Chúc Thanh: Cây có cội, Nước có nguồn

09 Tháng Giêng 20246:54 SA(Xem: 1525)

VĂN HÓA ONLINE - VĂN HÓA - THỨ BA 09 JAN 2024

image005

Chúc Thanh: Cây có cội, Nước có nguồn


VB 08/09/2022

Chúc Thanh


image007Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ.



Phiêu bồng tâm sự tân toan tự

Trí hải đa toàn trúc loạn ty…


(Bùi Giáng)


 Vào khoảng 2 tuần lễ trước đây… ngày 30-08 dương lịch, nhằm 14 hay 15 âm lịch; ngày Vu Lan tháng 7 ta, ngày báo ân phụ mẫu, cũng là mùa xá tội vong nhân, đồng thời mùa an cư cát hạ vừa hoàn mãn, chúng tôi được đọc bài chúc thư khánh tuế của hoà thượng Thích Tuệ Sỹ đăng trên Việt Báo.


 Nơi đây, các Phật tử thuộc gia đình Phật tử Quảng Đức chùa Quan Âm năm nào ở Việt Nam và ở hải ngoại, rải rác nhiều nơi, Pháp, Mỹ, Canada, Na Uy, Úc, Nhật Bản… Minh Châu, Tuệ Minh, Diệu Thịnh, Diệu Hiền, Đức Minh, Thanh Tuệ, Chúc Liên, Chúc Thi, Chúc Thanh, Chúc Diệu, Chúc Toàn… xin cúi đầu đảnh lễ và vấn an đức đệ lục tăng thống giáo hội Phật giáo Việt Nam. -- A Di Đà Phật!


 Chúng con, hàng Phật tử thọ giới đa phần với thầy Thích Quảng Đức và tiếp theo với thầy Thích Thông Bửu, rất vui mừng phấn khởi được đọc lời nhắn nhủ của ngài về tam quy ngũ giới và sự chân truyền vẫn tiếp nối. Thầy Thích Quảng Độ, vừ ra đi vào cuối năm 2019. 


Cây đại tùng già cỗi

Nghiêng bóng mình bên song

Chiếc lá nào rơi rụng

Đáp nhẹ nhàng thong dong…


Ngài đệ ngũ tăng thống viên tịch tại Sài Gòn, cây ngả về phía gió đã thổi nghiêng. Cho tới nay, hơn nửa năm ngài ra đi! Từ xa xôi, ngàn vạn dặm, bất ngờ tháng bảy Vu Lan này, ngày 14 tháng 7 âm lịch, chúng tôi hàng Phật tử vui mừng khôn xiết được đọc và nhìn thấy bức thư khánh tuế của thầy Tuệ Sĩ! Vâng, qua bao đại nạn và kiếp nạn, qua nhiều ngã rẽ dọc ngang, Phật giáo và bản sắc chân truyền bi trí dũng vẫn luôn theo một dòng tiếp nối.


 A Di Đà Phật! Thầy quan tâm và thầy gọi thì Phật tử ở xa mấy chúng con cũng xin vâng lời đáp trả thông điệp tam bảo! Chúng con cầu chư Phật gia hộ cho toàn thế giới được hòa bình, nhân tâm an lạc, mọi dịch bệnh và tai ương mau qua đi. Chúng con cầu chư Phật gia hộ cho quý thầy, pháp thể khinh an. Với thầy Tuệ Sỹ, tuổi đã cao và cực khổ tù đầy được thanh thản qua lời kinh tiếng kệ.


 Trước bản khánh tuế chúc thư của hòa thượng Thích Quảng Độ, Việt Báo cũng có đăng một bài viết nhận xét của hòa thượng Tuệ Sỹ, trong đó ngài bày tỏ quan điểm về hoạt động tôn giáo nếu để đi song song cùng với tư tưởng « mở cửa » và « đổi mới » kiểu phát triển như phát triển kinh tế thị trường thì sẽ đưa tới nhiều hiện tượng khó khăn, kỳ cục và mất nhân tính hơn nhiều so với đổi mới kinh tế thị trường. Nghe đơn giản là đổi mới tôn giáo như chiều hướng kinh tế thị trường, mà Chúc Thanh cũng phải đọc nhiều lần mới hiểu lơ mơ, muốn đọc lại, nhưng bài đăng trụ không lâu, có lẽ tại là lúc này có quá nhiều tin tức thời sự cập nhật.


