Ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Israel; Thủ lãnh Hamas là ai?

13 Tháng Mười 20237:57 SA(Xem: 3943)

VĂN HÓA ONLINE – ĐIỂM NÓNG – THỨ SÁU 13 OCT 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Israel; Tội ác Hamas; Thủ lãnh Hamas là ai?

image001

VĂN HÓA ONLINE

13/10/2023

(Tổng hợp)


Chiến tranh Israel - Hamas: Hoa Kỳ trấn an đồng minh Israel


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken bắt đầu chuyến công du Trung Cận Đông từ hôm 12/10/2023 với Tel Aviv là chặng dừng đầu tiên. Tại đây ông Blinken khẳng định Mỹ « luôn luôn » sát cánh với Irael chống lại lực lượng « khủng bố » Hamas. Để thể hiện tình liên đới chặt chẽ giữa hai nước đồng minh, hôm nay, 13/10/2023, đến lượt bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, tướng Lloyd Austin, đến Israel, xem xét về những phương tiện giúp nhà nước Do Thái « tự vệ ».


RFI 13/10/2023


image004Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (T) và thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu với báo giới tại bộ Quốc Phòng Israel ngày 12/10/2023. via REUTERS - POOL


Thanh Hà


Hãng tin AFP cho biết theo dự kiến, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ sẽ hội kiến thủ tướng Benjamin Netanyahu và bộ trưởng Quốc Phòng Yoav Galland. Thông cáo của Lầu Năm Góc cho biết chuyến đi này nhằm « nhấn mạnh Mỹ kiên trì ủng hộ nhân dân Israel và khẳng định những cam kết bảo đảm cho Israel có phương tiện tự vệ ». Hoa Kỳ đã gửi thêm viện trợ quân sự cho Israel.


Hôm qua tại thủ đô Israel, ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố Washington công nhận « quyền trả đũa » của quốc gia này. Lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ nhìn nhận « nguyện vọng chính đáng của người Palestine », nhưng theo ông, Hamas không đại diện cho người Palestine và « tất cả những ai yêu chuộng hòa bình, công lý đều phải lên án Hamas gieo rắc kinh hoàng ».


Sau cuộc hội đàm với thủ tướng Israel, ngoại trưởng Mỹ đến Jordanie. Trong cuộc họp với quốc vương Abdallah đệ nhị sáng nay, đôi bên đã tập trung vào hồ sơ người Palestine di tản. Jordanie cảnh báo « cần tránh để khủng hoảng lan rộng sang các nước láng giềng của Israel khiến vấn đề người tị nạn càng thêm nghiêm trọng ».


Cũng trong ngày hôm nay, ngoại trưởng Blinken sẽ đến Ramallah hội kiến chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas. Mãi 6 ngày sau chiến dịch tấn công bất ngờ của lực lượng Hồi Giáo Hamas, hôm qua trong một thông cáo, lãnh đạo Palestine mới đòi « chấm dứt ngay lập tức các vụ tấn công nhắm vào người Palestine », đồng thời lên án « mọi vụ sát hại nhắm vào thường dân của cả hai phía ».


Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết, tiếp tục công du Trung Cận Đông, Antony Blinken sẽ đến Qatar, một điểm tựa của phong trào Hamas và cũng là một đồng minh của phương Tây. Ả Rập Xê Út, Ai Cập và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cũng nằm trong chương trình viếng thăm của lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ. 


Châu Âu thể hiện đoàn kết với Israel


Về phía Liên Hiệp Châu Âu, hôm nay, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và chủ tịch Nghị Viện Châu Âu sẽ đến Tel Aviv thể hiện « tình liên đới » với Israel, gặp gỡ các nạn nhân vụ tấn công đẫm máu hôm thứ Bảy vừa qua. Tình hình nhân đạo tại Dải Gaza và việc đàm phán giải cứu các con tin bị Hamas bắt giữ là những điểm chính sẽ được bà Ursula Von der Leyen và bà Roberta Metsola đặc biệt quan tâm. Chủ Nhật 15/10, ngoại trưởng Pháp, Catherine Colonna trên nguyên tắc cũng sẽ công du Israel.


+++++++++++++++++++++++++++


Gaza: Quá khứ và hiện tại


13/10/2023


VOA News


image006Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ra lệnh “bao vây toàn diện” dải Gaza.


Theo báo cáo, 1.200 thường dân Israel, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em từ sơ sinh, đã bị tàn sát trong cuộc tấn công của Hamas vào miền Nam Israel vào cuối tuần này. Nhiều người Israel còn đang mất tích.


Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã ra lệnh “bao vây toàn diện” dải Gaza. Ông nói: “Không điện, không thức ăn, không nước, không xăng dầu” cho hơn 2 triệu người Palestine đang sống ở đó dưới sự cai trị của Hamas.


