và lờ đi nguyện vọng của người dân Việt Nam.

"Một vấn đề với cách tiếp cận này [không gắn nhân quyền với kinh tế và quốc phòng] là về cơ bản nó gắn Hoa Kỳ với chế độ hiện nay ở Việt Nam và lờ đi nguyện vọng của người dân Việt Nam."

Tyler Roylance - Biên tập viên của Freedom House

"Hoa Kỳ đã từng nhiều lần trả giá đắt cho kiểu ngoại giao thiển cận này."

Mặt khác, ông Roylance nói, vấn đề nghiêm trọng hơn là cách tiếp cận như vậy sẽ khiến chính sách Chuyển trọng tâm sang châu Á của Hoa Kỳ bị xem là cố gắng cân bằng [tương quan lực lượng] mà không có giá trị đạo đức và ý thức hệ.

"Nó sẽ làm tăng tính thuyết phục cho cách giải thích mang tính dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc mà theo đó Hoa Kỳ cấu kết một cách ích kỷ với các đồng minh trong vùng nhằm vây quanh Trung Quốc để ngăn cản sự trỗi dậy và quyền lực quốc tế của nước này.

"Điều này sẽ khiến người dân Trung Quốc ủng hộ các nhà lãnh đạo độc đoán của họ bất chấp những lời ta thán của họ dưới chế độ đảng trị."

Ông Roylance nói chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ sẽ có cơ sở vững chắc hơn và "đi theo lề phải của lịch sử" nếu họ cam kết mạnh hơn với các khát vọng dân chủ của người dân trong vùng bao gồm cả Việt Nam và Trung Quốc.

Theo nhà theo dõi nhân quyền này, các mối quan hệ song phương của Hoa Kỳ sẽ ổn định và bền vững hơn nếu tiến triển trong lĩnh vực kinh tế và quốc phòng được gắn với tiến bộ về dân chủ.

Ông xem chuyến đi sắp tới của Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ là cơ hội để Washington dùng những giá trị dân chủ lâu đời để chứng minh cho tính chính danh của chính sách Chuyển trọng tâm sang châu Á của mình.

Báo cáo hàng năm của Freedom House, tổ chức ra đời năm 1941 với trụ sở ở Washington DC, vẫn xếp Việt Nam vào diện 'Không tự do'./

 

RFI Thứ hai 15 Tháng Bẩy 2013

Phát triển quan hệ Mỹ-Việt : Thời cơ đang thuận lợi

john_kerry_pham_binh_minh

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (P) gặp Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh nhân một cuộc họp của khối ASEAN tại Bandar Seri Begawan (Brunei) ngày 02/07/2013.

REUTERS/Jacquelyn Martin

Trọng Nghĩa

Bang giao Mỹ-Việt đang có những chuyển động đáng chú ý với sự kiện nổi bật vừa được xác nhận : Nhà Trắng sẽ đón chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vào ngày 25/07/2013. Chuyến đi này được cho là thời cơ thuận lợi để Việt Nam tăng cường quan hệ với Mỹ, nhất là trong lãnh vực an ninh quốc phòng vào lúc Washington tỏ rõ trở lại thái độ quan ngại trước các hành động o ép láng giềng – trong đó có Việt Nam - mà Bắc Kinh vẫn tiến hành ở Biển Đông.

Hôm 11/07/2013, do một trùng hợp ngẫu nhiên hay tính toán ngoại giao kỹ lưỡng, Nhà Trắng Hoa Kỳ cùng lúc chính thức nêu bật thái độ quan tâm đến vùng châu Á với thông báo về việc Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đón tiếp chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, bên cạnh cảnh báo Trung Quốc là không nên sử dụng các biện pháp cưỡng ép hay hù dọa trong tranh chấp biển đảo với các lân bang.

Trong bản thông cáo về chuyến công du của ông Trương Tấn Sang, Thư ký Báo chí phủ Tổng thống Mỹ đã nêu bật nội dung các vấn đề sẽ được hai bên bàn bạc nhân cuộc gặp thượng đỉnh ngày 25/07 tại Nhà Trắng : « Cách thức tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác (song phương) về các vấn đề chiến lược trong khu vực và tăng cường hợp tác với ASEAN ; nhân quyền ; những thách thức đang nổi lên như biến đổi khí hậu ; và tầm quan trọng của việc hoàn tất một thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương với tiêu chuẩn cao ».

