Có một bài thơ vô danh

06 Tháng Ba 20207:49 SA(Xem: 5033)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN NGHỆ - THỨ SÁU 06 MAR 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  vaamacali@gmail.com (VănHóa Online-California)


Có một bài thơ vô danh


Đào Như


LỜI PHI LỘ-Tôi được đọc bài thơ này lần đầu tiên khi nó được phổ biến trên báo VĂN, nếu tôi không nhầm,  vào những năm 80 của thế kỷ trước. Có điều đáng chú ý cuối bài thơ báo VĂN có ghi rõ Vô Danh, nghĩa là không rõ tác giả. Nhưng tôi tin rằng báo VĂN biết rõ tác giả nhưng không tiện nói ra vì tác giả vào thời khoảng ấy còn ở trong nước. Chỉ cần đọc bài thơ qua một lần, xuyên qua văn phong, ai cũng cảm nhận tác giả của bài thơ này là Thanh Tâm Tuyền. Người bạn họa sỹ già ở Orleans bên Pháp vào thời điểm này không ai ngoài họa sỹ Thái Tuấn. Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đến Mỹ vào năm 1990 theo diện HO. Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền đã từ trần tại tiểu bang Minnesota vào ngày 22-3-2006, (1936-2006) sau mười sáu năm định cư ở Mỹ, hưởng thọ 70 tuổi.                                                     


        Nhân dip ngày giỗ thứ mười bốn-14 sắp tới của nhà thơ, và cũng để tưởng nhớ công ơn anh đã mở ra một hướng đi mới nền thi ca của đất nước ta, tôi xin mạo muội trinh bày lại nơi đây bài thơ của anh và cố gắng giữ nguyên hình thức như nó đã được trinh bày trên báo VĂN. Nếu có gì không hoàn hảo như ý muốn, xin quí vị lượng thứ. Xin tri ân-Đào Như


 image052


Thư gửi người bạn họa sĩ già ở orléans


Người bạn vẽ già đi xa gửi cho tôi bức tranh Mùa Đông Quê Cũ

Đầm đìa mê nón áo tơi

Nghe tái tê cơn mưa phùn sơn dầu Paris đổ trên đồng chiêm mái rạ

Nghe trên tóc mình tuyết thời gian từng nạm trắng rơi rơi

Một thập kỷ trôi vèo

Anh còn nhớ câu thơ tôi âm vang chiếc thùng phuy kinh động

Lăn xuống cầu thang, lăn mãi xuống cầu thang

Rút ruột đêm khuya cho mười năm vụt trở thành trống rỗng

Từng khối kỷ niệm buồn lăn suốt những mùa đông

Bao nhiêu đêm như Lý Bạch thời nào, anh ngước nhìn vầng trăng châu Âu thâm thẩm sáng

Nhịp trống quân xưa, đứa trẻ xưa, rặng tre xưa, run bấn sợi dây cuồng

Cúi mái đâu già nua trên nền voan thâm thẩm trắng

Cố hương, chừ, cố hương

Thức ngủ trong anh, kẻ lữ khách vất vả cô đơn, loài du ca một đời thức ngủ

Chốn đến nơi đi, cây kia nào biết lặng, gió chẳng biết dừng

Thổi suốt trời Orléans con bấc giọt đầm âm âm đồng đất cũ

Sóng vã lời tôi mười năm trời còn ngậm bến tranh anh

Đêm gõ búa khai niên, tôi độc ẩm trong giọt nước mắt lớn anh gửi về tôi từ niềm tri kỷ

Cơn ướt cơn khô cuộc trả vây thấm đẫm tận cùng

Đầm đìa tôi, đầm đìa anh, đầm đìa tất cả

Hoa đào có xót thương chăng khi vắng bầy thiên điểu di cư một nền mây cánh vỗ

Cố nhân, chừ, cố nhân !