Tin tức từ Gaza đã lan truyền trên mạng xã hội: những cảnh tượng rõ ràng về người Palestine di chuyển trong đống đổ nát đẫm máu sau các cuộc không kích của Israel.


Chính quyền Palestine báo cáo ít nhất 900 người đã thiệt mạng ở Gaza kể từ ngày 7/10 - trong số đó có gần 500 phụ nữ và trẻ em.


Sự cai trị thuộc địa và sự thành lập của Israel


Gaza nằm dưới sự kiểm soát của Đế chế Ottoman cho đến năm 1917. Năm 1922, Palestine nằm dưới sự cai trị của thực dân Anh trong gần ba thập niên. Trong những năm đó, làn sóng người Do Thái chạy trốn sự đàn áp tôn giáo đã di cư đến Palestine hàng loạt, chủ yếu là từ Đông Âu, nơi chủ nghĩa Quốc xã đang lên ngôi.


Những người ủng hộ chủ nghĩa Phục quốc Do Thái đã tìm cách tạo ra một ngôi nhà quốc gia cho người Do Thái ở Palestine, trích dẫn mối liên hệ lịch sử với vùng đất Israel trong Kinh thánh. Chính phủ Anh công nhận Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái và đưa ra cam kết rằng một quốc gia Do Thái sẽ được thành lập ở Palestine.


Sau khi Đức Quốc xã bị đánh bại, Anh trao quyền cho Liên hiệp quốc phân chia Palestine. Năm 1948, Liên hiệp quốc thông qua kế hoạch hai nhà nước nhưng bị các nhà lãnh đạo Ả Rập thẳng thừng bác bỏ. Tuy nhiên, Israel đã tuyên bố thành lập.


Trong Thế chiến Thứ hai, các cường quốc Đồng minh đã bảo đảm cho các nhà lãnh đạo Ả Rập sự độc lập khỏi ách thống trị của thực dân để đổi lấy sự hỗ trợ trong thời chiến. Nhiều người Palestine gốc Ả Rập coi việc thành lập Israel là sự đảo ngược lời hứa đó.


Tháng 5 năm 1948, chiến tranh giữa Israel và 5 quốc gia Ả Rập láng giềng nổ ra. Israel đã giành chiến thắng và mở rộng lãnh thổ của mình một cách đáng kinh ngạc, bao gồm cả Jerusalem - thành phố linh thiêng của cả người Hồi giáo và người Do Thái.


Hàng chục nghìn người Palestine, nhiều người trong số họ đã bị đuổi khỏi làng của mình, chạy trốn đến Gaza, một dải bờ biển hẹp dài 40 km vừa bị quân đội Ai Cập chiếm giữ. Dân số Gaza tăng gấp ba lần lên khoảng 200.000 người khi người tị nạn tràn vào.


Ai Cập bị đuổi khỏi Gaza


Ai Cập cai trị Dải Gaza trong hai thập niên dưới sự chỉ huy của một thống đốc quân sự. Trong thời kỳ đó, người Palestine được tự do làm việc và học tập ở Ai Cập.


Trong nhiều năm, fedayeen, một nhóm người Palestine được gọi là những người đấu tranh vì tự do, đã liên tục thực hiện các cuộc tấn công quân sự vào Israel và gặp phải một số cuộc phản công gây nhiều thiệt hại


Israel chiếm Dải Gaza trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967 và lật đổ nhà cai trị Ai Cập. Quân đội Israel giám sát lãnh thổ khi một số lượng lớn cư dân Gaza bắt đầu lao động chân tay trong và xung quanh các khu định cư mà người Israel đã dựng lên ngay bên ngoài Gaza.


Chứng kiến vùng đất từng thuộc về họ nay thuộc sở hữu của người Israel khiến nhiều người Palestine đau lòng - và ngày nay “sự chiếm đóng”, như nhiều nhà hoạt động nhân quyền vẫn gọi, là nguồn gốc của sự phẫn uất cay đắng.


Sự ra đời của Hamas


Tình trạng bất ổn dân sự bùng phát vào năm 1987 sau khi một chiếc xe tải của Lực lượng Phòng vệ Israel, hay IDF, đâm vào một chiếc ô tô dân sự, khiến 4 công nhân Palestine thiệt mạng. Người dân ở Gaza coi những cái chết này là một cuộc tấn công được tính toán trước, một tuyên bố mà chính phủ Israel đã bác bỏ. Các cuộc đình công và biểu tình ném đá diễn ra sau đó.


