"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ SÁU 30 OCT 2015
Giáo Hoàng và tiếng gọi nhân loại
Đất Sáng 10.2015
Ngày 26/9, Đức Giáo Hoàng Francis (ĐGH) đã cử hành thánh lễ tại Madison Square Garden. Đây cũng là sự kiện kết thúc chuyến công du của ngài.
Ngày 22 tháng 9, ĐGH đã đến Havana - thủ đô của Cuba sau đó qua Hoa Kỳ ngày 22/9. Có thể nói, đây là chuyến công du mang ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi và cũng trong giai đoạn mà mối quan hệ giữa hai nước Cuba và Hoa Kỳ đang có những chuyển biến tích cực. Người dân hai nước Cuba và Hoa Kỳ đã nồng nhiệt chào đón sự có mặt của người lãnh đạo Giáo hội Công giáo thế giới và dành cho ngài nhiều tình cảm và sự tôn kính.
Chuyến công du của ĐGH trong vòng 8 ngày mang tính lịch sử. Có thể nói ĐGH đã thành công trong mục đích kêu gọi và truyền tải những thông điệp của tự do, tình thương, lòng bao dung, sự đoàn kết và khơi dậy tính nhân bản cho các nhà lãnh đạo các nước cũng như cho toàn thế giới.
Đáng chú ý là bài diễn văn của ĐGH đọc trước cuộc họp chung của Quốc hội Hoa Kỳ ngày 24/9, với sự chứng kiến của hơn 500 nhà lập pháp và các quan chức hàng đầu Hoa Kỳ, trong đó có Phó tổng thống Joe Biden. Bài phát biểu của ĐGH làm thức tỉnh những nhà chính trị của Hoa Kỳ cũng như các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới nói chung trong vấn đề ổn định và phát triển xã hội.
Mở đầu cho bài phát biểu, ĐGH đã bày tỏ sự biết ơn sâu sắc trước lời mời của Quốc hội Hoa Kỳ cho buổi nói chuyện. Ngài nói, mục đích của việc sinh hoạt lập pháp phải được đặt căn bản trên lợi ích của con người cũng người dân của đất nước đó. Xã hội luôn vận động và biến đổi theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực, do vậy việc mỗi con người, mỗi gia đình và quốc gia cần phải có cách ứng xử tế nhị, cân bằng để có thể duy trì sự ổn định chung cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo tự do tôn giáo, tự do trí thức và tự do cá nhân.
ĐGH cũng đã nói, cần dẹp bỏ tư tưởng giản lược thái quá; thái độ bằng quang, thiếu trách nhiệm với xã hội. Thiết nghĩ, mỗi thành viên sinh hoạt, làm việc trong gia đình và ngoài xã hội cần phải tích cực đóng góp để cải thiện đời sống của chính mình đồng thời góp phần cho sự tiến bộ và phát triển của xã hội. Con người chính là chủ thể của xã hội và có sự liên đới và chịu chi phối bởi các điều kiện đến từ xã hội. Do đó mỗi con người cần phải là nhân tố tham gia vào quá trình cải tạo và xây dựng xã hội.
Trước tình hình thế giới có nhiều bất ổn, ĐGH đã đề cao hòa bình, công lý và tính nhân bản trong từng con người. Ngài kêu gọi phải thay đổi tư duy để xây dựng một xã hội dựa trên tinh thần nhân bản, hướng tới việc giải quyết các vấn đề của nhân loại; trong đó hệ quả của các vấn đề cũng chính là do sự đối xử giữa con người với nhau mà nên. Thế giới mà chúng ta đang sống có được tươi đẹp hơn hay là sẽ bị huỷ hoại theo thời gian cũng đều phụ thuộc vào việc đối xử của chúng ta.
Vượt ra khỏi những giáo điều, Đức thánh cha Francis đã chỉ ra những phương cách để có thể xây dựng một xã hội tốt đẹp và thực tế. Ngài đề cao sự hòa đồng, đối xử hài hòa và tinh thần đoàn kết, tương trợ của người với người và sự tác động của các tác nhân là con người với xã hội. Các mối tương quan của con người phải được xây dựng trên tinh thần cởi mở, hài hòa và tôn trọng. Chúng ta cần phải xóa bỏ những rào cản vô hình được tạo nên bởi sự nghi kỵ, phân biệt và thù ghét để từ đó cảm nhận được gần hơn trong tình đồng loại, tình con người, tình cảm của những người sống chung trên một địa cầu.
Đức Giáo Hoàng đã đề cập tới những vấn đề thời sự cấp bách của thế giới, trong đó có vụ khủng hoảng di dân ở Trung Đông và Âu châu, nhu cầu của việc cùng phối hợp và hành động trong phạm vi toàn cầu để kiểm soát sự biến đổi khí hậu.
Cố gắng vượt qua khó khăn, phục hồi hy vọng, sửa chữa sai lầm để xây dựng phúc lợi cho từng cá nhân và cả xã hội hay từng dân tộc. Trong suốt bài phát biểu, ĐTC luôn đặc biệt lưu ý tới việc sinh hoạt chính trị cũng như tôn giáo cần tạo ra các thiện ích để xây dựng con người nhân bản trên cơ sở tôn trọng các phẩm giá của con người. Chúng ta tôn trọng con người và sự sống của người khác cũng là tôn trọng mình và sự sống của chính mình. Mục đích của chúng ta là cùng được thăng hoa, giúp người khác cùng thăng hoa và hướng tới việc xây dựng những giá trị tốt đẹp cho mình, cho người, và cho xã hội.
'' Hãy làm cho người khác như bạn muốn họ làm cho bạn, giúp đỡ người khác để cùng được thăng hoa như chính chúng ta vậy.''
