Nhạc sĩ Cao Minh Hưng kéo Thu Paris về ‘Quê Hương Thu Tình Tự’ Cali

17 Tháng Mười Một 20235:48 SA(Xem: 1387)

Nhạc sĩ Cao Minh Hưng kéo Thu Paris về Quê Hương Thu Tình Tự’ Cali

image001

Lý Kiến trúc

VĂN HÓA ONLINE

19/11/2023 (nhuận sắc)


* Chủ đề buổi Ca Vũ Nhạc: Quê Hương Thu Tình Tự”


* Nhạc sĩ Bác sĩ Nha khoa Cao Minh Hưng – Hội trưởng hội CLBTNS (1)


* Thời gian: Chủ Nhật 12/11/2023 từ 2:PM - 7:PM


* Khách vào cửa tự do / Không bán vé


* Photos by: Cơ Nguyễn, Hùng Lê và Đoàn Thanh Bùi


* Địa điểm: Clara Studios 15138 Goldenwest Circle, CA 92683 (2)


Chiều Chủ Nhật 12/11/2023, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ vừa giới thiệu với quý thân hữu yêu mến âm nhạc buổi Ca Vũ Nhạc hùng hậu nhất từ trước đến nay mang tên Quê Hương Thu Tình Tự” – Nhìn xa hơn – có thể đó là buổi tổng dợt qui mô để chuẩn bị cho các buổi trình diễn lớn sắp tới.


Trước đây 14 năm, cố Nhạc sĩ Anh Bằng và Nhạc sĩ Cao Minh Hưng đồng sáng lập ra Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ (CLBTNS). Trải qua thời gian, CLBTNS đã chứng tỏ có nhiều hoạt động mang lại hữu ích cho tập thể cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Mỹ, đặc biệt ở nam California, Quận Cam Little Saigon.


image003Cố Nhạc sĩ Anh Bằng, Nhà đồng sáng lập Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ. Getty images


Hiện nay, Nhạc sĩ Bác sĩ Nha Khoa Cao Minh Hưng là Hội trưởng kiêm Giám đốc điều hành các sinh hoạt của CLBTNS.


Buổi Ca Vũ Nhạc được trình diễn trên sân khấu Clara Studio, một thính phòng âm nhạc chứa khoảng hơn 100 khách, nhưng studio này có một sân khấu khá rộng, trang bị âm thanh và ánh sáng lộng lẫy tuyệt đẹp.


image005Nhạc sĩ Cao Minh Hưng trưởng đoàn Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ.


Trước khi buổi trình diễn bắt đầu, những chiếc lá vàng mùa thu Cali phất phơ trên sân khấu khiến tôi bật ra ý nghĩ “Nhạc sĩ Cao Minh Hưng kéo mùa Thu Paris về tới California” - như một phần nội dung chủ đề “Quê hương Thu tình tự” mà Ban tổ chức giới thiệu.


Thu Paris, Thu Cali, Thu Quê Hương, Thu nào đẹp hơn, nhớ nhung hơn. Ta hãy nghe các ca sĩ và vũ nữ trong ban vũ đạo Tình Nghệ Sĩ trình diễn. 


Nhạc sĩ Cao Minh Hưng nói: “Mùa Thu là nguồn thi hứng của thơ ca đất Việt.Thiên nhiên bốn mùa hoa lá thay màu luôn là đề tài muôn thuở của thi ca Việt Nam từ cổ chí kim, được các nhà thơ cảm nhận với những sắc thái riêng, tạo nên những bức tranh đặc sắc về quê hương Việt Nam. Nét chấm phá độc đáo và thơ mộng nhất, không thể không nhắc tới là sắc thu. Từng chiếc lá Thu vàng rơi như những trang nhật ký được nhè nhẹ mở ra. Trong lòng người Vit tha hương, nhng k nim v mùa Thu li cht ùa v ...Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ (CLBTNS) thực hiện chương trình văn nghệ với những bản nhạc kỷ niệm về quê hương, tình yêu và mùa Thu để chúng ta cùng ôn lại những kỷ niệm trong không gian êm đềm của mùa Thu.”


Nhưng bên cạnh đó, Cao Minh Hưng nhớ lại những ai đã từng đến Paris vào mùa thu, hẳn sẽ không bao giờ quên Mùa Thu Paris qua những bản tình ca bất hủ, sáng tác của những nhạc sĩ Việt tên tuổi chẳng hạn như Phạm Trọng Cầu (Em Ra Đi Mùa Thu), Phạm Duy (L'Adieu của Guillaume Apollinaire), v. v…


MC khả ái Hồng Vân mở đầu chương trình với màn trình diễn vũ điệu mang tên “Đêm Hoa Đăng” – thơ của nhà thơ Cẩm Nhung, Cao Minh Hưng phổ nhạc.


image007MC Hồng Vân


MC Hồng Vân nói: “Đề mở màn cho chương trình ngày hôm nay, trong không khí của những ngày lễ hội mùa Thu thật vui, chúng tôi xin kính mời quý vị xem màn trình diễn của các chị em trong ban múa CLB Tình Nghệ Sĩ với nhạc phẩm Đêm Hoa Đăng được nhạc sĩ Cao Minh Hưng phổ từ bài thơ cùng tên của Thi sĩ Cẩm Nhung. Trong khung cảnh mùa thu thanh bình và thơ mộng với tiếng gió vi vu ngân nga muôn nốt nhạc, với những khúc ca thần tiên, v.v. là hình ảnh các em thơ vui ca múa mê say, những cô gái tuổi xuân thì, đôi môi hồng xinh thắm trong những tà áo thướt tha và những điệu múa thật mềm mại, đầy nghệ thuật.
Kính mời quý vị cho tràng pháo tay cho phần trình diễn của ban múa CLB TNS với nhạc phẩm Đêm Hoa Đăng sau đây.”


image009Ban vũ đạo nhạc khúc Đêm Hoa Đăng được nhạc sĩ Cao Minh Hưng phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Cẩm Nhung.