Lợi dụng tình trạng bất ổn, Tổ chức Anh em Hồi giáo, một tổ chức Hồi giáo dòng Sunni có trụ sở tại Ai Cập, đã tạo ra một nhóm chiến binh phụ ở Gaza có tên là Hamas. Trong một thời gian ngắn, Hamas đã trở thành một thách thức đáng gờm đối với Yasser Arafat, lãnh đạo của Tổ chức Giải phóng Palestine, hay PLO.


Nhiệm vụ được tuyên bố của Hamas là tiêu diệt Israel và thành lập một chính phủ Hồi giáo thay thế. Ngôn ngữ trong hiến chương ban đầu, kêu gọi bạo lực chống lại người Do Thái ở khắp mọi nơi, đã bị lên án rộng rãi.


Hiệp định Oslo


Năm 1993, Israel và PLO đã đồng ý với Hiệp định Oslo, một thỏa thuận hòa bình chưa từng có thành lập Chính quyền Palestine và trao cho cơ quan này quyền hạn chế đối với Gaza và Jericho, một thành phố ở Bờ Tây. Ông Arafat thậm chí còn được phép trở lại Gaza sau cuộc sống lưu vong kéo dài hàng thập niên.


Hiệp định Oslo hứa hẹn một nhà nước, nhưng trong những năm tiếp theo, kế hoạch này đã thất bại do người Palestine bị cáo buộc đã không tôn trọng nhiều điều kiện khác nhau. Khi Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư, Hamas đã giành được nhiều ảnh hưởng hơn trong số những người dân Gaza đang vỡ mộng.


Thế kỷ 21


Bước sang thế kỷ mới chứng kiến sự rạn nứt giữa Israel và người Palestine ngày càng gia tăng khi các vụ đánh bom liều chết và xả súng hàng loạt của Hamas vào năm 2000 dẫn tới các lệnh giới nghiêm và các trạm kiểm soát trên khắp Gaza.


Chỉ qua một đêm, Israel gần như đã đóng cửa ngành đánh cá ở Gaza, một dấu ấn của nền kinh tế địa phương. Lý do của Israel là Hamas buôn lậu vũ khí bằng tàu đánh cá, được sử dụng trong các cuộc tấn công khủng bố.


Đến tháng 8 năm 2005, quân đội Israel đã hoàn toàn rời bỏ Gaza, sơ tán một số khu định cư trên lãnh thổ theo một thỏa thuận được coi là đất đổi lấy hòa bình. Dải đất được bao quanh bởi hàng rào thép gai đã được kích thích bởi hoạt động buôn bán chợ đen. Do thiếu việc làm tại các nhà kho mà Israel đưa vào Gaza, những kẻ buôn lậu đã vận chuyển hàng hóa ra vào khu vực này qua các đường hầm dưới lòng đất đến Ai Cập.


Trong một tình huống không dự liệu truóc, Hamas đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội ở Gaza năm 2006 và giành quyền kiểm soát khu vực này từ tay những người trung thành với Arafat.


Hamas đã không tổ chức một cuộc bầu cử nào kể từ đó và Israel đã phong tỏa Gaza trong hơn 15 năm. Liên hiệp quốc vào năm 2009 đã chỉ trích những hạn chế lâu dài là “gây ra sự tàn phá”. Nhưng Israel lập luận rằng nếu không kiểm soát chặt chẽ những gì ra vào Gaza thì Hamas có thể củng cố sức mạnh của mình bằng cách mua thêm vũ khí sát thương.


Ai Cập cũng đã đặt ra các hạn chế chặt chẽ ở biên giới với Gaza và đã phá hủy các đường hầm nối hai nơi vì lo ngại an ninh quốc gia.


Năm 2014, Hamas phóng rốc-két vào các thành phố của Israel. Israel đã hủy hoại các khu dân cư ở Gaza bằng các cuộc không kích trả đũa. Hơn 2.100 người Palestine thiệt mạng, phần lớn là dân thường. Theo Trung tâm Truyền thông Chiến lược của NATO, Hamas thường bám trụ ở các trung tâm đô thị và sử dụng lá chắn người trong các cuộc xung đột từ năm 2007.


Việc gì đang xảy ra hôm nay?


Vụ đổ máu mà Hamas gây ra đối với dân thường Israel vào ngày 7 tháng 10, ngày lễ Shemini Atzeret của người Do Thái, đã gây chú ý trên toàn cầu.


Sau khi Hamas xé nát các thị trấn của Israel, nổ súng vào một lễ hội âm nhạc và bắt giữ hàng chục con tin dân sự, Israel đã tấn công Gaza bằng các cuộc không kích, san bằng toàn bộ khu vực lân cận.