Trong cùng một ngày, Nhà Trắng cũng công bố bản lược ghi về phát biểu của Tổng thống Obama trong buổi hội kiến đặc biệt với Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc đặc trách đối ngoại Dương Khiết Trì, nhân dịp hai nhân vật này đến Washington đồng chủ trì cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung thường kỳ.

Đáng chú ý trong các vấn đề được nêu lên với hai lãnh đạo Trung Quốc là lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ đối với Bắc Kinh liên quan đến việc giải quyết tranh chấp biển đảo tại châu Á : « Tổng thống (Hoa Kỳ) thúc giục Trung Quốc xử lý các tranh chấp trên biển với các láng giềng một cách hòa bình, không dùng đến các biện pháp cưỡng ép hay hù dọa ».

Động thái của Hoa Kỳ quan tâm trở lại đến Biển Đông đã được giới quan sát đặc biệt chú ý vì lẽ một vài tháng sau khi Ngoại trưởng John Kerry lên thay thế bà Hillary Clinton, ngành ngoại giao Mỹ như đã có dấu hiệu tương đối lơ là khu vực Đông Nam Á trước sức ép của các hồ sơ nặng ký khác như các hành động hung hăng của Bắc Triều Tiên, tình hình căng thẳng Trung-Nhật trên Biển Hoa Đông, và nhất là các vấn đề nóng bỏng tại vùng Trung Cận Đông.

Một loạt những cuộc tiếp xúc cấp cao Mỹ Việt trong hai tháng

Riêng đối với Việt Nam, sau một vài tháng im ắng, Hoa Kỳ đã có những biểu hiện tích cực hơn, với những cuộc gặp song phương giữa các lãnh đạo bên lề các hội nghị khu vực.

Cụ thể là vào ngày 31/05/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng bên lề Đối thoại Shangri-la tại Singapore. Theo các nguồn tin báo chí, trong số những hồ sơ được hai bên đề cập đến, có vấn đề quan hệ quốc phòng quân sự Mỹ-Việt.

Quan hệ giữa hai quân đội sau đó cũng đã được Tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam bàn bạc với phía Mỹ vào hạ tuần tháng Sáu 2013, nhân dịp Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ được tiếp đón tại Lầu Năm Góc Mỹ. Được biết là tháp tùng theo tướng Đỗ Bá Tỵ nhân chuyến ghé thăm Lầu Năm Góc đầu tiên của một người đứng đầu Quân đội Nhân dân Việt Nam, còn có hai lãnh đạo cao cấp ngành Tình báo Quân đội và Hải quân Việt Nam.

Trên bình diện ngoại giao cũng thế, đầu tháng Bẩy 2013, như thông lệ từ thời cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, ông John Kerry đã đến Brunei tham gia các Hội nghị Ngoại trưởng thường niên do khối ASEAN tổ chức. Và cũng như thông lệ từ thời bà Clinton, cùng với năm đồng nhiệm Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Thái Lan và Miến Điện, tân Ngoại trưởng Mỹ đã tham gia liên tiếp hai cuộc họp của nhóm Sáng kiến vùng Hạ nguồn Mêkông (Lower Mekong Initiative) và nhóm Bạn của khối Sáng kiến vùng Hạ nguồn Mêkông (Friends of Lower Mekong Initiative), được tổ chức bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Đông Nam Á.

Riêng đối với Việt Nam, ngày 02/07/2013, bên lề hội nghị ngoại trưởng của Diễn đàn An ninh Khu vực ARF ở Brunei, ông John Kerry đã có cuộc hội đàm riêng với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh để thảo luận về các vấn đề song phương cũng như khu vực và thế giới. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ còn cho biết là sắp tới đây, ông sẽ công du Việt Nam.

