“Việt Nam nên mở các phòng tranh biếm họa”

26 Tháng Mười 201412:00 SA(Xem: 20095)

“NHÂTBÁO VĂNHÓA-CALIFORNIA” THỨ HAI 27 OCT 2014

Quan chức Việt ‘không thích đùa’?

Nguyễn Giang bbcvietnamese.com

BBC

Các báo Việt Nam hôm 23/10 chỉ đăng tin thật ngắn gọn:

“Thanh tra Bộ TT&TT đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Cổ phần Truyền thông VietNamNet vì đã có hành vi xúc phạm danh nhân khi đăng bài viết “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” hôm 8-10 trên trang thông tin điện tử tổng hợp www.2sao.vn.”

vietnam3_oc_27_2014-1

Hoàng tế Philip xem tranh biếm họa cười cả chính vợ ông, Nữ hoàng Elizabeth II

“Một vi phạm khác của trang này là không thực hiện trích dẫn nguồn tin chính thức theo quy định tại một số tin, bài. Theo quyết định, Công ty Cổ phần Truyền thông VietNamNet bị phạt 55 triệu đồng; trang 2sao.vn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn ba tháng.”

Tin vui cho nghề báo Việt Nam là bài trên có nhiều cơ hội được vào các sách dạy làm báo trên thế giới, ở mục ‘Các ví dụ tin khô khan, thiếu nội dung’.

Vì nếu không tìm lại các nguồn khác, không ai có thể hiểu câu chuyện là gì, báo đã xúc phạm danh nhân nào, theo điều luật nào?

Nhưng tìm hiểu một chút thì người ta lại thấy sự ly kỳ đến từ phần ‘tin ẩn’, cứ như là báo chính thống ở Việt Nam rất thích trêu bạn đọc, toàn nêu tin khó hiểu để kích thích người ta phải nhấp chuột liên tiếp đi tìm kiếm trên mạng.

Trang www.2sao.vn bị phạt vì có bài chụp nhiều hình ảnh từ sách giáo khoa bị học sinh ở Việt Nam vẽ bậy thêm vào, chắc để giết thời gian trong các giờ học buồn tẻ.

Trong số rất nhiều hình đó, ngoài Thuý Kiều, các nhà thơ Hàn Mặc Tử, Nguyễn Đình Thi, chí sỹ Phan Bội Châu, văn hào Nga Maxim Gorki, nhà soạn nhạc Ba Lan Frederic Chopin và nhiều nhân vật khác còn có hai ông Marx và Engels.

Chỉ là cho vui

Cuộc sống văn hóa của một quốc gia gồm các phần thiêng liêng nhưng cũng không thể thiếu phần châm chọc, nhạo báng, hý họa

Có vẻ như các hình ảnh này đã được nhà báo chọn lọc đưa lên nên không có gì tục tĩu.

Ví dụ nàng Kiều thì chơi keyboard trước một bàn máy tính, cụ Phan Bội Châu thì đeo đôi tai nghe rõ to, ông Marx thì vòng tay bế ông Engels mặc váy đang nhảy múa như vũ nữ ballet.

Một bức khác thì có Marx múa súng.

So với những gì tôi biết hồi đi học phổ thông ở Việt Nam thì các bức tranh này cũng không có gì là quá kinh khủng.

Những giờ học buổi trưa hiu hiu gió nhẹ giữa trời nắng nóng thường khá buồn ngủ, và các học sinh nam có chút khiếu vẽ, đầu óc hài hước nào mà không ngoáy bút vẽ hươu vẽ vượn?

Ngay cả đến giờ, chuyện quan chức, đại biểu quốc hội không chỉ ở Việt Nam ngủ gật khi họp hoặc chơi game trên điện thoại, trên máy tính bảng cũng chẳng hiếm.

Chúng ta đi làm cũng vậy. Tôi biết có một đồng nghiệp khi họp luôn vẽ các hình kỷ hà vào sổ tay, và con số hình vuông, tròn, có các họa tiết dọc ngang cứ lớn dần cùng độ dài của cuộc họp.

Nhưng ở Việt Nam lại có chuyện ‘nâng lên thành quan điểm’.

vietnam3_oc_27_2014-2

Thủ tướng Narendra Modi cũng 'được vào' tranh biếm họa

Việc đời thường là vài ba học sinh vẽ râu vẽ súng cho các nhân vật lịch sử như Marx và Engels mà ở châu Âu người ta coi là đã đi vào dĩ vãng trị bỗng trở thành câu chuyện nghiêm trọng cho truyền thông.

Tất cả cũng chỉ vì ở Việt Nam không công nhận một phần rất quan trọng của văn hóa nhân loại là vẽ tranh biếm họa về các nhân vật lịch sử và chính trị.

Một số báo có mục tranh biếm họa nhưng chỉ phê 'quan tham', chỉ 'chống lãng phí' chung chung mà né tránh đả động đến các nhân vật có tên tuổi cụ thể.

Trong khi ở nước người ta, họ không chỉ vẽ linh tinh trên sách vở mà còn đăng hình trên báo và đem ra triển lãm.

Tự cười mình cũng là một thứ nhân quyền cần được cổ vũ, nuôi dưỡng vì nó làm cuộc sống nhẹ nhàng, khoẻ mạnh và công bằng hơn.

Hoàng gia Anh thậm chí còn làm người bảo trợ cho các triển lãm tranh biếm họa về chính họ.

Hoàng tế Philip, chồng của Nữ hoàng Elizabeth II từng đến khai mạc phòng tranh biếm hoạ ở Mall Galleries, London, nơi hình bà Nữ hoàng cũng là đối tượng của ngòi bút châm biếm.