Các quan chức chính phủ Mỹ cho biết Iran đã hỗ trợ Hamas bằng các cuộc tập trận chiến thuật, hướng dẫn cách lắp ráp phi đạn với hệ thống dẫn đường tiên tiến và số tiền lên tới 100 triệu đô la mỗi năm - tất cả đều góp phần vào quy mô lớn của cuộc tấn công này.


Các nhà phân tích cho rằng Israel đang chuẩn bị một cuộc tấn công quân sự toàn diện vào Gaza. Ông Jonathan Conricus, phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel, nói ngày 7 tháng 10 là “ngày tồi tệ nhất trong lịch sử Israel… vụ 11/9 và Trân Châu Cảng gộp lại làm một”.


https://www.voatiengviet.com/a/gaza-qua-khu-va-hien-tai/7308613.html


++++++++++++++++++++++++


Bằng chứng tội ác Hamas chất chồng, quân đội Israel sẵn sàng tiến vào Gaza


Bên cạnh 260 nạn nhân là thanh niên dự lễ hội âm nhạc, mỗi ngày trôi qua, người ta lại phát hiện thêm nhiều người Do Thái bị Hamas thảm sát man rợ tại các kibboutz - báo chí Pháp ngày 12/10/2023 có nhiều phóng sự tường thuật. Sau cú sốc, người dân Israel trở nên cứng rắn hơn, chính quyền không thể không phát động tấn công quy mô vào phe khủng bố, dù thiệt hại sẽ rất lớn.


RFI 13/10/2023


Thụy My


image008Binh sĩ Israel khiêng thi thể của một nạn nhân bị giết hại trong vụ thảm sát ở kibboutz Kfar Aza, ngày 12/10/2023. AP - Erik Marmor


Le Monde đưa tít lớn « Tầm cỡ vụ thảm sát tại Israel ». Quân đội Israel đã mở cửa kibboutz Kfar Aza cho báo chí quốc tế, nơi quân khủng bố Hamas đã sát hại dã man thường dân. Tương tự, Le Figaro nhấn mạnh « Kfar Aza, vụ thảm sát làm cả thế giới kinh hoàng », khiến châu Âu và Hoa Kỳ đồng loạt lên tiếng ủng hộ Nhà nước Do Thái. Cả hai tờ báo đều đăng trên trang nhất hình ảnh những người lính mang xác các nạn nhân đi, mặt đất đầy những túi đen chứa thi thể. 


La Croix chạy tựa « Israel phát hiện mình dễ tổn thương »: Quy mô của vụ tấn công khủng bố hôm 07/10 cho thấy sự mong manh của hệ thống an ninh Israel, dù là tâm điểm của khế ước xã hội. Libération đăng ảnh xe tăng, binh lính với dòng tựa « Israel vào trận ». Năm ngày sau vụ tấn công khủng bố của Hamas, việc thành lập chính phủ tình trạng khẩn cấp cho thấy cuộc hành quân có thể sớm diễn ra.


Thảm sát tại các kibboutz: Trẻ em cũng không tha!


Tại kibboutz Kfar Aza, trước sự chứng kiến của phóng viên ngoại quốc, các quân nhân Israel kiểm tra từng căn nhà một để tìm những kẻ khủng bố còn ẩn náu, mìn gài lại, lựu đạn chưa nổ hay người sống sót, nhưng tất cả người dân đều đã bị giết sạch.


Tử khí bốc lên khắp nơi, ngoài vườn, trên sân thượng, trong phòng ngủ...Địa điểm này chỉ mới được tái chiếm cách đó một hôm. Kibboutz này có cư dân hầu hết là sinh viên và các cặp vợ chồng trẻ, đã bị tấn công đầu tiên. Quân khủng bố chia làm ba mũi, chưa kể từ trên trời bằng dù lượn, nã vào bằng súng trường, lựu đạn, rốc-kết. Những ngôi nhà nhỏ và những mảnh vườn xinh xinh bị đốt cháy, các tay súng lùng sục từng hang hốc để hạ thủ kể cả những em bé.


Yonatan El Koubi, lính dù dự bị 26 tuổi nhìn cảnh tượng với vẻ kinh hoàng. Anh cho Le Monde biết đang đi du lịch ở Los Angeles nhưng đã lên chuyến bay đầu tiên để về nước. Tướng về hưu Itai Veruv thổ lộ với Libération, chưa bao giờ trông thấy cảnh kinh hoàng như vậy trong đời. Xúc động cũng thấy rõ nơi các nhà báo. La Croix dẫn lời Mael Benoliel, phóng viên của i24News và BFMTV, theo những người lính đầu tiên đến nơi vào tối thứ Bảy, họ tìm thấy xác 40 em bé. Cách đó vài cây số, ở kibboutz Beeri, cùng một cảnh tượng thảm sát : 108 thi thể đã được phát hiện, đủ cả nam phụ lão ấu.