Những tràng pháo tay nổ như pháo khen ngợi ban múa. Trước hết là trang phục Áo dài cổ truyền của ban múa đã gây sự cảm mến của khán thính giả bởi sự tốn kém, đẹp mắt và thu hút mà người đạo diễn đòi hỏi. Điều kiện đầu tiên của vũ đạo cổ truyền dân tộc là trang phục. Tất nhiên, rất tốn kém.


Một chi tiết khá cảm động trong giờ khai diễn chương trình, hai MC Hồng Vân và Cao Minh Hưng đã nhắc tới với tất cả sự trân trọng về cố Nhạc sĩ Anh Bằng là nhà sáng lập CLBTNS.


“Ngày hôm nay cũng đúng vào ngày NS Anh Bằng rời xa chúng ta đúng 8 năm. Nhắc đến ông là đến những cống hiến cho nền âm nhạc VN với gia tài hơn 600 nhạc phẩm. Riêng đối với CLB Tình Nghệ Sĩ, các ACE và cá nhân chúng tôi luôn biết ơn ông vì là người đã cùng đồng sáng lập để CLB TNS có những đóng góp sinh hoạt trong cộng đồng VN chúng ta ở hải ngoại trong suốt 14 năm qua.


Trong chương trình ngày hôm nay, kính mời quý vị và các anh chị cùng nghe lại nhạc phẩm “Cho Kỷ Niệm Mùa Đông” được sáng tác sau năm 1975, ghi lại tâm trạng đau buồn của kẻ ở người đi, tan tác mối tình đầu trong kỷ niệm của mùa đông trên xứ người, qua phần trình bày của ca sĩ Thảo Ly.”


image011Ca sĩ Thảo Ly.


Nhắc tới Nhạc sĩ Lam Phương, MC Hồng Vân nói: “Không biết có bao nhiêu quý vị ở đây đã từng đến thăm Paris, đặc biệt là mùa Thu? Chắc chắn chúng ta sẽ được đắm mình trong một không gian thật lãng mạn, thơ mộng, của mùa Thu thật đẹp ở nước Pháp, như trong nhạc phẩm Mùa Thu Yêu Đương. Được biết Nhạc sĩ Lam Phương sáng tác bài này để tặng người tình của mình là cô Lê Thị Cẩm Hường tại Paris trong lúc nhạc sĩ sang Pháp để "tị nạn ái tình" sau cuộc hôn nhân đổ vỡ với kịch sĩ Tuý Hồng. Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, Nhạc sĩ đã khéo léo nhắc đến tên Cẩm Hường trong bài hát của mình: "Đường vào Paris có lắm nụ hồng" (hồng là tên gọi khác của Hường).
Xin kính mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm này qua phần trình bày của MC, ca sĩ Hồng Vân, cũng là người từng sống ở nước Pháp trong thời sinh viên.


Ca sĩ Kim Loan nguyên là một Bác sĩ Nha khoa, tác giả bài viết này từng quen biết và có mối thiện cảm từ lâu. Kim Loan trình bày ca khúc “Quê Hương Tuổi Thơ Tôi”, sáng tác của Từ Huy. Gọng ca truyền cảm và vẻ đẹp mặn mà của Kim Loan hút đôi mắt khán giả không rời.


“Quê hương và tuổi thơ, chắc hẳn trong mỗi chúng ta ai cũng có quê hương và tuổi thơ riêng của mình. Nhạc sĩ Từ Huy cũng vậy, chính vì thế ông đã sáng tác ca khúc Quê hương tuổi thơ tôi. Tựa đề ca khúc, chúng ta cũng đã cảm nhận được sự thiêng liêng huyền diệu, nhắc cho ta nhớ đến một cái gì đó thân quen không bao giờ quên được. Những hình ảnh mà ông đã vẽ lên như một bức tranh thật đẹp với lũy tre xanh, đường mòn quanh co, rồi các em thơ thả diều, đá bóng, v.v.”


image012Ca sĩ Kim Loan


Nói đến nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương không thể không nhớ đến Thu Ca, Phi Loan với Tango đã làm sống động đỏ rực ánh đèn sân khấu.