Chủ tịch Việt Nam đến Nhà Trắng vào lúc Mỹ tái khẳng định mối quan tâm đến Biển Đông

ct_nuoc_truong_tan_sang

Chuyến công du Hoa Kỳ sắp tới đây của chủ tịch nước Việt Nam phải được lồng vào trong bối cảnh Washington tái khẳng định mối quan tâm đối với khu vực Đông Nam Á, với tình hình ổn định ngoài Biển Đông nói chung, và với Việt Nam nói riêng như kể trên.

Theo ghi nhận của giáo sư Ngô Vĩnh Long, thường xuyên theo dõi các vấn đề quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và Trung Quốc, đặc biệt trong tương quan với hồ sơ tranh chấp Biển Đông, lúc này, Việt Nam đang có thời cơ thuận lợi để củng cố thêm quan hệ với Mỹ nhằm giải tỏa sức ép của Bắc Kinh, đặc biệt nặng nề trên vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Long trước hết nêu bật vi trí địa lý chiến lược quan trọng của Việt Nam trong chính sách xoay trục qua châu Á Thái Bình Dương đang được chính quyền Obama triển khai.

« Vùng Đông Nam Á rất quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Về dân số, Việt Nam lại là nước lớn thứ hai, thứ ba, và là một nước có lãnh thổ, lãnh hải dài nhất trong khu vực Biển Đông. Cho nên khi Mỹ muốn ‘xoay trục’, hay là có một chính sách tích cực hơn ở Á Đông, thì nhất định vai trò của Việt Nam rất quan trọng đối với Mỹ và các nước ở Á Châu… »

Trung Quốc đang trong thế cần đến Mỹ

Cho dù trong những tháng qua, Hoa Kỳ đã liên tiếp tung tín hiệu cho thấy chủ trương thiết lập một quan hệ hòa hoãn hơn với Trung Quốc - mà biểu hiện rõ nhất là cuộc họp thượng đỉnh Obama-Tập Cận Bình thượng tuần tháng Sáu vừa qua tại California - giáo sư Long cho rằng Việt Nam cần tranh thủ thực tế có thể gọi là « Trung Quốc cần Mỹ » vào lúc này để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ với Hoa Kỳ. Ông giải thích :

« Hiện nay Trung Quốc « quậy » rất nhiều ở Biển Đông, và trong khu vực, làm cho hầu hết các nước Á châu lo ngại, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ như Nhật, Philippines, và cả Thái Lan, nước gần gũi với Trung Quốc. Gần đây, Indonesia cũng tỏ ra lo ngại.

Trong bối cảnh này và trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang bị khó khăn - GDP đang xuống, xuất khẩu chậm lại, đặc biệt đối với Mỹ và Châu Âu - Bắc Kinh cần có quan hệ tốt với Mỹ, vì vậy khó mà bắt nạt các nước khác muốn có quan hệ tốt với Mỹ.

Nếu Việt Nam muốn có quan hệ tốt với Mỹ, và Mỹ muốn có quan hệ tốt với Việt Nam, thì những động thái khiêu khích của Trung Quốc sẽ không có lợi cho họ.

Thật ra từ 2008 đến nay, Hoa Kỳ rất kiên nhẫn với Trung Quốc. Một trong những lý do là vì Hoa Kỳ phải từ từ lo về vấn đề kinh tế trong nước. Hiện nay, kinh tế Mỹ đang hồi phục, mà có thể nói là trong các nước phát triển kinh tế Mỹ đang hồi phục tốt hơn các nước khác.

Mỹ bắt đầu rảnh tay để nghĩ đến châu Á

Lý do thứ hai là Mỹ bận tay ở Trung Đông, đặc biệt là ở Afghanistan. Tôi nghĩ bây giờ là Mỹ đã quyết định rút sớm khỏi Afghanistan. Vì Mỹ có thể rút khỏi Trung Đông, hay dàn xếp được các vấn đề Trung Đông, Mỹ sẽ rảnh tay lo vấn đề Á Châu.

Do đó, Mỹ bây giờ muốn nói với các đồng minh của mình, cũng như với Trung Quốc là Mỹ muốn có ổn định trong khu vực, để khu vực phát triển và điều đó sẽ có lợi cho Mỹ. Nếu Trung Quốc quá khích, Mỹ phải nói rõ cho Trung Quốc biết.