Phương Tây kinh hoàng trước những hình ảnh thời Trung Cổ


Sự man rợ của Hamas tại kibboutz Kfar Aza và Beeri - lạnh lùng sát hại trẻ em, thiêu sống cả gia đình, hãm hiếp và bắt cóc phụ nữ - gây kinh hoàng cho tất cả các quốc gia dân chủ. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen thẳng thừng tố cáo hành động « gây chiến » và « khủng bố » của Hamas, tái khẳng định quyền tự vệ của Israel và châu Âu đứng bên cạnh Nhà nước Do Thái « trong bi kịch này ». 


Libération cho biết nhiều nước châu Âu kêu gọi thay đổi chính sách về Palestine của Liên Âu, mà việc tài trợ đã gián tiếp nuôi dưỡng Hamas. Hoa Kỳ gởi ngay hàng không mẫu hạm với 75 tiêm kích, oanh tạc cơ cùng với các chiến hạm khác. Trong khi đó, các nước « phương Nam » tỏ ra nhập nhằng, như đối với cuộc xâm lăng Ukraina.


Thủ lãnh khủng bố trong bóng tối: «Ai có súng dùng súng!»


Về kẻ đứng phía sau cuộc tấn công khủng bố vừa qua, Le Figaro, Le Monde Les Echos cùng mô tả chân dung của Mohammed Deif, « bóng ma khủng khiếp », « nhà chiến lược trong bóng tối », « thủ lãnh nhánh vũ trang của Hamas ». Từ Gaza cho đến Đông Jerusalem, tên ông ta thường xuyên được người Palestine hô vang trong những cuộc biểu tình. Nhưng người ta chẳng biết được gì nhiều về Mohammed Deif, ngoài một tấm hình rất mờ chụp hồi bị tù năm 1989. Và một giọng nói cất lên mỗi lần Hamas lao vào chiến tranh.


Sáng thứ Bảy 07/10/2023, chính ông ta là người loan báo mở màn chiến dịch «Trận lụt Al Aqsa», tấn công quy mô cả trên không, trên biển và đất liền vào 22 địa điểm của Israel.


Từ hai mươi năm qua, Deif hứa hẹn « kết thúc tội chiếm đóng », mà theo các chuyên gia về an ninh, đó là sự tự sát. Bị đặc nhiệm Israel truy lùng từ thập niên 90, Mohammed Deif là « tên khủng bố hàng đầu », đã biến nhánh vũ trang của Hamas thành một quân đội có thể bắn hỏa tiễn đạn đạo sang Tel Aviv, cho biệt kích xâm nhập vào lãnh thổ Israel để ám sát, bắt cóc.


Deif đã thoát chết ít nhất 8 lần, được cho là mất một mắt và một bàn tay, sống sót sau một vụ oanh tạc làm một trong những người vợ của ông ta bị thiệt mạng. Ngay cả cha vợ cũng chỉ gặp mặt con rể đúng một lần hồi hỏi cưới năm 2007. Deif là tác giả của làn sóng khủng bố tự sát đã giết hại khoảng mấy chục người Israel đến năm 2006. Ông ta giữ im lặng trong nhiều năm, cho đến thứ Bảy vừa rồi mới xuất hiện, kêu gọi: «Ai có súng hãy cầm súng, thời cơ đã đến».


Hamas phạm tội ác chiến tranh hay tội ác chống nhân loại?


Le Figaro nhận thấy bức màn được vén lên mỗi ngày về những tội ác mà quân Hamas đã gây ra hôm 07/10. Tại những kibboutz gần Dải Gaza, những người lính của Tsahal lần lượt phát hiện thêm những xác người dân Israel bị sát hại. Luật quốc tế định nghĩa rõ, « tội ác chiến tranh » là những hành vi trong một cuộc xung đột, vi phạm các công ước nhân đạo như Genève. Còn « tội ác chống nhân loại » là khi những vụ giết chóc, đày ải, tra tấn diễn ra « trong khuôn khổ một cuộc tấn công vào thường dân ».


Ông Jean-Maurice Ripert, cựu phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhận định « Hamas đã vi phạm tất cả luật pháp quốc tế », và Hiến chương Liên Hiệp Quốc cho phép Israel tự vệ. Hy vọng Nhà nước Do Thái trong quyết tâm diệt trừ hẳn tổ chức khủng bố được nước ngoài vũ trang vẫn tôn trọng các quy định về nhân đạo. Theo ông, Liên Hiệp Quốc yếu đi là vì Trung Quốc ngăn trở rất nhiều cuộc tranh luận, với sự tiếp sức của Nga.