 "Thu Ca" của NS Phạm Mạnh Cương là 1 tuyệt phẩm tango kinh điển của nhạc Việt mà chúng ta nhớ nhất, NS đã sáng tác năm 1953, đúng 70 năm truoc. Năm đó, NS Pham M. Cuong từ Huế bay tới Hà Nội và nhìn thấy được hình ảnh tan trường rất đẹp của các cô tiểu thư khuê các xứ Hà thành trong tà áo dài nhẹ nhàng khoan thai, 2 tà áo bay theo gió heo may se lạnh của mùa thu Hà Nội, trong đầu chàng nhạc sĩ đa cảm bật lên một giai điệu: “Lạnh lùng sương rơi heo may. Buồn ngơ ngác bóng chim bay. Mây tím giăng sầu đó đây…”


image014Ca sĩ Phi Loan


Một giọng nam xuất hiện, Ngô Bá Định với “Ngày Mai Người Ta Lấy Chồng”, sáng tác của Đông Thiên Đức.

Ai đặt tên cho ký ức là nỗi đau của ngàу hôm qua
Ai
đặt tên chúng ta là người l
Mỗi năm mùa rơi bao chiếc lá vàng
Liệu có biết ở nơi nào không
Ϲó lá nào trông như lá diêu bông ...
Hỡi diêu bông ơi hỡi diêu bông
Ɓình minh chưa hé tôi phi tìm xong
V
ì mai người ta đã đi lу chng ...


image015Ca sĩ Ngô Bá Định


Một giọng nữ xuất hiện với tiếng hát trầm ấm, Ca sĩ Mimi với ca khúc được bao nhiêu người ưa thích “Mùa Thu Cho Em” sáng tác của Ngô Thụy Miên. Khán giả ngạc nhiên với chất giọng lạ của Mimi vững chãi với nhịp điệu hòa âm của ban nhạc.

“NS Ngô T Miên đã sáng tác Mùa Thu Cho Em khi ông đang phải ở xa người yêu Đoàn Thanh Vân. Nhạc sĩ mơ tưởng:


Em có mơ khi mùa thu tới.

Hai chúng ta sẽ cùng chung lối.

Em với anh mơ mùa thu ấy.

Tình ta ngất ngây.


image017Ca sĩ Mimi


MC: “Ca sĩ Mai Chi với “Mai Tôi Đi” sáng tác của Nhạc sĩ Anh Bằng. “Dường như Paris cũng là nơi đã gắn bó với thi sĩ Nguyên Sa, nên khi biết rằng sắp phải rời xa nơi này, ông đã viết 3 bài thơ mà ông gọi là những bài thơ chia ly, viết để từ biệt Paris, từ biệt nước Pháp. Trong đó, bài thơ mang tên Paris được viết năm 1954, ngay trước thời điểm Nguyên Sa rời xa Paris, đã được nhạc sĩ Song Ngọc phổ thành 1 bài hát hồi năm 1980 nhưng ít người biết đến. Phải đến năm 2004, tức là tròn 50 năm sau khi bài thơ ra đời, nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành nhạc khúc Mai Tôi Đi. Ngay lập tức được khán thính giả yêu thích. Thi sĩ Nguyên Sa đã nhân cách hóa Paris như một người tình, trong giây phút chia tay lưu luyến, tình nhân, nhân tình xa nhau khiến Paris dâng cơn mưa lũ. Paris than khóc. Góc phố lặng lẽ nhìn. Con sông tình ái Seine muôn đời chảy dòng thương nhớ.”


image019Ca sĩ Mai Chi


“Chìa Khóa Tình Yêu” đã làm bất ngờ mọi người. Có lẽ tôi là người đầu tiên nghe ca khúc này. Lời ca bình dị nhưng thấu tâm can. Chất lãng mạn chứa chan dù đó là một sáng tác của tác giả ngoại quốc, nhưng qua lời Việt của nữ nhạc sĩ Khúc Lan ta thấy Khúc Lan đã tìm ra câu trả lời cho đường vào tình yêu. Nhưng tại sao lại chỉ một lần thôi? Xin hỏi Ca sĩ Thùy Châu.

MC: “Có lẽ những người yêu âm nhạc, khi nhắc đến tên của người nữ nhạc sĩ Khúc Lan, chúng ta nghĩ ngay đến nhiều ca khúc nhạc Pháp, nhạc Hoa và cả nhạc Nhật được cô viết lời Việt rất thành công. Khi nghe những bài nhạc của Khúc Lan chuyển lời Việt, người yêu nhạc có thể dễ dàng nhận ra sự nữ tính đặc trưng của bài hát, có lẽ sự khác biệt đến từ sự hiếm hoi của gương mặt nữ trong giới nhạc sĩ Việt Nam. Những lời hát của Khúc Lan thường rất tha thiết, lãng mạn và tràn đầy cảm xúc.
Nhạc phẩm "Chìa Khóa Tình Yêu" là một ví dụ điển hình, mà chúng ta bắt gặp ở những câu hát như sau:


Chìa khoá tình yêu tay ai nhiệm màu
Mở khoá lòng anh xin cho em vào
Tình chỉ đẹp khi cho nhau một lần
Chỉ một lần thôi.”


image021Ca sĩ Thùy Châu

Cho đến hiện nay, các ca khúc của các giả trong nước hình như vẫn còn xa lạ với khách thưởng ngoạn hải ngoại, nhưng đột nhiên, Ca sĩ Diễm Quỳnh đã mang lại ấm áp, gần gũi, và thố lộ tình cảm của người con gái thời nay (ý là đòi độc quyền!!!). Tiếng hát của ca sĩ Diễm Quỳnh cất lên: “đừng yêu ai anh nhé, đừng bỏ em một mình, Em cũng cần một bờ vai” du dương nhạc điệu Bolero một thời làm rung động hàng triệu con tim. “Em Cũng Cần Một Bờ Vai”, sáng tác của Đình Văn.”