 Quay lại với thầy Thích Tuệ Sỹ, qua hai bài viết, ngài vẫn như xưa, là như hồi còn giảng dậy ở viện đại học Vạn Hạnh, văn là người, người khoan hòa, văn phong vẫn lễ độ và khiêm tốn một cách tự nhiên, ngài báo cho Phật tử hay bản chúc thư khánh tuế trao truyền, sau là cầu chúc cho Phật tử ở mọi nơi luôn có cuộc sống an vui, tu hành tinh tấn và được tuệ đăng thường chiếu. Ngài vẫn đơn thuần nhận ngài chỉ là một nhà tu hành chuyên về mô phạm, giáo dục và dịch thuật.


 Qua nhiều thay đổi ở quê hương và ở lòng người, ở cuộc sống chúng ta nhớ lại ai ai cũng phải lăn theo những cơn lốc lốc ồ ạt. Thầy cũng vậy thôi. Sau năm 1975, ngài tiếp nhận những ngày tháng tù đầy, giam lỏng, kiềm chế… nhất là từ khi tiếp nhận bản án tử hình cùng với giáo sư Lê Mạnh Thát (sau đó được các hội đoàn Việt Nam ở ngoại quốc va cơ quan Ân Xá Quốc Tế tranh đấu được phá án tử) ngài không được giảng pháp và ít được tiếp xúc với Phật tử, nhất là với học trò. Có quá nhiều sự việc thử thách xẩy ra từ khi ngài cùng với đồng đạo đồng bạn thành lập một phong trào bất bạo động đòi dân chủ cho Việt Nam. Từ đấy, từ khi ngài còn mạnh mẽ năng động, tới nay đã 78 tuổi, ngài vẫn sống trong chùa Quảng Hương Già Lam (Gò Vấp), nay ngài đã yếu, nhưng vẫn vững lòng tu tập, dịch thuật kinh sách. Cầu xin chư Phật gia trì cho ngài luôn chứng đắc hạnh bồ tát bất thối. Gần đây nhất, nghe nói chùa Già Lam lâu năm hư sụp nhiều chỗ muốn trùng tu lại đôi chút, nhưng chính quyền thành phố nói rằng họ chỉ cho phép nếu chùa quy về khối Phật giáo của nhà nước, và nhà chùa đã từ chối, không chấp nhận!


 Chúc Diệu, Chúc Toàn, Chúc Thi trước năm 1975 thì còn nhỏ tuổi lắm, toàn là oanh vũ cả mà! Chưa được học thầy! Trước 1975, đại đức, lúc đó ngài là đại đức Thích Tuệ Sỹ, ngài cùng với đại đức Thích Trí Siêu là những giảng viên nồng cốt của viện đại học Vạn Hạnh, ban triết học đông phương. Theo học giả Phạm Công Thiện, ông nói phải sống bên cạnh ngài từ ngày này qua ngày khác, trong những hoàn cảnh khác nhau, thì may ra mới cảm nhận được tí chút tác phong thiền sư kín đáo toát ra một cách tự nhiên mà một cách "vô công dụng hạnh" từ đời sống thường nhật và tinh thần "diệu nhập" của ngài. Tôi bắt chước ông Phạm Công Thiện mà nói vanh vách như con chèo bẻo vậy, chứ thú thiệt khi đó, khi còn ít tuổi tôi không hiểu rõ lắm. Giờ già nua, tôi cảm nhận, may ra thì đúng một vài nét trong văn bài, nhất là trong thi ca của thầy Tuệ Sỹ (Tô Đông Pha, những phương trời viễn mộng, in năm 1973).