Vắng bóng « hiến binh quốc tế »


Le Monde nêu ra lời tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, vốn muốn đóng vai trò trung dung, kêu gọi « Israel ngưng oanh tạc » « người Palestine ngưng quấy rối thường dân Israel », bởi vì « chiến tranh cũng có những tiêu chí và đạo lý của nó ».


Nhưng nhật báo Pháp nhắc nhở, hiện không còn « sen đầm quốc tế » nào. Trật tự nào sẽ được áp dụng? Liệu có ai chú ý tới nỗ lực của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về hòa bình Trung Đông, Tor Wenneslandveef? Cú sốc của vụ tấn công khủng bố ngày 07/10 không chỉ về tiêu chí hay đạo lý như ông Erdogan nói, mà còn làm rung chuyển cả thăng bằng địa chính trị vốn mong manh trên thế giới.


Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan mới cách đây hai tuần còn nói rằng « Trung Đông yên tĩnh hơn hẳn so với hai mươi năm trước ». Yên tĩnh cho đến nỗi Hoa Kỳ - trong bối cảnh phe cực đoan ngăn trở việc bổ nhiệm các viên chức cao cấp - không có đại sứ ở Israel lẫn Ai Cập, Koweit hay Oman. Rốt cuộc, ai sẽ gánh lấy cái « nghiệp » bất khả thi là thiết lập đối thoại giữa Israel và Palestine?


Libération kể ra : Hoa Kỳ đang vào mùa tranh cử, Trung Quốc không có ảnh hưởng gì trong khu vực. Châu Âu, vừa là đồng minh của Israel lại vừa cung cấp viện trợ thiết yếu cho Palestine, đang trong cú sốc và bị chia rẽ; Nga thì đang rình rập chờ thủ lợi.


Dân Israel: Từ kinh hoàng đến phẫn nộ


Về phía người dân Israel, sau cơn choáng váng, họ trở nên cứng rắn hơn. Les Echos dẫn lời Jean-Luc Ayash, giám đốc một nhà trẻ tư nhân ở phía bắc Tel Aviv, tự cho là cánh tả, nói : « Tôi không còn nhận ra tôi nữa. Cho tới nay, tôi vẫn thương tiếc những nạn nhân vô tội Palestine bị Israel không kích ở Dải Gaza. Nhưng giờ đây tôi cho rằng như vậy là đáng kiếp ».


Những hình ảnh thi thể trẻ em, phụ nữ, thanh niên bị phân xác đã nhắc lại những vụ thảm sát người Do Thái thời Sa hoàng Nga, thậm chí Shoah (diệt chủng người Do Thái) của Đức quốc xã. Nhưng lần này là ngay trên lãnh thổ Do Thái! Ngay cả một nhật báo rất thiên tả như Haaretz cũng nhìn nhận: «Nhiều người nghĩ rằng cần phải biến Dải Gaza thành tro bụi, kể cả với cái giá nhiều nạn nhân là dân thường. Hai triệu người Palestine sẽ phải chịu đau khổ vì một thế lực độc tài được dân chúng ủng hộ».


Đối lập Israel tham gia chính phủ khẩn cấp và nội các thời chiến


Năm ngày sau vụ tấn công, thủ tướng Benjamin Netanyahou loan báo thành lập một chính phủ khẩn cấp trong tinh thần đoàn kết dân tộc, với nhiều khuôn mặt đối lập - Les Echos Le Figaro lưu ý.


Chiến tranh gắn kết dân tộc Do Thái. Ông Netanyahou và nhân vật đối lập Benny Gantz - cựu tổng tham mưu trưởng quân đội và cựu bộ trưởng quốc phòng - thỏa thuận lập ra « nội các thời chiến ». Ngoài ba thành viên: Benjamin Netanyahou, đương kim bộ trưởng quốc phòng Yoav Gallant, Benny Gantz; còn có hai chính khách thuộc đảng của ông Gantz nhưng không có quyền quyết định. Nội các này chỉ xử lý vấn đề an ninh, vì Benny Gantz không muốn liên quan đến những quyết định khác của ông Netanyahou. Ông Gantz nổi tiếng từ cuộc chiến tranh chống Hamas ở Gaza năm 2014, kéo dài 50 ngày.


Chính phủ cũng được mở rộng, gọi là « chính phủ khẩn cấp ». Năm thành viên đảng đối lập của Benny Gantz trở thành bộ trưởng không bộ, và chính phủ hiện thời của Benjamin Netanyahou được 64/120 nghị sĩ ủng hộ, nay tăng lên 76. Một chỗ trong nội các chiến tranh cũng được dành cho Yair Lapid, thủ lãnh đảng cánh trung Yesh Atid nếu đảng này muốn tham gia. Thủ tướng Netanyahou cũng chấp nhận việc hai thủ lãnh đảng cực hữu, Itamar Ben Gvir và Bezalel Smotrich hiện là hai bộ trưởng, không có mặt trong nội các này.