Đừng yêu ai anh nhé

Đừng bỏ em một mình

Đừng nói lời ong bướm

Mật ngọt đầu môi

Đừng yêu ai anh nhé

Hãy dìu em chung đường

Hãy nói dùm em hai tiếng yêu đương


image024Ca sĩ Diễm Quỳnh


Một tiết mục làm ngỡ ngàng cảm giác khán thính giả khi đang thả hồn vào những bản tình ca. Bất ngờ và bất ngờ, Ca sĩ dân ca Ana Xuân Vũ cất lên tiếng hát trữ tình cao vút của xứ sở Quan Họ Bắc Ninh, làm xao xuyến những tâm hồn “Bầy chim bỏ xứ - PD” – phải bỏ quê hương – chia lìa quê cha đất tổ. Tâm hồn như trở về bay bổng cùng với ngày nào hình bóng yêu kiều của người thiếu nữ xuân thì lượt là khăn đống áo dài bên dòng sông sương khói. Ana Xuân Vũ đã gởi đến khán giả khúc dân ca do cô sáng tác tựa đề “Gởi Nhau”. Cô muốn gởi nhau điều gì? Thật ra, khúc dân ca này phỏng theo điệu Banhara, dựa theo Ca Trù Bắc Ninh.


Gởi nhau một nhánh mây mù
Một làn sương trắng, tiễn thu cuối mùa
Gởi nhau một sợi nắng lùa
Một làn môi ấm nóng đùa tim nhau.


image024Ca sĩ Ana Xuân Vũ


Nếu không nói đến các màn vũ đạo của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ quả là một thiếu sót lớn.


Một Fashion Show dàn dựng chủ đề Áo Dài Việt Nam, sáng tác của nhạc sĩ Cao Minh Hưng cho thấy nét nghệ thuật tài hoa của ông bầu CLBTNS.

MC: “Kính thưa quý vị, nhắc đến nét son của nền văn hóa Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc đến chiếc áo dài truyền thống. NS Cao Minh Hưng đã sáng tác nhạc phẩm Áo Dài VN và ngay lập tức đã nhận được sự đón nhận của người nghe. Với nét nhạc hào hùng, hình ảnh chiếc áo dài được tôn vinh như một quốc phục ngàn năm của dân tộc Việt Nam, chẳng hạn như câu trong bài hát này: "Hồn quê thân thương trong từng bước chân". Hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam được thể hiện đặc trưng qua 4 mùa, với mùa Xuân cùng hình ảnh của chồi non vươn lên trong nắng, mùa Hè với tà áo trắng học sinh và quyển lưu bút chuyền tay, mùa Thu với chiếc nón lá nghiêng che trong lá thu nhẹ rơi, và mùa Đông dầu ở phương trời nào, mỗi khi nhìn thấy chiếc áo dài, chúng ta vẫn cảm thấy ấm áp với hình ảnh của tình quê Việt Nam nơi xứ lạ quê người.

“Kính mời quý vị thưởng thức màn trình diễn của Ban múa của CLB Tình Nghệ Sĩ với nhạc phẩm Áo Dài Việt Nam, với tiếng hát của ca sĩ Trần Ngọc sau đây.”


image026Ban múa CLBTNS với những cánh áo dài thướt tha. Nỗi bật là cánh áo dài Vàng Ba Sọc Đỏ.


Nhạc sĩ sáng tác tình ca Ngô Thụy Miên trở lại với chương trình với phần trình bày của ca sĩ Thomas Nguyễn, “Bài Tình Ca Cho Em” (ST: Ngô Thụy Miên)

“Bài Tình Ca Cho Em không nằm trong những sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, nhưng ca khúc nhắc nhớ về kỷ niệm của cuộc tình đã qua trong đời nhạc sĩ. Tuy rằng chỉ gặp gỡ một lần nhưng bóng dáng, nụ cười, ánh mắt bờ môi tất cả trong con người gái ấy đã gây thương nhớ cho chàng nghệ sĩ đa tình. Bài tình ca nhắc cho tác giả nhớ lại những kỷ niệm của một thời đã xa, tình cảm nhớ nhung da diết của một thời trai trẻ.
Như NS Ngô Thụy Miên từng tâm tình, ông nói "Tình yêu muôn đời đẹp nhất đó chính là tình yêu không có sự chiếm hữu mà là được nhìn thấy người mình yêu thật sự hạnh phúc". Đó cũng là tâm tình mà ông đã dàn trải qua nhạc phẩm Bài Tình Ca Cho Em.”


image028Ca sĩ Thomas Nguyễn


Cát My là một nữ ca sĩ trẻ, có dáng vẻ của thế hệ thứ hai ở Mỹ. Nhưng ca khúc Cánh Hồng Phai, sáng tác của Dương Khắc Linh làm ngạc nhiên nhiều người với giọng hát khỏe khoắn nhiều triển vọng.