 


Thầy Tuệ Sỹ, từ nhỏ tới lớn sinh sống ở chùa, tự học và thông thạo nhiều ngoại ngữ. Khi còn nhỏ, lúc mới 10 tuổi, tuổi của sa di, ông sống ở Ai Lao, học chữ Lào, chữ Việt và để thâm nhập kinh điển ông sớm học chữ Hán. Khi đọc và hiểu chữ Hán rành rẽ, thầy Tuệ Sỹ đã chấn động tâm thần khi đọc và học hai bộ kinh Pháp Hoa và Duy Ma Cật. Kinh Pháp Hoa của Phật giáo đại thừa tràn đầy năng lực của những vị bồ tát xả thân vào đời để cứu nhân loại trầm luân, còn Duy Ma Cật là bộ kinh nêu cao sức sống đạo giữa cõi đời hỗn loạn, mà chẳng cần y áo hay một sự suy tôn nào. Duy Ma Cật đã để lại câu nói có giá trị vượt thời gian: « Bệnh của ta là bệnh của chúng sinh, còn một chúng sinh khổ đau, ta còn đau. Ta phụng sự đạo pháp để cứu họ, cứu chúng sinh ».


 Cuộc đời của thầy Tuệ Sỹ là sự thể hiện việc áp dụng kinh Pháp Hoa và kinh Duy Ma Cật (trước 1975) khi thì cứu cơn bệnh tâm thần của thời đại bằng kiến thức uyên bác, khi thì dấn thân vào con đường tranh đấu bất bạo động đòi tự do, đòi quyền sống và quyền làm người cho dân Việt Nam (sau 1975).


 Chúng ta ai cũng cần có nhà để ở, thầy cũng vậy, nhà của thầy là chùa Già Lam, chùa của thầy trụ trì Thích Trí Thủ. Sau 1975, chính quyền cộng sản muốn kiểm soát tất cả sinh hoạt nơi chùa chiền. Thầy trụ trì và các tăng sĩ chùa Già Lam không muốn sát nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất của chính quyền Hà Nội. Chuyện tất nhiên sau đó xẩy ra nhiều mâu thuẫn.


Sớm ngày 01/04/1984 chùa đang rộn rịp sửa soạn mừng Phật Đản thì bất chợt công an đến mời thầy trụ trì đi làm việc. Ngay sau đó, công an vào lục soát chùa, nói là kiểm kê văn hóa, lục xét thư viện kinh sách. Đại đức Thích Nguyên Giác, quản lý thư viện chùa bị bắt đi, sau đó là các tăng ni khác ở chùa Già Lam và cũng ở những chùa khác, như thầy Thích Trí Siêu, thầy Thích Tuệ Sỹ, hoà thượng Thích Đức Nhuận, ni cô Phùng Khánh, v.v.


 Ba ngày sau, một Phật tử lo công quả ở chùa xin được phép vào thăm và thấy thầy Trí Thủ ở bệnh viện Thống Nhất. Khi về chùa, vị Phật tử này cho hay họ bảo thầy bất ngờ bị tim co thắt mạnh phải vô nằm điều dưỡng. Nay thầy đã khỏe lại, thầy nhắn về chùa cứ sửa soạn việc cúng lễ kiết hạ và chờ « ôn »… Nhưng than ôi, « ôn » đã chẳng bao giờ về chùa Già Lam nữa. Hôm sau, họ nói « ôn » đột nhiên mất vì bệnh tim co thắt nhanh. Họ mang « ôn » về chùa Xá Lợi làm việc ma chay theo ý họ.


 Chúng tôi rất nhớ về ôn Trí Thủ, ôn hiền, vui, phải nói ôn hoà nhã với tất cả mọi người, với người lớn, người nhỏ. Và ôn cũng nhỏ nhẹ ôn tồn với cả họ, những người đã giết ôn! Ôn là một chân tu đạo đức, ôn trụ trì ở Già Lam, ôn cất giữ hũ tro cốt của tướng Nguyễn Khoa Nam ở chùa của ôn khá cẩn trọng. Chùa của ôn ở Gò Vấp, nhưng thỉnh thoảng ôn về chơi thăm gia đình ở Hoà Hưng. Bản thân Chúc Thanh được gặp ôn nhiều lần vì ở kế cạnh gia đình ôn.


