Lê Huệ Diễm Chi; Ngô Kỷ viết về ngày của Cha

18 Tháng Sáu 201711:18 CH(Xem: 6394)

VĂN HÓA ONLINE - TUYỆN THƠ TÙY BÚT  - THỨ  HAI 19 JUNE  2017


 Đoản Rời


Thương Màu Áo Cha Anh


image006


Lê Huệ Diễm Chi


Không biết tôi có thiện cảm với màu áo lính từ bao giờ, chỉ biết là mỗi khi nhìn những bộ quân phục vào những ngày lễ hội, tự nhiên thấy thương có lẽ vì tôi thấy hình ảnh của ba tôi trong đó.


Tôi ra đời sau khi chiến tranh vừa chấm dứt. Vì vậy tôi không có một kỷ niệm nào về người lính mà chỉ nghe hay coi qua từ sách báo và người thân trong gia đình. Hồi nhỏ khi còn ở Việt Nam, gia đình tôi bị liệt kê vào thành phần ‘ngụy quân ngụy quyền” và phải trải qua bao khốn đốn.  Tất cả những người đàn ông trong họ hàng đều đi lính. Ba người cậu tôi đều là sĩ quan VHCH. Ba tôi là lính Biệt Động Quân. Mặc dù chưa bao giờ  nếm mùi chiến tranh nhưng nghe nhiều giai thoại hành quân do ba kể, tôi lấy làm thích thú. Ba hay hồi tưởng lại quá khứ nhất là vào những ngày đông giá lạnh. Có lẽ khí trời u uẩn làm cho người ta dễ mủi lòng. Ba ngồi tỉ tê với đứa con gái út của mình về thời trai trẻ, cái thời vai mang súng dặm trường.  Mấy anh chị tôi không đủ kiên nhẫn hay hứng thú hầu chuyện, nhất là những chuyện lính tráng. Nghe ba nhắc về quá khứ là họ tảng lờ hay kiếm chuyện rồi bỏ đi chổ khác. Tôi nhỏ nhất nhà nhưng lại chịu ngồi nghe nên ba huyên thuyên bắt hết chuyện này đến chuyện khác. Mỗi khi ba kể, ánh mắt say sưa mô tả từng chi tiết, thỉnh thoảng hỏi lại: “Mi có biết không?”. Hỏi thì tôi gật đầu để tỏ ra hiểu câu chuyện và tạo thêm hứng thú, chứ tôi cũng căng óc ra tưởng tưởng khung cảnh hỗn độn của chiến tranh mà xưa nay chỉ được coi trên phim ảnh.


Lâu lâu ba ngồi vuốt ve tấm huy hiệu có hình đầu cọp nhe răng, ngắm nghía và xếp bộ áo quần rằn ri với  ánh mắt buồn xa xăm rồi cho vô ngăn tủ. Nhìn ba chạnh lòng, tim tôi nhói.  Đi đâu thấy tập san về lính, ba cũng ôm lỉnh kỉnh về để dành thỉnh thoảng đem ra đọc. Khi gia đình sum họp, ba cao hứng cất giọng hát vài bản nhạc lính rồi nhoẻn miệng cười xuề xòa. Tự biên tự diễn. Có cảm giác những điều đó làm cho ba ấm lòng và tôi không biết làm gì cho ba vui hơn ngoài việc ngồi chăm chú lắng nghe để cho ba trút niềm tâm sự về đời lính của mình.


Có lẽ tôi không bao giờ hiểu tâm tư của lính, nhưng tôi cảm thông được nỗi miên man của họ qua hình ảnh ba tôi. Khí phách, lòng gan dạ trong những mẫu chuyện khiến tôi lấy làm tự hào được làm con của một người lính.  Tôi hiểu ra rằng cho dù những người lính như ba đã “xếp tàn y” nhưng tâm tư luôn gắn liền với kỷ niệm và hướng về quê hương, nơi những đồng đội của mình đang nằm chơ vơ trong những nấm mộ điêu tàn. Hiểu vậy nên tôi đâm ra thương những bộ quân phục mà tôi thường thấy các chú bác hay mặc trong những ngày lễ ở cộng đồng.


Quá khứ là hiện thân của hiện tại và tương lai, là sự chuyển tiếp giữa các thế hệ. Màu áo kia úa phai để những màu áo xanh tràn đầy hy vọng tiếp tục vươn lên. Hình ảnh người lính oai hùng năm xưa và bây giờ như những cội cây già cổi rơi rụng để làm mạch sống ngầm cho thế hệ trẻ – những đọt cây non đâm chồi nẩy lộc.


