Phân tích lập trường của VN về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông

17 Tháng Tư 20197:04 CH(Xem: 10840)

VĂN HÓA ONLINE - THẾ GIỚI HÔM NAY  - THỨ NĂM 18 APRIL 2019


image023


Từ DOC tới COC


Phân tích lập trường của Việt Nam về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông


image025


Nguồn: Lê Hồng Hiệp, “Vietnam’s Position on the South China Sea Code of Conduct“, ISEAS Perspective, no. 22/2019, 08/04/2019.


Biên dịch: Nguyễn Hoàng Sa


Giới thiệu


Các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc hiện đang đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để thay thế Tuyên bố  ASEAN – Trung Quốc năm 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) chủ yếu mang tính chính trị. 


Ngày 3 tháng 8 năm 2018, một bước tiến đáng kể đã được thực hiện khi ngoại trưởng 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc thông báo rằng họ đã đạt được một Văn Bản Dự Thảo Đàm Phán Duy Nhất (SDNT) để làm cơ sở cho các cuộc đàm phán COC. Văn bản này làm sáng tỏ lập trường ban đầu của các bên tham gia đàm phán, trong đó có Việt Nam. Cách thức mà các thành viên ASEAN và Trung Quốc thương thảo dựa trên lập trường thể hiện trong SDNT trong những năm tới sẽ định hình kết quả của quá trình đàm phán.


Bài viết này phân tích lập trường của Việt Nam về COC bằng cách nghiên cứu các đề xuất trong SDNT hiện tại và đối chiếu với lập trường trước đó của Hà Nội về bản COC của ASEAN năm 1999 mà Việt Nam và Philippines là hai bên soạn thảo chính. Theo đó, bài viết phân tích lập trường của Việt Nam trên bốn lĩnh vực trọng tâm của COC, đó là phạm vi địa lý, tình trạng pháp lý, giải quyết tranh chấp và nghĩa vụ hợp tác. 


Mục đích tổng thể của bài viết là trình bày một góc nhìn từ phía Việt Nam về các nội dung cốt lõi của một bản COC “thực chất và hiệu quả”.


Sự tham gia của Việt Nam vào tiến trình COC


Là một quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, phải đối mặt với những căng thẳng thường xuyên do xung đột với các bên tranh chấp khác, đặc biệt là Trung Quốc, Việt Nam từ lâu đã ủng hộ việc thông qua một COC ở Biển Đông để có thể quản lý tốt hơn các tranh chấp. 


Giai đoạn những năm 1990, Việt Nam đã tìm cách thiết lập các nguyên tắc cho COC bằng cả biện pháp song phương lẫn đa phương. Về song phương, Việt Nam và Philippines đã thông qua một Tuyên bố chung tại cuộc Tham vấn song phương hàng năm lần thứ tư ngày 7 tháng 11 năm 1995, trong đó quy định chín nguyên tắc cơ bản cho COC trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Về đa phương, vào tháng 3 năm 1999, ASEAN giao cho Philippines và Việt Nam nhiệm vụ soạn thảo một bản COC nội bộ của ASEAN, trên cơ sở đó ASEAN sẽ làm việc với Trung Quốc để hình thành một COC ASEAN-Trung Quốc. Vào tháng 11 năm 1999, hai nước đã đệ trình dự thảo COC lên Hội nghị thượng đỉnh ASEAN không chính thức lần thứ 3 ở Manila. Thông cáo báo chí của Chủ tịch trong hội nghị lưu ý rằng:


Về vấn đề Biển Đông, lãnh đạo các nhà nước/chính phủ đã tái khẳng định sự cần thiết của một Bộ quy tắc ứng xử trong khu vực Biển Đông. Các bên ghi nhận báo cáo của các Bộ trưởng rằng ASEAN hiện đã có một dự thảo bộ quy tắc ứng xử khu vực và các cuộc tham vấn tiếp theo về dự thảo sẽ được thực hiện nhằm thúc đẩy quá trình thông qua một Bộ quy tắc ứng xử.[1]


Dự thảo COC của ASEAN đã được gửi cho Trung Quốc và vào tháng 3 năm 2000, cuộc tham vấn đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc về COC đã được tổ chức tại Hua Hin, Thái Lan. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai bên vẫn còn và có rất ít tiến triển hướng tới một bản COC chung.