ĐGH cũng kêu gọi các quốc gia bãi bỏ án tử hình.
Ngài nói:''phải bãi bỏ án tử hình vì mọi sự sống đều thánh thiện. Mọi con người nhân bản đều được phú ban cho một phẩm giá bất khả nhược và xã hội chỉ có lợi khi cải tạo những người phạm tội ác''
Đúng thế, mỗi con người sinh ra đều có quyền được sống và sự sống ấy cần phải được tôn trọng. Sự sống là điều trân quý và không ai trong chúng ta có quyền tước đoạt sự sống của người khác. Công lý và hình phạt là phương tiện để duy duy trì cho tính công bằng trong xã hội.
Thế giới chúng ta đang sống là thế giới hiện hữu của con người và sự sống xung quanh. Tất cả những gì đang diễn ra ở đây là đều mang trong mình sự sống, trong đó sự sống của con người là cao quý và đáng trân trọng nhất. Vậy thì không thể nào một ai đó hay một quốc gia nào đó lại lỡ dùng quyền lực và sức mạnh của mình để lấy đi mạng sống của con người. Không thể nào bằng cách tước đoạt mạng sống của người khác mà có thể duy trì sự sống cho xã hội mà chúng ta đang sống. Điều đó không khác nào việc chúng ta đang tự hủy hoại xã hội, tước bỏ cơ hội sống, cơ hội làm người của người khác. Giá trị phải nằm ở chỗ những bài học và sự cải tạo con người. Việc cải tạo những người phạm tội cũng như tự cải tạo trong chính mỗi con người chúng ta mới là điều cần thiết. Qua quá trình cải tạo con người mới rút ra cho mình những giá trị sống thực sự để từ đó thay đổi nhận thức, sống ý nghĩa hơn cho gia đình và xã hội.
Xin trích nội dung bài phát biểu (Kim Thúy dịch)
''...Các cố gắng của chúng ta phải nhắm vào việc phục hồi hy vọng, sửa chữa các sai lầm, duy trì các cam kết và do đó phát huy phúc lợi các cá nhân và các dân tộc. Chúng ta phải cùng nhau như một, tiến lên phía trước trong một tinh thần huynh đệ và liên đới đổi mới; quảng đại hợp tác với nhau vì lợi ích chung. Các thách thức trước mặt ta ngày nay đòi hỏi phải có sự đổi mới tinh thần hợp tác trên, một tinh thần mà đã được thực hiện và đem lại những giá trị tốt đẹp trong lịch sử hiệp chủng quốc. Sự phức tạp, tính nghiêm trọng và tính khẩn trương của các thách thức này đòi chúng ta phải tích cực đóng góp chung các tài nguyên (vốn xã hội) và các tài năng của chúng ta cùng quyết tâm hỗ trợ nhau, trong khi vẫn tôn trọng sự khác biệt và các xác tín lương tâm (tôn giáo) của chúng ta. Trên lãnh thổ này, nhiều hệ phái tôn giáo từng đóng góp lớn lao vào việc xây dựng và củng cố xã hội. Ngày nay cũng như trong quá khứ, điều quan trọng là tiếng nói đức tin cần được tiếp tục nắng nghe, vì nó là tiếng nói huynh đệ và yêu thương; luôn cố gắng phát sinh những điều tốt nhất nơi mỗi cá nhân và mỗi xã hội. Sự hợp tác như thế là tài nguyên mạnh mẽ trong cuộc chiến đấu loại trừ các hình thức hoàn cầu của nạn nô lệ. Phát sinh từ các bất công trầm trọng chỉ có thể bị khuất phục bằng những chính sách mới và các hình thức đồng thuận xã hội mới.
Đến đây tôi nghĩ tới lịch sử của Hiệp chủng quốc, nơi dân chủ đã bén rễ sâu trong tâm trí người dân Hoa Kỳ. Mọi sinh hoạt chính trị phải sinh hoạt và cổ vũ cho những thiện ích của con người nhân bản và phải đặt căn bản trên lòng tôn trọng phẩm giá của họ.
Chúng tôi chủ trương các sự thật hiển nhiên sau đây:
Rằng mọi người được tạo dựng bình đẳng với nhau, rằng họ được đấng tạo hóa của họ phú ban một số quyền lợi bất khả vi phạm. Trong số các quyền lợi này có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc (trích tuyên ngôn độc lập 4.7.1976).
Nếu chính trị thực sự buộc phải phục vụ con người nhân bản, thì đương nhiên nó không thể là nô lệ cho kinh tế và tài chánh. Thay vào đó, chính trị phải là biểu thức của việc ta phải buộc sống như một, để như một, xây dựng lợi ích chung vĩ đại nhất, tức ích chung của một cộng đồng biết hy sinh tư lợi để chia sẻ các thiện ích, các quyền lợi đời sống xã hội của mình trong công lý và hòa bình.
Tôi không đánh giá thấp sự khó khăn mà điều này bao hàm, nhưng tôi khuyến khích quý vị trong cố gắng này...
Hồi phục phẩm giá, bảo vệ thiên nhiên, chúng ta có được tự do cần thiết để giới hạn và điều hướng kỹ thuật để nghĩ ra các cách thông minh nhằm khai triển và giới hạn các sức mạnh của ta và để dùng kỹ thuật phục vụ một sự tiến bộ khác, một sự tiến bộ lành mạnh, nhân bản hơn, có tính xã hội và toàn diện hơn...''
Thật vậy, bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng là tiếng lương tâm kêu gọi sự thức tỉnh của con người. Tiếng gọi ấy sẽ còn vang mãi cùng thời gian và lan rộng trong không gian./
Liên Lạc Nhân Bản Xã Hội <lienlacnhanbanxahoi@gmail.com>