VÔ DANH


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

 

Tạp chí Sông Hương - Số 293 (T.07-13)


Âm bản tự do cuồng nộ trong thơ Thanh Tâm Tuyền


16:17 | 22/07/2013


BÙI BÍCH HẠNH


Cất tiếng như một định mệnh của quyền năng nghệ thuật giữa phố thị thơ miền Nam những năm 50 - 60 thế kỉ XX, người thơ Thanh Tâm Tuyền, bằng tuyên ngôn nghệ thuật khởi từ ca dao sang tự do, đã tham dự vào thi đàn vốn nhiều biến động với tư cách một hữu thể mưu cầu phục sinh.


image050

Nhà văn Thanh Tâm Tuyền (phải) - Ảnh: sachkhaitam.com


Như một nhu cầu hiện sinh đích thực, hoàn toàn tự do, người nghệ sĩ xác lập mối quan hệ giữa tôi với thực tại, tôi với thế giới ngoài tôi, tôi và cái trong tôi. Thơ Thanh Tâm Tuyền là tiếng nói đi đến cùng bản thể để tự tháo gỡ tôi ra khỏi đường biên của hai miền cảm thức chông chênh cô độc không còn cô độc. Bản thể người tạo lập cái tôi tự thân trong nhiều hình hài, để bộc lộ tận cùng âm bản của ý thức tự do cuồng nộ. Với diễn trình từ “Tôi không còn cô độc” đến “Liên đêm mặt trời tìm thấy”, người nghệ sĩ tự trào gào gọi tên mình. Đây là “thủ pháp lạ hóa” cái tôi tự thân thành bức chân dung tự họa đa ngôi, song diện; cái tôi ngắm soi mình/ phản tư giữa một thực thể thế giới bất toàn.

1. Quyền năng định đoạt sinh mệnh

Hiện thân của những thái cực đối lập trong tâm thức hiện sinh: buồn nôn/ phản tỉnh, đổ vỡ/ dự phóng, lưu đày/ dấn thân…, chủ thể trong thơ Thanh Tâm Tuyền khước từ trao sinh mệnh bản thể người cho thế giới ngoài tôi. Đảo ngược, thi sĩ can dự vào lằn ranh giữa những thái cực hiện sinh và phi hiện sinh để được sống trong một bầu khí quyển ám mùi hiện sinh. J.P. Sartre cho rằng chính cá nhân ra luật cho toàn thế giới, cá nhân phải xác định ý nghĩa của thực thể trong mình và bên ngoài mình. Tham dự vào thế giới nghệ thuật thơ Thanh Tâm Tuyền là một hữu thể sáng tạo giành quyền toàn năng định đoạt sinh mệnh; định đoạt phận người. Tinh thần tự do. Để hoàng đế tôi mặc sức cai trị những kẻ ngoài tôi có ý định nhập thổ. Xét ở tinh thần nhân bản của chủ nghĩa hiện sinh - tham vọng của anh hùng và nạn nhân của “ý thức khốn khổ” J.P. Sartre (André Niel), đây là sự trình hiện đầy kiêu hãnh của bản thể người hoàn toàn tự do trong lãnh địa thơ Thanh Tâm Tuyền. Là lời đối thoại rùng rợn trong lặng thinh với tha nhân: Tôi còn nghe dưới lưng tôi cỏ hoang bứt rứt, côn trùng nỉ non, thân xác phá hoại (Hơi thở). Song có khi cái tôi tự thân phủ quyết cả hồn phách trong trò chơi thác loạn, chạy trốn những tiếng gọi tôi nghịch nhĩ: Có ai gọi tên tôi giữa phố, phố vắng và cái tên âm lên sự thù hằn; Có ai gọi tên tôi giữa phố, phố hoảng sợ cái tên lăn như một xác chết nhập hồn (Đêm). Chủ thể “dị ứng” với tha nhân; xua đuổi tha nhân và có lúc cũng ngỡ như buồn nôn với sự ngó nhìn của tha nhân. Thanh Tâm Tuyền, với tinh thần thâu nhận cái thường chỉ được bình giá là “bi kịch” không thể khác của triết thuyết hiện sinh, đã tạo lập ngôi hoàng đế cho vai thi sĩ - chủ thể sáng tạo trong quyền uy tối cao của việc định đoạt sinh mệnh cho hữu thể; cho tha nhân phái sinh từ chủ thể và cho cả tha nhân đối mặt, vây phủ chủ thể hiện tồn bằng những luật lệ tinh thần mà người phải thần phục nếu người muốn nhập lãnh thổ.