Cuối cùng, các quốc gia thành viên ASEAN đã đồng ý “xuống nước” và quyết định ký DOC ASEAN – Trung Quốc vào ngày 4 tháng 11 năm 2002 trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8 tại Phnom Penh, Campuchia.


DOC đã không đáp ứng hết kỳ vọng của một số thành viên ASEAN, bao gồm Việt Nam, vì không quy định phạm vi địa lý áp dụng và không cấm xây dựng các công trình mới trên các thực thể ngầm,[2] hai điều khoản chính mà Việt Nam tìm cách đưa vào COC tương lai. Tuy nhiên, DOC vẫn là một thành tựu có ý nghĩa trong việc quản lý các tranh chấp Biển Đông. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Blas F. Ople gọi Tuyên bố này là “bước nhảy vọt lớn cho hòa bình”, trong khi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lúc bấy giờ là Vương Nghị [Wang Yi] nói rằng Tuyên bố này sẽ cho phép hòa bình được duy trì và giúp các bên yêu sách tập trung vào phát triển kinh tế.[3] Việt Nam cũng coi DOC là một công cụ thiết yếu để bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông. Các tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam (MOFA) cho thấy DOC thường được viện dẫn làm cơ sở cho các phản đối ngoại giao của Việt Nam chống lại các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.[4]


Tuy nhiên, theo thời gian, DOC cũng bộc lộ những hạn chế, đặc biệt là vì tính chất không ràng buộc nên dẫn đến hiệu lực thực thi thấp. Kể từ năm 2002, nhiều sự cố đã xảy ra trên Biển Đông khiến hiệu quả của DOC bị nghi ngờ. 


Các sự cố đáng chú ý nhất bao gồm cuộc đối đầu ở bãi cạn Scarborough năm 2012 giữa Trung Quốc và Philippines; cuộc khủng hoảng giàn khoan năm 2014 giữa Trung Quốc và Việt Nam; và việc xây và quân sự hóa bảy đảo nhân tạo ở Trường Sa của Trung Quốc. 


Các sự cố ít nghiêm trọng nhưng không kém phần đáng lo ngại khác liên quan đến các vụ Trung Quốc liên tục quấy rối hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), hoặc tấn công bạo lực ngư dân Việt Nam, đặc biệt là ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp. Do đó, việc xây dựng một COC thực chất và hiệu quả đã trở thành mục tiêu cho cả Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong khu vực.


Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc lần thứ 15 tại Phnom Penh vào năm 2012, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã thông qua một tuyên bố chung nhân dịp kỷ niệm 10 năm ký kết DOC. Bên cạnh việc ca ngợi ý nghĩa của DOC trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và tin tưởng lẫn nhau ở Biển Đông, tuyên bố chung cũng nhắc lại sự cần thiết phải xây dựng COC.[5]


Vào tháng 9 năm 2013, ASEAN và Trung Quốc chính thức bắt đầu tham vấn về COC.[6] Tuy nhiên, những năm tiếp do căng thẳng gia tăng ở Biển Đông vì nhiều vấn đề khác nhau, như vụ kiện trọng tài của Philippines đối với Trung Quốc, khủng hoảng giàn khoan năm 2014 giữa Việt Nam và Trung Quốc và việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa, các tiến triển đạt được là rất chậm. 


Mãi đến sau phán quyết lịch sử do Toà Trọng tài tại The Hague ban hành vào tháng 7 năm 2016, Trung Quốc mới bắt đầu xem xét đẩy nhanh tham vấn về COC.[7] 


Vào tháng 2 năm 2017, cuộc họp lần thứ 19 của Nhóm làm việc chung ASEAN-Trung Quốc về việc thực hiện DOC (JWG-DOC) đã đạt được đề cương cơ bản của khung dự thảo cho COC. Dự thảo đã được chỉnh sửa trong các cuộc họp song phương sau đó trước khi được các bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc và ASEAN thông qua vào ngày 6 tháng 8 năm 2017 tại Manila.[8] 


Một năm sau, vào ngày 03/08/2018, hai bên đã thông qua SDNT, về cơ bản đã chuyển tiến trình COC từ giai đoạn “tham vấn” sang giai đoạn “đàm phán”.