Ôn là một vị hòa thượng ôn hòa nhất của giáo hội cũ và hình như họ kèo nài làm chủ tịch hội Phật giáo mới. Ôn được công an thành phố cho phép đi nhận xác hòa thượng Thích Thiện Minh ở Hàm Tân. Xong việc ôn tịnh khẩu cả mấy tuần lễ, chỉ lặp đi lặp lại một câu duy nhất: « Đỗ Xuân Hàn… Chú Minh không xong rồi ! »


 


*


Thầy Thích Trí Thủ qua đời đột ngột vào tháng 4/1984 rất vô cớ! Mà mãi tới 30 năm sau, ở hải ngoại này, nhân dịp chùa Khánh Anh (Evry Pháp) xây gần xong, các thầy ở khắp nơi quy tụ về Paris khánh thành. Chúc Thanh được hân hạnh gặp các thầy Thiện Niệm, thầy Tịnh Quang, thầy Bổn Đạt (từ Canada về), thầy Bổn Điền (từ Úc qua). Nhân dịp tùy duyên này, chúng tôi lại nói chuyện về thầy Trí Thủ, tôi thương tiếc thầy lắm.


Thầy Bổn Đạt khi ấy kể rằng: « Khi thầy Trí Thủ được giữ lại (hay được khuyên nên ở lại) thêm một buổi tối và qua đêm ở bệnh viện Thống Nhất ngày 03/4/1984 để truyền nước biển cho khỏe. Thầy Trí Quang nói không nên, hãy đón thầy (ôn Trí Thủ) về liền chùa Già Lam ngày 02/4/1984 cho kịp lễ kiết hạ. Nhưng rồi thầy đã ở lại một buổi chiều, một đêm và viên tịch lặng lẽ một mình! Thật đáng buồn, nếu ôn được về sớm một ngày thì sự thể có khác đi không?!


 Thầy Bổn Đạt nói vậy có nghĩa là thầy Trí Quang biết trước? Đúng, thầy Trí Quang bấm độn rất hay! Tôi cũng ngạc nhiên, tôi phải chạy đi ngay hỏi Tuệ Minh, thì được Tuệ Minh xác định là đúng thế, thầy Trí Quang bấm độn rất hay và thầy còn có tài xem tướng rất đúng. 


*


Bốn năm sau ngày thầy Trí Thủ viên tịch, thầy Thích Tuệ Sỹ, thượng tọa Thích Đức Nhuận, thầy Trí Siêu và một số tăng ni nhân sĩ đứng lên đòi nhân quyền cho Việt Nam bị bắt, bị giam và bị giải ra tòa, phiên tòa cộng sản xử án những người yêu nước ngày 28, 29 và 30 tháng 10 năm 1988.


Một phiên tòa xử man rợ, không có luật sư biện hộ, bị cáo hầu hết là những nhà tu hành có công dậy học và nghiên cứu văn học, sử học, triết học, dịch thuật. Các nhà tu hành không xin ân xá án tử hình và những bản án nặng nề mà cộng sản áp đặt.


Bản cáo trạng bịa đặt chùa có truyền đơn, có vũ khí.


Sau đó hòa thượng Thích Quảng Ba kêu gọi vận động dư luận trong và ngoài nước. Ở Úc, những thượng nghị sĩ và tổng trưởng ngoại giao Úc, nhiều hội đoàn bảo vệ nhân quyền ở Pháp (Paris với ông Võ Văn Ái) và khắp nơi, Mỹ, Canada, đồng kêu gọi xin Hội Ân xá Quốc tế can thiệp, đã hủy bỏ được những bản án tử hình và làm nhẹ đi khá nhiều những oan khiên của ngày 30/9/1988. 