Thiết tạo quan niệm nghệ thuật về thơ, lâu nay đã là cách thế người nghệ sĩ tự xưng danh trong giới sáng tác, và cả giới tiếp nhận. Song đẩy cách thế ấy lên thành quyền uy tối thượng, thì có lẽ Thanh Tâm Tuyền là một trong những hiện tượng dị biệt. Càng dị biệt khi chủ thể sáng tạo khẳng định toàn năng của thao tác sinh thành nghệ thuật qua cái cớ giả tạm của tam đoạn luận trên bàn cờ logic: người là phải chết/ mày là một người vậy mày phải chết. Dấu ấn hiện sinh trong tâm thế phi hiện sinh mặc nhiên trở thành hệ lụy của tam đoạn luận logic mà lại mở nút sinh mệnh của một tuyệt tác nghệ thuật: bài thơ hay là cái chết cuối cùng (Định nghĩa một bài thơ hay).

Như một sự thấm thía cảm nghiệm nguyên ủy về những “tấn trò đời”, chủ thể trữ tình - hữu thể trong sáng tác Thanh Tâm Tuyền muốn nếm trải đến mệt nhoài cái chính là tôi và cái không còn là tôi. Khối mâu thuẫn phi lí này âu chỉ là bệ phóng để người hiện sinh khẳng định cái tôi toàn phần hiện sinh. Cảm thức bất an, đổ vỡ dường như chỉ làm nền nâng đỡ cái tôi muốn cất lời kiêu hãnh tôn vinh, mộ đạo tự do. Người hiện sinh cực đoan tự đẩy mình ra ngoài, ra xa thế giới bởi khái niệm tự do như một sự “lựa chọn vô thường”/ “bị lên án phải tự do”. Truy tìm tâm thức hiện sinh nguyên ủy, đây lại là nẻo đường ngắn nhất để cái tôi tự thân “quăng ném” mình vào lãnh thổ tự do. Nơi đó, chỉ cần tri nhận mỗi người đã chính một tự do là tròn đầy. Đôi khi cái vo tròn bản thể trong bản thể, xét ở nội hàm khát vọng thành thực được hiện sinh của con người, đã là một sự trải nghiệm xác tín. Chính vì lẽ đó, cái cách thế tưởng rất phi hiện sinh kia lại toàn vẹn trong tâm thức hiện sinh. Khi trong dàn hợp xướng của nhiều giọng, nhiều vai diễn, người ta vẫn đầy ngưỡng vọng, tôn thờ vai thi sĩ của hữu thể; cho dù tôi thi sĩ khản giọng chối từ vị thế thi sĩ. Đó là gì nếu không phải là đã cởi trói tù đầy, tự phóng mình ra khỏi thế giới của súc vật toàn những lời kêu gào bị cấu xé bởi rào gai sắc chết người; để về với thế giới tôi không còn cô độc.

Thế giới bất toàn trong sự cảm thấu của thi sĩ đưa đến cảm giác cô độc, và cũng chính những cái nắm tay lôi hữu thể ra khỏi cảm giác bất toàn lại chính là lực đẩy trả con người về với tự do. Định đề này là nhát cắt sắc lẹm của hữu thể hiện sinh giằng xé với lằn ranh cô độc không còn cô độc. Cũng đứng ở tinh thần nhân bản của hiện tượng luận hiện sinh, đây là một ám hiệu kết nối chủ thể với thế giới ngoài chủ thể, bên kia chủ thể; phá vỡ khuôn hình ban đầu của cái tôi tự thân vo mình cuộn tròn trong ngôi hoàng đế độc tôn uy lực cai trị tha nhân. Trong thế giới ngôn ngữ không hề câm lặng của Thanh Tâm Tuyền, tha nhân không thuần túy là “sự tồn tại của tôi”1, là khuôn diện khác của chính tôi: Tôi là người là một người khác (Đừng bắt tôi từ biệt), là kẻ ngoài tôi khiến tôi như đang bị nhìn. Trái lại, qua tha nhân, con người mang bản mệnh hiện sinh muốn là chủ thể tương giao, “và chính ở trong cái thế giới này, con người quyết định mình là như thế nào và những người khác là như thế nào”2. Ở đó, ngực toang hơi thở rưng rưng, xóa bỏ những cái chết trần truồng, không còn mắt điếc tai câm giác quan lạnh cứng. Mang dấu ấn tư tưởng hiện sinh J.P. Sartre, “con người không phải là đóng kín trong bản thân mình mà luôn luôn có mặt trong một vũ trụ con người”3, quyền năng của chủ thể sáng tạo thực chất đã được cơi nới trong việc định đoạt sinh mệnh thông qua sự hiện diện của tha nhân, để chủ thể “chứng minh được mình, là tự do”4.