Lập trường COC của Việt Nam: hiện tại và trước đây


Là một bên tranh chấp chính ở Biển Đông, Việt Nam có lợi ích đáng kể liên quan đến kết quả của tiến trình COC và luôn ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được COC. Tuy nhiên, Việt Nam tìm kiếm một COC hiểu quả thực chất chứ không phải một tài liệu chính trị thiếu hiệu quả khác. Bình luận về đề xuất của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường [Li Keqiang] vào tháng 11 năm 2018 rằng ASEAN và Trung Quốc nên đặt mục tiêu đạt được COC trong vòng ba năm,[9] Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà tuyên bố rằng “Quan trọng nhất là phải đạt được một COC thực chất, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, qua đó thực sự đóng góp cho hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung.”[10] Nói cách khác, mối quan tâm chính của Việt Nam là nội dung thực chất của COC tương lai.


Vậy theo quan điểm của Việt Nam, điều gì cấu thành nên một bản COC thực chất và hiệu quả? Xem xét kỹ sự tham gia của Việt Nam vào tiến trình này cho thấy Việt Nam đã duy trì một lập trường khá nhất quán trong các vấn đề chính của COC. Bảng dưới đây so sánh lập trường hiện tại của Việt Nam về COC được phản ánh trong SDNT và lập trường trong những năm 1990 được phản ánh trong quá trình soạn thảo COC của ASEAN.


Bảng 1 : Lập trường của Việt Nam đối với COC ASEAN 1999 và trong đàm phán COC hiện nay


Vấn đề

COC ASEAN

Đàm phán COC hiện nay

Phạm vi địa lý

Áp dụng cho cả Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển tranh chấp.


 

Áp dụng cho tất cả các thực thể tranh chấp và các vùng biển chồng lấn được xác định theo UNCLOS 1982 ở Biển Đông.

Tình trạng pháp lý

Không nêu

– Các bên ký kết đồng ý chịu sự ràng buộc của COC


– COC sẽ được phê chuẩn theo thủ tục nội bộ tương ứng của các bên ký kết; văn kiện phê chuẩn sẽ được gửi lên Tổng thư ký ASEAN, người sẽ đăng ký COC với Liên Hợp Quốc.


– Không bên ký kết nào có quyền tuyên bố bảo lưu điều nào khi ký COC.

Giải quyết tranh chấp

Không nêu

– Tranh chấp được giải quyết thông qua các biện pháp thân thiện như đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải và các biện pháp khác theo thoả thuận của các bên tranh chấp ký kết COC. Nếu không thành công, các bên tranh chấp cũng có thể sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp theo các điều khoản phù hợp của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á.


– Không có nội dung nào trong COC ngăn cản việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua trọng tài, tòa án, các cơ quan hoặc tổ chức khu vực hoặc theo thỏa thuận của các bên; hoặc các biện pháp hòa bình khác do các bên hữu quan quyết định.


– Để giám sát việc thực hiện COC, một Ủy ban của các Bộ trưởng ngoại giao hoặc đại diện của họ sẽ được thành lập.

Nhiệm vụ hợp tác

– Giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế;


– Cấm sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực;


– Tự kiềm chế;


– Tìm kiếm và áp dụng các biện pháp xây dựng lòng tin;


– Hợp tác trong các hoạt động hàng hải như bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; an toàn hàng hải và thông tin liên lạc; hoạt động tìm kiếm cứu nạn; và chống tội phạm xuyên quốc gia;


– Tham vấn;


– Tôn trọng tự do hàng hải và hàng không quốc tế;


– Không xây dựng các công trình mới trên các thực thể ngầm.

27 điểm, trong đó bao gồm:


– Tôn trọng các vùng biển được quy định và xác lập theo UNCLOS 1982;


– Thông báo trước 60 ngày về các cuộc tập trận/diễn tập quân sự chung/kết hợp sắp diễn ra;


– Không xây dựng bất kỳ đảo nhân tạo nào; không quân sự hóa các thực thể;


– Không phong tỏa tàu chở hàng tiếp tế hoặc luân chuyển nhân sự;


– Không tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông;


– Không tiến hành các cuộc tấn công mô phỏng vào tàu và máy bay của các quốc gia khác.


 

Nguồn: Biên soạn của tác giả dựa trên bài viết của Nguyễn Hồng Thao [11] và Carl Thayer [12].


