Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và bà Hillary Clinton
Đôi mắt "căm hờn" của Phạm Bình Minh nhìn Dương Khiết Trì
VH - Ngày 25/1/2016, Đại hội Đảng Cộng sản đã bỏ phiếu đồng ý để Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rút khỏi danh sách đề cử, một biện pháp "tình tự dân tộc" để ông Nguyễn Tấn Dũng phải "nghỉ" ở Đại hội 12. Nôm na, đảng "dọn đường" cho ông Dũng "về hưu" an toàn.
Trước khi diễn ra Đại hội XII,dư luận trong ngoài thổi bùng nhân cách ông Thủ tướng là ngôi sao sáng trên vòm trời "lãnh đạo" - xứng đáng ngồi vào ghế tổng bí thư.
Dư luận tập chú vào khái niệm: Ông Dũng là nhà kinh tế chính trị đã đưa Việt Nam gia nhập TPP, thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do với Hàn Quốc, EU, Liên minh Kinh tế Á-Âu. Ông Dũng là đại diện cho "Chủ nghĩa Dân tộc" dám công khai lên tiếng chống lại hành vi xâm phạm chủ quyền của Tầu, điển hình là vụ HD-981. Ông Dũng là người theo phái "Cấp tiến" - "theo" Mỹ (ái nữ ông còn gả cho Việt kiều Mỹ gốc "ngụy"). Dưới góc độ nào đó, ông Dũng đã có những phát biểu "khoan khoái " lòng dân ý đảng.
Mà quả thật, nhân dáng và cung cách của ông Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng mỗi khi xuất hiện ở nước ngoài có khả năng chinh phục và làm hài lòng những người Việt khó tính nhất, kể cả những người "cực đoan" nhất cũng bớt chống cộng theo kiểu cũ.
Đó là các ưu điểm "nặng phần trình diễn" của "lãnh đạo" mà bộ tham mưu ông Dũng khai thác triệt để; tương tự như cố TT John F. Kennedy mỗi khi xuất hiện trước công chúng chưa nói đã được vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt nhờ cái mã đẹp trai và phu nhân tài tử luôn nhẻon nụ cười bên cạnh, Thái tử Charles không nhờ vào nụ cười "mê hồn" của Diana à! Ông trùm đệ nhất cộng sản Tập Cận Bình đi đâu chả vác theo bà vợ "giai nhân". Thiên hạ chăm chăm vào bà vợ tươi như hoa bớt ghét cộng sản độc tài răng đen mã tấu.
Ở đây không đề cập đến yếu tố địa phương tính; nhưng một phần nào đó cũng phải nói ông Dũng là dân Nam Bộ. Người Mỹ, Pháp, Úc, Canada, Đông Âu, Phi châu ... gốc Việt, đa phần ra đi từ miền Nam VN có cảm tình nhiều với dân gốc Nam Bộ so với người gốc Bắc kỳ. Thế cho nên, nhân tố địa phương , tôn giáo, giới tính vẫn canh cánh trong tâm trí các nhà lãnh đạo chính trị.
Thế nhưng, bàn về chuyện "về hưu" của ông Dũng vẫn có ý kiến khác chiều: Canh bạc "hạ cánh an toàn" của ông Dũng đã thắng tuyệt hảo! Ông Dũng thừa biết không thể ở lại thêm nhiệm kỳ 3; 10 năm làm thủ tướng đã quá đủ cái hay và cái dở. Nhưng "về hưu", "rút quân" trong danh dự bằng cách nào? Tranh chức Tổng bí thư không để thắng mà để ... thua! Đại hội XII đã "giúp" cho ông Dũng hạ cánh về hưu trọn tình trọn nghĩa.
Dù sao cũng là chuyện đã qua. Chuyện sắp tới nhân vật nào sẽ dẫn đầu đảng qua California để phó hội cùng Tổng thống Obama. Bố trí một nhân vật hậu kỳ Đại hội XII đi tham dự hội nghị thượng đỉnh vào thời điểm lịch sử là điều cân nhắc hệ trọng đối với ông Tổng bí thư. Đối nội, đích thân ông TBT đã ra tay ngay nhiều pha ngoạn mục về việc bổ nhiệm nhân sự.
Người ta tin rằng với cái đà "thanh trừng mềm" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ chuyện diệt quốc nạn nội xâm tham nhũng đến chuyện xác lập chính sách kinh tế hội nhập vào TPP sẽ "âm thầm" xóa bỏ cái gọi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Đặc sứ" của Bộ chính trị hay ngay cả ông Trọng qua Sunnylands-California dự thượng đỉnh 2/2016 sẽ phát thanh "chính sách mới" của đảng để chứng minh với TT Obama và thế giới rằng quốc gia Việt Nam là một nước theo nền kinh tế thị trường tự do. Đó là con đường tiến không thể lùi.
Tân Ủy viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, "đặc sứ" của TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ nói những gì với TT Obama về chính sách mới?
Đây lại nói ít hàng về ông tân Ủy viên Bộ chính trị Phạm Bình Minh. Ấn tượng mạnh về ông Minh có lẽ ông là người có đôi mắt "xoáy căm hờn" vào Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì. Nhà ngoại giao hàng đầu của VN vì sao không kềm được phản ứng trong cuộc đối thoại với họ Dương? Phải chăng nó xuất phát từ cái "gene" chống Tầu của thân phụ ông: Cố Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch .
Ông Thạch được quốc tế biết đến nhiều khi ông là Trợ lý cho ông Lê Đức Thọ (1969-1973) trong các cuộc đàm phán hòa bình bí mật với Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Ông Thạch là người tiên phong trong Bộ chính trị chủ trương khôi phục lại quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, hội nhập với phương Tây để thúc đẩy Việt Nam tương lai phải tiến dần đến việc phát triển nền kinh tế thị trường.
Đã quá chậm khi sáng kiến thức thời của ông Thạch bị cản trở bởi thế lực vô minh. 1975-2000: 25 năm bỏ lỡ cơ hội. 1975-2015: 40 năm tụt hậu và sẽ tụt hậu nữa. Chỉ số điểm về kinh tế tài chánh VN đã chứng minh cứ cái đà xuống dốc không phanh chẳng chóng thì chày VN sẽ phá sản.
Nối gót ông Nguyễn Cơ Thạch, năm 2013, ông Phạm Bình Minh đã tháp tùng Chủ tịch CSVN Trương Tấn Sang đến thăm Mỹ; trong chuyến đi đó, ông và Ngoại trưởng John Kerry đã thỏa thuận xác lập “quan hệ đối tác toàn diện" - một thỏa thuận mở đường cho mối quan hệ gần gũi hơn nữa về chính trị, an ninh, đầu tư và thương mại Việt-Mỹ.
Người ta trông chờ ông Minh, sẽ phản ánh minh bạch chủ trương quan điểm của Việt Nam - Biển Đông trong hội nghị thượng đỉnh Obama + ASEAN. Việc ông Minh đi không quan trọng, quan trọng là tư duy chính sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tất nhiên, linh hoạt thực tế thách thức khả năng ứng biến của ông Minh có mang lại lợi ích lâu dài cho Việt Nam hay không trên chiếu bạc quốc tế.
Văn Hóa Map tạm chia khu vực biển đảo Trường Sa thành 5 Vùng chiến thuật trong thế trận hiện nay .
Những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay như: - Chiến lược tái cân bằng Châu Á Thái Bình Dương của Mỹ với chính sách "xoay trục" có cần phải bám trụ ở Biển Đông với sự "trợ lực" cụ thể của Việt Nam? - Thái độ (phản ứng) của ASEAN đối với yêu sách lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc và đối với Hoa Kỳ? - Tương lai của ASIA, riêng bán đảo Đông Dương trước chính sách "Một con đường" và "Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á" (Asian Infrastructure Investment Bank, viết tắt: AIIB) là một tổ chức tài chính quốc tế đang vươn lên của Trung Quốc? - Từ "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông" còn gọi là biển Nam Trung Hoa (Declaration on Conduct of the Parties in the South China Sea), viết tắt: DOC (ASEAN + 1 Trung Quốc) đến thỏa ước "Ngăn ngừa tao ngộ sát sườn trên không & dưới biển" giữa Mỹ và Trung Quốc có dẫn đến thỏa thuận về bản "Tuyên bố về ứng xử cụ thể của các bên ở Biển Đông", viết tắt: COC (ASEAN + 2 Trung Quốc & Mỹ)? - Biển Đông sẽ trở thành vùng biển Quốc tế được quốc tế chia ranh giới phân nhiệm quản lý cho các quốc gia tranh chấp? - Biển Đông sẽ trở thành khu vực hợp tác chung để khai thác tài nguyên, kinh tế như một số nước đề nghị? - Biển Đông là nơi mà các tuyến đường hải hành quốc tế qua lại phải được đặc quyền "tự do lưu thông vô hại"? ...
Biển Đông khó thể trở về nguyên trạng như trước bởi các tham vọng bá quyền lãnh thổ lãnh hải của Trung Quốc. Thực tế phũ phàng cho thấy ta thì yếu, quốc tế thì "tảng lờ" ở những thời điểm 1947, 1956, 1974, 1988, 1995, 2012; đặc biệt từ 2013 là năm họ Tập lên cầm quyền Trung Nam Hải, họ Tập tiến hành vũ bão độc chiếm Biển Đông. Dù Hoa Kỳ có kêu gọi "tất cả các bên ngừng cơi nới, xây dựng đảo và quân sự hóa các điểm tiền tiêu ở Biển Đông mà phải được giải quyết thông qua thương lượng và theo chuẩn mực quốc tế", Trung Quốc vẫn không ngừng.
Tục ngữ Việt có câu: "Cái cầy đặt trước con trâu; Đầu năm đi buôn có bạn, bán chỉ một mình; Không khéo thì mất cả vốn lẫn lãi; Mà nếu chẳng đặng đừng thì "Chẳng được ăn cũng lăn lấy vốn". Trong cuộc tranh chấp biển đảo ở Biển Đông, báo Văn Hóa từng đưa ra chủ đề: "Mạnh ai nấy chiếm - Hồn ai nấy giữ".
Đầu năm con khỉ, cả nước trông vào "tài đi dây qua vực" của nhà ngoại giao Phạm Bình Minh. (lkt-VH)
Thế trận Hoàng Sa - Trường Sa. Chấm đỏ: Trung Quốc. Chấm Xanh: Hoa Kỳ. VĂN HÓA MAP