2. Dấn thân - hệ quả của ẩn ức âu lo và mặc cảm ruồng bỏ

Nếu âu lo là trạng huống tinh thần không thể che giấu, như cách âu lo của Abra- ham5, thì trong sinh thể nghệ thuật Thanh Tâm Tuyền, âu lo còn hiện hữu như một ẩn ức; là tiền thân của một hành động, một hành động đầy trách nhiệm. Dấn thân. Cũng như tự do và cũng không hoàn toàn như tự do, âu lo trong hữu thể nghệ thuật Thanh Tâm Tuyền là một trạng huống kép bản chất người và ẩn ức vô thức. Chính cái lưỡng phân này của trạng huống âu lo hình thành nên một nẻo khác của hình hài cái tôi tự thân, mà trong văn bản thơ Thanh Tâm Tuyền, đó là sự xâm lấn biết nói của cái tôi dấn thân.

Tôi sống thường trực bằng hình ảnh; tôi theo anh ra thành thị để chọn một màu hoa dã thú một hơi thở tự do… là những khởi đầu cho trạng huống kép âu lo. Cái tôi trữ tình có chức năng thiết kế quan niệm của chủ thể về chính mình; luôn ý thức thiết lập vị thế của mình trong thế giới nghệ thuật để chủ thể trữ tình góp phần nhận thức thế giới. Vì thế, khi chủ thể tự thân đã là một định mệnh âu lo thì hẳn kéo theo những hành động thuộc thế âu lo. Là cách khỏa lấp lòng tin phủ tro, là cách chạy trốn quá khứ chết đi không một lời than tiếc. chưa bao giờ tôi viết bài thơ nào trống trơn. Là lãnh nhận âu lo, như dự cảm, như tiên liệu; như một hành động vị nhân. Nhất là trong cõi tình tự, cái tôi dường như tự giăng mắc trong định mệnh lo âu. Ẩn ức nhiều hơn là bản chất người thơ. Nhìn ngón chân trần trong nỗi sợ chia phôi; tôi chết và em khóc; anh bỏ trống hết cuộc đời; anh chìa hai bàn tay khô héo; đêm nay anh không ngủ, anh cô đơn, anh bị chiếm đoạt. Rong ruổi là âu lo đặc ẩn ức. Cái tôi đan chồng khoảnh khắc tự do/ tự do toàn vẹn, luôn thèm đẩy tiên liệu của con người đến với nhu cầu giải tỏa ẩn ức ưu tư. Kể cả vào sâu trong ghẻ lạnh (Đêm), chủ thể đã thể hiện tuyệt đích của cái gọi là con đường tự do, “con đường của một hành khách không vé tàu, không căn cước”6. Xét ở công cụ thỏa mãn thần thái Dasein - bản chất con người hiện hữu - cảm thức âu lo trong thơ Thanh Tâm Tuyền là sự diễn dịch cho mối băn khoăn lo lắng của con người; qua đó, hữu thể đẩy sự xa lạ ra khỏi thế giới người, “từ chối quãng cách” (thông diễn về âu lo của Heidegger). Để con người được đích thực Dasein, được “hữu tại thế” trong thế giới “khai minh”: Bao giờ anh đã nằm soi mình bên giòng nước trên đỉnh non cao toàn thân trơ hồn phiến đá (Mặt trời tìm thấy). Cái tôi trong thơ Thanh Tâm Tuyền quả thực không siết cuộn mình trong tự do nội tại mà đó còn là tương giao, bằng cảm nghiệm của diễn ngôn âu lo. Như ẩn ức của Sartre trong khoái lạc được giải thoát và trong niềm vui “kì dị” trước cái chết của người cha, như tình yêu trong diễn tiến của những ưu tư thầm kín vô thức với mẹ; còn cả ảnh hình âu lo theo thông diễn của Heidegger, tình trạng “bị xé” của hiện sinh Jaspers… Bày biện và xâm lấn trong Thanh Tâm Tuyền.