Khả năng Hamas dẫn dụ Tsahal vào bẫy chiến tranh đô thị


Trong bối cảnh người dân đang phẫn nộ trước các vụ thảm sát, cuộc tiến công trên bộ vào Dải Gaza, hôm thứ Bảy vẫn được coi là giải pháp cuối cùng, nay không thể tránh khỏi. Đặc phái viên Libération tại miền nam Israel ghi nhận tất cả các thành phần của lục quân đều có mặt tại khu vực gần Dải Gaza: lính xe tăng, công binh, quân y, tay súng bắn tỉa… Nhiều người là quân dự bị có trình độ cao: kỹ sư, kịch tác gia, chuyên gia kiểm toán…


Chuyên gia Pierre Razoux cảnh báo «Hamas tìm cách thu hút Tsahal vào chiếc bẫy một cuộc chiến tranh đô thị». Việc phong tỏa Gaza giúp tránh được thiệt hại trong ngắn hạn và làm Hamas yếu đi, nhưng không giải quyết được vấn đề con tin. Nhất là nếu quân khủng bố phổ biến cảnh họ bị hành quyết sẽ khiến thủ tướng Netanyahou gặp nhiều khó khăn trong nội bộ. Theo ông Razoux, một trong những giải pháp là Israel có thể kết hợp với những hoạt động « cú đấm » để tìm kiếm các con tin ở những nơi đã định vị được, mà lực lượng đặc biệt gọi là « Hit and Run » (tiến đánh và bỏ chạy).


Hamas có 35.000 quân, chắc chắn đã chuẩn bị nhiều bẫy rập trên đường phố, trong các tòa nhà, trên nóc cao ốc…Để kiểm soát được Gaza, quân đội Israel cần khoảng 200.000 chiến binh cho chiến dịch này, tức 40 % lực lượng kể cả quân dự bị. Mục tiêu là cắt Gaza làm nhiều khúc, vô hiệu hóa những điểm quan trọng.


Thiệt hại lớn lao khó tránh


Xe tăng sẽ canh giữ các đại lộ, ngã tư, những đơn vị bộ binh cơ giới đột phá để vào được các tòa nhà và địa đạo. Bộ binh được trực thăng triển khai vào ban đêm, dưới sự bảo vệ của drone và chiến đấu cơ, đồng thời tiến vào các tầng hầm, ngõ hẻm, căn hộ, trên nóc nhà, kiểm tra từng tòa nhà một để giải cứu con tin, chấp nhận khả năng những người này có thể bị sát thương trong trận đánh.


Đó sẽ là một chiến dịch kéo dài và tốn kém. Đành rằng quân đội Israel được huấn luyện chu đáo, hỏa lực mạnh, có nhiều phương tiện công nghệ. Tất cả binh sĩ đều có kính ngắm hồng ngoại loại mới nhất, drone và robot giám sát, máy quét nhìn xuyên tường… Nhưng đối diện với họ là hàng mấy chục ngàn kẻ thù sắt máu được vũ trang đầy đủ, ngoài ra còn có thể lôi kéo thanh niên tại chỗ tham gia. Thiệt hại sẽ rất lớn: trong chiến tranh đô thị, khoảng 5 % tử thương và 25 % bị thương, chưa kể chấn thương tâm lý đối với những người lính trẻ. Thường dân Palestine cũng phải trả giá, vì trước khi tiến hành mọi cuộc tiến công trên bộ, bom luôn được rải thảm.


Nhưng liệu có cách nào khác?


Hai nhân vật chống đối thỏa thuận Oslo, thủ lãnh Ismael Hanniyeh của Hamas và Benjamin Netanyahou của đảng Likoud, nay so găng không thương tiếc. Hanniyeh tại nơi lưu vong sang trọng ở Qatar, còn Netanyahou trong ngôi biệt thự được canh phòng cẩn mật ở Césarée.


Nhà văn kiêm nhà ngoại giao Pháp Jean Giraudoux từ thế kỷ trước đã cảnh báo: «Đặc quyền của các nhân vật quan trọng là quan sát thảm họa từ sân thượng».


++++++++++++++++++++++++++++


Mohammed Deif, Lãnh đạo phe quân sự của Hamas, kẻ chủ mưu đằng sau các cuộc tấn công của Hamas vào Israel

image010

Zaheer Hussain


October 12, 2023


https://ssbcrackexams.com/mohammed-deif-leader-of-hamass-military-wing-mastermind-behind-hamas-attacks-over-israel/


Violence Has Been Raging Ever Since The Palestinian Militant Organization Hamas Launched An Unprecedented Attack On Israel On Saturday (October 7).  The Toll Has Passed 3000 And Thousands Have Been Wounded On Both Sides.