Cánh Hồng Phai là sáng tác của nhạc sĩ Dương Khắc Linh. Bài hát diễn tả nỗi tiếc thương cho số phận người con gái khi đánh rơi cả tuổi thanh xuân theo một mối tình không có ngày kết. Bài hát Cánh Hồng Phai ra mắt đã nhận đươc nhiều đồng cảm và đón nhận của rất nhiều khán giả, nhất là các khán giả nữ từng một lần thất bại trong tình yêu. Phần trình bày của ca sĩ Cát My làm nhiều người xúc động.


image030Ca sĩ Cát My


Ca sĩ Bác sĩ Ngô Bá Định, giọng nam trầm với ca khúc Một Lần/Une fois, sáng tác của nữ nhạc sĩ Dương Phương Linh. Người nữ nghệ sĩ tài hoa này không những là một nhạc sĩ, cô còn là họa sĩ, cô còn là một nhà thơ của mùa Thu sương mù Paris, của sân ga đèn vàng của những phút chia ly não nùng. Theo lới MC, Dương Phương Linh cảm tác bài thơ “Một Lần” hưng phấn từ nhạc phẩm "Một Lần Nào Cho Tôi Gặp Lại Em" của Nhạc sĩ Vũ Thành An.


Nhạc sĩ Vũ Thành An có lần tâm tình với khán giả như sau: “Tôi không muốn ai nghe nhạc của tôi mà buồn bã, bi lụy.” Ít lời tâm tình cùng với người nhạc sĩ lãng mạn muôn đời của khúc nhạc tình tuổi hai mươi; tôi, tác giả bài viết này đã từng khóc khi nghe 10 Bài Không Tên của ông dưới căn hầm dã chiến (tôi, sĩ quan chỉ huy một tiền đồn do Mỹ để lại có tên Doris Camp cách biên giới Miên khoảng 10km-15km).


Bên cái ca nhôm cà phê đen nóng, tiếng hát nhừa nhựa não nề bất hủ của danh ca Anh Khoa phát ra từ cái cát sét nhỏ xíu, trong lúc tiếng đại bác nổ dòn giữa đêm đen ở ngã ba biên giới Việt-Miên vào những năm 1965-1975; ngoài trời, khi mây Thu, gió Thu, rừng Thu cao nguyên lạnh lẽo kéo lá rừng về ngập dưới gót giày sônhững chàng trai trẻ có kẻ chưa hề biết đến đôi môi đó nồng ấm đến mức nào!!! Nhưng quả thật, tình ca Vũ Thành An một thời Sài Gòn đã làm ngất ngư những tâm hồn có máu nghệ sĩ (kể cả những tên trốn lính núp dưới chiếc áo giáp trá hình ngày đêm ‘làm sao giết được người trong mộng để trả thù duyên kiếp phũ phàng’ …; trong lúc hàng vạn người trai thời loạn gác bút nghiên khoác áo Lính có chút máu nghệ sĩ bụi đời rừng núi.)


Thật ra, nói cho cùng, nhạc tình của Vũ Thành An không chỉ đánh động đến tâm hồn những người trai tuổi đôi mươi thời xa xưa ấy - mà nay - nó còn day dứt đến tận Paris, đến tận tâm hồn Dương Phương Linh, khiến nhà thơ nhạc sĩ người Pháp gốc Việt phải phóng bút viết lên ca khúc Một Lần - tiếng Việt và Une Fois - tiếng Pháp.


“Đôi môi đó đến nay còn nồng? hay Những bến bờ xưa cũ đã mờ”; ta lắng nghe Một Lần của Dương Phương Linh có mờ hay không qua tiếng hát của Ca sĩ Bác sĩ Ngô Bá Định, với phần diễn đọc lời Pháp của Hồng Vân.


image032Ca sĩ Bác sĩ Ngô Bá Định


(thêm: Vài dòng về nhạc sĩ Quốc Dũng - Giai điệu mà người ta hay gọi là Melody của Quốc Dũng rất lạ, rất mới. Tâm tư tình cảm của người nhạc sĩ này thể hiện qua nhịp sống xã hội, những bản tình ca đặc sắc của ông khi hát lên là biết ngay của Quốc Dũng. Âm nhạc của nhạc sĩ Quốc Dũng rất đa dạng, nhiều màu sắc, đó là về chuyện nhạc. Thứ hai là về tính cách nhạc sĩ Quốc Dũng hiền lành, dễ thương, nói gì cũng chỉ ngồi cười", ca sĩ Cẩm Vân chia sẻ”. Các nhạc phẩm do Quốc Dũng sáng tác đa dạng thể loại, từ nhạc trẻ, nhạc vàng cho tới các tình khúc 1954-1975.Cùng với Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, Quốc Dũng là một trong những nhạc sĩ tiên phong cho phong trào Việt hóa nhạc trẻ. (TTO 24/9/23)


Tuy nhiên, về sau này, Quốc Dũng thành công trong phong cách viết nhạc tình cho lớp ca sĩ mới, thế hệ mới, trẻ trung trong xã hội mới, có vẻ phù hợp với làn hơi đặc biệt của chất giọng nửa Bắc nửa Nam, nửa nước sông Hồng nửa nước sông Sài Gòn. Chất đặc biệt của các ca sĩ Sài Gòn mới hiện nay là ưa thích ‘gào’ làn hơi cao đến tận đỉnh Fansipan.)