Quá khứ là lịch sử và lịch sử cần được trân trọng, huống gì lịch sử xương máu của biết bao người đã nằm xuống. Tôi thương là vì tôi thương chứ không ai bắt tôi phải thương! Tôi thương vì từ trong sâu thẳm tôi thầm biết ơn họ, những người như ba tôi đã đóng góp cho quê hương trong lúc đang dầu sôi lửa bỏng và tôi ý thức được tâm huyết của họ vì và cho chính nghĩa.  Hôm nay ngày quân lực, lòng tôi chợt hồi hồi nghĩ đến mười năm hay hai mươi năm nữa khi thế hệ cha anh lần lượt về với đất, liệu tôi có còn thấy được những màu áo lính như hôm nay không?!. Thôi đành nên trân trọng hôm nay, ngày mai sao thì sao như cái câu “Que sera sera”.


 06.18.2017


Lê Diễm Chi Huệ


++++++++++++++++++++++++++++


Father's Day 2017, tưởng nhớ người Cha kính yêu tuyệt vời


image007


Ngô Kỷ


Cách đây 7 năm, vào ngày Father's Day, tôi viết về Ba, và hôm nay cũng ngày Father's Day tôi lại viết về Ba, nhưng sao môi mằn mặn, mắt cay cay, lý do là 2010 Ba còn sống, còn 2017 thì Ba đã xa lìa trần thế.


Phải chờ tới 7 năm, hôm nay tôi mới tạm coi là có đủ can đảm và bình tỉnh để có thể ngồi trước bàn phím hồi tưởng và viết ra những kỷ niệm giữa cha với con, như một đóa hoa dâng tặng Ba nhân ngày Từ Phụ, và nhân dịp này cũng để chia sẻ tâm tình của tôi đến những thân hữu xa gần. Bài viết này có tính cách riêng tư, chỉ muốn riêng tặng những ai đang thích, đang thương tôi mà thôi, còn nếu ai đang ghét, đang chống tôi thì xin vui lòng Delete đi kẻo bực dọc, khó chịu mất vui. Nếu vô tình mail nào lọt vô thùng thơ khiến quý vị buồn lòng, thì xin vui lòng nhận nới đây lời tạ lỗi.


Chỉ cần một ánh mắt, một nụ cười cũng đủ trở thành kỷ niệm đẹp để nhớ, để thương, thế thì giữa cha con tôi có cả một đời bên nhau thì chắc phải có cả một bầu trờ kỷ niệm. Kỷ niệm giữa Ba và tôi trong thời thơ ấu thì nhiều vô số kể, mà nếu nói theo kiểu "tiểu thuyết" thì nhìn lên trời có mấy vì sao thì cha con tôi có bấy nhiêu kỷ niệm. Bắt đầu từ đâu và kết thúc chỗ nào chắc khó mà định được, cho nên nhớ tới đâu tôi xin kể ra lúc đó.


Ba Má tôi có 9 người con, 7 trai 2 gái, dù là con thứ Năm, không phải cả mà chẳng phải út, thế mà tôi lại là đứa con giống Ba nhất và được Ba cưng nhất nhà. Nhưng oái ăm là chính vì cái "nhất" đó mà tôi bị lãnh một trận đòn "thập tử nhất sinh" lúc 8 tuổi. 


Nguyên là vào dịp Tết, vì là con trai "cưng" nên Ba sắm cho tôi môt đôi giày mới toanh, trong khi các người anh, em trong nhà thì phải đánh "xi ra" giày cũ mệt nghĩ. Vì tinh thần "hòa đồng, đoàn kết" cao, nên tôi xách đôi giày mới ra cũng "xi ra, xi vô" khiến đôi giày mới bị lem nhem, luốc nhuốc, chẳng còn giống con giáp nào nữa. Khi Ba phát giác ra thì ông "nóng" lên chẳng khác chi Trương Phi quát tháo trên cầu Trường Bản khiến Tào Tháo hoảng sợ mà phải lui quân, thế là tôi đâm đầu chạy thoát thân suốt cả đoạn đường dài khoảng 300 thước từ nhà cho tới rạp hát An Thành Lạc Viện, nhưng chạy sao cho thoát, thế là vừa giận cho cái "ngu" của tôi, vừa tức vì phải rượt bắt tôi khiến máu Ba lên cao, thế là Ba tôi "dập" cho tôi một trận tơi bời hoa lá, không còn biết trời đất là gì nữa. 