*


 Nhờ sự kết hợp diễn tiến đấu tranh hợp tình hợp lý ở hải ngoại, nhờ sự gia trì của hồng ân tam bảo, mà những khuôn mặt đấu tranh cho tự do Việt Nam vẫn có mặt đến ngày hôm nay, hoặc ở rải rác ngoại quốc, hoặc trụ trì luôn luôn ở quê nhà Việt Nam như giáo sư Lê Mạnh Thát và hòa thượng Tuệ Sỹ.


 Lúc này, được đọc bản chúc thư khánh tuế của hòa thượng Tuệ Sỹ, chúng tôi, vừa là Phật tử, vừa là học trò sinh viên của ngài, xin mạo muội được nói đôi chút về thầy Tuệ Sỹ, chúng tôi là hàng hậu bối, chỉ là mạo muội, thầy gọi thì trò thưa, thầy điểm danh thì trò đứng dậy!


 Theo tài liệu của Phương Thảo:


Thầy Tuệ Sỹ tên ngoài đời là Phạm Văn Thương, sinh năm 1943 tại Paksé, Ai Lao, thân sinh của ngài nguyên quán ở Quảng Bình. Gia đình ngài lên Lào mưu sinh lập nghiệp từ những năm đầu thập niên 1930. Nơi ngài sinh ra ở Lào, có rất đông người Việt cùng sinh sống quây quần với nhau thành một làng Việt Nam, làng Tân An. Nhờ vậy sống xa Việt Nam, ngài vẫn được học tiếng Việt, chữ Việt. Họ có chùa Việt Nam và có chợ búa hàng quán cho riêng cộng đồng Việt. Thầy sinh ra trên đó, thầy được học hỏi tiếng Việt và văn hóa Việt nhiều hơn văn hóa Lào. Thầy theo cha mẹ lui tới chùa từ lúc còn bé thơ, lớn lên dần say mê tìm hiểu Phật pháp và sinh hoạt hằng ngày trong chùa làng Việt Nam.


 Năm lên 6 tuổi, thầy thọ giới sa di làm điệu ở chùa Trang Nghiêm, chùa của thầy Thích Ngộ Thời từ Huế lên trụ trì. Từ thuở nhỏ, thầy đã thích học và chăm học, học chữ, học văn hóa, học văn chương, đặc biệt là học đạo pháp rất chuyên cần.


Thầy Hoa từ Vạn Tượng về là người thầy thứ hai dẫn dắt thầy Tuệ Sỹ trên đường học vấn. Sau hai năm thầy Hoa khuyên chú học trò chăm chỉ thông minh nên về quê hương Việt Nam cho kịp thời, rộng nơi tu học.


Năm 1955, 12 tuổi thầy về Sài Gòn, ở với người chú họ sinh sống vì lạc nhau với thầy Hoa. (Không biết sao không may hai thầy trò lạc nhau). Thầy tìm đường về Huế.


Huế, quê hương của những ngôi đại tùng lâm uy nghi và cũng là nơi chốn đậm đời sống đạo vị. Là nơi ghi dấu cuộc đời tu học của thầy Tuệ Sỹ.


Cũng ở Huế, thầy may mắn gặp lại chú ruột là thiền sư Thích Trí Quang. Thầy ở chùa Từ Đàm tu học 2 năm, thượng tọa Trí Quang gửi thầy về Phật học viện Hải Đức, Nha Trang. Học xong 3 năm ở đây, thầy về miền nam, nơi thiền viện Quảng Hương Già Lam, Gò Vấp.


 Từ nhỏ tới lớn, thầy chỉ học hành, sinh hoạt ở chùa, từ Ai Lao về Huế, từ Huế vào Sài Gòn,  học tập, tu hành, khảo cứu, dịch thuật, thiền định nhất nhất đều ở trong khuôn viên nhà chùa. Phật giáo nuôi dưỡng thầy cả tinh thần lẫn vật chất, thầy không bao giờ phải quan tâm tới cuộc đời phiền toái lợi danh bên ngoài. Nhưng không phải là cắt đứt với xã hội ngoài kia, mà thầy có rất nhiều giao tiếp trao đổi khi đã là một người thầy giáo. Thầy quan hệ với sinh viên trẻ ồn ào, tươi tắn, luôn có sẵn bầu nhiệt huyết yêu đời và yêu người, sẵn sàng cùng thầy đi tới cho hoài vọng của cuộc đời, nhất là của quê hương. Thầy gắn bó với Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Hữu Hiệu… thường hay trao đổi văn chương, luận bàn thi phú, kinh sách. Thầy đàn piano cho họ nghe, họ cùng ông trước tác và sáng tác thi văn:


 Thâm dạ phong phiêu nghiệp cảnh tùy


Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi


Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ


Trí hải đa tàm trúc loạn ty.


Bài thơ tứ tuyệt trên đây thầy Tuệ Sỹ viết hai câu đầu, thi sĩ Bùi Giáng viết hai câu sau. Ông Bùi Giáng đa tài và « rắn mắt!». Ông cố bỏ vào cho bằng được hai chữ trí hải vào câu cuối của bài, mặc dù thầy Tuệ Sỹ đã nghiêm nghị nhắc ông là đừng nên đùa giỡn.


Như đã nói, ở chùa từ lúc nhỏ, thầy chuyên cần học tập, học giỏi chữ Hán, chữ Quốc ngữ, học sang Pháp văn và Anh văn. Thầy cũng đọc và hiểu Đức ngữ, Pali và Phạn ngữ. Cùng với Lê Mạnh Thát, thầy còn biết chút ít chữ Tây Tạng. Cả hai đều có kiến thức uyên thâm về những kinh luận chính yếu của Phật giáo nguyên thủy và đại thừa. Ít có nhà Phật học Việt Nam có thể hiểu tuờng tận và sâu sắc về Phật giáo nguyên thủy qua hệ thống khá phức tạp Abhidharma cho bằng thầy Tuệ Sỹ.


Ông bỏ nhiều năm tháng nghiên cứu tra hỏi từng chữ trong các pho kinh điển dầy cộm.


Đến nay thượng tọa Như Điển cùa chùa Viên Giác (Đức) phát nguyện đọc bộ Đại Tạng Kinh mà cố hoà thượng Thích Tịnh Hạnh phiên dịch ra Việt ngữ, gồm 203 tập, trong đó bộ Tạp A Hàm có phần đầu thầy Tuệ Sỹ góp công phiên dịch và chú thích rất mạch lạc, không có một lỗi nào. Nguyên lời thầy Thích Như Điển nói « Công đức thầy Tuệ Sỹ đã để lại cho đời và cho đạo không biết bao nhiêu là giá trị vô ngôn ».


Song song với công trình đó, thầy tìm hiểu sâu rộng về Heidegger và cũng đọc kỹ Michel Foucault. Những tư tưởng này thầy đối chiếu và thyết giảng tại giảng đường đại học Vạn Hạnh.


Trong lúc Lê Mạnh Thát tìm hiểu về Marxism và say mê luận lý học thì Tuệ Sỹ đi vào thế giới nghệ thuật thi ca.


Thầy đầy tâm hồn nghệ sĩ, thầy thổi sáo, đàn dương cầm, làm thơ, đọc say sưa thơ Đức của Heine và Holderlin, thuộc làu nằm lòng nhiều bài Đường thi và Tống thi nguyên bản. Thầy sáng tác sau đó tập thơ « Tô Đông Pha, những phương trời viễn mộng », đúng là tằm, tằm ăn lá dâu, kéo kén và nhả tơ, những sợi tơ óng ả ru hồn.