(Tạm phân tích về làn hơi ‘gào’ của các ca sĩ, nhiều người cho rằng quốc ngoại cũng gào nhưng gào khác với gào quốc nội. Có thế lấy một ví dụ như nghe tiếng hát của Minh Thư ‘gào’ trong ca khúc Cô Đơn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và tiếng gào của ...; rất may là cả quốc ngoại lẫn quốc nội chưa nghe tiếng gào ghê rợn, chẳng hạn như tiếng gào của ông Hòa Bình nào đó gào lên xử đúng luật.)


MC: “Giới thưởng ngoạn nghệ thuật âm nhạc cho rằng Nhạc sĩ Quốc Dũng là một nhân tài của làng âm nhạc Việt Nam. Ca sĩ Duy Khang đã chứng tỏ tài năng sáng tác ca khúc của Quốc Dũng qua bài Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa. 


Nhạc sĩ Quốc Dũng thể hiện tài năng thiên bẩm khi mới còn ở tuổi niên thiếu để sáng tác được những bài tình ca bất hủ sống mãi qua nhiều thế hệ. Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa là sáng tác đầu đời của nhạc sĩ Quốc Dũng năm 11 tuổi, nhưng ban đầu chỉ là một nhạc phẩm không lời. Phải đến năm 17 tuổi, sau khi đã tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc, và sau khi đã được nếm trải men tình đầu, thì ông mới viết thêm lời và hoàn chỉnh bản nhạc đó thành ca khúc đầu tay. Gần nửa thế kỷ từ khi ra mắt, ca khúc này luôn nằm trong danh sách những bài nhạc trữ tình về mùa xuân tiêu biểu nhất.”


image033Ca sĩ Duy Khang


MC: “Nhạc sĩ gạo cội Từ Công Phụng của sân trường đại học Sài Gòn xuất hiện trong chương trình với ca khúc Mắt Lệ Cho Người. Từ Công Phụng là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu cho tân nhạc Việt Nam bắt đầu từ thập niên 1960, 1970 cùng với Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn và Lê Uyên Phương.


Các tác phẩm của Từ Công Phụng dù mang màu sắc của những mối tình đã đổ vỡ, nhưng chưa bao giờ ông tỏ ra oán trách người phụ nữ trong các sáng tác của ông – người ta nghe thấy trong các sáng tác của ông đều chứa đựng thông điệp: cám ơn và xin lỗi.” Tiếng hát Ca sĩ Kim Huệ gởi đến chúng ta qua nhạc phẩm Mắt Lệ Cho Người.


image035Ca sĩ Kim Huệ


Nói đến Đoàn Chuẩn là phải nói đến thế hệ của Nhạc Tiền Chiến.


Thu Quyến Rũ, ca khúc trữ tình sóng sánh giai điệu đẹp sang cả - trữ tình mà không ủy mị - ca từ giản dị không chải chuốt - chỉ bấy nhiêu thôi đủ làm say mê thế hệ cùng ông và những thế hệ tiếp nối bởi chất nghệ sĩ quí phái từ chính tác giả. Một thời, nhạc Đoàn Chuẩn mang gam màu sáng vẽ lên bức tranh tình yêu quyến rũ trong mong chờ, trong ngập ngừng, trong mơ mộng.


Anh mong chờ mùa Thu
Trời đất kia ngả màu xanh lơ
Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa
Bên những bông hồng đẹp xinh.
Anh mong chờ mùa Thu
Dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa Thu quyến rũ anh rồi.


“Đoàn Chuẩn là ông vua nhạc tình mùa Thu. Mùa Thu, mùa của thiên nhiên đất trời đã réo gọi, đã gợi lên giấc mơ trót yêu của người nghệ sĩ. Ông viết:


Mây bay về đây cuối trời
Mưa rơi làm rụng lá vàng
Duyên ta từ đây lỡ làng
Còn đâu những chiều
Dệt cung đàn yêu.

Thu nay vì đâu tiếc nhiều
Thu nay vì đâu nhớ nhiều
Đêm đêm nhìn cây trút lá
Lòng thấy rộn ràng
Ngỡ bóng ai về.



Anh mong chờ mùa Thu
Tà áo xanh nào về với giấc mơ
Mầu áo xanh là mầu Anh trót yêu
Người mơ không đến bao giờ.


Gam trưởng (major) là gam rất khó chinh phục tình cảm con người hơn là gam thứ (minor). Đoàn Chuẩn rất thành công ở gam trưởng với Tà Áo Xanh, với Thu Quyến Rũ.


Thu Quyến Rũ là một sonate viết bằng gam trưởng nhịp điệu Slow dìu dặt, lời ca quyện với sóng nhạc gieo vào tâm hồn người nghe như ngây như mê trong không gian sương khói mùa Thu. Trong chương trình hôm nay, ca sĩ Tino đã mang đến cho khán giả những cảm giác ngây ngất với ca khúc Thu Quyến Rũ của Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Từ Linh.”


image037Ca sĩ Tino


“Tuấn Khanh không chỉ là một nhạc sĩ nổi danh lừng lẫy với “Chiếc Lá Cuối Cùng”. Ca khúc Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi là một sáng tác được hợp soạn giữa hai nhạc sĩ Tuấn Khanh và Hoài Linh. Bài hát diễn tả tâm trạng của chàng trai khi phải trải qua nỗi đau tiễn bước người con gái mình yêu theo chồng, và ngay sau đó lại phải một lần nữa tiễn đưa người bạn thân lên đường đi tòng chinh. Bao nhiêu cảm xúc đau buồn được dồn nén trong dòng tâm tư của người ở lại sau hai lần tiễn biệt, đã được nhạc sĩ khắc họa rất rõ nét qua tiếng nhạc lời ca.