Dấn thân, khuôn mặt dễ nhìn thấy nhất của trạng huống âu lo, theo kiểu Thanh Tâm Tuyền, thực chất là sự trình diễn cái tôi ẩn ức của một thế hệ trí thức miền Nam bấy giờ tự cắt lìa với đời sống phi lí như nó vốn có và cũng phần nhiều là phi lí theo quy ước của cái tôi tự thân: Anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc/ Khuôn mặt vỡ tan/ Như cẩm thạch/ Như nước mắt/ Như muôn đời/ Không hối hận (Đêm). Và một biểu hiện của tâm thức hiện sinh như khát vọng dấn thân vượt ngưỡng trong tư duy nghệ thuật Thanh Tâm Tuyền là chối từ lập trình định mệnh: phải xé toang thân thể đập vỡ linh hồn để ném vào mặt trời cho sức nóng khiến tôi hoàn toàn vô tri giác (Hơi thở).

Nếu thức nhận âu lo là căn tính của hiện sinh thì mặc cảm bị ruồng bỏ có thể xem là hệ quả bi đát của ẩn ức “kinh hoàng”; là điều kiện khả thể của âu lo. Song hành với cảm giác bất toàn, lạc loài, bất tín. Loài người trong nghệ thuật ngôn từ mang mặc cảm bị ruồng bỏ là cách lựa chọn diễn ngôn chọc thủng mặt nạ của bản ngã. Đó là mặc cảm thành thật của hữu thể bị bỏ rơi, bị cuốn lấy khi những cột đèn đổ xuống; khi tai nghe điệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng (Dạ khúc). Cả ảnh hình và thanh âm đều là những mê khúc của hao gầy, u uẩn; đảo điên: Ở cuối đêm/ Em rũ tóc nói những lời mê sảng/ Những ám hiệu/ Của mặt biển đen không (Đêm). Cũng là thân phận bơ vơ, ngập ngụa trong những đổ vỡ bất tín: ôi những người khóc lẻ loi một mình/ đau đớn lệ là những viên đá xanh/ tim rũ rượi (Lệ đá xanh). Kinh hoàng tự thân là cách mặc khải về thân phận của xa lạ. Nếu quan niệm mặc định con người “sống trong một vũ trụ tín hiệu” thì nghệ thuật văn chương là một vũ trụ tín hiệu bùng nổ trong thẳm sâu im lặng. Với người hiện sinh, văn chương/ thi ca là chốn trú ngụ linh diệu nhất để “tâm tình hoàn cảnh”. Để tự cảm mình không an toàn, xa lạ; cô đơn trong hỗn độn của tâm thức lưu vong; lưu vong ngay trong nội tại bản thể: Con đường anh phải đi một mình/ Trần truồng dã thú (Đêm); gai trắng con ngươi mở mù lòa (Cỏ); dù một chút, đau thương, từ chối, tổ quốc ta chạy dài trên địa ngục (Nói về dĩ vãng). Thanh âm có sức diễn ngôn ám ảnh nhất trong thế giới Thanh Tâm Tuyền, có lẽ là âm giai khổ đau và hạnh phúc của loài người: Mỗi giọt lệ là một lần buộc tội/ Một nụ cười là một lần sảo trá (Thành phố). Đó là hiện hữu của kinh hoàng - hệ quả của ruồng bỏ. Để nhãn quan của người nghệ sĩ đi tìm vẻ đẹp duy mĩ nơi thân xác của một người đàn bà chít khăn tang, một người đàn bà đem tình đi tìm vui lõa thể. Nếu nói mặc cảm bị ruồng bỏ là cái cớ của hành vi dấn thân, kể cả dấn thân trong những khoái trá suy đồi đều là thông diễn bi kịch hiện sinh của con người. Bi kịch của “ca tụng thân xác”. Tội lỗi nhét đầy con mắt ngây ngô (Tên người yêu dấu) phải chăng là một sự lựa chọn dấn thân trũng sâu bi kịch bị chối bỏ.