Mohammed Deif, Lãnh đạo cánh quân sự của Hamas


Tin tức


• Bạo lực hoành hành kể từ khi Tổ chức phiến quân Hamas Palestine phát động cuộc tấn công chưa từng có vào Israel vào thứ Bảy (7/10). Con số đã vượt qua 3000 và hàng ngàn người bị thương ở cả hai bên.


• Hamas và một nhóm nhỏ hơn có tên là Thánh chiến Hồi giáo cũng đã bắt giữ hơn 130 người từ bên trong Israel và đưa họ vào Gaza để đổi lấy việc thả hàng nghìn người Palestine bị Israel cầm tù.


• Theo báo cáo, Mohammed Deif, Lãnh đạo cánh quân sự của Hamas, cho biết “Chiến dịch Bão Al-Aqsa” là để đáp lại “16 năm phong tỏa Gaza, sự chiếm đóng của Israel và một loạt sự cố gần đây đã mang đến cho Israel - Căng thẳng của người Palestine đến mức sốt cao”. Nhưng người ta biết rất ít về bản thân Deif, người thường được mô tả là một nhân vật “bóng tối”.

image011

Mohammed Deif là ai?


• Deif là người đứng đầu cánh quân sự của Hamas từ năm 2002. Theo một hồ sơ gần đây trên tờ Financial Times, ông ấy sinh ra là Mohammed Diab Ibrahim Al Masri tại Trại tị nạn Khan Younis ở Gaza trong những năm 1960.


• Gaza, vào thời điểm đó, đã nằm dưới sự kiểm soát của Ai Cập (Từ 1948 đến 1967). Từ năm 1967 đến năm 2005, nó nằm dưới sự cai trị của Israel và sau đó Gaza nằm dưới sự quản lý của chính quyền Palestine từ năm 2005 đến năm 2007. Năm 2007, một cuộc đảo chính của Hamas đã thiết lập quyền kiểm soát.


• Báo cáo cho biết chú hoặc cha của Deif đã tham gia vào các cuộc đột kích của những người Palestine có vũ trang vào những năm 1950 vào cùng khu vực mà các chiến binh Hamas đã xâm nhập vào Israel vào thứ Bảy. Deif sau đó tiếp tục gia nhập Đại học Hồi giáo Gaza.


Deif đóng vai trò gì ở Hamas?


• Hamas được thành lập vào cuối những năm 1980, sau khi bắt đầu phong trào Intifada hay cuộc nổi dậy đầu tiên của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel ở Bờ Tây và Dải Gaza. Việc Israel chiếm giữ hai khu vực xảy ra trong cuộc chiến tranh Israel-Ả Rập năm 1967.


• Deif ở độ tuổi 20 vào khoảng thời gian diễn ra Intifada đầu tiên. Sau đó, anh ta cũng bị bỏ tù bởi người Israel, những người chịu trách nhiệm về cái chết của hàng chục người trong các vụ đánh bom tự sát, bao gồm cả một làn sóng năm 1996 giết chết hơn 50 thường dân.


• Những vụ đánh bom này nhằm đáp lại Hiệp định Hòa bình Oslo được ký kết vào đầu những năm 1990 giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), Cơ quan đại diện cho hầu hết người Palestine.


• Hiệp định nhằm mang lại quyền tự quyết của người Palestine, dưới hình thức một nhà nước Palestine cùng với Israel. Nhưng Hamas đã chống lại điều đó với lý do là trong Chiến tranh Israel Ả Rập năm 1948, Israel đã giành được quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ của Palestine. Người ta lập luận rằng Hiệp định sẽ có nghĩa là mất lãnh thổ đối với Palestine một cách hiệu quả.


Những nỗ lực đối với cuộc sống của Deif


Deif đứng đầu danh sách “bị truy nã gắt gao nhất” của Israel trong nhiều năm và đã thoát khỏi nỗ lực tiêu diệt anh ta trong gang tấc của Quân đội Israel trong nhiều lần. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã chỉ định anh ta là một kẻ khủng bố.


• Nhiều nỗ lực đã được báo cáo là đã khiến anh ta phải ngồi trên xe lăn sau khi bị mất một cánh tay và một chân. Trong khi các tổ chức khác tuyên bố anh ta cũng bị mất một mắt. Deif đã tìm kiếm các mục tiêu có tác động cao, chẳng hạn như người định cư và binh lính ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, xe buýt ở Jerusalem và Tel Aviv.

image013