Về phạm vi địa lý, Việt Nam luôn tìm kiếm một COC áp dụng cho cả Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. Điều này là do Việt Nam xem quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ đang bị tranh chấp nhưng Trung Quốc không thừa nhận có tranh chấp, trong khi một nửa quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ Việt Nam vào năm 1974. Hơn nữa, các cơ quan chấp pháp của Trung Quốc thường xuyên quấy rối hoặc tấn công ngư dân Việt Nam trong vùng biển xung quanh Quần đảo Hoàng Sa. Ví dụ gần đây nhất liên quan đến một tàu cá Việt Nam khi đang neo đậu gần Đá Lồi thuộc Quần đảo Hoàng Sa vào ngày 6 tháng 3 năm 2019 thì bị một tàu Hải giám Trung Quốc truy đuổi và bắn vòi rồng. Chiếc tàu này sau đó đã bị chìm khi va phải đá ngầm trong lúc bị truy đuổi.[13] Do đó, theo quan điểm của Hà Nội, COC cần phải được áp dụng cho cả Hoàng Sa để ngăn chặn các sự cố tương tự xảy ra và làm gia tăng căng thẳng trên biển giữa Trung Quốc và các quốc gia khác.


Về địa vị pháp lý của COC, trong những năm 1990, Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác đã không nêu ra vấn đề này bởi vì các thành viên ASEAN tại thời điểm đó chủ yếu coi COC là một công cụ xây dựng lòng tin chủ yếu nhằm mục đích khuyến khích các quốc gia yêu sách tự kiềm chế. Hơn nữa, về bản chất, COC là “luật mềm” và thông thường không đi kèm các cơ chế thực thi chặt chẽ. Việc thực hiện COC thường dựa trên thiện chí của các nước tham gia. Tuy nhiên, thực tế trong hai thập niên qua, cùng với sự vi phạm DOC nhiều lần của các bên ký kết, cho thấy một niềm tin như vậy là sai lầm và một COC không ràng buộc sẽ ít có tác dụng trong việc đạt được mục đích duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Do đó, lần này Việt Nam có xu hướng nhấn mạnh tính ràng buộc pháp lý của COC bằng cách đề xuất rằng các quốc gia ký kết phải chịu ràng buộc toàn bộ bởi COC mà không có quyền bảo lưu. Đồng thời, việc Việt Nam yêu cầu COC phải được phê chuẩn bởi các quốc gia ký kết theo thủ tục pháp lý trong nước có nghĩa là Việt Nam muốn xem COC là “luật cứng” mặc dù có tên gọi là “Bộ Quy tắc”.


Tương tự như vấn đề địa vị pháp lý, trong những năm 1990, Việt Nam không nêu ra vấn đề giải quyết tranh chấp liên quan đến việc thực hiện COC tương lai. Điều này là do, như đã đề cập ở trên, Việt Nam và các thành viên ASEAN khác không hình dung COC tương lai sẽ mang tính ràng buộc pháp lý, do vậy không cần phải đưa ra các cơ chế giải quyết tranh chấp về việc thực thi COC. Hiện tại, Việt Nam muốn có một COC ràng buộc nên đã đề xuất các biện pháp giải quyết tranh chấp phát sinh từ việc thực thi COC bằng các biện pháp hữu nghị như đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải hoặc các cơ chế giải quyết tranh chấp theo các điều khoản liên quan của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á.


Đáng chú ý, Việt Nam cũng nói rõ rằng không có điều khoản nào trong COC ngăn cản việc sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình khác, như trọng tài, tòa án, các cơ quan hoặc tổ chức khu vực, hoặc theo dàn xếp do các bên tự thỏa thuận. Điều này ngụ ý rằng Việt Nam muốn tiếp tục để ngỏ lựa chọn pháp lý nhằm đối phó với Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ và trên biển cũng như các tranh chấp phát sinh từ việc thực thi COC. Lập trường này là có thể hiểu được nếu xét những nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc tích lũy các bằng chứng lịch sử và pháp lý nhằm chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh pháp lý, trong đó Việt Nam sẽ vận dụng các cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết các bất bình đối với Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là hành vi cưỡng chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc vào năm 1974. Trong một cuộc họp báo về vụ giàn khoan vào năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc đó khẳng định Việt Nam đang xem xét các lựa chọn khác nhau để bảo vệ lợi ích trên biển của mình chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc, trong đó có biện pháp pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế.[14] Cũng cần lưu ý rằng khi Philippines đệ trình vụ kiện trọng tài chống lại các yêu sách Biển Đông của Trung Quốc vào năm 2013, Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ hành động này bằng cách trích dẫn điều khoản của DOC rằng các Bên nên giải quyết các khác biệt thông qua “tham vấn và đối thoại”.