3. Những hình hài hữu thể trong thời gian định mệnh “trì hoãn”

Xác lập liên đới giữa tôi với thực tại, tôi với thế giới ngoài tôi, tôi và cái trong tôi là khả năng tự họa những hình hài hữu thể. Ở đó, tôi tự lí giải cho những phạm trù hiện sinh qua năng lực “trì hoãn” thời gian (Heidegger). Dấu ấn ban đầu của tâm thức hiện sinh trong nghệ thuật thơ Thanh Tâm Tuyền, có thể là cái tôi tự thân theo nghĩa tự do ngay trong bản thể người. Tuy nhiên nếu chỉ bó buộc trong cái tôi tự thân khép kín nguyên ủy, thì thơ Thanh Tâm Tuyền chưa chắc gây kinh ngạc thi đàn miền Nam những năm 50 - 60. Và hẳn cũng chẳng phải là một cái khác (otherness) để lọt vào “con mắt thơ” như là “cái tôi đa ngã” “đi tìm tiếng nói” (Đỗ Lai Thúy).

Khởi nguồn từ cảm thức bản mệnh của hiện sinh: chết là định mệnh chờ đợi con người, Thanh Tâm Tuyền mặc nhiều hình hài cho cái tôi; để sống trong sự trì hoãn thời gian chờ chết. Đó cũng là một cách giải thoát mặc cảm phi hiện sinh - ám ảnh cái chết và chạm vào tâm thức hiện sinh - sống trong độ dư của cái chết. Vì vậy, “cuộc đời được trì hoãn” cũng chính là quãng thời gian hiện sinh. Điều làm nên bản sắc của hình hài cái tôi trong tôi ở thế giới thơ của người tự do Thanh Tâm Tuyền là dồn dập “âm thanh cuồng nộ” réo gọi tên mình: tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ/ thanh tâm tuyền; tôi hét tên tôi cho nguôi giận/ thanh tâm tuyền (Phục sinh). Tự xưng danh cũng là một hình thức hồ nghi danh xưng: tôi chết và chối từ/ đừng ai gọi tôi là thi sĩ (Tôi không còn cô độc). Như hệ quy chiếu lạnh lùng của hiện sinh Marcel: “Tôi là thân xác tôi”7. Cái tôi tự thân truy tìm bản thể, đối mặt với bản thể và cũng xóa nhòa bản thể. Song đích đến của cái vỏ diễn ngôn xưng danh kia có thể là một hành vi “quăng ném” hữu thể vào giữa tha nhân. Vừa không muốn tha nhân soi nhìn mình, vừa khoác cho mình cái mặt nạ để chiếm lĩnh tha nhân, tác động lên tha nhân. Cả tha nhân - dị bản của hữu thể tự thân. Thế giới ngôn ngữ thơ Thanh Tâm Tuyền ồ ạt tiếng nói phá vỡ âm giai câm lặng của cái tôi tự thân; phá tung cái vỏ bọc nép mình kinh hoàng, hỗn loạn của ý thức vong thân. Diễn ngôn Dasein song trùng diễn ngôn dự phóng. Mơ về thần thoại, cái tôi Dasein “khai lộ” dư ảnh không - thời đồng hiện: Gỡ mình ra khỏi trói buộc thời gian, con chim không làm tổ trên trần nhà kín (Mặt trời tìm thấy). Đây có thể xem là “nền ảnh” ý thức tự do cuồng nộ của tôi thèm khát. Nghĩa là cái tôi “quăng ném” vào không gian tha nhân dưới dung mạo chủ thể giấu mặt: anh khóc bằng mắt em; anh la bằng cổ em; anh run bằng má em; anh ngủ bằng trán em; anh chết bằng da em; anh sẽ sống bằng hơi thở em. Kết nối thế giới câm, thế giới đen; thế giới phục sinh trong sạch như một lần sự thật.