Tâm tình Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi qua phần trình bày của ca sĩ Thảo Ly rực rỡ trong cánh áo dài màu vàng vương hậu.”


image011Ca sĩ Thảo Ly


Vũ Thành An một lần nữa lại làm nhức nhối con tim với ca khúc Bài Không Tên Số 50.
Nhắc đến nhạc sĩ Vũ Thành An là phải nhắc đến những Bài Không Tên. Ngoài 10 bài sáng tác trước 1975, ông còn rất nhiều bài không tên tiếp nối sáng tác sau này. Có một điều người ta để ý vì sao trong 10 bài không tên được gọi từ 1 đến 9, nhưng bài không tên số 10 lại mang tên Bài Không Tên Cuối Cùng. Chưa ai “thắc mắc” điều này với nhạc sĩ Vũ Thành An. Có lẽ vì thế mà ông liên tiếp cho ra đời hàng mấy chục bài không tên kế tiếp.



Trong bốn câu đầu của Bài Không Tên Số 50, Vũ Thành An phỏng theo ý thơ của bà Silva Kaputikyan, một nữ thi sĩ người Armenia vùng Trung Đông. Ca khúc Bài Không Tên số 50 qua phần trình bày của ca sĩ Quốc Võ.


image039Ca sĩ Quốc Võ


Ca sĩ Nha sĩ Kim Loan không hề nhạt nhòa một lần nữa đến với khán thính giả qua ca khúc Nhạt Nhòa của nhạc sĩ Tuấn Khanh. Tiếng hát của Kim Loan đã kéo dòng sông Seine Paris về với những người tình dòng sông Santa Ana Cali.



Em, tại sao em lại tiếc nuối?
Ôi, đường đèn dòng sông Seine
Chứng cuộc tình chúng mình


image041Ca sĩ Nha sĩ Kim Loan


Ana Xuân Vũ trở lại với ca khúc Mời Em Về sáng tác của cố nhạc sĩ Việt Dzũng.  

“Nhạc sĩ Việt Dzũng nổi tiếng là một nghệ sĩ cả một đời đấu tranh cho quê hương Việt Nam. Ông đã có giấc mơ về thăm lại một nước Việt tự do, dân chủ. Ở xứ lạ quê người, nghe ca khúc của Việt Dzũng ai cũng nhớ quê hương, nhớ ruộng đồng làng quê, nơi ấy có bà mẹ già mái tóc đã bạc, luôn trông chờ bước chân con mình trở về.


Mời Em Về - chính là tâm sự của Việt Dzũng, nhưng tiếc thay:

Tôi muốn mời em về thăm lại Saigon xưa…
Nhưng chim đã gẫy cánh
Nhưng mây đã ngừng bay


image024Ca sĩ Ana Xuân Vũ


“Một ca sĩ làm sáng lên sân khấu chính là Mimi trong tà áo xanh mùa Thu. Dân Sài Gòn thì không ai là không biết đến Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu. Gốc ca khúc này là từ nhạc ngoại quốc có tên Tell Laura I Love Her ra đời từ năm 1960, nhạc sĩ Nam Lộc chuyển qua lời Việt. Qua Mimi, khung cửa mùa Thu đã mời gọi người ta êm ái bước vào.

Nếu bài hát gốc là một câu chuyện buồn, một cuộc tình lãng mạn lấy đi nước mắt của nhiều người, thì Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu lời Việt lại mang một sắc màu rất riêng của mái trường Trưng Vương, của nữ sinh Sài Gòn từng làm bao nhiêu chàng trai mê mẩn.

Nam Lộc cho biết đã lấy ý từ tên một đặc san do các nữ sinh Trưng Vương thực hiện vào đầu thập niên 70. Tính chất lãng mạn và mềm mại của tên đặc san đã khơi dậy tâm hồn nghệ sĩ nơi ông, một cựu học sinh Chu Văn An, với những mối tình thơ mộng cùng những hẹn hò của tuổi học trò.


image042Ca sĩ Mimi


Phận Tơ Tằm là phận gì? Một ca khúc có tên rất lạ của Hồ Tĩnh Tâm và nhạc sĩ Minh Kỳ. Có người cho rằng Phận Tơ Tằm là loài bướm hóa kiếp cầm ca, người ca sĩ ví như phận tơ tằm, ví như tình yêu của bướm.


Người nói đi như tim người nghĩ.

Làm nghề xướng ca tôi mang tội gì?
Họa là có chăng tôi mang tội đời

Làm cho nhân thế say mê.


image043Ca sĩ Diễm Quỳnh


Với 26 tiết mục hấp dẫn trong chương trình “Quê Hương Thu Tình Tự”, ông bầu Cao Minh Hưng đã cho kết thúc với vũ điệu Xin Mùa Thu Ở Lại (thơ Nguyên Nhung, phổ nhạc Cao Minh Hưng);



Chương trình Ca Vũ Nhạc chủ đềQuê Hương Thu Tình Tự” không chỉ là tiếng hát của những ca sĩ gần gũi với quần chúng, mà nội lực thu hút của chương trình chính là những màn vũ điêu luyện kết hợp với âm nhạc được dàn dựng công phu.