Cuối cùng, liên quan đến nghĩa vụ hợp tác, Việt Nam đã đưa ra danh sách những điều cần thiết cho một COC thực chất và hiệu quả. Trong khi các yêu cầu của Việt Nam cũng như các thành viên ASEAN khác thể hiện trong COC ASEAN 1999 mang tính bao quát và không cụ thể, thì các yêu cầu của Hà Nội trong đàm phán COC hiện nay cụ thể hơn nhiều và dựa trên kinh nghiệm đối phó với Trung Quốc trong quá trình thực hiện DOC 2002. Ví dụ, đòi hỏi các Bên phải tôn trọng các vùng biển theo quy định của UNCLOS 1982 dường như là do Trung Quốc từng xâm nhập vào EEZ của Việt Nam (ví dụ như cuộc khủng hoảng giàn khoan 2014) hoặc việc nước này liên tục quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế. Các yêu cầu về việc không xây dựng đảo nhân tạo hoặc không quân sự hóa các thực thể đã được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông trong những năm gần đây. Tương tự như vậy, yêu cầu về việc không chặn các tàu chở hàng tiếp tế hoặc luân chuyển nhân sự phát sinh từ việc Trung Quốc từng tìm cách chặn các tàu Việt Nam cung cấp các đồ tiếp tế tới các điểm đảo mà Việt Nam đang đóng giữ tại quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, Việt Nam phản đối tuyên bố của bất kỳ Bên nào về thiết lập ADIZ ở Biển Đông là do Việt Nam từ lâu ủng hộ tự do hàng hải và hàng không quốc tế cũng như lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ thành lập một ADIZ trên Biển Đông giống như Trung Quốc đã làm ở Biển Hoa Đông năm 2013. Do đó, yêu cầu cấm hành vi trên của Hà Nội là một động thái chặn trước khôn ngoan nhằm đưa Bắc Kinh vào tầm ngắm dư luận nếu Trung Quốc cân nhắc phương án này.[15]


Kết luận


Các phân tích trên cho thấy lập trường của Việt Nam về COC là khá nhất quán trong 20 năm qua. Sự cụ thể, rõ ràng hơn trong đàm phán COC hiện nay chủ yếu bắt nguồn từ sự thất vọng với những hạn chế của DOC 2002 trong việc kìm hãm sự hung hăng trên biển của Trung Quốc. Một số quan chức Việt Nam khi trao đổi cũng có ý cho rằng “thà không có thỏa thuận còn hơn là có một thỏa thuận tồi”. Chính vì vậy, Việt Nam đã nói rõ COC cần bao hàm những gì để trở thành một thỏa thuận tốt. Nói cách khác, những yêu cầu của Việt Nam tạo thành các nội dung cốt lõi của một COC thực chất và hiệu quả nhìn từ quan điểm của Việt Nam.


Danh sách dài các yêu cầu của Việt Nam dường như là một đòi hỏi quá cao trong mắt nhiều nhà quan sát. Tuy nhiên, khi các cuộc đàm phán đang ở giai đoạn ban đầu, tất cả các bên đều hướng tới mục tiêu cao nhất để tạo dư địa cho các thỏa hiệp có thể xảy ra sau này. Trong quá trình đàm phán, Việt Nam cũng như các bên khác có thể nhượng bộ bằng cách bỏ qua hoặc thay đổi một số yêu cầu không cốt lõi nhất định. Tuy nhiên, tới thời điểm tháng 3 năm 2019, các Bên vẫn đang trong quá trình rà soát SDNT lần đầu tiên trong tổng cộng ba lần. Như vậy, vẫn còn quá sớm để biết liệu Việt Nam có sửa đổi bất kỳ điểm nào trong lập trường ban đầu hay không.


Vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2020 sẽ giúp Hà Nội có cơ hội  làm nổi bật vấn đề Biển Đông trong chương trình nghị sự của ASEAN. Để chứng minh vai trò dẫn dắt của mình, Việt Nam cũng có thể cố gắng đẩy nhanh tiến độ đàm phán COC. Tuy nhiên, như Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà nhấn mạnh, Việt Nam sẽ thúc đẩy một COC thực chất và hiệu quả thay vì cố gắng đạt được một thỏa thuận mang tính biểu tượng trong khung thời gian xác định trước. Các bên đàm phán khác, đặc biệt là Trung Quốc, cũng có khả năng  duy trì các yêu cầu cốt lõi của họ. Như vậy, quá trình đàm phán COC dự kiến sẽ ​​là một bài toán đầy thách thức và tốn thời gian. Lựa chọn giữa việc đạt được một COC sớm và một COC thực chất và hiệu quả sẽ là những lựa chọn cực kỳ nan giải đối với tất cả các bên liên quan.


Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS Yusof Ishak Institute), Singapore. Nguyễn Hoàng Sa là nghiên cứu sinh thạc sỹ trong lãnh vực Luật quốc tế và là cộng tác viên năm thứ ba của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. 


————


Chú thích


[1] Thông cáo báo chí của Chủ tịch Hội nghị cấp cao không chính thức ASEAN lần thứ 3 tại Manila, Philippines, 28/11/1999, truy cập tại <https://asean.org/?static_post=ouchman-s-press-statement-on-asean-3rd-informal -summit-manila-philippines-28-tháng 11 năm 1999>.


[2] Nguyễn Đăng Thắng & Nguyễn Thị Thanh Hà, “Một số suy nghĩ về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông”, bài trình bày tại hội nghị quốc tế về tranh chấp Biển Đông: Lịch sử , Địa chính trị và Luật quốc tế, Hà Nội 26/4/2011. Có thể đọc phiên bản cuối cùng tại https://daisukybiendong.wordpress.com/2017/04/29/mot-so-suy-nghi-ve-bo-quy-tac-ung-xu-o-bien-dong/.


[3] “Asean, China sign pact on disputed Spratlys”, CNN 4/11/2002. 


[4] Các tuyên bố của người phát ngôn MOFA của Việt Nam, truy cập tại <http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn&gt;.


[5] Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 nhân kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, ngày 19/11/2012, truy cập tại <https://www.asean.org/&gt;


[6] Carlyle A. Thayer, “New Commitment to a Code of Conduct in the South China Sea?” NBR 9/10/2013, truy cập tại https://www.nbr.org/publication/new-commitment-to-a-code-of-conduct-in-the-south-china-sea/


[7] “Asean urges self-restraint in South China Sea activities, no mention of tribunal ruling”, The Straits Times 25/7/2016, < https://www.straitstimes.com/asia/se-asia/asean-foreign-ministers-address-south-china-sea-issue-in-communique-but-not-tribunal&gt;


[8] Để biết tổng quan về Dự thảo khung COC, xem Ian Storey, Đánh giá Dự thảo khung ASEAN-Trung Quốc về Quy tắc ứng xử đối với Biển Đông , ISEAS Perspective, no. 62 (2017).


Chú thích của BTV: Một bản dịch tiếng Việt được đăng tại https://daisukybiendong.wordpress.com/2017/08/24/danh-gia-ban-khung-cua-asean-va-trung-quoc-ve-bo-quy-tac-ung-xu-tren-bien-dong/


[9] “Asean and China should aim to conclude talks on maritime code of conduct in 3 years: PM Lee”, The Straits Times, 4/11/2018, <https://www.straitstimes.com/singapore/asean-and-china-should-aim-to-conclude-talks-on-maritime-code-of-conduct-in-3-years-pm-lee&gt;


[10] Tuyên bố truy cập tại <http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/tcbc/ns181122164946&gt;


[11] Nguyen Hong Thao, “Vietnam and the Code of Conduct for the South China Sea”, Ocean Development & International Law 32, no.2 (2001): 105-130.