Chúng ta hãy nghe đây, bài thơ « Không đề » của Tuệ Sỹ:


 Đôi mắt ướt tuổi vàng cùng trời hội cũ,

Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang

Cười với nắng một ngày sau chóng thế

Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ

Bụi đường dài gót mỏi đi quanh

Giờ ngó lại bốn bức tường ủ rũ

Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn…


Đó là bài thơ mà thi tứ đã làm cho thi sĩ Bùi Giáng nói là: « Mất ăn mất ngủ »! Còn Tuệ Minh thì kể là nghe xong thầy Tuệ Sỹ đọc bài thơ, Bùi Giáng gọi là nhà thơ là đại sư: «Đại sư ơi, đại sư ngưng kho cu và viết sách đi, đại sư nên làm thơ, không thì nn thi ca Vit Nam thiếu mt mt nhân tài!» hay «Đại sư ơi, quanh năm sut tháng, tôi không đội mũ nón bao gi, ch mà tôi có cái nón trên đầu, thì mi ln gp đại sư, tôi phi ng nón ra chào cho phải phép! »


 Phạm Thiên Thư, Nguyễn Hữu Hiệu nghe Bùi Giáng chia sẻ thì lăn ra cười, rồi lôi cả bao thuốc lá ra phì phèo bên những tách café thơm ngào ngạt… 


Ngoài 20 tuổi, thầy Tuệ Sĩ là một giáo sư lỗi lạc tại đại học Vạn Hạnh, là một trong những trí thức trẻ trung và uyên bác thời bấy giờ (1964, 1965, 1970, 1973). Thầy tự học sinh ngữ, có lẽ thầy có nhiều thời gian ở chùa, ở trường. Ngoài việc đi vào giáo lý, triết lý Phật giáo, thầy còn theo kịp vững vàng nhiều trào lưu tư tưởng phương Tây đương thời.


Thời dạy học ở đại học, thầy được giới sinh viên vinh danh là kẻ Phá Đông Tà, người đã dùng cái vạn thiện của phương đông như một thừa kế để truy phá những tà đạo đang xâm lược phá rối đông phương. Thầy có nhiều tác phẩm: Triết học về tánh không (1970); Tô Đông Pha, những phương trời viễn mộng (1973); Triết học tây phương hiện đại (dịch); Thiền luận (dịch, tập trung và tập hạ); Lịch sử Phật giáo, nguyên bản Pháp văn của Trần Văn Giáp bản dịch Việt văn của Tuệ Sỹ.


Ngoài việc giảng dậy, trước tác, dịch thuật, thầy còn là trưởng ban tu thư của viện đại học Vạn Hạnh. Bấy giờ thầy là đại đức, một đại đức gầy gò, mình hạc xương mai, nhưng chắc chắn, gương mặt trí thức hơi khắc khổ, qua thể hiện của đôi mắt to có cái chiều sâu của cái nhìn thăm thẳm, từ bi, trong sáng, một chút mơ mộng, một chút vằng vặc dịu dàng như quán tự tại bồ tát!


Thầy còn đảm nhận chức vụ chủ bút đặc san « Bát Nhã », cơ quan truyền bá giáo lý của tổng vụ hoằng pháp do Nguyên Hạnh làm chủ nhiệm, Nguyên Hạnh là pháp danh của nhà nữ văn sĩ Nhã Ca.


Vẫn theo tác giả Phương Thảo, thầy Tuệ Sỹ về Sài Gòn tu học và dậy học, nhưng gia đình thầy vẫn sinh sống ở Paksé.


Năm 1969, thầy mua vé máy bay về Lào thăm cha mẹ và anh em. Nhưng thầy trễ xe tới muộn, lỡ chuyến bay, họ ra đi cả, còn mình thầy ở lại sân bay và cả chuyến bay bị nạn, không ai sống sót. Sau đó, mẹ thầy có thì giờ về Sài Gòn thăm thầy ít lần.


Sau năm 1975, nhà nước phát động sản xuất, thầy quay về Nha Trang làm rẫy 2 năm, năm 1977, thầy Trí Thủ vời thầy về chùa Già Lam làm thư viện Phật học.


Đầu năm 1978 thầy bị bắt đi cải tạo. Ra cải tạo năm 1981 thầy sống ở chùa Già Lam và không có hộ khẩu.


Ngày 01/4/1984 thầy bị bắt lại vô tù tới 30/9/1988, cùng ra tòa với GS Lê Mạnh Thát, hoà thượng Thích Đức Nhuận, ni cô Phùng Khánh.