Vũ đạo và âm nhạc chứng tỏ nhà đạo diễn Cao Minh Hưng rất dầy dạn trong khả năng sáng tạo làm sáng rực sân khấu. Người viết bài này cho rằng với niềm đam mê nghệ thuật, Cao Minh Hưng sẽ còn tiến xa trên con đường sinh hoạt nghệ thuật.


Không những thế, một trong các sinh hoạt của CLBTNS là chương trình "Đào Tạo và Phát Triển Tài Năng Trẻ" mà CLB TNS đã thực hiện hơn 7 năm qua.


Tài năng trẻ ở trong tập thể cộng đồng người Việt thế giới gốc Việt chính là thế hệ thứ hai, thứ ba và những thế hệ kế tiếp.


image044Ban vũ thiếu nhi CLBTNS


image046Ban vũ thiếu nhi CLBTNS


Một suy nghĩ thoáng qua, với những ca khúc ngợi ca tình tự đóa hoa tình yêu, đóa hoa bất tử quê hương, nếu có thêm một vài tiết mục của các em thiếu nhi trong chương trình "Đào Tạo và Phát Triển Tài Năng Trẻ" của CLBTNS tham gia thì càng hay hơn.


Hơn 100 em thiếu nhi đã được đào tạo và hướng dẫn học tiếng Việt, ca hát và múa với nhiều tiết mục chất chứa dòng máu quê hương dân tộc đã nhiều lần đóng góp vào sinh hoạt cộng đồng suốt 7 năm qua của CLBTNS.


Các em sẽ và đã mang lại sự bất ngờ trong làn sóng âm nhạc, trong đời sống nghệ thuật sân khấu trẻ trung hóa, trong lòng khán giả thân yêu cộng đồng Việt Nam của chúng ta ở hải ngoại, nhất là niềm vui của các bậc cha mẹ có những đứa con ngoan.


Thiết nghĩ, tầm vóc sinh hoạt nghệ thuật của người Việt hải ngoại ngày càng khoác lên màu áo mới, đẹp hơn, cao hơn, hài hòa hơn đối với những người có tấm lòng hướng đến chân, thiện, mỹ và không quên cội nguồn đa văn hóa của dân tộc mình.


Chúc nhạc sĩ, ông bầu, Bác sĩ Nha khoa Cao Minh Hưng vững vàng khối óc và con tim - nhiều sáng tạo mới trên con đường phục vụ nghệ thuật và cộng đồng.


Mùa Thu ra đi và trở lại.      


Lý Kiến Trúc

California 19 Nov 2023


Vài hình ảnh những màn vũ đạo đặc sắc của Ban Múa Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ trong chương trình "Quê Hương Thu Tình Tự"
- Màn múa Đêm Hoa Đăng (thơ: Cẩm Nhung, nhạc: Cao Minh Hưng)
- Màn múa Áo Dài Việt Nam (nhạc và lời: Cao Minh Hưng)
- Màn múa Xin Mùa Thu Ở Lại (thơ: Nguyên Nhung, nhạc: Cao Minh Hưng)


image048image050image052image053image055Từ phải: Nhà báo Lý Kiến Trúc và Nhạc sĩ Cao Minh Hưng (thứ hai) Trưởng đoàn Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, cùng với các nghệ sĩ Ca Vũ Nhạc chụp ảnh kỷ niệm trong buổi trình diễn tại Clara Studio chiều Chủ Nhật 12/11/2023. Phía sau là những chiếc lá vàng mùa Thu Cali. Ảnh: Photographer: HTV


(1)  L/L Cao Minh Hưng 714-403-9315


(2) L/L Phạm Trí Tuệ 714-308-3619
08 Tháng Bảy 2024(Xem: 956)
LITTLE SAIGON, California (NV) – “Qua những gì mà tôi biết được, Dược Sĩ Hoàng Ngọc Tuệ có ba nén bạc giúp cho xã hội, giúp cho gia đình, và giúp cho đời,” Giám Mục Nguyễn Thái Thành, giám mục phụ tá Giáo Phận Orange, chia sẻ tại Thánh Lễ An Táng ông Gioan Baotixita Hoàng Ngọc Tuệ ở nhà thờ Thánh Linh, Fountain Valley, hôm Thứ Bảy, 6 Tháng Bảy.
13 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2302)
We had the privilege of joining the prestigious 'World Korean Business Convention' last October 11-14, 2023. This international event served as a vital platform for global business collaboration, innovation, and empowerment. We embraced the opportunity to connect with industry leaders, visionaries, artists, and aspiring business leaders.
30 Tháng Mười 2023(Xem: 799)
LITLE SAIGON – Một tin nhắn gởi đến cho chúng tôi vào giấc trưa Thứ Hai 30/10/2023 cho biết Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Marc Knapper đến thăm Thương xá Phước Lộc Thọ tọa lạc số 9200, Đại lộ Bolsa Thành phố Westminster, Quận Cam Nam California vào lúc 2 giờ trưa ngày 30 tháng 10 năm 2023.