[12] Carl Thayer, “A Closer Look at the ASEAN-China Single Draft South China Sea Code of Conduct”, The Diplomat, 3/8/2018, <https://thediplomat.com/2018/08/a-closer-look-at-the-asean-china-single-draft-south-china-sea-code-of-conduct/&gt;


Chú thích của BTV: Một bản dịch tiếng Việt được đăng tại https://daisukybiendong.wordpress.com/2018/08/05/mot-cai-nhin-ky-hon-du-thao-duy-nhat-bo-quy-tac-ung-xu-o-bien-dong-cua-asean/


[13] “Vietnam protests to China over South China Sea boat sinking”, The Straits Times, 22/3/2019, https://www.straitstimes.com/asia/east-asia/vietnam-protests-to-china-over-south-china-sea-boat-sinking


[14] “Thủ tướng: ‘Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viễn vong’”, VnExpress 22/5/2014, https://vnexpress.net/the-gioi/thu-tuong-khong-danh-doi- chu-quyen-lay-huu-nghi-lâm-vong-2994075.html. Theo Quyết định số 10/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Biên giới quốc gia trực thuộc Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Biên giới quốc gia được giao nhiệm vụ đề xuất chủ trương và xây dựng đề án, hồ sơ pháp lý để phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp về biên giới, lãnh thổ trước các cơ quan tài phán quốc tế.


[15] Le Hong Hiep, “How to Read Hanoi’s Position on the South China Sea COC?”, ISEAS Commentary, 03/01/2019, <https://www.iseas.edu.sg/medias/commentaries/item/8797-how-to-read-hanois-position-on-the-south-china-sea-coc-by-le-hong-hiep&gt;


