VĂN HÓA ONLINE - VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THỨ SÁU 17 NOV 2017
Tranh của Leonardo Da Vinci đạt giá kỷ lục 450 triệu USD
16/11/2017
TTO - Bức vẽ chân dung Chúa Giêsu của Leonardo Da Vinci có tên 'Người cứu rỗi thế giới' vừa được bán với giá 450 triệu USD, trở thành bức tranh đắt nhất trong một phiên đấu giá.
Bức 'Người cứu rỗi thế giới' của Leonardo Da Vinci - Ảnh: NEW YORK TIMES
Đây là một trong 20 tác phẩm còn tồn tại của họa sư Leonardo Da Vinci và là bức duy nhất thuộc về bộ sưu tập tư nhân. Bức tranh được vẽ vào khoảng năm 1500.
Người cứu rỗi thế giới thuộc quyền sở hữu của tỉ phú Nga Dmitry Rybolovlev, người đã mua bức tranh năm 2013 với giá 127,5 triệu USD. Danh tính người bỏ ra 450 triệu USD để sở hữu Người cứu rỗi thế giới trong cuộc bán đấu giá của nhà Christie không được tiết lộ.
New York Times cho biết kỷ lục trước đó thuộc về Những người phụ nữ ở Algeria của đại danh họa Pablo Picasso, cũng do nhà đấu giá Christie bán được, với giá 179,4 triệu USD năm 2015.
Bức tranh cao 66cm, vẽ chân dung Chúa Giêsu trong trang phục thời Phục Hưng, tay phải giơ lên để ban phép, còn tay trái cầm một quả cầu pha lê.
Trong phiên đấu giá kéo dài 19 phút, chỉ sau hơn 10 phút, giá bức tranh đã đạt 300 triệu USD và cả khán phòng đã vỗ tay. Cuộc đua diễn ra giữa 3 người mua qua điện thoại và 1 người có mặt tại khán phòng.
Để trở thành bức tranh đắt nhất thế giới bán trong cuộc đấu giá, Người cứu rỗi thế giới đã trải qua một chặng đường cực kỳ gian nan, nhiều lần biến mất khỏi công chúng.
Bức tranh từng thuộc sở hữu của vua Charles I, Anh nhưng biến mất một thời gian rất dài, chỉ xuất hiện trở lại trước công chúng vào năm 1900, trong tay một nhà sưu tập người Anh. Lúc đó, người ta cho rằng bức tranh do một học trò, chứ không phải Leonardo Da Vinci, vẽ.
Năm 1958, bức tranh lại bị bán và đến năm 2005 mới lại "tái xuất" trong tình trạng "tàn tạ" bởi một phần bị vẽ chồng lên.
Các nhà buôn tranh đã ra sức phục chế và khẳng định đây là tác phẩm của Leonardo Da Vinci.
Hầu hết các chuyên gia của nhà đấu giá Christie đều khẳng định đây là tác phẩm của Leonardo Da Vinci.
Tuy nhiên, một số nhà phê bình cho rằng việc phải trải qua nhiều lần phục chế đã làm mù mờ thông tin ai mới là tác giả thật sự của bức tranh./ Đ.K.L.