Gần đây Trung Quốc đã quá khích, cho nên tôi nghĩ rằng Mỹ muốn răn đe Trung Quốc, nói rằng ‘anh làm như thế thì lợi ích của tất cả mọi người trong khu vực sẽ bị khó khăn’. »

Xin nhắc lại là hôm 11/07 vừa qua, chính Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có tuyên bố thẳng thắn với Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và lãnh đạo ngành đối ngoại Trung Quốc Dương Khiết Trì, theo đó Bắc Kinh không nên có biện pháp « cưỡng ép hay hù dọa » đối với các nước đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.

Để châu Á đừng tưởng lầm là Mỹ 'đi đêm' với Trung Quốc

Theo giáo sư Long cho rằng mục tiêu của Washington khi lưu ý Bắc Kinh về tranh chấp biển đảo là nhằm xóa bỏ cảm giác sai lầm của các nước khác tưởng rằng Mỹ « đi đêm » với Trung Quốc.

« Hoa Kỳ không muốn cứng rắn, mà cũng không muốn dọa nạt Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc lại muốn Hoa Kỳ có quan hệ đặc biệt với Trung Quốc, và chứng tỏ quan hệ đó với Trung Quốc.

Trung Quốc đã đe dọa Philippines, gây thêm căng thẳng như bắn vào tàu cá Việt Nam hai, ba lần từ đó đến nay, nếu Mỹ im lặng thì các nước khác trong khu vực và các đồng minh của Mỹ tưởng là Mỹ bây giờ đã 'đi đêm' với Trung Quốc, đã đồng ý là có quan hệ đặc biệt với Trung Quốc, không có lợi cho các nước khác trong khu vực, nhất là các nước nhỏ như Philippines, Việt Nam v.v...

Thành ra Mỹ bắt buộc phải nói rõ cho mọi người biết - hay là muốn chứng minh - là không có việc đó, không có việc đi đêm với Trung Quốc, rằng nếu Trung Quốc muốn có quan hệ tốt với Mỹ, thì cũng phải để cho các nước khác có quan hệ tốt với Mỹ… »

Chính sách xoay trục không thay đổi

Đối với giáo sư Long mối quan tâm của Chính quyền Mỹ hiện nay đối với châu Á và Đông Nam Á vẫn cao, không có gì thay đổi so với thời bà Hillary Clinton làm Ngoại trưởng. Riêng Việt Nam còn có thêm hai yếu tố thuận lợi là cả Ngoại trưởng lẫn bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hiện thời đều là những nhân vật rất có thiện cảm với Việt Nam :
« Để có thể rảnh tay để tăng cường quan hệ với Đông Nam Á hay là với khu vực Á Châu, Mỹ phải giải quyết các vấn đề khác, những vấn đề cần giải quyết nhanh như ở Trung Đông, hay là một số vấn đề khó khăn với các đồng minh ở Âu Châu - mà Châu Âu bao giờ đối với Mỹ cũng là quan trọng hàng đầu.

Tại Á Châu thì có Nhật. Có lúc Mỹ không lưu ý đến Nhật nhưng bây giờ do vấn đề Nhật Bản căng thẳng với Trung Quốc, Mỹ phải lưu ý đến vấn đề khó khăn của Nhật cũng như khó khăn của Á Châu.

Theo tôi, chính sách của Mỹ, nếu nói trước sau như một thì không đúng, nhưng có bài bản. Chính sách xoay trục qua Á Châu đã được phân tích kỹ trong nhiều năm, chứ không phải là mới...

Nhưng phải nhớ rằng Kerry là người có quan hệ rất tốt đối với Việt Nam trong nhiều năm và đã cùng với nhiều người khác thúc đẩy vấn đề mở cửa với Việt Nam.

Ngoài ra còn có Chuck Hagel. Ông Chuck Hagel cũng là một người ngày xưa đi lính bên Việt Nam, cũng lưu ý đến Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Khi hai người, một ngoại trưởng và một bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ đang nhậm chức có quan hệ tốt với khu vực Đông Nam Á, tôi nghĩ rằng chính sách của Mỹ không những không thay đổi, mà sẽ phát triển thêm.