Với cái thân nhóc tì làm sao tôi chịu thấu cái "bát xà mâu" của Ba được, khiến tôi bất tỉnh. Bà Nội và Má khóc bù lu bù loa, liên tục vắt cam vào miệng tôi, nhờ chất xúc tác của cam, tôi từ từ tỉnh lại, nhờ Ba đánh mà được ăn mấy trái cam. Bây giờ mỗi lần đi chợ mà thấy những quày cam làm tôi nhớ đến Ba tôi. Một sự ngẫu nhiên là từ lúc qua Mỹ tôi sống tại Orange County, tức Quận Cam, do đó hễ mỗi khi nhìn thấy lá cờ Quận Cam với cái logo hình trái cam là tôi bồi hồi nhớ đến Ba tôi.


Lớn lên, với cái kiếp sống lang bạt kỳ hồ, đầu đường xó chợ, hầu như tửu lầu nào, nhà hàng nào, tiệm quán nào mà tôi không vào ăn cho biết, thế mà đối với tôi thì các món cao lương mỹ vị, thịt bò Kobe, lobster, vi cá, bào ngư, cua biển v.v...cũng chẳng có món nào ngon lành bằng món "canh trứng" nấu bằng nước sôi, cọng với mấy cộng hành lá và chút tiêu hột do Ba nấu cho hai cha con vừa húp vừa ăn, thế mà tuyệt vời, bây giờ hết rồi.


Như trên đã giới thiệu, tính tôi giống Ba lắm, do đó mỗi lần Ba đi "ăn chè" là Ba dẫn tôi đi để qua mắt Má. Bây giờ ngồi nghĩ lại mới thấy thương cho Má và có tội với Má vô cùng. Má tôi đã "giao trứng cho ác," "nuôi ong tay áo" mà không biết, trong khi tôi làm gián điệp "nhị trùng" thì Má tôi lại tin tưởng tôi tuyệt đối, chính vì vậy mà tôi "báo cáo" như thế nào là Má tôi tin rơm rớp. Nhớ lại vào khoảng năm 65, 66 gì đó, Ba tôi bịa cớ với Má là đi lên Tòa Hành Chánh Tỉnh để giải quyết vụ môn bài bán gạo, để cho Má tin, Ba chở tôi theo, thay vì đi thẳng lên đường Phan Chu Trinh ra ngoài bến xe mới thì Ba lại rẽ qua đường Trần Cao Vân để lên khu đường rầy xe lửa. Với sự tính toán "siêu việt," Ba đưa tôi vào một tiệm kem ngồi ăn chờ Ba đi xong "mission" thì Ba tới đón về. Một giờ, hai giờ, ba giờ vẫn "bặt âm vô tín," chẳng thấy Ba tới đón, tôi đành lội bộ về nhà dù khá xa. 


Về đến nhà thi tôi báo cáo Má là Ba quá bận nói chuyện do đó ông thiếu úy ở tỉnh đưa về trước, cho đến lúc này Má vẫn tin tôi và coi như là tình hình "miền Tây vẫn yên tĩnh." Nhưng, chữ "nhưng" lúc nào cũng là "oan khiên và phủ phàng" cả, bổng dưng có một bà sồn sồn ở đâu hổn hển chạy tới báo tin cho Má biết là Ba tôi chở "nhân tình" bị bà già gánh giỏ rau vô tình móc vào cái bảng số xe Vespa làm cả hai té lăng đùng. Trời ơi ngó xuống mà coi, đang khi mọi chuyện đang yên ổn thì lại có một cái báo cáo "long trời lỡ đất" như vậy thì hỏi làm sao Má tôi không nổi máu "Hoạn Thư" lên cho được, thế là người tội nhân đầu tiên mà Má tôi đưa lên "đoạn đầu đài" chính là tôi chớ còn oan ức gì nữa mà than với thở. Kể từ cái ngày "định mệnh" hắc ám đó, tôi mất tín nhiệm nơi Má, từ điểm A bị rớt xuống F.


Có ai chê tôi sống thiếu vệ sinh và quê mùa thì tôi chịu, chứ sự thật là hồi nhỏ sao mà tôi "ghiền" cái khăn lau mặt của Ba, đi đâu về tôi cũng lấy khăn Ba lau một cái thì mới thấy khoái. Bây giờ cứ mỗi lần lễ lộc, thiên hạ tặng cho tôi đủ loại nước hoa, đặc biệt có cô bạn ở Pháp quen nhau trên diễn đàn thì thường xuyên gởi tặng nước hoa vì hình như bên Pháp họ hay dùng nước hoa hơn xứ Mỹ này. Đặc biệt phần tôi thì thuộc loại chuyên viên biểu tình "dãi nắng dầm sương" ngoài đường ngoài sá thì làm gì có nhiều cơ hội ăn diện, tiệc tùng mà dùng hoa với bông. 