Các chính trị gia đương chức hay đã về hưu có khi còn buồn khi không được giới nghệ sỹ châm biếm đả động tới.

vietnam3_oc_27_2014

Cũng trong hình trong bài, bạn có thể thấy hình nhạo 'tài đàn' của ông Tony Blair khi đang làm thủ tướng do Dave Brown vẽ năm 2006, khi ông Blair còn cầm quyền.

Cuộc sống văn hóa của một quốc gia gồm các phần thiêng liêng nhưng cũng không thể thiếu phần châm chọc, nhạo báng, hý họa.

Tranh biếm học trên báo Anh về Thủ tướng Tony Blair năm 2006

Ở quốc gia châu Á là Ấn Độ, thủ tướng Narendra Modi cũng 'được vào' tranh biếm họa và chuyện đó là rất bình thường.

Để tránh xảy ra chuyện không vui chút nào như cấm báo, phạt trang tin tức, Việt Nam nên cho mở các phòng tranh biếm họa để phát triển mảng văn hóa này.

Tôi không nghĩ các lãnh tụ cách mạng Phương Tây như Marx, Engels, những người đều từng sống ở Anh, lại xa lạ với tranh biếm họa.

Họ không phải các giáo sỹ hà khắc ở Ả Rập Saudi đòi cấm đủ thứ và phạt nặng mọi hiện tượng tự họ độc quyền cho là xúc phạm tôn giáo.

Cả hai ông đều từng viết báo nên chắc sẽ rất buồn nếu biết ở xứ Việt Nam xa xôi, sang thế kỷ 21 rồi mà vẫn có đồng nghiệp ‘gặp nạn’ chỉ vì đăng tải lại tranh của học sinh vẽ nghịch ngợm, vô thưởng vô phạt về họ./

28 Tháng Năm 2013(Xem: 17544)
Vào thời điểm kỷ niệm 24 năm từ khi Việt Nam chính thức mở cửa kinh tế, 12 năm từ lúc Hiệp định thương mại Việt - Mỹ được xem như một “bước ngoặt”, 6 năm “cơ hội” cho việc lần đầu tiên quốc gia này gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, một lần nữa mối tương quan Mỹ - Việt lại chuyển sang một khúc quanh thách thức mới: Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
28 Tháng Năm 2013(Xem: 17531)
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nói Việt Nam sẽ cử phái đoàn tìm hiểu về không quân và các hệ thống vũ khí của Indonesia trong năm 2014. Cổng thông tin lớn nhất của Indonesia, Kompas, đưa tin như vậy sau khi phóng viên M Hernowo tháp tùng Thứ trưởng Quốc phòng Indonesia Sjafrie Sjamsoeddin tới Hà Nội trong chuyến đi tiếp thị máy bay vận tải quân sự CN-295 hôm 27/5.
16 Tháng Năm 2013(Xem: 24811)
Tối thứ Hai 6/5 rạng sáng thứ Ba 07/05/2013, hỏa tiễn Vega của châu Âu đã phóng thành công lên quỹ đạo hai vệ tinh quan sát trái đất loại nhỏ là vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam và Proba-V của châu Âu, cùng với một vệ tinh siêu nhỏ của đại học Estonia. Vệ tinh viễn thám đầu tiên này sẽ giúp Việt Nam giảm chi phí mua ảnh vệ tinh và chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai.
16 Tháng Năm 2013(Xem: 16589)
Hầu như mọi người Việt Nam, trong nước cũng như ngoài nước, đều vô cùng bức xúc khi được tin trên các trang liên mạng của Trung Quốc đang dấy lên một chiến dịch truyền thông nhằm vào Việt Nam với những lời lẽ sách động, gây hấn. Song song với chiến dịch này là những hành động khiêu khích trên biển Đông của các “ngư phủ” trá hình Trung Quốc mang vũ khí. Nếu trong thời gian qua, mọi người từng cảm thấy thất vọng, căm phẫn và nhục nhã trước những phản ứng nhu nhược, hèn đớn của các nhà lãnh đạo trong nước khi Trung Quốc sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) vào huyện lỵ Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam
21 Tháng Tư 2013(Xem: 20624)
Theo tin tức và hình ảnh chúng tôi nhận được, từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 3 năm 2013 đã diễn ra hai sự kiện tác động đến tâm lý chính trị người Việt hải ngoại, mỗi khi nhớ về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Đó là vào những ngày đầu năm Quí Tị 2013, ông Nguyễn Thanh Sơn, đương kim Thứ trưởng Bộ ngoại giao CSVN, Chủ tịch Uỷ ban “Việt kiều” và một phái đoàn Mỹ do ông Lê Thành Ân Tổng lãnh sự dẫn đầu, đến thắp nhang tưởng niệm tại Nghĩa Dũng Đài, một đài tưởng niệm lớn tọa lạc trong Nghĩa Trang Biên Hòa.
16 Tháng Tư 2013(Xem: 18675)
Hôm qua ông Lê Thành Ân Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ Tại Sài Gòn dẫn đầu một phái đoàn đã viếng thăm Nghĩa Trang Quân đội VNCH cũ ở Biên Hòa. Nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa từng là nơi yên nghỉ hơn 16.000 tử sĩ các cấp. Sau năm 1975, chế đội mới đã phong tỏa khu vực nghĩa trang quân đội này, không cho phép thân nhân những người đã khuất vào thăm viếng và chăm sóc phần mộ. Gần đây Chính quyền Việt Nam đã chuyển quyền quản lý khu nghĩa trang Quân đội VNCH cho Tỉnh Bình Dương và qui hoạch như một nghĩa trang dân sự. Việc thăm chăm sóc mộ phần tử sĩ VNCH đã được dễ dàng hơn trước.