Ông Hagel đã đi dự Đối thoại Shangri-la và đã có một số tuyên bố mà theo tôi, mặc dầu cẩn thận, nhưng rõ ràng là nói cho mọi người biết là chính sách của Mỹ không thay đổi. »

Chủ tịch nước Việt Nam phải cố tranh thủ công luận Hoa Kỳ

Trong bối cảnh như kể trên, Việt Nam cần phải khéo tranh thủ thời cơ thuận lợi, thúc đẩy cho quan hệ Việt-Mỹ được tiến triển thêm nhân chuyến đi thăm sắp tới đây của chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Giáo sư Long đặc biệt lưu ý đến nhu cầu tranh thủ được công luận Hoa Kỳ :

« Trước hết ông Trương Tấn Sang là người có trách nhiệm về Quốc phòng Việt Nam, thì lẽ dĩ nhiên chính phủ Mỹ sẽ chú trọng đến việc này. Tôi nghĩ đây là một cái bước thêm vào quan hệ quốc phòng hai nước.

Nhưng theo tôi, là một nguyên thủ quốc gia, ông Sang nên tiến thêm một số bước nữa trong quan hệ kinh tế với Mỹ, và trong các lãnh vực khác. Tôi nghĩ rằng ông Trương Tấn Sang có thể bàn thêm với Mỹ về hồ sơ nhân quyền, và chứng minh với dân chúng Mỹ - vì đây là cơ hội rất tốt - rằng Việt Nam là một nước tôn trọng nhân quyền.

Bởi vì trong vấn đề ngoại giao, thì ngoài ngoại giao giữa hai nước, còn có ngoại giao nhân dân, mà Mỹ là nước dân chủ, cho nên sức ép hay sự ủng hộ của nhân dân rất quan trọng đối với chính phủ Mỹ trong vấn đề ngoại giao.

Thành ra nếu một nguyên thủ, một lãnh tụ nước ngoài khi đến nước Mỹ mà có thể chinh phục được sự ủng hộ của dân chúng Mỹ, thì sẽ là một việc rất quan trọng, không những cho Việt Nam, mà còn cho cả khu vực...

Việt Nam, như chúng ta mới vừa nói, là nước lớn thứ nhì, thứ ba trong khu vực, cho nên phải tỏ rõ vai trò lãnh đạo của mình hay ít ra là vai trò thúc đẩy quan hệ tốt hơn cho khu vực. »

Tóm lại đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyến đi thăm Nhà Trắng của nguyên thủ Nhà nước Việt Nam săp tới đây có thể được coi là một thành công của ngành ngoại giao Việt Nam. Do tình hình đặc thù của Việt Nam, vấn đề là toàn thể giới lãnh đạo tại Hà Nội phải thống nhất được ý kiến trên sự cần thiết phải tăng cường quan hệ với Mỹ.

Theo giới phân tích, nếu chuyến đi thăm Mỹ của chủ tịch nước Trương Tấn Sang thành công, khả năng Tổng thống Mỹ Barack Obama đi thăm Việt Nam trong thời gian ngắn sắp tới đây là một điều có thực./