Nguồn: Dự án Đại Sự ký Biển Đông
07 Tháng Sáu 2015(Xem: 18302)
- Tổng Thống Philippines Benigno Aquino đem Trung Quốc ra so sánh với Đức Quốc Xã trong một bài diễn văn đọc ở Nhật Bản. - Theo ông Gordon Chang, tác giả cuốn “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc”, cho rằng Biển Đông có thể sắp sửa trở thành “Vùng Đại Chiến.”
04 Tháng Sáu 2015(Xem: 20100)
"Nhật Bản, Mỹ và Úc có ý định giúp đỡ 2 nước bằng cách đào tạo nhân viên quân sự tại hai quốc gia Đông Nam Á này. Đồng thời bộ ba liên minh cũng có kế hoạch giúp Việt Nam và Philippines nâng cao kỹ năng cho lực lượng phòng thủ bằng cách mời một số cán bộ sang Nhật Bản, Mỹ và Úc đào tạo và thúc đẩy các hoạt động trao đổi, giao lưu quân sự."
02 Tháng Sáu 2015(Xem: 19037)
"Bốn tàu chiến của Ấn Độ tiến hành tập trận với 5 nước Đông Nam Á xung quanh các khu vực đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, trước khi tới Úc."
02 Tháng Sáu 2015(Xem: 19127)
"Trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ năm của một vị bộ trưởng quốc phòng Mỹ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, ông Carter đã ký với nước chủ nhà “Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ”.
02 Tháng Sáu 2015(Xem: 18519)
"Việt Nam đã mua sắm vũ khí của Nga, của Tây Âu và gần đây nhất, đích thân Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho biết ông cùng các thượng nghị sĩ khác sẽ đề nghị nới lỏng hơn nữa lệnh cấm vận vũ khí sát thương để giúp Việt Nam có thêm khả năng tự vệ."
02 Tháng Sáu 2015(Xem: 18493)
Các phóng viên Mỹ và châu Âu hỏi "hăng" nhất, họ rất hứng thú với vấn đề căng thẳng trên Biển Đông. Tuy nhiên theo tường thuật của Bloomberg, khi rời khỏi phòng họp Đô đốc họ Tôn lập tức bị phóng viên quốc tế bủa vây, nhưng ông này không trả lời và nhanh chóng tìm cách "thoát thân, chuồn thẳng".
31 Tháng Năm 2015(Xem: 19159)
" Theo TNS McCain, Việt Nam cần được Mỹ cung cấp thêm vũ khí phòng thủ, có thể được sử dụng trong trường hợp một cuộc xung đột với TQ." "Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter ngày 31 tháng 5 cho biết, Washington cam kết cung cấp 18 triệu USD hỗ trợ Việt Nam mua sắm tàu tuần tra do Mỹ chế tạo nhằm nâng cao năng lực quốc phòng."
28 Tháng Năm 2015(Xem: 19782)
"Hội bảo tồn động vật hoang dã đặt trụ sở ở Mỹ tuần này cho biết số voi ở Mozambique hiện chỉ còn khoảng 10.300 con so với hơn 20.000 con 5 năm trước."
28 Tháng Năm 2015(Xem: 19592)
"Hai dân biểu Mỹ nói Nga dùng lò hỏa táng di động để che giấu việc binh sĩ của họ tham gia trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Tố cáo này được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin Bloombers với Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mac Thornberry và Dân biểu Seth Moulton."
28 Tháng Năm 2015(Xem: 18976)
Theo AFP, sau khi dừng chân tại Hawai, bộ trưởng Ashton Carter sẽ đến Singapore, Việt Nam và Ấn Độ. Phát ngôn viên bộ Quốc Mỹ, đại tá Steven Warren, cho biết « trong 10 ngày tới đây, bộ trưởng Ashton Carter sẽ khẳng định Hoa Kỳ chuyển trục về châu Á-Thái Bình dương ».
26 Tháng Năm 2015(Xem: 20251)
"Trung Quốc “sẽ chỉ tấn công khi bị tấn công, nhưng sẽ phản công” và nhắc tới “những hành động khiêu khích của các láng giềng ngoài biển” và “các phe bên ngoài tự liên hệ vào vấn đề biển Nam Trung Hoa”. "Cùng ngày công bố Sách Trắng, Tân Hoa xã đưa tin về kế hoạch xây hai ngọn hải đăng cao 50 mét ở rặng san hô thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam và Philippines cùng tuyên bố chủ quyền."
26 Tháng Năm 2015(Xem: 19565)
"Nguồn tin của BBC nói ông Carter sẽ tới Việt Nam vào ngày 31/5 từ Singapore, nơi ông tham dự diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La. Chi tiết chuyến thăm còn được giữ kín, nhưng ông được tin sẽ ở thăm Việt Nam hai ngày."
26 Tháng Năm 2015(Xem: 19549)
"Hai trận động đất mạnh trước đây đã tàn phá Nepal hôm 25/4 và 12/5, làm thiệt mạng gần 8700 người và khiến 16800 người khác bị thương."
24 Tháng Năm 2015(Xem: 25036)
Sáng kiến “Vòng đai và con đường” đề cập đến “Con đường Tơ lụa trên Biển Thế kỷ 21” và “Vòng đai Kinh tế Con đường Tơ lụa” nhằm củng cố các mối quan hệ của Trung Quốc với châu Á, châu Âu và châu Phi. Đầu tiên được xem như là một mạng lưới các dự án hạ tầng cơ sở vùng, chương trình được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem như là chiến lược kinh tế nội địa và chính sách ngoại giao trọng điểm.
24 Tháng Năm 2015(Xem: 19815)
Bốn trong số các ngân hàng, Citigroup, JPMorgan Chase, Barclays, và Ngân hàng Hoàng gia Scotland, đã thừa nhận vi phạm luật chống độc quyền. Ngân hàng thứ năm, UBS, bị phạt vì thao túng một mức lãi suất quan trọng.
24 Tháng Năm 2015(Xem: 21067)
Theo thông tin của nhật báo Utusan Malaysia, cảnh sát đã phát hiện 30 hố chôn tại hai địa điểm thuộc bang Perlis, nằm giáp biên giới với Thái lan. Trang báo mạng The Star cũng cho biết cụ thể, chỉ riêng trong một hố chôn phát hiện vào 22/05 vừa qua, đã có khoảng khoảng 100 xác chết.
23 Tháng Năm 2015(Xem: 18595)
Hôm qua, 21/05/2015, Hải quân Mỹ đã cho công bố hai cuộn băng video và băng thu âm cuộc khẩu chiến giữa Hải quân Trung Quốc và máy bay tuần tra Mỹ P8-A Poseidon xẩy ra hôm trước, ngày 20/04/2015/, trên không phận các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông. Hải quân Trung Quốc đã tám lần yêu cầu máy bay Mỹ rời khỏi khu vực. Phi công Mỹ trên máy bay do thám đáp lại đó là không phận quốc tế, nhưng Hải quân Trung Quốc vẫn tiếp tục xua đuổi máy bay Mỹ.
19 Tháng Năm 2015(Xem: 19356)
"Phương án này dựa trên giả định Trung Quốc tìm cách phong tỏa, kiểm soát các tuyến đường biển, ngăn chặn dòng chảy thương mại và nguồn tài nguyên thiên nhiên mà các nền công nghiệp phát triển phụ thuộc vào nó."