 Gọi là vụ án 12 tăng ni Già Lam tự cùng với một số dân sự, cả thẩy 21 người, họ đòi hỏi nhân quyền cho Việt Nam. Hòa thượng Tuệ Sỹ, qua bao năm tháng, qua những hoạt động, những dấn thân việc đạo việc đời, đã thể hiện đúng niềm mơ ước từ khi còn trẻ tới già, tinh thần hoằng pháp độ sinh nương theo đạo giúp đời qua hai bộ kinh Pháp Hoa và Duy Ma Cật.


Những ngày ở viện đại học Vạn Hạnh với sinh viên, những ngày ở Già Lam tự với bổn sư và huynh đệ là những ngày an lành, vui buồn sinh hoạt với học trò, với bổn đạo. Quá ngắn ngủi? Còn lại là những năm tháng tù đầy, đằng đẵng, không có một thân nhân hay một đồng đạo nào được đến gần, được chia sẻ, được thăm nuôi. Cấm. Cấm tất cả. Mẫu thân thầy và thầy được gặp nhau một lần vào năm 1983 và chấm hết! Thông tin về thầy cho gia đình, chỉ đi từ Lào qua Pháp là nơi gia đình một em gái thầy sinh sống và đưa tin.


Thầy can đảm, tự thân bình thản chấp nhận mọi đối xử tàn tệ của kiếp nạn 20 năm tù đày. Phải chăng nhẫn nhục nhu hòa và thiền định đã đạt đến vô ngôn thông? Chúng tôi tin là vậy!


Thầy Thích Quảng Độ lấy hoa làm tri kỷ trong những lần vào ra, ra vào trong nẻo luân hồi. Còn Thích Tuệ Sỹ, người tiếp nối thầy Thích Quảng Độ, thầy có thể đã lấy những phương trời viễn mộng, lấy thiền định của Phật pháp làm tri kỷ. Đội ơn hồng ân tam bảo, đội ơn sức gia trì cảm ứng của ngài Quán Tự Đại Bồ Tát!


Khi thầy ra tù, Tuệ Minh có đến thăm và đảnh lễ thầy, thầy cười thong dong phất tay cho Tuệ Minh đứng dậy.


 -- Tuệ Minh thấy thầy sao?


 -- Thầy có hao gầy đi ít nhiều…


Tuệ Minh thầm nhận xét là qua hàng chục năm của những năm tháng tù đầy, thầy hẳn đã va chạm nhiều với thực tế, với xô đẩy, tuy vậy may thay thầy vẫn giữ nguyên lý tưởng mơ về một sự toàn cầu. Thật là nhà nước không tẩy não được mảy may nào từ cái trí tuệ, cái suy luận lý tưởng quá lý tưởng còn nguyên vẹn về việc đạo việc đời. Tuệ Minh nói Tuệ Minh không thể diễn tả sao để nói hết ý về thầy, thì trước và sau, sớm và muộn, thầy Tuệ Sỹ vẫn mong cầu một sự tự do tuyệt đối và một nền dân chủ thật lòng cho đất nước cho toàn dân. Cái lý tưởng của thầy thiêng liêng và bất biến y hệt cái cứng cỏi, dũng mãnh và bền chí của thầy Thích Quảng Độ.


Thầy Thích Trí Thủ rất ôn hòa, ôn đã nắm vững tất cả những ý nguyện ấy, có lẽ ôn thấy chưa đến lúc hội đủ nhân duyên, nhưng ôn bình tĩnh, quyết đoán hơn lúc nào hết là những lúc ôn đi tới rồi đi lui trên hành lang rợp bóng cây ở Già Lam tự. Mỗi bước kinh hành, ôn nhẩm đọc thơ thiền:


Trúc biếc xanh xanh là pháp thân


Hoa vàng rợp rợp là bát nhã…


Chúc Thanh


(Mùa Vu Lan 2022)

25 Tháng Giêng 2023(Xem: 2819)
06 Tháng Giêng 2023(Xem: 2738)
20 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 2666)