06 Tháng Tám 2014(Xem: 19480)
Chỉ trong vòng 4 năm, từ 2008 đến cuối 2012, tổng lượng vàng tại hai nhà máy khai thác vàng lớn nhất nước ở Quảng Nam là Bồng Miêu và Đắk Sa của Tập đoàn Besra Việt Nam đã đào được hơn 4,430 tấn vàng. Số vàng đã bán hết, vậy tiền đâu?
04 Tháng Tám 2014(Xem: 15649)
Các nhà lập pháp Mỹ không buông lơi sức ép nhằm ngăn chặn các hành vi quá đáng của Trung Quốc tại hai vùng Biển Đông và biển Hoa Đông. Chỉ ít lâu sau khi Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua nghị quyết lên án Bắc Kinh, đến lượt Hạ viện sẽ ra nghị quyết theo cùng một chiều hướng.
31 Tháng Bảy 2014(Xem: 15639)
Ngày 20/07/1954, Hiệp định Genève được chính thức ký kết nhằm chấm dứt cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và tái lập hoà bình tại Đông Dương. Hiệp định này đã thừa nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng dù là một bên ký vào Hiệp định, ngay từ thời đó, Trung Quốc đã tìm cách lợi dụng Việt Nam và nuôi dã tâm phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
28 Tháng Bảy 2014(Xem: 15558)
Theo Kiểm toán Nhà nước, các ngân hàng thương mại góp vốn, mua cổ phần trong giới hạn cho phép theo quy định của ngân hàng nhà nước nhưng hiệu quả đầu tư thấp, một số khoản đầu tư chưa thu được lợi nhuận. Không những vậy nhiều khoản đầu tư bị suy giảm giá trị. Điển hình như, một số khoản đầu tư của Agribank đã suy giảm 60% giá trị đầu tư: khoản đầu tư vào Công ty CP đầu tư Vietnamnet suy giảm 68% giá trị; Công ty CP Vận tải Vinaconex 72%; Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 trên 85%; Công ty CP Tập đoàn CMC 90,4%.
25 Tháng Bảy 2014(Xem: 17760)
Hệ thống radar thụ động Vera do Czech sản xuất thuộc loại tiên tiến nhất thế giới Việt Nam trở thành nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất từ CH Czech, với ngân sách lên tới 58 triệu đôla năm 2013.
22 Tháng Bảy 2014(Xem: 16540)
TTO - Khi chuyến bay VN1270 hạ cánh xuống sân bay Thanh Hóa, tổ bay đang cho khách rời máy bay vào nhà ga thì hành khách Phạm Ninh Minh ngồi ghế 29G đã tự ý mở cửa thoát hiểm số 3L của máy bay.
17 Tháng Bảy 2014(Xem: 15827)
Nguyễn Xuân Diện: 06h sáng nay, tôi báo cáo với Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh về tình hình Biển Đông: Nửa đêm qua, Trung Cộng đã rút giàn khoan ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã nhận định và bình luận như sau: Trung Quốc rút giàn khoan tại thời điểm này không phải là họ từ bỏ dã tâm độc chiếm Biển Đông, xâm lược Việt Nam; cũng không phải do cơn bão Rammansun. Họ rút giàn khoan vì biết Hội nghị trung ương sắp triệu tập để bàn riêng về tình hình Biển Đông và quyết định có kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không.
15 Tháng Bảy 2014(Xem: 17054)
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton dự kiến trở lại Việt Nam tuần này trong một phần chuyến thăm châu Á với chủ đề phòng chống HIV/AIDS. Trong chuyến thăm một ngày, ông Clinton sẽ thăm một trại trẻ mồ côi ở ngoài Hà Nội hôm 18/7 để chứng kiến chương trình ngăn ngừa bệnh lao ở trẻ em nhiễm HIV.
13 Tháng Bảy 2014(Xem: 15643)
Dân biểu Loretta Sanchez ra thông cáo báo chí, chống đối việc Hoa Kỳ thương thuyết Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP, với Việt Nam. Dân biểu Sanchez, Đồng Chủ Tịch Ủy ban An ninh Quốc Nội và thành viên Ủy Ban kinh tế Lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ, đã góp tiếng cùng một số nhà lập pháp Mỹ khác, phản đối những hành động vi phạm nhân quyền của Việt Nam, và vai trò của Việt Nam trong các cuộc thương thuyết của Mỹ về hiệp định TPP, nêu lên những quan ngại về quyền của người lao động, tình trạng mất cân bằng mậu dịch, cũng như các quyền của giới đồng tính, và nữ quyền.
10 Tháng Bảy 2014(Xem: 21242)