Tính chủ thể - bề nổi của con người hiện sinh trong cõi sáng tạo Thanh Tâm Tuyền, dưới những hình hài phức hợp của hữu thể - hiện hữu đã khai sinh liên chủ thể (inter- subjectivity), một hệ hình tích cực của “hữu” hiện sinh và “hiện hữu” hiện sinh; mở chiều thông giao cho nội tại văn học hiện sinh và hoàn bị tâm thức tiếp nhận văn học hiện sinh/ thơ ca hiện sinh. Tôi gào tên tôi thảm thiết đâu chỉ là tôi trong tôi nổi loạn mà đó còn là thứ nghịch âm chiết ra từ cổ họng của một chủ thể khát tương giao; khát dự phóng; khát được chứng nhận; khát được là chứng nhân. Tôi gào tên tôi thảm thiết; tôi thèm sống như thèm chết/ tôi buồn chết như buồn ngủ… là gì nếu không là lời “vẫy gọi” của tôi đòi xác thực vị thế của tôi trong khoảnh khắc giằng co giữa hư - thực; sống - chết; vô - hữu. Thời gian trì hoãn tạo nên khát vọng sống cuống quýt, sống cho hết cảm thức được sống có thể xem là sự đối mặt với bi kịch/ hứng chịu bi kịch trong quan niệm nghệ thuật về con người của thi sĩ. Để tôi được phục sinh. Đứng ở góc nhìn nhân bản, đây cũng là một hướng thụ hưởng sự sống. Đích đến của người thơ là xé toang mặt nạ để đi vào tận sâu bản ngã. Trong tham vọng kết nối. Là lập lại thói quen đi đường phải - trái, để chạy trốn khỏi cái nhìn cay độc của tha nhân muốn dày xéo tôi cho đỡ chướng mắt. Nhưng đó chỉ là cõi tạm tư duy trong chặng đời sáng tạo của Thanh Tâm Tuyền. Hình hài hữu thể vẫn là sự nổi loạn, là tự do cuồng nộ; tự thoát khỏi ám thị linh hồn tôi rách nát. Mọi sắc thái hiện sinh trong thơ Thanh Tâm Tuyền đều truy tìm về với/ đến với “bản chất” người ở phía trước. Trong thế giới âm sắc, hình dáng ngôn ngữ cố tình không kết dính của ngôn từ nghệ thuật thơ Thanh Tâm Tuyền, dự phóng/ “tổ chức hữu thể hiện hữu của không gian trò chơi”8 là hệ quả nong đầy nhất của yếu tính tự do, của những phạm trù hiện sinh và cả phi hiện sinh; của định luật “trì hoãn”: Người ta tàn nhẫn đóng cửa không thèm bố thí, tiếng kêu than bóng hạnh phúc chỉ là kẻ ăn mày khốn nạn (Hơi thở).

Tự nhận là loài bò sát tủi thân, hữu thể phóng hình hài vào tự vấn tha nhân trong tôi và tha nhân ngoài tôi. Đừng bắt tôi từ biệt là một bản tụng ca khước từ án lệnh của cái chết; hay là chấp nhận cái chết trong cõi tạm phi hiện sinh để được sống đầy đặn kiếp hiện sinh. Trong diễn ngôn hiện sinh phức hợp này, có thể hình dung vẹn nguyên thực chất của nội hàm cái tôi tự thân trong thơ Thanh Tâm Tuyền - âm bản của tự do cuồng nộ - hồn phách của hình hài hữu thể đa ngôi. Cái tôi là một thế giới tự thân dị biệt song lại là thế giới không đông cứng trong nghệ thuật ngôn từ im lìm. Nếu không muốn nói là cái tôi tự thân trong tư duy hiện sinh Thanh Tâm Tuyền thực chất là một thực thể kết dính từ những chấn thương tinh thần trong một đường ray đứt đoạn, xô lệch của ngôn ngữ. Ở khuôn dáng hiện trình nào, cái tôi cũng thực sự là tiếng kêu chật ứ cổ họng của bản ngã thèm khát được sống, được ca tụng sự sinh tồn, được dấn thân vị ngã/ vị tha nhân. Dù đó là mặt trời tìm thấy trong tù đọng của mặc cảm những biệt ly rạn nứt lòng đường (Bài ngợi ca tình yêu). Đi trên nẻo đường lắp ghép nhiều mẩu thử hiện sinh, Thanh Tâm Tuyền có thể tự thân đã là một bản mệnh của ẩn ức sáng tạo: nghệ thuật là một nghi lễ hiến tặng (Sartre).

B.B.H
(SH293/07-13)


.............................................
1. Sartre. J. P (1946), Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân đạo, Nxb. Ga Giêm, tr.22.
2. Sartre. J. P, Sđd, tr.22.
3. Sartre. J. P, Sđd, tr.32.
4. Lê Thành Trị (1969), Hiện tượng luận về hiện sinh, Phủ Quốc - Vụ - Khanh xuất bản, tr.257.
5. Sartre. J. P, Sđd, tr.8.
6. Lê Thành Trị, Sđd, tr.294.
7. Trần Thái Đỉnh (2008), Triết học hiện sinh, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.273.
8. Heidegger (1973), Hữu thể và thời gian (tập 1), Quê hương xuất bản, Sài Gòn, tr.223.