Dù mùi nước hoa "Le Temps D'aimer Alain Delon" của ông tài tử Tây đẹp trai có thơm, có quý phái, có mắc tiền đến mấy chăng nữa thì cũng không sánh bằng mùi mồ hôi của Ba tôi. Bây giời sống tại một nước văn minh, khăn đủ màu, đủ kiểu, dày, mỏng, size lớn, size nhỏ, size vuông, size tròn..., chưa bẩn là đã thay rồi, thế mà sao tôi vẫn thấy thiếu thốn cái gì gần gũi.


Hiện đang sống tại một đất nước văn minh, khoa học cho rằng dùng chung đồ vệ sinh cá nhân là một điều không nên vì dễ gây bịnh truyền nhiễm, thế mà trong suốt thời niên thiếu, tôi luôn xử dụng chung cái khăn lau mặt của Ba, có lẽ tôi "ghiền" cái mùi hồ hôi của Ba thì phải?!. "Con tim có những lý lẽ mà lý trí không biết được," điều này chắc đã ứng dụng vào trường hợp tình cha con chúng tôi. Cho mãi đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm dược một lời giải thích thỏa đáng nào để chứng minh lý do nào mà tôi "can đảm" lau tới lau lui cái khăn của Ba từ năm này qua năm khác, trong khi hiện tại thì chỉ mới xài qua vài ba lần là thay khăn nờm nợp, hết khăn giấy tới khăn lông, thật là khó hiểu quá đi thôi! Ca dao có câu "thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi," mà tôi thì cô đơn, không vợ nên tôi quen cái "hơi" của Ba.


Tôi biết lái xe khá sớm, mới 15, 16 tuổi tức mới đệ tứ, đệ tam là tôi đã lái xe "long trời lỡ đất" rồi, và cái ngày khởi đầu "sự nghiệp" lái xe làm tôi nhớ suốt đời. Như đã trình bày, Ba thương tôi lắm, nên Ba đi đâu hay làm gì đều có mặt tôi. Trong mấy tuần Ba tập lái xe Jeep trong sân vận động Tam Kỳ thì lúc nào cũng có tôi làm "quan sát viên," nên tôi học lóm được đôi ba điều.


Vào một buổi sáng Chúa Nhật đẹp trời, tôi biến thành một tên "đạo chích," trong khi Ba đang an giấc nồng thì tôi lặng lẽ vào phòng lấy trộm chìa khóa xe để lái đi nhà thờ. Thời Việt Nam đậu xe trong nhà chứ ít có garage hay parking ngoài sân như ở ngoại quốc. Leo lên xe, đút chìa khóa vào, "đề" máy, và...bánh xe bất ngờ dọt tới tông ngã cái tủ kính chứa đầy thuốc cao đơn, hoàn tán, vì nhà tôi "bán sĩ và lẽ" mà. Té ra là xe Jeep thuộc loại "số tay," được Ba gài số khi đậu để xe khỏi lăn bánh, điều này tôi không "nắm vững" khiến lạng quạng, bất ngờ. 


Nghe tiếng động lớn quá, Ba tỉnh thức và "nhè nhẹ" lắc đầu, chừng đó thôi cũng làm tim tôi muốn rớt ra ngoài. Cái dại này làm tôi luôn cảnh giác "cao độ" mỗi khi làm cái gì, vì mọi thứ đều có thể xảy ra ngoài dự liệu.


Theo vận nước nổi trôi, tôi qua Mỹ tháng 4 năm 1975, và mãi tới năm 1991 tôi mới bảo lãnh Ba và anh em đoàn tụ. Là người sinh hoạt cộng đồng nên tôi có cơ hội tiếp xúc với các người mới từ Việt Nam qua Mỹ. Từ đó tôi nhận thức rằng họ rất "nhạy cảm," dễ bị dị ứng và dễ tủi thân, mặc cảm. Chỉ nghe một câu nói đùa hay một lời nói "quá thẳng thắn" là họ có thể buồn tủi và tự ái. Mà tính tôi thì lại "thẳng như ruột ngựa, và sống thật nên tôi lo rằng Ba sẽ thất vọng hoặc bỡ ngỡ khi tiếp cận với tôi.


Ngô Kỷ
08 Tháng Hai 2018(Xem: 6134)
18 Tháng Giêng 2018(Xem: 6571)
26 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 6297)
26 Tháng Mười Một 2017(Xem: 5500)