Ông Phạm Ngọc Lâm là chủ tịch tập đoàn Đức Khải Báo chí Việt Nam bắt đầu đưa ra một số chi tiết về dự án "đầu tư tàu đánh cá bám biển" Hoàng Sa của doanh nhân Phạm Ngọc Lâm, chủ tịch Tập đoàn Đức Khải. Hồi đầu tháng, ông Lâm gây chấn động dư luận khi công bố công ty của ông "vừa thông qua nghị quyết đầu tư 1.500 tỷ đồng (68 triệu đôla) để mua 100 tàu đánh cá với công suất 500 - 1.500 mã lực, 2 ụ nổi và 2 trực thăng để cùng ngư dân bám biển".
08 Tháng Bảy 2014(Xem: 15432)
Từ đầu tháng Năm đến nay, sau khi nổ ra vụ giàn khoan HD-981, người Việt khắp nơi đã thường xuyên biểu tình phản đối hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam của Trung Quốc.
06 Tháng Bảy 2014(Xem: 15796)
Hôm nay, 04/07/2014 tại Chùa Liên Trì, Q2, Sài Gòn, các nhóm hội xã hội dân sự (XHDS) có buổi họp mặt với chủ đề chính là bàn thảo về Công đoàn Độc lập.
01 Tháng Bảy 2014(Xem: 16370)
Ông Hồ Xuân Hoa (thứ hai từ trái) là ngôi sao đang lên trên chính trường Trung Quốc Chính quyền tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc được cho là đã gửi cho Bộ Ngoại giao Việt Nam một bản danh mục ‘Các việc cần làm’ sau chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Tư của ông Hồ Xuân Hoa, người lãnh đạo cao nhất của tỉnh này. Đây là các công việc mà Bí thư Hồ Xuân Hoa triển khai cho công chức thuộc quyền của mình, và được Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công văn yêu cầu các bộ ngành và các tỉnh thành trong nước tham khảo thực hiện.
29 Tháng Sáu 2014(Xem: 15359)
Ông Trương Tấn Sang nói Việt Nam sẽ có cách 'trả nợ' Trung Quốc của riêng mình Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói rằng Việt Nam ‘mang ơn’ Trung Quốc trong quá khứ thì sẽ trả theo cách của mình, chứ Bắc Kinh không được phép áp đặt, báo Dân Trí đưa tin.
26 Tháng Sáu 2014(Xem: 17178)
Hai tàu tên lửa đa năng hiện đại hạng nhất Việt Nam được hạ thủy thành công hôm nay tại TPHCM và sẽ được biên chế cho Quân chủng Hải quân, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo và vùng đặc quyền kinh tế của Tổ quốc.
24 Tháng Sáu 2014(Xem: 16179)
Từ đầu tháng 5/2014 vừa qua, Trung Quốc đã cho hạ đặt giàn khoan HYSY 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Việc hạ đặt giàn khoan này nối tiếp các hoạt động có tính toán từ trước nhằm xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam, đặc biệt là việc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa năm 1974, và đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa năm 1988.
22 Tháng Sáu 2014(Xem: 15509)
Việt Nam dường như chủ động 'đấu chữ' trước. Điều còn có thể cho là may mắn là cuộc đối đầu về giàn khoan HD-981 chưa chuyển sang đấu súng. Thay vào đó, nó đã đi đến một cuộc đấu chữ tại LHQ.
20 Tháng Sáu 2014(Xem: 15013)
Nhân vật được đề cử làm tân đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, vào hôm qua 17/06/2014, đã cho rằng Washington nên gỡ bỏ lệnh cấm bán và chuyển giao các loại vũ khí sát thương cho Việt Nam.Phát biểu nhân cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ, ông Ted Osius, một nhà ngoại giao kỳ cựu, thẩm định rằng « bây giờ là lúc » mà chính quyền Mỹ phải xem xét khả năng bãi bỏ lệnh cấm nói trên theo một « tiến độ thích hợp ».
15 Tháng Sáu 2014(Xem: 15033)
Hôm nay 14/06/2014 tại khu vực giàn khoan Hải Dương do Trung Quốc đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, các tàu Trung Quốc đã dàn hàng ngang để ngăn cản các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam làm nhiệm vụ cũng như các tàu cá Việt Nam đang đánh bắt, sẵn sàng đâm va.
11 Tháng Sáu 2014(Xem: 17319)
Mở đầu bài viết, Tiến sỹ Lan Anh cho biết: "Một tháng đã qua kể từ khi Biển Đông một lần nữa lại dậy sóng gần quần đảo Hoàng Sa. 40 năm trước, vào tháng 1 năm 1974, Hoàng Sa là nơi Trung Quốc đã sử dụng vũ lực bất hợp pháp chống lại Việt Nam Cộng hòa.